Franz và Clara - Chương 16 - 17 - 18
16
Một lần, tại London, khi trở về từ buổi học riêng ba tiếng mỗi ngày với người thầy đã chấp nhận thử thách biến một nhạc công dàn nhạc thành một cây độc tấu, tôi dừng bước trước một trong như quán trà sách, kiểu đang bắt đầu trở nên thịnh hành tại đất nước này. Người ta đến đây, uống thứ gì đó, ngồi bệt cả xuống sàn chúi mũi vào những quyển sách, tập san, tạp chí cũ. Mọi người đến rồi đi như đây là nhà họ, lũ trẻ thì chơi đùa trong góc dành riêng cho chúng, hầu như lúc nào trời cũng nóng bức, những chú chó to gà gật dưới chân mấy chiếc tràng kỷ rộng.
Tôi đã rời Lucerne được gần một năm. Sau khoảng thời gian lưu lại London, dàn nhạc bắt đầu lưu diễn vòng quanh các nước Bắc Âu và tôi đã quyết định rời bỏ dàn nhạc để một mình ở lại thành phố và dành toàn tâm toàn trí cho cái ý định điên rồ của mình.
“Con đã chơi trong dàn nhạc quá lâu rồi, thầy dạy nhạc nói với tôi. Con là một đứa trẻ có năng khiếu thiên bẩm. Những đổ vỡ trong cuộc đời con đã khiến con không thể đi theo nghiệp nghệ sĩ độc tấu và có thể thấy rằng con đã để mất đi tia sáng của mình, hoài bão của mình khi con gia nhập một dàn nhạc và ngồi vào hàng lối. Ta tin rằng ở khía cạnh nào đó, con đã chấp nhận để lãng phí tài năng của mình. Bởi con chắc chắn có được năng lực cần thiết để vượt ra khỏi hàng ghế ấy trong dàn nhạc. Nhưng con đã tự xem thường bản thân mà không hề biết, hoặc ngay cả khi con biết điều đó. Và rồi, con bỗng giật mình. Thật đáng khen!”
Ông tiếp tục:
“Con đã có một lựa chọn dũng cảm, kiêu hãnh và nghiêm khắc. Bởi điều con đang cố đạt được rất hiếm khi xảy ra trong giới âm nhạc. Nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Con sẽ phải luyện tập rất nhiều, thậm chí hết sức miệt mài, nhưng thế chưa đủ. Con còn cần phải có may mắn, những cuộc gặp gỡ và các cơ hội, những thứ vốn là quà tặng của cuộc sống. Nếu cuộc sống mỉm cười với con, nếu ý chí của con không hao mòn, nếu con biết thu hút sự chú ý và thuyết phục được một nhạc trưởng hoặc một chuyên gia cố vấn giàu kinh nghiệm nào đó con gặp trên hành trình của mình, thì con sẽ đạt được điều ấy. Đừng bao giờ quên: may mắn và tư chất!”
May mắn đầu tiên của tôi là được gặp lại người đàn ông này, người thầy của tôi khi tôi còn là một cô bé, trước lúc bố tôi qua đời. Một may mắn khác là khi liên hệ với người đại diện của gia đình, tôi phát hiện ra rằng hàng tháng, tôi được hưởng một khoản tiền nhỏ cho phép tôi tiếp tục đi học lại mà không cần quá bận tâm đến việc kiếm sống, ít nhất là trong một khoảng thời gian.
Tôi ngồi trên một tấm thảm tại quán trà sách trên phố Old Compton và vô tình để mắt đến một tờ nguyệt san cũ, kiểu tạp chí kết hợp khéo léo giữa hình ảnh các ngôi sao, những bài điều tra về lối ăn chơi thượng lưu xa hoa phù phiếm khắp thế giới, ảnh chụp mẫu thời trang và các công thức nấu ăn – với giọng điệu và phong cách mà những năm về sau sẽ làm nên thành công của thể loại báo được người ta gọi là “báo ăn khách” này.
