Truy tìm Dracula - Chương 46 phần 1

Chương 46

Bạn thân mến,

Hôm nay, sau khi đưa chúng tôi ngược lên hướng Bắc đến tận Târgoviste, người tài xế đã quay về với gia đình anh ta ở Bucharest, còn chúng tôi thì nghỉ lại một quán trọ cũ kỹ. Georgescu đúng là một người bạn đồng hành tuyệt vời; dọc đường ông đã làm tôi thích thú bằng cách kể tôi nghe lịch sử của miền quê mà chúng tôi đi ngang qua. Trong ngày hôm đó tôi đã học hỏi được nhiều vì kiến thức của ông rất rộng, bao trùm cả những lĩnh vực như kiến trúc và những loại thực vật của từng địa phương.

Târgoviste là một thành phố xinh đẹp, vẫn đậm dấu ấn thời Trung cổ và có hơn một quán trọ tử tế nơi khách lữ hành có thể rửa mặt bằng nước sạch. Bây giờ chúng tôi đang ở giữa lòngWallachia, một vùng bán sơn địa nằm kẹp giữa những rặng núi và vùng đồng bằng. Vlad Dracula cai trị vùng Wallachia nhiều lần trong hai thập niên 1450 và 1460; Târgoviste là thủ phủ của hắn. Trưa hôm đó, khi chúng tôi tản bộ quanh các phế tích quan trọng nhất còn sót lại trong cung điện, Georgescu chỉ cho tôi thấy những căn phòng khác nhau và mô tả chức năng có thể của chúng trong quá khứ. Dracula không ra đời ở đây mà là trong vùng Transylvania, tại một thị trấn có tên gọi là Sighişoara. Tôi không có đủ thời gian để đến tham quan nơi đó, nhưng Georgescu đã đến đó nhiều lần, ông cho tôi biết căn nhà nơi cha Dracula từng sinh sống - nơi Vlad ra đời - vẫn còn đứng vững.

Đáng chú ý nhất trong số các quang cảnh đáng chú ý mà chúng tôi nhìn thấy ở đây hôm nay, khi rảo quanh những con đường cũ kỹ và các phế tích, là những tháp canh của Dracula, hay đúng ra là những công trình phục chế khá xinh xắn của chúng được thực hiện vào thế kỷ mười chín. Georgescu, nhà khảo cổ học tài ba, hếch cái mũi lai hai dòng máu Scotland và Rumani, trỏ vào các công trình phục chế, giải thích là trong trường hợp này, những lỗ châu mai quanh đỉnh tháp đã được phục chế không đúng hoàn toàn; nhưng anh còn mong đợi được điều gì hơn nữa, ông hỏi tôi với giọng châm biếm, khi các sử gia bắt đầu sử dụng trí tưởng tượng của họ? Nhưng dù việc phục chế có hoàn toàn chính xác hay không thì những gì Georgescu kể với tôi về tòa tháp đó cũng làm cho tôi phải rùng mình. Tòa tháp đã được Vlad Dracula sử dụng không chỉ như một cứ điểm để canh phòng những cuộc xâm nhập thường xuyên của quân Thổ vào khu vực, mà còn như một địa điểm thuận lợi giúp hắn dễ dàng quan sát những cuộc hành hình đóng cọc xuyên người được thực hiện ở sân bên dưới.

Chúng tôi ăn tối tại một quán rượu nhỏ gần trung tâm thị trấn. Từ đó, chúng tôi có thể nhìn thấy các bức tường phía ngoài của cung điện đổ nát, lúc đang dùng bánh mì với món thịt hầm, Georgescu cho tôi biết Târgoviste là địa điểm thích hợp nhất, từ đó có thể di chuyển dễ dàng đến pháo đài nằm sâu trong vùng rừng núi của Dracula. “Khi chiếm lại ngai vàng xứ Wallachia lần thứ hai vào năm 1456,” nhà khảo cổ học giải thích thêm, “hắn đã quyết định xây dựng một lâu đài phía trên thượng nguồn sông Argeş, nơi hắn có thể tránh được những cuộc xâm lấn từ vùng đồng bằng. Các rặng núi giữa Târgoviste và Transylvania - và những khu vực hoang vu xứ Transylvania - bao giờ cũng là chốn thoát thân của người dân xứ Wallachia.”

