Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai - Chương 03

Bọn trẻ đang sắp xếp bộ sưu tập vỏ sò chúng mang ra ngoài, chia thành những đống có màu sắc khác nhau khi ông bước ra khỏi nhà. Tôi ôm chặt đứa bé, cảm nhận được những chiếc xương sườn của nó trong tay mình. Đứa bé kêu ré lên và tôi vùi mũi mình vào tai nó để giấu đi khuôn mặt.

- Bố ơi, con đi với bố được không? - Cornelia hét rồi nhảy cẫng lên và nắm tay ông. Tôi không thể nhìn thấy nét mặt ông - nó bị cái đầu nghiên và vành mũ che đi mất.

Lisbeth và Aleydis bỏ đám vỏ sò đấy.

- Con cũng muốn đi, - chúng cùng hét lên, túm chặt tay ông.

Ông lắc đầu và khi đó tôi có thể nhìn thấy nét mặt bối rối của ông.

- Hôm nay thì không. Bố đến hiệu bào chế.

- Bố có định mua các thứ để vẽ không hả bố? - Cornelia hỏi, vẫn còn bám chặt tay ông.

- Cùng các thứ khác.

Cậu bé Johannes bắt đầu khóc và ông nhìn xuống tôi. Tôi nựng nựng đứa bé, cảm thấy lúng túng. Trông ông có vẻ như định nói điều gì, nhưng thay vào đó ông rủ mấy đứa con gái ra rồi đi xuôi con phố Oude Langendijck. Ông chưa nói với tôi lời nào kể từ khi chúng tôi nói về màu sắc và hình dạng những miếng rau. Vì nóng lòng muốn được về nhà, Chủ nhật tôi dậy rất sớm. Tôi phải đợi Catharina mở cửa trước nhưng khi tôi nghe thấy tiếng cửa mở, tôi đi ra và thấy Maria Thins với chùm chìa khoá.

- Con gái tôi hôm nay mệt, - bà nói trong lúc đứng sang bên kia để tôi đi ra. - Nó phải nghỉ vài ngày. Cô có thể gắng làm không cần nó được không?

- Tất nhiên, thưa bà, - tôi trả lời, rồi nói thêm, - và tôi luôn có thể hỏi bà nếu tôi có chuyện gì cần hỏi mà.

Maria Thins cười tinh quái.

- Chà, cô gái láu lỉnh. Cô rõ biết nên hái quả ở cây nào. Làm việc thông minh một chút thì không sao cả.

Bà ta đưa cho tôi mấy đồng tiền xu, tiền lương những ngày tôi làm việc.

- Tôi ngờ rằng cô sẽ về nhà ngay bây giờ, để kể cho mẹ cô nghe mọi chuyện về chúng tôi. Tôi lẩn đi ngay trước khi bà ta kịp nói thêm, qua Quảng trường Chợ, vượt những người đang đi dự buổi lễ sớm ở Nhà thờ Mới rồi vội vã đi qua các con phố và dòng kênh dẫn tôi về nhà. Khi về đến con phố nhà chúng tôi, tôi nghĩ nó đã khác biết bao so với lúc cách đây chưa đầy một tuần. Ánh nắng dường như sáng hơn và dịu hơn, con kênh rộng hơn. Những cây tiêu huyền dọc bờ kênh đứng im phăng phắc, giống như những người lính gác chờ đợi tôi. Agnes đang ngồi trên ghế băng trước nhà. Khi nhìn thấy tôi nó gọi toáng vào trong.

- “Chị ấy đây rồi!” - rồi chạy đến nắm tay tôi. - “Thế nào? Họ có tử tế không?” - con bé thậm chí còn không chào tôi đã hỏi. “Chị có phải làm việc vất vả lắm không? Chị ngủ ở đâu? Chị có được ăn uống bằng bát đĩa đẹp không?”