Sự chú ý của tôi dừng lại tại một bài viết dài về một cặp vợ chồng tai tiếng, choáng lộn, tự hủy hoại mình mà những hành động ngông cuồng, phản bội lẫn nhau cùng lối sống của họ đã trở thành trò cười cho thiên hạ tại xứ Bavaria vài năm trước khi bài báo này được công bố. Toàn bộ Munich từng bị quyến rũ, bị chinh phục và mê hoặc bởi những buổi dạ hội, tiệc hóa trang, những khoản chi xa hoa, thói quen vung tay của những kẻ nhà giàu suy đồi này. Rồi, sau nhiều phát hiện chẳng hay ho gì, sau nhiều lần xuất hiện của những kẻ vô danh tiểu tốt dị thường và đồi bại, những mảnh bát đĩa vỡ tại các nhà hàng, những màn túm tóc giật tai, tru tréo trong những giờ nghỉ giữa các buổi trình diễn opera, ma túy, những cuộc truy hoan và nhiều điều ghê tởm khác, giới thượng lưu thành phố đã tẩy chay hai kẻ tai tiếng ấy.
Rất nhiều ảnh – cả ảnh màu lẫn đen trắng – minh họa cho bài báo. Tôi không biết tại sao, nhưng hai nhân vật ấy dường như rất quen với tôi, có cái gì đó trên khuôn mặt họ kích thích trí tò mò nơi tôi. Cả hai người đều đẹp, người đàn ông với dáng vẻ trịch thượng, cao sang, cặp lông mày dày, tóc đen ánh, vầng trán rộng, nụ cười vẽ nên hai nếp nhăn dọc trên má với gò má cao. Người phụ nữ cũng có mái tóc sậm màu như chồng, dáng người cao lớn, mảnh khảnh, ngực nhỏ, nước da xanh nhợt, trang điểm khá đậm, hai mắt lấp lánh như những viên kim cương mà bà điểm trang trên dái tai cũng như trên đôi tay thon dài thanh mảnh với những chiếc móng được sơn màu đỏ son. Người ta thấy họ trong trang phục dạ tiệc, tại các cuộc đi săn, trong các hoạt động thể thao mùa đông, tại một lễ hội hoá trang, hay đang chuẩn bị bước vào đường dẫn lên máy bay riêng. Tôi chăm chăm tò mò nhìn những bức ảnh. Một trực cảm xui khiến tôi đọc cho đến hết bài báo.
“Klaus von Herzeghoern và vợ là Irina lẽ ra đã có thể và nên kết thúc chương trình điều trị thảm hại của họ tại một bệnh viện tâm thần, đoạn cuối cùng của bài báo kết luận. Chia tay, rồi hoà giải, sau đó kết hôn lại, trong khi vẫn liên miên truy đuổi nhau từ dinh thự mùa hè đến nhà nghỉ mùa đông trên núi, thái độ cư xử và những điều ô nhục mà họ gây ra rốt cuộc đã khiến hội đồng dòng họ Herzeghoern lo lắng. Hội đồng đang vì lợi ích và tiếng tăm của dòng họ lừng danh này mà trông nom khối gia sản khổng lồ được gây dựng từ ngành sản xuất bia và luyện thép.
Nhưng hội đồng lại do một phụ nữ rất cao tuổi đứng đầu, bà cụ đã yếu lòng khi muốn một lần nữa hàn gắn hai vợ chồng bằng cách tạo cho họ một cơ may cuối cùng để xoá sạch những việc làm đáng xấu hổ và các vụ tai tiếng. Song, thật không may cho bà. Đêm giao thừa, tại trang viên của họ nằm ở ngoại ô Munich, một cuộc cãi vã dữ dội lại nổ ra giữa Klaus và Irina. Cho tới giờ, giới thượng lưu Bavaria vẫn mải mê phỏng đoán để xác định xem ai là người đã khơi mào trước. Có vẻ như cả hai đều cùng có súng, ông có một khẩu súng ngắn Webley Mark IV cỡ nòng 38, còn bà thì có một khẩu súng trường Mauser 1943 cỡ nòng 8.57, cặp vợ chồng tồi tệ đó đã hoàn thành một vụ sát hại đúp, gần như đồng thời. Kết quả khám nghiệm tử thi dường như cho thấy bà vợ đã bóp cò trước. Tuy nhiên, một điều mà cảnh sát có thể khẳng định chắc chắn và đây không phải điều kém kinh khủng nhất, đó là cậu con trai độc nhất của vợ chồng Herzeghoern đã có mặt tại nơi xảy ra vụ thảm sát. Khi đó cậu bé mới lên tám.”
