07. Chuyện xảy ra trên đường sắt Thống Nhất phần 2
Khi sắt đã được cắt xong, người ta đưa ngay anh thợ bị thương về bệnh viện tỉnh. Tôi chỉ còn kịp đưa tay vẫy anh. Tôi hỏi anh đội trưởng:
- Anh thợ ấy tên gì?
- Chí! Lê Hữu Chí! Đại học giao thông. Tình nguyện về đây đánh Mỹ. Một con người dũng cảm, thông minh, có quyết tâm lớn!
Cô gái ngồi nghe tôi kể chuyện, hàng mi dài đứng im, không chớp. Cốc sữa trên tay cô nguội đi lúc nào cô cũng không hay. Chờ một lúc, chưa thấy tôi nói tiếp, cô lại giục:
- Rồi sao nữa, hở anh?
- Từ đó đến nay, tôi chưa gặp lại Chí. Nhưng trong sổ tay cũ của tôi, tên anh nằm riêng một trang. Tôi theo dõi anh, ghi tin tức anh vào đấy, mỗi khi tôi biết được. Ví dụ: Tôi biết bệnh viện Thanh Hóa đã cứu đôi chân anh nguyên vẹn nhưng anh không đi lại bình thường được. Năm 1973, anh ở nhà an dưỡng của Tổng cục đường sắt tại Quảng Ninh. Ở đó, anh đang tập đi. Cũng ở đó, anh đã học hàm thụ và thi xong Đại học giao thông. Anh đã lấy được bằng kỹ sư, luận án tốt nghiệp rút ra từ thực tế của những ngày đánh Mỹ.
Tâm bỗng ngắt lời tôi:
- Anh có biết anh Chí giờ ở đâu không?
- Có. Tôi vừa mới biết cách đây mấy hôm. Lúc nãy tôi đã định nói với Tâm.
- Thế sao anh không nói ngay?
- Tôi chưa kịp nói thì Tâm đã. Chí bây giờ đang nghiên cứu một chuyên đề quan trọng trên đường sắt Thống Nhất này. Ban chiều tôi nói tôi sẽ xuống một nơi dọc đường để công tác chính là đến chỗ Chí đó.
Tâm nắm lấy bàn tay tôi:
- Thế ư? Anh cho em đi với. Có được không?
- Vất vả lắm. Đến ga thì phải xuống. Rồi phải đi bộ ngót mười cây số.
- Được. Em đi được.
- Nhưng. Nửa chừng cô không đòi về đấy chứ? Ở chỗ Chí sinh hoạt vất vả lắm.
- Em chịu được. Em xin hứa. Cho em đi với mà.
Cô gái năn nỉ mãi, tôi đành phải nhận lời:
- Thôi được. Tôi sẽ thu xếp với xa trưởng, đưa hành lý của Tâm vào Sài Gòn trước. Ta ở lại khoảng ba hôm rồi theo tàu công vụ vào sau. Tôi quen nhiều với mấy anh đường sắt.
- Vậy thì may cho em quá!
Tôi cười:
- Cô thật là liều lĩnh!
Chuyện đến đây tưởng cũng tạm ổn, nhưng Tâm vẫn chưa đứng lên. Cô ngồi yên, tay chống cằm, mắt đăm đăm nhìn ra khoảng tối mông lung ngoài cửa sổ toa tàu. Một lúc, cô mới ngập ngừng hỏi tôi:
- Em hỏi anh câu này nhé.
Đôi mắt bồ câu nhìn thẳng vào tôi, báo hiệu một sự băn khoăn, day dứt:
- Theo anh thì vì sao anh Chí chẳng trả lời những bức thư của em?
