Truy tìm Dracula - Chương 44 phần 1
Chương 44
“Cha rất xúc động khi cầm những lá thư của thầy Rossi trong tay, nhưng trước khi có thể suy nghĩ về chúng, cha còn có một nghĩa vụ phải hoàn thành. ‘Helen,’ cha quay sang nói với cô, ‘Tôi biết đôi lúc cô cảm thấy tôi không tin câu chuyện cô ra đời như thế nào. Cũng có những lúc tôi hồ nghi chuyện này. Xin cô thứ lỗi.’
“ ‘Tôi cũng ngạc nhiên như anh,’ Helen trầm giọng trả lời. ‘Mẹ tôi chưa bao giờ cho tôi biết bà có bất kỳ lá thư nào của ông Rossi. Nhưng chúng không phải là những lá thư viết cho bà, phải vậy không? Ít nhất là lá thư ở trên cùng.’
“ ‘Không,’ cha đáp. ‘Nhưng tôi nhận ra cái tên này. Ông ta là một sử gia xuất sắc người Anh - chuyên về thế kỷ mười tám. Hồi sinh viên tôi từng đọc một trong những cuốn sách của ông, và trong các lá thư thầy Rossi trao cho tôi, thầy cũng đã kể về ông ta.’
“Helen trông có vẻ bối rối. ‘Chuyện đó thì liên quan gì đến ông Rossi và mẹ tôi?’
“ ‘Tất cả mọi thứ đều có thể liên quan. Cô không nhận thấy sao? Ông ta hẳn phải là ông bạn Hedges của thầy Rossi - đó là cái tên mà thầy Rossi dùng để gọi ông ta, cô nhớ chứ? Thầy Rossi chắc hẳn đã viết cho ông ta từ Rumani, dù chúng ta chưa giải thích được vì sao mẹ cô có những lá thư này.’
“Mẹ Helen chắp tay ngồi nhìn chúng ta, hết người này đến người kia với một vẻ mặt rất nhẫn nại, nhưng cha nghĩ mình đã thoáng thấy nét đỏ bừng vì khích động trên gương mặt bà. Sau đó bà bắt đầu nói, Helen dịch lại cho cha nghe. ‘Bà nói bà sẽ kể hết với anh câu chuyện của bà.’ Giọng Helen xúc động, còn cha thì gần như nín thở.
“Đó là một quá trình không trôi chảy: người phụ nữ lớn tuổi nói chậm rãi, Helen làm nhiệm vụ thông dịch, thỉnh thoảng dừng lại để tỏ cho cha biết là cô cũng ngạc nhiên. Hình như Helen bị sốc vì từ trước đến nay cô chỉ biết câu chuyện một cách đại khái. Cha còn nhớ, khi về đến khách sạn, cha đã mất gần như suốt đêm hôm đó, bằng hết khả năng của mình ghi lại những điều được nghe kể theo trí nhớ. Tới thời điểm đó đã có nhiều sự kiện kỳ lạ xảy ra, và cha ắt hẳn đã rất mỏi mệt, nhưng cha nhớ mình vẫn ghi lại được câu chuyện đó với một sự tỉ mỉ đáng tự hào.
“ ‘Khi còn con gái, tôi sống trong làng P. nhỏ bé - thuộc vùng Transylvania, sát gần bên dòng sông Argeş. Tôi có nhiều anh chị em, phần đông họ hiện vẫn còn sinh sống tại khu vực đó. Cha tôi luôn nói rằng chúng tôi vốn thuộc dòng dõi các gia đình quý tộc xa xưa, nhưng tổ tiên chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn, nên tôi đã lớn lên mà không có giày để mang và chăn ấm để đắp. Đó là một vùng đất nghèo nàn, những người duy nhất khá giả ở đó là vài gia đình Hungary, sống trong các biệt thự đồ sộ phía hạ lưu sông. Cha tôi vốn vô cùng khắt khe, tất cả bọn tôi đều khiếp sợ chiếc roi da của cha. Mẹ tôi đau ốm luôn, từ nhỏ tôi đã phải làm việc quần quật trên những cánh đồng bên ngoài làng. Đôi lúc cha xứ mang đến cho chúng tôi thực phẩm hoặc những vật dụng cần thiết, nhưng thường chúng tôi vẫn phải tự lực xoay xở.
