Nhóc Nicolas - Những chuyện chưa kể (Tập 2) - Chương 11 - 12

Chuyến du ngoạn Tây Ban Nha

ÔNG BONGRAIN MỜI CHÚNG TÔI ĐẾN ĂN ĐIỂM TÂM tại nhà ông ấy chiều nay. Ông Bongrain làm kế toán ở cơ quan của bố. Ông ấy có vợ là bà Bongrain và có một con trai tên là Corentin, cái thằng trạc tuổi tôi và khá được. Khi chúng tôi đến, bố, mẹ và tôi, ông Bongrain bảo chúng tôi rằng ông ấy có một bất ngờ dành cho chúng tôi và rằng sau khi chúng tôi dùng trà, ông ấy sẽ cho chúng tôi xem những bức ảnh màu mà ông ấy đã chụp trong chuyến đi nghỉ ở Tây Ban Nha.

“Tớ vừa mới nhận được chúng hôm qua, ông Bongrain nói. Những bức ảnh đấy rửa lâu ra phết; toàn là ảnh âm bản phải chiếu lên màn hình mới xem được, nhưng rồi các vị sẽ thấy, hầu như ảnh nào cũng được.”

Còn tôi, tôi thấy thích, vì xem ảnh chiếu lên màn hình thì thật là thú, không thú bằng xem phim, như cái phim tối nọ tôi đi xem cùng với bố, có hàng lũ toàn cao bồi là cao bồi, nhưng dù sao cũng vẫn thú.

Bữa điểm tâm thật ngon; có hàng đống bánh ga tô nhỏ, và tôi được một cái có dâu tây, một cái có dứa, một cái có sô-cô-la, một cái có hạnh nhân và tôi không thể ăn thêm một cái xơ-ri, bởi vì mẹ bảo nếu cứ tiếp tục ăn thì có thể tôi sẽ sinh bệnh. Điều này làm tôi ngạc nhiên, vì thông thường, xơ-ri có bao giờ làm tôi bệnh tật gì đâu.

Uống trà xong, ông Bongrain liền mang ra cái máy dùng để xem ảnh cùng với một cái màn hình chiếu phim trông sáng loáng và hết sảy. Bà Bongrain kéo hết rèm cưa lại để trong phòng thật tối, còn tôi thì giúp thằng Corentin xếp ghế trước màn hình. Sau đó, tất cả chúng tôi cùng ngồi xuống, chi trừ ông Bongrain là ngồi sau cái máy với những chiếc hộp đựng đầy ảnh; chúng tôi tắt đèn đi và buổi chiếu bắt đầu.

Bức ảnh đầu tiên mà chúng tôi xem, màu sắc đẹp cực, đó là cái ô tô của ông Bongrain, với một nửa bà Bongrain.

“Cái này, ông Bongrain nói, là bức ảnh đầu tiên tớ chụp vào hôm khởi hành. Căn không được chuẩn lắm, vì tớ hơi lúng túng. Tốt nhất là chẳng nên nhắc đến nó làm gì.”

“Ngược lại, phải nhắc chứ, bà Bongrain nói. Em vẫn còn nhớ cái hôm khởi hành ấy! Giá các vị nhìn thấy Hector nhỉ! Anh ấy cáu bẳn đến nỗi gần như quát tháo tất cả mọi người! Nhất là anh ấy đã túm cả Corentin với lý do thằng bé khiến cho chúng tôi bị trễ!”

“Nhưng em cũng phải công nhận rằng, ông Bongrain nói, cái thằng con trai ngốc nghếch của em đã loay hoay thế nào rồi đánh mất đôi dép xăng-đan, rồi tại nó mà suýt nữa chúng ta đã chẳng đến kịp Perpignan để nghỉ lại như dự tính!”

“Ôi dào, bà Bongrain nói, xem những bức ảnh này lại khiến em nhớ đến cuộc khởi hành ấy… Thật không thể tin được! Các vị hãy mường tượng…”

“Không, để đấy anh kể!” ông Bongrain vừa kêu lên vừa cười.