Tờ tạp chí được xuất bản cách đây đã bốn năm. Khi tôi gặp Franz, có lẽ cậu mười hai, không hơn. Tôi nhớ lại những chữ cái đầu mà mình đã nhìn thấy ở mặt trong chiếc áo jacket màu xanh lính thuỷ trong bộ đồng phục của cậu: F.X.V.H. tôi nhớ lại những câu chuyện của cậu, nhớ lại việc cậu không thể trả lời những câu hỏi của tôi về nguồn gốc gia đình và thảm kịch mà cậu gợi lên nhưng không dám kể tường tận. tôi so sánh gương mặt thiên thần của cậu bé trong ký ức mình với gương mặt người đàn ông mà bức ảnh chân dung choán trọn một trang tờ nguyệt san.
Cũng nụ cười ấy, cũng đường nét hoàn hảo trên gương mặt ấy. và nếu để xoá tan điều nghi ngờ cuối cùng trong tôi, thì cái nhìn sắc lẹm trên một trong những bức ảnh chụp đôi vợ chồng có lẽ đã là đủ. Trong bức ảnh, người ta có thể thấy Klaus và Irina ngồi trên những chiếc phôtơi phủ nhung tía, bên cạnh là hai chú chó giống Afganistan trông đến nực cười, cả hai đang nở nụ cười giả tạo trước ống kính và ở nền bối cảnh, trên chiếc bàn một chân chất đầy hoa và mứt kẹo, là bức chân dung chạm khắc nổi cậu bé mặc đồ lính thuỷ. Đó đúng là cậu.
Vậy là, tôi tự trách mình đã không tạo được cho cậu bé đang ở ngưỡng cửa của tuổi niên thiếu ấy ít nhất cái ảo tưởng rằng dù sao thì quả thật chúng tôi cũng có thể yêu nhau bằng tình yêu người lớn, cậu, người đang tìm kiếm trong tuyệt vọng thứ gì đó để lấp đầy cái “không gì cả” trong cuộc sống của mình. Tôi giày vò bản thân. Thậm chí, khi đó vẫn đang ngổi trên thảm trải sàn của tiệm trà sách, tôi đã muốn khóc. Kể từ khi tới London, tôi không còn nghĩ đến Franz nữa. Hoàn toàn không. Tôi đã quên sạch mọi thứ, như tôi vẫn thường làm thế suốt cuộc đời mình. “Xoá bỏ, và tiếp tục.” tôi hẳn đã không dành cho cậu đủ tình cảm thương mến, tôi đã chỉ nói với cậu quá nhiều về bản thân tôi, lẽ ra tôi đã có thể khiến cậu mở rộng hơn nữa lớp lá chắn bảo vệ mình. Tôi đã được gặp gỡ một con người đặc biệt, và lẽ ra tôi phải quan tâm đến cậu nhiều hơn. Một cậu bé thiên tài lớn trước tuổi cần hơi ấm tình người. cậu ấy từng nói với tôi rằng chỉ cần sự hiện diện của tôi là đủ mang lại cho cậu điều đó. Giờ đây, tôi nhận thấy lẽ ra mình đã có thể và lẽ ra mình phải thấu hiểu cậu hơn, luôn dang rộng vòng tay với cậu hơn.
Cảm giác cay đắng, và hối tiếc xâm chiếm lấy tôi, như một cơn chóng mặt, buồn nôn. Và cả nỗi buồn nữa, một nỗi buồn man mác. Tôi cảm thấy như mình là kẻ có tội. lẽ ra tôi phải nói dối cậu nhiều hơn, yêu thương cậu nhiều hơn, nói với cậu rằng tôi yêu cậu. và rồi, cùng với thói ích kỷ ác ý của người nghệ sĩ, thói ích kỷ vốn thúc đẩy tôi từ nay phải sống hết mình với niềm đam mê, tôi đặt tờ tạp chí xuống sàn và rời khỏi phòng trà, nhưng tôi không bao giờ quên cậu bé trên băng ghé trên bờ hồ ấy nữa, cậu bé đã tin rằng một tình yêu không thể không phải là không thể.
