Nhóc Nicolas - Những chuyện chưa kể (Tập 2) - Chương 31 - 32
Từ bậy
TRONG GIỜ RA CHƠI, chiều nay, thằng Eudes đã nói một từ bậy.
Những từ bậy bạ, ở trường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nói, nhưng cái từ đó chúng tôi không biết.
“Chính anh tao nói sáng hôm nay đấy,” thằng Eudes giảng giải cho chúng tôi.
Anh ấy là một sĩ quan. Anh ấy đang ở nhà nghỉ phép; anh ấy đang cạo râu thì bị xước một cái và anh ấy đã nói bậy.
“Anh mày không phải là sĩ quan, thằng Geoffroy nói. Anh ta chỉ đi làm nghĩa vụ quân sự và làm lính; thế nên đừng có mà làm tao phải phì cười.”
“Anh ấy hoàn toàn là sĩ quan,” thằng Eudes nói.
“Nói cho khỉ nó nghe,” thằng Geoffroy nói.
Thế là thằng Eudes văng cái từ bậy ra với thằng Geoffroy.
“Thử nhắc lại xem,” Geoffroy nói.
Eudes nhắc lại cái từ bậy. Geoffroy đáp lại Eudes cũng bằng cái từ bậy đó, bọn chúng nó ẩu đả, thế rồi chuông reo lên.
“Đúng vào cái lúc đang vui thì,” thằng Rufus nói.
Và nó phun ra cái từ bậy.
Khi tôi tan học về nhà, mẹ đang ở trong bếp. Tôi chạy ùa vào, và tôi kêu lên:
“Mẹ, con đây!”
“Nicolas, mẹ bảo tôi, đã bao nhiêu lần mẹ yêu cầu con không được chạy huỳnh huỵch vào đây rồi hả? Bây giờ thì ăn bữa lót dạ rồi đi làm bài tập. Mẹ đang bận việc.”
Trong lúc tôi uống cà phê và ăn bánh mì phết, tôi thấy thứ mẹ đang nấu nướng là… đùi cừu. Tôi thì thích đùi cừu thôi rồi, ngon kinh khủng, nhất là khi không có khách khứa, bởi vì như thế thì tôi chắc chắn sẽ được xơi một nửa chỗ thịt đầu bắp.
“Thích thật, đùi cừu!” tôi nói.
“Ừ, mẹ nói. Chính bố yêu cầu mẹ phải làm một cái cho bữa tối, với thật nhiều tỏi. Bố sẽ thích lắm đây.”
Bố ấy à, cũng thích đùi cừu ngang với tôi, và chúng tôi luôn luôn chia nhau chỗ thịt đầu bắp.
“Thôi nào Nicolas, mẹ bảo tôi. Con đã ăn lót dạ xong rồi thì lên làm bài tập ngay đi.”
“Con chơi trong phòng khách thì có làm sao? Tôi chất vấn. Ăn tối xong con sẽ làm bài tập.”
“Nicolas! Mẹ quát lên, con phải lên làm bài tập ngay tức khắc, hiểu chửa?”
Vậy là, tôi ấy, tôi phun ngay ra cái từ bậy.
Đôi mắt mẹ mở to chưa từng thấy, mẹ nhìn tôi, còn tôi, tôi lúng túng kinh khủng vì đã nói ra cái từ bậy. Những từ bậy bạ mà mình thuộc trong giờ ra chơi thì không bao giờ được nói ra ở nhà sất, bởi vì những từ bậy bạ trong giờ ra chơi thì hay, nhưng ở nhà thì bẩn thỉu và sẽ sinh ra hàng đống chuyện.
“Con nói cái gì vậy? Nhắc lại xem nào?” Mẹ yêu cầu tôi.
Thế là tôi nhắc lại cái từ bậy.
“Nicolas! Mẹ kêu lên. Con học những lời như thế này ở đâu vậy?”
“À, tôi giải thích, ở trường, trong giờ ra chơi ạ. Eudes nó có một ông anh là lính, nó thì nó nói là anh ấy là sĩ quan; nhưng chỉ là chuyện bốc phét, thằng Geoffroy bảo thế; còn anh thằng Eudes thì đang nghỉ phép ở nhà, thế rồi anh ấy cạo râu và bị xước một cái, và anh ấy liền nói bậy thế, thế là Eudes nó bảo chúng con như thế trong giờ ra chơi.”