“ ‘Khi tôi được khoảng mười tám tuổi, một bà lão từ một làng nào đó trên vùng núi cao, phía thượng lưu dòng sông, đã đến làng chúng tôi. Bà là một vracă, một thầy lang, cũng là người có khả năng đặc biệt nhìn thấy được tương lai. Bà nói với cha tôi bà có một món quà dành cho ông và lũ trẻ, rằng bà đã nghe nói về gia đình chúng tôi và muốn trao cho ông một vật thần diệu, một vật lẽ ra phải thuộc về ông. Cha tôi là người nóng nảy, không muốn mất thời gian cho những bà già mê tín dị đoan, mặc dù chính ông cũng từng dùng tỏi chà lên tất cả các kẻ hở trong căn nhà nhỏ của chúng tôi - ống khói, khung cửa, lỗ khóa và cửa sổ - để trừ ma cà rồng. Ông thô bạo đuổi bà lão đi ngay, nói rằng chẳng có tiền để đổi lấy bất cứ thứ gì bà rao bán. Sau đó, lúc ra giếng làng để lấy nước, tôi thấy bà lão đứng đó và đã cho bà bánh mì nước uống. Bà chúc tôi may mắn, nói tôi tử tế hơn cha tôi và sẽ đền đáp sự rộng lượng của tôi. Sau đó bà lấy trong túi đeo lưng ra một đồng xu nhỏ, đặt vào tay tôi, căn dặn tôi phải giấu và cất giữ đồng xu an toàn, vì nó thuộc về gia đình chúng tôi. Bà còn cho biết đồng xu có xuất xứ từ một lâu đài phía trên vùng thượng lưu sông Argeş.
“ ‘Tôi biết mình nên đưa đồng xu đó cho cha, nhưng tôi không dám vì nghĩ rằng ông ấy sẽ nổi giận vì tôi đã dám trò chuyện với bà phù thủy già kia. Thay vì vậy, tôi đã giấu đồng xu vào góc giường nơi tôi và các chị em gái ngủ chung và không nói cho một ai biết chuyện này. Thỉnh thoảng khi tin chắc không có ai dòm ngó tôi mới lấy đồng xu ra. Tôi cầm nó trong tay và tự hỏi không hiểu bà lão kia có ý gì khi trao nó cho tôi. Một mặt đồng xu là hình một con vật kỳ lạ có chiếc đuôi uốn thành vòng, mặt kia là hình một con chim cùng với một thánh giá nhỏ.
“ ‘Một hai năm nữa trôi qua, tôi tiếp tục quần quật trên mảnh ruộng của cha và giúp mẹ làm việc nhà. Lúc nào cha cũng chìm trong thất vọng vì có quá nhiều con gái. Ông nói chúng tôi sẽ không bao giờ có chồng vì ông quá nghèo, không có gì cho chúng tôi làm của hồi môn, và chúng tôi sẽ luôn là rắc rối lớn của ông. Nhưng mẹ bảo mọi người trong làng đều cho rằng chúng tôi rất xinh đẹp, vì vậy sớm muộn gì cũng sẽ có người hỏi cưới bọn tôi làm vợ. Tôi cố gắng giữ gìn áo quần sạch sẽ và chải, bện tóc gọn gàng, hy vọng một ngày nào đó mình sẽ được lựa chọn. Vào những dịp lễ hội, tôi chẳng thích một ai trong số các anh chàng đến mời tôi khiêu vũ, nhưng tôi biết sớm muộn gì tôi cũng phải lấy một người trong số họ, để không còn là gánh nặng cho cha mẹ. Chị Éva của tôi đã đi Budapest từ lâu, cùng với gia đình Hungary mà chị giúp việc, thỉnh thoảng chị gửi về nhà ít tiền. Thậm chí, có lần chị ấy còn gửi cho tôi một đôi giày tốt, một đôi giày da kiểu dân thành phố mà tôi rất tự hào.
