Franz và Clara - Chương 01 - 02 - 03

Phần đầu

1

Cậu ấy bước vào cuộc đời tôi giữa một ngày giống bao ngày khác tôi đã trải qua kể từ khi trái tim tan vỡ.

Tôi nhớ từng chi tiết: cái sắc xám xịt nhưng lại khiến người ta yên lòng của mặt nước hồ, và cả bầu trời cũng như vậy; những cánh chim vút lên cùng tiếng kêu của chúng phía trên đám cây đoạn và cây keo bên lối đi dạo chạy dọc bờ sông; âm thanh vẳng lại từ phía xa, xa xôi và yên bình và càng tiến đến gần bến tàu càng nhè nhẹ lớn dần lên, đó là tiếng động cơ tuabin của chiếc tàu hơi nước cũ kỹ đưa dân ở đầu Nam hồ nước, nằm cách đây bốn mươi kilômét, tới trung tâm thành phố lớn – và tôi nhớ chuyện con tàu màu trắng vàng ấy mỗi lần cập bến, dù đều đặn và đúng giờ, gây nên cảnh tượng xáo động có tổ chức cùng vẻ bồn chồn có chừng mực trên bến tàu như thế nào. Đám người đang chờ đợi những người mới đến đan cài vào dòng người bước xuống tàu để đi theo chiều ngược lại; một cặp nhân viên giữ hành lý trong bộ đồng phục xanh lam pha đỏ, tôi như thấy lại cái viền trắng trên chiếc mũ vải thủy thủ cả họ; những người bán kẹo, cô gái hàng hoa, anh bán dạo và, trên tất cả là những hồi còi kéo dài không ngớt của chiếc tàu chở khách. Cùng với âm thanh xưa cũ và quen thuộc, thứ âm thanh không quá chói tai, không quá trầm lặng ấy, những hồi còi mang theo mình mọi hoạt động, thói quen và chuyển động khác của thành phố.

Giống như một chiếc đồng hồ công cộng đổ chuông báo giờ trên quảng trường, tiếng còi của chiếc tàu hơi nước cũ kỹ ghi dấu bước đi của thời gian và chuyển động của ngày. Tôi không bao giờ thấy lại chính xác âm thanh của hồi còi ấy. Nó khắc sâu vào tôi như tiếng vĩ lướt trên dây đàn violon đầu tiên mà bố tặng tôi khi tôi mới chỉ là một cô bé.

Đó là một ngày mùa xuân đẹp trời, bầu trời xanh thẳm điểm vài gợn mây xám, những gợn mây vô hại. Chúng chắc hẳn chẳng làm ngày thay đổi gì, cũng không che lấp được mặt trời đang khiến những tấm đá bảnh trên các mái nhà lấp lánh và làm những máng kim loại màu sữa ánh lên, những máng nước ấy chạy dọc các ngôi nhà lâu đời trong khu phố cổ của thành phố, nằm phía bên kia đường tàu điện. Bầu không khí thật êm dịu, không chút ẩm ướt, một làn gió nhẹ mơn man thổi xuống từ trên núi, nơi người ta có thể thấy rõ những khúc uốn lượn, đám cây lãnh sam và những đỉnh núi trắng xóa.