“Hay thật! mẹ nói. Hay thật đấy! Giờ thì tôi rõ người ta quan tâm tới việc dạy dỗ con ghê và bạn bè của con cũng được giáo dục tốt quá nhỉ. Giờ thì lên làm bài tập ngay; để rồi về xem bố sẽ xử lý con thế nào.”
Tôi bèn lên nhà làm bài tập; bây giờ không phải lúc giở trò nọ kia ra mà được, và tôi rất chi là khó chịu. Thậm chí tôi còn hơi muốn khóc một tí bởi vì cái từ bẩn thỉu này và bởi vì cái thằng đần Eudes kia chỉ cần nó không lôi những thứ ngu ngốc mà anh nó phun ra trong khi cạo râu thôi; thật đấy, có thế thôi mà, nói cho cùng.
Tôi đang làm bài tập thì nghe thấy tiếng bố vào trong nhà.
“Em yêu ơi, anh về rồi đây!” Bố kêu lên.
“Nicolas đâu!” Mẹ kêu lên.
Thế là tôi đi xuống phòng khách, mà tôi thật tình chẳng thích lắm, còn bố, khi nhìn thấy tôi, bố cười và bố nói:
“Thế nào! Con lại khó chịu đấy hả ông tướng! Lại có chuyện gì bực mình ở trường hả, bố chả biết thừa!”
“Còn tệ hơn là bực mình đấy, mẹ nói và nhìn tôi với ánh mắt giận dữ. Thậm chí còn nghiêm trọng nữa. Anh có biết là con trai anh nó nói những từ rất bậy không…”
“Những từ rất bậy? bố rất ngạc nhiên hỏi. Những từ bậy nào, Nicolas?”
Thế là tôi nói ra cái từ bậy.
“Cái gì? Bố kêu lên. Con nói cái gì thế?”
“Anh nghe rõ rồi còn gì nữa, mẹ nói. Anh thấy sao?”
“Ác đấy, bố nói. Thế ai dạy con nói như vậy?”
Thế là tôi giải thích với bố cái chuyện thằng đần Eudes và anh trai của cái thằng đần Eudes.
Bố phủi một cái lên túi áo vest, và bố thở một cái rõ dài.
“Mình thì chắt bóp khốn khổ, bố nói với mẹ, ấy thế mà họ dạy cho chúng nó như thế đấy! Hay thật đấy, nhỉ! Đúng, hay thật đấy nhỉ! Tôi muốn viết ngay một lá thư cho ông hiệu trưởng trường nó. Thật đấy chứ không đùa đâu! Bọn họ phải trông coi lũ nhãi ranh này kỹ hơn. Khi tôi đi học ấy à, đứa nào dám nói một từ như thế hả, hấp, đứa ấy lập tức bị tống ra khỏi cửa ngay! Nhưng thời bây giờ thì cái kỷ luật cũ tốt đẹp ấy có tồn tại nữa đâu! Ôi không! Giờ thì người ta đã có các phương pháp mới, người ta tiến hành giáo dục hiện đại. Không được chất lên chúng nó, bọn trẻ thân yêu kia, đủ mọi thứ phức tạp nữa! Và sau đó thì chúng nó trở thành lũ du côn áo blu dông đen, lũ kẻ cướp, rồi chúng trộm xe trộm cộ nữa, hay lắm, ôi dà hay thật đấy, tuyệt quá đi mất! Một thế hệ lưu manh mới tuyệt chứ, đấy là thứ họ sắp cho ra lò đấy!”
Tôi ấy à, tôi thì kinh sợ khiếp lên rồi. Nếu bố mà viết thư cho hiệu trưởng, thì chuyện sẽ khủng khiếp lắm, bởi vì ở trường tôi ấy à, thì cũng giống y như trường của bố khi bố bé tí thôi. Ông hiệu trưởng không thích những từ bậy đâu, và một đứa lớp lớn vì nói bậy trong lớp với một đứa lớp lớn khác đã bị đình chỉ cơ.
