07. Chuyện xảy ra trên đường sắt Thống Nhất phần 1
Chuyện xảy ra trên đường sắt Thống Nhất
Tháng 3-1977
Vào những ngày đầu tiên sau khi khánh thành đường sắt Thống Nhất, tôi có dịp đi từ Hà Nội về thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chuyến tàu chạy bình thường mỗi tuần, song khi bước chân lên toa xe, tôi thật sự xúc động. Tôi thò đầu ra cửa sổ, ngắm ga Hà Nội lần chót.
Nhà ga quét vôi vàng rực, át hẳn cái lạnh màu xám của buổi chiều cuối đông. Trên nóc ga, những cây sắt tròn cỡ ngón tay ngón chân vươn lên tua tủa, chờ đợi những mẻ bê tông mới để làm nên những tầng lầu mới. Sân ga bề bộn giờ cũng đã bớt ồn ào. Những người đi tiễn đứng dọc theo con tàu. Cô gái cười nói ríu rít. Ông đứng tuổi lặng lẽ giơ tay vẫy. Bà cụ kéo chiếc khăn len choàng lau cặp mắt. Anh cán bộ Đường sắt siết tay tôi và dặn đi dặn lại:
- Đến ga thì anh xuống. Đi bộ khoảng mười cây số, đến khi gặp tấm bảng chỉ độ cong thì tới nơi.
Tôi lắc tay, cảm ơn anh và hứa nhất định sẽ tìm ra chỗ ấy. Ngoài kia, cửa ga đã khép lại.
Bổng cánh cửa bật tung ra. Một cô gái chạy nhào vào sân, ào ào như một cơn gió mùa đông bắc không được báo trước. Cô ấy nổi bật với chiếc măng-tô-san bằng dạ xanh nước biển khoác trên người. Quần âu len gọn gàng bó lấy cặp chân thon. Đôi giày cao gót nện hối hả trên sân ga yên lặng. Còn chiếc khăn voan che lạnh thì được tháo ra buộc lấy đuôi tóc dài nhịp nhàng, ngúng nguẩy theo mỗi bước chân của cô. Cô mang theo hai chiếc va ly thật đẹp, to tướng, mà không phải xách. Cô để chúng trên một chiếc xe đẩy. Chiếc xe ba bánh mạ kền sáng choang, mới tinh, loại xe dùng cho những người bị liệt hai chân. Tôi nhoài hẳn người ra cửa sổ để xem có ai bị liệt chân phải khiêng đi sau cô không. Tuyệt nhiên không. Chỉ có chị nhân viên gác cửa nhà ga trong bộ đồng phục chỉnh tề màu xám vừa rúc còi inh ỏi vừa đuổi theo cô.
Cả sân ga vụt ồn lên. Cả đoàn tàu đều nhốn nháo. Hàng trăm cặp mắt đổ dồn vào cô gái. Cô ngừng phắt lại, ấn vào tay chị nhân viên nhà ga cái vé. Rồi chẳng chờ chị này soát xong đưa trả, cô vội vàng đẩy xe chạy ào đến đoàn tàu. Xa trưởng hành khách dang hết hai tay ra cản cô, mồm ngậm còi huýt lia lịa. Hai anh công an đường sắt mặc áo vàng rầm rập chạy đến. Cô gái đứng sững, ngơ ngác một giây. Bỗng cô quay người lại, chìa tay xin chị gác cửa cái vé của mình. Cô thở hổn hển, đưa vé ra phân bua với mọi người:
- Tôi đi có vé đàng hoàng đây. Tôi ra cũng chưa trễ giờ. Sao không cho tôi lên tàu?
Xa trưởng hành khách cầm vé xem. Chắc là cái vé hoàn toàn hợp lệ nên anh lúng túng nói:
- Nhưng tàu khách chúng tôi không chở loại hàng cồng kềnh này.
- Tôi nghe nói tàu khách có chở xe đạp, xe máy.
- Có, nhưng phải mua vé cước. Vả lại đã quá giờ nhận hành lý.
- Tôi xin mua vé cước. Và sẵn sàng nộp phạt. Miễn là.
- Cô vui lòng để lại. Chúng tôi sẽ chở vào sau cho cô.
- Đồng chí thông cảm. Tôi mang xe này vào cho.
Giọng cô nghẹn lại và nước mắt cô ngân ngấn. Anh xa trưởng hành khách nhìn đồng hồ, rồi quay lại hỏi chị nhân viên coi toa hành lý:
- Còn chỗ không?
