08. Tôi thật không ngờ phần 1
Tôi thật không ngờ
Tháng 3-1987
Tôi thật không ngờ chồng tôi lại nói với tôi câu ấy.
Trưa nay, khi dắt xe đạp ra để đi đến trường, tôi ngần ngừ một lúc mới báo cho anh biết cái điều đã làm tôi bồn chồn, háo hức suốt mấy hôm nay:
- Anh à, chiều nay em về trễ một chút. Anh giúp em cơm nước nghe anh. Thịt em kho sẵn rồi. Bắp cải rửa sạch rồi, chỉ cần bỏ vô nồi. Gạo em đã nhặt thóc rất kỹ.
Anh vẫn im lặng.
Mấy tháng nay, mỗi khi tôi bận họp ở trường hay bận công việc gì ngoài giờ dạy học, anh có vẻ không bằng lòng, và gần đây thì tỏ ra khó chịu. Lắm lúc tôi cũng buồn. Năm năm chung sống với nhau, từ ngày chúng tôi yêu nhau thắm thiết đến lúc có bé Thủy, và bây giờ cháu đã lên bốn, vợ chồng tôi đã tạo nên một gia đình đầy hạnh phúc đến nỗi nạn bè phải ganh tị. Các cô bạn cùng trường tôi nói: "Từ ngày con Liên lấy chồng, đố có ai ngồi tâm sự với nó được mười phút. Nhìn vào mắt nó xem: một bên đầy hình của chồng, một bên đầy hình của con. Còn chúng mình, nó không nhìn thấy gì hết, mặc dù mình đang đứng lù lù trước mắt nó!" Có người thì tóm thâu hạnh phúc đó trong một câu nói: "Ở vườn hoa, rạp hát, ở Vũng Tàu cứ trông thấy con Liên là thấy đủ bộ ba. Cứ y như là một tổ chim bồ câu!" Đến thăm tôi, họ bảo: "Đến tổ bồ câu đi!" Hỏi về gia đình, họ bảo: "Sao? Tổ bồ câu dạo này ra sao?" Thật ra, đó là chuyện trước ngày giải phóng. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy hồi đó chúng tôi chỉ là một cái tổ bồ câu, chui rúc dưới một mái nhà giữa cơn giông bão của đất nước chiến tranh, trong cái nếp sống lẻ loi đơn chiếc. Từ khi trường tôi đổi mới, tôi như con bồ câu tung bay trên bầu trời hòa bình, bận bịu, tíu tít với trường. Hay nói đúng hơn, tôi say mê công việc như một con én trong đàn én bận rộn dệt mùa xuân. Có thể là tôi ví von như một cô học trò cấp ba tập làm văn, song thật ra, lòng tôi rất vui. Nếp sống gia đình có bị xáo trộn, nhưng tôi nghĩ chồng tôi rất yêu tôi và sẽ vui cái vui của tôi. Ngày anh ấy đi học tập cải tạo mấy tháng trở về là một ngày vui lớn của gia đình. Chúng tôi trở lại trong vòng tay nhau. Tôi thật không ngờ anh ấy thay đổi nhiều như vậy, suy nghĩ, nói năng lại tiến bộ như vậy. Chồng tôi cũng không ngờ tôi đã làm được bao nhiêu việc trong khi mong đợi anh ấy trở về. Anh nói đùa: "Bao nhiêu thành tích, bao nhiêu giấy khen của em đã làm cho anh sớm được trở về đấy!" Ngày vui lớn nữa là ngày anh ấy được nhận vào làm ở phòng kỹ thuật nhà máy dệt Mùa Xuân như là kỹ sư sửa chữa và bảo dưỡng máy móc. Hôm ấy, tôi đã trích ra một phần tiết kiệm, và người nào quen sẽ bắt gặp cái "tổ bồ câu" trong quán bò bảy món nổi tiếng ở Phú Nhuận. Vì mải mê công việc, vì vui vẻ như thế nên tôi không để ý lắm đến sự thay đổi trong tính tình của chồng tôi. Gần đây, tôi mới thấy điều đó, qua một vài lần va chạm mà tôi thật không ngờ. Anh yêu tôi, nên việc anh giúp tôi cơm nước thì có gì lạ đâu. Anh có việc làm, tôi rất vui, ngược lại, tôi được nhà trường tin cậy, chắc anh cũng vui. Trước đây, tôi chỉ yêu có "tổ bồ câu", nay tôi vừa yêu "tổ chim câu" lại vừa yêu nhà trường của tôi, chẳng lẽ anh không bằng lòng về tình yêu đó? Dù sao thì mỗi lần bận việc ở trường, tôi đều cố gắng thu xếp việc nhà chu đáo, vì tôi rất yêu "tổ chim câu" của tôi.