“Con không muốn bố viết thư cho hiệu trưởng, tôi khóc. Nếu bố viết thư cho hiệu trưởng thì con sẽ không bao giờ đi học nữa!”
“Học mà như vậy thì chẳng thà đừng!” bố nói.
“Không phải thế, mẹ nói. Cái chính là Nicolas nó hiểu được rằng nó không được phép nhắc lại những từ tương tự nữa. Không bao giờ.”
“Em có lý, bố nói. Đến đây tẹo nào,” Nicolas.
Bố ngồi xuống ghế phô-tơi, bố cầm lấy hai tay tôi, và bố để tôi ngồi lên đầu gối của bố.
“Con có xấu hổ không hả Nicolas?” Bố hỏi tôi.
“Có ạ,” tôi nói.
“Con xấu hổ là đúng lắm, bố bảo tôi. Con biết không Nicolas, chính sự giáo dục con nhận được bây giờ sẽ quyết định tất cả đời con, tất cả tương lai con. Nếu con học hành kém, nếu con nói những từ bậy bạ, con sẽ không là gì khác ngoài một kẻ thất bại, một kẻ thân tàn ma dại mà người ta sẽ chỉ trỏ. Những từ thô tục mà con nghe rồi con nhắc lại mà không hiểu chúng muốn nói gì, con cứ tưởng rằng chúng không quan trọng, rằng như thế là hay ho. Con lầm đấy. Lầm kinh khủng. Xã hội không cần đến những kẻ ăn nói tục tằn. Con phải chọn lựa hoặc trở thành một kẻ mất dạy hoặc thành một người có ích cho xã hội. Đấy, con hãy chọn đi! Thành một kẻ trơ trọi mỗi mình hay là thành một người mà ai cũng muốn đón tiếp, mời ăn và kết bạn với. Một kẻ thô lậu thì không bao giờ ngóc đầu lên nổi trong cuộc đời; người ta coi khinh hắn, người ta xua đuổi hắn, người ta không thèm dây dưa gì hết. Đấy, một từ đơn giản cũng có thể phá nát một cuộc đời như vậy đó. Con có hiểu không hả Nicolas?”
“Có ạ,” tôi nói.
“Anh tin là nó hiểu à? Mẹ hỏi bố. Em có cảm tưởng rằng…”
“Chúng ta sẽ xem, bố nói. Bố đã giải thích gì với con hả Nicolas?”
“À, tôi nói, không được nói những từ bậy, bởi vì nếu không, thì không được ai mời ăn.”
Bố mẹ nhìn nhau và rồi cả hai cùng bật cười.
“Ờ, cũng đại khái như vậy, anh chàng ạ, bố nói.”
“Mẹ rất tự hào về Nicolas của mẹ,” mẹ ôm lấy tôi nói.
Thế rồi bố chợt ngừng cười, bố bắt đầu ngửi hít, bố nhìn về phía nhà bếp, và bố kêu lên:
“Hình như cháy hay sao ấy: đùi cừu của em!”
Và mẹ phun ra cái từ bậy!
Trước Giáng sinh thích lắm!
THÔNG THƯỜNG, bố nói với tôi rằng ông già Noel rất nghèo, và ông ấy không thể nào mang đến cho tôi hàng đống thứ kinh khủng mà tôi yêu cầu được, nhưng năm nay, tình hình hay cực là hay, bởi vì bố đã hứa với tôi là tôi sẽ có tất cả những gì tôi muốn.
Hôm nay, chính là ngày cuối cùng trước khi được nghỉ, và thằng Geoffroy thì có một ông bố rất giàu, suốt cả năm vẫn mua cho nó các thứ, và chúng tôi thì không hề ghen tị, dĩ nhiên rồi, bởi vì Geoffroy là một thằng bạn tốt, nhưng mà cũng chẳng công bằng tẹo nào khi cái thằng đần ấy lúc nào cũng có quà trong khi chúng tôi thì chỉ có vào những dịp sinh nhật, Giáng sinh, và khi xếp thứ nhất môn tập làm văn, mà cái này, thì có phải lúc nào cũng được đâu, bởi vì xếp thứ nhất thì luôn là thằng Agnan, cái thằng cục cưng của cô giáo.
