Nửa kia của Hitler - Chương 24

Hắn bước sang một chiếc bàn. Rồi từ bàn bước lên bục phát biểu. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một vài người tưởng hắn là một tay bồi bàn kỳ quặc; một vài người khác, khi nhìn thấy huân chương Thập tự sắt trên chiếc áo vest đen của hắn, lại ngỡ đó là một cựu chiến binh đang sắp buộc họ phải chịu trận ngồi nghe câu chuyện của anh ta trong chiến tranh; vài người khác đã nhận ra tay quấy rối thuộc phe cực hữu.

Hitler đứng thẳng trước đám đông, kiêu hãnh nhìn họ, cố gắng giảm bớt nhịp đập loạn xạ của tim mình rồi nói như hét bằng cái giọng khàn khàn của mình, xúc động đến nỗi suýt bị hụt hơi:

- Cách mạng quốc gia đã bùng nổ.

Hắn đợi một phản ứng. Hắn nhận ra rằng cử tọa, đang sững sờ, không hiểu hắn đang nói đến cái gì. Điều đó làm hắn nổi đóa.

- Hiện nay, có sáu trăm tay súng đang phong tỏa chỗ này, không ai được phép ra ngoài.

Hắn nhìn thấy vẻ sợ hãi trên khuôn mặt một số người. Điều đó làm hắn vững tâm.

- Hãy nhìn xem! Khẩu liên thanh ở hành lang lầu một sẽ làm quý vị từ bỏ mọi hành động chống cự vô ích.

Hắn mỉm cười với Gôring, đứng giữa một toán SA, đang chĩa súng vào cử tọa. Một người đàn bà lăn ra ngất. Người ta bắt đầu xem những cái hắn nói là nghiêm túc.

- Tôi tuyên bố giải tán chính phủ xứ Bavaria. Và tôi tuyên bố giải tán Đế chế. Kể từ giờ phút này chúng tôi sẽ thành lập một chính phủ lâm thời. Tôi thông báo với các vị là hiện nay chúng tôi đã kiểm soát các đơn vị quân đội và cảnh sát, thành viên các đơn vị này đã tự phát đi theo lá cờ chữ thập ngoặc.

Hắn quay về phía các thành viên chính phủ.

- Bây giờ, xin mời các vị sang phòng bên để phân công nhiệm vụ. Cảm ơn.

Hắn để gã điển trai Gôring diễn thuyết với đám đông đang hoang mang.

Nhốt mình trong phòng với bộ ba lãnh đạo chính phủ, Hitler đề nghị họ chấp thuận những điểm sau: Kahr, người mà hắn đã cắt lời, được bổ nhiệm làm Nhiếp chính xứ Bavaria, hai người kia, Lossow và Seisser, sẽ có quyền lực ở cấp quốc gia, Lossow sẽ là bộ trưởng Quốc phòng và người kia, Seisser, sẽ là bộ trưởng Công an; điều kiện cho tất cả những cái đó là họ đề cử Hitler làm ứng cử viên chức Thủ tướng Đức.

- Cần phải vượt sông Rubicon(22),_ thưa các ngài. Tôi biết bước đi này không dễ với những người làm chính trị hơi quá tính toán và không đủ quyết tâm hành động như các ngài. Nhưng chúng tôi sẽ giúp các ngài vượt sông. Chúng tôi thậm chí có thể đẩy các ngài nếu các ngài dùng dằng không nhảy xuống.

- Nếu tôi hiểu đúng, ông yêu cầu chúng tôi đồng lõa với cuộc đảo chính của ông? Kahr nói.

- Chính xác. Hoặc là đồng lõa hoặc là nạn nhân của tôi. Các ngài không thấy đó là một sự chọn lựa thực sự hay sao?

- Thế ai sẽ lãnh đạo quân đội Bavaria?

- Ludendorff(23).

- Ông ấy... đứng về phía ông sao?

- Ông ấy sẽ làm thế. Chúng tôi đã đi tìm ông ấy.

- Nếu Ludendorff đồng ý, chúng tôi sẽ đồng ý.