“ ‘Đó là hoàn cảnh cuộc sống của tôi lúc gặp giáo sư Rossi. Rất hiếm khi có người lạ đến làng chúng tôi, nhất là lại đến từ một nơi rất xa, nhưng một ngày kia mọi người rỉ tai nhau cho biết có một người đàn ông đến từ Bucharest đã vào quán rượu cùng một người đàn ông khác, từ một đất nước khác đến. Họ hỏi han nhiều về các ngôi làng nằm dọc dòng sông, và về tòa lâu đài đổ nát trên núi, phía thượng nguồn con sông, cách làng chúng tôi một ngày đi bộ. Người hàng xóm, người đã ghé qua cho chúng tôi biết chuyện này, còn thì thầm với cha điều gì đó khi cả hai ngồi ở chiếc ghế dài bên ngoài cửa ra vào. Cha tôi làm dấu thánh giá và khạc xuống đất. “Chuyện tào lao nhảm nhí,” ông nói. “Chẳng ai lại hỏi những câu như vậy cả. Chẳng khác nào mời Quỷ tới.”
“ ‘Nhưng tôi rất hiếu kỳ. Tôi lấy cớ ra ngoài lấy nước để có thể nghe ngóng thêm chuyện này, khi đến quảng trường làng, tôi nhìn thấy những vị khách lạ ngồi tại một trong hai chiếc bàn đặt bên ngoài quán rượu, đang trò chuyện với một ông lão lúc nào cũng có mặt ở đó. Một trong hai người khách lạ cao lớn và da màu sậm, giống như người Gypsy nhưng ăn mặc theo kiểu dân thành thị. Người kia mặc một chiếc áo khoác màu nâu kiểu tôi chưa từng thấy, ống quần rộng nhét vào đôi giày ống, đầu đội mũ rộng vành màu nâu. Đứng ở phía bên kia quảng trường, gần bên giếng nước, tôi không thể nhìn rõ được gương mặt của anh chàng người nước ngoài. Hai người trong số các bạn tôi muốn nhìn rõ hơn, thì thầm bảo tôi theo họ. Tôi miễn cưỡng bước theo, biết rằng cha sẽ chẳng tán thưởng việc này.
“ ‘Khi chúng tôi đi ngang qua quán rượu, người đàn ông ngoại quốc ngước mắt nhìn lên, tôi ngạc nhiên thấy anh trẻ và đẹp trai quá, bộ râu hoe vàng và đôi mắt xanh sáng ngời giống như những anh chàng trong làng người Đức ở nước chúng tôi. Anh hút tẩu và khẽ chuyện trò với người bạn đồng hành. Một túi xách loại vải bạt, có quai đeo đặt dưới đất bên cạnh anh, còn anh thì đang viết gì đó vào một cuốn sách bìa cứng. Có nét gì đó trên gương mặt anh làm tôi thấy có cảm tình ngay tức khắc - vừa lơ đãng, vừa dịu dàng nhưng vẫn tinh anh. Anh đưa tay lên chạm vào vành mũ chào chúng tôi rồi quay mặt nhìn sang nơi khác ngay, người đàn ông kia cũng đưa tay lên vành mũ, nhìn chúng tôi chằm chằm, sau đó họ quay sang chuyện trò tiếp với già Ivan và lại ghi chép. Người đàn ông hình như đang nói chuyện với già Ivan bằng tiếng Rumani, rồi quay lại nói với chàng thanh niên bằng một thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Tôi tiếp tục rảo bước cùng các bạn, không muốn chàng thanh niên xa lạ đẹp trai nghĩ rằng tôi sốt sắng hơn các bạn mình.
