Nửa kia của Hitler - Chương 29

Đầu tiên hắn làm cho người ta trông ngóng mình.

Hắn đưa ra một cuộc hẹn. Lúc nào cũng rất xa trong tương lai. Lúc nào cũng không chắc chắn. Để mình trở nên quý giá, hắn cho loan tin rằng trọng trách của hắn nhiều đến nỗi hắn buộc phải hủy cuộc hẹn. Đây là điều bịa đặt, nhưng ai biết được? Do đó, Hitler không còn là người đợi đám đông, mà chính đám đông đợi Hitler. Đám đông hi vọng.

Đến ngày hẹn, hắn lập kịch bản cho sự xuất hiện của mình. Hắn yêu cầu rằng nơi tập hợp, dù là ở đâu, phải mất đi cái dáng vẻ thường thấy của mình; cờ xí, băng rôn, những hàng ghế, hàng núi bục, kệ, loa phóng thanh, đèn chiếu đã tước đi cái vẻ thường nhật của nơi ấy; đám đông đợi trong một khung cảnh đã được biến đổi, tô điểm, trang hoàng rực rỡ. Sau đó, hắn bắt đám đông đợi. Hắn tổ chức chi tiết việc xuất hiện muộn của mình. Hắn tính toán cụ thể thời gian cần thiết để một đám đông trở nên căng thẳng, sốt ruột mà không nổi giận hay cảm thấy bị xúc phạm. Khi đó, hắn biết nhanh nhẹn đi vào và nhảy phóc lên diễn đàn như một giải pháp cho tình trạng căng thẳng ấy.

Hắn hành động nhanh gọn. Động tác chuẩn xác, gọn ghẽ. Hắn biết phải gây bất ngờ bằng vẻ cương quyết của mình. Đám đông chỉ biết đến hắn qua những hình vẽ, bức ảnh, chậm và im lìm, được thực hiện nhờ người bạn Hoffmann của hắn, những hình ảnh trong đó hắn trông quý phái và ưu tư. Giờ đây, trong vòng vài giây, hắn phải thể hiện những phẩm chất ngược lại. Chính nhờ phương pháp ấy mà người ta trở nên cuốn hút, với phương pháp ấy mà người ta trở thành một ngôi sao. Hắn biết điều đó, hắn đã nghiên cứu cách làm của các minh tinh màn bạc. Chỉ có sự đồng hiện của những thái cực đối lập trong cùng một con người mới có thể duy trì được sự hâm mộ của đám đông. Greta Garbo đã thống trị cả thế giới nhờ vào vẻ đẹp kiêu sa, nhã nhặn, ngang như một bức tượng cổ đại kinh điển, hoàn toàn trái ngược với những cử chỉ lóng ngóng của một người đàn bà quá cao, xấu hổ vì quá nổi bật, bước chân như một diễn viên múa vụng về chỉ chực ngã, cái nhìn xúc động vì quá nhạy cảm, cái gáy như con chim trúng thương. Hitler cũng vận hành trong những vùng tương phản như thế: sau khi phát tán hình ảnh của một nhà tiên tri bình thản, mắt màu xanh da trời, bề ngoài uể oải, ngơ ngác trong những mộng tưởng thánh thần của mình, hắn sẽ cho quần chúng thấy hắn, bằng xương bằng thịt, với một năng lượng sắc bén, xung kích, điêu luyện, hừng hực, tạo cảm giác có một sức mạnh vô hình ngự trị trong hắn mà chính hắn cũng không kiểm soát nổi.

Hắn ở đó. Hắn đối diện với đám đông. Đây mới chỉ là vòng bầu cử sơ bộ.

Đám đông là một người đàn bà; đàn bà thì cần phải có thời gian để hưng phấn; Hitler là một người tình vĩ đại vì hắn còn chậm chạp hơn cả nàng. Ngay từ đầu, hắn đưa ra những lý lẽ, những ý tưởng, nhưng chỉ một chút thôi. Hắn thủng thẳng. Hắn kìm giữ. Hắn muốn tạo ra niềm ham muốn trong đám đông. Hắn muốn nàng mở ra. Hắn để dành những con bài tấn công của mình cho sau này. Tuy nhiên, khi người hắn đã nóng lên, hắn sẽ mạnh mẽ, căng cứng, tràn trề bất tận.

