Truy tìm Dracula - Chương 76 phần 1

Chương 76

“Phần cuối câu chuyện của cha có lẽ là phần khó kể nhất, bởi bất chấp mọi điều, nó đã khởi đầu với vô vàn hạnh phúc. Chúng ta yên lặng trở về trường đại học và tiếp tục trở lại công việc của mình. Cha bị cảnh sát thẩm vấn một lần nữa, nhưng bọn họ có vẻ đã hài lòng với cái kết luận là chuyến đi nước ngoài của cha chỉ liên quan đến công việc nghiên cứu chứ không phải với việc biến mất của thầy Rossi. Rồi thì các tờ báo cũng nắm được tin ông ấy mất tích và đã thêu dệt thành một câu chuyện hình sự đầy bí ẩn, mà trường đại học cố lờ đi như không biết đến. Lẽ dĩ nhiên hiệu trưởng cũng tra vấn cha, và dĩ nhiên cha không tiết lộ điều gì và chỉ nói là cũng như bất kỳ người nào khác cha rất đau lòng về thầy Rossi. Mùa thu đó, Helen và cha tổ chức lễ cưới tại nhà thờ tại nơi ông bà nội con sinh sống - ngay cả giữa buổi lễ, cha vẫn không thể không cảm thấy hôn lễ thật đơn giản và tuềnh toàng khi thiếu đi thứ trầm hương thơm ngát.

“Lẽ dĩ nhiên, ông bà nội con khá ngạc nhiên về tất cả mọi chuyện, nhưng rốt cuộc cả hai không thể nào không yêu mến Helen. Mẹ không bao giờ để lộ bản tính ưa cáu gắt và châm chọc khi ở bên họ, trong thời gian chúng ta đến thăm ông bà nội ở Boston cha thường nghe Helen cười nói cùng với bà nội trong nhà bếp, chỉ cho bà nấu các món đặc sản của người Hungary, hoặc bàn luận với ông nội về nhân học trong phòng làm việc chật hẹp của ông. Về phần cha, mặc dù cảm thấy khổ tâm về cái chết của thầy Rossi và dường như cái chết đó cũng gây ra cho Helen nỗi bi thương không thể nguôi ngoai, nhưng dù sao với cha năm đầu tiên đó cũng ngập đầy niềm vui. Cha hoàn thành luận án tiến sĩ với một giáo sư hướng dẫn khác, người không để lại trong cha một ấn tượng rõ rệt nào trong suốt quá trình làm việc chung. Không phải vì cha vẫn còn quan tâm đến chủ đề các thương nhân Hà Lan; cha chỉ muốn hoàn tất việc học của mình để có thể ổn định cuộc sống ở một nơi nào đó. Helen đã công bố một bài báo dài về những điều mê tín dị đoan trong các làng mạc vùng Wallachia, bài báo rất được tán thưởng, mẹ đã bắt đầu luận án tiến sĩ có chủ đề về những tàn dư của phong tục tập quán vùng Transylvania ở Hungary.

“Chúng ta còn viết một thứ khác nữa, ngay khi về đến Mỹ: một lá thư gửi cho mẹ Helen, nhờ bác Éva chuyển. Helen không dám viết gì nhiều trong lá thư đó, chỉ vắn tắt vài dòng là thầy Rossi đã mất rồi, trước sau ông vẫn nhớ và thương yêu bà. Mẹ dán lá thư lại với vẻ mặt đầy tuyệt vọng. ‘Một ngày nào đó em sẽ kể với mẹ em mọi chuyện sau,’ Helen nói, giọng buồn bã, ‘khi em có thể thì thầm vào tai bà.’ Chúng ta không biết chắc lá thư đó có đến được địa chỉ hay không, bởi cả bác Éva lẫn mẹ Helen không ai hồi âm, và trong năm đó quân đội Liên Xô đã tràn vào Hungary.