Tôi cười và không trả lời bất cứ câu hỏi nào của Agnes cho tới khi tôi ôm mẹ và chào cha. Mặc dù không nhiều nhưng tôi cảm thấy tự hào khi đưa cho mẹ mấy đồng xu ít ỏi trong tay mình. Suy cho cùng, đấy là lý do tôi làm việc. Cha đến ngồi bên chúng tôi và nghe kể về cuộc sống mới của tôi. Tôi đưa tay cho ông, dẫn ông đến chỗ thềm trước. Ngồi xuống cái ghế băng, ông dùng ngón trỏ vuốt ve bàn tay tôi.

- Tay con nứt nẻ hết cả rồi. Chai lên và trầy xước quá. Con đã có những vết chai này do làm việc vất vả đây này, - ông nói.

- Cha đừng lo, - tôi nhẹ nhàng trả lời. - Có quá nhiều đồ chờ con giặt giũ vì lúc trước họ không có đủ người làm hết. Chẳng mấy chốc mọi việc sẽ dễ dàng hơn ấy mà.

Mẹ săm soi bàn tay tôi.

- Mẹ sẽ ngâm ít cây cẩm quỳ trong dầu. Cái đó sẽ làm cho tay con mềm đi. Agnes và mẹ sẽ về quê kiếm lấy một ít, - bà nói.

- Kể cho cả nhà nghe đi chị, - Agnes gào lên.- Kể cho cả nhà nghe về họ đi.

Tôi kể cho họ nghe. Tôi chỉ bỏ qua rất ít chuyện - tôi mệt như thế nào lúc về đêm; bức tranh Chúa Giê su bị đóng đinh trên thánh giá treo ở phía cuối giường tôi như thế nào; Maertge và Agnes cùng độ tuổi ra sao. Còn ngoài ra tôi kể cho họ nghe tất thảy mọi thứ.

Tôi chuyển lời nhắn của anh hàng thịt cho mẹ.

- Anh ta thật tử tế, - bà nói, - nhưng anh ta biết là chúng ta không có tiền mua thịt và chúng ta sẽ không nhận đồ hảo tâm như vậy.

- Con không cho rằng anh ta nghĩa đó là hảo tâm, - tôi giải thích, - con nghĩ anh ta coi đó là tình bạn.

Bà không trả lời, nhưng tôi biết bà sẽ không đến chỗ anh hàng thịt. Khi tôi nhắc đến chủ quầy thịt mới, cha con nhà Pieter, bà nhướng mày nhưng không nói gì. Sau đó thì cả nhà đi lễ nhà thờ ở khu chúng tôi, vây quanh tôi là những khuôn mặt quen thuộc và những lời nói quen thuộc. Ngồi giữa mẹ và Agnes, tôi thấy lưng mình tựa thoải mái vào ghế, khuôn mặt tôi nhẹ nhõm giãn ra khỏi chiếc mặt nạ tôi mang suốt cả tuần. Tôi nghĩ mình phải khóc mất. Mẹ và Agnes không để tôi giúp nấu bữa trưa khi chúng tôi về đến nhà. Tôi ngồi cùng cha trên ghế băng, dưới ánh mặt trời. Ông ngửa mặt lên đón hơi ấm và để đầu ngẩng như vậy suốt khoảng thời gian chúng tôi nói chuyện.

- Nào, Griet, bây giờ kể cho cha nghe về ông chủ mới của con đi. Con hầu như chẳng nói lời nào về ông ấy cả.

- Chẳng mấy khi con nhìn thấy ông ấy, - tôi có thể trả lời một cách trung thực. - Hoặc là ông ấy ở trong xưởng vẻ, nơi không ai được phép quấy rầy, hoặc ông ấy đi ra ngoài.

- Chăm lo công việc của Giáo phường, cha nghĩ vậy. Nhưng con đi vào xưởng vẽ của ông ấy, con đã kể cha mẹ nghe về việc dọn dẹp và đo khoảng cách nhưng con chẳng kể gì về bức tranh ông ấy đang vẽ cả. Tả cho cha nghe đi.

- Con không biết liệu con có miêu tả sao để cha có thể hình dung ra nó.

- Con cố đi. Bây giờ cha chẳng có gì nhiều để nghĩ ngoại trừ những kỷ niệm. Cha sẽ cảm thấy vui thích khi được hình dung ra bức tranh của một bậc thầy, kể cả khi trí tưởng tượng của cha chỉ tạo nên một bản sao nghèo nàn.

