Franz và Clara - Chương 04 - 05 - 06
4
- Nhưng không phải chị nghĩ về chuyện này khi chị đi đến chỗ ghế băng.
- Chị thường nghĩ về cái chết của bố chị, nhưng quả thật, Franz ạ, đúng là không phải chuyện này đeo đuổi chị.
- Là một chuyện bất hạnh khác à?
- Một bất hạnh khác, nhưng ít đau đớn hơn nhiều.
Tôi ngạc nhiên khi nghe mình trả lời như vậy. Phải chăng chỉ cần kể với cậu bé này về chuyện bố tôi ngã xuống trên bãi cỏ ở công viên Hyde là đã đủ để tôi cao giọng nói rằng tổn thương tình cảm mới nhất của mình không đau đớn? Franz không đợi để tôi nghĩ quá nhiều về điều này.
- Nếu như nó ít đau đớn, nỗi bất hạnh mà bạn nói tới ấy, thì bạn có thể bỏ nó qua đi.
- Thế à, làm sao để được như vậy?
- Tôi ấy à, Franz nói, khi buồn, tôi cố gắng bỏ qua mọi thứ. Tôi tập trung suy nghĩ vào duy nhất một thứ, để quét sạch tất cả và đến với một đại dương yên tĩnh.
- Một gì cơ?
- Một mặt nước tĩnh lặng. Tôi ấy à, cách của tôi là ngưng suy nghĩ ở một thứ duy nhất và không rời bỏ nó nữa, dù chỉ trong giây lát: một cánh chim, một cây dương xỉ, một hòn đá, một gương mặt cũng được, nhưng chỉ duy nhất một thứ thôi! Và như thế chúng ta chìm sâu vào tĩnh lặng. Để đến với khoảng trống. Hoàn toàn có thể làm được điều ấy, tôi nghĩ ở thành phố làm việc này sẽ khó hơn là giữa thiên nhiên, nhưng vẫn có thể làm được.
Cậu nín lặng, như để ngẫm nghĩ, rồi lại tiếp:
- Đến với khoảng trống tuyệt đối. Nếu bạn muốn, hôm nào đó, chúng ta có thể thử nói về khoảng trống trước mặt, xung quanh chúng ta. Nhiều người sợ khi nói về khoảng trống, nhưng không phải tôi. Tôi hy vọng bạn cũng thế.
- Đó chính là thứ em tìm kiếm trên chiếc ghế băng này đúng không, tôi hỏi, sự tĩnh lặng tuyệt đối ấy?
Cậu không trả lời. Tôi cố nài:
- Em vừa nói với chị: “Khi buồn.”
Cậu trả lời sau một hồi chờ đợi:
- Phải.
- Điều gì làm em buồn vậy, Franz?
Cậu nín lặng.
- Nghe này, tôi nói với cậu, chị không biết tại sao với lại thế nào mà chị lại kể với em một phần quá khứ của chị như vậy, chẳng có lý do gì cả, có lẽ chỉ bởi em khiến chị thấy tin tưởng. Bởi em không như những người khác. Cũng có thể chị thấy dễ dàng hơn khi nói với một cậu bé không quen biết…
Cậu xẵng giọng cắt lời tôi:
- Đừng coi tôi là một đứa trẻ, xin chị đấy.
- Chị xin lỗi, nhưng em phải hiểu chị: chị đã chia sẻ với em một thời điểm trong đời chị, một thời điểm khủng khiếp. Đổi lại em nín lặng được. Như thế không đúng luật. Nếu em muốn chuyện trò, thì cả em nữa, em cũng phải chia sẻ và giãi bày.
- Có thể. Vấn đề của tôi là tôi không có khả năng trả lời trực tiếp vào một câu hỏi trực tiếp. Tôi không bày tỏ theo cách đó. Hơn nữa, tôi cũng có bắt chị chia sẻ cuộc sống của chị với tôi đâu, như chị vừa nói đấy. Chính chị muốn điều đó đấy chứ.