Rồi ông ấy kể cho chúng tôi nghe rằng trong khi thằng Corentin khóc lóc và bà Bongrain khó chịu, ông ấy đã khởi động xe thật nhanh mà chẳng nhìn xem có ai đang qua đường không. Và đã có một chiếc xe cam-nhông từ bên phải trờ tới và ông Bongrain chỉ vừa kịp phanh kít lại, song vẫn bị sượt một phát bên sườn xe.

“Cái gã lái xe cam-nhông ấy chửi bới đến nỗi, ông Bongrain vừa kể vừa dụi mắt, tất cả hàng xóm đều chạy ra cửa xem chuyện gì xảy ra!”

Khi tất cả chúng tôi đã ngừng cười, ông Bongrain cho chúng tôi xem bức ảnh chụp một nhà hàng.

“Các vị thấy cái nhà hàng này chứ! Ông Bongrain bảo chúng tôi. Nhớ nhé, đừng bao giờ đến chỗ này! Bẩn kinh khủng! Và lại còn đắt cắt cổ nữa chứ!...”

“Các vị có tin không, bà Bongrain giải thích, gà thậm chí còn chưa chín! Mà lại còn chẳng non nữa! Cái bữa ẩm thực đầu tiên của chúng tôi ấy, thành công tệ! Thật hãi hùng!”

Sau đó, chúng tôi xem cái gì đó như một đám mây.

“Cái này, ông Bongrain nói, là ảnh thằng Corentin chụp tôi đấy! Mà tôi đã bảo nó đừng có xê dịch máy rồi đấy!”

“Úi giời, bà Bongrain nói, anh hét lên với nó đúng lúc nó chuẩn bị bấm nút, tất nhiên là nó phải nhảy dựng lên!”

“Cậu có tưởng tượng được không? Ông Bongrain nói với bố, bọn tớ đã tiếp tục lên đường trong khi thằng Corentin cứ khóc như một con nghé và Claire làm mặt giận với tớ suốt… Ối chà! Nhất định là tớ sẽ nhớ mãi!”

Thế rồi chúng tôi thấy một bức ảnh lớn chụp mặt thằng Corentin đang cười.

“Cái này là tôi chụp đấy, bà Bongrain giải thích với chúng tô, trong lúc Hector đang sửa lốp xe. Đấy là lần đầu tiên thủng lốp xe.”

Ông Bongrain chuyển sang một bức ảnh chụp khách sạn. Hình như đó là một cái khách sạn, ở Perpignan, nơi không nên đến vì chỗ đó chẳng tốt tẹo nào. Đó không phải là cái khách sạn mà ông Bongrain định dừng chân, song tại bà Bongrain, tại thằng Corentin và mấy lần thủng lốp xe nên họ đến muộn, và tất cả các khách sạn ở Perpignan đều đã hết chỗ.

Rồi chúng tôi được xem một con đường với hàng đống hố.

“Đây, ông bạn ạ, ông Bongrain nói với bố, là đường ở Tây Ban Nha đấy. Không thể tin được; ở trong nước mình cứ than phiền, nhưng sang đến nước họ mới thấy hóa ra ở nước mình cũng không đến nỗi tệ. Hay nhất là lúc nói với họ như vậy, họ lại còn phật lòng! Trong khi đó tớ đã bị nổ lốp xe đến ba lần!”

Rồi chúng tôi lại xem một bức ảnh thằng Corentin cười nữa.

Màn hình chuyển sang tuyền màu lam và ông Bongrain giải thích với chúng tôi rằng đó là bầu trời Tây Ban Nha, và rằng ở đó lúc nào trời cũng xanh không một gợn mây như vậy, rằng thật là tuyệt vời.

“Chỉ cần nhìn lại cái bầu trời tuyệt vời đó của anh là em đã thấy khát nước, bà Bongrain nói. Trời nóng mới khiếp chứ!... Còn ở trong xe hả, đơn giản là như ngồi trong một cái lò nướng!”