Thế là tôi gắng miêu tả người đàn bà đang đeo chuỗi vòng ngọc trai quanh cổ, đôi tay cô ta lơ lửng, mắt nhìn mình trong gương, ánh sáng từ cửa sổ thấm đẫm khuôn mặt cô ta và cái áo choàng màu vàng, phông cận cảnh tối màu tách cô ta ra khỏi chúng tôi.

Cha tôi chăm chú lắng nghe nhưng khuôn mặt ông không sáng ngời lên cho đến khi tôi nói.

- Ánh sáng ở bức tường phía sau ấm áp đến mức nhìn nó có cảm giác giống như mặt trời đang chiếu lên mặt cha bây giờ ấy.

Ông gật đầu và mìm cười, hài lòng là bây giờ thì ông đã hiểu.

- Đấy là điều con thích nhất về cuộc sống mới của con, việc ở trong xưởng vẽ ấy, - ông nói ngay.

Điều duy nhất, tôi thầm nghĩ, nhưng không nói ra. Đến lúc chúng tôi ăn bữa trưa, tôi cố gắng không so sánh nó với những gì có trong ngôi nhà ở Khu người Gia tô, nhưng tôi đã trở nên quen thuộc với thịt và bánh mì làm từ lúa mạch đen loại tốt. Mặc dù mẹ tôi nấu nướng khéo léo hơn Tanneke nhưng bánh mì đen thì khô, món rau hầm thì nhạt nhẽo vì không có mỡ để đem lại hương vị cho nó. Căn phòng cũng khác, không có những viên gạch bằng đá hoa cương, không có rèm sa tanh, không có những cái ghế bọc da được trang trí. Mọi thứ đều đơn giản và sạch sẽ, không được trang hoàng gì cả. Tôi yêu nó vì nó thân thuộc, nhưng giờ đây tôi ý thức được sự buồn tẻ của nó.

Đến cuối ngày thì thật nặng nề phải nói lời tạm biệt với cha mẹ - nặng nề hơn lần đầu tiên tôi đi, vì lần này tôi biết mình sẽ trở về đâu. Agnes đi cùng tôi với Quảng trường Chợ. Khi chỉ còn lại hai chị em, tôi hỏi em xem em thế nào.

- Cô đơn, em đáp lời, một từ thật buồn bã thốt ra từ miệng cô bé mười tuổi. Trước đây, lúc nào em cũng là một cô bé hoạt bát nhưng giờ đây em đã trở nên lặng lẽ.

- Chủ nhật nào chị cũng sẽ về, - tôi hứa. - Và trong tuần chị có thể ghé qya một chút sau khi đã đi chợ mua thịt cá.

- Hoặc em có thể gặp chị khi chị đi ra ngoài mua các thứ, - em đề nghị, mặt rạng rỡ lên.

Chúng tôi quả thật cố gắng gặp nhau vài lần ở Khu Hàng thịt. Tôi luôn mừng khi trông thấy em - chừng nào tôi đi một mình.

Tôi bắt đầu tìm chỗ đứng của mình trong ngôi nhà ở Oude Langendijck. Catharina. Tanneke và Cornelia đều có những lúc rất khó tính nhưng thường thì tôi được để yên với công việc của mình. Chắc đây là do ảnh hưởng của Maria Thins. Vì lý do riêng của mình, bà đã quyết định rằng tôi là một sự bổ sung hữu ích, và những người khác, kể cả đám trẻ con, noi theo gương bà.

Có thể bà cảm thấy rằng giờ đây, khi tôi đảm nhiệm việc giặt giũ, quần áo sạch sẽ hơn và được tẩy trắng hơn. Hoặc là giờ đây, khi tôi đi chợ, món thịt cũng mềm hơn. Hoặc ông cảm thấy dễ chịu hơn với xưởng vẽ sạch sẽ. Hai điểm đầu thì đúng. Điểm sau thì tôi không biết. Khi ông và tôi cuối cùng nói chuyện với nhau, câu chuyện không nhắc đến việc dọn dẹp của tôi.