- À, không, tốt thôi, như thế thì tốt thôi, chuyện này xảy ra ngoài ý muốn của chị và chị cũng không biết nó từ đâu tới.
Cậu lắc lư cái đầu, vẻ mặt hoan hỉ.
- Còn tôi, tôi biết nó từ đâu tới.
Cậu chỉ một ngón tay về phía chiếc túi giấy nhỏ màu nâu xám của mình.
- Bánh mì kẹp ruột trắng, có thế thôi, đơn giản thế thôi, không phải vậy sao? Chính nó đã khơi dậy tất cả. Một cái gì đó cụ thể, rất tầm thường, tầm thường với tất cả mọi người, trừ bạn, và nó đã làm nảy sinh một hình ảnh, hình ảnh ấy gợi nên một kỷ niệm, và giờ, bạn sẽ làm gì với kỷ niệm này?
Tôi mất một lúc mới trả lời được:
- Làm điều chị vừa làm. Làm sống dậy nỗi đau của một kỷ niệm khác gần hơn.
Cậu xoa xoa tay như một nhà buôn vừa kết thúc một vụ làm ăn béo bở.
- Hoan hô! Tốt lắm! Tôi đến đây thật không vô ích!
Cậu có vẻ hạnh phú ấy, cậu đứng dậy và, trong bộ đồng phục học sinh xanh lơ – trông vừa giống thủy thủ vừa giông quân nhân – cậu tặng cho tôi nụ cười của mình, nụ cười làm xuất hiện một nếp nhăn trên khuôn mặt khiến cậu có vẻ người lớn trong chốc lát và cậu nghiêng mình về phía tôi, khẽ đặt lên trán tôi một nụ hôn nhẹ, rồi, cũng như ngày hôm trước, cậu chạy biến đi, không quên hoàn thành nghi lễ quen thuộc: vo viên cái túi giấy lại rồi ném vào thùng rác công cộng. Lúc ấy, tôi không cảm thấy bước đi của thời gian và tự nhủ ngày mai, cuối cùng tôi cũng sẽ biết được nhiều hơn về cậu.
Nhưng ngày hôm sau, Franz không xuất hiện. Băng ghế trống trơn.
5
Tôi hơi thất vọng. Tôi nhớ lại phần kết cuộc trò chuyện giữa chúng tôi: cậu ấy đã không chào tạm biệt tôi, giống như lần đầu chúng tôi gặp nhau. Tôi rảo bước rời nơi tập luyện và dù tôi không nhận thấy, nhưng điều đó có nghĩa là tôi đang muốn gặp lại Franz. Cậu ấy đã dần tạo ra trong tôi sự khởi đầu của cái gì đó như là một thói quen – ít nhất thì cũng mong muốn có được thói quen ấy.
Hơn nữa, tôi không nhận được bất kỳ lời đáp nào cho những câu hỏi về sự xuất hiện của cậu bé tốt bụng ấy trong cuộc sống của mình.
Cậu từ đâu tới? Bộ đồng phục ấy là thế nào? Cậu học ở đâu? Tại sao cậu lại dành thời gian rãnh để ở một mình, để ngồi ăn nhẹ trên một chiếc ghế băng? Vả lại, ai đã chuẩn bị đồ ăn cho cậu? Rồi còn thứ ngôn từ và cách nói chuyện già trước tôi của cậu, sự khôn ngoan xen lẫn vẻ ngây thơ ở cậu, rồi cái cảm giác cậu ấy đoán biết được bạn, hay thú vị hơn nữa là cảm giác kỳ lạ rằng cậu ấy biết về bạn nhiều hơn là bạn biết về cậu ấy và rằng cậu ấy đã tìm hiểu về bạn, quan sát bạn mà bạn chẳng hề hay biết, tất cả những thứ này là thế nào?