“ ‘Sáng hôm sau, cả làng đồn ầm là những người khách lạ đã cho tiền một chàng trai trẻ tại quán rượu, để anh ta dẫn họ đến tòa lâu đài đổ nát, có tên gọi là Poenari, ở vùng thượng lưu sông Argeş. Họ sẽ đi suốt đêm. Tôi nghe cha nói với một người bạn là họ đi tìm lâu đài của Hoàng thân Vlad - ông nhớ lại trước đó gã ngốc có gương mặt Gypsy kia cũng đã từng đến tìm tòa lâu đài. “Một thằng ngốc thì chả bao giờ khôn ra được,” ông bực tức nói. Tôi chưa từng nghe nhắc đến cái tên đó - Hoàng thân Vlad. Dân làng thường gọi tòa lâu đài đó là Poenari hoặc Arefu. Cha bảo anh chàng dẫn đường cho đám khách lạ ấy là một tên điên ham tiền mọn. Ông quả quyết chẳng có món tiền nào có thể buộc ông phải ngủ qua đêm ở đó, bởi đống phế tích kia đầy rẫy tà ma. Ông nói có lẽ người khách lạ đi tìm kho báu đó cũng đang làm một việc điên rồ vì số kho báu của vị hoàng thân kia đã được chôn giấu kỹ và phải chịu một lời nguyền ác độc. Ông nói, nếu bất kỳ ai tìm được kho báu và giải được lời nguyền thì ông phải có một phần, một số báu vật ở đó thuộc quyền sở hữu của ông. Rồi ông bỗng im bặt khi bắt gặp tôi và các chị em gái đang lắng nghe.
“ ‘Những gì cha nói làm tôi nhớ đến đồng xu nhỏ bé mà bà lão đã cho tôi dạo nào, tôi cảm thấy có lỗi vì đã sở hữu một vật mà lẽ ra phải trao lại cho cha. Nhưng đột nhiên một ý tưởng nổi loạn xuất hiện trong tôi, và tôi quyết định sẽ cố trao đồng xu lại cho anh chàng ngoại quốc đẹp trai kia, bởi anh ta đang đi tìm kho báu ở tòa lâu đài. Khi có cơ hội, tôi đã lấy đồng xu ra khỏi nơi cất giữ, giấu nó vào một chiếc khăn tay, buộc chặt vào tấm tạp dề.
“ ‘Hai ngày sau đó, người khách lạ không xuất hiện, nhưng rồi tôi lại nhìn thấy anh ngồi một mình tại chiếc bàn ấy, trông rất mỏi mệt, áo quần dơ bẩn và sờn rách. Bạn bè tôi cho biết, ngày hôm đó tên Gypsy dân thành thị kia đã rời đi, chỉ còn lại một mình người khách ngoại quốc. Không ai biết vì sao anh muốn nán lại. Anh đã bỏ mũ ra, tôi nhìn thấy mái tóc bù xù màu nâu sáng. Vài người đàn ông khác đang cùng ngồi uống rượu với anh. Tôi không dám đến gần, hoặc bắt chuyện với người khách lạ vì quanh anh toàn là đàn ông, vì vậy tôi dừng lại trò chuyện với một người bạn một lát. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, người khách lạ đứng dậy và đi ra khỏi quán rượu.
“ ‘Tôi cảm thấy rất nản, nghĩ rằng mình không thể nào trao được đồng xu cho anh. Nhưng chiều hôm đó vận may đã đến. Ngay khi rời khỏi cánh đồng của cha, nơi tôi phải nán lại cho xong việc, anh chị em tôi còn bận bịu với những chuyện nhà lặt vặt khác, tôi nhìn thấy người khách lạ đang lững thững một mình ở bìa rừng. Anh đi dọc theo bờ sông, cúi đầu, hai tay chắp sau lưng. Anh chỉ có một mình, và giờ tôi đã có cơ hội để bắt chuyện với anh, nhưng lại chợt thấy sợ hãi. Thu hết can đảm, nắm chặt chiếc khăn, cùng đồng xu trong đó, tôi bước về phía anh, đứng trên đường mòn chờ anh đến.
“ ‘Khi đứng chờ ở đó, tôi cảm thấy thời gian như dài lê thê. Chắc hẳn anh đã không để ý cho đến khi chúng tôi hầu như mặt đối mặt. Rồi anh ta bất chợt ngước mắt lên khỏi con đường mòn, trông có vẻ rất ngạc nhiên. Anh bỏ mũ và bước sang một bên, tựa như để nhường tôi bước qua, nhưng tôi vẫn đứng yên, thu hết can đảm lên tiếng chào anh. Anh khẽ cúi xuống và mỉm cười, chúng tôi đứng đó, đăm đăm nhìn nhau một lúc. Không có gì trong gương mặt hoặc thái độ của anh làm cho tôi cảm thấy lo sợ, nhưng tôi hầu như ngây người đi vì e thẹn.