Tôi thận trọng hướng bất cứ lời khen nào về việc chăm lo nhà cửa tốt hơn khỏi mình. Tôi không muốn có kẻ thù. Nếu Maria Thins thích món thịt, tôi nói rằng đó là do cách nấu nướng của Tanneke làm cho món thịt thành ngon như thế. Nếu Maertge nói rằng tạp dề của nó trắng hơn trước kia, tôi bảo do mặt trời mùa hè bây giờ đang đặc biệt chói chang.

Tôi tránh Catharine khi nào có thể. Rõ ràng là ngay từ giây phút cô ta nhìn thấy tôi thái rau trong bếp của mẹ tôi thì cô ta không thích tôi. Tâm trạng cô ta không hề được cải thiện chút nào bởi đứa bé mang trong bụng, nó khiến cô tả trở nên lóng ngóng, vụng về và không còn giống chút nào với vai trò cô ta cảm thấy - quý bà cao quý của ngôi nhà. Đó còn là một mùa hè nóng bức và đứa trẻ thì đặc biệt hiếu động. Nó bắt đầu đạp mỗi khi cô ta đi lại, ấy là cô ta nói vậy. Khi bụng cô ta to hơn, cô ta đi lại trong nhà với một vẻ mệt mỏi, đau đớn. Cô ta nằm lại trên giường ngày càng muộn hơn, thế nên Maria Thins là người cầm chùm chìa khóa và mở cửa xưởng vẽ cho tôi mỗi buổi sáng. Tanneke và tôi bắt đầu làm nhiều hơn công việc của cô ta khi trước - trông nom mấy đứa con gái, mua các vật dụng cho ngôi nhà, thay rửa cho đứa bé.

Một hôm, khi tâm trạng Tanneke vui vẻ, tôi hỏi chị ta sao họ không thuê thêm người hầu cho công việc nhẹ nhàng hơn.

- Với một ngôi nhà lớn thế này, rồi tài sản bà chủ của chị, rồi những bức tranh của ông chủ, - tôi nói thêm, - chẳng nhẽ họ không thể thuê thêm một người hầu gái! Hay một chị bếp?

- Chà, - Tannke khịt mũi, - họ khó khăn mới trả được lương cho cô đấy.

Tôi ngạc nhiên - những đồng tiền trong tay tôi mỗi tuần thật ít ỏi. Tôi sẽ phải mất hàng năm làm việc mới có thể mua được một thứ gì đó đẹp đẽ như cái áo choàng màu vàng mà Catharia cẩu thả gập trong tủ. Họ không có vẻ là túng thiếu.

- Tất nhiên là họ sẽ tìm được cách để trả tiền vú em trong vòng vài tháng khi đứa bé được sinh ra, - Tannke nói thêm. Giọng chị ta có vẻ chê trách.

- Tại sao?

- Để vú em cho đứa bé bú.

- Cô chủ sẽ không cho con bú à? Tôi ngốc ngếch hỏi.

- Cô chủ không thế có nhiều con đến thế nếu cô ấy tự cho con bú. Việc đó làm cho không có con được nữa, cô biết đấy, nếu tự cho con bú.

- Chà - tôi cảm thấy mình hoàn toàn mù tịt về những chuyện này, - Thế cô ấy muốn có thêm con à?

Tannke cười khúc khích.

- Đôi lúc tôi nghĩ cô chủ đang dùng trẻ con lắp đầy ngôi nhà vì cô ấy không thể dùng người hầu lấp đầy ngôi nhà như cô ấy muốn.

Chị ta hạ giọng:

- Ông chủ vẽ không đủ để trả công người hầu, cô thấy đấy. Mỗi năm ông ấy thưởng vẽ ba bức tranh. Đôi lúc chỉ có hai. Người ta không trở nên giàu có bằng cách đó được.

- Ông ấy không thể vẽ nhanh hơn được sao? - thậm chí ngay lúc nói tôi đã biết ông sẽ không làm thế. Ông sẽ chỉ luôn vẽ theo tốc độ của riêng ông.

- Bà chủ và cô chủ đôi lúc bất đồng. Cô chủ muốn ông chủ vẽ nhanh hơn, nhưng bà chủ nói rằng vẽ nhanh sẽ làm hỏng ông ấy mất.

