Nửa kia của Hitler - Chương 19

Cuộc chiến đang sa lầy.

Hàng đêm, nó tiếp tục sản xuất ra vẫn chừng ấy tử thi, nhưng tất cả những cái chết này chẳng để làm gì cả. Mặt trận xê dịch được vài mét rồi một tuần sau lại giật lùi, những người lính kiệt sức để bảo vệ dải đất mà họ chưa biết đến trước cuộc chiến và giờ đây họ phải giao nộp mạng sống của mình cho nó. Tình trạng phi lý này đè nặng thêm vào sự chán nản và dưới bầu trời thấp tịt, u ám nơi ánh sáng ủ dột của miền Bắc đang rỉ ra, tất cả sự hăng hái đã biến mất. Chỉ còn lại nỗi khủng khiếp thường trực.

Về phần mình, sự hăng hái của Hitler và Foxl không hề suy giảm. Chúng đã phát hiện ra một niềm đam mê mới của cả hai: săn chuột.

Không chỉ một lần, giữa đêm, chúng đã bị một đàn chuột tập kích. Bọn gặm nhấm đến, nhảy nhót, kêu chin chít, ào ra từ chỗ ẩn nấp với số lượng đông không thể tưởng, đến mức mặt đất trở thành một cái áo lông sống, lúc nhúc, không có hình dạng, kêu rin rít, đó đây nổi lên một cái hàm nhỏ rắn chắc hay một cái mắt vàng như axít thấm đẫm căm thù, một tấm thảm bóng láng và chuyển động phăng hết trên đường đi của mình tất cả những cái gì ăn được, bánh mì, túi, đồ hộp, nội tạng hoặc chân, tay rơi rụng của các tử thi. Cánh lính càng ghét cay ghét đắng bọn chuột còn vì biết rằng khi bị thương chí mạng, những con vật ăn xác này sẽ là những gã phường đòn đầu tiên của họ và sẽ lao vào xé xác họ với bộ răng của chúng.

Vậy là lúc rảnh rỗi ngoài giờ làm liên lạc, Hitler và Foxl dành thời gian săn chuột, mỗi kẻ làm theo cách của mình. Foxl dùng các kĩ thuật cổ điển của giống chó phốc sục hang, Hitler thì dùng đến những kỹ thuật tinh xảo. Hắn để một mẩu bánh mì làm mồi rồi ngồi không xa đó, dùng báng súng đập và giã nát con vật khi nó đến gần bẫy. Cái làm hắn sung sướng hơn nữa là chiến thuật số hai theo đó hắn rải thuốc súng quanh miếng mồi, lấy từ những quả đạn cối tịt, và châm lửa đốt khi các con vật đến gần: khi đó hắn được hưởng cảm giác được nhìn chúng bị thiêu sống. Từ một trò tiêu khiển đơn giản, săn chuột đã trở thành một nỗi ám ảnh và Hitler tự hứa với mình sẽ hết sức kiên trì để bằng mọi giá, đạt đến giải pháp cuối cùng: tận diệt vĩnh viễn tất cả chuột trên chiến trường.

Hôm đó, Hitler đang sửa soạn làm nhiệm vụ. Hắn và Foxl, sau một cuộc săn thắng lợi vào buổi chiều, chạy trong chiến hào dẫn đến ban chỉ huy số 1, bỗng có tiếng vỏ đồ hộp leng keng, cả hai dừng lại.

Một con chuột nhảy lên từ bờ chiến hào, kéo theo nó là một cái bẫy thép, thứ đó chỉ làm nó bị thương mà không chết. Nó chạy về phía trận địa của đối phương gây ra tiếng ồn ĩ hoảng loạn. Foxl nhảy khỏi đường hầm và đuổi theo con mồi.

- Foxl, lại đây! Foxl quay lại!

Con chuột, điên dại đến mức không biết gì nữa và đau đớn, chạy lung tung kéo theo Foxl trong cơn điên loạn.