Khi đó, người ta dẫn vị tướng già đến, anh hùng trong chiến tranh, được dân chúng yêu quý, người cánh hữu, ông cũng ngạc nhiên không kém ba vị lãnh đạo chính phủ bang. Cuối cùng ông cũng chấp nhận, kéo theo sự đồng thuận của ba người kia. Hitler nói rõ:

- Tôi cảnh báo các ngài phải trung thành với tôi. Tôi có bốn viên đạn trong súng, mỗi người một viên nếu các ngài phản tôi, và viên cuối cùng dành cho tôi. Các ngài cần phải đấu tranh cùng tôi, chiến thắng cùng tôi. Nếu không thì chết cùng tôi.

Hắn đi vào phòng lớn để giải thích cho công chúng việc gì sẽ đến, cái mà nước Đức sẽ có được trong cuộc cách mạng quốc gia này. Không rõ là nhờ sự đe dọa từ những khẩu súng liên thanh, sự có mặt đông đảo của đám SA hay nhờ vào tài hùng biện của Hitler mà cử tọa trở mặt như chong chóng và quay sang hò hét hào hứng, tung khăn mùi soa và mũ lên trời chúc mừng thủ tướng tương lai.

Rõ ràng, cuộc cách mạng đã khởi đầu thuận lợi.

Trong lúc ấy, Rudolf Hess, với sự trợ giúp của vài thành viên SA đã bắt giữ những thành viên khác của chính phủ mà Hitler không hoan nghênh. Rôhm khẳng định với hắn rằng nhìn chung lực lượng cảnh sát ủng hộ quân đảo chính.

Hitler vui sướng cực điểm. Hắn tưới đẫm đoạn kết bài diễn văn của mình với những giọt nước mắt thực sự.

- Giờ đây, tôi sẽ hoàn thành điều mà tôi đã thề với chính mình cách đây năm năm, năm 1918, khi tôi đang mù lòa tàn tật trong quân y viện: hạ gục những tên tội phạm làm ra cuộc đình chiến và bằng cách nào đó, từ đống đổ nát thương tâm của Tổ quốc chúng ta, nước Đức hùng mạnh, tự do và rạng rỡ sẽ đứng dậy. Amen.

- Amen, cử tọa đáp lại.

Sau đó, Hitler đi đến Munich để thị sát tình hình đảo chính trong các doanh trại.

Quá nửa đêm, Hitler quay về căn phòng nhỏ và xúc động về chính mình. Hắn đưa mắt nhìn quanh. Khung cảnh đạm bạc, một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, năm mười quyển vở và hắn lấy làm mừng vì đã thanh bạch như thế. Đó chắc chắn là cái đã giúp hắn thành công.

Năm giờ sáng, người ta đánh thức Hitler dậy để thông báo tin bộ ba lãnh đạo Kahr, Lossow, Seisser đã phản bội hắn. Chính ba người này đã cử đại tá Leupold đến thông báo với Hitler.

- Tướng von Kahr, tướng von Lossow, đại tá von Seisser lên án vụ đảo chính của Hitler. Những cam kết có được bằng sức ép vũ lực tại nhà hàng Bürgerbru không có giá trị.

Hắn phải mất hơn mười phút mới tin nổi thông báo ấy: hắn đã tính đến tất cả các phương án, trừ việc người ta phản bội hắn.

Hitler đến gặp ông già Ludendorff và những người mưu phản thuộc đảng Quốc xã. Họ phẫn nộ. Họ quyết định giữ nguyên cuộc diễu hành như dự kiến. Như thế họ sẽ có được sự ủng hộ của dân chúng. Họ sẽ làm các đối thủ phải kinh sợ.

- Hãy tuần hành! Ludendorff hét lên. Chưa biết ai được ai thua đâu.

Hitler chấp nhận vì nghĩ rằng cả quân đội và cảnh sát đều sẽ không dám bắn vào ông già Ludendorff. Hắn hứa sẽ bước cạnh ông ta và yêu cầu tất cả những người diễu hành bước đi, tay khoác vào nhau.

Đi sau hai người cầm cờ là Hitler, Ludendorff, Scheubner-Richter, Gôring, tiếp đến là các thành viên SA xếp hàng dọc. Đến quảng trường Marie, họ đượcđám đông tán thưởng nhiệt liệt. Hitler lấy lại hi vọng. Việc tiếp tục tiến bước gặp nhiều khó khăn hơn. Hàng rào cảnh sát đã ngăn cản họ vào trung tâm thành phố.