- Maria Thins rất tinh tường.

Tôi hiểu rằng tôi có thể nói ra ý kiến của mình trước mặt Tanneka chừng nào tôi nói những chuyện khen ngợi Maria Thins. Tannke trung thành tuyệt đối với bà chủ của mình. Tuy nhiên, chị ta không mấy nhẫn nại với Catharina, và khi tâm trạng vui vẻ, chị ta khuyên tôi về việc phải cư xử thế nào với cô ta.

- Đừng để ý những điều cô chủ nói, - chị ta khuyên. - Đừng biểu lộ gì ra mặt khi cô ấy nói, rồi sau đó làm mọi việc theo cách của cô, hay theo cách mà tôi hay bà chủ bảo. Cô ấy không bao giờ kiểm tra đâu, cô ấy cũng chẳng bao giờ phát hiện ra đâu. Cô ấy chỉ ra lệnh cho chúng ta vì cô ấy cảm thấy cần phải ra lệnh. Nhưng chúng ta biết ai là chủ thật sự của chúng ta, và cô ấy cũng biết.

Mặc dầu Tanneke thường hay cáu với tôi, tôi đã học được cách không để ý đến chuyện đó vì chị ta chẳng bao giờ như vậy lâu. Tâm trạng chị ta luôn thay đổi, có lẽ do bị kẹt giữa Catharina và Marie Thins trong bao năm như vậy. Bất kể những lời tự tin rằng cứ lờ Catharina đi, chính Tanneke lại nghe theo lời khuyên của mình. Kiểu nói khó nghe của Catharina khiến chị ta buồn. Và Maria This, mặc dù rất công bằng, cũng không bảo vệ Tanneke trước Catharina. Tôi chưa từng nghe Maria Thins mắng mỏ con gái vì bất cứ điều gì, dù rằng đôi lúc cần phải quở trách cô ta. Còn có vấn đề trong việc chăm sóc nhà cửa của Tanneke. Có lẽ lòng trung thành của chị ta bù đắp cho tính cẩu thả của chị ta khi chăm sóc ngôi nhà - các góc nhà không được lau chùi, thịt cháy ở bên ngoài và chưa chín ở bên trong, ấm đun nước không được lau chùi sạch sẽ. Tôi không thể hình dung ra nổi chị ta đã làm gì với xưởng vẽ của ông khi chị ta cố gắng dọn dẹp căn phòng đó. Mặc dầu Maria Thins hiếm khi mắng mỏ Tanneke, cả hai người đều biết rằng bà cần phải mắng, và chuyện này khiến Tanneke hoang mang và dễ giận hơn.

Tôi nhanh chóng hiểu ra, dù rằng rất sắc sảo, Maria Thins lại cư xử mềm mỏng với những người gần gũi bà nhất. Những lời chỉ trích của bà không gay gắt như bề ngoài của nó.Trong số bốn đứa con gái, Cornelia là đứa đồng bóng nhất, như nó đã thể hiện ngay từ buổi sáng đầu tiên. Cả Lisbeth và Aleydis đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, trầm tính, còn Maertge đã đủ lớn để bắt đầu hiểu được mọi việc trong nhà, việc đó khiến cô bẻ trở nên điềm tĩnh - dù rằng đôi lúc nó cũng có những cơn giận dữ và la mắng tôi y như mẹ nó. Cornelia thì không la hét nhưng có những lúc không thể nào kiểm soát nổi con bé. Thậm chí lời đe dọa về cơn giận dữ của Maria Thins mà tôi đã sử dụng ngày đầu tiên không phải lúc nào cũng hiệu quả. Có thể ngay phút trước thì con bé vui vẻ dễ chịu, sau đó thay đổi ngay, giống như một con mèo đang dễ chịu rên gừ gừ nhưng lại cắn ngay bàn tay sờ vào nó. Trong khi rất trung thành với các chị gái, nó cũng chẳng ngại ngần gì làm mấy đứa kia khóc bằng cách cấu các chị thật đau. Tôi cảnh giác với Cornelia và không thể yêu quý nó như những đứa khác.Tôi trốn chạy khỏi tất cả những chuyện đó trong khoảng thời gian tôi dọn dẹp xưởng vẽ. Maria Thins mở cửa phòng cho tôi và thỉnh thoảng bà nán lại ít phút xem xét bức tranh, cứ như thể đó là một đứa trẻ đang bị ốm cần bà chăm sóc. Dù vậy, khi bà đi rồi thì căn phòng là của riêng tôi. Tôi nhìn xung quanh xem có gì thay đổi không. Ban đầu nó dường như vẫn thế, ngày này qua ngày khác, nhưng khi đôi mắt tôi đã quen với những chi tiết của căn phòng, tôi bắt đầu nhận ra những thay đổi nhỏ - những cái cọ được sắp xếp lại trên nóc tủ, một trong những ngăn tủ bị hé mở, cái bay pha màu nằm cân bằng trên mép giá vẻ, cái ghế bị xê dịch đi một chút ra khỏi chỗ của nó bên cạnh cửa.

