Nhóc Nicolas - Những chuyện chưa kể (Tập 2) - Chương 05 - 06

Buổi chiếu phim

MẸ ĐÃ ĐỌC những gì cô giáo viết trong sổ liên lạc của tôi: “Tháng này Nicolas tương đối ngoan.”

“Phải thưởng cho nó mới được,” mẹ nói với bố. Thế là bố gõ nhẹ mấy cái lên đầu tôi và bảo: “Tốt lắm nhóc con của bố, tốt lắm nhóc con của bố” rồi bố lại quay lại đọc tờ báo. Thế nhưng mẹ lại bảo rằng như thế vẫn chưa đủ và rằng để động viên tôi thì bố sẽ phải đưa tôi đến rạp xem phim. Tôi mừng lắm, nhất là ở rạp chiếu phim đầu phố có tới tận sáu bộ phim hoạt hình và một bộ phim cao bồi có tên là Bí mật hầm mỏ bỏ hoang và trên tất cả các áp-phích người ta đều bảo rằng bộ phim này rất hay.

Nhưng bố lại chẳng muốn đi xem phim lắm. Bố thở dài đến hai hay ba lần và rồi bố bảo bố mệt lắm, bố đã làm việc cả tuần rồi và bố muốn ở nhà hơn. Mẹ trả lời bố rằng suy cho cùng thì có thể bố có lý và rằng nếu vậy bố có thể tranh thủ sơn lại nhà để xe vì việc đó cần kinh lên được. Bố liền gấp tờ báo lại và ngước mắt nhìn lên và với vẻ rất lạ, như kiểu bố sợ cái trần nhà sẽ rơi xuống đầu bố vậy. “Thôi được, bố nói, anh sẽ đi xem phim Bí mật hầm mỏ bỏ hoang.” Tôi ôm chầm lấy bố, còn mẹ thì cười rất tươi. Cả nhà cùng hài lòng.

Bữa trưa đối với tôi thật dài và tôi thấy không đói lắm. Bố và tôi mặc quần áo thật đẹp và cuối cùng thì chúng tôi cũng đã đến trước cửa rạp chiếu phim. Tới đây tôi nhận ra nhiều đứa bạn tôi cũng đang đứng chờ đến lượt vào xem phim. Thằng Geoffroy mặc một bộ quần áo cao bồi. Bố của Geoffroy rất giàu và bố nó mua cho nó đủ loại đồ chơi và các thứ. Thằng Geoffroy thích mặc các kiểu quần áo khác nhau tùy theo mỗi bộ phim. Lần trước có bộ phim nói về những tên lửa chuẩn bị bay lên mặt trăng và Geoffroy đã tới rạp chiếu phim trong trang phục sao Hỏa với một cái liễn thủy tinh ở trên đầu. Thậm chí đến giờ giải lao nó cũng chẳng bỏ ra để ăn kem. Cuối cùng, nó cảm thấy rất khó chịu trong cái liễn ấy của nó. Tôi cứ tự hỏi chẳng hiểu thằng Geoffroy sẽ ăn mặc như thế nào khi có phim về Tarzan. Thành con khỉ, chắc vậy.

Bố mua vé và chúng tôi vào trong rạp chiếu phim. Tôi rủ bố lên ngồi trên hàng ghế đầu tiên, ở đó có thể nghe được rõ nhất và hình ảnh trông có vẻ như dài ra. Bố không muốn thế, bố kéo tay tôi. Nhưng đèn đã tắt và cô hướng dẫn nói bố tôi phải quyết định ngồi chỗ này thôi vì cô ấy còn phải đi xếp chỗ cho những người khác nữa.

Trên hàng đầu, bố là người lớn duy nhất, bên cạnh bố là thằng bạn tôi, Alceste béo phị, lúc nào cũng ăn luôn mồm.

Cả sáu bộ phim hoạt hình đều chiếu xong. Đến giờ nghỉ giải lao, bố chỉ than phiền là bị đau đầu và nhức mắt.

Chúng tôi mua kem, một chiếc (sô-cô-la) cho tôi và một chiếc cho bố. Thằng Alceste mua tận bốn chiếc để có thể cầm cự được cho tới cuối phim.

