Nửa kia của Hitler - Chương 13

- Anh có yêu em không?

- Tất nhiên rồi. Hỏi gì mà lạ thế!...

Stella mỉm cười: Adolf không trả lời mà là hét lên câu nói ấy. Nàng chưa bao giờ nghĩ rằng một tiếng kêu thảm thiết như vậy lại có thể được phát ra từ cửa miệng đàn ông về một chuyện với đàn bà. Vậy đó. Nàng lấy làm hãnh diện. Trong đời mình nàng đã đạt được điều ấy. Khối tình tuyệt đối của Adolf, nơi cảm giác gắn bó mãnh liệt tranh đua không thôi với sự thèm muốn vô hạn, vô cùng.

- Thế còn em, em có yêu anh không?

- Có chứ, nàng vừa nhẹ nhàng nói vừa gặm nhấm lời tuyên bố ấy.

Đó là một sự thực hiển nhiên và đáng sợ: nàng yêu. Nàng càng yêu hắn hơn nữa vì nàng đã hiến tế hắn: việc chuẩn bị lễ cưới với ông chủ nhà băng đang diễn ra suôn sẻ.

Họ đi vòng quanh hồ như tất cả những cặp tình nhân khác ở thành Viên. Stella để ý thấy rằng người ta không nhìn Adolf với ánh mắt như trước nữa. Được tình yêu làm cho hấp dẫn, Adolf đẹp hơn và mạnh mẽ hơn. Hắn thu hút đàn bà.

“Ta đã trao cho anh quyền lực đối với đàn bà. Họ sẽ đổ xô vào anh.”

Nàng sẽ rời bỏ hắn, làm hắn đau khổ, nhưng nàng đã trao cho hắn những phương tiện để tiếp tục sống một cuộc sống tươi đẹp không có nàng ở bên.

Họ tới ăn kem dưới hiên một quầy nhạc. Một dàn kèn đồng đang chơi điệu valse Bà góa vui vẻ.

- Anh thích tuýp phụ nữ nào?

- Em. Chỉ em thôi.

- Em nói nghiêm túc đấy. Hãy nhìn quanh đây và nói xem anh thấy cô nào được.

Không hào hứng gì, Adolf trề môi nhìn quanh và cuối cùng cũng chỉ ra được hai cô. Stella nghiến ngấu nhìn hai cô gái. Nàng sẽ bị đám này thay đây... Nhưng dù sao, hai cô nàng đều tầm thường.

- Em cá rằng chỉ sáu tháng là anh sẽ rơi vào vòng tay một người đàn bà khác. Em không tự huyễn hoặc mình đâu. Anh còn trẻ mà em thì già rồi.

- Em không già chút nào.

- Không quan trọng, một ngày nào đó em sẽ già.

- Anh cũng vậy.

- Em già trước anh.

“Anh mới đẹp trai làm sao, anh mới dịu dàng làm sao, anh sắp phẫn nộ đây.”

- Không người đàn ông nào chỉ hài lòng với một người đàn bà. Anh cũng sẽ giống những người khác.

- Em nói về đàn ông như nói về lũ thú vậy. Anh không phải là một con vật, anh có thể kiểm soát mình.

- Anh thấy chưa, anh đã nhắc đến chuyện hy sinh, chuyện tự kiểm soát mình... bị tách rời khỏi đám ấy và sống ủ dột bên Stella già nua của anh. Không, cảm ơn. Em không cần anh thương hại.

Càng tấn công, nàng càng yêu hắn hơn. Những câu trả lời của hắn làm nàng sung sướng. Nàng kiểm tra xem mình có chắc chắn làm Adolf đau khổ nhiều hay không.

- Stella, em nổi giận vì một chuyện cỏn con như vậy à. Nếu chuyện của ta tan vỡ, anh có thể cam đoan với em rằng đó là do em muốn chứ không phải là anh.

Stella đột nhiên hết giận.