“Cha hoàn toàn có ý định sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc lâu dài, chẳng bao lâu sau đám cưới, cha đã nói với Helen là cha hy vọng chúng ta sẽ sớm có con. Thoạt tiên, mẹ lắc đầu, đưa những ngón tay mềm mại sờ lên vết sẹo trên cổ. Cha hiểu mẹ có ý gì. Nhưng triệu chứng nhiễm của mẹ rất nhẹ, cha phân tích rõ điều đó, mẹ vẫn khỏe mạnh và không bệnh tật gì. Càng lúc có vẻ như tình trạng bình phục hoàn toàn càng khiến mẹ yên tâm, cha nhìn ra ánh mắt thèm thuồng của mẹ như dán vào những chiếc xe đẩy trẻ con khi chúng ta đi trên phố.

“Helen nhận học vị tiến sĩ nhân học vào mùa xuân sau khi chúng ta cưới. Tốc độ viết luận án của Helen làm cha thấy xấu hổ; suốt năm đó cha thường thức giấc vào lúc năm giờ sáng và thấy mẹ đã rời giường từ lúc nào, đang ngồi ở bàn làm việc. Trông mẹ xanh xao và mỏi mệt, và hôm sau ngày mẹ bảo vệ luận án tiến sĩ, cha thức dậy và nhìn thấy máu dính trên chăn mền, Helen nằm kế bên, đã lả đi vì đau đớn: sẩy thai. Mẹ đã chờ đợi để làm cha ngạc nhiên với một tin tốt lành. Sau đó mẹ ốm nhiều tuần lễ, nhưng vẫn im lặng. Bản luận án tiến sĩ được đánh giá cao, nhưng mẹ chẳng hề nhắc đến điều đó.

“Mẹ thúc giục cha nhận công việc giảng dạy đầu tiên ở New York, và chúng ta đã chuyển đến đó. Chúng ta cư ngụ ở khu vực Brooklyn Heights, trong một căn sang trọng dễ chịu nhưng đã có phần xuống cấp. Chúng ta thường đi dạo dọc theo bến tàu nhìn ngắm những chiếc tàu kéo ngược xuôi trong bến cảng và những tàu chở khách khổng lồ cuối cùng nhổ neo trong cuộc đua hướng về châu Âu. Helen dạy tại một trường đại học cũng tuyệt vời như trường của cha, đám sinh viên ở đó rất ngưỡng mộ mẹ; tại New York chúng ta đã đạt được một sự cân bằng tuyệt diệu trong cuộc sống, kiếm sống được bằng công việc chúng ta yêu thích nhất.

“Thỉnh thoảng, chúng ta đem cuốn Cuộc đời của Thánh George ra chậm rãi nghiền ngẫm lại từng trang, và rồi cũng đến cái ngày mang nó đến một hãng đấu giá không công khai, và đến cuối buổi, tay người Anh tổ chức cuộc đấu giá gần như ngất xỉu. Sau một cuộc mua bán kín đáo, quyển sách đã trở về với tu viện Cloisters khu Thượng Manhattan, và một số tiền lớn được chuyển vào tài khoản mà chúng ta mở sẵn. Cũng giống như cha, Helen không thích cuộc sống cầu kỳ, nên ngoài việc cố gắng gửi vài món tiền nhỏ cho những người bà con ở Hungary, tạm thời chúng ta vẫn chưa đụng gì đến món tiền kia cả.