Thấy anh vẫn yên lặng, tôi chưa yên tâm ra đi. Tay dắt xe, chân bước mấy bước, tôi lại dừng, quay đầu đưa mắt tìm cặp mắt anh, đôi mắt xưa nay tôi thường trìu mến. Anh vẫn không nhìn tôi, vẫn thản nhiên ngồi cạo râu, cặp mắt nhìn tấm gương để trước mặt. Có nên báo cho anh tin mừng này chưa? Tôi định đến tối nay, khi cháu Thủy ngủ yên, chúng tôi sắp đi nằm, mới báo cho anh biết vì lúc đó đã là sự thật trăm phần trăm rồi. Còn bây giờ thì sự việc chưa xảy ra. Nó sẽ xảy ra vào cuộc họp chiều nay, lúc hết giờ dạy học. Cho anh biết bây giờ, lỡ ra có gì thay đổi thì mừng hụt sao? Mà không cho biết lý do tôi phải ở lại trường thì có thể anh thắc mắc. Thôi, chậc, cứ để tối. Tôi nhắc lại câu hẹn lần nữa rồi dắt xe ra đi.
Tan cuộc họp chiều nay, tôi đạp xe về nhà, lòng vui náo nức. Việc ấy đã là sự thật rồi! Gió chướng thổi vào hàng cây bên đường rào rạt. Tà áo dài tôi cầm trong tay bay phơi phới, chiếc áo màu hồng thích nhất của tôi.
Về đến nhà, trông thấy chồng tôi đang ngồi chải tóc cho con? Chắc bé Thủy vừa mới được ba tắm? Tôi tươi cười hỏi:
- Anh đã nấu cơm chưa?
Chồng tôi không nhìn tôi, đáp trống không:
- Cho con Thủy đi chơi, mới về.
Ngừng một tí, anh nói tiếp:
- Nó đòi ăn bò bía. Hai cha con ngang dạ rồi.
Từ đó đến tối, anh chẳng ăn cơm của tôi nấu, chẳng nói với tôi câu nào, tránh cả việc nhìn tôi. Anh giận tôi đùn việc bếp núc cho anh chăng? Dù sao, tôi cũng đang vui. Tôi chơi với bé Thủy cả buổi tối rồi dỗ cháu ngủ.
Anh đi nằm trước tôi. Tôi ngồi bên bàn phấn, sửa lại mái tóc và cố nén xúc động, tôi nói:
- Anh có biết chiều nay ở trường họp gì không?
Im lặng.
Tôi quay lại, nhìn anh và mỉm cười, tin rằng câu nói của tôi sẽ xua tan sự hiểu lầm từ trưa đến giờ, sẽ làm anh vui trở lại:
- Chiều nay chi đoàn họp làm lễ kết nạp đoàn viên mới. Đây là lần kết nạp đầu tiên của trường. Được hai người, trong đó có em!
Tôi sắp sẵn câu này, như một nhà thơ cân nhắc, sắp xếp những chữ thơ của mình. Tôi không lầm: câu nói đã tác động đến anh. Anh đang nằm, hai tay chặp lại để dưới đầu, mắt nhìn mông lung lên trần nhà, liền quay đầu lại nhìn tôi, cái nhìn thẳng đầu tiên từ trưa đến giờ! Tôi sung sướng. Tôi đọc thấy sự ngạc nhiên trong đôi mắt anh. Sự ngạc nhiên đó biểu hiện thành lời trong câu anh hỏi tôi:
- Chi đoàn nào?