“Thật quá đáng, ai đời có biết bao thế mạnh trong tay mà lại không biết. Ôi, tội nghiệp anh, nếu anh biết ta đang chuẩn bị những gì.”

Nàng nhìn hắn và đột nhiên chồm lên hắn, cắn vào dái tai Adolf như thể muốn giật một trái sơ ri ra khỏi cây.

- Em yêu anh, nàng nói.

- Tất nhiên là em yêu anh và anh cũng yêu em.

“Chịu được tình yêu này khó biết bao,” nàng vừa tự nói thêm với mình câu ấy vừa thở dài.

*

* *

Mùa đông đến như một lời tuyên chiến. Đột ngột. Khủng khiếp. Thèm khát xác người.

Hitler và Hanisch trú trong một nhà tế bần dành cho nam giới. Người ta có thể ngủ đêm tại đấy nhưng ban ngày thì phải đi. Trong tu viện bên cạnh, các bà xơ mang cho họ ăn một thứ xúp sền sệt, màu nâu nhạt, nóng bỏng. Ban ngày, hai gã cố gắng trú lạnh trong các quán cà phê; nhưng làm thế nào để không bị đuổi cổ khi bốn tiếng mới gọi một cốc trà và mang theo những cái túi cồng kềnh nặng mùi của đám người nghèo khổ, với những nùi tóc nhầy nhẫy trùm xuống cổ, râu ria xồm xoàm, quần áo biến dạng, sờn rách, tơi tả vì đã quá cũ? Hitler ngoan cố chối bỏ hoàn cảnh sa sút đến mức hắn tìm ra một giải pháp: trở nên mù và điếc. Hắn không nhìn thấy những người cùng cảnh ngộ bần hàn đang đánh nhau để tranh giành giường trong nhà ngủ, đám nát rượu, lang thang, ma cà bông, cái đám thân tàn ma dại ồn ĩ và bốc mùi mà hắn nằm trong số đó. Hắn bỏ ngoài tai những lời chửi rủa dành cho thái độ khép kín của hắn, lòng xót thương của những người có đạo, sự phẫn nộ của đám tư sản khi thấy Hanisch và hắn đi bới rác. Đã tụt xuống đáy xã hội hay chưa thì hắn thậm chí cũng chẳng buồn biết nữa. Hắn xa lánh cõi đời và cả chính mình.

Hanisch không còn chịu nổi gã bạn đồng hành trầm mặc, liên tục từ chối những cơ hội kiếm tiền do thời tiết khắc nghiệt đem lại. Hitler trơ ì. Ngay cả khi có thể kiếm được một hoặc hai curon hắn cũng từ chối làm những việc như dọn tuyết hay đi giao hàng. Đúng là khi chỉ còn da bọc xương như hiện nay hắn cũng không có khả năng làm những việc như vậy. Để tự giải thích tại sao mình lại kiên nhẫn đến vậy, Hanisch cho rằng trong gã vẫn còn một chút lòng tốt vì gã tự coi mình có trách nhiệm với người bạn đồng hành trên trời rơi xuống này. Trên thực tế, gã đã gửi vài bức tranh của Hitler ở một vài cửa hàng làm khung và cửa hàng bán thảm của người Do Thái và hi vọng rằng bất chấp thời tiết không thuận lợi và vắng khách du lịch, tranh vẫn có thể tiếp tục bán được.

Noel 1909, các xơ nài nỉ tất cả đám người nghèo đến ăn và sưởi ấm bên cạnh cái xanh của nhà thờ và tham dự lễ thánh vào nửa đêm. Sợ rằng sáng mai sẽ không được ăn xúp nữa, họ đồng ý ở lại và ồ ạt kéo đến cung nguyện trong nhà thờ.