Ngồi trước hồ nước, trong tiết trời mát mẻ và hơi âm u hơn những ngày trước, tôi đã thôi tự hỏi mình. Những về nhân thân của Franz liệu có thực sự có ý nghĩa với tôi không? Những câu hỏi này gần như chẳng có gì quan trọng cả. Điều khiến tôi quan tâm, đó là cậu ấy lại đến, để chúng tôi tiếp tục chuyện trò.
Tôi đã đọc được rằng ở một độ tuổi nào đó, trẻ em, dù là trai hay gái, đều có một kiểu tài năng thiên bẩm, một ý niệm về cuộc sống, một cái nhìn hướng đến vô tận, và điều này sẽ biến mất ngay khi tuổi niên thiếu bắt đầu. Liệu Franz có nắm giữ loại tài năng này không?
Trong hai lần gặp gỡ trên băng ghế, cậu bé đã khiến những suy nghĩ của tôi trở nên nhẹ nhàng. Tôi đã nhanh chóng quen với việc có cậu ở bên, quen với sự hiện diện của cậu, như thể đó là sự hiện diện của một cậu em trai, một cậu em trai mà tôi không có.
Mẹ tôi không còn khi tôi chào đời. Người con đầu lòng của mẹ, một bé trai, đã chết ngay lúc sinh. Tôi chào đời một năm sau đó. Mẹ ra đi khi tôi đến. Với sự giúp đỡ của một vú em rồi một loạt các cô gia sư, các cô giữ trẻ đổi công hay những trợ lý riêng khác, bố nuôi dạy tôi tại London. Ông nhiệt tình khuyến khích khuynh hướng của tôi ngay khi, nhìn thấy một cây đàn violon, tôi đã thể hiện năng khiếu của mình với nhạc cụ này và nuôi dưỡng một niềm đam mê vô bờ bến dành cho âm nhạc. Sau khi ông đột ngột qua đời, người ta giao tôi cho em gái của ông. Cô tôi sống ở Thụy Sĩ. Và tôi tới đó. Tôi lớn lên ở thành phố bên bờ hồ ấy, nơi có một trường dạy nhạc tuyệt vời và tôi đã tham gia kha khá các cuộc thi để người ta nhận tôi vào dàn nhạc địa phương.
Khi kể tóm tắt hai mươi năm đầu cuộc đời mình như vậy, tôi nhận thấy mình thường xuyên sử dụng những động từ đi, đến, ra đi, tới. Anh trai tôi đã ra đi ngay trước cả khi tới. Tôi đã đến để rồi mẹ tôi rời đi. Bố tôi đã ra đi. Tôi đi và tôi tới một chiếc ghế băng. Franz đã tới từ một nơi nào đó. Kể từ đầu câu chuyện này đến giờ, tôi đã dùng những từ ấy nhiều lần. Tại sao lại phải ngạc nhiên về điều đó ch, mọi thứ đều vận động kia mà. Thậm chí suy nghĩ của tôi cũng là một vận động và nếu đôi khi không thể lý giải nổi, không thể hiểu nổi vận động này thì nó vẫn là điều cứu vớt chúng ta, nó là cuộc sống bởi sự bất động chính là chết.
Tôi hiếm khi khóc nhưng đã khóc thì thật dữ dội. Tôi đã không khóc bên thi thể cha tôi trên bãi cỏ ở công viên Hyde, tôi cũng không khóc tại đám tang. Nước mắt đã chờ đợi và khi nó vỡ òa thì kéo dài suốt hai ngày hai đêm, hai đêm hai ngày.