Trong tình yêu, người ta gọi đó là ông vua chăn gối; trong chính trị, người ta gọi đó là kẻ mị dân. Bí mật của sự thành công đó là chỉ chú tâm đến khoái cảm của bạn tình.

Hitler bắt đầu làm đám đông run lên. Nàng vỗ tay. Nàng muốn tham gia. Hắn khích động nàng, để mặc nàng làm cái nàng muốn, giữ nàng lại, dán môi mình vào môi nàng để nàng không kêu được. Hắn nhấp nhấp, rút ra, bỏ chiếc giẻ bịt miệng ra: nàng cực sướng.

Hắn lại tấn công. Nàng ngạc nhiên. Gì cơ? Lại nữa ngay ư?

Hắn tiến hành. Hắn mời gọi. Nàng theo hắn. Nàng rên lên. Hắn lại tiếp tục.

Nàng rên lên. Hắn thay đổi nhịp. Nàng vừa rên lên sung sướng vừa than thở. Hắn tăng tốc. Trái tim đê mê. Nàng sướng.

Hắn tiếp tục lần mới ngay lập tức. Không. Nàng không chịu được nữa. Nàng đã bị chinh phục. Nàng đã hiểu. Không ai tốt hơn thế. Đúng đấy. Hắn cố nài và kỳ lạ thay, nàng lại tiếp tục với hắn. Bây giờ, ý chí của nàng đã bị đánh gục, nàng thuộc về hắn, hắn là ông chủ của nàng, hắn muốn làm gì nàng tùy ý. Hắn là hiện tại, tương lai của nàng vì hắn đã trở thành kỷ niệm đẹp nhất của nàng rồi.

Nàng sướng nữa, lại nữa, lại nữa.

Bây giờ, nàng không còn phân biệt được lần nào sự cực khoái đạt đến đỉnh cao hơn, nàng buông thả hoàn toàn. Nàng liên tục gào rú.

Và trong khi hắn cày nàng, nàng hứa với hắn tất cả những gì hắn muốn. Vâng. Với anh. Không làm gì mà không có anh nữa. Không bao giờ.

Đột nhiên hắn rút ra và bỏ đi.

Nàng đột ngột đau.

Âm nhạc nổi lên song song với nỗi đau ấy. Để tĩnh trí lại, đám đông cất tiếng hát. Nàng hạ xuống thế giới bình thường.

Đúng, hứa rồi đấy. Hắn sẽ quay trở lại.

Hitler đã rút về ẩn trong xe của mình. Sau đó, hắn nhảy lên một chiếc máy bay để đến một thành phố khác ngay lúc đó đã ngóng đợi hắn rồi.

Hắn làm đám đông sướng nhưng hắn không sướng.

Hắn khinh bỉ nó vì đã sướng dễ dàng đến thế trong khi hắn không sướng.

Và trong sự khinh bỉ, hắn cảm thấy mình vượt trội.

Và trong sự khinh bỉ này, hắn giữ lấy quyền lực.

Và trong sự thất vọng của mình, hắn tìm thấy sức mạnh để lại tiếp tục chỉ một giờ sau đó.

*

* *

Buổi sáng nhợt nhạt trên đại lộ Bois.

Từ cửa sổ nhà mình, Adolf H. dõi theo đám lục sự trong sân đang tới lui một cách ác độc và im lặng; họ mang đi tất cả những vết tích của quãng thời gian hạnh phúc của hắn với Mười-một-giờ-rưỡi.

“Miễn là em giữ được đến...”

Từ năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế đã tàn phá thị trường nghệ thuật, người mua đã biến đi đâu cả, phần lớn là vì họ đã phá sản, những người thoát nạn thì cũng đi tìm những chỗ đầu tư an toàn hơn hội họa hiện đại, tuy nhiên, một số ít tỷ phú, những người không bao giờ hề hấn gì và hoàn toàn có thể tiêu pha không phải nghĩ ngợi, lại đợi tình trạng lạm phát và giá tranh giảm hơn nữa. Adolf không bán được tranh nữa, không còn được chuộng nữa, nhưng vẫn phải trang trải nợ nần.