Câu hỏi đột ngột. Tôi chưa biết đáp như thế nào, chỉ biết ngồi rít hết hơi thuốc này đến hơi thuốc khác và ngắm mãi làn khói muôn hình muôn vẻ, bay lên, tỏa ra và tan đi trong không khí. Tâm yên lặng và kiên nhẫn chờ câu trả lời. Cuối cùng, tôi lại nhìn thẳng vào Tâm và nói:
- Tôi hỏi thật Tâm câu này nhé. Xin Tâm trả lời cho thật, hết sức chân thật: Tâm có yêu Chí không?
Đến lượt cô gái trầm ngâm hồi lâu. Rồi cô cũng đáp:
- Nói không thì chẳng đúng. Mà nói có thì.
Tôi khẽ gật đầu:
- Theo tôi, vấn đề là ở đó. Qua lời kể của Tâm, tôi thấy lúc bé hình như Tâm có yêu Chí nhưng về sau thì lòng biết ơn rõ ràng hơn.
Đôi mắt bồ câu bỗng sững sờ, nhìn khoảng trống ở phía trước, như ngạc nhiên về cái điều có thể là sự thực ấy. Tâm rơm rớm nước mắt nói:
- Anh ấy từ chối lòng biết ơn của em ư?
Tôi không dám nhìn cô, quay đi, đánh diêm châm thuốc. Mãi một lúc, que diêm mới cháy. Tôi nói:
- Chắc không phải từ chối.
- Thế sao chẳng trả lời em?
- Vì... vì lòng biết ơn rất quý. Thế nhưng bây giờ… Thế nhưng người ta không thể nào xây dựng cuộc sống chung mà chỉ dựa vào lòng biết ơn. Tôi đoán là như vậy.
Cô gái im lặng rất lâu. Đôi mắt tròn nhòa đi trong dòng suy nghĩ xa xôi. Trong đêm vắng, bánh sắt càng dội lên rền rĩ. Con tàu lắc mạnh, mạnh hơn ban ngày thì phải. Ánh đèn càng thêm sáng, soi rõ những vật rất thực mà đang lấp lánh trong toa tàu.
*
* *
Hai anh em tôi xuống ga vào một buổi sáng, khi chỉ còn cách Sài Gòn hơn bảy trăm ki-lô-mét.
Sau khi con tàu huýt còi chuyển bánh chạy tiếp vào hướng Nam, chúng tôi cũng lên đường đi về hướng ấy. Đi trên tà vẹt vất vả. Bước một thanh thì quá ngắn, còn bước hai thanh lại quá dài. Khổ một nỗi là đôi giày cao gót của Tâm hoàn toàn không thích hợp cho cuộc đi này. Tôi nghe tiếng giày lóc cóc phía sau như chạy mà thương cho cô gái bướng bỉnh. Đang ngồi trên toa sang trọng, có giường nằm hẳn hoi, vài hôm nữa là đến một nơi nhiều tiện nghi và hấp dẫn như Sài Gòn, đánh đùng lại xuống cuốc bộ giữa rừng núi trong một cuộc đi tùy hứng thế này, cô gái hiện có tâm trạng gì đây? Tôi dừng lại chờ Tâm. Cô cúi đầu đi như đếm bước, cái túi lưới không xách mà được quàng lên vai, cõng ở sau lưng. Trông dáng đi của Tâm, tôi không rõ là Tâm đang cố chịu đựng vì đã lầm lẫn hay là cô quyết tâm đến đích.
Đường càng lúc càng heo hút. Bên phải là núi cao. Bên trái, thỉnh thoảng thấy mở ra một miệng vực. Lau sậy mọc um tùm.
Để cô vui, tôi chỉ cho Tâm xem những hoa chuối rừng đỏ rực như lửa, thấp thoáng sau màu xanh của mấy bụi cây. Không cong cong và đỏ bầm như chuối nhà, hoa chuối rừng đỏ màu cờ, như ngọn lửa đang phát sáng, chọc một nét thẳng đứng lên không. Tôi nói:
- Đẹp chưa Tâm! Màu đỏ hoa chuối kia như đang nhảy nhót!