Những người bạn của bố rồi cả gia đình cùng bà trợ lý và vú em thay nhau túc trực đầu giường tôi để cố ngăn những cơn nức nở, thổn thức, cái dòng chất lỏng mằn mặn không ngừng tuôn ra mà tôi dùng đầu lưỡi liếm khi nằm bẹp trên giường. Có lẽ tôi tưởng rằng chỉ cần uống nước mắt như thế là đủ để nó có thể lại sản sinh và không bao giờ ngừng. Tôi yêu nước mắt của mình. Có những quãng ngừng ngắn, thế là tất cả người lớn vây quanh tôi trao nhau những ánh mắt yên tâm, rồi mọi thứ sẽ dịu đi, chẳng phải vậy sao, thế là đủ rồi, con bé đã khóc như thế khá lâu rồi. Nhưng tôi chỉ lấy lại hơi. Thực ra, tôi tập trung năng lượng và tìm lại nguồn cơn để nỗi đau của mình tiếp tục được vỡ òa. Việc này cứ thế tiếp diễn đến mức người ta đã phải gọi bác sĩ nhi khoa tới, chính là vị bác sĩ đã chăm sóc tôi khi tôi chào đời. Ông thử nói lý lẽ với tôi, thử làm tôi mở lời, ông đã mắng tôi bằng những lời lẽ có chút thô bạo nhằm làm tôi bị sốc, ông kiểm tra mạch, nghe nhịp tim, khám họng tôi và vừa giơ hai tay về phía trần phòng ngủ của tôi ra chiều bất lực vừa nói: “Để kệ cô bé thôi. Cơ thể sẽ quyết định cho cô bé.”
Đó là người đàn ông có khuôn mặt cau có, bất mãn, ria mép của ông màu hung và toát lên mùi bạc hà. Khi cơ thể tôi đã ra quyết định, nước mắt rơi chậm dần, tôi không thấy muốn và thấy cần nữa, vẫn còn nấc vài cái, rồi tôi thấy dịu bẫng đi ở phía trên trán, xoang trán và mí mắt. Tất cả ngừng lại.
Có thể nói rằng tôi đã khóc cạn hết lượng nước mắt mà cơ thể tôi dự trữ ở độ tuổi này (khi ấy tôi mười hai tuổi). Theo cô tôi sang Thụy Sĩ là một cơ thể khô cạn nước mắt, và chắc chắn là phải mất nhiều năm sau lượng dự trữ đó mới được khôi phục. Nhiều năm dài không tình yêu, không một chút yêương, không một chút trìu mến. Điều tốt nhất mà tôi nhận được là sự chăm sóc và theo dõi chặt chẽ chuyện học tập, các bước tiến bộ cùng tình hình sức khỏe của tôi từ phía cô tôi.
Tôi yêu bố bằng tất cả tình yêu của mình. Tôi chẳng dành tình yêu như thế cho bất kỳ ai. Thế nên khi bố ra đi, cơ thể tôi dốc hết cho ông lượng nước mắt nó có là chuyện bình thường, bình thường về mặt thể chất. Tôi chỉ tìm lại được nước mắt khi hai mươi tuổi, khi ấy, lần thứ hai trong đời mình, trái tim tôi tan vỡ.
6
Sáng hôm ấy, vừa rời sảnh nhạc tôi lập tức đưa mắt tìm kiếm chiếc ghế băng và nhận thấy Franz đã lại ngồi vào chỗ của cậu. Điều ấy khiến tôi vui, một cảm giác hài lòng xâm chiếm tôi, một cảm giác khuây khỏa khi nhìn thấy, từ phía sau lưng, bức tượng mảnh khảnh màu xanh đang bất động và chờ đợi tôi. Tôi rảo bước. Suýt nữa thì đã chạy.
- Thứ lỗi cho tôi vì hôm qua đã vắng mặt – cậu nói, ngay khi tôi vừa ngồi xuống, thậm chí trước cả khi tôi kịp chào cậu.
Cậu tiếp tục:
- Thứ lỗi cho tôi, một số chuyện đã khiến tôi bỏ rơi chị. Nhưng tôi muốn nói với chị rằng tôi nhớ chị.