Hitler giấu mình trong một góc tối, gần máng cỏ, cảm thấy mình đang trở lại tuổi thơ. Hắn thấy lại mình trong dàn hợp xướng hát thánh ca, mặc áo lễ trắng, đeo thánh vật dát vàng. Hắn say sưa với những bài thánh ca, tìm lại được những rung cảm ban đầu về nhạc đa âm; hắn tìm lại được sự thanh thản trong những nghi lễ không thay đổi, trong cái trật tự mà không ai đoạn tuyệt hay bác bỏ được - ngay cả khi hoài nghi đi nữa, nghi lễ được lưu truyền nguyên vẹn từ bao đời nay. Thế còn hắn, hắn đang làm gì trong lúc này? Hắn nhìn Chúa hài đồng, Jesus, trần truồng trên nệm cỏ, khỏe khoắn với làn da bóng như sáp, hồng như cá hồi. Đứa trẻ không lạnh, nó cười, nó có bố và có mẹ đứng phía trên, bên cạnh là những con vật nuôi trong nhà, nó có thể tin vào sự âu yếm của thế nhân, vào sự hài hòa của vạn vật, nó còn có thể hi vọng vào tương lai. Còn hắn, Hitler, không thể làm như thế nữa. Hắn không thể cởi trần khi hắn lạnh. Hắn không còn có thể cười - cười với ai? Hắn còn có thể chìa tay ra nhưng sẽ chẳng ai nắm lấy bàn tay ấy. Cuộc đời của hắn đang ở trong một mùa đông mà hắn sẽ không bao giờ thoát khỏi.

Hắn nghiêng người nhìn đứa trẻ Jesus ngạo ngược, cái thằng bé con nhà giàu ngụp trong hi vọng và tình thương yêu, đang được quay rô ti như một con gà trong lễ Noel, dưới ánh nến như dát vàng, hắn nghe thấy bụng mình sôi réo và chầm chậm khạc nước bọt.

*

* *

Bức thư đến vào một sáng thứ Tư.

“Adolf,

Em buộc lòng phải xa anh. Không có gì ở anh làm em phải ra đi. Ngược lại, em đã sống qua những tháng ngày hạnh phúc nhất của đời em bên anh. Em ghi trong lòng mình những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt, ngay cả khi sau này em trở thành một bà già. Em đi đây. Đừng tìm em. Em sẽ sang sống ở một thành phố khác. Em sẽ đổi tên và tiếp tục sống thân phận đáng buồn của một người đàn bà. Anh sẽ mãi là người đàn ông duy nhất mà em yêu.

Vĩnh biệt và cảm ơn anh.

Ariane-Stella.”

Adolf phải mất một lúc mới liên kết được những từ ngữ trong thư với nhau và biến chúng thành một câu liền mạch. Hắn không tài nào tin được rằng Stella lại biến mất. Hắn không thể thừa nhận việc Stella nỡ lòng làm hắn đau khổ. Hắn đọc đi đọc lại bức thư như một nhà khảo cổ học đang tìm cách giải mã những dòng chữ viết trên giấy papyrus(6) không dành cho mình. Chắc có sự lầm lẫn đâu đây. Hắn hi vọng tới lúc chìa khóa để giải câu đố đến với hắn, lúc hắn có thể cười nhạo trò đùa lố bịch này.

Nhưng đọc đi đọc lại bức thư cũng đưa đến cái thông điệp rõ ràng: Stella đã rời bỏ hắn vĩnh viễn, không một lời giải thích.

Cứ như thể đã nuốt cả một bao xi măng, Adolf tê liệt cả người, nặng nề, như đông lại. Hắn chỉ còn là một khối đau thương. Thậm chí không còn cả chỗ để sự giận dữ, tiếng chửi rủa hay sự phẫn nộ len vào nữa. Không. Một nỗi đau làm người ta hóa đá. Sống không Stella. Sống không được quấn mình vào thân thể Stella. Sống không ai chia sẻ tình yêu.

Thế rồi, sự đau khổ tan ra và vỡ vụn thành hàng nghìn ý nghĩ. Sau mỗi cú sốc, sự đau khổ nhẹ đi và tản mát, chính đó là lúc nó cứa vào lòng người ta nhiều nhất.