“Lần sẩy thai thứ hai của Helen nghiêm trọng và nguy hiểm hơn lần đầu, một ngày kia, cha trở về nhà và nhìn thấy những dấu chân vấy đầy máu trên mặt sàn gỗ phòng sảnh. Mẹ đã xoay xở tự gọi xe cứu thương và lúc cha đến được bệnh viện thì mẹ hầu như đã qua cơn nguy hiểm. Từ lúc đó, ký ức về những dấu chân vấy máu kia đã nhiều lần làm cha thức giấc giữa đêm khuya. Cha bắt đầu lo ngại chúng ta sẽ chẳng bao giờ có một đứa con khỏe mạnh và thầm băn khoăn tự hỏi thực tế đó sẽ ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt với Helen. Nhưng rồi mẹ lại có thai, và những tháng dài đầy lo âu tiếp nối nhau trôi qua mà không có gì bất thường. Đôi mắt Helen trở nên hiền dịu chẳng khác gì bức tượng Đức Mẹ, bụng mẹ dần tròn lẳn dưới bộ váy áo len xanh, mẹ đi lại đã hơi khó khăn. Helen luôn miệng mỉm cười; đứa con này là đứa con chúng ta sẽ giữ được.

“Con sinh ra trong một bệnh viện nhìn xuống dòng sông Hudson. Khi nhìn thấy làn da ngăm đen và gương mặt của con sáng láng giống hệt mẹ, hoàn hảo như một đồng xu mới, mẹ đã giàn giụa nước mắt vì vui sướng lẫn đau đớn, cha bồng con lên cao trong lớp tã lót quấn chặt như để con có thể nhìn thoáng qua những chiếc tàu bên dưới dòng sông. Đó cũng là cách cha che giấu những giọt nước mắt của mình. Chúng ta đã đặt tên con theo tên bà ngoại của con.

“Mẹ con mê mẩn con; cha muốn con biết điều đó hơn bất cứ điều nào khác về cuộc sống của chúng ta. Mẹ con đã nghỉ dạy trong thời kỳ mang thai và có vẻ như sẵn sàng bỏ hàng giờ để chơi đùa với những ngón tay ngón chân con, mẹ con nói với một nụ cười tinh quái rằng chúng đặc sệt chất Transylvania, hoặc ngồi đu đưa con trong chiếc ghế bành cha mua cho mẹ. Con biết cười rất sớm và đã biết đưa mắt dõi theo cha mẹ khắp nơi. Đôi lúc cha bất thần rời khỏi phòng làm việc của mình để trở về nhà, để chắc chắn cả con và mẹ con - những cô gái có mái tóc huyền của cha - vẫn còn nằm ngủ yên lành trên chiếc trường kỷ kia.

“Một ngày kia, cha trở về nhà sớm, vào lúc bốn giờ, mang theo một vài hộp thức ăn Tàu và vài bông hoa cho con ngắm. Không có ai trong phòng khách, cha thấy Helen đang cúi xuống chiếc giường cũi, con thì đang ngủ. Gương mặt con khi ngủ trông vô cùng thanh thản, nhưng mẹ thì đầm đìa nước mắt và có vẻ như chưa nhận ra sự có mặt của cha ngay. Cha ôm mẹ vào lòng và cảm thấy, cùng một cơn ớn lạnh, rằng phần nào đó trong mẹ đáp lại vòng tay cha quá chậm chạp. Mẹ không thổ lộ với cha những gì đang khiến mẹ lo lắng, sau một vài lần thăm dò hỏi han không có kết quả cha cũng không dám hỏi nhiều hơn. Tối hôm đó, Helen đã tỏ ra vui vẻ với những bông cẩm chướng và đồ ăn cha mang về, nhưng tuần kế tiếp cha phát hiện mẹ lại giàn giụa nước mắt và lại câm lặng không chịu đáp lời, chỉ đọc lướt một trong các cuốn sách mà thầy Rossi đã ký tặng cha lúc chúng ta bắt đầu làm việc chung với nhau. Đó là một cuốn đồ sộ về nền văn minh Minoan, cuốn sách đang nằm trên lòng Helen, và mở đến một trang có tấm hình do chính thầy Rossi chụp một bệ thờ dùng trong các lễ hiến tế ở đảo Crete. ‘Con đâu em?’ cha hỏi.

“Helen chậm chạp ngẩng đầu lên, nhìn cha đăm đăm, tựa như vừa nhớ lại thực tại. ‘Nó đang ngủ.’

