Truy tìm Dracula - Chương 27 phần 2

“ ‘Tôi có sách tiếng Anh,’ anh ta nói với cha kèm theo một nụ cười tươi tắn. ‘Không thành vấn đề.’ Gương mặt anh ta xương xương và biểu cảm, với đôi mắt to màu xanh lá và một chiếc mũi dài. ‘Còn có cả báo chí từ Luân Đôn, New York nữa.’ Cha cám ơn và hỏi anh ta có sách cổ không. ‘Có, rất cổ.’ Anh ta trao cho cha một bản in thế kỷ mười chín vở hài kịch Shakespeare Much Ado About Nothing - Quá nhiều công sức cho chuyện tầm phào - trông có vẻ rẻ tiền, vải bọc đã sờn rách. Cha băn khoăn tự hỏi không biết nó được lôi ra từ thư viện nào và đã trôi nổi qua cuộc hành trình nào - từ Manchester tư sản, ví dụ thế - đến giao lộ thế giới cổ xưa này. Tỏ vẻ lịch sự, cha lật xem chiếu lệ vài trang rồi trao cuốn sách lại cho anh ta. ‘Không được cổ lắm à?’ Anh ta cười hỏi.

“Helen vẫn nhìn qua vai cha, nhưng giờ đã chĩa ánh mắt vào đồng hồ đeo tay. Cuối cùng thì thậm chí chúng ta còn chưa kịp đến Hagia Sophia. ‘Vâng, mà giờ chúng tôi cũng có việc phải đi ngay,’ cha nói.

“Chàng thanh niên bán sách lịch sự cúi chào chúng ta, tay vẫn cầm cuốn sách. Cha nhìn anh ta đăm đăm một lát, bối rối bởi một cảm giác như sắp nhận ra anh ta quen quen đến nơi, nhưng anh ta đã quay sang một người khách khác, một ông lão - có thể là người thứ ba của nhóm chơi cờ. Helen thúc vào khuỷu tay cha, và chúng ta rời cửa hàng sách, chủ định đi vòng qua rìa khu chợ rồi trở lại hướng nhà trọ.

“Quán ăn nhỏ bé kia vẫn vắng tanh khi chúng ta bước vào, nhưng chỉ vài phút sau Turgut đã xuất hiện ở lối vào, mỉm cười gật đầu chào, lên tiếng hỏi thăm chúng ta có được ngon giấc không. Ông ta mặc vest len màu ô liu, dù trời nóng hầm hập, và hình như đang đầy ắp sự phấn khích dồn nén. Mái tóc quăn đen nhánh vuốt ngược ra sau, đôi giày láng cóng, ông sải bước dẫn chúng ta ra khỏi quán ngay. Cha nhận ra ông quả là một người giàu sinh lực và cảm thấy yên tâm khi có được một hướng dẫn viên như vậy. Cảm giác phấn khích cũng dần dâng lên trong cha. Mớ giấy tờ tài liệu của thầy Rossi vẫn nằm an toàn trong cặp xách, và có lẽ vài giờ nữa chúng sẽ đưa cha tiến một bước gần hơn đến nơi thầy Rossi đang ở. Ít nhất, cha cũng sắp được đối chiếu bản sao tài liệu của thầy với các bản gốc mà thầy đã xem xét nhiều năm trước đó.

“Khi chúng ta theo chân Turgut qua các đường phố, ông ta giải thích rằng kho lưu trữ của Quốc vương Mehmed không nằm trong tòa nhà chính của Thư viện Quốc gia, dù nó vẫn được nhà nước bảo vệ. Hiện tại, nó nằm trong một khu phụ của thư viện, nơi từng là một mendrese, một trường Hồi giáo truyền thống. Ataturk(2)_ đã đóng cửa các trường học này khi thực hiện chính sách thế tục hóa xã hội trên đất nước này, và nơi đây hiện lưu trữ các đầu sách hiếm và cổ xưa của Thư viện Quốc gia nói về lịch sử của đế chế Ottoman. Chúng ta sẽ tìm được bộ sưu tập của Quốc vương Mehmed trong số các bộ sách ra đời từ những thế kỷ khi đế quốc Ottoman đang bành trướng.

‘Khu vực phụ của thư viện quả là một tòa nhà nhỏ cực kỳ xinh đẹp. Từ ngoài đường, chúng ta bước vào đó qua những cánh cửa gỗ có tay nắm bằng đồng. Ánh nắng được lọc qua những mảng hoa văn chạm khắc từ đá cẩm thạch che phủ các cửa sổ thành những hình kỷ hà tinh tế, điểm trang cho nền nhà tối nhờ nhờ của lối vào bằng vô số hình ngôi sao và bát giác. Turgut chỉ cho Helen và cha nơi đăng ký, nằm tại một quầy ở lối vào (cha để ý thấy Helen đã nguệch ngoạc một chữ ký không thể đọc nổi), và đích thân ông ta ký tên bằng một nét chữ bay buớm.