Một tiếng súng vang lên.

Từ đâu? Từ phía họ? Từ phía cảnh sát?

Súng nổ liên hồi. Cuộc chiến bắt đầu.

Scheubner-Richter bị tử thương ngã xuống. Ông ta kéo Hitler ngã theo.

Viên vệ sĩ nằm đè lên Hitler để bảo vệ hắn khỏi những viên đạn sắp găm vào đùi Gôring. Tiếng rú. CảLudendorff cũng nằm bẹp xuống đất. Tiếng kêu. Hỗn loạn. Đạn bắn. Những cú đánh. Bỏ chạy.

Hitler lê được đến tận ô tô nơi bác sĩ Schultz chăm sóc cho hắn.

- Ngài chỉ bị sai khớp vai và đầu gối thôi.

Hắn cho xe nổ máy. Chạy trốn. Để cuộc chiến lại sau lưng. Đến trú ẩn tại một biệt thự rộng lớn ở Uffing. Giam mình trong một căn phòng.

Không, hắn không phải là kẻ hèn nhát. Không, hắn đã không bỏ chạy. Hắn đến để tự tử đấy chứ. Bằng chứng ư? Hắn đang cầm trong tay một khẩu súng lục.

Hắn tiến đến gần một cái gương lớn hoen lỗ chỗ và nhìn mình, người bó trong một chiếc áo măng tô, chiếc mũ nhung ụp trên đầu, trông kỳ quặc với bộ ria mà hắn không bao giờ biết phải tỉa như thế nào. Lịch sử sẽ kết thúc ở đây.

Rienzi... Hắn nghĩ đến vở opera đã nâng hắn lên ở Viên, tới cảnh tự tử của Rienzi trên quảng trường Capitole rực lửa. Cuộc đời dữ dội và đúng đắn của hắn kết thúc như số phận của người anh hùng ấy. Hắn sẽ đứng thẳng mà chết. Hắn sẽ tự giết mình.

Hắn nhìn mình từ dưới lên trên. Cảnh tượng chẳng hề giống với cái hắn hình dung. Hắn hầu như không nghe thấy tiếng vĩ cầm. Hắn không chắc là tiếng vỗ tay sẽ òa ra từ công chúng. Thực chất, hắn nhớ Wagner và không chắc mình đang ở vị trí của ông ấy.

Chợt một tia tỉnh táo lóe lên trong đầu hắn: hắn không chết vì chủ nghĩa anh hùng mà chết để thoát khỏi lời đàm tiếu; hắn chỉ là một thằng hề thảm hại, kẻ đã cướp chính quyền khi chưa chuẩn bị kỹ kế hoạch của mình. Người ta sẽ cười vào mặt hắn và người ta có lý để làm như thế.

Mắt hắn nhòe đi.

Khẩu súng tuột khỏi tay. Theo phản xạ, hắn nhảy sang một bên; nhưng không có tiếng súng nào vang lên, khẩu súng rơi êm xuống tấm thảm có diềm. Hitler kịp nhìn thấy bóng mình nhảy lên sợ hãi trong gương và điều đó chấm dứt việc hắn tự đánh giá thấp mình. Hắn ngỡ mình đang ở trong một vở opera của Wagner, hắn đang nhại lại Offenbach.

Hắn nhặt súng lên và kề vào thái dương. Hắn phải chấm dứt nỗi đau không thể chịu đựng được này: hắn không yêu mình nữa. Ngón trỏ của hắn vuốt ve cò súng bằng thép với một cảm giác được giải thoát. Hắn bóp cò trong trí tưởng tượng của mình, chưa gì đã khoan khoái vì được hưởng sự an nghỉ thiên thu. Mọi thứ trở nên dễ dàng làm sao...

Nhưng một ý nghĩ đã ngăn hắn lại và đẩy lui khẩu súng: hắn tự tử để thoát khỏi nỗi ô nhục. Hắn thiếu dũng cảm. Hắn sẽ rời bỏ thế giới này mà chưa cứu được nước Đức vì đã thối chí sau thất bại đầu tiên. Hắn chỉ là một Đấng cứu thế tập sự.