Rồi đèn lại tắt đi lần nữa và bộ phim Bí mật hầm mỏ bỏ hoang bắt đầu. Thật là tuyệt! Có một người đàn ông mặc bộ đồ toàn đen, mặt bịt kín bằng một chiếc khăn đen và có một con ngựa đen. Ông ta giết chết một người thợ mỏ già và con gái của người thợ mỏ đó khóc lóc, rồi cảnh sát trưởng, mặc bộ đồ toàn trắng và không có khăn che mặt, đã thề sẽ tìm ra người đàn ông mặc đồ đen là ai. Cũng có cả một ông chủ nhà băng độc ác muốn chiếm lấy hầm mỏ sau cái chết của ông thợ mỏ.

Đúng lúc đó thì bố quay lại bảo với thằng bé ngồi sau lưng bố đừng có lấy chân đập vào sau ghế bố nữa. “Để cho thằng bé của tôi được yên!” một giọng nói thật to kêu lên trong bóng tối. “Tôi sẽ để nó yên nếu anh bảo nó đừng có lấy chân đá làm xương sống của tôi long ra mất bây giờ!” “Tôi làm long cái đầu của anh ra thì có, như vậy thằng bé nhà tôi sẽ được xem phim yên ổn! Ai bảo chen lên ngồi trên hàng đầu cơ chứ, đồ to đầu!” “Thế hả?” bố vừa nói vừa đứng lên. “Kem của cháu!” thằng Alceste hét lên. Trong khi đứng lên bố đã hất đống kem, mà thằng Alceste để trên thành ghế, đổ xuống quần áo bố (một chiếc vani và hai chiếc dâu tây). Mọi người kêu lên: “Trật tự!” và cả: “Đèn đâu?” Rồi ai nấy nghe thấy một tiếng nổ, đó là thằng Geoffroy đang bắn bằng những cây súng nhựa của nó. Alceste gọi cảnh sát trưởng ầm lên để đòi lại kem của nó. Cái ông giọng nói to ngồi trong bóng tối bảo rằng bố đã ăn kem của trẻ con. Tất cả mọi người đều thôi rồi là vui.

Thật tiếc, cô hướng dẫn đã chạy đến cùng với hai ông và chúng tôi phải ra ngoài. Alceste đi theo chúng tôi về đến tận nhà, nó muốn đòi lại chỗ kem bị dây ra quần áo bố. Bố có vẻ mệt mỏi.

Đêm hôm đó, tôi khát nước, và như thường lệ, tôi gọi bố để bố mang cho tôi một cốc nước. Nhưng chẳng thấy bố trả lời. Tôi liền đi xuống và nhìn thấy bố mặc bộ pyjama đang ngồi trong phòng khách.

Bố gọi điện đến rạp để hỏi xem có phải ông chủ nhà băng chính là người đàn ông vận đồ đen đã sát hại người thợ mỏ già hay không.

Sinh nhật của bố

HÔM QUA MẸ BẢO TÔI: “Ngày mai là sinh nhật bố. Mình sẽ có trò vui lắm nhé: mẹ con mình giả vờ quên, rồi đến tối, khi bố ở cơ quan về, mình sẽ làm cho bố bất ngờ, mình sẽ tặng quà cho bố và ông Blédurt sẽ mang rượu sâm banh đến. Chính ông Blédurt đã nghĩ ra như thế đấy.”

Thế là, sáng hôm nay, đúng như mẹ đã dặn, tôi chẳng chúc mừng sinh nhật bố. Trong khi chúng tôi đang ăn sáng, bố nhìn lịch; bố nói: “Hôm nay đúng ra là ngày bao nhiêu ấy nhỉ?” Rồi lại bảo: “Chẳng ai trẻ lại bao giờ,” rồi bố hỏi mẹ hôm nay có gì đặc biệt không. Mẹ trả lời rằng không và mẹ hỏi bố có uống thêm một ít cà phê không. Bố đứng lên, bố bảo bố rất vội và bố bỏ đi. Bố có vẻ không hài lòng mấy.