“Miễn là em giữ được...”

Adolf không muốn Mười-một biết chuyện gia cảnh đang sa sút. Vì nàng không còn đủ sức để ra khỏi giường, hắn đã làm được chuyện giữ nguyên ảo ảnh về mức sống của họ; nàng không hề biết rằng sau cánh cửa kia là ngôi nhà không còn chút đồ đạc nào và trong đám gia nhân, chỉ còn một bà phục vụ quá gắn bó với Mười-một nên không bỏ đi ngay cả khi chưa được trả công từ ba tháng nay. Ngay cả những bức vẽ chưa hoàn thành trong xưởng cũng bị mang đi sáng nay.

- Các ông lấy tranh chưa vẽ xong để làm gì? Adolf bực tức kêu lên với viên lục sự.

- Để bán theo giá toan; ai đó khác vẫn có thể vẽ đè lên trên ấy, luật sư Plissu trả lời với giọng nói êm dịu của mình giống như đang nhấm nháp từng từ như một cái kẹo.

Adolf thậm chí không còn sức để nổi cáu nữa. Phản đối ư? Để làm gì? Thế giới đầy rẫy bất công, ta đã biết vậy. Và thực ra, còn có nhiều điều nghiêm trọng hơn thế. Trong hắn giờ chỉ còn chỗ cho nỗi buồn. Hắn nghĩ tới cái thân thể nhỏ bé ngày xưa tràn trề sinh lực là thế, nay đang tắt dần trong căn phòng bên cạnh.

- Tôi có thể nói với ông một câu không?

Adolf giật nảy mình.

Ông bác sĩ Toubon đang đứng ở cuối căn phòng trống trơn và lạnh cóng.

Bác sĩ Toubon, luật sư Plissu, thầy thuốc, lục sự, tất cả những nhân vật chính thức mà lại đổi lẫn cho nhau được, những con hải cẩu béo đẫy màu đen với bộ ria mép thể hiện sự trang nghiêm và giọng nói êm ái trơn tru, với âm sắc trái ngược biết bao với những tai họa mà họ thông báo. Kín đáo. Lịch sự. Hãi hùng. Từ vài tuần nay, không cảm xúc và chỉn chu như nhà đòn, họ lui tới giật khỏi tay Adolf từng miếng, từng miếng của những gì hắn trân trọng nhất, cuộc sống của hắn với Mười-một, hi vọng về một cuộc sống với nàng...

- Tôi đến để thông báo với ông rằng vợ ông chỉ còn sống được vài tiếng nữa.

- Không!

- Ông H., tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm và tình cảm sâu nặng của ông trong thử thách này. Vì tôn trọng cách đối xử ấy của ông, tôi có nghĩa vụ phải nói sự thực với ông. Bà nhà gần như không còn thở được nữa; bà sẽ không qua khỏi ngày hôm nay.

Adolf thả đầu cho đập vào cửa kính. Thế đấy, hắn đã nghe thấy câu nói mà hắn e sợ từ mấy tháng nay, câu nói mà hắn đã đấu tranh với nó, câu nói mà hắn đã huy động năng lượng và tình yêu để chống lại. Tất cả đã bị phá hủy. Không gì trong số đó có tác dụng. Hết rồi. Đến thời điểm, đến giờ của mình, cái chết vẫn cứ đến.

- Ông H. à, ông cần phải coi rằng, với bà nhà đây thực sự là một sự giải thoát.

Tội nghiệp Mười-một bé nhỏ kiên cường đến thế, hồn nhiên đến thế, nàng đã yếu đi mà không hề than thở, sống nốt những giờ cuối cùng của đời mình trước bức tranh, bức duy nhất mà đám lục sự không lấy đi, Chân dung ngoại cỡ của nàng.

Adolf cảm thấy nỗi buồn sắp vỡ òa bèn bỏ đi chỗ khác. Trong cầu thang, hắn gặp Neumann đến chia sẻ với hắn như mọi ngày.