- Báo cáo, hết!
Còi tàu giục rền rĩ. Mà cô gái thì nhất định không chịu bỏ lại cái xe đẩy. Anh xa trưởng càng thêm lúng túng. Bỗng anh ra lệnh cho mấy nhân viên hành lý:
- Mang xe này lên để tạm ở toa ăn. Tôi sẽ có cách giải quyết.
Quay sang cô gái, anh nói:
- Cô mang va ly này về toa. Nhanh lên!
Cô gái chụp lấy cánh tay anh xa trưởng, lắp bắp:
- Cám ơn đồng chí!
Cô kéo chéo khăn voan, lau vội mấy giọt nước mắt vừa lăn trên má. Vài nhân viên đường sắt xách giúp va ly bỏ lên tàu cho cô.
Còi tàu thét lớn. Bánh sắt nhè nhẹ lăn tới. Đến lúc ấy, những người ra tiễn như chợt giật mình, nhớ lại, vội đưa tay vẫy vẫy.
Con tàu rời khỏi ga Hà Nội trong buổi chiều đông lạnh. Còi tàu vang vang, vừa rộn ràng náo nức, vừa bâng khuâng, bồn chồn. Mưa phùn bắt đầu rơi. Những hạt mưa li ti nhảy múa vật vờ ngoài cửa toa tàu, bay tấp vào mặt tôi lạnh buốt. Tôi đóng cửa kính. Ngoài kia, cảnh vật trở nên mờ ảo sau màn mưa.
*
* *
Phòng của chúng tôi có bốn giường. Nhưng từ khi tàu chạy đến giờ, một giường bị bỏ trống.
Gần đến ga Thường Tín thì cửa phòng sịch mở. Một chị nhân viên đường sắt giơ tay về hướng tôi đang ngồi và nói:
- Mời chị vào đây. Ghế của chị ở kia.
Tôi quay nhìn ra và: đúng cô gái lúc nãy! Có điều là bây giờ cô đã cởi chiếc măng-tô-san ra, vắt nó trên tay. Chiếc quần âu màu xám đậm và chiếc áo len cao cổ, dài tay màu xám tro càng làm nổi bật thân hình cân đối của cô gái.
Tôi vội đứng dậy, giúp chị nhân viên lê hai chiếc va ly to vào xếp dưới gầm giường. Cô gái gật đầu cám ơn. Rồi cô ném chiếc măng-tô-san lên giường, thở phào, đưa hai tay sửa lại mái tóc. Cô treo áo khoác lên mắc, thu gọn túi xách vào một góc giường nhanh nhẩu nói:
- May quá! Không thì em phải rớt lại cho đến tuần sau! Một tuần! Ôi chết mất!
- Chị về thăm quê?
- Không! À vâng. Em vào trong ấy nhận công tác.
Tôi ngạc nhiên nhìn cô. Chưa phán đoán được. Cô thì vẫn còn đầy cảm xúc về "chiến công" vừa rồi của mình. Cô nói, giọng sôi nổi:
- Đến tận trưa nay, em vẫn còn chạy cuống lên. Đến chiều, thất vọng, nhưng em cứ chạy bừa ra ga. May quá! Một anh không đi, nhường vé lại cho em. Thế là tức tốc về nhà, mang đồ đạc đến. May quá! Đúng là số em may thật!
Tôi cứ ngồi yên, nhìn và nghe cô. Đôi mắt bồ câu với hàng mi dài cứ sáng lên theo mỗi câu nói. Khuôn mặt tròn rạng rỡ. Hàm răng trắng bóng và đôi môi thoa một lớp son nhẹ, mỗi khi cười, lại để lộ chiếc răng khểnh bên mép phải, vừa nghịch lại vừa có duyên.
Tôi cười:
- Chị tin vào số à?
Bị hỏi bất chợt trong khi đang hào hứng kể lể (một câu hỏi cũng khó trả lời đấy chứ?), cô hơi sững lại một giây. Song cô liền cười phá lên và giành chủ động ngay:
- Sao anh gọi em bằng chị? Em chỉ đáng tuổi em của anh thôi mà.
Vậy là tôi bị đặt vào tình thế phải đối xử rộng lượng và thân mật với cô. Tôi nói:
- Vậy cô cho tôi biết tên đi.
- Em là Tâm.
- À. Vậy Tâm quê ở trong Nam chăng?
- Không. Quê em ở ngoài này. Anh vào thành phố Hồ Chí Minh chứ?