“ ‘Trước khi lòng can đảm kịp biến mất, tôi vội tháo chiếc khăn khỏi thắt lưng và lấy đồng xu ra. Tôi đưa nó cho anh, không nói gì, anh cầm lấy, lật qua lật lại, chăm chú xem xét đồng xu. Đột nhiên, mặt anh sáng lên, anh lại đưa mắt liếc nhìn tôi, ánh mắt rất sắc, tựa như có thể nhìn xuyên thấu tâm tư tôi. Khó mà hình dung nổi đôi mắt anh ấy lại sáng ngời và xanh biếc đến thế. Tôi cảm thấy run rẩy. “De unde? - từ đâu?” Anh làm điệu bộ ra dấu cho tôi hiểu câu hỏi của anh. Tôi ngạc nhiên, có vẻ như anh biết một vài từ trong ngôn ngữ chúng tôi. Tôi chợt hiểu khi anh vỗ vỗ lên mặt đất. Phải chăng tôi tìm được đồng xu từ dưới đất? Tôi lắc đầu. “De unde? - Vậy thì ở đâu?”
“ ‘Tôi cố gắng diễn tả hình ảnh một bà lão, khăn trùm trên đầu, gập người trên gậy - đưa đồng xu cho tôi. Anh gật đầu, cau mày. Anh bắt chước dáng điệu của một bà lão, sau đó chỉ tay theo con đường mòn hướng về làng chúng tôi. “Từ nơi đó?” Không - tôi lại lắc đầu và trỏ ngược lên phía trên dòng sông, rồi lên trời, tôi nghĩ tòa lâu đài và làng của bà lão nằm ở trên đó. Tôi chỉ cho anh và làm điệu bộ đang bước đi lên - lên cao trên đó! Mặt anh lại sáng lên, tay nắm chặt đồng xu. Sau đó, tôi đã từ chối khi anh trao đồng xu lại cho tôi, tôi trỏ vào anh và cảm thấy mình đang đỏ mặt. Lần đầu tiên anh mỉm cười, rồi cúi xuống chào tôi, và trong một khoảnh khắc tôi thấy như thiên đường đã rộng mở trước mắt mình. “Multumesc,” anh nói. “Rất cám ơn.”
“ ‘Sau đó tôi muốn bỏ đi ngay, trước khi cha kịp phát hiện tôi không có mặt ở bàn ăn tối, nhưng người khách lạ đã nhanh chóng ngăn tôi lại. Anh chỉ tay vào mình. “Ma numesc Bartolomeo Rossi,”(1) anh tự giới thiệu. Anh ta lặp lại lần nữa, sau đó viết ra trên mặt đất ngay dưới chân. Tôi bật cười khi cố gắng bắt chước anh đọc lên cái tên đó. Sau đó anh chỉ vào tôi. “Voi?- Còn cô?” anh hỏi. “Tên cô là gì?” Tôi trả lời và anh mỉm cười lặp lại. “Familia? - Họ à?” Dường như anh đang mò mẫm tìm từ.
“ ‘ “Họ của tôi là Getzi,” tôi trả lời.