Adolf lao mình về phía tường rồi đâm đầu vào đó. Kết thúc đi thôi! Kết thúc nhanh đi thôi! Giống như tất cả những sinh vật bần cùng đứng trước nỗi đau, Adolf ngay lập tức nghĩ đến cái chết.

Trong trạng thái lẫn lộn giữa lòng vị tha và vị kỷ, hắn vừa muốn tự ải nhân danh tình yêu vừa muốn chấm dứt ngay cảnh tuyệt vọng này. Hắn đập đầu vào thành giá sách để mặc máu chảy đầy mặt. Hắn ngạt thở. Ngồi xổm bên vách ngăn trong nhà, hắn tiếp tục hành hạ mình. Thà hành hạ cho cơ thể mình đau còn hơn là đau lòng. Càng bị thâm tím, bị thương, bị rách thịt, càng chuyển được nỗi đau sang da thịt, hắn càng bớt đau hơn.

Sau một giờ trút cơn cuồng nộ vào chính mình, hắn cầm lại bức thư và bắt đầu tìm cách giải thích nó. Stella bỏ hắn đi lấy chồng. Nàng có nói bao nhiêu về việc mình cảm thấy hạnh phúc bên hắn cũng chẳng có ý nghĩa gì bởi rõ ràng hạnh phúc ấy không đủ. Nàng chỉ thừa nhận ở hắn một điểm mạnh: tuổi trẻ.

Adolf khóc lặng lẽ, nhẹ nhàng, gần như hắn kìm những giọt nước mắt rơi chậm lại như thể mỗi giọt nước mắt là một lưỡi dao cạo chầm chậm lướt qua mi mắt và tỉ mẩn xé rách nó ra. Hắn thấy khó thở. Tuổi trẻ là điểm mạnh duy nhất mà hắn sẽ không giữ lại. Hắn kết luận rằng cái hắn sợ từ vài tháng nay đó là việc hắn không đủ đẹp trai, không đủ giàu cũng không đủ hấp dẫn để giữ chân được một người đàn bà là đúng. Nàng có lý: hắn không đáng giá hơn một lá thư đoạn tình ngắn ngủi. Một lời giải thích ngắn ngủi...

Lòng hắn trĩu nặng.

Stella đã làm cái việc tày trời ấy vào ngày 21 tháng Mười hai năm 1909. Adolf rời Viên ngày 23 và dành cho em gái, cháu gái Geli và dì Angela Raubal sự bất ngờ thú vị khi đến nghỉ Noel với họ. Hắn được tiếp đón nồng nhiệt như một đứa trẻ bỏ nhà đi đã lâu nay quay lại. Hắn được tiếp đón trọng thị, được ôm ấp, yêu chiều. Trong khi đó, hắn cứ tưởng sẽ làm phiền mọi người vì sự có mặt của mình. Hắn che giấu tương đối tốt sự chán nản của mình. Hắn thấy ngạc nhiên. Thực vậy, là người đàn ông duy nhất trong nhà lúc này với một người đàn bà và hai đứa bé gái, Paula và Geli, hắn cảm thấy thoải mái. Sự hiện diện của những người phụ nữ làm hắn ấm lòng, hắn phần nào tìm lại được hơi ấm đầy ma lực của Stella nhưng theo một kiểu khác êm đềm, xoa dịu và kém hương vị hơn.

Quay lại Viên, hắn quyết định làm việc với một sức mạnh mới. Hắn nghĩ đó là cơn cuồng nộ. Ta phải chứng minh cho nàng thấy là ta có thể sống mà không có nàng - đấy là kỳ vọng của hắn - ta sẽ chứng tỏ rằng mình xứng đáng với nàng. Nghĩ mình vẫn đang đau khổ, hắn tự chấn chỉnh mình và muốn trở thành một người đàn ông có thể giữ được Stella.