Từ khi trái tim tan vỡ, tôi không còn chịu nổi giờ ăn trưa trong căng tin dành cho các thành viên dàn nhạc gồm nhạc công, phụ tá, trợ lý đạo diễn, kỹ thuật viên. Tôi vẫn có thể làm việc được giữa họ chẳng khó khăn gì ngay từ lúc ngồi vào chỗ, đặt hộp đàn violon màu đen dưới chân, ở giá nhạc thứ ba hàng thứ ba của cung vòng tròn bao quanh cái bục nơi nhạc trưởng đứng chỉ huy. Diễn tập, chơi lại, nghe, hòa âm, chỉnh sửa, trở đi trở lại một khuôn nhịp hay một đoạn nào đó chừng nào còn cần thiết, rồi ít nhất một lần trong các buổi diễn tập, biểu diễn một mạch từ chương đầu tiên cho đến chương cuối cùng, một lần duyệt tổng thể, tất cả những điều này đều ổn với tôi. Chúng giúp tôi quên đi. Nhưng, quay lại với nhịp sống hàng ngày, bên ngoài phòng nhạc, tôi khó mà che giấu được nỗi buồn của mình. Tôi tưởng tượng ra rằng các bạn đồng nghiệp nhận thấy điều đó và đang nhìn tôi. Có lẽ họ đang bàn tán hay cười cợt về chuyện ấy. Tôi tự cô lập mình. Vì thế, ngay khi có thời gian rảnh, tôi liền ra ngoài. Phòng hòa nhạc trong tòa nhà dành cho dàn nhạc nằm bên bờ hồ. Chỉ cần đi khoảng một trăm mét là tới được đó.

Tôi thường tới ngồi trên chiếc ghế băng gần hồ nhất. Tôi luôn chọn cùng chiếc ghế ấy, như thể việc tìm lại được vẫn khung cảnh mặt hồ ấy, đưa mắt nhìn vẫn chuyến tàu có động cơ tua bin đến từ Vitznau ấy, chặng đường cuối cùng trong hành trình chậm chạp của nó, có thể là phương thuốc cho sự yếu đuối trong tôi. Tôi ngồi ở đầu phải băng ghế, đối diện mặt nước, thưởng thức một trái táo hay một quả chuối, đôi khi là những chiếc bánh quy mà tôi mang theo cùng một chai nước khoáng nhỏ. Lúc đó khoảng mười hai giờ rưỡi trưa, tôi biết mình có một giờ đồng hồ, có thể là hơn thế một chút, trước khi phải quay lại phòng nhạc. Quãng thời gian được ở một mình, không phải suy nghĩ và tránh né ánh mắt của những người khá

Cũng như thế, vào một ngày đầu xuân đẹp trời, khi tiến về nơi mà cuối cùng tôi cũng đã coi như “chiếc ghế băng của mình”, tôi nhận ra có ai đó đã ngồi đấy rồi, không phải vào chỗ của tôi – tôi luôn ngồi ở cũng một đầu ghế - mà vào đầu bên kia, đầu bên trái.

Điều ấy làm tôi ngạc nhiên và có phần nổi cáu. Người ta đã xâm chiếm lãnh thổ bí mật của tôi. Tôi định đi tìm một chiếc ghế khác còn trống, nhưng tôi đã quá quen với nơi ấy, nơi mà dù không nhận ra song tôi đã biến nó thành một điểm thân thuộc, nơi tôi lãng quên mọi thứ trong hiện tại, đến mức tôi không thể quyết định quay bước. Khi ngồi ở đó, tôi mở ra cánh cửa vô hình của một căn phòng vô hình, bên trong tôi tìm thấy một chút gọi là thanh thản. Chỉ vài giây là đủ để sau khi ngồi xuống, đưa mắt nhìn chuyển động yên bình của làm nước yên bình nơi mặt hồ yên bình ấy, tôi có thể quên đi rằng trái tim mình đang tan vỡ, quên đi người đã làm tan vỡ trái tim tôi.

Khi lại gần băng ghế, tôi nhận ra bóng dáng mà từ xa tôi tưởng là của một người lớn gần với bóng dáng một thanh niên hơn. Tôi càng tiến lại gần bóng dáng ấy càng trẻ ra, giảm dần cả về chiều cao lẫn bề ngang. Đó là một cậu bé. Cơn tức tối trong tôi dịu dần, rồi mất hẳn. Tuy nhiên, vì muốn chứng tỏ sự xa cách của mình với người mà tôi coi là kẻ không mời mà đến, tôi ngồi xuống không cố ý nhìn mặt cậu ta, hướng ánh mắt về phía hồ nước. Tôi có cảm tưởng, từ phía bên kia, cậu bé không cử động và cũng đang lặng ngắm mặt nước sẫm màu mênh mông. Hẳn cả hai chúng tôi đều có vẻ tinh quái, bất động trong bầu không khí im lặng giả tạo, nhưng chuyện đó chỉ kéo dài vài giây. Tôi cảm thấy cậu ấy nói bằng một giọng trong sáng, không phải giọng của một đứa trẻ, nhưng cũng chưa phải giọng của một người lớn:

