Nhóc Nicolas - Những chuyện chưa kể (Tập 2) - Chương 07 - 08

Chuyện tiếu lâm

TRONG GIỜ RA CHƠI, thằng Joachim đã kể cho chúng tôi nghe một chuyện tiếu lâm kinh khủng, mà chú Martial của nó, cái chú làm việc ở bưu điện ấy, đã kể cho nó nghe trong bữa ăn trưa. Đó là một câu chuyện rất buồn cười và tất cả chúng tôi đều cười lăn lộn, kể cả Clotaire, cái thằng sau đó đã bảo phải giải thích lại cho nó nghe. Joachim rất hãnh diện. Tôi cũng hài lòng hết ý, vì về nhà tôi sẽ kể lại chuyện tiếu lâm này, và tôi rất thích kể chuyện tiếu lâm ở nhà, nhất là khi câu chuyện ấy lại hay nữa; mỗi lần như vậy, bố mẹ đều cười rất nhiều, nhất là bố, thế nào tối nay cũng sẽ được một trận cười hết sảy.

Điều đáng tiếc là tôi cũng chẳng thuộc nhiều chuyện tiếu lâm lắm, mà thường thì mỗi lần kể, tôi hay quên mất đoạn kết của chuyện; nhưng lần này, câu chuyện buồn cười đến mức để khỏi quên nó, tôi tự mình kể đi kể lại nó suốt thời gian trong lớp, và may là cô giáo đã không gọi tôi, bởi vì tôi chẳng hề nghe những gì cô nói, mà cô giáo thì chẳng thích người ta không nghe cô.

Tan trường, thay vì nán lại một lúc với cả lũ, như chúng tôi vẫn làm thường lệ, đứa nào đứa nấy đều vội chạy về nhà, vì tôi nghĩ đứa nào cũng nóng lòng muốn kể chuyện kia cho cả nhà nghe. Tôi vừa chạy vừa cười, vì chỉ nghĩ đến bố mẹ sẽ cười là tôi đã thấy buồn cười rồi. Cái chuyện tiếu lâm của chú thằng Joachim đúng là buồn cười thật!

“Mẹ ơi! Mẹ ơi! Tôi gào lên khi vào trong nhà, con có chuyện tiếu lâm! Con có chuyện tiếu lâm!”

“Nicolas, mẹ bảo tôi, đã bao nhiêu lần mẹ nhắc con không được chạy ào vào nhà và rú lên như một đứa man dại rồi? Bây giờ đi rửa tay đi rồi chuẩn bị ăn lót dạ.”

“Thế còn chuyện tiếu lâm, mẹ!” tôi hét lên

“Con sẽ kể cho mẹ nghe trong bếp, mẹ trả lời tôi. Thôi nào, đi rửa tay đi!”

Thế là tôi đành đi rửa tay, không xoa xà phòng, như thế cho nhanh, rồi tôi lại chạy ào vào bếp.

“Xong rồi cơ à? Mẹ hỏi tôi. Thôi được, uống sữa và ăn bánh mỳ phết của con đi.”

“Thế còn chuyện tiếu lâm? Tôi hét lên. Mẹ đã hứa là con có thể kể cho mẹ nghe trong khi ăn cơ mà.”

Mẹ nhìn tôi, rồi mẹ bảo thôi được, thôi được, tôi kể cái chuyện tiếu lâm trứ danh ấy đi, nhưng tôi không được làm vụn bánh rơi xuống sàn. Thế là lập tức, vừa cười tôi vừa kể câu chuyện tiếu lâm, và khi kể chuyện tiếu lâm, tôi sốt ruột muốn kể nhanh đến đoạn cuối để cho mọi người cười, vì thế, tôi đã phải dừng lại nhiều lần để lấy hơi, và có một lúc tôi kể nhầm, nhưng tôi đã chữa lại, rồi cuối cùng mẹ bảo tôi: “Hay lắm, Nicolas. Giờ thì ăn nốt bữa lót dạ rồi đi lên làm bài.”

“Mẹ không buồn cười vì chuyện tiếu lâm của con,” tôi nói.