- Foxl, quay lại! Foxl, lại đây!

Một tiếng súng vang lên. Foxl đột nhiên kêu ăng ẳng và ngã vật sang một bên.

Con chuột tiếp tục chạy cuống cuồng giữa hai chiến tuyến Pháp và Đức.

- Foxl!

Hitler thò đầu lên trên chiến hào để xem chuyện gì đã xảy ra với con chó của mình. Đúng lúc đó hai viên đạn bay đến bắn tung bao đất ngay cạnh hắn, chỉ cách đầu hắn trong gang tấc. Kẻ địch vừa bắn về phía hắn.

- Khốn kiếp! Khốn kiếp!

Hắn co quắp trong hào. Hắn nghe thấy tiếng con chó đang rên. Foxl đã bị thương. Không thể chịu được. Cần phải làm một cái gì đó. Nhưng làm gì đây? Đêm xuống. Hắn treo cái mũ lên trên khẩu súng dò xem kẻ địch có còn rình rập không và thò nó lên trên hào. Chỉ nháy mắt, một viên đạn đã bay đến găm vào chiếc mũ kim loại.

- Khốn kiếp!

Trời tối đen. Quả pháo sáng đầu tiên đã tỏa sáng trên trời và cái dù bằng lụa của nó phát ra một thứ ánh sáng xanh lục, dấu hiệu cho thấy cuộc chiến lại tiếp tục.

Bom đạn bắt đầu trút xuống.

Màn đêm đen ngòm trở nên điên loạn. Một sự bùng vỡ. Một sự nhiệt cuồng.

Hitler không cử động.

Tất cả pháo binh Đức đã triển khai quanh hắn. Kẻ bắn. Kẻ quạt liên thanh. Kẻ rú hét. Kẻ ngã xuống. Hitler cảm thấy mình không thể quay lại công sự của mình được nữa. Những khi ngơi tiếng súng, hắn nghe thấy tiếng rên của Foxl. Hắn tê tái trước sự đau đớn mà con chó đang phải chịu.

- Khốn kiếp, lũ khốn kiếp, hắn rít lên qua kẽ răng.

Đến nửa đêm, tiếng kêu của Foxl thay đổi. Nó tru lên hấp hối. Nó hiểu rằng mình sắp chết, một mình, vào đêm nay, dưới bầu trời bị thép và lửa xé rách tơi tả.

Hitler khóc. Hắn thậm chí không dám gọi con chó của mình, hắn muốn Foxl nghĩ rằng nó đang ở một mình, hắn thà để cho con chó không biết là chủ nó, bất lực, đang ở cách nó có vài mét, dán mình dưới một cái hố.

Buổi sáng, tiếng rên nghe mảnh hơn, chói hơn, xót xa hơn. Foxl sắp chết đến nơi nhưng vẫn tiếp tục gọi. Hitler lấy hai tay bịt tai lại.

- Khốn kiếp! Không được giết động vật! Chúng mày muốn giết bao nhiêu người tùy ý nhưng không được giết động vật!

Khi tiếng súng ngưng hẳn vào sáng sớm, hắn còn nghe thấy con chó thở thoi thóp. Xung quanh hắn, những người tải thương đang chạy đi chạy lại mang theo hàng đống người chết và bị thương.

Hắn gượng đứng dậy được, cầm súng, thò đầu khỏi hố để tìm Foxl và bắn.

Cuối cùng tiếng rên cũng im bặt. Foxl đã chết. Lòng căm thù bùng phát trong Hitler thế chỗ sự ảo não. Hắn tuôn ra hàng tràng chửi rủa kẻ thù:

- Lũ khốn kiếp! Chúng mày sẽ không bao giờ thắng được, chúng mày nghe rõ chứ, không bao giờ! Nước Đức sẽ đến uống máu chúng mày, chúng mày sẽ quỳ gối trước nước Đức, chúng mày sẽ trở thành nô lệ của chúng tao, Paris sẽ thuộc về nước Đức! Tao căm thù chúng mày! Tao căm thù chúng mày. Tao sẽ trả thù và không gì đủ mạnh để thỏa mối thù này. Tao căm thù chúng mày! Lũ khốn kiếp!