Tôi gật đầu:
- Vâng, tôi vào đấy. Nhưng còn xuống một nơi dọc đường để công tác. Sau đó mới lại vào Sài Gòn. Tâm vào nhận công tác ở đâu?
- Ngành giao thông anh ạ.
- Tâm chuyên môn làm gì?
- Làm hầm.
- Vậy là có khi được phân công về đường sắt.
- Em cũng nghĩ thế.
Tôi cười:
- Con gái sao lại chọn nghề này?
Tâm hơi bẽn lẽn, nhưng vội hỏi lại:
- Nghề này thì sao hở anh?
Tôi chưa tìm được tìm câu trả lời thì Tâm đã nói tiếp:
- Bên nước bạn mà em sang học, con gái theo nghề này cũng không ít. Đáng lẽ em về nước từ hè năm ngoái. Tốt nghiệp rồi. Nhưng bị giữ lại để học thêm, sau này còn về dạy ở Đại học giao thông. Đấy, em được đào tạo để thành cô giáo. Nhưng em không thích. Đấu tranh mãi. Rốt cuộc, em được về đây!
Cô nở nụ cười đắc thắng. Tôi liếc nhìn cô. Chiếc răng khểnh vừa tinh nghịch lại vừa bướng bỉnh, không chịu xếp hàng ngay ngắn. Nó là thừa, nhưng thiếu nó có lẽ cô gái sẽ mất duyên. Bây giờ, tôi mới hỏi cô cái câu hỏi nãy giờ vẫn lẩn quẩn trong ý tôi:
- Chiếc xe lăn cô mang nó từ bên ấy bên về?
Cô gái ấp úng rồi mới nói:
- Vâng. À em còn mang sách về nữa chứ! Hai va ly này, phần lớn là sách đấy!
- Chiếc xe ấy đã ổn chưa?
- Xong rồi anh ạ. Các anh đường sắt cho tháo hết ra, bó gọn lại, và để vào toa hành lý rồi.
- Cô định mang chiếc xe vào Sài Gòn.
- Vâng.
- Trong ấy, có nhiều.
- Em biết, nhưng mang từ xa về vẫn.
Tôi hiểu. Đó là một tấm lòng. Tấm lòng của cô. Từ nước ngoài xa xôi, cô luôn luôn nghĩ đến một người. Người đó là ai vậy? Chắc là một người hết sức thân thiết đối với cô. Tôi cân nhắc một lúc rồi phải hỏi:
- Xin lỗi Tâm. Tâm mang xe ấy vào cho.
Tôi nhận thấy cô gái đỏ mặt, đôi mắt bồ câu chớp nhanh. Đúng lúc đó, con tàu huýt một còi dài, vượt qua đường ô tô, trong hai cổng chắn sơn từng khúc đỏ xen trắng. Sau đó, cô quay lại, chỉ chiếc giường của tôi:
- Anh đổi chỗ cho em nhé? Em hơi mệt.
Tôi hiểu ý gật đầu. Tâm thu chiếc măng-tô-san, nhanh nhẹn trèo lên giường phía trên.
*
* *
Khoảng 10 giờ đêm, hành khách trong phòng trùm kín chăn, đi sâu vào giấc ngủ. Tiếng bánh sắt lăn rào rào trên đường ray, lạch cạch qua các mối nối như một bản nhạc ru đều đều. Con tàu lắc lư, lắc lư. Người tôi đu đưa nhè nhẹ như được ru trên võng. Trên trần, chiếc đèn tròn tỏa xuống ánh sáng trắng đục dịu dàng.
Tôi chưa ngủ được, nằm suy nghĩ mông lung. Cô gái đi học ở nước ngoài về với chiếc xe lăn và hai va ly sách làm cho tôi đặc biệt có cảm tình.
Đang nằm mơ màng, tôi cảm thấy giường bên trên có tiếng động khẽ: cô đang ngồi dậy. Rồi giường tôi nằm cũng động khẽ: cô đặt chân xuống. Sau đó, có tiếng động ở cửa. Tôi hé mắt nhìn: Tâm đang lách mình ra khỏi phòng. Từ chiều đến giờ, tôi với Tâm chỉ trao đổi những câu nói bình thường về sinh hoạt trên tàu. Tôi muốn hỏi Tâm rất nhiều điều, song kinh nghiệm cho tôi biết là những chuyện tâm tình phải có hoàn cảnh thích hợp mới nói ra được. Tôi chờ dịp. Và bây giờ. Tôi ngồi dậy, mặc thêm áo ấm.