Tuy vậy, trong góc phòng, nơi ông vẽ, không có gì thay đổi cả. Tôi rất thận trọng không di chuyển bất cứ thứ gì, nhanh chóng điều chỉnh cách đo đạc của mình để tôi có thể lau chùi dọn dẹp chỗ đó cũng nhanh và tự tin như những chỗ khác. Và sau khi thử nghiệm với những tấm vải khác, tôi bắt đầu lau chùi tấm vải màu xanh sẫm và cẩn thận sao cho nó hút bụi mà không làm hỏng những nếp nhăn.Dường như bức tranh không thay đổi gì, dù tôi có xem xét kỹ lưỡng đều đến đâu cũng thế. Cuối cùng thì một hôm tôi thấy có một chiếc vòng ngọc trai khác được vẽ thêm vào cổ người đàn bà. Hôm khác thì bóng của tấm rèm cửa màu vàng đã trở nên lớn hơn. Tôi cũng nghĩ vài ngón tay phải đã bị dịch chuyển. Cái áo choàng sa tanh bắt đầu trở nên trông thực đến nỗi tôi muốn vươn tay ra chạm vào nó. Tôi gần như đã chạm vào cái áo thực hôm cô vợ ngài Rujiven để nó lại trên giường. Tôi đang vươn người để vuốt ve cổ áo lông thì tôi ngước lên và thấy Cornelia ở ngoài cửa, đang quan sát tôi. Những cô bé khác khỏi tôi đang làm gì nhưng Cornelia chỉ đơn giản quan sát. Điều đó còn tệ hại hơn bất kỳ câu hỏi nào. Tôi buông tay xuống và con bé mỉm cười.

Mấy tuần sau khi tôi bắt đầu làm cho nhà họ, một sáng Maertge khăng khăng đòi đi cùng tôi đến Khu Hàng cá. Cô bé thích chạy qua Quảng trường Chợ, nhìn các thứ vuốt ve các chú ngựa, tham gia vào các trò chơi của những đứa trẻ khác, ăn thứ món cá hun khói ở những hàng khác nhau. Cô bé thọc vào sườn tôi trong lúc tôi đang mua cá trích và hét lên.

- Nhìn kìa, chị Griet, nhìn cái diều kìa.

Cái diều trên đầu chúng tôi có hình một con cái với cái đuôi dài, gió khiến nó trông như đang bơi trong không khí, những con mòng biển chao lượn xung quanh. Trong lúc cười tôi thấy Agnes lờn vờn gần chúng tôi, đôi mắt em dán vào Maertge. Tôi vẫn chưa kể với Agnes rằng có một cô bé tầm tuổi em trong ngôi nhà đó - tôi sợ chuyện đó làm em buồn và nghĩ rằng em đã bị người khác thay thế. Đôi lúc, khi về thăm gia đình, tôi cảm thấy lúng túng khi kể cho họ bất cứ điều gì. Cuộc sống mới của tôi đã dần thay thế cuộc sống cũ. Khi Agnes nhìn tôi, tôi khẽ lắc đầu sao cho Maertge không nhìn thấy và quay đi để bỏ cá vào làn. Tôi rõ ra bận rộn - tôi không thể chịu đựng khi phải nhìn thấy nỗi đau trên khuôn mặt em. Tôi không biết Maertge sẽ làm gì nếu Agnes nói chuyện với tôi.Khi tôi quay lại Agnes đã không còn ở đó.