“Cha nhận thấy mình, một cách kỳ lạ, đang cưỡng lại cái thôi thúc muốn đi vào phòng ngủ để xem con thế nào. ‘Em yêu, có chuyện gì vậy?’ Cha cất cuốn sách đi và ôm lấy mẹ, nhưng mẹ cũng chỉ lắc đầu, không nói gì. Sau cùng, cha đi vào đúng lúc con vừa thức giấc, cùng với nụ cười dễ thương, lẫy người xuống, cố ngỏng lên nhìn cha.

“Chẳng bao lâu sau, Helen hầu như im lặng suốt mọi buổi sáng và khóc lúc đêm về mà chẳng vì nguyên do rõ rệt nào. Bởi Helen không chịu nói gì với cha nên cha đã cố ép mẹ đến gặp một bác sĩ và sau đó là một chuyên gia tâm lý. Vị bác sĩ cho biết là không tìm thấy bệnh tật gì ở Helen, phụ nữ đôi khi thường có tâm trạng chán nản trong vài tháng đầu thời kỳ sau sinh, Helen sẽ bình thường trở lại khi đã quen với vai trò làm mẹ. Đến tận khi một người bạn của chúng ta tình cờ gặp Helen ở Thư viện Công cộng New York, cha mới phát hiện ra mẹ đã không hề đến điều trị ở chỗ chuyên gia tâm lý. Khi cha hỏi thẳng chuyện đó, mẹ trả lời là một vài công việc nghiên cứu nào đó sẽ làm cho mẹ vui hơn và đã quyết định sử dụng thời gian gửi con đi nhà trẻ để thực hiện việc đó thay vì đến bác sĩ tâm lý. Nhưng vào một vài buổi tối, tâm trạng của mẹ rất nặng nề, cha đi đến kết luận là mẹ rất cần một sự thay đổi khung cảnh, môi trường sống. Vào đầu mùa xuân, cha đã rút một ít tiền dành dụm để mua vé máy bay đến Pháp.

“Helen chưa bao giờ đến Pháp mặc dù có lẽ cả đời đã đọc sách về nước Pháp và nói thạo tiếng Pháp như một người được học từ nhỏ. Mẹ trông tươi cười trên phố Montmartre, bình luận bằng giọng châm biếm cố hữu là nhà thờ Sacré Coeur trông xấu thậm chí còn tệ hại hơn nhiều so với mức mẹ tưởng tượng. Helen thích đẩy chiếc xe nôi của con dạo trong chợ hoa và dọc theo sông Seine, chúng ta cũng thường nán lại ở đó, len lỏi giữa những kệ sách trong khi con ngồi trong chiếc xe đẩy màu đỏ mềm mại, mải mê nhìn xuống dòng nước. Con đã là một khách du lịch tuyệt vời từ lúc mới chín tháng tuổi và mẹ thì thầm với con đó chỉ mới là sự khởi đầu.

“Bà lao công của khách sạn nhỏ nơi chúng ta ở hóa ra đã làm bà của nhiều đứa bé, nên bố mẹ nhờ luôn bà trông hộ con lúc con đang ngủ, còn mình thì la cà vào một quán rượu làm vài ly hoặc vẫn mang găng tay ngồi ngoài trời uống cà phê. Mẹ - cả con nữa, với đôi mắt ngời sáng - thích nhất là mái vòm vút cao của nhà thờ Đức Bà. Sau cùng chúng ta đã lang thang xa hơn xuống phía Nam thăm viếng những thắng cảnh có các công trình chạm trổ điêu khắc khác - giáo đường Chartres với những ô cửa kính rực rỡ; nhà thờ-pháo đài Albi kỳ dị rực một màu đỏ, nơi phát sinh của những dòng ngoại đạo; những đại sảnh của giáo đường Carcassone.