Tôi cười tủm tỉm:
- Chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của trường em.
- Kết nạp em vào Thanh niên cộng sản?
- Em vừa nói với anh đó thôi.
- Em đã là cộng sản?
Tôi cười:
- Chưa. Còn lâu, em mới là đoàn viên Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Thái độ của anh làm tôi hơi cụt hứng. Lẽ nào anh chưa hiểu được ý nghĩa của việc này? Tôi liếc nhìn anh. Anh vẫn nằm, hai tay chặp lại dưới đầu, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Tôi thấy lo lắng.
Thật lâu, anh không nói thêm câu nào nữa. Tôi quay sang, quàng tay ngang ngực anh, thủ thỉ:
- Sao? Anh đang nghĩ gì vậy, anh?
Anh nói chậm rãi:
- Anh thấy có lẽ chúng mình khó tiếp tục chung sống với nhau vì anh không bao giờ nghĩ là mình sẽ có vợ cộng sản!
Trời! Tôi rụt tay lại, ngồi phắt dậy, trố mắt nhìn anh. Tôi thật không ngờ chồng tôi lại nói với tôi câu ấy.
*
* *
Cả đêm, tôi không ngủ. Tôi cố nhớ lại tất cả mọi lời nói, mọi thái độ của anh đối với tôi trong những tháng gần đây. Tôi cố tìm ra nguyên nhân sự việc. Có nhiều việc trước mắt, cũng như có những nguồn gốc sâu xa. Nhưng cái nào là chính đây, cái nào trực tiếp đưa tới câu chuyện này! Tôi không muốn khóc, song suốt đêm tôi đã khóc, nước mắt thấm ướt gối. Có lẽ tiếng khóc của tôi? Mặc dù tôi không khóc ra tiếng? Đã làm anh nằm bên cạnh không yên nên anh bỏ tôi, ra chiếc đi-văng ở phòng khách.
Sáng nay, tôi phải cố gắng lắm mới chấm xong hết bài vở của các em học sinh. Tôi làm cơm sớm và tay chân sao vụng về quá, tôi đánh vỡ mất một cái chén kiểu bạn bè đã tặng cho hồi đám cưới chúng tôi. Đêm qua, tôi nghĩ đã nhiều và đi đến một quyết định. Tôi thật không ngờ là giờ đây, tôi bỗng nảy ra một ý định như vậy. Điều này cũng rất mới lạ trong cuộc sống của tôi. Song tôi tin là tôi làm đúng.
Vào trường, tôi đến thẳng phòng của chị Hiền. Chị Hiền là hiệu phó và cũng là bí thư chi bộ trường tôi, người đã giúp tôi rất nhiều, chỉ bảo cho tôi biết thế nào là giáo dục xã hội chủ nghĩa, chỉ bảo thêm cho tôi biết làm thế nào để phấn đấu vào Đoàn. Nói tóm lại, chị Hiền là một người chị mà tôi rất tin tưởng, yêu mến.
May cho tôi, chị Hiền đang ngồi một mình trong phòng. Thấy tôi, chị lộ vẻ ngạc nhiên, nhìn thẳng vào tôi như dò hỏi. Phải rồi, đôi mắt tôi đang đỏ và sưng, có giấu đi đâu được. Chị mời tôi ngồi xuống ghế, rót nước cho tôi uống.
- Có chuyện gì vậy, Liên?
Nghe chị hỏi, nước mắt tôi đã chạy vòng quanh. Tôi thật không ngờ lại có cái ngày mà tôi, một cô giáo, đem chuyện riêng giữa vợ chồng tôi ra nói cho một bà "đốc học" nghe, nói tại văn phòng làm việc nghiêm trang của Nhà nước, trong cái giờ làm việc nghiêm trang của Nhà nước như thế này! Nghĩ vậy mà nước mắt tôi cứ trào lăn xuống má.