“ ‘Hình như anh rất ngạc nhiên. Anh chỉ tay theo hướng dòng sông, sau đó vào tôi, và lặp đi lặp lại điều gì đó, theo sau là tiếng Drakulya, mà tôi hiểu nó có nghĩa là của con rồng. Tôi không hiểu ý anh. Cuối cùng vừa lắc đầu vừa thở dài anh thốt lên, “Ngày mai.” Anh trỏ vào tôi, vào chính mình, vào nơi bọn tôi đang đứng, và vào mặt trời trên bầu trời. Tôi hiểu anh yêu cầu được gặp lại tôi ở đây, vào cùng thời gian này ngày mai. Tôi biết cha tôi sẽ rất giận nếu biết việc này. Tôi trỏ tay xuống đất, ngay phía dưới chân, sau đó đặt một ngón tay lên môi. Tôi không biết cách nào khác để nói với anh đừng tiết lộ chuyện này với bất kỳ người nào trong làng. Trông anh có vẻ như giật mình, nhưng sau đó cũng đặt một ngón tay lên môi, và lại mỉm cười với tôi. Đến tận giây phút đó, tôi vẫn cảm thấy có phần e sợ anh, nhưng anh vẫn nở nụ cười đôn hậu và đôi mắt xanh sáng lấp lánh. Anh lại cố gắng trả đồng xu cho tôi, nhưng một lần nữa tôi từ chối không chịu nhận, anh cúi chào, đội mũ lên, và đi vào rừng theo hướng mà trước đó anh đã đến. Tôi hiểu anh muốn để tôi quay trở về làng một mình, tôi nhanh chóng rảo bước, không dám quay lại nhìn theo anh.
“ ‘Suốt buổi tối hôm đó, tại bàn ăn cùng gia đình, cũng như lúc rửa và lau chùi chén đĩa với mẹ tôi, không lúc nào tôi thôi nghĩ đến người khách lạ. Tôi nghĩ đến anh, đến bộ áo quần nước ngoài, cách anh cúi đầu chào lịch sự, vẻ mặt vừa lơ đãng vừa tinh anh, đôi mắt sáng ngời làm ấm lòng người của anh. Tôi nhớ đến anh suốt cả ngày hôm sau, khi cùng chị em mình quay sợi, dệt vải, lúc dọn bữa ăn, khi đi lấy nước, trong lúc làm việc đồng áng. Nhiều lần mẹ đã quở trách tôi không chú ý vào công việc đang làm. Lúc chiều tối, tôi nán lại để làm cỏ dại một mình, và nhẹ nhõm cả người khi cha và các anh em trai đi khuất về hướng làng.
“ ‘Ngay khi họ vừa đi khỏi, tôi vội vã chạy đến bìa rừng. Người khách lạ đang ngồi tựa lưng vào một gốc cây, chờ đợi, khi thấy tôi đến anh ngồi nhỏm dậy và mời tôi ngồi trên một khúc cây gần lối đi. Nhưng vì e ngại người trong làng đi ngang qua nên tôi đã dẫn anh vào sâu hơn trong rừng, vừa đi vừa nghe tiếng tim mình đập thình thịch. Sau đó, chúng tôi ngồi xuống hai tảng đá. Rừng cây vang tiếng chim gọi nhau về tổ - trời đầu hạ ấm áp và cây cỏ tươi một màu xanh.
“ ‘Người khách lạ lấy ra từ trong túi đồng xu mà tôi đã trao cho anh, cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Sau đó anh lôi trong ba lô ra một hai cuốn sách và bắt đầu lật giở. Tôi hiểu đó là những cuốn tự điển tiếng Rumani và tiếng gì đó mà anh biết. Rất từ tốn, thường xuyên liếc nhìn vào hai quyển sách, anh hỏi liệu tôi đã từng thấy bất kỳ đồng xu nào khác giống đồng xu mà tôi đã trao cho anh. Tôi trả lời không. Anh nói con vật trên đồng tiền là một con rồng, và anh hỏi liệu tôi đã từng thấy con rồng này ở bất kỳ nơi nào khác, chẳng hạn như trên một tòa nhà hoặc trong một quyển sách hay chưa. Tôi trả lời mình có hình con vật đó ở trên vai.
“ ‘Thoạt đầu, anh không hiểu những gì tôi nói. Tôi tự hào vì biết viết và đọc chút đỉnh ngôn ngữ chúng tôi - một thời, lúc tôi còn bé, làng chúng tôi từng có một ngôi trường và một tu sĩ đã đến dạy chúng tôi học. Cuốn tự điển của người khách lạ quá rắc rối với tôi, nhưng chúng tôi đã cùng nhau tìm được chữ vai. Anh hỏi lại vì trông anh có vẻ bối rối, “Drakul?” Anh giơ đồng tiền lên. Tôi chạm vào vai áo khoác và gật đầu. Anh đỏ mặt nhìn xuống đất, và tôi chợt nhận thấy trong hai chúng tôi, tôi mới là người can đảm. Tôi mở nút, cởi chiếc áo khoác len, rồi mở cổ áo cánh. Tim đập thình thịch, nhưng tôi như bị một cái gì đó khống chế và không thể nào dừng lại. Anh nhìn đi nơi khác, nhưng tôi đã kéo chiếc áo cánh để lộ ra bờ vai và trỏ tay vào đó.