“Anh nghĩ tốt nhất em không nên nhắc lại cái đoạn đó, ông Bongrain nói. Chỉ chúng ta biết với nhau thôi thì hơn.” Rồi ông Bongrain giải thích với chúng tôi rằng bà Bongrain và con trai của bà ấy thật khó chịu, vì cứ đi một tí là họ lại đòi dừng lại để uống cái gì đó và rằng nếu ông ấy cứ dỉn dỉn mà di nghe theo những yêu cầu ấy thì khéo giờ này họ vẫn còn đang ở Tây Ban Nha.

“Dào ôi! Bà Bongrain đáp, chẳng hiểu chạy nhanh thì để làm gì cơ chứ! Sau khi chụp bức ảnh này, chạy được hai cây số thì xe lại bị hỏng và phải đến tối mới thấy người sửa xe ô tô đến!”

Và ông Bongrain cho chúng tôi xem bức ảnh chụp người thợ sửa xe đang cười.

Rồi chúng tôi xem hàng đống ảnh chụp một bãi biển nơi chẳng nên đến vì có quá đông người, nơi mà ông Bongrain đã bị cháy nắng đến nỗi phải gọi cả bác sĩ đến, một bức ảnh bác sĩ cười, một bức ảnh chụp cái nhà hàng đã khiến bà Bongrain bị đau bụng và dầu ăn và một bức khác đầy những ô tô trên đường.

“Khủng khiếp, chuyến đi về ấy! Ông Bongrain nói. Các vị có nhìn thấy tất cả lũ xe cộ này không?” Đấy, cứ thế này cho đến tận biên giới! Kết quả: khi chúng tôi về đến Perpignan, chỉ duy nhất cái khách sạn đáng ghét kia là còn chỗ! Mà tất cả là do lỗi của cái thằng ngốc này! Tôi đã muốn đi sớm cho khỏi tắc đường rồi, thế mà…

“Không phải lỗi của con! Thằng Corentin cãi.”

“Ái dà! Đừng có mà lại bắt đầu nhé, Corentin! Ông Bongrain quát lên. Con có muốn bố đuổi con lên phòng ngay trước mặt bạn Nicolas không hả? Như ở Alicante ấy?”

“Muộn rồi, mẹ nói. Ngày mai phải đi học, chúng ta phải về thôi.”

Trong khi tiễn chúng tôi ra cửa, ông Bongrain hỏi bố có bao giờ chụp ảnh khi đi nghỉ hè không. Bố trả lời không, rằng bố chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó.

“Anh lầm rồi, bà Bongrain bảo bố, ảnh lưu lại những kỷ niệm tuyệt vời lắm!”

Trò chơi ô chữ

TÔI RẤT THÍCH Ở NHÀ với bố và mẹ ngày Chủ nhật, khi trời mưa, trừ phi tôi chẳng có việc gì hay để làm; những lúc đó tôi thấy buồn, tôi trở nên khó chịu và việc này thường sinh ra hàng đống chuyện.

Chúng tôi đang ngồi trong phòng khách; bên ngoài trời mưa kinh khủng, bố đọc sách, mẹ khâu vá, đồng hồ kêu “tích tắc” và tôi ngồi xem một quyển tạp chí với những câu chuyện hay tuyệt, với hàng đống cướp, cao bồi, phi công và hải tặc, hết sảy. Thế rồi tôi đọc xong quyển tạp chí và tôi hỏi:

“Thế bây giờ con làm gì?”

Bởi chẳng thấy ai trả lời, tôi nhắc lại:

“Thế nào, con làm gì bây giờ, hả? Con làm gì bây giờ? Con làm gì bây giờ?”

“Đủ rồi, Nicolas!” Mẹ nói.

Thế là, tôi nói rằng như thế này thật bất công, rằng tôi chẳng có việc gì để làm cả, rằng tôi chán lắm và rằng chẳng ai yêu tôi sất, rằng tôi sẽ bỏ đi và rằng người ta sẽ tha hồ mà nhớ tiếc tôi, rồi tôi liền giậm chân một phát xuống thảm.

“Ồ! Không, Nicolas! Bố quát lên. Không phải con lại giở trò đấy chứ? Con cứ việc đọc quyển tạp chí của con, có vậy thôi!”