Tâm liếc nhìn. Đôi mắt cô không ánh lên long lanh như mỗi lần cô chỉ cho tôi xem một nét đẹp của thiên nhiên khi chúng tôi còn đứng trên con tàu Thống Nhất. Những lần ấy, tôi rất mến cô, thầm khen cặp mắt nhạy cảm với cái đẹp. Nhưng bây giờ thì, trước những vẻ đẹp mới, đôi mắt hình như thờ ơ, thậm chí lo sợ nữa. Tôi chả trách cô đâu. Phần tôi, tôi nghĩ rằng mình phải làm gì đây để cô bạn đồng hành cùng reo lên trước những niềm vui mới trên đoạn đường còn vất vả xa xôi.
Gần trưa, chúng tôi đến một đoạn đường vòng, ôm quanh chân núi. Nhìn con số chỉ độ cong trên tấm bảng cắm bên đường, tôi vui lên: Đúng như lời các anh đường sắt đã dặn.
- Sắp đến rồi!
Quả thật, lúc sau, trước mắt chúng tôi, hiện ra thấp thoáng một mái tranh.
Đó là một ngôi nhà nhỏ song cũng khá chắc chắn. Tôi xô cửa bước vào. Nhà vắng vẻ. Ba cái giường gỗ. Một chiếc bàn. Một tủ có khóa cẩn thận. Góc đằng kia là bếp. Xoong nồi bỏ chỏng chơ bên cạnh chiếc thùng nước bằng nhựa màu xanh, có nắp đậy. Tro bếp còn ấm. Có lẽ anh em ra hiện trường cả rồi. Tôi bỏ ba lô lên giường, bảo Tâm ngồi nghỉ ngơi cho khỏe để tôi đi gọi anh em.
Tôi vòng đường sắt, vừa đi vừa cất tiếng hú. Một lát sau, từ phía đoạn đường dưới kia, khuất chân núi, có tiếng đáp lại. Tôi mừng quá, bắt tay lên mồm làm loa, gọi to:
- Chí ơi!
Tiếng vọng lại:
- A.i. đấy.ấ.y?
Tôi liếc nhìn về phía ngôi nhà nằm dưới triền núi: thấp thoáng bóng dáng Tâm đang đứng ở cửa. Chiếc áo sơ mi hoa nổi lên như một bông chuối rừng giữa đám cờ lau theo gió đang nhảy múa.
Chí đang đi về phía tôi. Tuy mới quen nhau vài mươi phút rồi bẵng đi bốn, năm năm, tôi vẫn nhận ra Chí. Trông anh có già đi. Nói rằng anh già dặn lên thì đúng hơn. Dáng người cao, vai rộng, trong bộ quân phục màu cỏ úa lấm đất và rỉ sắt. Chân anh đi giày vải cao cổ, cũng màu cỏ, loại giày xuyên rừng. Anh bước nhanh nhẹn, tuy chân phải có hơi kéo lê một chút. Gương mặt hơi gầy, da sạm đi vì nắng, càng làm nổi bật cặp mắt sáng lấp lánh. Tôi không thể nào quên đôi mắt ấy. Và có lẽ tôi nhận ra Chí ngay cũng nhờ đôi mắt ấy, đôi mắt thông minh, quả cảm, đầy vẻ tự tin. Bộ quần áo lấm đất cát, đôi giày cao cổ và cả khẩu súng trường đeo trên vai anh, cũng không làm mất cái dáng "trí thức", cũng vì đôi mắt ấy.
Chí bước đến gần tôi song hình như anh không nhìn thẳng vào tôi. Cái nhìn của anh vượt qua vai tôi, phóng về phía sau nữa. Tôi quay lại: Tâm đang từ ngôi nhà chạy lên nền đường tàu, chiếc áo hoa làm sáng cả vùng núi vắng. Từ xa, Tâm đã kêu lên:
- Anh Chí!