Thằng Geoffroy không có đủ thời gian để nói với chúng tôi về cặp kính phi công của nó, bởi lẽ chuông đã reo lên, và chúng tôi phải xếp hàng để vào lớp. Ở trong lớp, cô giáo rất tức, bởi vì thằng Geoffroy và thằng Eudes đang nói chuyện riêng.
“Geoffroy! Eudes! Cô giáo kêu lên. Các em muốn nghỉ Giáng sinh ở ngay tại trường vì bị phạt không hả?”
“Sao có thể thế được ạ, thưa cô, Geoffroy nói. Ngày mai em đã khởi hành đến khu thể thao mùa đông rồi mà.”
“Ôi dào, nếu mày mà bị phạt ở lại trường, Eudes nói, thì mày cũng sẽ như tao, mày sẽ chẳng đi đâu hết, có thế thôi, đừng có mà đùa!”
“Thật hử? Geoffroy nói. Bố tao đã đặt khách sạn và đặt cả chỗ trên tàu, thế thì sao!”
“Trật tự! cô giáo quát lên. Các em thật là không thể nào chịu nổi!... Nicolas, em cũng muốn nói thi với cô đấy hả?... Tôi không biết hôm nay các em bị làm sao, nhưng các em thật khó chịu! Ai nói thêm một lời nào nữa là tôi sẽ phạt cả lớp ở lại, không thể thao mùa đông gì cả!”
“Á à!” Eudes nói.
Và cô giáo phạt Eudes và Geoffroy đứng góc, mỗi đứa một góc bảng, bởi vì dưới góc lớp thì đã có thằng Clotaire, cái thằng bị hỏi bài – nó luôn đi xuống cuối lớp mỗi khi nó bị hỏi, và Rufus, cái thằng đã chuyển một mảnh giấy cho thằng Maixent trên đó có viết: “Vào giờ ra chơi tao sẽ nói chuyện với mày” và cô giáo đã phát hiện ra mảnh giấy, và cô không hề thích chúng tôi chuyển giấy cho nhau trong giờ học. Cô nói rằng nếu chúng tôi có chuyện gì quan trọng để nói với nhau, thì cứ việc đợi đến khi ra chơi hãy nói. Thế rồi, chuông reo lên, và cô giáo để cho cả lớp chạy ra ngoài, kể cả những đứa bị phạt, cô giáo thì hay ơi là hay rồi, và còn nữa, tôi cho rằng đôi khi, cô thích ở lại một mình trong lớp.
Ngoài sân, thằng Maixent bảo thằng Rufus nói cái mà nó định nói đi, nhưng Rufus bảo rằng nó sẽ không nói gì với những thằng đần để cho cô giáo tịch thu mất giấy viết, rằng đấy là tất cả những gì nó định nói và nó sẽ không nói gì nữa hết.
Trong khi thằng Maixent nói với thằng Rufus dẫu sao vẫn là cái nó định nói với thằng đó thì chúng tôi xúm quanh Geoffroy, cái thằng đã đeo cặp kính phi công lên mặt, và giảng giải cho chúng tôi rằng đeo thế là để đi trượt tuyết.
“Mày biết trượt tuyết à?”
“Chưa đâu, Geoffroy trả lời tôi, nhưng ở khu thể thao mùa đông, tao sẽ học một khóa trượt tuyết với huấn luyện viên, rồi sau đó tao sẽ tham gia các cuộc thi giật giải vô địch, như những thể loại mình vẫn nhìn thấy trên ti vi ấy, và bởi vì tao trượt rất nhanh nên tao cần phải có kính phi công.”
“Nói cho chó nó nghe!” Thằng Eudes nói.
Điều đó khiến thằng Geoffroy không hài lòng.
“Mày nói thế, Geoffroy kêu lên, chỉ vì mày là đồ ghen tị!”
“Đừng có làm tao phát phì cười, Eudes nói. Đến Giáng sinh, nếu tao thích, tao đòi kính phi công ngay, và tao sẽ có đầy.”
“Nói cho chó nó nghe! Geoffroy kêu lên. Nếu mày không đi trượt tuyết, thì mày không có quyền được đeo kính phi công!”