- Neumann, cô ấy chỉ còn sống được có vài giờ thôi. Đến phòng cô ấy đi. Còn tớ, tớ có việc gấp phải làm.

- Nhưng cậu đi đâu mới được?

- Tớ phải đi đến đấy.

- Adolf! Quay lại đi!

- Một việc gấp. Cho cô ấy.

Adolf chạy trên vỉa hè xám xịt. Gió lạnh buốt không ngăn được nước mắt hắn. Hắn cảm thấy quá nhiều sự sống, quá nhiều sức mạnh trong mình, cái gì đó bất tận và vô ích mà hắn muốn trao cho Mười-một.

Đến phố Desbordes-Valmore, hắn lao vào số nhà 12 và chạy lên tầng. Hắn hốt hoảng nhấn chuông nhiều lần, không để cho chiếc chuông kịp hồi lại.

Cuối cùng, Lars Ekstrôm, khoác áo ngủ, cũng mở cửa. Anh ta lùi lại vì sợ khi nhìn thấy Adolf trên thềm nghỉ cầu thang nhưng Adolf đã nắm lấy tay anh ta và van vỉ.

- Hãy đi với tôi. Mười-một sắp chết. Tôi mong rằng anh cũng ở bên giường cô ấy.

- Nhưng...

- Không, tôi không giận anh. Cô ấy đã yêu anh. Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời mà cô ấy có hai người đàn ông đã đầu gối tay ấp với cô ấy bên mình thì thật tốt biết bao.

- Nhưng...

Adolf nhìn đôi chân đẹp và biến dạng vì tập luyện cực khổ của diễn viên múa. “Tay này mới ngu dốt làm sao, hắn nghĩ khi nhìn thấy chân anh ta... nhưng không quan trọng. Mười-một yêu anh ta.”

Một thanh niên trẻ, trần truồng, quấn khăn tắm xốp quanh hông, đến áp vào lưng Lars Ekstrôm và hỏi giọng ngái ngủ:

- Chuyện gì vậy?

- Không có gì, anh diễn viên múa nói, đây là chồng của một cô bạn. Quay vào giường ngủ đi.

Chàng thanh niên kia biến mất.

- Ông nhầm rồi, Lars Ekstrôm nói, tôi chưa bao giờ là tình nhân của vợ ông. Bà ấy đã yêu cầu tôi làm ông tưởng như thế để...

- Để?

- Để làm ông ghen.

Adolf đổ lưng vào bức tường. Hắn ngạt thở. Không, không thế được. Không thế hai lần được. Trong đời mình, Mười-một đã hai lần nói dối. Làm hắn tưởng rằng nàng đã có nhiều tình nhân để Adolf không e ngại cho trinh tiết của nàng. Rồi làm hắn tin rằng nàng ngoại tình để hắn thức tỉnh khỏi sự thờ ơ của mình. Vậy ra... hắn là người duy nhất? Người đàn ông duy nhất trong đời nàng? Mười-một...

- Ông không ổn à? Ông có muốn uống gì không? Mời ông vào nhà ...

Adolf lao xuống cầu thang và chạy như tên bắn. Mười-một... hắn không được bỏ phí một phút nào. Từ giờ, hắn đã thấy sợ nàng. Mười-một. Chừng ấy tình yêu từ thuở đầu. Thủy chung nhường ấy... Chừng ấy... Không, người ta không có quyền tước bỏ của nàng điều ấy.

Hắn lao vào căn phòng tối và nằm sõng soài lên giường, hôn điên dại lên đôi bàn tay bé nhỏ âm ẩm của nàng.

- Mười-một... tình yêu bé nhỏ của anh...

- Thế nào, anh đã ở đâu thế, chàng Boche của em? Em đang lo.

- Anh... Lars vừa cho anh biết là...

- Thôi bỏ đi. Sưởi ấm em đi.

Hắn ghì Mười-một vào lòng mình; người nàng nhẹ bỗng, hắn không thấy cảm giác nào trong số những cảm giác mà hắn đã có biết bao lần khi ôm nàng. Nàng thì ngược lại, cọ vào người hắn như một người đàn bà đang yêu, thích thú cái thân thể mà nàng rất đỗi yêu thương này.