Chí bước nhanh hơn, vượt qua chỗ tôi đứng. Anh đã nhận ra Tâm, anh đi gần như chạy. Hai người gặp nhau giữa đường sắt, đứng sững trên những thanh tà vẹt đỡ đường ray. Tâm lại kêu lên một tiếng khẽ, và đưa hai tay ra:
- Anh Chí!
- Tâm!
Chí cầm lấy tay Tâm. Cô gái ngước mắt nhìn anh, miệng nở nụ cười mà nước mắt lăn trên má. Hai người đứng yên nhìn nhau. Cờ lau hai bên đường sắt nhảy múa rộn ràng trước gió.
Tôi quay đi, lúi húi hái những bông hoa rừng, kết lại thành bó, cho đến khi tôi nghe Chí gọi giật giọng:
- Anh Thành! Trời, anh Thành!
Chí chạy bổ về phía tôi. Hai chúng tôi ôm chặt nhau, trong khi Tâm thủng thẳng đi lại gần với nụ cười chan hòa nước mắt.
Chỉ có ba anh em chúng tôi ăn cơm với nhau. Hai đồng chí nữa đi lấy gạo, chiều nay mới về, mà cũng có thể là sáng mai. Chí cho biết như vậy. Mấy cân gạo Tâm và tôi mang đến thật đúng lúc. Canh bầu nấu tôm khô, vài con cá muối nhưng Chí bảo rằng hôm nay ăn sang quá.
Tâm hỏi:
- Thường ngày, các anh ăn khổ hơn nữa à?
Chí cười:
- Có khi mấy bữa liền ăn toàn "mắm đuôi".
Tâm chưa hiểu. Tôi cắt nghĩa:
- Mắm đuôi là muối đâm, tức là ăn cơm với muối!
Tâm nói:
- Vậy mà lúc nãy, bao nhiêu lần em đã toan vứt quách quả bầu đi cho rảnh nợ. Nhưng em sợ anh Thành.
Tôi cười:
- Nhiều lúc, cái sợ là cần thiết đấy, là có ích đấy. À, ban nãy, có lúc nào Tâm định quay lại, chẳng đi nữa không?
Tâm cúi mặt cười tủm tỉm:
- Có chứ.
- Định bỏ cuộc?
- Vâng. Nhưng lỡ đi theo anh rồi. Chẳng còn cách nào khác. Muốn quay lại cũng chẳng được. Nhiều lúc chỉ muốn khóc.
- Thế bây giờ thì sao?
Tâm chỉ cười. Tôi nói:
- Đi theo chúng tôi, cô còn rất nhiều dịp để khóc nữa.
- Nhưng. Được những cái khác. Mà không thể tìm đâu ra, bất cứ ở nơi nào.
Tôi thầm khen: một cô gái biết nghĩ, và có bản lĩnh nữa. Song, tôi lại nói:
- Kìa, Chí! Ăn đi chứ! Ngồi nhìn mãi à?
Cơm xong, tôi cáo mệt, lấy võng ra mắc ở góc nhà nằm ngủ, để cho đôi bạn có dịp trò chuyện riêng. Xế chiều, tôi dậy, bảo Chí:
- Bây giờ, xin anh cho nghe về công việc của anh.