“Có chứ, có chứ, mẹ trả lời tôi, chuyện rất buồn cười. Con khẩn trương lên đi.”

“Không đúng, tôi nói. Mẹ không thấy buồn cười. Thế nhưng nó hay hết sảy đấy chứ. Nếu mẹ muốn, con kể lại cho mẹ nghe nhé.”

“Nicolas, thế là đủ rồi! Một lần cuối, mẹ nói với con là mẹ có buồn cười vì câu chuyện đó, mẹ hét lên. Nào, đừng có làm mẹ điếc tai nữa, không có mẹ cáu lên bây giờ!”

Thế này thì thật là bất công, tôi bắt đầu khóc, bởi đúng thế chứ sao nữa, việc gì phải mất công kể những chuyện tiếu lâm nếu như không có ai cười! Thế là mẹ bắt đầu nhìn trần nhà và lắc lắc đầu, mẹ thở dài một tiếng thật to, rồi mẹ bảo tôi:

“Nghe này, Nicolas, con sẽ không nhõng nhẽo với mẹ đấy chứ? Mẹ đã bảo con là mẹ có buồn cười rồi cơ mà. Mẹ cười bao nhiêu rồi còn gì. Đó là chuyện tiếu lâm hay nhất mà mẹ đã được nghe.”

“Thật không ạ?” Tôi hỏi.

“Dĩ nhiên là thật, Nicolas, mẹ đáp. Câu chuyện đó đúng là buồn cười, rất buồn cười.”

“Thế con có kể nó cho bố nghe, khi nào bố về chứ?” Tôi hỏi.

“Nhất định phải kể cho bố nghe, mẹ nói với tôi. Bố rất thích nghe các chuyện buồn cười, nhất là khi chúng còn hay như chuyện này nữa. Thôi nào, giờ thì con yêu của mẹ lên làm bài tập đi, và để cho cái nhà này được yên tĩnh một lát.”

Mẹ hôn tôi, rồi tôi lên làm bài tập. Nhưng tôi sốt ruột muốn kể câu chuyện tiếu lâm đó cho bố nghe quá. Vì thế, khi vừa nghe thấy tiếng mở cửa, tôi liền chạy ngay xuống nhà, tôi nhảy xổ vào vòng tay bố để hôn bố.

“Thôi nào, thôi nào! Bình tĩnh chứ, bố vừa nói vừa cười với tôi. Bố có đi chiến trận về đâu, chỉ là một ngày không mấy tốt đẹp ở cơ quan thôi!”

“Con có chuyện tiếu lâm kể cho bố nghe!” Tôi hét lên.

“Tốt lắm, bố đáp. Lát nữa con sẽ kể cho bố nghe nhé. Giờ bố sẽ vào phòng khách đọc báo.

Tôi theo bố vào phòng khách, bố ngồi xuống ghế phô-tơi, bố mở tờ báo ra, và tôi hỏi bố:

“Thế nào, con đã kể được cái chuyện tiếu lâm ấy được chưa?”

“Hả? bố nói. Đúng vậy, thỏ con của bố. Đúng vậy. Con sẽ kể cho bố nghe trong bữa tối nhé. Nhất định sẽ hay lắm đấy.”

“Không bữa tối đâu! Bây giờ cơ!” Tôi gào lên.

“Không được, Nicolas, không thể được, bố bảo tôi. Con có thể để bố yên một lát được không!”

Thế là tôi giậm chân xuống đất một phát, rồi tôi chạy ào lên phòng. Tôi nghe thấy tiếng bố bảo: “Ơ kìa, có chuyện gì thế không biết?”

Tôi đang khóc trên giường thì mẹ bước vào trong phòng: “Nicolas,” mẹ bảo tôi.

Tôi liền quay mặt vào tường. Mẹ bước đến ngồi xuống giường, mẹ vuốt tóc tôi.

“Nicolas, con yêu của mẹ, mẹ nói. Bố chưa hiểu đấy thôi, vì thế mẹ đã giải thích cho bố biết, và bây giờ thì bố rất nóng lòng muốn nghe chuyện cười của con. Bố sẽ cười ra cười.”