“Sau đó chúng ta bước vào một phòng dành riêng cho các bộ sưu tập, một khoảng không gian rộng lớn yên tĩnh nằm dưới một mái vòm khảm hai màu xanh-trắng. Những chiếc bàn bóng láng chạy suốt chiều dài gian phòng, đã có ba hoặc bốn nhà nghiên cứu ngồi làm việc ở đó. Các bức tường không chỉ có kệ sách mà còn có các ngăn hộc và hộp gỗ, những chiếc chao đèn bằng đồng tinh xảo thật hợp với bóng điện treo lủng lẳng trên trần. Viên thủ thư, một người đàn ông mảnh khảnh khoảng độ năm mươi, mang một chuỗi tràng hạt ở cổ tay, ngừng công việc lại đến chào hỏi, bắt cả hai tay Turgut. Họ nói chuyện với nhau một lát - trong cuộc trò chuyện của họ, cha nghe Turgut nhắc đến tên trường đại học của cha tại Mỹ - sau đó người thủ thư mỉm cười cúi chào và nói gì đó với chúng ta bằng tiếng Thổ. ‘Đây là ông Erozan. Ông ấy chào mừng các bạn đến với phòng sưu tập.’ Turgut thông dịch lại cho chúng ta, trông hài lòng ra mặt. ‘Ông ấy sẵn lòng phục vụ các bạn dù có bị giết hại.’ Cha bất giác cảm thấy chựng lại, Helen thì nở một nụ cười ngờ nghệch. ‘Ông ấy sẽ mang các tài liệu của Quốc vương Mehmed về Giáo đoàn Rồng ra ngay cho các bạn. Nhưng trước tiên, chúng ta phải ngồi ở đây chờ ông ấy đã.’

“Chúng ta ngồi xuống một chiếc bàn, thận trọng cách xa vài nhà nghiên cứu kia. Họ thoáng nhìn chúng ta với vẻ tò mò rồi trở lại ngay với công việc của mình. Một lát sau, ông Erozan quay lại, mang theo một hộp gỗ lớn có khóa đằng trước và dòng chữ Ả-rập khắc trên nắp. ‘Câu đó nghĩa là gì?’ tôi hỏi vị giáo sư.

“ ‘À.’ Ông ta di đầu ngón tay lên nắp hộp theo dòng chữ. ‘Câu này có nghĩa, “Đây là cái ác” - ừm - “nơi đây chứa đựng cái ác. Hãy giam cầm nó lại bằng những bí quyết trong Kinh Koran thiêng liêng.” ’ Tim cha như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực; những câu này tương đồng đến kinh ngạc với những gì thầy Rossi ghi lại bên lề tấm bản đồ bí ẩn kia và đã buột miệng đọc to lên trong trung tâm lưu trữ cổ kính, nơi tấm bản đồ từng được cất giữ. Thầy Rossi đã không đề cập đến chiếc hộp này trong các lá thư, nhưng cũng có thể ông chưa từng trông thấy nó, nếu người thủ thư chỉ mang đến cho thầy những tài liệu chứa bên trong. Hoặc cũng có thể sau thời điểm thầy Rossi lưu trú ở đây các tài liệu đó mới được đặt vào hộp.

“ ‘Cái hộp này có từ bao giờ nhỉ?’ cha hỏi Turgut.

“Ông ta lắc đầu. ‘Tôi không biết, và ông bạn của tôi đây cũng vậy. Vì là hộp gỗ nên tôi nghĩ nó không có khả năng cùng tuổi với thời của Mehmed. Ông bạn tôi đã có lần bảo với tôi’ - ông ta mỉm cười nhìn về hướng Erozan, và ông thủ thư này cười lại dù chẳng hiểu chuyện gì - ‘là những tài liệu này được cất vào hộp này vào năm 1930, để giữ chúng được an toàn. Ông ấy biết điều đó vì đã trao đổi với viên thủ thư tiền nhiệm. Ông bạn tôi là người rất cẩn thận.’

“Vào năm 1930! Helen và tôi đưa mắt nhìn nhau. Có lẽ là khoảng thời gian thầy Rossi viết những lá thư đó - tháng Mười hai năm 1930 - cho bất kỳ ai có thể nhận chúng sau này, các tài liệu mà ông ấy nghiên cứu đã được đặt vào trong chiếc hộp này để giữ cho an toàn. Một chiếc hộp gỗ bình thường là đã có thể phòng ngừa chuột và ẩm mốc, nhưng điều gì khiến người thủ thư thời kỳ đó phải khóa các tài liệu về Giáo đoàn Rồng bên trong một chiếc hộp có khắc dòng chữ cảnh báo trầm trọng như vậy?