- Chúng ta đã vui vẻ bên nhau, phải không?

- Em nói gì vậy? Tại sao em bảo “đã”?

- Thôi đi. Em biết mà.

Nàng ho và nhắc lại, không chú ý đến câu cắt ngang của hắn.

- Chúng ta đã vui vẻ bên nhau, phải không?

Bị cảm xúc tàn phá tâm trí, Adolf khó khăn lắm mới nói được rành mạch:

- Ừ. Chúng ta đã vui vẻ bên nhau.

Hắn không dám nhìn nàng nữa, hắn không dám siết nàng quá mạnh vào người mình, hắn sợ làm nàng vỡ vụn ra.

- Chàng Boche của em, cần phải nghĩ đến tương lai. Một người như em, anh không tìm được nữa đâu.

- Mười-một... em im đi!

- Em sẽ im khi nào em muốn! Nàng nói, không còn đủ sức lực để nổi cáu rồi bật ho suốt nhiều phút.

Trong bóng tối nhờ nhờ, Adolf, ôm trọn thân hình bé nhỏ đang rung lên ấy trong vòng tay mình, sợ rằng sợi chỉ cuộc sống sẽ đứt đoạn bất cứ lúc nào.

- Đừng bực tức nữa, Mười-một, nói với anh điều mà em muốn nói đi.

Khó nhọc lắm Mười-một mới lấy lại được hơi thở. Mắt lồi ra.

- Thế đấy. Em không muốn anh buông xuôi mọi việc. Anh phải vẽ, anh phải sống.

- Sống thế nào chứ? Không thể sống không có em.

- Nhìn về phía sau giường đi.

Adolf không hiểu. Mười-một nài nỉ, giọng thều thào đứt quãng:

- Thả em xuống và nhìn về phía sau giường.

Neumann vặn cây đèn ngủ to lên. Adolf lướt mắt qua đầu giường treo những tấm ri đô to nặng và nhìn thấy Sarah Rubinstein đứng dựa vào bức tường màu xanh da trời, nàng nhợt nhạt, lo lắng, rối bời.

- Sarah ư?

- Sau em, cô ấy là người tốt nhất mà anh có thể gặp, Mười-một nói. Em đã mời cô ấy đến vì chuyện đó. Đương nhiên, cô ấy không đồng ý nhưng anh cứ tỏ ra dễ thương một chút là được. Em nhờ cả vào anh đấy.

Adolf tiến lại gần Sarah, người mà hắn chưa từng gặp lại kể từ khi họ chia tay. Nàng ngoảnh mặt về phía tia ánh sáng nhỏ mảnh lọt qua mành cửa đã được khép lại.

Nàng thì thầm giọng không âm sắc:

- Mười-một đã liên hệ lại với em ngay khi biết mình bị bệnh. Em đã đến đây nhiều lần khi anh không ở nhà.Em...

Sarah ép mình nhìn vào Adolf. Mắt nàng, khi lướt qua phía giường, chợt ánh lên tia hoảng sợ.

Adolf quay đầu lại.

Đã quá muộn. Mười-một đã chết.

*

* *

Hitler thắng cử. Hắn trở thành thủ tướng mới của Đức.

Họa sĩ bất đắc chí, kẻ lang thang xưa kia, gã lính không tài nào lên lon được, kẻ phản loạn trong nhà hàng bia, kẻ đảo chính nực cười, người tình còn tân của đám đông, tay người Áo trở thành người Đức nhờ thủ thuật hành chính đã đứng đầu một trong những nước giàu có và văn hóa phát triển nhất châu Âu.

Hắn đã kêu to đến mức một số người đã nghe thấy hắn. Họ đã bầu cho hắn.

Hắn đã kêu to đến mức một số người thấy hắn thật lố bịch. Họ đã để hắn điều khiển.