“Con sẽ không kể nó cho bố nghe đâu! Tôi hét lên. Con sẽ không kể cho ai nghe nữa hết, cả đời này không bao giờ kể nữa!”

“Thôi nào, mẹ nói, nếu đã như thế, mẹ sẽ đi kể cái chuyện tiếu lâm hay ấy vậy.”

“Không được! Không được! tôi kêu lên. Con kể cơ!”

Rồi tôi chạy xuống nhà, trong khi mẹ vừa cười vừa đi vào bếp. Trong phòng khách, vừa nhìn thấy tôi, bố liền đặt tờ báo lên đùi, bố nở một nụ cười tươi, và bố bảo tôi:

“Thế nào, chàng trai, lại đây kể cho bố nghe chuyện cười rất hay của con nào, để mình cùng cười vui một chút!”

“Thế này, tôi nói. Có một con hổ, nó đang dạo chơi, trong rừng nhà nó, ở châu Phi…”

“Không phải ở châu Phi, thỏ con của bố, bố bảo tôi. Ở Ấn Độ chứ. Hổ không sống ở châu Phi, mà ở Ấn Độ.”

Thế là tôi lại bắt đầu khóc, còn mẹ thì chạy vội từ trong bếp ra.

“Lại chuyện gì nữa thế?” Mẹ hỏi.

“Cái chuyện tiếu lâm ý! Tôi hét lên. Bố biết từ trước rồi!”

Rồi tôi vừa chạy lên phòng vừa khóc, còn bố và mẹ tôi thì cãi nhau, và trong suốt bữa tối, không ai nói chuyện với ai sất, vì tất cả mọi người đều dỗi.

Bố đang liên tục hấp hối

SÁNG NAY, tôi rất buồn, vì bố ốm kinh lắm: bố bị cảm cúm.

Bố đã gọi điện đến cơ quan để thông báo là bố sẽ không đến làm việc trong vài ngày, rồi sau đó bố nói với mẹ rằng nghỉ ngơi một chút cũng chẳng có hại gì cho bố, mẹ bảo bố rằng bố nói rất có lý và sức khỏe rất quan trọng.

Mẹ cũng bảo bố có thể nhân dịp này để sơn lại nhà để xe, nhưng bố bảo thực sự bố rất mệt, vì thế mẹ liền đáp: “Vâng, thôi đành vậy,” và dường như trông bố có vẻ khỏe hơn.

Vì hôm nay là thứ Năm và tôi không phải đến trường, mẹ dặn tôi phải ngoan và đừng có quấy rầy bố, vì bố cần được nghỉ ngơi. Tôi rất mừng vì có bố ở nhà, dù bị cảm cúm cũng được, và tôi tự nhủ sẽ chăm sóc bố thật kỹ.

Tôi cũng rất mừng vì tôi có một bài tập số học rất khó, mà bố lại tính toán giỏi hơn tôi. Nhưng khi tôi mang sách vở đến, bố lại nhất định không muốn giúp. Bố bảo hồi bố bằng tuổi tôi, bố toàn tự làm bài tập một mình và bố của bố chẳng bao giờ giúp bố cả, song điều đó cũng chẳng ngăn cản việc bố vẫn đứng đầu lớp và thành công trong cuộc sống, thế là tôi bắt đầu khóc. Mẹ chạy từ trong bếp ra để xem chuyện gì xảy ra và khi hiểu ra, mẹ liền nói với bố rằng bố cũng nên cố gắng giúp đỡ thằng bé một chút, thằng bé tức là tôi, và bố bảo rằng bố hấp hối đến nơi rồi mà cái gia đình này chẳng ai thèm để ý cả. Tôi không rõ hấp hối nghĩa là gì, tôi nghĩ điều đó có nghĩa là bố đang cảm cúm.