Chí mở tủ, lấy bản đồ, bản vẽ, sổ sách, tài liệu. Anh trải bản đồ ra bàn. Tôi và Tâm chụm đầu, vừa xem vừa nghe Chí nói. Ngọn bút chì kéo dọc trên con đường sắt vẽ gạch chấm đen, giữa màu xanh đồng bằng và màu nâu vàng của đồi núi. Con đường dựa trên nền đường sắt cũ xuyên Đông Dương, đến đây thì đi vào vùng đồi đất cát pha sỏi. Trong chiến tranh, đoạn này bị tàn phá đến mức không còn dùng được nữa. Ta mở ra một tuyến mới, tức là tuyến chúng tôi đã đi qua từ sáng đến giờ. Song vì làm gấp nên các số liệu cơ bản chưa được nghiên cứu đầy đủ. Gần đây có hiện tượng đất đá bắt đầu sụt lở, đổ xuống đường tàu. Mối nguy thật là to lớn và lâu dài. Tổ công tác của Chí được giao cho nhiệm vụ nghiên cứu và giải quyết việc ấy. Bằng những số liệu và căn cứ khoa học, kỹ thuật, kinh tế, Chí chứng minh sự đúng đắn trước mắt của anh: xây kè đá hộc để chống sụt lở.
Tâm đứng nghe nhưng thái độ có vẻ bứt rứt, không yên. Rồi, không dừng được, cô cắt lời Chí:
- Em cho giải quyết như vậy là không cơ bản.
Thế là nổ ra cuộc tranh cãi giữa hai người bạn thân lâu ngày mong mỏi, đợi chờ nhau. Tôi nhìn Tâm. Đôi mắt bồ câu vừa đây mới chan hòa nước mắt sung sướng khi được nhìn thấy Chí thì bây giờ lại long lên, sắc như một lưỡi kiếm, sẵn sàng tấn công và cắt đứt ngay mọi lập luận của Chí. Trái lại, Chí vẫn bình tĩnh nghe Tâm và đáp trả với nụ cười độ lượng. Tâm sôi nổi, dùng ngay những số liệu của Chí cộng với những căn cứ khoa học để đi đến ý mình: nên bỏ đoạn đường này, làm hẳn lại đoạn mới. Chí chỉ tay vào bản đồ hỏi:
- Nhưng em định phóng tuyến ra sao giữa địa hình đầy đồi núi này chứ?
Tâm cầm lấy bút chì, quả quyết vạch một đường xuyên qua núi:
- Làm một đường hầm tại đây.
Chí cười. Tôi cũng cười: cô chỉ mạnh ở mặt này thôi. Song, chỗ mạnh của một người đáng quí chứ sao lại cười nhỉ? Lúc ấy thì Chí ung dung đứng dậy, mở tủ, lôi ra một số tài liệu khác:
- Anh cũng đã nghĩ đến điều ấy, nhưng chưa làm được. Em xem đây.
Chí trải các tấm bản đồ, bản vẽ, đưa ra những tài liệu, con số. Tâm ngồi yên nghe. Lúc đầu đôi mắt cô ánh lên sự tò mò: nào, xem anh nghĩ được gì nào? Càng lúc, cô nhìn Chí càng chăm chú, như theo sát từng lời, từng chữ. Tôi lặng lẽ quan sát khuôn mặt của hai người bạn trẻ. Chí điềm đạm, cân đi nhắc lại, lật mặt trái mặt phải của vấn đề. Anh nói về đoạn đường này rất thông thuộc, bằng những tài liệu rất sâu, như trong cách nói của anh, vang lên âm hưởng của cả con đường sắt thống nhất. Dường như anh thuộc cả tuyến đường sắt trong suốt chiều dài và chiều cao đất nước, chẳng khác chi anh thuộc rõ đoạn đường gay go mà ngắn ngủi này. Đôi mắt anh sáng lên, thông minh, sâu sắc lạ. Tôi cảm thấy dường như những suy nghĩ của anh, kể cả các số liệu khoa học rất chính xác và tỉ mỉ, sở dĩ hôm nay mà có là vì đã được gieo mầm, ươm hạt từ ngày anh ở cầu Cun; nhất là từ những ngày anh lăn lộn trên đường sắt thống nhất, với chiếc áo bộ đội lấm đầy đất cát, thơm mùi dầu mỡ và mùi mồ hôi, với khẩu súng trường bên cạnh quyển sổ nhỏ, với đôi giày vải xuyên rừng, với đôi chân đi hơi kéo lê, với những buổi trưa dầm mưa dãi nắng, với những đêm khuya miệt mài bên chồng sách và với cả những bát cơm ăn với "mắm đuôi". Còn đôi mắt bồ câu của Tâm thì, lạ chưa kìa, đôi mắt đang ánh lên niềm tin và kính phục. Đôi mắt bồ câu, với hàng mi dài cong vút, nhìn từ dưới cong lên, cái nhìn như say như đắm.