Đương nhiên những giờ vẽ khỏa thân làm hắn sôi sục. Một người mẫu lạnh lùng có thân hình tuyệt đẹp thay chỗ Stella nhưng còn hắn, Adolf, hắn vừa vẽ vừa đối thoại trong đầu với nàng. Những câu đối thoại phun trào trong đầu hắn, hắn mải mê tưởng tượng ra cảnh giải thích hay cãi cọ với Stella. Dù vẫn cầm thanh chì vẽ trên tay, hắn không còn vẽ nữa mà là đang đấu kiếm.

Thầy Rüder, một người khổng lồ, một khối cự thạch mang hình người với một bộ ria mép, đến bên Adolf và nhìn hắn vẽ. Rồi ông cầm bức vẽ của Adolf và nhìn kỹ những bức họa trước đó của hắn.

- Này, trò có thể nói xem điều gì đang xảy ra hay không?

- Thầy nói gì ạ?

Adolf bị kéo khỏi cảnh tưởng tượng đang mắng mỏ Stella và giật nảy mình. Thầy Rüder ướm những tờ giấy vẽ trên tay như gã lái buôn cân một mặt hàng.

- Có điều gì xảy ra với trò? Chẳng phải trò đang trở thành một họa sĩ đây sao?

Thầy Rüder xòe những tờ giấy vẽ của Adolf thành hình cánh quạt cho cả lớp xem.

- Các trò hãy nhìn đây: cuối cùng thì cũng có những tình cảm được thể hiện trên bức vẽ, cuối cùng cũng có sự bạo liệt trong bức vẽ. Trước đây Adolf chỉ giỏi kỹ thuật vẽ mà thôi, chỉ chung chung, tối dạ và cần cù như một cái ống kính nhiếp ảnh. Và giờ đây... đúng vậy, giờ đây trò ấy đã thể hiện được cái gì đó. Lại thể hiện bằng hình vẽ nên càng tốt hơn nữa. Tôi sẽ nói với cậu, chàng trai ạ, rằng cho đến giờ tôi chưa bao giờ nghĩ cậu sẽ làm nên trò trống gì nhưng kể từ hôm nay tôi coi cậu như một họa sĩ.

Thầy Rüder ngạc nhiên về chính những điều mình nói. Ông lắc lắc đầu để định tâm lại và chỉnh lại cho đúng những gì mình nói.

- Tuy chỉ là họa sĩ tập sự nhưng là một họa sĩ thực thụ.

Ông gật gù, hài lòng về cách nói của mình.

Về phần Adolf, tim hắn thiếu điều nhảy vọt ra khỏi lồng ngực vì xúc động. Hắn đã ngỡ mình là kẻ bất hạnh, vậy mà lại vừa nhận được một lời khen quý giá mà hắn không bao giờ dám nghĩ đến. Chỉ vài lời nói đó đã khiến hắn chuyển từ trạng thái sầu não sang tột cùng sung sướng. Hắn ngạc nhiên với chính mình vì sự thay đổi này.

Lần đầu tiên trong đời, hắn vừa phát hiện ra cái đặc quyền nguy hiểm điều chỉnh cả cuộc đời hắn, đó là người nghệ sĩ có thể chiết xuất mọi thứ để sáng tác, ngay cả những nỗi muộn phiền. Nghệ sĩ là kẻ thu lượm mọi thứ trên đời, anh ta có thể trở thành một người tốt hay trở thành một con quái vật chịu đau khổ và gieo rắc nỗi khổ lên người khác để rút ra cái cảm giác sung sướng tột độ với nghệ thuật của mình. Adolf sẽ đi theo hướng nào?

*

* *

- Tôi không tin.