Tôi liền đi ra vườn để có thể tiếp tục khóc thầm lặng một chút, vì trong nhà bố và mẹ nói chuyện rất to tiếng, và chẳng ai còn nghe thấy gì nữa. Ông Blédurt, tức hang xóm nhà chúng tôi, nhìn thấy tôi khóc liền hỏi tôi có chuyện gì. Tôi liền bảo bác rằng bố tôi đang hấp hối và bố chẳng muốn làm bài giúp tôi. Ông Blédurt liền trở nên trắng bệch, ông ấy có vẻ sợ cảm cúm kinh lên được, nhưng tôi chẳng kịp có thời gian giải thích với ông ấy rằng bệnh hấp hối của bố cũng không nặng lắm, chỉ làm mũi bố đỏ ửng lên một chút, thì ông Blédurt đã nhảy qua hàng rào và bấm chuông cửa nhà tôi.

Khi mẹ ra mở cửa, ông Blédurt khóc. “Có còn hy vọng gì không? Ông ấy hỏi. Tại sao không báo cho tôi biết sớm? Thật khủng khiếp!”

“Anh bị làm sao thế?” bố từ trong phòng khách đi ra hỏi. Ông Blédurt liền thôi khóc, ông ấy nhìn bố, ông ấy nhìn tôi và ông ấy nổi cáu. “Tôi thấy cái trò đùa này thật là vớ vẩn, thế nào anh cũng sẽ bị quả báo!” ông Blédurt hét lên. “Anh có điên không thế?” bố hỏi. Thế là ông Blédurt liền bảo bố rằng bố không nên đùa với những chuyện như vậy, rằng thật là xấu hổ, và rằng, xét cho cùng, nếu có thế thật thì cũng chẳng thiệt hại gì ghê gớm. Rồi ông ấy nhảy qua hàng rào để trở lại vườn nhà ông ấy. “Anh ta chắc phải đi khám bác sĩ thôi.”, bố nói. Rồi bố bảo tôi đi vào nhà, bởi bố sợ rằng tôi cũng sẽ bị mắc bệnh hấp hối.

Vào nhà, mẹ bảo tôi rằng bố đã quyết định giúp tôi làm bài tập. Tôi và bố liền vào trong phòng khách và bố bắt đầu làm toán, những bài có hàng đống bể tắm và vòi nước, và tôi muốn giúp bố lắm, vì bố chẳng có vẻ gì là tìm ra được lời giải. Rồi mẹ đi vào, mẹ bảo bố rằng nếu đã thế, có lẽ bố cũng nên tính toán luôn các khoản của gia đình, vì đã lâu lắm rồi mọi thứ cứ dồn hết lại, và mẹ đang cầm đến một đống giấy tờ có đầy rẫy số má ở trên. “Tôi đến mù mắt với tất cả những của này mất thôi, bố nói, trong phòng khách này làm gì có đủ ánh sáng!” Mẹ đáp rằng bố nói đúng và bố phải sửa lại dây cắm đèn. Bố liền đấm một phát xuống các bài toán của tôi và bố bảo rằng không, rằng bố muốn nghỉ ngơi, và mẹ cãi nhau với bố.

Bố đang ngồi bệt dưới đất sửa dây cắm đèn thì chuông điện thoại reo. Bố đứng lên, bố nhấc điện thoại và nói: “Alô,” rồi bố hét và trong bếp: “Này, mẹ em đấy!” Mẹ em, chính là mẹ của mẹ, tức là bà ngoại tôi.

“Alô, mẹ à? Mẹ nói. Chào mẹ, vâng, anh ấy ở nhà… Không, chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ cúm nhẹ thôi… Không, chẳng cần gọi bác sĩ đâu… Sao cơ ạ? Ồ không, mẹ ạ, ông Caplouffe không phải qua đời vì cảm cúm, ông ấy chết vì bênh viêm phổi và ông ấy đã tám mươi chín tuổi… Khoan đã, để con ghi lại…” và rồi mẹ viết cái gì đó lên một tờ giấy rồi sau đó, giống như mỗi lần bà gọi điện đến, tôi cầm lấy điện thoại và tôi nói với bà rằng tôi khỏe, bà bảo với tôi rằng tôi là cục cưng yêu của bà, rồi bà bảo tôi hôn bà, thế là tôi liền hôn vào cái máy điện thoại nhà tôi, rồi bà cũng hôn vào cái máy điện thoại nhà bà. Tôi yêu bà ghê.