- Tôi hi vọng không làm phiền chị nếu cùng chia sẻ khoảng không gian của chị. Rõ ràng là hôm nay tôi đến đây trước chị, nhưng tố biết rất rõ cái ghế này thuộc về chị. Tôi hi vọng điều đó không làm phiền chị.

Tôi quay sang phía cậu ta.

- Dĩ nhiên là không, tôi nói, nhưng làm sao mà câu biết được điều ấy?

Cậu không trả lời mà mỉm cười. Phải một thời gian sau tôi mới hiểu ra rằng cậu không bao giờ trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà người ta đặt cho cậu. Chúng tôi nhìn nhau, tôi một thiếu nữ, cậu ấy một cậu bé, cậu hẳn mới mười hai tuổi, không hơn – còn tôi hai mươi.

- Tôi chuẩn bị ăn trưa, tôi nói với cậu. Tôi nghĩ cậu cũng thế.

2

Cậu ấy có nụ cười cũng trong sáng như giọng nói. Cậu lại cười một lần nữa như để cho chính mình và chìa ra trong bàn tay trái một túi giấy nhỏ màu nâu, rồi lấy từ đó ra hai chiếc sandwich được bọc giấy nhôm cẩn thận.

- Chúc ngon miệng, cậu nói với tôi.

Điều đó khiến tôi buộc phải lôi từ túi xách tay ra một quả táo và những thứ làm nên bữa trưa đạm bạc của mình. Và việc này giống như thể chính cậu nhóc ấy đã quyết định thời gian thảnh thơi của chúng tôi diễn ra như thế nào và chúng tôi sẽ cùng nhau chia sẻ nó, bên hồ nước.

Giờ thì tôi có thể nhìn kỹ cậu ấy. Cậu có khuôn mặt đăm chiêu, với cảm giác mâu thuẫn vừa ngây thơ vừa hiểu biết mà bọn trẻ đôi khi vẫn gợi ra. Vầng trán rộng, đôi mắt xanh ngả vàng dưới cặp mắt đen, mọc lộn xộn, gò má khá cao, chiếc mũi thẳng, bầu má phẳng phiu bị nụ cười làm cho nhăn lại khi cậu quyết định cười, và thế là, mỗi bên mặt dãn ra, khiến một vẻ gì đấy như là nghiêm trang biến mất, nhường chỗ cho một thứ ánh sáng bừng lên và cho một trực cảm: người ta có thể tưởng tượng được ngay cậu bé này sẽ trở thành một thiếu niên rồi một người đàn ông thế nào, và khuôn mặt kia sẽ giúp cậu dễ dàng quyến rũ bất kỳ ai cậu gặp một ngày nào đó ra sao mà chẳng phải tốn công thuyết phục hay khơi gợi ở họ sự tò mò hoặc mối quan tâm. Lúc ấy, chưa hề có chút năng khiếu nào trong việc tiên đoán tương lai của một người xa lạ. Chính cuộc sống đã dạy cho tôi và giúp tôi biết đọc, biết lắng nghe ngôn ngữ của cơ thể, của khuôn mặt, và thấy được ở đó sự đáng tin cậy, hoặc sự lừa phỉnh, hay chính sự thật. Còn lúc bấy tôi chỉ chủ yếu quan tâm đến việc chữa lành nỗi đau cho mình và nếu giờ đây ít ra tôi cũng có thể phác lại rõ nét hơn bức chân dung của người ngồi cạnh tôi trên băng ghế thì chắc chắn trí nhớ đã làm công việc của nó. Trí nhớ làm méo mó, phá huỷ, rồi gây dựng lại. Tôi không biết liệu lúc đó cậu có giống với miêu tả của tôi bây giờ không. Tôi nhớ rất rõ mình đã ngạc nhiên trước khuôn mặt ấy và điều đó đã cuốn đi gần hết cơn tức giận của tôi trước một kẻ không mời mà tới, kẻ đã khuấy động thời khắc tôi tách mình khỏi phần còn lại của thế giới.