“Nhưng con đã đọc xong nó rồi,” tôi nói.

“Vậy thì con cứ việc đọc một quyển khác,” bố bảo tôi.

“Con không thể, tôi giải thích; con đã đổi các tạp chí cũ của con để lấy bi của thằng Joachim.”

“Nếu vậy thì con chơi bi đi, bố nói. Về phòng con ấy.”

“Nhưng cái thằng Maixent ăn gian bẩn thỉu nó đã thắng hết bi của con mất rồi, tôi nói. Lúc ở trường ý.”

Bố đưa tay lên vuốt mặt, và rồi bố nhìn quyển tạp chí của tôi vẫn còn để mở trên thảm.

“Này, bố nói, trong tạp chí của con có trò chơi ô chữ đấy! Cái đó hay lắm! Con cứ việc chơi trò ô chữ đó, vừa thú vị lại vừa bổ ích.”

“Nhưng con có biết chơi trò ô chữ đó đâu,” tôi đáp.

“Vậy thì càng nên học, bố trả lời tôi. Rồi bố sẽ giúp con. Rất đơn giản: con đọc định nghĩa, con đếm số ô trống và con điền cái từ tương ứng vào. Đi lấy một cái bút chì ra đây.”

Thế là tôi liền chạy vội đi, và khi tôi quay trở lại, bố đang nói với mẹ: “Còn gì mà mình không làm để được yên thân nữa đây!” rồi cả hai cùng cười. Thế là tôi cũng cười theo. Điều này cực hay đối với chúng tôi, khi chúng tôi cùng ở nhà vào những ngày Chủ nhật trời mưa, chính là cả nhà đều hòa thuận hết sảy. Khi chúng tôi cười xong, tôi nằm bò ra thảm, ngay trước ghế phô-tơi của bố, và tôi bắt đầu chơi trò ô chữ.

“Hoàng đế nước Pháp, tôi đọc, bị bại trận ở Waterloo, tám chữ cái.”

“Napoléon, bố bảo tôi, miệng nở nụ cười rất tươi.”

“Thủ đô nước Pháp, tôi nói, năm chữ cái.”

“Paris,” bố bảo tôi.

Rồi bố cười. Biết được tất cả mọi thứ như vậy thật là hết sảy! Chỉ đáng tiếc là cái đó chẳng ích lợi gì đối với bố cả, vì bố có đến trường nữa đâu. Vì nếu bố mà đến trường, chắc bố sẽ đứng đầu lớp, chứ không phải cái thằng Agnan cục cưng bẩn thỉu kia, như thế mới là chuẩn. Và nếu bố học cùng lớp thì hết sảy, vì cô giáo sẽ chẳng bao giờ dám phạt tôi.

“Vật nuôi trong nhà, tôi nói. Nó có móng và kêu meo meo, ba chữ cái.”

“Mèo, bố đáp, bố đặt cuốn sách đặt trên đùi, và bố có vẻ thích thú chẳng kém gì tôi.”

Bố tôi đúng là kinh khủng!

“Một loại cây hoa nhỏ mọc ở vùng Midi, mười hai chữ cái,” tôi nói

Bố không trả lời ngay lập tức. Bố gãi đầu, bố nghĩ ngợi, và rồi bố bảo tôi rằng bố biết từ đó là gì nhưng chưa nhớ ra, rằng nhất định bố sẽ nhớ ra ngay thôi, và rằng tôi đọc cho bố nghe định nghĩa từ tiếp theo.

“Một loại cây thuộc họ hai lá mầm, mười lăm chữ cái,” tôi đọc.

Bố cầm lại cuốn sách và bố bảo tôi:

“Thôi, Nicolas, bây giờ con chơi một mình một lát đi. Để cho bố được yên tĩnh đọc sách.”

Thế là tôi bảo tôi không muốn chơi một mình; nhưng bố liền quát lên rằng bố muốn có chút yên ổn trong cái nhà này, và rằng nếu không muốn bị phạt thì tốt nhất là nên ngồi yên một chỗ, và rằng tôi sẽ chẳng bao giờ tiếp thu được gì nếu như tôi cứ nhờ người khác giải hộ trò chơi ô chữ. Tôi thấy bố có vẻ cáu kinh lên được và đây chẳng phải là lúc nên giở trò, nhất là trước bữa ăn lót dạ, bởi vị mẹ đã chuẩn bị một cái bánh mứt táo ác liệt.