Tuy thế, cả trăm lần, ngàn lần, hắn đã công bố những ý tưởng ma quỷ của mình: tiêu diệt dân Do Thái, tận diệt những người cộng sản, trả thù nước Pháp, mở rộng biên giới về phía Đông rồi phía Tây... Hắn đã luôn luôn nói rằng chiến tranh là một quyền, rằng chiến tranh là cần thiết. Chưa từng có ai chơi một cuộc chơi hung tợn và rõ ràng đến thế. Chưa từng có ai dùng thù hận làm cương lĩnh chính trị duy nhất của mình. Người ta thấy hắn nói có sức thuyết phục. Người ta thấy hắn lố bịch. Nhưng gần như không ai thấy hắn là người nguy hiểm. Làm thế nào mà người ta có thể điếc đến thế? Hitler không phải là kẻ nói dối. Hắn nói thẳng những sự thật nhơ nhuốc. Và chính điều đó đã che chở cho hắn. Vì người ta đã quen phán xét con người qua hành động chứ không phải lời nói của anh ta. Họ biết rằng giữa ý định và việc thực hiện nó còn thiếu một mắt xích: quyền lực để hành động. Vậy mà, cái quyền lực ấy, họ vừa trao cho Hitler. Có thể họ cho rằng việc lãnh đạo đất nước sẽ làm kẻ cực đoan trở nên ôn hòa, như vẫn thường xảy ra như thế? Rằng Hitler sẽ bình tĩnh lại khi học quy luật nghiệt ngã của thực tế?

Họ không biết rằng mình đã không chỉ định một nhà chính trị mà là một nghệ sĩ. Có nghĩa là cái đối lập hoàn toàn. Một nghệ sĩ không cúi mình trước hiện thực, anh ta sáng tạo nên hiện thực. Đó là vì nghệ sĩ ghét thực tế và chính vì phẫn chí mà anh ta sáng tạo. Thông thường, những người nghệ sĩ không chấp thuận nhận lấy quyền lực: họ đã thi hành nó từ trước, bằng cách dung hòa cái tưởng tượng với cái thực trong tác phẩm của mình. Còn hắn, Hitler, hắn chấp nhận quyền lực bởi hắn là một nghệ sĩ bỏ đi. Hắn đã lẩm nhẩm từ mười năm nay: “Chúng ta sẽ chiếm quyền lực một cách hợp pháp. Sau đó...“

Sau đó, quyền lực chính là hắn.

Cùng lúc ấy, có một người đã mất ngủ. Khi ngỡ đã hành động để làm tròn bổn phận nghề nghiệp của mình, ông ta đã gây ra một thảm họa. Làm thế nào mà khi ấy ông ta có thể dự đoán được điều đó?

Bác sĩ Forster đã lo lắng theo dõi đường thăng tiến trên chính trường của anh giao liên Hitler, bệnh nhân của ông ta ở Pasewalk năm 1918, người mà ông đã chữa khỏi bệnh mù vì hysteria khi thuyết phục anh ta rằng Chúa đã trao cho anh ta nhiệm vụ cứu nước Đức. Ông ta những tưởng mình đã chữa khỏi bệnh cho con người ấy bằng phương pháp thôi miên, thế nhưng lại tiêm nhiễm cho hắn một căn bệnh. Giờ đây, con người này đã đứng đầu đất nước, bác sĩ Forster kết luận rằng nghĩa vụ của mình là phải nói, ngay cả khi phải vi phạm bí mật nghề nghiệp. Ông thông báo trong một buổi dạy ở trường đại học Greifswald rằng Hitler là một người bị loạn thần kinh đã được điều trị bằng ám thị và thôi miên và rằng ông sẽ công bố hồ sơ bệnh lý tâm thần của hắn.

Gestapo đã phản ứng không chần chừ. Bác sĩ Forster ngay lập tức bị thôi việc vì chứng tâm thần không ổn định. Cùm xích bằng cách bịt miệng.

Bác sĩ Forster bỏ trốn sang Thụy Sĩ và bị mật vụ Đức truy đuổi. Ông chỉ kịp gửi vào một két sắt ở Basel những tấm phiếu bệnh lý tâm thần được viết bằng một loại mật mã, và báo cho một vài người bạn mà không nói rõ là ở nhà băng nào, trước khi người ta tìm thấy xác ông trong phòng khách sạn của mình, tự tử bằng một viên đạn bắn vào đầu.