Hắn đặt khẩu súng lên bàn ngủ và quyết định đợi cảnh sát đến: hắn sẽ chỉ tự tử mãi sau này khi cuộc đời đã đạt tới tột đỉnh vinh quang.

*

* *

- Mười một giờ rưỡi, dù có chuyện gì đi nữa, sáng hay chưa sáng, em đều tỉnh giấc.

Nàng nhảy xuống giường và Adolf H. chìa cho nàng một bát trà bột rễ diếp xoăn để nàng ghé mặt vào sưởi ấm.

Giờ đây hắn đã biết nguồn gốc biệt danh của nàng: ngày nào cũng vậy, Mười-một-giờ-rưỡi tỉnh giấc vào mười một giờ rưỡi. Sớm hơn, nàng không thể dậy. Muộn hơn, nàng không thể chịu nổi.

Adolf không đủ khả năng tài chính để vẽ dưới ánh sáng nhân tạo nên tiếp tục sáng sáng dứt mình ra khỏi chăn ấm và làm việc khi Mười-một-giờ-rưỡi còn ngủ. Những hôm đầu, hắn còn rón rén đi lại như một tên trộm, như một người lạ trong căn nhà của chính mình, cố gắng không gây ra tiếng động nào dù là nhỏ nhất; nhưng, do thiếu cẩn thận, hắn làm rơi mấy cây cọ, làm đổ giá vẽ, hắn chửi thề, thế rồi hắn phát hiện ra rằng không gì có thể kéo Mười-một-giờ-rưỡi khỏi những bến bờ tuyệt diệu nơi nàng đang vùng vẫy. Hơn thế nữa, khi nàng kể lại với hắn những chuyện đó, hắn nhận thấy rằng những giấc mơ của nàng, những người canh gác trung thành cho giấc ngủ của nàng, đã bảo vệ nàng khỏi thức giấc khi đưa những nhiễu loạn về âm thanh ấy vào trong câu chuyện của chúng. Adolf biết rằng từ nay hắn có thể đi lại thoải mái mà không sợ làm ảnh hưởng tới nàng.

Để thoát khỏi sức ép của công việc nặng nhọc, hắn thường tiến đến gần nàng và nhìn nàng ngủ. Nàng đang ở đâu khi cơ thể nàng nghỉ ngơi, cuộn vào trong chăn gối, cặp má biến mất trong cái gối lông chim êm ái kia? Nàng đang tham gia vào cuộc phiêu lưu kỳ thú nào? Chẳng phải mặt nàng đang phác một nụ cười đó sao? Chẳng phải vừa có một thoáng tà dâm vừa chạy qua môi nàng ư? Đúng, nàng cười. Cười với ai? Về cái gì? Nhiều lần, hắn muốn đánh thức nàng dậy, đấy, ngay lúc ấy, lay nàng dậy để nàng kể hắn nghe nội dung những giấc mơ của nàng, để tát cạn chúng khỏi tâm trí nàng.Em có đang bên tôi không? Có phải em đang bên ai đó? Em trốn đi với ai trong giấc ngủ của mình?Nhưng chừng ấy lần, khuôn mặt của nàng lại trở nên nhẵn nhụi, da thịt đầy đặn nhưng vô hồn, tỏa sáng sự trẻ trung hoàn toàn vật chất. Những lúc ấy, Adolf thấy lòng mình se lại. Nàng sẽ già đi ư? Đúng, nhưng già thế nào? Làm thế nào mà sắc da này, một thứ ánh sáng thuần khiết, lại có thể mờ nhạt đi? Một sắc đẹp hiển hiện đến thế bị tháng năm hủy hoại chẳng phải là một tai họa hay sao? Viện lấy quyền gì? Khi hắn không còn e sợ những người tình tưởng tượng, hắn thấy lo lắng trước đối thủ khó chơi nhất - thời gian, kẻ sẽ cướp đi Mười-một-giờ-rưỡi mà hắn yêu. Và ở đó, không còn là sự ghen tuông mà là sự tuyệt vọng, nó làm hắn muốn gọi nàng dậy để siết chặt lấy nàng vào người hắn và nói: “Anh yêu em”.