Nhưng đến khi Chí kết luận rằng do hoàn cảnh, trình độ và lực lượng chung hiện nay chưa cho phép, việc làm hầm chưa thể thực hiện được, thì Tâm mỉm cười lắc đầu. Cô bảo rằng thế giới hiện nay đang tiến những bước dài về mặt này, công việc không khó và không lâu như anh tưởng.
Thế là một cuộc cãi nhau nữa lại nổ ra. Song lần này Chí bị Tâm tấn công đến mức không còn bình tĩnh như trước nên cuộc tranh luận lại trở nên hết sức sôi nổi. Đôi bạn hình như quên mất có tôi đang ngồi ở đây. Có điều làm tôi yên tâm là càng cãi nhau, họ lại càng có vẻ hiểu nhau hơn.
Để yên cho họ, tôi lặng lẽ rút vào góc nhà, lặng lẽ vo gạo nấu cơm chiều. Vừa làm, tôi vừa theo dõi cuộc cãi vã. Chẳng cần phải lắng tai nghe, vì họ cãi nhau rất to, to như hai chiếc loa cả chục oát! Một loa trầm, một loa thanh! Nghe đầy cả tai!
*
* *
Chúng tôi ăn cơm chiều xong thì trời cũng vừa sụp tối. Đêm ở rừng núi đến nhanh và đột ngột. Ngọn núi phía bên kia đường sắt ban ngày trông hiền lành đẹp đẽ thì đến đêm, nó trở nên bí hiểm, dữ tợn. Ngọn đèn nhỏ soi gian nhà ấm áp. Song ngoài kia, đêm dày đặc, mênh mông. Ngồi nói chuyện Hà Nội, Sài Gòn một lúc rồi tôi xin phép đi nằm. Để tiết kiệm dầu và để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của tôi, Chí và Tâm rủ nhau ra ngồi trên đường sắt nói chuyện.
Tôi nằm trên giường khá lâu mà chưa ngủ được. Tôi mơ màng suy nghĩ mông lung. Mùi dầu mỡ, rỉ sắt, mùi cá khô quanh quẩn đâu đây. Thoang thoảng mùi đất ẩm, mùi lá rừng và mùi hoa dại. Đêm ở rừng, những tiếng động khẽ mà nghe rất rõ. Tiếng con gì tác lên xa xa. Tiếng dế nỉ non, tiếng cây cỏ nẩy mầm, tiếng giọt sương rơi. Tiếng sinh sôi, trăn trở của sự sống. Một con đom đóm ở đâu bay vào, chao lượn, lập lòe cái đốm sáng biếc xanh. Tôi thiếp dần, đi vào giấc ngủ.
Nửa đêm, sương lạnh, tôi chợt tỉnh. Nhìn chiếc giường vẫn còn trống không: Chí và Tâm chưa vào? Tôi hơi lo, trở dậy, khoác áo ra ngoài nhà.
Trăng cuối tháng đã lên, chiếu trên rừng núi một ánh sáng vàng nhạt, mơ màng. Trên đường sắt, Chí và Tâm vẫn ngồi bên nhau. Họ quay lưng về phía tôi. Chiếc măng-tô-san của Tâm khoác lên vai, che cho cả hai người.
Tôi nhìn lên ngọn núi phía bên kia đường tàu. Dưới ánh trăng, nó đã bớt phần dữ tợn và bí hiểm của lúc đầu hôm một ngày cuối tháng.