Rồi hắn quay súng bắn bừa bãi về phía quân Pháp, hi vọng sẽ trúng kẻ đã giết Foxl, không nghĩ ngợi một giây rằng hắn đã có thể chết rồi.

Phải bốn người y tá mới giữ được hắn và bác sĩ trưởng phải cho hắn một mũi an thần.

*

* *

Bernstein, Neumann và Adolf ngồi sưởi dưới ánh mặt trời uể oải cạnh lán tham mưu. Không gian bốc mùi nhựa đường, mùi giấc ngủ trưa và mồ hôi chân.

- Chúng ta sẽ thua.

Neumann vừa đọc tất cả các tờ báo tìm được trong sọt rác của những sĩ quan.

- Chúng ta ư? Bernstein kêu lên. Tớ không còn thuộc về bất cứ cái “chúng ta” nào khác ngoài ”ba chúng ta”. Với tớ, còn sống sau cuộc chiến đã có nghĩa là chiến thắng. Nếu tớ sống sót trở về từ chiến trường thì tớ cũng báo luôn cho các cậu biết là tớ sẽ không còn là công dân Áo, thậm chí không còn là công dân của bất cứ đất nước nào. Là một người vô quốc tịch và yêu hòa bình, sau cuộc chiến tớ sẽ trở về thế đấy.

- Cũng còn phải giữ được mạng trong mấy tuần nữa, Adolf thêm vào, vẻ lo lắng.

Từ khi quay lại chiến trường và được hưởng niềm vui gặp lại bạn bè và họ vẫn còn sống, không giây phút nào Adolf không sợ một điều gì đó xảy ra với họ. Nhóm của họ đã tái hợp, gắn bó hơn vì đã trải qua biết bao nguy hiểm cùng nhau, họ vẫn không bao giờ nói gì về những tình cảm gắn kết họ lại với nhau, mảnh nhân tính duy nhất còn lại trong cái thế giới đã mất đi trái tim và lý trí này.

- Cuộc chiến này không còn là của con người, Adolf tiếp tục nói. Đó là cuộc chiến của kim loại, của hơi ngạt và thép, một cuộc chiến của những nhà hóa học và những tay thợ rèn, một cuộc chiến của những nhà công nghiệp, cuộc chiến trong đó chúng ta, những đống thịt tội nghiệp không còn được dùng để chiến đấu mà dùng để kiểm tra xem sản phẩm của chúng giết người có hiệu quả không.

- Cậu có lý, Bernstein nói. Đó là cuộc chiến của các nhà máy, không còn là cuộc chiến của con người. Người chiến thắng sẽ là người khạc ra nhiều sắt thép nhất. Còn chúng ta, chúng ta chẳng có ý nghĩa gì. Khi tớ nhìn thấy những chiếc xe tăng đầu tiên đến, cái đống thép nặng hàng tấn ấy tung hoành khắp nơi và nghiến nát mọi thứ, tớ đã hiểu ra rằng chúng ta chẳng để làm gì cả. Dũng cảm và khéo léo để làm gì trước một cái máy mà trong mọi trường hợp cậu chẳng thể làm gì được nó và bị nó tiêu diệt?

- Các cậu nói cái gì vậy? Neumann thốt lên. Nghe các cậu nói thì các cậu chỉ tham gia chiến tranh khi được giết nhau sát sạt, mặt đối mặt, phải vậy không?

- Đúng vậy.

- Riêng tớ, tớ sung sướng vì không biết mình bắn vào cái gì, quét liên thanh vào cái xa xa, ném lựu đạn về hướng người ta chỉ. Nếu có người trước mặt tớ, tớ không biết mình có thể làm được những việc đó hay không.