Tâm đang đứng ngoài hành lang phía cuối toa, một vai tỳ vào khung cửa sổ, nhìn cheo chéo ra ngoài. Chiếc măng-tô-san khoác trên người và hai tay cô khoanh trước ngực. Nghe tiếng động, cô quay lại. Và khi nhận ra tôi, cô lên tiếng hỏi:
- Anh chưa ngủ ư?
Tôi gật. Cô lại nhìn qua cửa sổ. Một lúc, cô hỏi:
- Đây là đâu hả anh?
Tôi nhìn kỹ bên ngoài. Trời tối mờ mờ song cũng thấy những hòn núi nhấp nhô chung quanh. Hồi lâu, tôi đã nhận ra:
- Chúng ta đang đi vào vùng núi giáp giới Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh.
- Sao anh biết?
- Trong chiến tranh, đi lại vùng này nhiều lần bằng đường bộ và cả đường sắt, nên tôi nhớ. Ta đang ở giữa ga Khoa Trường và Hoàng Mai, một trong những đoạn bom đạn ác liệt của đường sắt phía Nam. Lúc ấy, tôi đi bằng xe goòng. Khổ lắm chứ không như chúng ta bây giờ. Nhưng cũng vì vậy mới có đường sắt thống nhất hôm nay.
Cô gái nhìn tôi, cái nhìn rất lạ. Trong đêm, mà tôi thấy rõ đôi mắt bồ câu có lông mi dài mở to. Cô nói:
- Em có người bạn thân cũng đã từng chiến đấu ở đoạn đường sắt phía Nam này.
- Anh ấy làm gì?
- Làm thợ. Thợ cầu, anh ạ. Đó là lúc mở đầu của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ. Em đang học năm cuối cùng của chương trình trung học phổ thông. Anh ấy học Đại học giao thông. Nhà chúng em gần nhau và kết bạn rất thân. Anh ấy là người miền Nam. Ba má anh là cán bộ tập kết. Anh theo cha mẹ ra Bắc lúc mới được bốn tuổi. Hồi còn nhỏ, chúng em học cùng trường. Giôn-xơn ném bom, chúng em lại sơ tán về cùng một chỗ. Hôm nào ba má anh về thăm, em cũng được quà của bố mẹ em gửi cho. Ngược lại, khi bố mẹ em về thăm thì anh cũng được quà. Các cụ ở gần nhà, lại bận việc nên chia nhau về thăm chúng em. Thành ra chủ nhật nào em cũng có ba hoặc má, hoặc bố hay mẹ về thăm. Ba má anh thành ba má của em. Năm 1972, ba má anh được phân công về Nam công tác. Sau đó, chiến tranh trở lại. Anh xin ra trường, về làm cầu trên đoạn đường sắt phía Nam này. Hôm chúng em chia tay nhau lần cuối là vào một đêm trăng sáng tháng năm. Chúng em đi bên nhau trong công viên Thống Nhất. Em nhớ mãi màu đỏ rực của hoa phượng hôm đó. Màu đỏ ban đêm, bên ánh đèn, ánh nước của hoa phượng sao nó kỳ lạ thế! Mấy tháng sau, em tốt nghiệp phổ thông và được đi học nước ngoài. Em chọn ngành giao thông cho gần gũi với anh. Ngoài tình cảm riêng, giờ đây, đối với anh, em lại còn có lòng biết ơn nữa. Có anh đi đánh giặc, em mới được hôm nay. Trong một bức thư, em đã viết cho anh rất nhiều về lòng biết ơn ấy. Sau đó thì em bặt tin của anh. Em lo lắng quá. Em viết thư về nhờ bạn bè trong nước hỏi giúp tin anh. Cuối cùng em nhận được một tin rất đau lòng. Trong một trận giặc Mỹ ném bom vào cầu, sắt gãy rơi xuống đè dập nát cả hai chân anh.
Cô gái nói đến đây thì không nhìn tôi nữa. Cô quay mặt ra cửa sổ. Gió lạnh thổi hun hút, làm cho chéo khăn quàng của cô bay lất phất. Im lặng. Bánh sắt kêu rền rĩ. Tôi bỗng lóe lên ý nghĩ về một người bạn chung. Tim tôi đập mạnh. Tôi hồi hộp hỏi:
- Sau đó, Tâm có nhận được tin gì của anh ấy nữa không?