Tôi nhận thấy rằng Franz lưỡng lự giữa cách gọi tôi là “bạn” và “chị”, nhưng tôi không phân biệt được thời điểm và tâm trạng giải thích cho cách lựa chọn của cậu. Tuy nhiên, tôi cảm tưởng có một sự tinh tế nào đó, một bước chuyển thái độ rất nhỏ, như thể từ “chị” được dùng khi cậu nói với người phụ nữ hơn tuổi mình, trong khi từ “bạn” sẽ thắng thế khi, vì lý do này hay lý do khác, cậu cảm thấy ngang hàng với tôi, thậm chí trên hàng tôi.
- Chị cũng thế, nhớ em, tôi đáp.
- À đấy, chuyện tự nhiên thôi, phải thế không? Nhưng tôi hi vọng là bạn đã tận dụng thời gian để suy nghĩ về khoảng trống.
- Không, không hẳn thế, tôi vừa nói vừa cười. Vì chị không hiểu rõ em muốn định nghĩa khoảng trống thế nào.
Cậu sôi nổi hẳn lên:
- À đấy, chính xác, không thể định nghĩa được nó. Giữa chiếc ghế băng này và cái hồ, ở kia, cách chúng ta vài mét, có khoảng trống.
- Không, đó là không khí.
- Phải, nhưng không khí, đấy là một định nghĩa cụ thể, do đó chẳng thú vị. Đó là lĩnh vực khoa học. Tôi biết chứ. Nó đong đếm được. Nó nghiên cứu được. Tôi biết tất cả những điều này. Người ta biết không khí là cái gì, nhưng khoảng trống thì người ta lại không biêt.
Cậu bực bội:
- Khoảng trống, đó là cái trừu tượng, và cái đó thì tôi không biết. Khoảng trống có ở khắp mọi nơi: tôi chạy đi sau ki tạm biệt bạn, vì tôi bị muộn buổi học thực hành, đó là lúc tôi chạy trong khoảng trống. Bạn đã bao giờ chỉ suy nghĩ về mọi khoảng trồng tồn tại xung quanh chúng ta chưa.
Cậu dang hai tay, chỉ bằng một động tác, ôm gọn cả bầu trời, những đám mây, mặt trời, mặt đất, và gì nữa nhỉ, cái vô tận!
- Nghe này, Franz, chị không hiểu em. Với chị, mọi vật gắn liền và nối tiếp nhau.
- À, điều này, tôi đồng ý, hoàn toàn đồng ý. Thậm chí tôi còn cho rằng mọi vật giao tiếp với nhau, nhưng không phải vì thế mà khoảng trống không tồn tại. Những người không muốn nghĩ về khoảng trống là những người lười nhác. Hoặc là họ lo sợ. Nhưng sợ hãi hay lười nhác thì cũng đồng nghĩa với nhau. Còn tôi, tôi không sợ khoảng trống, tôi không thể ngăn mình nghĩ về nó. Đó là ý nghĩ cuối cùng của tôi trước khi chìm vào giấc ngủ. Đó là một trong nhiều lý do khiến tôi luôn khó ngủ.
Cậu nín lặng, nghiêng đầu về phía trước, hai bàn tay đỡ lấy má, khuỷu tay chống lên đùi, và tôi nhận ra rằng hiếm khi câu có cái vẻ của một đứa trẻ. Một chút dỗi hờn, một chút bướng bỉnh, cùng một ánh sáng mất hút đâu đó ngoài mặt hồ. Cậu đứng thẳng dậy và thở dài:
- Thôi, chúng ta sẽ lại nói về chuyện này vào một ngày khác. Nhưng không phải ngày mai, tôi e là thế, bởi mai là thứ Bảy cũng như Chủ nhật.
- Em nhầm rồi, sẽ có hai buổi hòa nhạc. Tại sao em lại nghĩ bọn chị cứ tập luyện như thế suốt cả tuần?