Sau đó, tôi tự nhủ cậu bé này chỉ tình cờ tới đây ngồi và chỉ một ngày thôi, rồi mai mình sẽ tìm lại được sự thanh bình và tĩnh lặng. Cậu mặc một kiểu đồng phục màu xanh lơ cùng chiếc áo khoác có cúc kim loại màu trắng và chiếc quần vải cùng màu. Trông cậu như một thuỷ thủ nhỏ, tôi không biết chàng thuỷ thủ trẻ nào vừa bất chợt cập bến từ con tàu nào nữa. Đôi chân cậu gần chạm mặt đất. Cậu khẽ đung đưa chân. Cậu mang đôi giày màu đen thấp cổ có khoá kim loại mạ bạc. Cậu kết thúc bữa ăn nhanh của mình và nói:

- Chị không buộc phải nói, nhưng sẽ là không tôn trọng các quy tắc lịch sự nếu tôi không nói với chị rằng tôi tên là Franz-Xavier và mọi người gọi tôi là Franz.

Giọng điệu này, cách diễn đạt gần như quá người lớn này làm tôi bật cười. Cậu ta đang diễn hài kịch à? Cậu ta đang bắt chước ai vậy? Đồng thời, lần này, khi nhìn mặt cậu lâu hơn, tôi thấy rõ cậu không làm trò hề. Đó là cách cậu nói, và tôi tham gia trò chơi của cậu:

- Quả nhiên, tôi không buộc phải trả lời cậu. Nhưng tôi lại muốn đặt câu hỏi: Cậu làm gì ở đây? Cậu không phải tới trường hay tới đâu đó à? Hoặc là ở nhà với bố mẹ?

Cậu không trả lời mà chỉ thay đổi ngữ điệu:

- Chị không cần phải xưng hô lịch sự với tôi, cậu nói. Nếu chị xưng hô thân mật, tôi cũng sẽ làm thế.

- Được thôi, tôi nói. Em từ đâu tới?

Cậu đưa tay chỉ về phía thành phố, ở bên kia cây cầu. Cậu đứng dậy.

- Tôi nghĩ là đến giờ rồi. Người ta đang đợi tôi. Có lẽ với chị cũng vậy.

- Không, tôi còn thời gian.

- Được thôi, thế thì tôi sẽ phải tạm biệt chị.

- Tạm biệt, tôi trả lời.

Cậu đứng dậy, nghiêng đầu lịch sự chào tôi. Cậu bỏ cái túi giấy đã vo tròn vào một thùng rác công cộng. Rồi cậu bắt đầu chạy, băng qua bờ kè để tới đại lộ nơi có đường tàu điện chạy qua và cuối cùng mất hút trên cầu, về phía những con hẻm của thành phố cổ, cái bong dáng nhỏ bé xanh lơ và khó hiểu ấy.

Thường thường, sau khi ngồi xuống băng ghế, tôi cần một chút thời gian để quên đi sự hiện diện của một kiểu rào chắn trong lồng ngực, phía bên trái. Thực ra, trong suốt thời gian tôi ngồi một mình bên hồ, rào chắn ấy không bao giờ hoàn toàn biến mất. Nhưng ngày hôm đó, mọi chuyện không còn như cũ. Franz đi rồi, tôi nhận thấy rằng nỗi tò mò mà sự xuất hiện bất ngờ của cậu gây ra đã thoảng xoá đi nỗi đau trong tôi.

3

Hôm sau, thời tiết gần như chẳng đổi khác gì so với hôm trước. Vẫn bầu trời ấy, với những ánh phản chiếu trắng pha vàng trên mặt nước hồ, và dãy Alpes lấp lánh phía xa xa nơi chân trời.