- Năm 1973, em được tin anh ấy đang an dưỡng tại Quảng Ninh. Em viết lá thư rất dài gửi về. Nhưng không có trả lời. Từ đó, em hoàn toàn không được tin gì nữa. Về nước, em tìm hỏi ngay tin tức anh. Người ta bảo hình như anh đang công tác trong ngành đường sắt tại miền Nam.
Tôi càng thêm hồi hộp. Gió lạnh ghê gớm. Giọng nói của tôi đã run run:
- Anh ấy tên gì?
- Chí! Lê Hữu Chí!
Tôi hỏi dồn tới:
- Anh ấy bị thương ở cầu nào?
- Em nghe nói là ở cầu Cun.
- Cầu Cun à?
Giọng nói của tôi chắc lạ lắm nên cô gái bỗng quay phắt lại, nhìn tôi chăm chăm. Hàng mi dài của cô cong vút. Thốt nhiên, cô cầm cánh tay tôi lắc mạnh:
- Cầu Cun ở đâu, hở anh? Anh có biết cầu Cun không?
- Có, tôi có biết. Cầu Cun ở Thanh Hóa, phía trong cầu Hàm Rồng.
- Anh có biết anh Chí không?
- Có, tôi có biết!
Cô gái bỗng chộp cả cánh tay tôi rất chặt, như muốn vồ lấy tôi. Chiếc măng-tô-san tuột khỏi vai cô, rơi xuống sàn xe mà cô không để ý. Cô hỏi giật giọng:
- Anh quen anh Chí lúc nào?
- Lúc anh ấy bị thương ở cầu Cun. Lúc đó, tôi có mặt ở đấy. Hay nói đúng hơn, tôi có mặt sau khi anh ấy bị thương nhưng đang còn nằm trên cầu.
- Trời!
Cô gái đứng không vững nữa, bíu chặt vào tôi. Tôi cúi nhặt chiếc áo, khoác lên vai cho cô và dìu cô đi:
- Ở đây gió lạnh lắm. Ta đến toa ăn kiếm một cốc cà phê sữa cho ấm. Đi Tâm.
*
* *
May cho chúng tôi: toa ăn vẫn còn sáng đèn đón khách. Chị nhân viên bán hàng đang ngồi đọc sách sau quầy rượu. Tôi mua hai cốc cà phê sữa, vài bánh mô-ka, gói thuốc lá Sông Hương. Chúng tôi ngồi trước chiếc bàn nhỏ bọc phoóc-mi-ca bóng nhoáng, sát cửa sổ. Tâm đưa cốc cà phê sữa còn nóng hổi lên mồm. Đôi môi son của cô hơi run run. Cô hớp từng ngụm nhỏ. Tôi ngồi hút thuốc lá, lặng lẽ quan sát gương mặt Tâm. Chờ cho màu hồng trở lại trên má cô, và nụ cười đầu tiên nở ra trên đôi môi nhỏ, tôi mới kể lại một kỷ niệm lúc chiến tranh.
Lúc ấy, tôi đang công tác ở cầu Hàm Rồng. Bỗng nghe tin giặc Mỹ đánh sập cầu Cun, sắt gãy đè lên chân một anh thợ. Anh là người dũng cảm và giỏi giang nhất đội, gần như một anh kỹ sư vậy. Cầu Cun yêu cầu Hàm Rồng chi viện gấp để cứu anh. Hàm Rồng liền cử ngay mấy người thợ hàn thật giỏi, mang theo cả máy và mỏ xì để cắt sắt (vì cầu Cun không có thợ và máy này). Máy móc được đặt lên một chiếc goòng nhỏ và những anh thợ đẩy chiếc goòng ấy chạy ào ào về phía cầu Cun, đi cứu bạn. Tôi theo đội cấp cứu ấy. Nhưng tôi được phân công: đến cầu Cun trước để báo tin cho anh em ở đấy yên lòng. Chúng tôi quyết cứu cho được anh thợ cầu kỹ sư ấy với hai chân còn nguyên vẹn! Vâng, với hai chân còn nguyên vẹn! Bởi vì một anh thợ cầu? Kỹ sư mà anh hùng, dũng cảm trong chiến tranh như vậy thì đó là vốn rất quý cho con đường sắt thống nhất sau này. Bởi vì một anh thợ cầu? Kỹ sư như vậy khó mà làm việc cho con đường sắt thống nhất sau này, nếu mất hai chân.