- Dĩ nhiên, tôi thật ngốc. Thực ra, chính tôi mới là người sẽ vắng mặt.
Cuối cùng, cậu cũng để lộ cho tôi một thông tin cụ thể:
- Tôi học nội trú tại trường Kurslar, cách đây mấy phố liền, ở đầu bên kia cây cầu có mái che. Người giám hộ cho gia đình chỉ định (cậu nhấn mạnh ở từ “gia đình”) sẽ đến đón tôi và trưa thứ Bảy, và tôi sẽ ở lại nhà ông ta hai ngày. Ông ta có một ngôi nhà ở ngoại ô.
Cậu thở dài:
- Tôi thực sự lấy làm tiếc. Tôi rất thích tới nghe chị chơi trong buổi hòa nhạc.
- Em chẳng bỏ lỡ gì đâu, Franz ạ. Chị chỉ là một người chơi violon nhỏ bé ngồi ở hàng thứ ba, chính là em nghe cả dàn nhạc chơi, chứ không phải mình chị. Chỉ chỉ là người thứ sáu mươi trong dàn nhạc. Bất kỳ ai cũng có thể thay thế chị.
Cậu tiến lại gần tôi trên ghế và lắc mạnh tay tôi. Tôi buộc phải nhẹ nhàng đẩy cậu ra. Cậu lùi lại, chỗ tóc trên trán rối tung.
- Chị đừng nói thế! Chị đừng nói thế!
Đừng bao giờ nói thế. Không bao giờ được tự ti, không bao giờ! Hơn nữa, tôi, đứng giữa căn phòng, dù cho chị là người chơi violon ở hàng thứ ba hay không, tôi vẫn tin chắc mình sẽ nghe thấy âm thanh từ nhạc cụ của chị, của chị chứ không phải của ai khác. Tôi chắc chắn rằng khi tập trung cao độ, người ta có thể chỉ nghe thấy tiếng của một cây violon nếu người ta thực sự muốn làm điều đó. Và tiếng chỉ của một cây sáo hay một cây đại hồ cầm. Tất cả những gì phải làm, đó là tập trung, là tập hợp năng lượng của mình vào một điểm duy nhất, một thứ duy nhất. Đó là chìa khóa của cuộc sống.
Tôi chưa bao giờ nghe thấy cậu ấy liến thoắng như vậy, hùng hồn như vậy, nhưng tôi không ưa lắm cái điều cậu ấy đang nói. Nó gợi nhắc trong tôi những kỷ niệm buồn. Tôi nói:
- Điều đó, chị không nhắc là nó có thể xảy ra.
Cậu lại một lần nữa tiến đến gần tôi, được niềm tin mạnh mẽ trong chính mình thôi thúc, đôi mắt xanh vàng của cậu vẫn ánh lên một tia sáng dai dẳng.
- Điều đó có thể xảy ra nếu tồn tại một mối liên hệ giữa người chơi nhạc và người nghe nhạc. Chị đã nói với tôi rằng chị nhớ tôi, và tôi cũng vậy, tôi nhớ chị và tôi đã nói điều đó với chị. Như thế nghĩa là ít nhất một lần, ngày hôm qua, cả hai chúng ta đều đã nghĩ rất nhiều về nhau, đúng không?
- Đúng, như em nói.
- Được. Và thế, nếu chị đang chơi giữa giàn nhạc, và chị nghĩ đến người đang nghe chị, lẫn trong đám khán giả - thực ra, có bao nhiêu chỗ ngồi trong khán phòng?
- Ồ, hẳn phải có một nghìn năm trăm đến một nghìn tám trăm người xem.
- Tốt lắm, tuyệt vời, như vậy hợp với tôi. Và thế, nếu trong khi chơi đàn, chị nghĩ đến người đang nghe cả dàn nhạc giữa một nghìn tám trăm khán giả, người này chắc chắn – tôi nói rõ là chắc chắn! – có thể phân biệt được tiếng đàn violon của chị với âm thanh của các nhạc cụ khác và người này sẽ chỉ nghe thấy chị.