Ông bẻ một miếng bánh mì, và dùng nó vét sạch đĩa thịt hầm, mỉm cười nói tiếp. “Dracula biết rõ ở đó có vài pháo đài đổ nát, được xây dựng ít nhất từ thế kỷ mười một, phía trên thượng nguồn dòng sông. Hắn quyết định xây dựng lại một trong số các lâu đài đó, Lâu đài Argeş cổ. Hắn cần lao động rẻ tiền - chẳng phải mấu chốt của những việc như thế này vẫn luôn là nguồn nhân lực sao? Vì vậy, hắn đã giở trò giả nhân giả nghĩa thường lệ của mình, mời tất cả các boyar - tức địa chủ trong vùng, anh biết đấy - đến tham dự một buổi lễ Phục sinh nhỏ. Bọn họ đã đến trong những bộ cánh đẹp nhất, tập trung ở cái sân lớn kia, ngay tại đây, tại Târgoviste, hắn đã cho bọn họ ăn uống thật no say, sau đó lạnh lùng giết hết những người mà hắn cho là vô dụng, và bắt những người còn lại - kể cả vợ con họ - lội bộ năm mươi cây số lên núi để xây dựng lại Lâu đài Argeş.”

Georgescu đưa mắt nhìn quanh bàn ăn, dường như để tìm thêm một miếng bánh mì khác. “Chậc, nhưng thực ra sự việc phức tạp hơn nhiều - lịch sử Rumani bao giờ cũng vậy. Trước đó nhiều năm, người anh lớn của Dracula, Mircea, đã bị các đối thủ chính trị của gia đình giết chết tại Târgoviste. Khi lên cầm quyền, Dracula ra lệnh quật mồ, đưa quan tài của anh mình lên và phát hiện người anh xấu số của mình đã bị chôn sống. Đó là lúc hắn gửi lời mời tham dự lễ Phục sinh, kết quả là đã trả thù được cho anh mình, cũng như có được nguồn lao động rẻ tiền để xây dựng tòa lâu đài trong vùng núi non. Hắn cho xây lò nung gạch gần pháo đài cũ, những người sống sót sau chuyến hành trình đều bị buộc phải làm việc ngày đêm, vận chuyển gạch và xây tường và tháp. Những bài hát xa xưa thuộc khu vực này kể rằng những thứ quần áo đẹp đẽ của các địa chủ đã rách tả tơi trước khi công trình hoàn thành.” Georgescu đã vét sạch đĩa thức ăn. “Tôi nhận thấy ngoài việc là một kẻ ác độc, Dracula còn là một người thực tế.”

Vì vậy, anh bạn ạ, ngày mai chúng tôi sẽ đi theo con đường mòn mà những nhà quý tộc bất hạnh từng phải đau khổ cuốc bộ qua, nhưng chúng tôi sẽ đi bằng xe ngựa.

Thật kỳ lạ khi nhìn thấy những nông dân mặc trang phục dân tộc họ giữa những thứ trang phục hiện đại hơn của dân thành thị. Cánh đàn ông thì sơ mi trắng với áo vest màu sậm, mang dép da to có dây buộc lên đến đầu gối, giống như những người chăn cừu La Mã thời xưa đột ngột sống lại. Phụ nữ, phần đông cũng có nước da sậm màu như cánh đàn ông và thường khá đẹp, mặc váy dày và áo cánh, dưới một chiếc áo khoác bó sát, thứ trang phục nào cũng thêu họa tiết sặc sỡ. Có vẻ như họ là những con người sống động, luôn cười to và sang sảng bàn luận công việc làm ăn mua bán ngay giữa chợ, nơi tôi đã kịp lướt qua sáng hôm qua, lúc mới đến.