Phần hai
17
Mười năm sau, tại Boston.
Trên sân khấu nhà hát giao hưởng Boston dù đã năm sáu lần vỗ tay nồng nhiệt mời gọi các nghệ sĩ ra lại sân khấu, một số khán giả thậm chí vẫn yêu cầu đựơc xem biểu diễn thêm lần nữa. Clara Newman, cây độc tấu vilon trạc ba mươi tuổi, cảm thấy chút gì đó như là bực tức không hài lòng.
Các thành viên của bộ tứ đàn dây và nghệ sĩ thổi clarinet vừa trình bày Bản nhạc viết cho bộ tứ đàn dây và clarinet cung la trưởng K581 của Mozart bước lên chào khán giả, nhạc cụ vẫn cầm trên tay. Họ mỉm cười và nghiêng mình, đi về phía hậu trường rồi lại quay ra, cây violoncelle, người thổi clarinet, tiếp đến là người chơi alto và hai nghệ sĩ violon, một người đàn ông rồi đến người phụ nữ, Clara. Tối nay, chính cô là cây violon một, chính cô là người dẫn dắt các tiết nhạc, bởi cây violon thứ hai giữ vai trò hoà âm.
Nghệ sĩ thổi clarinet là một tài năng hiển hách. Đó là cây độc tấu đã thành danh. Anh chơi violoncelle thì trẻ trung, nhiệt tình, đôi khi hay đùa và khá chăm chỉ. Còn giữa Clara và người chơi violon thứ hai, một người đàn ông đầy thần cảm và khiêm nhường, thì mọi thứ đều nhịp nhàng. Nhưng chính tay chơi alto, ở khúc biến tấu nhanh vừa thứ ba, đã bắt đầu hơi quá sớm, chỉ khoảng một tích tắc, khiến Clara ngập ngừng đôi chút, cũng chỉ chớp nhoáng như vậy, trong một tích tắc. mọi chuyện diễn ra như thế. Cũng không có gì quá nghiêm trọng. nhưng ngay khi họ bước vào hậu trường, sau tràng vỗ tay đầu tiên, người chơi alto đã quay lại phía Clara.
- Em rất tiếc, chúng ta từng phối hợp rất tốt với nhau, em không biết chuyện gì đã diễn ra. Em hi vọng là chị không trách em.
Đó là một anh chàng người Ý, trẻ nhất hội, một hàng ria mép mỏng viền trên môi không giúp cậu trông già hơn. Nhìn cậu giống như một cậu bé dùng bút vẽ một đường đen đậm lên mặt mình để trông có vẻ già dặn và đàn ông. Clara nhẹ nhàng cầm lấy cánh tay cậu:
- Xin cậu đấy, Giovanni, cô đáp, có sao đâu. Bọn tôi vẫn bắt kịp mà. Mọi việc đều ổn cả.
Và rồi, cô quay lại ôm hôn người thổi clarinet một cách nồng nhiệt.
- Anh đã chơi hết mình. Xin chúc mừng. anh tuyệt vời thật đấy.
Các nghệ sĩ tiếp tục cảm ơn lẫn nhau. Một người trong số họ châm một điếu thuốc, lại đến lúc phải quay ra sân khấu, tiếng vỗ tay tán thưởng mời các nghệ sĩ ra chào khán giả vẫn vang giòn giã và rốt cuộc thành công cùng cảm giác sảng khoái vì đã kết thúc buổi diễn đã xoá đi trục trặc nhỏ đó. Trong khi ấy, dù vẫn tươi cười trước khán giả, và như thường lệ đang nhận một bó lớn gồm cả những bông hoa màu trắng và màu hồng bởi là người phụ nữ duy nhất trong nhóm. Clara vẫn không tài nào thoát khỏi cảm giác không trọn vẹn đã làm cô phiền lòng kể từ sơ suất nhỏ đó cho đến tận nốt nhạc cuối cùng. Cô thầm trách cứ mình.