Vì một lý do mà tôi không muốn nêu lên, câu nói của cậu làm tôi thấy bực tức. Kỷ niệm về những lời nói tương tự lại hiện về. Tôi quanh co và muốn giăng bẫy cậu:
- Franz, giữa cây đàn violon và người xem trong khán phòng ấy, có một khoảng trống đúng không? Có cái khoảng trống trứ danh của em. Vì em nói với chị là khoảng trống có ở khắp mọi nơi.
Cậu hét lên với vẻ vui mừng hớn hở trong giọng nói:
- Hoàn toàn không! Đúng thế, hoàn toàn không! Không tồn tại khoảng trống khi có cảm xúc. Rồi âm nhạc. Rồi cả một mối liên hệ giữa hai con người đang…
Cậu không nói hết câu. Dường như cậu lơ lửng, trong trạng thái dừng. Cậu đã hoàn toàn quên mất cái túi giấy bên cạnh mình.
- Hôm nay, em không ăn trưa sao? Tôi hỏi cậu.
- Không, không cần. Quá nhiều cảm xúc, chắc chắn thế.
- Đây là lần thứ hai em sử dụng từ ấy trong vòng vài giây: cảm xúc.
Franz lại quyết định nói. Sau nhiều lần liên tiếp, cậu khiến tôi có cảm giác cậu đã đoán được điều gì đang vẩn vơ trong tôi. Tôi vừa nghĩ đến một vết thương, cậu liền nói với tôi về điều gây đau đớn. Cậu tiếp tục:
- Dĩ nhiên, người ta cũng có thể quen với nó. Dường như con người quen với mọi thứ. Nhưng đôi khi nó mạnh mẽ, dữ dội, bạn đã biết cảm giác ấy khi bố bạn mất, còn tôi, tôi cũng đã biết, theo cách của tôi. Dĩ nhiên là khác với bạn, nhưng nó cũng xảy ra rồi.
Bởi vì, như cậu đã khẳng định, cậu không thể trả lời trực tiếp vào một câu hỏi trực tiếp, thế nên tôi không cố hỏi cậu đang ám chỉ điều gì. “Người giám hộ do gia đình chỉ định”, cậu đã nói thế - gia đình nào? Cậu đưa một ngón tay chỉ về phía hồ.
- Lúc nãy tôi đã nhìn thấy những chú mòng biển bay qua khi ngồi đợi bạn trên ghế băng. Những chú mòng biển trắng trên mặt hồ xanh, ở trên kia, thật đẹp và thư thái. Đó là cách thư giãn tốt nhất, bạn không thấy thế sao, vẻ đẹp một khoảng khắc ấy? Lúc nào cũng cần phải nắm bắt được vẻ đẹp của một khoảng khắc.
Cậu đã lấy lại được giọng nói vui vẻ hơn. Tôi đáp:
- Đây là điều mà chị từng rất khó mới có thể làm được trong một thời gian dài, đặc biệt sau chuyến đi đến London. Chị lớn lên và cứ tin rằng mình sẽ chẳng bao giờ sống được như em miêu tả. Rồi chị yêu một người và tất cả thay đổi, mỗi khoảng khắc, như em nói, đều thật đẹp và đáng được năm bắt. Nhưng điều đó không kéo dài.
- Tại sao?
- Bởi vì nó không kéo dài, thế đấy.
- Đừng bực tức, chị không buộc phải kể cho tôi nghe dù đó là chuyện gì.
- Chị không bực tức, Franz ạ. Trái tim chị tan vỡ lần thứ hai, thế thôi.
- Giải thích cho tôi thế nghĩa là thế nào, trái tim tan vỡ ấy.
- Chị rất tiếc, Franz, nhưng điều đó không lý giải được.