Tôi vừa bước về phía chiếc ghế băng vừa cố xoá đi ký ức mới đây về buổi tập ban sáng, nhưng thật khó. Ta thu mình lại, tìm kiếm nỗi cô đơn nội tâm, song vô ích, thái độ và ánh mắt của những người khác không tan biến đi như thế. Bạn cho rằng người ta đang nhìn bạn, thậm chí ngay cả khi người ta không nhìn.

Những nụ cười mỉm ngọt ngào, những bàn tay chìa ra, quả có thế, và những nụ hôn lên má từ những người mà tôi quen thân, những đồng nghiệp cùng hàng gần gũi với tôi nhất, nhưng, hơn cả hôm qua, không hiểu tại sao tôi lại có cảm giác mình bị đánh giá, dò xét, cân đong đo đếm như ở nơi bày hàng hoá. Bởi lúc nào tôi cũng tưởng như nghe thấy những điều họ thì thầm:

“Nhìn xem, cô ta khó mà gượng dậy nổi. Thử nghĩ lại dáng vẻ hân hoan của cô ta khi mọi chuyện với cô ta còn đang đẹp đẽ. Và cô ta từng xuất hiện thế nào nhỉ, dáng thẳng, ngực ưỡn, hông lắc, toàn thân phô bày ra rằng cô ta đã làm tình suốt cả đêm, rằng người đàn ông của cô ta đã mang lại cho cô ta khoái cảm và cô ta cảm thấy bao mãn nguyện, bao hạnh phúc, và có lẽ điều đó đã kéo dài hàng giờ, hàng giờ, và cô ta từng muốn nói với chúng ta chuyện ấy thế nào, từng muốn hét lên chuyện ấy trước công đồng nhỏ bé của chúng ta ra sao, qua vẻ thỏa mãn lặng lẽ và khoan khoái trên bầu má, dưới đôi mắt, trong vành cung dưới hàng mi, qua cái cách cô ta uyển chuyển gợi cảm và uể oải bình thản lách thân mình ra sau giá nhạc, rồi khéo léo đặt bản dàn bè lên với nụ cười không ưa nổi trên đôi môi sưng phồng, vì đã hôn quá nhiều.”

“Còn hôm nay, nhìn cô ta đi: người còng xuống, khuôn mặt hõm sâu, nước da nhợt nhạt, chẳng hề có chút sức sống cùng vui thú nào trong hành động cũng như lời nói, một ngọn đèn đã tắt, như một kẻ bại trận.”

Khắp người bạn chỗ nào cũng bầm dập, họ khiến bạn trật khớp giống như một võ sĩ quyền Anh no đòn của đối phương, họ lạnh lùng chua cay. Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều gì dữ dội đến vậy, như buổi sáng hôm ấy. Tuy nhiên, chẳng có gì được gọi là đặc biệt diễn ra trong phòng thay quần áo hay trong lúc mọi người vào chỗ của mình tại từng hàng ở dàn nhạc cả, và cũng giống như ngày hôm trước, tôi không nhượng bộ trước những dòng nước mắt chực trào ra. Tôi cố giữ mình ngồi thẳng, tập trung hết mức. Cố không nghĩ điều gì ngoài những chi dẫn, những đoạn lặp lại, những đoạn chơi tiếp. Nghệ sĩ độc tấu thật may mắn: họ không có quyền cũng chẳng có thời gian để nghĩ đến gì khác ngoài việc họ làm vào lúc họ đang làm nó. Một nhạc công dàn nhạc, nếu nhạc trưởng không truyền được cảm hứng cho họ, có thể sao lãng tập trung và để tâm hồn mình vơ vẩn trong vài giây. Nhưng chỉ một sự chuệnh choạng nhỏ nhất cũng có thể gây hại. Một lần còn chấp nhận được. Hai hoặc ba lần là lệch nhịp, dàn nhạc sẽ dừng chơi và bầu không khí nghi vấn sẽ trỗi dậy, vài cái đầu quay lại, có gì đó không ổn chăng? – đũa chỉ huy gõ trên giá nhạc, ánh mắt sắc lẹm của nhạc trưởng hướng về phía người chơi lạc nhịp, ấy là nỗi tức giận khó nhận thấy của vị nhạc trưởng, nào, không có gì quá khó cả, chúng ta hãy chơi lại, và tôi cảm thấy đó giống như lời trách móc thầm lặng của tập thể, như thái độ nóng lòng sốt ruột. Cúi đầu, quay lại nếp cũ, đưa cây vĩ lên đàn. Từ bỏ cái thiên hướng hợm hĩnh tự tưởng tượng ra rằng cả thế giới đang để mắt đến tâm trạng của bạn. Tìm kiếm trong thứ công việc nhạc nhẽo đòi hỏi sự tỉ mỉ và luôn khiến người ta đắm chìm trong sự lãng quên chính mình, sự nhún nhường, và sự thanh tĩnh. Hoà mình vào dàn nhạc.