Ở đây, tôi cũng không có cơ hội để gửi thư qua đường bưu điện, vì vậy bây giờ tôi sẽ phải nhét kỹ nó vào túi xách thôi.

Người bạn chân thành của anh,

Bartholomew

Bạn thân mến.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được một ngôi làng ven sông Argeş sau một hành trình vất vả dài cả ngày trời vượt qua những ngọn núi dốc đứng như huyền thoại trong chiếc xe ngựa của một nông dân mà tôi đã trả không ít tiền thuê. Kết quả là hôm nay dù trong lòng rất phấn chấn tôi vẫn thấy ê ẩm tận xương cốt. Đối với tôi, ngôi làng này quả là kỳ quan, một cái gì đó như trong truyện cổ Grimm chứ không phải là cuộc sống thực, tôi ước gì anh có thể đến đây, dù chỉ một giờ thôi, để cảm nhận khoảng cách bao la giữa nó với cả thế giới Tây Âu. Những ngôi nhà nhỏ bé, một số trông nghèo nàn và tồi tàn nhưng phần lớn khá vui mắt, những mái hiên thấp lè tè và trên đỉnh những ống khói to tướng là những tổ chim lớn, nơi trú ngụ của lũ cò vào mùa hè.

Trưa nay, khi cùng với Georgescu dạo quanh làng, tôi phát hiện quảng trường giữa làng là nơi tụ tập của dân làng, ở giữa có một giếng nước công cộng và một máng ăn lớn dùng để vỗ béo lũ gia súc hai ngày một lần trước khi đưa chúng ra thành phố. Dưới một thân cây xiêu vẹo là quán rượu, một chốn náo nhiệt nơi tôi đã mua không biết bao nhiêu lượt thứ rượu mạnh cay xè để chiêu đãi dân nhậu địa phương - anh hãy tưởng tượng đến thứ rượu này khi ngồi ở quán Chó Sói Vàng với thứ bia đen nhạt nhẽo kia! Trong đám dân nhậu, chỉ có một hai người chúng tôi thực sự có thể chuyện trò được chút đỉnh.

Trưa nay, khi chúng tôi mới vào làng, một vài người trong số những người đàn ông này còn nhớ mặt và chuyến viếng thăm sáu năm về trước của Georgescu, họ chào mừng bằng những cái vỗ thùm thụp lên lưng ông ta, trong khi những người khác lại có vẻ như tránh mặt. Georgescu cho biết chuyến đi lên pháo đài phải mất một ngày, cả đi lẫn về, nhưng không có người nào muốn đưa chúng tôi đến đó. Họ xầm xì về lũ chó sói, gấu và lẽ dĩ nhiên cả lũ ma cà rồng - pricolici, theo ngôn ngữ địa phương. Tôi đang dần thành thạo một vài từ tiếng Rumani, và toàn bộ mớ vốn liếng tiếng Pháp, Ý và Latin của tôi đều rất có ích khi nỗ lực giao tiếp với họ. Chiều hôm nay, khi hỏi thăm mấy ông lão đầu tóc bạc trắng đang khề khà bên ly rượu, gần như cả làng đều quay sang nhìn chúng tôi chòng chọc, chẳng mấy giữ kẽ - các bà nội trợ, những anh chàng nông dân, đám trẻ con lóc nhóc đi chân trần, và các nàng thiếu nữ - nàng nào cũng có cặp mắt huyền đẹp tuyệt trần. Tôi bị vây quanh bởi đám dân làng vờ như đi lấy nước hoặc quét các bậc cấp trước nhà hoặc hỏi han chủ quán rượu chuyện này chuyện nọ, có lúc họ vây quanh tôi đông đến nỗi tôi phải bật cười, và điều này lại khiến tất cả mọi người trân trối nhìn tôi hơn.

Ngày mai tôi sẽ viết nhiều hơn. Thật là thoải mái khi tâm sự cùng anh cả giờ đồng hồ bằng chính ngôn ngữ của tôi - của chúng ta!