Tôi thuật hết mọi việc. Chị Hiền chăm chú và im lặng ngồi nghe. Cuối cùng chị lại hỏi:
- Vậy thì em thấy anh ấy như thế nào?
Tôi liền nói:
- Em thấy anh ấy chưa hiểu thật rõ những người cộng sản.
Chị Hiền gật đầu:
- Chị cũng nghĩ như vậy. Có lẽ anh ấy đang thắc mắc với một vài đảng viên nào đó, hoặc là anh ấy chỉ mới hiểu chủ nghĩa xã hội theo một cái sơ đồ mà chủ quan anh tự vẽ ra.
Suốt đêm qua, tôi cũng nghĩ láng máng như vậy, có điều là sự suy nghĩ của tôi còn ngổn ngang, rắc rối, chứ không rõ như chị Hiền vừa nói. Hơn nữa, tôi không đủ sức giải đáp những câu hỏi mà chồng tôi thường nêu ra mấy tháng nay, cả câu hỏi của bản thân tôi nữa. Cho nên, nghe chị Hiền nói vậy, tôi thấy tôi tìm đến chị là đúng lắm. Tôi kể hết tâm tư của chồng tôi cho chị ấy nghe, những thắc mắc đối với ông phường, ông tổ dân phố, nhất là những thắc mắc đối với nhà máy. Tôi cũng không giấu là chồng tôi rất thắc mắc đối với ông giám đốc nhà máy Mùa Xuân, nơi anh đang làm việc. Anh thường nói rằng tôi may mắn gặp bà hiệu trưởng tốt nên có dịp tiến bộ và tiến nhanh. Còn anh, anh không may gặp một ông giám đốc "bảo thủ" nên tài năng rồi cũng chẳng biết để làm gì. Người ta không tin mình, không dùng mình. Thu nhận mình vào nhà máy, người ta làm cái việc na ná như cứu tế! Đó, tâm tư anh như vậy đó, chị ơi! Rồi anh nhắc lại những ngày làm việc dưới chế độ cũ, mà nhắc toàn những chuyện gì đâu, ví dụ chủ thưởng liền tay cho anh mấy trăm ngàn khi có sáng kiến dệt ống nước chữa lửa để đàn áp phong trào sinh viên, dệt rất chắc, rất nhanh, bán rất được tiền cho chính quyền ông Thiệu. Anh nói nó quí trọng chuyên viên như vậy, còn mình thì. Tất nhiên là em phải nhắc nhở, đấu tranh với anh. Vậy là anh bực mình luôn với em, và cuối cùng thì không thể sống chung với người vợ cộng sản!
Nghe xong, chị Hiền cười nói:
- Anh ấy đã nghĩ tốt cho các chị ở đây. Thật ra thì các chị cũng còn khuyết điểm mà chắc anh ấy chưa biết. Còn em, em có tiến bộ thì do em là chính, phải không em? Nếu em không đổi nếp sống cũ, vẫn chỉ biết có cái "tổ bồ câu" của mình thôi thì các chị "sức mấy" mà dám kết nạp em vào Đoàn Thanh niên cộng sản. Vì vậy phải giúp anh ấy, em ạ!
Tôi ngập ngừng một lúc mới nói điều cuối cùng này:
- Em vẫn cố gắng giúp. Là đoàn viên rồi, em lại càng thấy trách nhiệm của mình. Nhưng chị nghĩ coi, anh ấy bảo rằng chỉ có "thay đổi" ông giám đốc nhà máy, anh ấy mới tiến bộ được. Mà một việc như vậy, em làm sao giúp anh ấy được.
Chị Hiền suy nghĩ một lúc mới chậm rãi nói:
- Đúng là bây giờ khó mà dùng sự giải thích để giúp anh ấy. Phải giúp bằng thực tế em à. Mà thực tế của nhà máy, thì chị em mình đều không có. Nhưng đây là chuyện của em, tức cũng là chuyện của chị. Để chị thử thu xếp xem.