Thế là tôi tiếp tục giải ô chữ một mình. Lúc đầu cũng tạm được vì toàn từ dễ: một loại linh dương ở Nam Phi, hai chữ cái, đương nhiên là “Bê”; đối với từ “Cập bến”, tôi biết ngay là “Tàu thủy”, nhưng có điều bực mình là người ta đã nhầm lẫn khi đặt các ô chữ, người ta đã cho thêm hàng đống ô trống. Thành ra tôi đành phải viết thật to, như thế cũng tạm ổn; rồi một dòng chảy nhỏ, tôi biết đó là suối, nhưng vì nó chỉ có mỗi hai ô trống, thành thử tôi chỉ có thể viết “Su”, mặc kệ. Thế rồi họ lại bắt đầu với những từ khó, và tôi đành phải hỏi bố lần nữa:

“Con vật có bộ lông màu nâu đen rất đắt tiền, mười chữ cái?”

Bố liền đặt cuốn sách xuống đùi, và bố trợn mắt nhìn tôi:

“Nicolas, bố nói, bố tưởng bố đã nói với con là…”

“Hắc-điêu-thử,” mẹ bảo tôi.

Bố ngồi yên há hốc miệng và bố quay đầu về phía mẹ, còn mẹ vẫn tiếp tục khâu. Rồi bố ngậm miệng lại và bố có vẻ không hài lòng.

“Anh nghĩ, bố nói với mẹ, chúng ta cần phải thống nhất với nhau trong cách dạy dỗ trẻ con.”

“Tại sao? Mẹ hỏi, vẻ rất ngạc nhiên; em đã làm gì cơ chứ?”

“Hình như anh đã nói, bố đáp, là tốt nhất thằng bé nên tự giải ô chữ một mình. Có thế thôi.”

“Còn em, mẹ nói, em cảm thấy anh quá quan trọng hóa vấn đề cái chuyện ô chữ này! Em chỉ đơn giản là muốn giúp thằng bé thôi, em thấy chẳng có hại gì ở đây cả!”

“Không phải chỉ vì tình cờ em biết được tên con vật có bộ lông quý đó mà…”

“Đúng thật là tình cờ nên em mới biết được tên con vật hắc-điêu-thử, mẹ vừa nói vừa cười như kiểu mỗi lần mẹ tức; chứ chỉ với mấy cái áo lông mà người ta tặng cho từ hồi cưới đến giờ thì em làm sao có thể trở thành chuyên gia được.”

Thế là, bố đứng dậy, bố bảo hoan hô, ôi trời ơi, thế ra đó là tất cả những gì người ta ghi nhận được ở bố, ở cái người vẫn phải làm việc nặng nhọc, cái người vẫn đổ mồ hôi sôi nước mắt để chúng tôi không bị thiếu thốn thứ gì, và thậm chí bố còn chẳng có quyền có được một chút yên ổn ở trong chính căn nhà này. Còn mẹ bảo bố rằng mẹ của mẹ đã nói rất đúng, và tôi đã bị đuổi về phòng để giải nốt các ô chữ.

Tôi vừa mới kịp tô đen tất cả các ô trống còn thừa trong ô chữ của tôi thì mẹ gọi tôi xuống ăn bữa lót dạ.

Ngồi vào bàn, chẳng ai nói chuyện, à khi tôi định lên tiếng thì mẹ liền bảo tôi im lặng và ăn hết đi. Thật đáng tiếc, tôi rất muốn cho bố mẹ xem cái ô chữ đã hoàn thành của tôi.

Bởi lẽ đúng là cái trò ô chữ thật là bổ ích! Chẳng hạn như, chính các bạn liệu có biết rằng con “Xmplf” là một loại động vật có vú thường gặp ở nông thôn, nó kêu “ò ò” và cung cấp cả sữa cho chúng ta?