“Helen muốn đến thăm tu viện Thánh Matthieu cổ ở Pyrénées-Orientales, chúng ta quyết định sẽ đến đó một hoặc hai ngày trước khi trở về Paris và bay về nhà. Cha nghĩ đã nhìn thấy gương mặt mẹ rạng rỡ hơn khá nhiều trong chuyến đi, cha yêu thích cái cách mẹ nằm ườn thoải mái trên chiếc giường khách sạn ở Perpignan, lật từng trang cuốn sách về lịch sử kiến trúc Pháp mà cha mua ở Paris. Tu viện này được xây dựng từ năm 1000, Helen nói, dù biết cha đã đọc xong cuốn đó. Đó là mẫu kiến trúc phong cách Roman cổ xưa nhất còn tồn tại ở châu Âu. ‘Cũng cổ xưa gần như cuốn Cuộc đời của Thánh George,’ cha thì thầm, nhưng ngay lúc đó mẹ gấp sách lại, mặt xịu xuống, vẫn nằm đó nhìn con, lúc đó đang chơi đùa trên giường bên cạnh, bằng ánh mắt trừng trừng khao khát.

“Helen cứ khăng khăng đòi chúng ta phải đi bộ lên tu viện, như những người hành hương. Từ thị trấn Les Bains, chúng ta leo lên con đường dốc vào một buổi sáng mùa xuân lành lạnh, cột áo len dài tay quanh thắt lưng khi cảm thấy người đã nóng lên. Helen để con trong một cái địu ở trước ngực, khi mẹ mệt thì đến lượt cha bồng con. Con đường mùa này rất vắng, chỉ có một người nông dân tóc đen, im lặng cưỡi ngựa vượt qua mặt chúng ta, cũng hướng lên trên. Cha bảo Helen hãy hỏi ông ta đi nhờ ngựa một đoạn, nhưng mẹ không trả lời; sáng hôm đó sự trầm uất đã trở lại với mẹ, cha lo âu và chán nản khi để ý thấy thỉnh thoảng những giọt nước mắt lại ứa đầy đôi mắt mẹ. Cha biết nếu cha lên tiếng hỏi han này nọ mẹ sẽ lại lắc đầu, gạt ngang, vì vậy cha đành bằng lòng vừa đi lên vừa bồng giữ con trong tay, âu yếm trỏ cho con thấy cảnh vật xung quanh mỗi khi đến một khúc quanh nào đó, những dải làng mạc và cánh đồng bụi mờ trải dài phía dưới. Ở đỉnh núi, con đường mở rộng thành một bãi đất rộng, vài chiếc xe cũ kỹ đang đậu ở đó, và chú ngựa của người nông dân - dường như vậy - được cột vào một gốc cây, dù không trông thấy anh ta đâu. Tu viện đứng sừng sững trên khu vực này, những bức tường đá nặng nề chạy đến tận đỉnh, chúng ta đi lên, băng qua cổng vào khuôn viên tu viện.

“Thời đó, tu viện Thánh Matthieu hoạt động khá sôi động so với bây giờ, và có lẽ cái cộng đồng mười hai hoặc mười ba con người ở đó đang tiếp tục cuộc sống như các bậc tiền nhân của họ từ một ngàn năm trước, có khác chăng là thỉnh thoảng họ phải đón tiếp các du khách và có xe riêng đậu ở bên ngoài. Hai tu sĩ dẫn chúng ta đi quanh những dãy hành lang cực kỳ tinh tế - cha vẫn còn nhớ mình đã sững sờ ra sao khi bước vào khoảng không gian thênh thang ở cuối khoảnh sân trong và nhìn thấy cái vực thẳm thẳng đứng lô nhô đá trồi ra, một vách đá sừng sững, bên dưới là những cánh đồng. Những ngọn núi xung quanh thậm chí còn cao hơn đỉnh núi mà tu viện tọa lạc, và trên những sườn núi xa xa cha có thể trông thấy những bức màn trắng xóa mà một lúc sau mới nhận ra chính là những dòng thác.