Bản tính cầu toàn của mình chỉ nảy sinh từ thói gàn dở ám ảnh trong mình thôi. Mọi chuyện kết thúc rồi, hãy quên nó đi, cô tự nhủ. Hãy hạnh phúc đi. Đó chẳng phải là điều âm nhạc được xem như mang đến cho mình hay sao: hạnh phúc.
Một lần nữa, Clara lại đi về phía người thổi kèn clariner và chìa cho anh một nhanh hoa cô đã tách từ bó hoa của mình ra.
- Anh đã tạo cảm hứng cho tất cả bọn tôi, cô nói với người nhạc công. Thật ngoài sức tưởng tượng. anh sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Anh ta cảm ơn cô. Tiếng vỗ tay dịu lắng dần. các nhạc công không quay lại sân khấu nữa. cả nhóm giải tán. Cậu chàng chơi alto quay sang ôm hôn người phụ nữ trẻ.
- Một lần nữa em rất lấy làm tiếc, chị Clara.
Cô dang tay đáp lại cái ôm của chàng trai.
- Thôi nào, xin cậu đấy, mọi việc xong xuôi rồi!
Nhưng một ý nghĩ chợt loé lên trong cô. Thực ra, Giovanni có lẽ không phải là người chịu trách nhiệm về việc đã bắt đầu hơi sớm. có thể chính cô cũng có lỗi. cùng với thời gian, Clara Newman đã tạo cho mình một thói quen kỉ luật là phân tích tỉ mỉ từng phút trong mỗi lần cô biểu diễn. một lúc nào đó vào buổi tối sau buổi hoà nhạc, bất kể đó là buổi hoà nhạc kiểu nào, độc tấu, bộ đôi, bộ tứ, bộ tứ cùng cả dàn nhạc, cô cũng cần tự tách mình ra để nhẩm lại trong đầu tuần tự những diễn biến dù là nhỏ nhất trong phần trình diễn của mình. Thông thường, cô hay thực hiện màn duyệt lại này, cú “tua ngược” này, trên giường mình, khi màn đêm đã buông xuống, trước khi bắt đầu tìm kiếm giấc ngủ mà lúc nào cũng khó khăn lắm mới bắt gặp. Nó gần giống như cách thức của các vận động viên trượt tuyết đẳng cấp cao trước một cuộc đua: hai mắt khép lại, họ hồi tưởng trong đầu từng khúc quanh, từng ụ tuyết, từng con dốc trong khi hai cánh tay làm những động tác y như đang vượt qua chặng đường nguy hiểm mà họ sắp bắt đầu. Clara cũng làm theo cách đó, nhưng là sau cuộc đua, nếu có thể nói như vậy. Sau mỗi buổi biểu diễn cô cần phải tháo gỡ từng nút dệt ra một. Đó là một kiểu luyện tập, nhưng theo chiều ngược lại. Với cô, chỉ hoàn thành công việc thôi thì chưa đủ… cô miệt mài tìm hiểu tại sao và làm thế nào mà minh không đạt đến điểm, đến trình độ đã tự đặt ra. Tại sao và làm thế nào mà cô vẫn chưa tiến thêm được nấc nữa.
Một nhạc trưởng có tên tuổi đã nhận bảo trợ cho cô từ một đến hai năm nay. Một ngày, ông đã nói với cô:
“Em quá cứng nhắc. Em suy nghĩ quá nhiều. Vì muốn làm quá tốt mọi thứ, em không còn thả hồn mình bay bổng nữa, em chỉ tuân theo kỹ thuật thôi. Cứ như thể người ta có thể phát điên đấy. Niềm vui thích của em ở đâu rồi? Nếu như em không có cái đó trong bản thân mình thì tại sao em lại muốn khán giả đón nhận nó?”