Khi bố đi rồi, mẹ mới bắt đầu cười. “Đến tối bố sẽ ngạc nhiên lắm, mẹ nói, vì bố nghĩ chúng ta đã quên mất hôm nay là sinh nhật bố!” Thế rồi mẹ cho tôi xem món quà mẹ đã mua cho bố: một cái cà vạt hết ý. Mẹ thường có những ý tưởng thật kinh khủng! Mà cái cà vạt mới tuyệt vời làm sao: vàng tuyền, có cả những bông hồng nhỏ bên trên. Mẹ rất hay mua cà vạt cho bố, nhưng hầu như bố chẳng bao giờ đeo chúng. Chúng đẹp đến nỗi bố sợ sẽ làm chúng bẩn.

Mẹ bảo tôi cũng phải mua cho bố một món quà. Vì thế trước khi đến trường, tôi lên gác để xem có bao nhiêu trong ống tiết kiệm, vì tôi đã để dành tiền định mua một cái máy bay, sau này khi tôi lớn. Nhưng tuần trước tôi có hàng đống thứ phải mua và tôi chẳng còn lại nhiều lắm, chẳng đủ để mua cho bố cái tàu hỏa chạy điện mà chúng tôi cùng thích.

Ở trường, vì tôi rất sốt ruột chờ đến giờ về nhà dự tiệc, nên mãi mà vẫn thấy chẳng hết ngày. Trên đường về, tôi mua quà cho bố: một gói kẹo ka-ra-men màu đỏ. Tôi đã tiêu hết sạch tiền, nhưng bố sẽ vui lắm đây. Với cái cà vạt của mẹ và kẹo ca-ra-men của tôi, bố sẽ có một ngày sinh nhật hết sảy.

Khi tôi về đến nhà, ông Blédurt đang đậu xe ô tô trước cửa nhà tôi. Ông Blédurt là hàng xóm nhà tôi; ông rất thích trêu chọc bố, nhưng ông ấy cũng rất quý bố; bằng chứng là chính ông ấy đã nghĩ ra chuyện làm cho bố bất ngờ. “Bác vừa mới mua đèn màu, ông Blédurt nói với tôi; cầm cái gói này cho bác, bác sẽ mang mấy chai sâm banh.” “Anh thật quá tốt bụng, anh Blédurt ạ,” mẹ nói khi chúng tôi bước vào nhà. “Tôi sẽ trang trí trong phòng ăn, ông Blédurt nói, các vị nhớ báo cho tôi biết đấy nhé.” Ông Blédurt thật là hay, và rượu sâm banh cũng tuyệt, nhất là khi bật nắp, bùm!

Ông Blédurt đi lấy thang và ông ấy bắt đầu mắc các bóng đèn màu vào đèn chùm. Những bóng đèn màu thật đẹp với giấy bạc bao quanh như giấy bọc ngoài kẹo sô-cô-la, nhưng ông Blédurt làm chẳng ra sao cả. “Thế nào bác cũng ngã cho mà xem, bác Blédurt ạ.” Tôi nói với ông ấy. “Cháu đúng là con của bố cháu, ông Blédurt nói. Đưa kéo cho bác đi, thay vì đứng đó nói linh tinh.” Ông Blédurt cúi người xuống và tôi chỉ kịp nhảy phóc sang một bên trước khi ông ấy ngã xuống. Nhưng ông ấy không bị đau nhiều, chỉ ở đầu gối thôi. Sau một lúc kêu “ôi, ôi,” ông Blédurt lại trèo lên thang và cuối cùng thì cũng trang trí xong phòng ăn. “Không tồi, nhỉ?” ông Blédurt vừa hỏi vừa xoa đầu gối. Ông ấy rất tự hào về bản thân và ông ấy có lý; phải nói là trông đẹp hết sảy, với đèn màu bọc giấy bạc sô-cô-la và những chai rượu sâm banh trên bàn.