Người bạn chân thành của anh,

Rossi

Bạn thân mến,

Tôi đã cảm thấy một nỗi kính sợ không thể nào xóa nhòa khi đến được rồi trở về từ pháo đài của Vlad. Giờ thì tôi đã biết lý do vì sao mình lại muốn nhìn thấy nơi này đến thế: nó khiến nhân vật đáng sợ đã chết mà tôi vẫn truy tìm - hoặc sẽ sớm truy tìm, ở đâu đó, khi nào đó, nếu mấy tấm bản đồ của tôi giúp được gì đó - có thực hơn một chút trong cuộc sống. Tôi sẽ cố gắng tả lại với anh chuyến đi của chúng tôi, bởi muốn anh có thể hình dung ra khung cảnh đó đồng thời cũng để ghi chép lại cho chính mình.

Chúng tôi lên đường lúc trời vừa hừng sáng trong chiếc xe ngựa của một nông dân trẻ người địa phương, anh ta là con trai của một khách quen của quán rượu, có vẻ có của ăn của để. Hình như người cha đã ra lệnh cho anh ta đưa chúng tôi đi nên xem ra anh ta chẳng mấy thích thú. Trong ánh rạng đông tại quảng trường làng, khi chúng tôi vừa trèo lên xe, anh ta đã vài lần chỉ tay về phía những ngọn núi, vừa lắc đầu vừa nói, “Poenari? Poenari?” Rốt cuộc, dường như rốt cuộc anh ta cũng buộc lòng phải chấp nhận công việc được giao phó, giục dây cương hai chú ngựa, hai cỗ máy màu nâu to lớn được giải phóng khỏi việc đồng áng trong một ngày.

Chàng thanh niên là người có dáng vẻ trông khá dữ dằn, cao lớn, hai vai bành ra dưới lớp áo choàng và áo vest len, khi đội mũ anh ta cao hơn chúng tôi hai cái đầu. Bộ dạng này có vẻ khá khôi hài so với thái độ nhút nhát của anh ta đối với chuyến đi, tuy vậy, có lẽ tôi chẳng nên cười nhạo nỗi sợ hãi của những người nông dân này, nhất là sau những gì đã chứng kiến tại Istanbul (như đã nói, khi nào gặp tôi sẽ đích thân kể cho anh nghe chuyện này). Georgescu cố gắng động viên tinh thần chàng nông dân trẻ trong suốt cuộc hành trình vào rừng sâu, nhưng anh chàng khốn khổ này cứ cầm dây cương, lặng im trong tuyệt vọng (tôi nghĩ vậy), chẳng khác gì một tử tù đang bị dẫn đến pháp trường. Thỉnh thoảng anh ta luồn tay vào bên trong áo sơ mi, tựa như đang mang trong đó một thứ bùa hộ mạng nào đó - tôi đoán vậy khi nhìn thấy sợi dây da quanh cổ anh ta và cố cưỡng lại ý định muốn nhìn xem đó là vật gì. Tôi cảm thấy thương hại anh chàng, những gì mà chúng tôi đưa đẩy anh ta vào đều ngược lại với mọi cấm kỵ trong nền văn hóa anh ta, nhất định tôi sẽ thưởng thêm tiền cho anh ta khi chuyến đi kết thúc.