Clara đẹp, thân hình cô thanh thoát, bộ ngực căng tròn, đôi chân thon dài linh hoạt. Dáng đầu cô, mái tóc lúc nào cũng búi gọn khi chơi đàn, đôi mắt đen sáng lấp lánh và cái bĩu môi hờn dỗi đầy lôi cuốn có lẽ cũng góp phần quan trọng trong bước thăng tiến sự nghiệp của Clara. Cô ý thức được điều đó. Người ta có thể hình dung rằng cô ngang qua cuộc đời như một nàng công chúa, tự tin, hồ hởi. nhưng chẳng điều gì là có vẻ như vậy. đằng sau khuôn mặt xinh đẹp ấp ẩn chứa một tâm trạng rối bời triền miên, một sự ngờ vực, hồ nghi. Nhạc trưởng giữ một vai trong quyết định trong nghiệp nghệ sĩ của cô. Ông ta chính là chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm” mà người thầy giáo già tại London đã cầu chúc cho cô gặp được một ngày nào đó. Ông ta là “cơ may” của cô. Quả thực, họ đã có một cuộc phiêu lưu tình ái. Sự mến mộ của nhạc trưởng dành cho những phụ nữ đẹp, dù là nhạc công hay không, đã quá nổi tiếng trong giới âm nhạc. Và mặc dầu không giữ quan hệ thường xuyên và bền vững với Clara song ông lại rất tử tế với cô, giúp đỡ cô khá nhiều. những lời khuyên của ông, quan điểm nghệ thuật của ông, những mối quan hệ trong hội âm nhạc quốc tế, kinh nghiệm và tài năng của ông đang dần biến đổi người phụ nữ trẻ. Cô đã miệt mài tranh đấu để trở thành người như cô hằng mơ ước đến nỗi giờ đây, cô lúc nào cũng sống trong trạng thái tự chỉ trích phê bình mình. Vì vậy, vừa vào đến phòng thay quần áo và bắt đầu cởi bộ đồ biểu diễn màu đen, Clara lập tức muốn tìm hiểu ngay xem điều gì đã thực sự diễn ra.
Cô cho rằng mình đã thấy một hướng lý giải: đó là lỗi của cô. Cô đã không nhìn người chơi alto vào đúng cái lúc phải làm việc ấy. chính vì thế mà cậu ta đã vào khúc biến tấu thứ ba không chuẩn. và nếu cô không nhìn cậu ta thì là bởi vì vài tích tắc trước đó, trong lúc nghe người thổi clarinet, cô vừa vén một món tóc trước trán vừa nhìn xuống khán phòng rồi điều gì đó đã khiến cô bối rối. cô ngay lập tức quay lại với buổi diễn nhưng không có đủ thời gian để đưa mắt bắt nhịp với cậu thanh niên chơi alto. Bởi vậy, cậu đã bị lệch nhịp và bắt đầu khúc chủ đề không hoàn toàn đúng như dự kiến. Clara cảm thấy nhẹ nhõm: thế là xong, cô đã biết! Cô tin mình đã nắm được lý do dẫn đến thiếu sót không đáng kể của họ tối nay. Điều này làm cô dịu lại. Đó là lỗi của bản thân cô. Thật không chê vào đâu được: nó hoàn toàn phù hợp với cảm giác không vừa lòng cứ bám riết ám ảnh cô – nó làm thoả mãn sự khó chịu không thoả mãn trong cô. Giờ đây, trong không khí yên ắng êm dịu của phòng thay đồ, thảng hoặc mới bị khuấy động bởi tiếng động quen thuộc từ hành lang, những âm thanh sau buổi hoà nhạc, cô tự hỏi: điều gì đã khiến cô xáo trộn? điều cô đã nhận thấy, nghe thấy, cảm thấy, đoán nhận thấy, điều đã làm xao động khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng cần có để khúc nhanh vừa cất lên nhịp nhàng là gì? Cô tìm kiếm, tìm kiếm, nhưng không thấy.
Tuy nhiên, cô biết chắc rằng cô điều gì đó vô hình đã được truyền đến mình. Tối nay, trong khán phòng này, một phân tử khác lạ đã làm lay chuyển thứ mà nhạc trường vẫn gọi là “cơ chế” của cô. Ấy là điều gì?
18
Nó không chút thù nghịch, gây hại hay khó chịu, phá huỷ.