“Coi chừng! mẹ kêu lên. Anh ấy kia rồi!” Tôi nhìn qua cửa sổ và đúng là bố đang tìm cách đậu xe ở phía sau xe của ông Blédurt. Vì chỗ đó không còn rộng lắm nên chúng tôi có thêm một chút thời gian để chuẩn bị tạo bất ngờ. “Được rồi, ông Blédurt nói, chị và Nicolas sẽ ra đón anh ấy ở cửa, cứ coi như mọi chuyện bình thường. Còn tôi sẽ ở trong phòng ăn, hai người đưa anh ấy vào và tất cả chúng ta sẽ cùng kêu: “Ngạc nhiên chưa!” rồi: “Chúc mừng sinh nhật!” nhé. Rồi hai người đưa quà cho anh ấy và chúng ta sẽ uống sâm banh của tôi. Đồng ý không?” “Đồng ý,” mẹ nói. Tôi nhét gói kẹo ca-ra-men vào túi để bố khỏi nhìn thấy ngay; mẹ giấu chiếc cà vạt sau lưng, ông Blédurt tắt đèn trong phòng ăn. Có lẽ vì thế mà ông ấy đã bị đụng trong bóng tối và chắc cũng chính là cái đầu gối ban nãy vì ông ấy lại bắt đầu kêu “ôi, ôi” như lúc bị ngã. Mẹ bảo ông ấy đừng có kêu to vì nếu không bố sẽ nghe thấy vì bố sẽ bước vào bất cứ lúc nào.

Mẹ và tôi đứng chờ trước cửa nhưng hóa ra lại lâu hơn chúng tôi tưởng. Tôi sốt ruột lắm. “Con đứng yên đi, mẹ bảo tôi, lần này thì bố vào rồi kia kìa!”

Bố mở cửa ra và bước vào, trông mặt bố chẳng có gì là vui vẻ cả. Không một chút nào. “Thật không thể chấp nhận được! Cái lão bụng đầy mỡ Blédurt đã đỗ cái bình cà phê cũ rích của lão ta ngay trước nhà mình, trong khi lão cũng có ga-ra đấy chứ! Anh đã phát ngấy cái lão trơ trẽn đó rồi!” Mẹ đưa mắt nhìn về phía phòng ăn; mẹ có vẻ rất lo ngại. “Cưng ơi, im đi nào, anh Blédurt…” “Cái gì anh Blédurt? Bố hét lên, anh Blédurt thì làm sao?” Đúng lúc đó, ông Blédurt từ trong phòng ăn bước ra, mỗi chai sâm banh cắp dưới một bên nách; ông ấy cũng có vẻ cáu. “Cái ô tô của tôi, ông Blédurt nói, không phải là cái bình cà phê cũ rích; tôi không phải là một lão bụng đầy mỡ; tôi mang sâm banh về; còn về sự bất ngờ, anh cứ đi mà hồi tưởng và chính anh sẽ phải trả bác sĩ tiền khám chân cho tôi.” Rồi ông Blédurt mang rượu khập khiễng bỏ đi. Đúng thật là ông ấy vẫn bị đụng cùng một bên đầu gối.

Bố tròn xoe mắt và bố còn há miệng cứ như bố đã nuốt phải cái gì đấy rất to. “Chúc mừng sinh nhật! Ngạc nhiên chưa!” tôi hét lên. Tôi không thể chịu được nữa, và tôi đưa cho bố gói kẹo của tôi. Nhưng còn mẹ, thay vì đưa cái cà vạt cho bố, mẹ lại ngồi xuống một cái ghế phô-tơi và bắt đầu khóc; mẹ bảo rằng mẹ thật là bất hạnh, rằng mẹ của mẹ đã nói rất đúng và rằng nếu không có thằng bé thì mẹ đã quay trở về nhà mẹ của mẹ từ lâu rồi. Bố đứng sững người với gói kẹo ca-ra-men trong tay và bố nói: “Nhưng anh, nhưng anh…” Thấy mẹ vẫn tiếp tục không vui, bố liền kéo tôi vào trong phòng ăn: “Cuộc sống phức tạp lắm, con trai ạ,” bố bảo tôi, rồi chúng tôi cùng ăn kẹo dưới ánh đèn màu bọc giấy sô-cô-la của ông Blédurt.

Nhưng, ngày hôm sau, tất cả đều đã ổn thỏa và sinh nhật của bố cuối cùng cũng trôi qua mĩ mãn: bố đã mua một quà rất đẹp cho mẹ.