Tôi sẽ phải giải thích với em khi tôi gặp em vào Chủ nhật. Tôi nghĩ giờ đây tôi có hai gia đình, và hai gia đình đó không được lẫn lộn với nhau.Sau đó tôi luôn cảm thấy xấu hổ khi mình đi quay lưng lại với chính em gái mình.Tôi đang ở bên ngoài phơi đồ, giũ từng món trước khi treo chúng thẳng thớm trên dây khi Catharine xuất hiện, thở nặng nề. Cô ta ngồi xuống cái ghế bên cạnh cửa, nhắm mắt lại và thở. Tôi tiếp tục việc mình đang làm như thể chuyện cô ta đến với tôi là hết sức bình thường nhưng cằm tôi nghiến lại.

- Họ đi chưa? - cô ta bất ngờ hỏi.

- Ai cơ, thưa cô?

- Họ, cái con bé ngốc nghếch này. Chồng tôi và… - đi xem họ đã lên tầng chưa.

Tôi thận trọng bước ra hành lang. Hai đôi chân đang đi trên cầu thang.

- Ông có giữ được nó không? - Tôi nghe tiếng ông hỏi.

- Được, được, tất nhiên. Ông biết là nó không nặng lắm mà, - một người đàn ông khác trả lời, giọng trầm đục như âm thanh từ giếng. - Chỉ hơi bất tiện chút thôi.

Họ lên đến bậc trên cùng cầu thang và vào xưởng vẽ. Tôi nghe tiếng cửa phòng đóng sập lại.

- Họ đi chưa? - Catharina rít lên.

- Họ đang ở trong xưởng vẽ, thưa cô, - tôi trả lời.

- Tốt. Giờ thì giúp tôi đứng dậy.

Catharina chìa tay ra và tôi kéo cô ta đứng lên. Tôi không nghĩ cô ta có thể to ra nhiều thế và vẫn cố đi lại được. Cô ta di động dọc theo hành lang như một con tàu đang chỡ nặng, ép chùm chìa khóa vào người để chúng không kêu leng keng và biến vào phòng lớn.

Sau đó tôi hỏi Tanneke tại sao Catharine lại trốn.

- À, ngài Leeuwenhoek ở đây, - chị ta trả lời, cười khúc khích. - Một người bạn của ông chủ. Cô chủ sợ ông ấy.

- Tại sao?

Tanneke thậm chí còn cười hơn.

- Cô chủ làm vỡ hộp của ông ấy. Cô ấy đang nhìn vào đó thì làm nó đổ. Cô biết cô ấy vụng về thế nào rồi đấy.

Tôi nghĩ đến con dao của mẹ quay tròn trên nền nhà.

- Cái hộp nào?

- Ông ấy có một cái hộp gỗ mà cô nhìn vào đó và thấy các thứ.

- Thứ gì?

- Mọi thứ! - Tanneke trả lời vẻ mất kiên nhẫn. Rõ ràng là chị ta không muốn nói chuyện về cái hộp.

- Cô chủ làm vở cái và ngài Leeuwenhoek giờ đây không muốn nhìn thấy cô ấy. Đó là lý do tại sao ông chủ không cho cô chủ vào xưởng vẽ trừ khi ông ấy ở đó. Chắc ông ấy sợ cô ta làm đổ bức tranh!Tôi đã phát hiện ra cái hộp gì đó vào buổi sáng hôm sau, ngày ông nói với tôi về những thứ mà phải hàng tháng trời tôi mới hiểu được. Khi tôi vào lau chùi xưởng vẽ thì giá vẽ và ghế đã được dẹp sang một bên. Bàn vẫn ở chỗ cũ, đã được dọn sách giấy và tranh ảnh. Trên đó là một cái hộp gỗ nhỏ hơn được gắn vào bên thành và từ đó nhô ra một vật hình tròn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3