Chúng tôi dự định ở lại qua đêm để có đủ thời gian xem xét mọi thứ và cố gắng hỏi thăm bất kỳ người nông dân nào sống gần khu vực đó mà chúng tôi có thể gặp, vì vậy cha của chàng thanh niên đã cung cấp mền và tấm trải, người mẹ thì lo một số bánh mì, pho mát và táo, tất cả được cột lại thành một bó để phía sau xe. Khi tiến vào rừng, tôi bất chợt cảm thấy rùng mình, rõ ràng chẳng vì lý do gì, chỉ là bản năng. Tôi còn nhớ nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của Bram Stoker cũng lên đường vào những cánh rừng vùng Transylvania bằng xe ngựa tuyến - dù sao chăng nữa đó cũng là phiên bản hư cấu của những cánh rừng này - và chợt ao ước phải chi mình khởi hành vào lúc chiều tối để có thể thoáng nhìn thấy những đốm lửa bí ẩn trong rừng sâu và nghe được tiếng sói tru. Thật đáng tiếc, tôi nghĩ, khi Georgescu lại chưa từng đọc cuốn sách đó, nhất định tôi sẽ gửi cho ông ta một cuốn khi trở về Anh, nếu có bao giờ tôi trở lại cái chốn buồn chán ấy. Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra cuộc chạm trán của mình tại Istanbul và tỉnh táo lại.

Chúng tôi chậm chạp vượt qua cánh rừng vì con đường bị lún đầy vết bánh xe và ổ gà, và hầu như bắt đầu dốc đứng. Những cánh rừng này rất sâu, ngay cả vào giờ trưa nóng nhất thì trong rừng vẫn chỉ sáng lờ mờ, cùng với cái mát lạnh kỳ dị của nội thất một giáo đường. Dong xe xuyên qua những cánh rừng này, người ta hầu như bị bao phủ giữa đám cây cối và một sự tĩnh lặng nặng nề; phía trước chiếc xe ngựa kéo này hàng dặm không thấy có gì, ngoại trừ những thân cây và bụi rậm nối tiếp nhau bất tận, dày đặc những gốc vân sam xen lẫn giữa nhiều cây gỗ cứng khác. Nhiều cây cao ngất ngưởng, tán lá sum suê của chúng như che mất cả bầu trời. Cũng giống như đi ngang những cây cột của một thánh đường bao la, nhưng là một thánh đường tăm tối, một thánh đường đầy yêu ma, nơi mà người ta thường nghĩ đã thoáng thấy bức tượng Madonna Đen(1) hoặc các thánh tử đạo trong mọi ngóc ngách. Tôi nhận ra có ít nhất một chục loại cây, trong đó có những cây hạt dẻ cao vút và một loại sồi tôi chưa bao giờ nhìn thấy.

Khi mặt đất bằng phẳng trở lại, chúng tôi tiến vào giữa một khoảnh rừng toàn những thân cây màu trắng bạc, một loại gần như cây sồi mà người ta vẫn tình cờ gặp - dù rất hiếm - trong những khu rừng rậm rạp thuộc các thái ấp ở nước Anh. Chắc chắn anh đã nhìn thấy loại cây này rồi. Có khi khu rừng này trước đây còn là sảnh đường lễ cưới cho Robin Hood rồi cũng nên, với những thân cây kềnh càng đồ sộ làm cột chống cho chiếc mái làm bằng hàng triệu chiếc lá xanh nhỏ li ti, những lớp lá năm trước rơi đầy trên mặt đất làm thành một tấm thảm màu nâu nhạt phía dưới bánh xe chúng tôi. Anh chàng lái xe có vẻ như không có chút cảm hứng nào ngắm nhìn vẻ đẹp này - có lẽ khi phải sống trọn đời giữa những khung cảnh như thế này, người ta sẽ không còn cảm nhận đúng cái đẹp của thế giới mà họ đang sống. Georgescu bận rộn với một số ghi chú về công việc ông đang thực hiện tại Snagov, vì vậy tôi không có ai để chia sẻ, dù chỉ một lời, về vẻ đẹp xung quanh.