Hắn nói chuyện với Mười-một-giờ-rưỡi say ngủ nhiều hơn là với Mười-một-giờ-rưỡi thức. Những khi không nằm trong tầm mắt nàng, hắn cảm nhận những tình cảm thuần khiết nhất và thầm lặng gửi tới nàng những tình cảm ấy. Tự do, không phải chịu sức ép, thoát khỏi sự chế nhạo, không phải sợ những lời châm chọc chết người hoặc những câu nói đùa mà cứ hễ có dịp là nàng tuôn ra, hắn thể hiện niềm vui, sự gắn bó, sự ái mộ của mình, nỗi sợ hãi bị nàng phản bội, sự hoảng sợ mà hắn nhận thấy mỗi khi nàng để ý tới một người đàn ông khác, mong muốn cao độ được giữ nàng làm tù binh trong tình yêu của hắn, sự chắc chắn rằng mình sẽ không thiết sống nếu nàng không còn đó nữa. Buổi sáng trôi qua như vậy, giữa những đường cọ vẽ và những lời khen có cánh, lặng lẽ gửi đến người đẹp say ngủ.

Khoảng mười một giờ mười, một bên mắt mở ra một cách máy móc. Một cái đồng tử đen, sợ sệt, ngạc nhiên, bồng bềnh vô định trong làn nước trắng của nhãn cầu, cố gắng phân tích và tập trung vào những cái nhìn thấy. Khi con ngươi đặt vào Adolf, có một ánh sáng lóe lên nhưng không trụ được lâu trước sức nặng của mí mắt. Tất cả các cố gắng sau đó đều thất bại. Đành rằng con mắt cử động ngày càng nhiều nhưng mí mắt xử sự như một kẻ thù của nó và kéo tấm ri đô sắt sập xuống.

Khoảng mười một giờ hai mươi, đôi môi mọng lên vì tinh chất của những giấc mơ khe khẽ động đậy và Adolf có thể nói chuyện ít nhiều với Mười-một-giờ-rưỡi bằng vài từ rời rạc, như thể người ta nói chuyện với một đứa bé mười tám tháng tuổi. Hắn thích thấy nàng mộc mạc như thế lúc vừa ngủ dậy, nó hé lộ một sự dịu dàng mà nàng tìm cách che giấu nhiều hơn khi đã tỉnh; hắn thích bắt gặp nàng cởi bỏ tất cả các sắc thái tình cảm, như khi nàng tắm, trước khi khoác bộ áo ngôn ngữ mỉa mai, nhạo báng lên mình.

- Sắp mười một giờ rưỡi rồi con chim bé bỏng ơi.

- E iết.

Hai âm này có nghĩa là “em biết”, nhưng trước mười một rưỡi, Mười-một-giờ-rưỡi không bao giờ phát âm các phụ âm.

Cuối cùng giờ khắc ấy cũng đến và lúc đó, dù chuông có reo hay không, người đàn bà trẻ ấy vẫn nhỏm dậy, thư thái, nóng lòng được bắt đầu ngày mới.

Adolf đã kiểm tra nhiều lần tính chính xác của thời điểm nàng tỉnh dậy. Hắn đã giấu đồng hồ đi, vặn nhanh lên, chậm đi, không có tác dụng gì: theo đúng cái đồng hồ trong cơ thể, Mười-một-giờ-rưỡi tỉnh giấc vào mười một giờ rưỡi đúng.

- Thật đáng kinh ngạc, em chẳng bao giờ dậy sai giờ.

- Thế tại sao anh lại muốn điều đó? Người ta luôn luôn giả định rằng những người thức dậy muộn không có chút khái niệm nào về giờ giấc... điều đó chẳng quan hệ gì với nhau.

Để đùa, Adolf thường ôm nàng vào giờ khắc định mệnh ấy và ghì nàng vào người mình để ru nàng ngủ. Chẳng có tác dụng gì. Nàng chống trả. Trườn mình ra khỏi hắn.

Nàng ghét nằm lại trên giường sau cái phút ấy.