Thế là tôi chơi lại nốt nhạc cần chơi theo đúng cung cách, và chúng tôi đã tập luyện nhiều đoạn, bản phối hợp được chỉnh sửa và tất cả những hình ảnh xa lạ với âm nhạc, tất cả những kỷ niệm gây tổn thương biến mất trong chốc lát. Nhưng vẫn còn lại trong tôi cảm giác khó chịu ấy, vị đắng trong miệng ấy, và nó ở đó suốt cả buổi sáng.

Câu bé tuyên bố với tôi mình tên Franz đã ngồi sẵn ở chỗ của cậu trên băng ghế. Vẫn bộ đồng phục ấy, vẫn chiếc túi giấy nhỏ màu hạt dẻ đặt bên sườn phải ấy, vẫn ánh mắt xa xăm nhìn mặt hồ và nụ cười rạng rỡ khi quay về phái tôi ấy, vẫn giọng nói cửa rắn rỏi nửa yếu ớt ấy:

- Tôi không đợi chị đến sớm thế.

Tôi cười.

- Nhưng chúng ta có hẹn nhau đâu.

- Dù vậy tôi vẫn đợi chị. Chị đi chậm hơn.

- Tôi đi thế nào mặc tôi. Cậu dừng để tâm đến tôi.

Tới lượt câu ta cười.

- Chị không thể ngăn tôi quan tâm đến chị. Nếu điều đó làm chị cáu, hãy nói với tôi, tôi sẽ đi khỏi ghế băng. Nếu cần, tôi sẽ không quay lại đây nữa.

- Chị không nói với em như vậy, Franz.

- Khi chị xưng hô thân mật với tôi, thế đã là tốt lắm rồi.

- Chị cũng không nói với em là chị khó chịu.

- Chị không cần phải nói ra, điều ấy hiển hiện rõ rồi, thậm chí từ đằng xa kia.

- Em chọc chị cười à, làm sao người ta có thể thấy được một người có thoải mái hay không từ đằng xa?

- Đến giờ ăn trưa rồi, Franz nói. Dù sao chăng nữa cũng là giờ ăn của tôi.

Cậu mở túi giấy ra. Tôi nắm lấy cẳng tay để ngăn cậu lại.

- Khoan đã, tôi nói, không bao giờ trả lời vào câu hỏi thì quá dễ dàng. Quá đơn giản. Hãy nói cho chị biết, em theo dõi chị hay là gì chứ?

Cậu bé rút cánh tay khỏi bàn tay tôi một cách duyên dáng và nhẹ nhàng tới mức khiến tôi thấy hối tiếc vì hành động thô bạo của mình.

- À phải, đúng thế, tôi quay về phía cửa phòng hoà nhạc để xem xem chị đi ra từ cửa nào. Thực ra, vào giờ này trong ngày, chỉ có một cửa mở, phải thế không?

- Chắc chắn thế.

- Vì vậy, tôi thấy chị đi ra. Ngồi ở đây hơi xa một chút, nhưng người ta luôn dễ dàng nhận ra dáng đi của người đã ngồi cùng mình.