“Chúng ta ngồi một lát trên chiếc ghế dài gần vách núi, con ngồi ở giữa, trông ra bầu trời buổi trưa bao la và nghe tiếng nước róc rách trong bể nước khắc chạm bằng cẩm thạch đỏ ở giữa sân - chỉ có trời mới biết từ nhiều thế kỷ trước người ta đã vận chuyển bể nước kia lên đến đây bằng cách nào. Helen có vẻ vui vẻ trở lại, cha cũng vui khi nhận ra vẻ thanh thản trên gương mặt mẹ. Dù đôi lúc mẹ vẫn tỏ vẻ u sầu, nhưng chuyến đi này cũng đáng đồng tiền bát gạo.

“Sau cùng, Helen tỏ ý muốn thăm viếng tu viện kỹ hơn. Chúng ta lại cho con vào địu và bắt đầu rảo quanh đến tận gian bếp và nhà ăn dài nơi các tu sĩ vẫn đang dùng bữa, khu nhà ngủ tập thể với những chiếc giường xếp dành cho khách hành hương, và phòng viết - một trong những phần lâu đời nhất của quần thể, chắc hẳn đó là nơi nhiều bản thảo tuyệt vời đã được sao chép và giải mã. Có một bản thảo được trưng bày dưới lớp kính, một cuốn kinh Phúc âm Matthew mở ra đến một trang viền dọc hai bên bằng hình những con quỷ sứ nhỏ xíu lô nhô đẩy nhau xuống phía dưới. Helen mỉm cười trước cảnh đó. Nhà nguyện ở kế bên - nhỏ nhắn như tất cả mọi thứ trong tu viện, nhưng cân đối hài hòa, chìm hẳn vào trong đá; cha chưa bao nhờ nhìn thấy một công trình kiến trúc phong cách Roman nào thú vị và dễ chịu như vậy. Cuốn cẩm nang hướng dẫn cho biết phần vành cung bên ngoài của khu tụng niệm chính là khoảnh khắc hiện thân đầu tiên của phong cách kiến trúc Roman, ban đầu chỉ là một ứng biến để lấy ánh sáng cho bệ thờ. Trong các khung cửa sổ hẹp vẫn còn một số tấm kính có niên đại từ thế kỷ mười bốn, bệ thờ được trang trí chủ yếu bằng hai màu trắng đỏ, cùng những giá nến bằng vàng. Chúng ta yên lặng rời khỏi đó.

“Sau cùng, vị tu sĩ trẻ hướng dẫn cho biết chúng ta đã thăm viếng mọi nơi ngoại trừ khu hầm mộ, Helen và cha bước theo anh ta xuống đó. Đó là một cái hố nhỏ ẩm thấp nặng nề âm khí, tách biệt với khu hành lang, kiến trúc thật thú vị với một mái vòm xây kiểu Roman sơ khai được chống đỡ trên những cây cột thấp, to bè, và một cỗ quan tài đồ sộ bằng đá chạm trổ có từ thế kỷ đầu tiên, từ ngày có tu viện - là nơi an nghỉ của cha tu viện trưởng đầu tiên, vị tu sĩ hướng dẫn cho biết. Ngồi kế bên cỗ quan tài đá là một tu sĩ lớn tuổi đang chìm trong trầm tư mặc tưởng; khi chúng ta bước vào, ông ngẩng nhìn lên, ánh mắt hiền hậu và có phần bối rối, ông chỉ ngồi yên trên ghế và gật đầu chào chúng ta. ‘Đã nhiều thế kỷ qua, ở đây chúng tôi có truyền thống là một người trong chúng tôi phải ngồi với cha tu viện trưởng,’ vị tu sĩ hướng dẫn giải thích. ‘Thông thường, chỉ một vị tu sĩ cao niên có được vinh dự này.’