“ ‘Tôi không còn nhớ nổi quãng thời gian trước khi tôi mang trên mình hình xăm con rồng nhỏ màu xanh đậm đó. Mẹ tôi nói mỗi thế hệ bên họ cha tôi đều có một đứa trẻ bị xăm hình đó, và ông đã chọn tôi vì nghĩ rằng sau này lớn lên tôi sẽ là đứa xấu xí nhất. Ông nói cụ nội tôi cho biết đó là việc cần thiết để giữ cho ma quỷ tránh xa dòng họ chúng tôi. Tôi chỉ nghe nói về chuyện này một đôi lần, vì cha thường không thích đề cập đến nó, tôi cũng không biết người bà con nào thuộc thế hệ cha có hình xăm này, hoặc nó nằm đâu đó trên chính cơ thể cha, hoặc trên cơ thể của một trong số các anh chị em của ông. Con rồng của tôi trông rất khác với con rồng nhỏ trên đồng xu, nên đến tận khi người khách lạ hỏi liệu tôi còn có bất kỳ thứ gì khác có hình con rồng không tôi vẫn chưa từng thấy hai hình ảnh này có gì liên quan.
“ ‘Người khách lạ quan sát tỉ mỉ hình con rồng trên da tôi, để đồng xu sát bên cạnh để so sánh, nhưng không chạm vào người tôi, thậm chí cũng không nghiêng người lại gần hơn. Anh vẫn còn đỏ mặt và có vẻ như bớt căng thẳng khi tôi cài áo cánh lại và mặc áo khoác vào. Anh tra tự điển và hỏi tôi người nào đã xăm con rồng lên chỗ da thịt đó. Khi tôi trả lời là cha mình, với sự giúp đỡ của một bà lão trong làng, một bà lang, anh hỏi liệu anh có thể nói chuyện với cha tôi về việc đó. Tôi lắc đầu phản đối dữ dội đến nỗi anh lại đỏ bừng mặt lên. Sau đó anh nói với tôi, một cách rất khó khăn, rằng gia đình tôi là dòng dõi của một ông hoàng độc ác, người đã xây dựng tòa lâu đài phía thượng nguồn dòng sông. Ông hoàng này được người ta gọi là “con trai của rồng,” và đã giết hại nhiều người. Anh ta nói ông hoàng đã trở thành một pricolic, một con ma cà rồng. Tôi làm dấu thánh để cầu xin Đức Mẹ che chở. Tôi đã phủ nhận khi anh hỏi liệu tôi có biết câu chuyện này không. Anh hỏi tôi bao nhiêu tuổi và có anh chị em không, và liệu có ai khác trong làng cùng họ với chúng tôi.
“ ‘Cuối cùng tôi chỉ vào mặt trời, gần như đã lặn, để báo cho anh biết là tôi phải trở về nhà, anh đứng lên ngay, trông rất nghiêm túc. Sau đó anh chìa tay ra giúp tôi đứng dậy. Khi nắm lấy bàn tay anh, tôi có cảm giác như tim mình muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi lúng túng và nhanh chóng quay đi. Nhưng tôi chợt nghĩ, vì quá quan tâm đến chuyện ma quỷ nên anh có thể sẽ gặp nguy hiểm. Có lẽ, tôi nên cho anh một cái gì đó để bảo vệ. Tôi chỉ tay xuống đất và vào mặt trời. ‘Ngày mai, đến,” tôi nói. Anh tỏ vẻ ngần ngại một lúc, nhưng sau cùng cũng mỉm cười. Anh đội mũ, đưa tay chạm vào vành mũ ra dấu chào rồi đi khuất vào rừng.