- Thẳng thắn mà nói thì chúng ta ngồi với nhau đâu lấy gì làm lâu lắm. Một giờ trên chiếc ghế băng này, ngày hôm qua, gần một giờ.

- Như thế là đủ để đoán ra mọi thứ.

Thái độ tin chắc của cậu ta thật khiến người khác phát cáu. Tôi đã muốn khiến cậu nhóc luôn làm ra vẻ trịnh trọng này chưng hửng, nhưng cậu ta nói một cách bình tĩnh, không cười cợt, và nhẹ nhàng đến độ khiến người ta quyên đi ý đồ của mình.

- Thế em đoán ra chuyện gì về chị?

- Có gì đấy không ổn, chị bước đi không hạnh phúc, chị cần thoát khỏi điều đó.

Tôi nhớ lại buổi diễn tập lúc sáng, nhớ lại cơn cuồng ám đã vô cớ xâm chiếm mình, nhớ lại cái ý nghĩ ám ảnh rằng “những người khác” đang nhìn mình mỉa mai trong khi họ chẳng nhìn gì cả - nếu có thì cũng chỉ là nỗi lo lắng hay niềm hạnh phúc của riêng họ. Nếu có thì cũng chỉ là bản dàn bè đặt trên giá nhạc trước mặt họ.

- Em có lý, tôi nói, nhưng chị sẽ thoát khỏi điều đó.

Cậu ta nở một nụ cười vừa ý, vẻ nhẹ lòng.

- Được, tốt, thế thì chúng ta ăn thôi. Chúc chị ngon miệng.

Tôi lấy táo và bánh quy của mình, còn cậu ta lôi mấy chiếc sandwich từ trong túi ra. Đó là những chiếc bánh ruột trắng cắt hình tam giác, giống loại người ta phục vụ tại phòng trà lớn của khách sạn Dorchester, London, cái hồi mà, để thưởng tôi vì đã học tốt piano và vì thầy giáo tôi nói rằng ông đặc biệt hài lòng về những gì tôi thể hiện, bố tôi tuyên bố: ‘Đi thôi, bố dẫn con tới Dorchester. Đã đến giờ uống trà.’([1])

[1] Trong nguyên bản, câu này viết bằng tiếng Anh

Hình ảnh chúng tôi khi ấy vẫn còn in trong ký ức. Bố một tay cầm hộp đàn cho tôi, tay kia nắm tay tôi và giục tôi băng qua công viên, giữa những chiếc diều, những quả bóng bay màu tím hoa cà và màu đỏ lẫn vào nhau, giữa những người đi xe đạp và những người cưỡi ngựa. Một nhóm nhạc khi đang chơi ở quán nhạc, bầu không khí mát mẻ, cỏ vẫn giữ được cái mùi hăng hắc từ giữa ngày, vài giờ nữa mọi thứ sẽ trở nên ẩm ướt hơn. Hình ảnh hai bố con sóng bước bên nhau hiện lên trong đầu tôi giống như thể tôi đã dựng lại một hình ảnh mà tôi chẳng bao giờ có thể thấy trọn vẹn, bởi tôi là một phần trong hình ảnh ấy, tôi ở chính giữa hình ảnh ấy.

- Tâm trí bạn hoàn toàn không ở đây nữa. Bạn nghĩ đi đâu thế?

Giọng nói của Franz đưa tôi ra khỏi quá khứ của mình. Chỉ trước sự hiện diện của cậu, tôi mới có thể quay lại đó. Vậy là, tôi nhìn cậu khác đi, tôi hiểu rằng cậu sẽ giữ một vai trò trong cuộc đời tôi, nếu cho đến giờ chưa phải là như thế. Tôi đáp:

- Phải, chị đã đi như em nói, đi về cái thời có lẽ chị bằng tuổi em bây giờ. Chị đi gặp bố chị, trong một công viên, ở một đất nước khác.