Mười lăm giờ hai chín

Cuối cùng đời hắn cũng trở thành một vở opera. Trong khung cảnh bề thế của Dinh quốc trưởng, mỗi ngày của Hitler diễn ra theo một kịch bản được căn chỉnh kỹ càng, tham gia vào đó có dàn hợp xướng - một đám đông được Bộ tuyên truyền tuyển chọn và gửi đến, dàn nhạc - những viên chức của Đế chế, từ ông bộ trưởng cho đến anh phụ bếp, các vai phụ - Goebbels, Gôring, Hess, Himmler, Speer, tất cả đều được sắp đặt xung quanh tiếng hát của ca sĩ giọng ténor: Hitler. Không một nốt phô, không lẫn tạp âm, không chơi nhạc ngoại lai. Nghệ sĩ solo duy nhất có quyền ngẫu hứng là Hitler. Trên thực tế, Hitler không bỏ lỡ cơ hội nổi những cơn lôi đình làm rung tường trong dinh, khiến thủ hạ chết điếng, làm các ý tưởng trả thù phải chùn lại và đại sứ các nước sững sờ vì chưa bao giờ thấy một nguyên thủ quốc gia xử sự theo cảm hứng đến thế. Chỉ có một điều làm nó khác với một tác phẩm của Wagner: không có vai nữ. Hitler không chấp nhận chia sẻ vị trí ngôi sao trong vở diễn. Cuộc đời hắn là một vở opera toàn nam. Nước Đức là một vở opera toàn nam.

Vào mười một giờ sáng, người hầu phòng đến gõ cửa phòng, đặt báo chí và những thông điệp quan trọng trước cửa.

Hitler đau đớn tỉnh giấc khi phải khó nhọc giằng mình khỏi sự hư vô. Hắn kiểm tra ngay lập tức trong gương xem mình có đúng là Hitler không. Trong ánh sáng nhờ nhờ màu xanh lục, tấm gương mạ crôm chỉ cho hắn một hình ảnh tương đối.

- Ôi... càng ngày trông mình càng tệ.

Hắn thoáng thấy một khuôn mặt lờn lợt, phì nộn, bù xù, lằn vết ga giường, một thân hình suy kiệt, béo phị, nhẽo nhợt. Trông hắn giống một cái ao. Hắn lại thấy mình như bùn trong ao. Vả lại, hắn cũng bốc mùi giống thế. Trong đêm, thiên nhiên đến trả thù, nó cướp mất hắn của hắn, nó ngăn hắn được là Hitler, nó trả hắn về trạng thái người. Công việc của một người đánh bùn. Nó lợi dụng lúc hắn ngủ để xóa đi những đường nét trên khuôn mặt hắn, làm da hắn phồng lên, mắt hắn vằn máu, những cơn đau dạ dày nặng hơn, làm hắn thối rữa bởi những giấc mơ rời rạc. Ngày nào cũng phải bất đắc dĩ chịu đựng một thất bại như thế thật đáng khiếp sợ.

Hitler tỉnh dậy mệt mỏi thay vì sảng khoái, phần của hắn trong hắn ít hơn tối hôm trước, khác xa với những bức ảnh đẹp nhất của hắn, gần một cách khủng khiếp với hình ảnh người cha quá cố, người mà hắn hận đến tận xương tủy. Hắn nhìn kẻ xa lạ này mỗi sáng và tự nói với mình:

- Ta có một tiếng nữa.