- Buông em ra, anh sẽ làm hỏng ngày hôm nay của em mất. Một ngày bắt đầu từ mười hai giờ trưa là một ngày vứt đi.

Nàng có những nguyên tắc chỉ của riêng mình nhưng nàng tôn trọng chúng một cách nghiêm ngặt.

- Làm như thế em có cảm giác mình là một ả giang hồ, một đứa chả ra gì, một thứ bỏ đi, một cục thịt. Vả lại, em cần phải làm việc nữa.

Nàng vẽ trên quạt giấy.

Chỉ sử dụng các màu cơ bản, nàng vẽ đầy trên mặt lụa những mô típ hình học - các tia, hình bán nguyệt, hình tròn, hình thoi và hình vuông - mà nàng chủ ý xử lý phá cách. Tác phẩm cuối cùng có màu rực rỡ, bắt mắt, mới mẻ và Mười-một-giờ-rưỡi bán chúng còn chạy hơn Adolf bán các bức tranh của mình.

- Bình thường thôi mà, chàng Boche của em, ít ra thì cái quạt còn dùng vào được việc gì đấy.

Với cửa hàng nho nhỏ của mình, nàng còn kiếm được nhiều tiền hơn Adolf, nhưng nàng làm tất cả để hắn quên điều đó đi và không lấy đó làm hổ thẹn.

- Em bán được vì em làm việc cho những kẻ đua đòi.

- Đua đòi?

- Đua đòi là những kẻ lười nhác không biết suy nghĩ hay đưa ra chính kiến. Để những kẻ đua đòi không ngồi rỗi người ta nghĩ ra thời trang, cái gọi là đời mới nhất, hàng mốt mới. Em ấy à, em làm những cái quạt hiện đại.

- Hiện đại?

- Chứ còn gì nữa! Hiện đại. Cái mà người ta chưa từng thấy trước đó! Hoặc không nhìn thấy đã lâu. Chính vì thế người ta tin rằng nó thuộc về thời đại của chúng ta.

- Chính thế. Như nghệ thuật của người da đen chẳng hạn. Picasso và những người khác đã làm cho người ta tin rằng đó là cái mới trong khi nó đã tồn tại hàng bao thế kỷ nay.

- Vậy đó. Còn em, em làm quạt lập thể. Những đứa con gái ngu ngốc, muốn khác mẹ mình, khác bà mình và bà hàng xóm của mình sẽ mua quạt lập thể của em.

- Đừng phê phán mình nhiều quá. Quạt em làm rất đẹp.

- Em không nói là quạt em làm xấu. Em giải thích cho anh tại sao người ta mua quạt của em.

Adolf vẫn chưa tạo dựng được chút tên tuổi nào trong giới nghệ thuật.

Từ khi đến Paris, bằng tranh vẽ của mình, có tháng hắn sống được có tháng sống lay lắt. Hắn thường xuyên phải trả tiền bữa ăn của mình bằng tranh vẽ hoặc hình vẽ - khi người ta chấp nhận - và hắn có thể chịu được sự nghiệt ngã này vào thời gian đầu là bởi hắn nghĩ rằng đó chỉ là chuyện tình thế, với hắn, chuyện này trở nên không thể tha thứ được từ khi hắn thấy những họa sĩ khác thành công, tức là từ khi hắn thấy mình thất bại.

- Anh không phải là một họa sĩ bỏ đi mà là một họa sĩ bị nguyền rủa, Mười-một-giờ-rưỡi nói với hắn.

- Ừa, có gì khác nhau?

- Hãy xem trường hợp của cái ông người Ý điển trai tuyệt vời ấy, cái nhà ông Mobidi gì đó.

- Modigliani.

- Đấy. Ông ta chết trong nghèo khó nhưng bây giờ tranh của ông ta quý như vàng.

- Thế thì ích gì?

- Em sẽ là một bà góa giàu có.

- Không, anh thích nổi tiếng khi còn sống hơn là tên tuổi được lưu truyền hậu thế... và anh còn muốn sống. Sống sung sướng. Cuối cùng cũng được như thế. Picasso đã trở thành triệu phú, Derain đi xe Bugatti, Man Ray đi xe Voisin, Picabia đi Delage và Kisling đi xe do Mỹ sản xuất.