- Tao thề đấy, Hitler, thề đấy! Tao đã bịa nhiều lần nhưng lần này tao thề, mả mẹ thằng nào nói điêu, tao thề. Đó là một cái nhà cứu trợ - mày hiểu không? Không phải là một cái trại tế bần mà là một nhà cứu trợ, đúng vậy, một mái ấm nằm ở phía Bắc thành phố. Sạch sẽ vô cùng. Mới toanh, với tất cả tiện nghi hiện đại. Do đám Do Thái lắm tiền quá không biết làm gì xây lên, đúng vậy, đó là những gia đình Do Thái giàu nhất thành Viên, họ xây cho chúng ta cả một tòa lâu đài vì thấy lương tâm cắn rứt. Đó là khách sạn Ritz - khách sạn Carlton - là lâu đài Schônbrünn cho mày và cho tao! Tao còn không tin vào mắt mình cơ mà. Ở tầng trệt là thư viện. Tầng một là phòng khách và một phòng đọc, ở đó mỗi sáng người ta mang đủ loại báo cho chúng ta đọc. Ở tầng hầm là phòng tắm có cả thợ may, thợ giày, thợ cắt tóc. Thật đấy, tao không đùa đâu, có cả thợ cắt tóc. Có một cái căng tin là phòng ăn, một nhà bếp để nấu nướng nếu mình thích.

- Phòng ngủ thì thế nào?

- Dù sao cũng không nên đòi hỏi quá đáng. Chúng ta có một chỗ ngủ. Sáng ra thì phải đi nhưng tối có thể quay trở lại. Quy định là thế. Tất cả chỉ với năm mươi heller một ngày.

- Anh nghĩ chúng ta có thể ở đó hả?

- Có chứ. Từ khi mấy nhà bán thảm và đóng khung bán được tranh của mày - mà ai nghĩ ra chiêu này ấy nhỉ? - chúng ta đủ giàu để trả tiền họ. Nào là Ritz! Carlton! Sung sướng cuộc đời!

Hitler phải thừa nhận rằng Hanisch có lý.

Vì đã biết thế nào là cùng cực, hai gã coi nhà cứu trợ này như một cái khách sạn sang trọng, một sự thăng tiến xã hội có được nhờ vào thành công của hai gã. Khi mới tới nhà đó, dù chỉ với mức giá tượng trưng, người ta vẫn phải trả tiền để trọ, điều đó cho phép tách riêng lớp cặn bã trong đám cặn bã, để họ khỏi phải sống lại cảnh chen chúc trong những chỗ lụp xụp trước đây. Sau đó, nhà trọ mở cửa cho những đối tượng công chúng đa dạng hơn: nhân viên văn phòng, giáo viên, sĩ quan về hưu, thợ thủ công; điểm chung của họ là tất cả đều đang trải qua một thời kỳ mang tính chuyển giao không mấy tiện nghi; họ ở đây trong thời gian đi tìm việc; họ đang tìm một nơi ở tử tế; họ chỉ ở tạm qua ngày. Hitler và Hanisch thì khác, hai gã ở lì đó. Điều này làm hai gã có một địa vị cao hơn những người khác, địa vị của người trọ lâu ngày, địa vị của những con ma cũ. Đôi khi, trước những kẻ mới đến, hai gã không có cảm giác mình đang là khách ở đây. Ngồi trong phòng khách ở phía bên kia chiếc bàn dài bằng gỗ sồi, trên một chiếc ghế mà không ai dám tranh giành mà còn được gọi một cách kính trọng là “ghế của ông Hitler”, cả ngày hắn chỉ đọc báo và chỉ vẽ để kiếm sống vừa đủ. Được yên ổn, hắn lại lười như xưa. Hắn mơ mộng suốt ngày và Hanisch phải quở mắng để hắn vẽ nhiều hơn. Hơn nữa, sê ri tranh mới của hắn Cảnh phố xưa, bán tương đối chạy ở chỗ những người buôn bán cần những bức minh họa giá rẻ. Một hôm, Hanisch tuyệt vọng vì Hitler cứ nhũn ra như vậy nên đã kiếm một người khác cạnh tranh với Hitler. Hanisch đã thuyết phục được một gã Neumann nào đó, một họa sĩ người Do Thái mà Hanisch bắt gặp đang vẽ tranh biếm họa cho khách hàng nữ trong các quán cà phê, về làm việc trong nhà trọ. Không may, Hitler lại khoái nói chuyện với Neumann và hai gã tán với nhau hàng giờ về nghệ thuật, vì thế tốc độ sản xuất của cả hai đều sút giảm.