Nó giống như một làn sóng xao động thoảng qua, đến từ đâu đó trong khán phòng, nhưng cô khó mà xác định nổi đó là từ hàng ghế đầu tiên hay hàng ghế cuối cùng, từ bên trái hay bên phải, từ lô phía trên hay dãy ghế phía dưới. Nếu muốn so sánh cảm giác này với thứ cảm giác mà cô hiểu rõ nhất trên thế gian, tức là âm nhạc, thì Clara có lẽ sẽ nói rằng điều ấy giống với điều sẽ xảy đến với bạn khi một giọng ca cất lên, khi âm thanh đầu tiên phát ra từ một nhạc cụ, ngay lúc vừa mở màn. Đột nhiên và chẳng hề có lý do gì, nó khiến bạn khẽ rùng mình. Điều này có thể kéo dài vài phút, và thế là nó cuốn bạn vào bản nhạc rồi không để bạn thoát ra nữa, đó là một đặc ân. Như thế tức là bạn nhận được một thứ may mắn của nhân loại mà âm nhạc có thể vượt lên trên. Bất kỳ thể loại âm nhạc nào. Cũng không cần đó phải là nhạc “cổ điển”. Một khúc ghi ta cũng có thể khiến bạn hứng khởi nhiều đến vậy. Kể cả khúc romance tầm thường nhất và đoạn điệp khúc ngắn gọn nhất cũng vẫn luôn đầy thi vị.
Nhưng làn sóng ấy cũng có thể chỉ diễn ra trong chớp mắt – khoảng thời gian được các nhà khoa học và máy tính ước định bằng những con số mà những chiếc đồng hồ bấm giờ siêu việt nhất cũng không thể đạt tới. Đó thậm chí không phải là một phần nghìn giây trong cuộc đua một trăm mét tại các kỳ Thế vận hội. Nó là một khoảng khắc vô cùng ngắn ngủi. Chỉ một chao động.
Clara là một phụ nữ nhạy cảm. Thật nghịch lý: cái cô kỹ thuật viên violon máy móc, cái cô mà đôi khi nhạc trưởng vẫn cho là quá khổ công, lại được thiên phú một độ nhạy cảm tuyệt vời. Hẳn là cá tính kép này, vẻ bề ngoài mâu thuẫn này một ngày nào đó sẽ giúp cô đạt đến độ biểu đạt hoàn hảo trong môn nghệ thuật của mình, đạt đến trình độ cao nhất trong thiên hướng của mình. Một tâm hồn nhạy cảm luôn rung động trước sự thoảng qua của những mùi hương, của những đàn chim cất cánh, của những tia nắng phản chiếu trên mặt nước, hay làn bụi từ luồng sáng ban mai nơi đỉnh núi. Cô cho rằng mỗi sinh linh dù ít dù nhiều đều mang trong mình khả năng cảm nhận những yếu tố huyền bí, mong manh và kết tinh như vậy.
Cô cũng tin rằng không phải mọi rung động đều dành cho tất cả mọi người và cô là người duy nhất, tối hôm nay, trong khán phòng này, bắt nhận được làn sóng ấy.
Ngồi trên ghế trước tấm gương xung quanh viền bóng điện, trong lúc tẩy trang như thường lệ – dù không phải là diễn viên kịch nhưng cô vẫn trang điểm mỗi khi lên sân khấu – Clara phát hiện ra một vết chân chim nhỏ nơi khóe mắt cùng một quầng mờ mờ dưới một bên mi mắt – những dấu hiệu tinh tế của thời gian mà cho đến giờ vẫn chưa chạm tới cô. Vào đúng lúc ấy, Clara cảm thấy một điều gì đó bất ngờ sắp xảy đến với mình.
Vì thế, cô cũng chỉ hơi ngạc nhiên khi có người gõ cửa gian thay quần áo, rồi sau khi nói: “Mời vào”, cô thấy một thanh niên cao lớn xuất hiện, anh cao đến mức phải hơi khom người để bước vào căn phòng. Và cô cũng thậm chí không hề thấy ngạc nhiên hơn khi nhận ra anh vào đúng khoảng khắc cô tưởng mình không quen biết con người này.
- Vậy ra đó là cậu, cô nói.
- Phải, là tôi. Chị vẫn còn nhớ.
- Dĩ nhiên rồi, Franz.