- Coi nào, chàng Boche của em, có những tay già hơn anh, Picasso chẳng hạn, ông ta...

- Tám năm khác biệt! Chỉ tám năm thôi! Liệu điều đó có quan trọng không?

- Tám năm nữa có thể anh sẽ giàu. Coi nào, chàng Boche của em, anh không có quyền chán nản.

Adolf đau khổ vì sống trong nghèo khó nhưng nỗi đau ấy, thể hiện ra được, tầm thường, hiểu được, với hắn là cách để bộc lộ một nỗi đau khác, sâu thẳm hơn mà hắn giữ riêng cho mình: hắn nghi ngờ tài năng của mình.

Vẽ những tác phẩm mà mình không nhất thiết phải thích, đó chính là cái nghiệp của những người cầm cọ. Người nghệ sĩ luôn thích cái mình đang làm chứ không phải cái mình đã làm. Đứng ở vị trí diễn viên hơn là khán giả, anh ta không được chỉ định để tận hưởng kết quả làm ra. Hiếm khi một người ca sĩ thích giọng hát của chính mình, không bao giờ một nhà văn lại đọc tác phẩm của mình, cái chính yếu còn lại là người thứ nhất thì thích hát và người thứ hai thích viết. Về điểm này, Adolf không lo ngại gì vì hắn biết rõ rằng hắn sẽ không bao giờ đánh giá cao tranh vẽ của mình. Nhưng, nghiêm trọng hơn, hắn nghi ngờ rằng đó chỉ là những thứ phỉnh phờ. Bức tranh độc đáo thực sự đầu tiên, hắn đã vẽ nên một cách tình cờ, giữa sự bực bội, bải hoải và hưng phấn. Lẽ ra hắn đã hủy tác phẩm ấy một cách nhanh chóng nếu Neumann đã không mê mẩn nó. Trong khi đó, chưa bao giờ Adolf thấy Neumann sai khi nói về tranh của người khác. Tại sao không tin anh ấy thêm một lần này nữa? Để bóp nghẹt sự bi quan của mình, hắn đã cân nhắc tất cả sự tin tưởng mang tính phê phán của mình đối với Neumann. Hắn đã đặt số phận của mình vào sự đánh giá của người khác.

Thiếu thốn vật chất, giới buôn tranh lạnh nhạt, người yêu tranh hờ hững, tất cả những cái đó giờ đây càng mài sắc lưỡi dao nghi ngờ trong hắn. Hắn đã nhầm chăng? Hắn cảm thấy mình chẳng hợp thời mấy. Hắn biết rõ rằng, trong sâu thẳm, hắn chẳng giống một chút nào các họa sĩ ở Montparnasse mà hắn quen: chủ nghĩa lập thể đối với hắn dường như là một ngõ cụt, cả trường phái dã thú nữa, trừu tượng còn tệ hơn thế nữa; Hắn ghét cay ghét đắng cái dấu ấn hoang dã, đậm đặc, dày cộp mà thế kỷ này đã biến thành mốt; hắn khinh bỉ việc làm biến dạng các đường nét - kỹ thuật “ghi chú bên lề” - đang xâm chiếm hình họa nhằm làm cho nó hiện đại hơn. Hắn tiếp tục đến Louvre, ngưỡng mộ Ingres, David và thậm chí là cả Winterhalter; hắn yêu thích những bức tranh hoàn chỉnh, không nhìn thấy nét cọ, không còn thấy hành động của họa sĩ trong bức họa; hắn chỉ đánh giá cao các giá trị truyền thống và trong sâu thẳm, gần như bí mật, hắn tôn trọng các tác phẩm của các họa sĩ kinh viện vốn bị ghét bỏ và chỉ trích nặng nề, những người vẫn bị gọi là “đám khoa trương” với lý do là họ không bao giờ bỏ sót một tia phản chiếu, một ánh sáng lóe lên hay một đường gân nổi trên những chiếc mũ mà họ dùng để phục trang cho các nhân vật trong thần thoại La Mã. Điêu luyện làm sao! Hắn chẳng tôn thờ gì ngoài sự điêu luyện, trong khi đó, hội họa hiện đại tôn vinh sự táo bạo, hành động đoạn tuyệt, trò diễn của những thứ chẳng ra gì.