- Nói gì đi nữa, Bernstein nói, tớ không muốn chiến tranh. Tớ không còn muốn mình thuộc về bất cứ quốc gia nào nữa.

- Nhưng cậu cũng cần phải sống ở đâu đó chứ, Adolf phản đối.

- Ở đâu đó, đúng vậy, nhưng là ở trong một đất nước chứ không phải trong một quốc gia.

- Có gì khác nhau?

- Một đất nước trở thành một quốc gia khi nó ghét tất cả các nước khác. Chính hận thù là cơ sở tạo nên một quốc gia.

- Tớ không đồng ý, Neumann nói. Một quốc gia, đó là một đất nước được tổ chức để đảm bảo cho cậu sống trong hòa bình.

- Thế à? Liệu có chiến tranh không nếu không có các quốc gia? Chúng ta đang làm gì ở đây nào? Chỉ vì một tay người Serbia đã giết một tay người Áo, người Đức và người Áo đã gây chiến tranh với người Pháp, người Anh, người Ý, người Mỹ, người Nga. Cậu có thể giải thích điều đó bằng một lô gích khác ngoài lô gích hận thù được không? Chủ nghĩa quốc gia là một chứng loạn thần kinh nguy hiểm chết người, Neumann thân mến của tôi ạ, và nói như bác sĩ Freud thì nó trở thành chứng loạn tâm thần không thể đảo ngược khi được biến thành lòng yêu nước. Nếu cậu thừa nhận nguyên tắc quốc gia có nghĩa là cậu thừa nhận nguyên tắc của tình trạng chiến tranh thường trực.

Họ lắng nghe tiếng gầm gừ của chiến trường từ xa vẳng lại. Cảnh vật xung quanh như rình rập. Như thường lệ, sắt thép sẽ phát cuồng lên vào ban đêm.

- Sau chiến tranh, tớ sẽ đến sống ở Paris, Bernstein tuyên bố.

- Paris à? Tại sao?

- Vì chính là ở đó mà người ta sáng tạo hội họa hiện đại từ ba mươi năm nay.

- Ở khu Montmartre á?

- Không. Chỗ đó xưa rồi. Ở Montparnasse cơ. Tớ sẽ thuê một cái xưởng thật lớn ở phố Campagne-Première và lập nghiệp ở đó.

- Nói xem nào, cậu có vẻ biết rõ tất cả những cái đó nhỉ.

- Tớ có người quen ở đó.

Bernstein im lặng một cách bí hiểm. Adolf và Neumann không nài hỏi vì biết bạn mình hay e thẹn quá đáng khi nói đến quan hệ yêu đương của mình.

Bernstein ngẩng đầu lên và nhe răng cười.

- Ai yêu tớ thì theo tớ! Đến ở Montparnasse nhé?

- Ở Montparnasse!

- Ở Montparnasse!

Và ba người bạn cùng cười, hạnh phúc với ý nghĩ tươi đẹp rằng tương lai của họ đã được hoàn trả cho họ.

“Trong lúc chờ đợi còn phải giữ được mạng sống cái đã,” Adolf thầm nghĩ, lòng bất ổn.

*

* *

- Lùi lại phía sau nhanh!

Cả đơn vị lùi lại. Quân Anh đã xâm nhập vào hai đầu chiến hào, quân Đức quyết định không cố thủ và chạy sang trú trong những nhánh hào bên cạnh.

- Bên trái! Cái này cũng bị chiếm rồi. Bên trái! Nhanh!

Họ lại chạy sang bên trái.

Trong đêm tháng Mười năm 1918 này, trung đoàn của lính liên lạc Hitler lại ở trên vùng đất đầy bùn này lần thứ ba kể từ năm 1914. Sau khi trở thành nơi nghỉ mát cho họ, ngôi làng Comines đã trở thành trận địa. Quân Anh tiến lên, giành giật từng thước đất.