“Ông bạn thủ thư của Turgut rút ra một xâu chìa khóa, tra một chìa vào ổ. Cha gần như muốn bật cười, nhớ đến danh mục thẻ hiện đại ở trường nhà, có thể giúp truy cập hàng ngàn cuốn sách quý hiếm trong hệ thống thư viện của trường. Cha chưa bao giờ tưởng tượng phải dùng đến một cái chìa khóa cũ kỹ để tiến hành công việc nghiên cứu. Ổ khóa bật lên một tiếng tách. ‘Được rồi,’ Turgut thì thầm, và người thủ thư rút lui. Turgut cười với từng người chúng ta - những nụ cười buồn bã, cha nghĩ - và mở nắp hộp lên.”

Trong tàu, Barley vừa đọc xong hai lá thư đầu tiên của cha. Tôi cảm thấy nhói đau khi nhìn thấy những lá thư mở rộng trong đôi tay anh, nhưng tôi biết Barley sẽ tin vào tiếng nói có cơ sở của cha, dù chỉ tin phân nửa cái giọng điệu kém thuyết phục của tôi. “Anh đã từng đến Paris rồi chứ?” tôi lên tiếng hỏi, một phần để che giấu cảm xúc của mình.

“Chắc là rồi,” Barley đáp, giọng vẫn còn tức giận. “Anh đã học ở đó một năm trước khi vào đại học. Mẹ anh muốn anh giỏi tiếng Pháp hơn.” Tôi rất muốn hỏi về mẹ anh và lý do vì sao bà yêu cầu con trai mình phải đạt được một thành tựu thú vị như vậy, cũng như cảm giác khi có mẹ thì thế nào, nhưng Barley đã lại chúi mũi vào lá thư. “Cha em chắc hẳn là một giảng viên có tài,” anh ta trầm ngâm. “Những bức thư này thú vị hơn nhiều so với những gì bọn anh được học tại Oxford.”

Câu nói đó mở ra trước mắt tôi một lãnh địa khác. Các bài giảng tại Oxford nhàm chán lắm sao? Có thể như vậy được sao? Barley có nhiều thứ mà tôi muốn biết, một sứ giả từ thế giới rộng lớn đến nỗi hiện giờ tôi vẫn chưa thể hình dung. Lần này, dòng suy tưởng của tôi bị cắt ngang bởi một nhân viên của đoàn tàu vội vã đi dọc lối đi, băng qua trước cửa cabin của chúng tôi. “Bruxelles!” ông ta kêu lên. Tàu chạy chậm dần, vài phút sau, qua cửa sổ tàu chúng tôi nhìn thấy ga Brussels; các nhân viên hải quan bước lên tàu. Bên ngoài mọi người hối hả lên xuống tàu và lũ bồ câu đang mải mê săn tìm các mẩu thức ăn thừa rơi rớt trên sân ga.

Có thể vì thầm yêu mến loài bồ câu nên tôi đã nhìn chúng trong đám đông chăm chú đến nỗi chợt nhận ra một hình dáng đang đứng bất động. Một phụ nữ, cao, mặc một chiếc áo khoác đen dài, lặng lẽ đứng trên sân ga. Chiếc khăn đen choàng qua đầu, quấn quanh một gương mặt trắng toát. Khoảng cách khá xa để có thể nhìn rõ được nét mặt, nhưng tôi thoáng thấy cặp mắt đen, và một cái miệng đỏ choét dị thường - son môi màu chói, chắc thế. Có gì đó khác thường trong bộ quần áo đen kịt như một hình chiếu bóng của bà ta; giữa những chiếc váy ngắn và bốt cao gót thời thượng dị hợm, bà ta mang đôi giày cao gót mũi nhọn màu đen.

Nhưng đặc điểm trước tiên làm tôi chú ý đến bà ta, và cứ phải chú ý cho đến lúc đoàn tàu lại chuyển bánh, là thái độ cảnh giác của bà ta. Bà ta chăm chú quan sát đoàn tàu của chúng tôi, từ đầu đến cuối. Theo bản năng, tôi nép người ra sau, tránh khỏi cửa sổ, Barley liền nhìn tôi với ánh mắt thắc mắc. Rõ ràng người phụ nữ đó không nhìn thấy chúng tôi, dù bà ta đã bước một bước bâng quơ về hướng chúng tôi. Sau đó, có vẻ như bà ta thay đổi ý định, quay sang quan sát một đoàn tàu khác vừa đỗ lại ở bên kia boong ke. Một vẻ gì đó trong cái lưng thẳng đuột, cứng đơ của bà ta làm tôi cứ phải nhìn chăm chăm cho đến khi đoàn tàu ra khỏi nhà ga, và bà biến mất trong đám đông, tựa như chưa bao giờ hiện hữu.

Chú thích:

1. Các trò chơi kiểu đổ xúc xắc rồi di chuyển quân cờ trên một tấm bảng lớn (BT).

2. Ataturk (tên đầy đủ là Mustapha Kemal Ataturk (1881-1938): vị tổng thống đầu tiên (1923-1938) và cũng là người sáng lập nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ với chính sách thế tục hóa xã hội, giảm nhẹ ảnh hưởng của đạo Hồi.