Hắn có một tiếng để nặn ra ngài Hitler. Đọc thư xong hắn đã bắt đầu hình thành một chút; sau đó, đọc các bài báo nói về mình làm tăng cảm giác hắn là người quan trọng. Khi đó, hắn bước sang phòng tắm nơi người hầu phòng đã vặn đầy nước vào bồn trước khi kín đáo rút lui. Không ai nhìn thấy Hitler trần truồng. Ngay chính hắn cũng vậy. Hắn tránh nhìn cảnh này bằng cách nhắm hờ mắt khi bước vào bồn tắm. “Không có ai là vĩ nhân đối với người hầu phòng của mình.” Ai đã nói câu đó nhỉ? Talleyrand nói về Napoléon? Hay Chateaubriand nói nhỉ? Không quan trọng. Hitler thường nhếch mép cười mỗi khi nhắc lại câu này vì hắn, hắn có thể huênh hoang rằng mình vẫn còn là một vĩ nhân ngay cả đối với người hầu phòng của mình. Karl chưa bao giờ bắt gặp hắn trong một tư thế khó coi. Cạo râu. Chải tóc. Mặc quần áo. Sau một giờ, sai lầm đã được sửa chữa: chất bùn đã biến đi, hắn đã tái tạo lại mình, hắn lại giống Hitler.

Hắn đã có thể rời nhà riêng để đi gặp các trợ thủ, nghe chính phủ điểm báo và xác nhận các cuộc hẹn với chủ nhiệm Văn phòng Quốc trưởng. Ở đó, hắn nói chuyện say sưa quên hết mọi thứ trên đời với một trong những người đối thoại trong khi đi dạo trong vườn kính, cố tình lùi bữa ăn trưa muộn lại. Có bao giờ người quan trọng lại đến ăn đúng giờ không? Khi đã quá giờ nửa tiếng, một tiếng, thậm chí là một tiếng rưỡi hôm nào hắn khỏe, cuối cùng hắn cũng bước chân vào phòng ăn.

Hắn ngự trên ghế, quay lưng về phía cửa sổ để người đối thoại hơi bị chói khi nhìn về phía mình. Hắn lèo lái sao cho cuộc nói chuyện luôn luôn xoay quanh những vấn đề của thế giới vì các chủ đề chung là lĩnh vực trong đó hắn có thể tỏ ra xuất sắc trong khi bao giờ cũng có một chuyên gia giỏi hơn hắn khi đề cập đến những chủ đề cụ thể. Phải cố gắng lắm hắn mới buộc được mình lắng nghe những người khách mời nói chuyện và đặt vài ba câu hỏi cho họ. Dù cảm thấy mình siêu việt hơn những người khác, hắn cho rằng mình phải có nghĩa vụ xóa bỏ khoảng cách này bằng cách cúi xuống phía những kẻ người trần mắt thịt như một người cha cúi xuống đàn con. Thi thoảng, để làm họ vui lòng, để họ thấy hắn tha thứ cho họ vì đã tầm thường đến thế và để họ được hưởng một chút hơi hướm thiên tài, hắn tung ra một bài độc thoại chói lòa ý tưởng. Hắn tiếc là mình đã không mở miệng sớm hơn vì thậm chí sau một giờ đồng hồ nói liên tục, hắn cảm thấy ít mệt hơn mười phút trao đổi với bất kỳ ai. Thời gian hắn nói trôi qua với hắn mới nhanh làm sao nhưng lại cũng lâu làm sao với những người khác. Vì vậy, hắn tự nói chuyện một mình ngày càng thường xuyên hơn, thấy việc bộc lộ suy nghĩ của mình tuôn trào hơn, đỡ mệt mỏi hơn và nhất là đỡ nhàm chán hơn việc để tâm đến sự tầm thường của người khác.

Sau bữa ăn trưa, hắn tiếp các quan chức vài phút trong phòng nhạc rồi rút lui về phòng mình để nghỉ ngơi.

Hắn nghỉ vì sao?

Vì đã quá siêu việt. Hắn thấy mệt mỏi vì lúc nào mình cũng đúng. Điều đó càng làm hắn trở nên cô độc. Lại thêm một điều nghịch lý trong hắn: khi thật sự ở một mình, hắn cảm thấy ít cô độc hơn khi bên cạnh người khác. Việc say sưa trong chiếc phô tơi với ý nghĩ mình là thiên tài, với lòng tin vào số mệnh và ngắm mây trời còn dễ hơn nhiều ở giữa đám thủ hạ, những người mà hắn lại phải biến cảm giác ngây ngất ấy thành mệnh lệnh, thư từ, nghị định, chỉ thị. Như thế đã đủ rồi, nếu lại còn phải chứng minh những thứ ấy thì...