Khi tôi gác máy, tôi thấy bố có vẻ không vui. “Mẹ nói gì với em thế?” bố hỏi mẹ. “Mẹ bảo em cho anh uống thuốc Bogomotobol Vitamin, hình như hiệu quả lắm – Anh không nghi ngờ gì, bố nói, nhưng anh sẽ không xơi đâu!” Thế là mẹ bắt đầu khóc, mẹ bảo rằng tội nghiệp cho mẹ của mẹ, suy cho cùng, bà chỉ muốn tốt cho bố thôi, và mẹ sẽ đi về nhà mẹ của mẹ. Bố liền bảo: “Được, được, được,” và trong lúc mẹ đi mua thuốc ở nhà thuốc đầu phố, bố lại quay lại sửa tiếp cái dây cắm đèn tóe ra hàng đống tia lửa điện.

Mẹ đưa cho bố một thìa xúp thật to đầy thuốc và bố bảo: “Oẹ!” và vì bố không sửa được cái dây cắm đèn, bố quay lại thử các bài tập của tôi một lần nữa. Chắc cái thuốc kia phải tệ hại lắm, vì thỉnh thoảng bố lại kêu “ọe” và bố có vẻ còn mệt hơn cả lúc trước, khổ thân bố. Điều làm tôi thấy buồn cười, là đúng lúc bố đang bận giải quyết những cái vòi nước trong bài toán của tôi thì mẹ lại bảo bố cần phải giải quyết cái vòi nước trong bếp không đóng chặt được. Nhưng điều đó lại chẳng làm bố cười, bố vừa đi vào bếp vừa kêu “ọe”.

Bố quay trở lại phòng khách sau khi đã thay quần áo, vì bố đã bị ướt trong lúc tháo cái vòi nước ra, cái không thể đóng chặt được nhưng lại chảy rất khỏe. Mẹ bảo có lẽ phải gọi thợ nước đến, bởi vì bây giờ cái vòi còn chẳng đóng lại được tí nào. Bố có vẻ cực kì mệt, và tôi tự hỏi có phải bệnh cúm của bố đã tệ hơn cả lúc trước hay không.

Có tiếng nhấn chuông cửa, bố đi ra mở cửa và bà đi vào. Ôi, thật là một bất ngờ hết sảy! Mẹ và tôi, chúng tôi cùng ôm hôn bà, trong khi bố đứng im cạnh cửa và nhìn chúng tôi bằng một đôi mắt tròn xoe. “Đừng có tỏ ra ngạc nhiên như vậy, anh rể, bà nói, tôi đến chữa bệnh cho anh đây, tôi sẽ tiêm cho anh vài mũi. “Không! Bố kêu lên. Hãy dừng ngay lại với những mũi tiêm, hỡi kẻ giết người không dao!” Tôi sẽ phải hỏi mẹ giết người không dao nghĩa là gì mới được, song điều này có vẻ như chẳng làm vui lòng mẹ lẫn bà, và cả hai bắt đầu kêu lên cùng một lúc, mẹ bảo lần này thì mẹ quyết định rồi, mẹ sẽ đi về nhà mẹ của mẹ. Nhưng bà, thì bà lại chẳng hề có ý định đi về nhà bà, và bố cuối cùng đành phải chấp nhận những mũi tiêm.

Khi bố đi từ trên phòng xuống, cùng bà, bố có vẻ đi lại hơi khó khăn. Bà có vẻ rất hài lòng. “Rồi anh sẽ cảm thấy khỏe lên ngay lập tức thôi, bà nói, hiệu quả lắm đấy, mà nếu như anh đừng có cựa quậy thì có phải ánh sẽ không bị đau không. Dù sao đi nữa, sau bữa trưa, tôi sẽ làm giác hơi cho anh, hiệu nghiệm lắm!

Nhưng bà đã chẳng thể làm giác hơi cho bố, vì sau bữa trưa, bố đã đi đến cơ quan.

Bố bảo rằng tình trạng của bố không cho phép bố ở nhà được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3