Trừ Hitler, mọi người đều biết rằng chiến tranh, sau bốn năm mang bệnh kinh niên, đang tiến gần đến những ngày cuối cùng. Nước Đức đang lùi bước. Trong vòng vài tháng, nó vừa mất đi một triệu người, dốc cạn dự trữ lương thực, đạn dược và tinh thần của mình.

Hitler nhất định không tính đến khả năng nước Đức bị thất bại vì hắn đã nhập mình vào nước Đức. Hắn, Hitler, người bất khả chiến bại, quả cảm, kiên cường, luôn được phép màu bảo vệ không bao giờ ngã xuống, nước Đức sẽ chiến thắng. Để nhận định tình hình, hắn chỉ giữ lại những tin tức giúp củng cố niềm tin của mình: chiến trường Nga sụp đổ, thất bại của người Ý và cuối cùng là huân chương Thập tự sắt hạng nhất, do trung úy Hugo Gutmann trao ngày 4 tháng Tám vừa rồi, một tặng thưởng đặc cách cho một viên hạ sĩ quèn. Vậy thì sao? Đó chẳng phải là bằng chứng rằng chiến tranh đang tiến triển theo chiều hướng tốt hay sao?

- Chạy vào bụi cây, nhanh! Nấp đi!

Hắn bắt đầu thấy việc mình chỉ là một trong số tám triệu người là chuyện bất bình thường. Hắn có ở đúng chỗ của mình không? Liệu có công bằng không khi hắn, người có thể làm được chừng ấy việc cho Tổ quốc, chỉ là một tay hạ sĩ quèn trên chiến trường, bị trưng ra trước hành động ngẫu nhiên của bất cứ một gã nào đối diện?

- Bò ra phía bìa rừng! Nhanh!

Hắn không định thay Foxl bằng một con chó khác vì không muốn lại trao cho kẻ thù cơ hội để hành hạ hắn nhiều như lần trước.

- Cẩn thận: khí độc!

Báo động có khí độc truyền từ người lính này sang người lính khác. Khí độc. Khí độc. Khí độc. Mỗi người đều có một cái mặt nạ để bảo vệ mình.

Số lượng những cuộc tấn công bằng khí độc đang gia tăng. Trong quân đội Đức, người ta nói rằng quân Anh cho vào trong đạn cối một loại sản phẩm mới, hơi mù tạt, một loại hóa chất tác động ngầm, có độ phát tác tùy theo từng nạn nhân. Mỗi người chỉ biết được tác động của loại chất độc này vào cơ thể mình như thế nào khi bị nó hành hạ. Một vũ khí tinh vi gây khiếp sợ.

Hitler thấy khó thở trong chỗ phình chật hẹp của cái mặt nạ. Hắn thấy khó thở và phát ốm khi nghĩ đến việc mình chỉ có lượng dự trữ không khí đủ cho hơn mười phút.

Phía trước, Hugo Gutmann, nhân cơ hội có pháo sáng, ra hiệu cho quân của mình giữ nguyên mặt nạ.

Họ bị vây trong một cơn mưa đạn cối chứa đầy khí độc, trời lặng không một chút gió, làn khí độc cứ luẩn quẩn không chịu tan đi. Những cái mũ nhọn nổi lên trên đại dương khói nhờ nhờ trắng trông như những con cá đang bay.

Hitler không chịu được nữa. Ngay cả khi ép mình thở tằn tiện nhất có thể được, hắn vẫn thấy cơ thể mình thiếu ô xy và yếu đi một cách nguy hiểm. Hắn có thể làm gì đây? Giờ hắn có hai lựa chọn: hoặc là chết ngạt trong cái mặt nạ của mình hoặc chết vì nhiễm khí độc.

Trước mặt hắn, nhiều người đã đứng lên và giật mặt nạ bảo hộ ra.

- Chạy thôi! Trốn khí độc đi! Nhanh!

Hugo Gutmann, khi thấy đồng đội đang trở nên hoảng loạn, cũng bỏ mặt nạ của mình ra để ra lệnh cho họ chạy khỏi vùng đất chết người này.