Sau khi rong ruổi trên xe gần nửa ngày, chúng tôi vào một cánh đồng trống, chỉ có hai màu: xanh và vàng dưới ánh nắng mặt trời. Chúng tôi đã lên rất cao so với ngôi làng, và từ đây có thể nhìn ra một khung cảnh cây cối rậm rạp, từ rìa cánh đồng đổ dốc thẳng đứng xuống phía dưới, bước hụt chân ở đó sẽ là một cú rơi thẳng đứng khủng khiếp. Từ đây rừng cây lại lao xuống một vực sâu và tôi lại nhìn thấy dòng sông Argeş, như một dòng bạc lấp lánh phía dưới. Phía bên kia bờ sông là những triền dốc bạt ngàn cây cối, trông có vẻ như không cách nào leo lên được. Đó là lãnh địa của lũ đại bàng, không phải dành cho con người, tôi chợt cảm thấy kinh sợ khi nghĩ đến nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra ở đây giữa người Thổ và người Thiên Chúa giáo. Tôi nghĩ, với bất kỳ đế quốc nào, dù táo tợn đến đâu, chuyện nỗ lực xâm nhập vào vùng đất này cũng là việc cực kỳ điên rồ. Tôi đã hiểu lý do vì sao Vlad Dracula lại chọn khu vực này làm cứ địa: hầu như chẳng cần đến một pháo đài, nơi này vốn đã là một nơi bất khả xâm phạm.

Anh chàng đánh xe ngựa nhảy xuống và mở bao thức ăn ra, chúng tôi ăn bữa trưa ngay trên bãi cỏ lác đác những gốc tổng quán sủi và sồi. Sau đó, anh ta nằm dài ra bên dưới một gốc cây, đắp mũ che mặt lại. Georgescu cũng nằm thẳng dưới một gốc cây khác, tựa như đó là một việc làm tự nhiên, họ ngủ khoảng một giờ trong lúc tôi thơ thẩn dạo quanh bãi cỏ. Không gian hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió rền rĩ trong những khu rừng bất tận. Trên tất cả là bầu trời cao vút và sáng rực một màu xanh. Tản bộ qua phía bên kia bãi cỏ, tôi nhìn thấy một khoảng rừng thưa tương tự, khá xa phía dưới, ở đó chỉ có một người chăn cừu mặc quần áo trắng và đội một chiếc mũ rộng vành màu nâu nhạt. Bầy cừu trôi quanh anh ta như những đám mây, tôi nghĩ có thể anh ta đã đứng ở đó, trong tư thế tựa vào cây gậy cũng như vậy từ thời Trajan(2). Tôi cảm thấy một sự bình yên tuyệt vời bỗng bao trùm lên mình. Những tưởng tượng quái đản về chuyến đi đã dần mờ nhạt trong tâm trí, tôi nghĩ mình có thể đứng đó, trong đồng cỏ thơm ngát này mãi mãi, như người chăn cừu kia.

Vào buổi chiều, con đường càng lúc càng trở nên dốc, và cuối cùng dẫn vào một ngôi làng mà Georgescu cho biết là làng gần với pháo đài nhất; tại đây, chúng tôi ngồi nghỉ một lát ở quán rượu trong làng, cùng những ly rượu mạnh mà người ta gọi là pălincă. Người đánh xe nói rõ ràng là anh ta sẽ ở lại làng cùng với hai chú ngựa trong lúc chúng tôi leo bộ lên pháo đài; không có chuyện anh ta cùng leo lên đó, cũng như chẳng có chuyện qua đêm giữa đống phế tích đó cùng chúng tôi. Khi chúng tôi tỏ ý thuyết phục, anh ta gầm lên “Pentru nimica ỵn lime,” rồi đưa tay lên sợi dây da quanh cổ. Georgescu cho tôi biết câu đó nghĩa là “Tuyệt đối không.” Đối với chuyện này, anh chàng tỏ ra kiên quyết đến nỗi rốt cuộc Georgescu phải tặc lưỡi nói rằng quãng đường phải cuốc bộ cũng vừa phải và đằng nào đến đoạn cuối chúng tôi cũng phải cuốc bộ. Tôi hơi băn khoăn tự hỏi vì sao Georgescu lại muốn nghỉ qua đêm ngoài trời thay vì quay trở lại làng, và thật lòng thì dù không nói ra nhưng tôi không hoàn toàn thích thú với ý tưởng phải ngủ qua đêm trên đó.