Đoạn đường giữa hai cầu xa vài ba chục cây số. Tôi đi xe đạp một đoạn, rồi gửi xe, chạy tắt núi (vì ở đây đường bộ và đường sắt tách rời nhau). Sau đó, tôi chạy trên tà vẹt của đường sắt cho đến tận cầu Cun. Gần đến nơi, tôi thấy một toán người lố nhố ở cầu. Đúng lúc đó, có tiếng máy bay địch. Tôi dừng lại, tìm chỗ nấp. Tốp máy bay từ cao lượn vòng lại, bay thấp xuống, rất thấp. Súng mặt đất liền nổ, tiếng nổ rắn đanh, cả tiếng súng trường và súng máy. Điều đặc biệt tôi để ý là ngay giữa cầu, lúc đó trở nên vắng vẻ, lại có tiếng súng bắn lên. Tan trận đánh, tôi đến nơi thì thấy chiếc cầu đổ sập. Giữa đống sắt gãy rách, cong queo, có một người. Anh còn trẻ, mặc quần áo bảo hộ lao động của thợ cầu, nhưng đầu lại đội nón sắt. Anh ngồi trên một thanh cầu gãy, người ngã ra, tựa vào một thanh xiên. Trong cái đống sắt rơi ấy, có hai thanh lớn đè ngang hai ống chân anh. Trông thấy cảnh ấy, bất giác tôi nghiến răng, nhăn mặt lại. Nhưng nhìn kỹ, thấy gương mặt anh vẫn tỉnh táo.
Từ ụ súng, những người khác cũng đổ ra. Một cô gái cứu thương đeo túi chữ thập đỏ bò ra cầu, đến bên cạnh lấy khăn ướt lau mặt cho anh và đưa cho anh một chai sữa trắng. Anh bác sĩ bệnh viện tỉnh cũng đã đến, đang bàn bạc với anh đội trưởng. Anh thợ bị thương nói rất tỉnh táo:
- Đề nghị bác sĩ cứ cưa hai chân tôi, rồi mang tôi đi. Để tôi ở đây, anh em ra thăm suốt ngày, nguy hiểm lắm.
Bác sĩ nói:
- Chân anh còn cứu được, mà chúng tôi quyết tâm cứu cho bằng được. Anh cứ yên tâm chờ một lúc nữa.
Đội trưởng thì nói:
- Cậu đừng có bốc lên. Phải giải quyết theo kiểu của người thợ. Cậu rõ chưa.
Anh thợ bị thương im lặng.
- Uống sữa đi.
Anh thợ ngoan ngoãn nghe lời. Nhưng, anh lại nói:
- Vậy thì các anh cứ để một mình tôi ở đây. Tôi chịu được. Các anh rút đi.
Tôi vội chạy đến, báo cáo tình hình cho anh đội trưởng biết. Nghe xong, anh kêu to:
- Chí ơi! Anh em Hàm Rồng sắp mang máy cắt sắt đến! Đôi chân cậu sẽ còn nguyên vẹn! Cách giải quyết của chúng mình là: Đúng!
Quay sang tôi, anh vỗ vai nói:
- Đây! Anh Thành đến báo tin trước đây.
Tôi rất sung sướng vì đã sớm mang đến luồng gió mát cho tình hình đang đến lúc căng thẳng giữa vùng cầu nóng bỏng. Tôi bò ra bên cạnh bên Chí, nắm lấy bàn tay anh. Chí siết chặt tay tôi. Bàn tay anh đầy nốt chai ram rám, khỏe mạnh, tự tin. Cặp mắt anh sáng lạ lùng, thông minh và điềm tĩnh. Anh nhìn tôi, nở một nụ cười. Tôi nhớ mãi cái siết tay cùng ánh mắt long lanh của Chí buổi trưa ấy trên chiếc cầu gãy.
Sau đó thì các anh thợ Hàm Rồng đưa máy đến. Các anh bắt đầu công việc cắt sắt rất cẩn thận, cắt sao cho lấy được đôi chân Chí ra nguyên vẹn mà cầu không vì thanh sắt bị cắt đứt đoạn mà xiêu vẹo thêm hoặc đổ nhào. Nhìn ngọn lửa xì chậm chạp đưa trên thanh sắt, anh bác sĩ nói:
- Mười lăm năm làm bác sĩ tôi mới thấy trường hợp này: cứu đôi chân của một người bị thương còn nguyên vẹn bằng kỹ thuật xì cắt!
Anh đội trưởng nói:
- Không, không. Quyết định vẫn là ở anh. Chữa cho một đôi chân như vậy trở lại bình thường. Anh có dám hứa chắc không?
Anh bác sĩ trầm ngâm chẳng đáp.