Hitler bắt đầu lao mình về phía trước, vẫn đeo nguyên mặt nạ, khi cảm thấy ngạt thở, hắn quẳng nó đi và rảo cẳng chạy nhanh hơn nữa.

Ta là người vô địch. Ta thoát khỏi đạn lửa. Khỏi đạn cối. Khỏi khí độc. Ta thoát khỏi mọi thứ. Sao hộ mệnh của ta tiếp tục bảo vệ ta ngang với tầm vóc của ta. Ta sẽ thoát khỏi chuyện này.

Chạy nhanh khoảng vài trăm mét và thấy nhiều người ngã xuống quanh mình, thêm một lần nữa hắn kết luận rằng tấm giáp vô địch của hắn đã làm tròn vai trò của mình.

Cuối cùng hắn cũng đến được chỗ trung úy Gutmann trong một cái hố được pháo binh của họ bảo vệ.

- Anh sao rồi, hạ sĩ Hitler?

- Rất khỏe, thưa trung úy.

Thoắt một cái Hitler đã thoát xuống phía hậu cứ, tránh xa nơi bom đạn đang điên cuồng trút xuống.

Sáu giờ sáng, hắn thấy mắt mình nóng lên.

Sáu giờ ba mươi, mắt bỏng rát.

Bảy giờ, mắt hắn nóng như than cháy rực.

Bảy giờ ba mươi, Hitler nghi là mình có thể đã hít phải khí độc.

Tám giờ, trời sáng bảnh nhưng bao quanh Adolf Hitler là một màn đêm đen kịt. Hắn hiểu rằng mình đã bị mù.

Hắn ngã phệt tại chỗ. Ở đâu đây? Hắn không còn nhìn thấy gì nữa và kêu gào:

- Mắt của tôi! Khí độc! Mắt của tôi!

Hốc mắt hắn như có lửa đốt trong khi cả phần còn lại của cơ thể như tê liệt trong băng giá. Người hắn vừa sốt cao vừa run lên bần bật. Hắn thấy mình được đưa lên một cái cáng.

Một bàn tay nắm lấy tay hắn.

- Tôi nghĩ là chiến tranh đã chấm dứt với anh, Hitler ạ.

Hắn nhận ra giọng nói của trung úy Gutmann.

Câu nói này làm hắn tê liệt; chiến tranh kết thúc với hắn rồi ư? Cuộc chiến sẽ thế nào nếu không có hắn? Và chiến trường không có hỏa lực của hắn sẽ như thế nào? Và nước Đức sẽ ra sao không có niềm tin của hắn? Hắn muốn phản đối, phủ nhận sự mù lòa của mình, yêu cầu người ta để hắn ở đó, nhưng sức mạnh của hắn đã không trả lời hắn.

“Người sẽ chết ở nơi người mắc tội...”

Vượt lên trên những cái xóc của chiếc xe cam nhông nhỏ, những tiếng rít của tàu hỏa, câu nói mà hắn đã nghe khi còn nhỏ vẳng bên tai hắn cùng những cơn sốt tăng và giảm liên tục.

“Người sẽ chết ở nơi người mắc tội.”

Hắn là một họa sĩ. Hắn vừa mất đi đôi mắt của mình. Hắn không vẽ nữa và sự tàn tật loại hắn ra khỏi chiến trường. Nếu không chết đi thì hắn sẽ trở thành cái gì?

*

* *

Adolf H., Neumann và Bernstein biết chắc rằng họ đang chiến đấu trận cuối cùng. Họ chiến đấu mà không chiến đấu, bắn cầm chừng cho có, như trong một buổi tập chứ không phải là đêm diễn thật sự.

Có lẽ họ muốn chiến đấu cầm chừng nhưng hỏa lực mãnh liệt của quân địch không cho phép họ làm thế. Có lẽ họ chỉ muốn tự bảo vệ mình nhưng bạo lực đã cuốn họ đi và buộc họ phải chiến đấu. Có lẽ họ muốn được coi là bệnh binh nhưng, như những kẻ tôn sùng cái đẹp, họ đã bị sự huy hoàng vô ích của trận chiến cuối cùng thu hút một lần cuối.