Những khách trọ ngồi ở phòng khách suốt cả ngày như Hitler và Neumann tự coi mình là tầng lớp tinh hoa, một kiểu trí thức vượt lên trên cõi đời phù du của những kẻ tiểu tư sản bất đắc chí và hoảng hốt.

Như một cái cây trồng trong lồng kính tiếp tục bói hoa, các tham vọng trước kia nay lại quay về trong đầu Hitler. Hắn không còn thấy tương lai của mình trên con đường duy nhất là vẽ - môn nghệ thuật này đã chết rồi, anh bạn ạ, từ khi nhiếp ảnh ra đời - hắn tưởng tượng mình là kiến trúc sư. Vì thế, hắn cho rằng cái công việc bất tận cóp đi cóp lại những công trình kiến trúc và việc hắn không thể vẽ được lấy một khuôn mặt là chuyện bình thường. Khi Neumann nhắc hắn rằng một kiến trúc sư phải học toán rất giỏi, Hitler nhún vai và khẳng định như một lẽ hiển nhiên:

- Tất nhiên là tôi sẽ học toán. Tất nhiên rồi.

Trong lúc chờ đợi, hắn chưa bao giờ giở một quyển sách số học hay đại số nào cả. Như thường lệ, với hắn, chỉ nghĩ là đủ.

Cảm xúc khi nghe Rienzi vẫn mạnh mẽ trong hắn. Ý đồ theo đuổi chính trị tiếp tục mạnh lên trong hắn qua việc đọc báo hàng ngày. Hitler hào hứng ủng hộ Schônerer. Ngay từ hồi thiếu niên, hắn thường nhắc đến cái tên Schônerer để cãi nhau với cha mình. Schônerer là một người Áo đam mê nước Đức; kinh sợ tất cả những gì không mang chất Đức trên đất Áo, ông ta đấu tranh để hợp nhất Áo với Đế chế Đức; năm mười ba tuổi, Hitler thường xuyên viện dẫn những chỉ trích chính quyền Áo để chọc tức cha hắn, người đã phục vụ nước Áo cả đời. Về sau, khi gặp nhiều dân tộc khác nhau đang giáp mặt nhau, ồn ĩ trao đổi hàng ngày trong thành Viên hỗn tạp, hắn thích tự an ủi mình như Schônerer vẫn kêu gào, rằng mình siêu việt hơn những chủng tộc khác vì là người Đức. Hắn cũng đồng tình với mọi quan điểm của Schônerer, chống Công giáo, chống chủ nghĩa tự do, chống chủ nghĩa xã hội, tóm lại, thái độ chống mọi loại học thuyết chưa được nhiều người biết đến mà Hitler không tiếp cận được. Nhưng còn có một chi tiết, một chi tiết cực kỳ nhỏ, gần như không thể nhận thức được, đã biến Hitler thành một người ủng hộ nhiệt thành Schônerer: nhà tư tưởng này khẳng định là cần phải sống độc thân đến năm hai mươi lăm tuổi để giữ được sức khỏe tốt và giữ tất cả sức mạnh của cơ thể và trí óc cho dòng giống Giéc-manh. Những nguyên tắc vệ sinh mà ông ta đưa ra làm Hitler thấy sung sướng, hơn nữa, dù không cố ý, hắn đã làm như vậy thường xuyên; hắn đã tìm ra được lời giải thích mang tính khoa học và đạo đức cho thái độ cư xử của mình; việc hắn chưa biết mùi đàn bà không còn là một vấn đề mà là một đức hạnh, cũng như việc hắn không ưa ăn thịt và uống rượu, những thói quen mà Schônerer cho rằng sẽ dẫn đến sự sa đọa. Schônerer biện minh cho tất cả. Schônerer là Rienzi của hắn.