- Chú ý! Có khách!

Mười-một-giờ-rưỡi đã nghe thấy tín hiệu của bà gác cổng mỗi khi nhà có khách. Bà Salomon đã gõ một tiếng vào cái ống nước. Nếu bà tiếp tục gõ hai tiếng nữa, khách sẽ là một người mua; ba tiếng là nhân viên tòa án, bốn tiếng là cảnh sát.

Hai tiếng gõ vang lên trong ống nước. Mười-một-giờ-rưỡi ra mở cửa khi nghe tiếng chân nặng nề vang lên trong cầu thang.

- Slawomir! Bất ngờ quá!

Cao, to, béo như mỡ tảng, nhà buôn tranh Slawomir đưa tay lên quệt mồ hôi, không trả lời Mười-một-giờ-rưỡi vì ông ta có thói quen không cần biết đến sự có mặt của người tình của các nghệ sĩ của mình, hoặc là vì họ bị thay quá nhiều không nhớ nổi tên, hoặc vì nếu họ có ở lại thì cũng sẽ kêu ca với ông ta về sự nghèo khó không thể chấp nhận được của người tình của họ.

- Adolf, cậu cần phải cứu tôi. Có một vị khách quan tâm đến cậu.

- Thế thì sao? Cứ bán cho ông ấy tranh của tôi.

- Ông ta say mê tác phẩm của cậu!

- Ông ngạc nhiên vì điều ấy hả? Hãy bán thật đắt vào!

- Đúng, chắc rồi, nhưng ông ta cũng muốn gặp cậu.

Adolf nhăn mặt vì hắn có những cảm nhận trái ngược đối với những người mua tranh của mình: hắn biết ơn họ vì đã đánh giá cao hắn đồng thời cũng giận vì họ trả rẻ thế và đặc biệt vì đã mang đi các tác phẩm mà hắn còn muốn giữ lại với mình.

- Ôi Adolf, đừng có thế một lần nữa, đừng có trái tính trái nết như bà mẹ vợ thế đi.

Đó là cách Slawomir gọi phản ứng của các họa sĩ xem các tác phẩm bị bán đi của mình là một cô con gái bị cậu con rể cướp mất.

- Nào, mời ông ngồi, ông Slawomir-người-không-thể-nhớ-nổi-tên-tôi-từ-mười-tám-tháng-nay, Mười-một-giờ-rưỡi nói và kéo một chiếc ghế lại phía Slawomir.

Slawomir nhìn nàng kinh ngạc như thể ông ta ngạc nhiên vì nàng biết nói rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế duy nhất trong xưởng.

- Ông ta thật tuyệt vời, cái nhà ông Slawo này, Mười-một-giờ-rưỡi rúc rích cười. Tuần thì tóc hung, tuần thì hói, tuần để ria tròn quanh miệng, tuần cắt tóc dựng bàn chải. Một sự tưởng tượng về râu tóc mới phong phú làm sao! Một nghệ sĩ râu tóc! Thật không thể hình dung nổi, cứ như ông đã cưới một cô thợ làm đầu vậy...

Như thường lệ, Slawomir làm bộ như không nghe thấy gì và quay lại phía Adolf.

- Tôi đã đi xuyên qua cả Paris còn khách hàng thì đang đợi, cậu nhanh lên đi.

Đối với Slawomir, “cả Paris” có nghĩa là “tám trăm mét”, nhưng với thân hình đồ sộ của ông, tám trăm mét là cả một hành trình dài.

- Không, tôi không đi đâu cả, tôi làm việc. Ai có việc của người ấy.

- Tôi xin cậu đấy...

- Không. Tôi vẽ. Ông bán.

- Van cậu!

- Không...

Đó là một trận đấu cốt tử giữa hai người đàn ông: bằng sự từ chối của mình, Adolf đang giải thích với Slawomir rằng hắn là một họa sĩ giỏi còn ông ta là một chủ gallery tồi.

Mười-một-giờ-rưỡi chen vào:

- Đi đi, chàng Boche của em. Anh biết rõ là Slawomir là một nhà buôn giỏi mua hơn bán mà.