Bỗng nhiên ông ngã quỵ xuống, ngay giữa công viên Hyde, trong một lần tôi đi học về. Tay ông buông rơi tay tôi. Tôi cảm thấy khối cơ thể ông ngã xuống cỏ tạo ra một âm thanh nghe như tiếng gió. Hộp đàn gần như nảy lên trên mặt đất. Tôi quỳ gối mà chẳng hề gào thét, ít nhất tôi cho rằng mình đã không gào thét.

"Bố ơi, bố, có chuyện gì thế, bố ơi?” tôi thì thầm.

Mắt ông mở tròn, bất động, như những hòn bi, và ông không trả lời. Ông chỉ khẽ rùng mình trong thoáng chốc, rồi cả thân mình ông bất động. Phải mất nhiều phút sau tôi mới hiểu rằng ông đã chết, trong khoảng thời gian ấy có mấy người lớn, một người đàn ông, hai người phụ nữ đến giúp tôi sau khi tôi gượng dậy được và kêu cứu, cũng trong khi ấy một người xa lạ lịch sự hỏi tôi:

"Đây là bố cháu à?”

"Vâng.”

Rồi ông ấy nói với tôi:

"Hãy dũng cảm lên, cháu gái, bác e rằng bố cháu không còn ở với chúng ta nữa.”

Tôi vẫn còn quỳ gối trên cỏ, bên cơ thể to lớn nặng nề mà tôi không thể ôm trọn trong vòng tay, và tôi thấy bao bàn chân, bao đôi chân bắt đầu vây quanh chúng tôi tạo thành một đám đông, trong sự im lặng thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi những lời nói, những câu từ rời rạc, vài lời thì thầm, vài lời lặp đi lặp lại, vài lời ấp úng cất lên từ những giọng nói xa lạ: ”Chuyện gì thế - anh thấy không - việc đã rồi, cấp cứu đang đến – ai thế – tránh ra nào – đừng đứng ở đây – tội nghiệp con bé – ai đấy – gì thế – chuyện thế nào – cẩn thận – đừng nói nữa…”

Nhưng với tôi chỉ có lời nói của người đàn ông lịch sự mà tôi không thể quên khuôn mặt đó là quan trọng. Ông ấy xuất hiện chỉ vài giây sau khi bố tôi ngã xuống, ông cúi xuống người bố, đặt hai ngón tay lên vị trí xác định trên cổ bố, rồi sờ ngực bố tôi qua lần áo vest. Đôi tay lão luyện, động tác chuẩn xác, am hiểu, thành thục. Vừa mới ngồi xổm xuống cạnh tôi, ông đã nói:

“Để bác xem nào, bác là bác sĩ đấy.”

Tôi bảo:

“Giúp cháu với, bác ơi giúp cháu với.”

Ông đáp:

“Để bác xem nào.”

Một lát sau, sau khi đã làm ba hoặc bốn động tác, tôi nghe thấy ông hỏi:

“Đây là bố cháu à?”

Và cuối cùng là điệu bộ hết sức nhã nhặn của ông:

“Bác e rằng bố cháu không còn ở với chúng ta nữa.”

Không khí đầy ắp hương vị mùa hè. Bởi vì người đàn ông mà sự thành thục và lịch sự đã làm tôi yên lòng và khiến tôi hi vọng rằng mọi chuyện sẽ ổn và rằng, nhờ vào một may mắn đặc biệt, người đầu tiên đến giúp tôi lại là một bác sĩ, bởi vì người đàn ông ấy, chính ông ấy, đã nói rằng thế là hết, nên tôi thấy không phải hét lên, vùng vẫy, kêu gào, đứng dậy, bỏ lại bãi cỏ và thân thể này, mà tôi muốn nằm xuống bên cạnh đó, nhắm mắt lại, và muốn rằng tất cả mọi thứ ngừng hoạt động trong buổi chiều tà ấy, vào giờ uống trà và giờ của những chiếc sandwich ruột trắng mà chúng tôi chẳng bao giờ còn được ăn cùng nhau nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3