- Thế nào, tại sao mày không tham gia vào phong trào của ông ta? Đôi khi Hanisch hỏi hắn khi buộc phải chịu đựng cơn ngưỡng mộ của Hitler.

- Tôi sẽ làm điều đó... tôi sẽ làm... Hitler nói để tránh né câu hỏi.

Nhưng tại sao hắn không đấu tranh? Bằng trực giác, hắn cảm thấy mình không thể gia nhập vào một ê kíp nào được. Đấu tranh cũng giống như đi học, một hoạt động tỉnh táo, thực tế và gây nguy hại. Hitler thích mơ hơn.

Và thêm nữa, Schônerer là người bài Do Thái, điều này làm cho Hitler bị sốc. Vả chăng, chủ nghĩa bài Do Thái là một trong những vấn đề chính trị lớn nhất của hắn: tại sao tất cả những người hắn ngưỡng mộ đều là người bài Do Thái? Schopenhauer, Nietzsche, Wagner, Schônerer... không trừ một ai, tại sao sự thù hận thấp hèn này lại lọt vào trong những suy ngẫm đẹp đẽ và cao quý đó. Điều này làm cho Hitler lúng túng. Hắn không thấy có mối liên hệ nào giữa thái độ thù nghịch người Do Thái của Nietzsche và phần còn lại trong tư tưởng của ông. Với Wagner cũng vậy... Làm thế nào mà những thiên tài này lại để cho thứ tình cảm ấy lấn lướt? Hắn tha lỗi cho họ về mối thù hận thứ yếu, ngoài lề, ngoại vi này nhưng hắn ngạc nhiên là nỗi thù hận ấy lại lặp đi lặp lại nhiều lần đến thế ở nhiều người đến thế.

Ở phòng khách, đôi khi hắn tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị. Ban đầu, hắn còn kìm giữ để không đập vỡ cái bề ngoài mà hắn đã dày công xây dựng bằng cách im lặng và khép kín, giữ khoảng cách với mọi người và không để ai đến quá gần mình. Nhưng đôi khi, cái vỏ ngoài của hắn bị vỡ ra, hắn thấy mình phải có trách nhiệm tham gia khi nghe thấy quá nhiều điều chướng tai. Hắn dụi nát bút chì trên mặt bàn, đứng bật dậy và bắt đầu hăng say diễn thuyết, người hắn lắc lư, bị làn sóng phẫn nộ cuốn đi. Từng câu, từng từ trở nên khó khăn, nhát gừng, la hét, cực đoan.

Hắn chỉ nhận được một sự im lặng khó chịu. Không ai trả lời hắn. Khi hắn ngừng nói, mọi người im bặt hồi lâu cho lịch sự, rồi sau đó những câu chuyện phiếm lại bắt đầu về những chủ đề vô hại như thể không có gì xảy ra. Hitler tương đối tỉnh táo để hiểu rằng hắn không có chút tài hùng biện nào. Buồn não ruột, hắn biết mình không phải là người biết thuyết phục. Ngọn lửa của hắn chỉ sưởi ấm mỗi hắn mà thôi. Người ta không nghe hắn nói mà là chịu đựng hắn nói. Người ta đợi cho cơn giận của hắn trôi qua. Người ta làm cho hắn cảm thấy rằng không ai giận hắn lắm vì liệu có thể trách người chỉ có một chân là tại sao anh ta lại đi khập khiễng không? Nhưng người ta thích hắn ngậm mồm lại hơn. Lần cuối cùng nổi đóa lên như thế - đó là để bảo vệ những người bạn Do Thái của hắn trong nhà cứu trợ và những nhà buôn người Do Thái đã mua tranh của hắn - hắn cảm thấy bị lăng nhục bởi ánh mắt chán chường của những người này sau khi hắn nói xong, như thể hắn vừa bĩnh ra quần trấn tĩnh lại, hắn tự nhủ sẽ không bao giờ lên tiếng chỗ đông người nữa. Ngày hôm đó, trong đầu hắn, Hitler vĩnh viễn từ bỏ chính trị.