Đêm nay trăng tròn nên máy bay hoạt động dễ dàng hơn. Đạn pháo rơi ào ạt như mưa, mỗi lần lại chứng tỏ sức mạnh khí tài vượt trội của quân địch.

- Giữ cho đến sáng, Adolf lẩm bẩm.

Bộ binh Pháp tràn đến từ khắp nơi. Phải rút lui. Ba người bạn bị tách ra theo mệnh lệnh của cấp trên và theo hoàn cảnh.

Adolf đi qua đêm nay như kẻ mộng du. Là chiến binh lão luyện, hắn có những động tác thuần thục, những phản xạ tuyệt vời, nhưng tâm trí hắn đã để ở nơi khác, ở ngày mai, ở ngày kia, ở hòa bình.

- Giữ cho đến sáng.

Đã nhiều lần, hắn thờ ơ nhận thấy mình suýt chết. Những viên đạn bắn sát người hắn. Những quả đạn ghém xả khói vào người hắn. Hắn coi thường chuyện đó.

- Giữ cho đến sáng.

Hắn sợ rằng việc mình sớm tách khỏi đội hình sẽ đem lại điều không may. Hắn cố ép mình sợ hãi. Vô ích.

- Giữ cho đến sáng.

Bình minh rốt cuộc cũng đến, đầy hứa hẹn. Tiếng súng đạn thưa dần, trời cũng sáng dần lên.

Adolf đi bộ rất lâu để đến được lán tham mưu cuối cùng ở hậu cứ.

Khi đến gần, nhìn vẻ mặt xám xịt của các sĩ quan, hắn biết mình đã đoán đúng. Người ta vừa thông báo chính thức: nước Đức đã thua trận.

Hắn ngồi lên một chiếc ghế băng bằng gỗ và thả mình vào ánh sáng mặt trời. Hắn tắm nắng. Những ngọn lửa nhợt nhạt của mùa đông chầm chậm sưởi ấm, làm cho hắn thư giãn như được tắm một lúc lâu, gột rửa hắn khỏi bốn năm đầy mồ hôi, canh cánh, khỏi những nỗi sợ chết người. Cuối cùng, bình minh hôm nay đã là một bình minh thực sự, bình minh quyết định một ngày mới bắt đầu. Cuộc sống và tương lai đã được trả lại cho hắn.

Neumann nhanh chóng gặp lại Adolf. Anh ngồi xuống không nói một lời. Một sức mạnh duy nhất truyền qua người họ. Họ biết rằng mình đang hạnh phúc.

Những người bị thương trong đêm đang được chuyển đến.

Những người lành lặn giúp những người liệt bại. Hai người tải thương khiêng đến một đống thịt đang rên rỉ trên cáng.

- Tiêm, người y tá hét lên hãi hùng.

Bác sĩ tiến lại gần và thoáng chững lại trước cảnh tượng ghê rợn. Ông ta quay mặt đi, cầm tay người đàn ông bị thương và tiêm thuốc giảm đau. Adolf và Neumann tiến lại gần. Mặt người lính ấy đã bị lột da. Anh ta không còn mắt, không còn mũi, không còn miệng. Ấy thế mà anh vẫn còn sống. Trong cái đống thịt bầy nhầy, máu chảy ròng ròng, vẫn còn một cái miệng muốn nói, một cái cằm động đậy theo thói quen, một chàng trai tìm cách gọi đồng đội, nhưng từ cái đống thịt tơi tả ấy chỉ còn phát ra một mớ âm thanh hỗn độn, rời rạc.

- Nhìn tay kìa, Adolf nói.

Người lính ấy đeo một cái nhẫn bạc ở ngón đeo nhẫn. Đó chính là Bernstein.