“Tao chả phiền! thằng Eudes nói. Mà hơn nữa nhé, tao sẽ đòi cả ván trượt tuyết, và tao sẽ còn cần… kính phi công hơn cả mày, bởi vì tao phi nhanh hơn.”
Rồi chúng nó đánh nhau, và thầy Nước Lèo chạy đến. Thầy Nước Lèo, đấy là giám thị của chúng tôi, và tôi không biết tôi đã giải thích cho các bạn hay chưa rằng chúng tôi gọi thầy ấy như thế bởi vì thầy ấy luôn nói: “Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây,” mà trong nước lèo thì đầy những mắt là mắt. Chính là bọn lớp lớn chúng nó bảo vậy.
“Lũ nhóc tệ hại kia! Thầy Nước Lèo kêu lên. Vui Giáng sinh như thế đấy hả? Làm thế nào mà các cậu lại cư xử một cách man rợ như thế vào buổi học cuối cùng hả? Mà trước hết tại sao các cậu lại đánh nhau vậy? Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây, và trả lời tôi ngay!”
“Nó nói rằng nó sẽ trượt nhanh hơn cả em, cùng với ván trượt tuyết bẩn thỉu của nó!” Thằng Geoffroy kêu lên.
“Được rồi, thầy Nước Lèo nói. Đừng nói gì nữa. Cả hai cậu hãy chia động từ cho tôi: “Tôi không được thốt ra những lời vô nghĩa trong giờ ra chơi, cũng không được cư xử như một kẻ gây rối bằng thói đánh lộn trên sân trường, với những thứ lý do tầm phào nhất.” Chia tất cả các thời, và tất cả các thể. Nghỉ xong thì nộp. Còn bây giờ, ra đứng phạt.”
“Nhưng em sẽ khởi hành đến khu thể thao mùa đông!” Thằng Geoffroy nói.
“Nói cho chó nó nghe!” Thằng Alceste nói.
Và thầy Nước Lèo cũng phạt đứng nó luôn.
“Tao ấy à, thằng Clotaire nói, tao sẽ viết thư cho ông già Noel để ông ấy mang đến cho tao một cái sang líp cho xe đạp của tao.”
“Mày viết thư cho ai kia?” Thằng Joachim hỏi.
“À, ông già Noel chứ ai, Clotaire trả lời. Mày muốn tao viết cho ai để yêu cầu một cái sang líp xe đạp hả?”
“Đừng làm tao phải phì cười, thằng Joachim nói. Tao cũng thế đấy, khi còn bé tao cũng tin vậy. Nhưng bây giờ thì tao biết rằng ông già Noel chính là bố tao.”
Clotaire nhìn Joachim, và rồi nó gõ ngón tay vào đầu.
“Nhưng tao đã bảo mày là tao nhìn thấy cơ mà! Thằng Joachim kêu lên. Năm ngoái, tao tỉnh giấc, cánh cửa phòng tao mở toang, và tao nhìn thấy bố tao đặt quà tặng dưới cái cây. Thậm chí cái cây còn suýt đè lên ông ấy, và bố tao đã văng tục.”
“Ê, bọn mày! Thằng Clotaire nói. Nó kể rằng bố nó chính là ông già Noel! Đừng có mà làm tao phải phì cười ra! Mày có thể nhìn thấy bố mày thật, nhưng tao đã gặp ông già Noel trong một cửa hàng kia, với bộ râu trắng và áo choàng đỏ, thậm chí tao còn ngồi trên đầu gối ông ấy và tao đã lúng túng kinh khủng khi ông ấy hỏi tao học hành ở trường có tốt không! Đấy đâu phải là bố mày!”
“Dĩ nhiên đấy không phải là bố tao rồi! thằng Joachim kêu lên. Bố tao ấy à, đời nào bố tao lại chấp nhận cho những đứa kém cỏi ngồi lên đầu gối ông ấy!”
“Còn tao ấy à, thằng Clotaire nói, tao cũng thèm vào ngồi lên đầu gối của bố mày, kể cả bố mày có trả tiền đi nữa! Còn nữa, nếu bố mày mà vào nhà tao giở trò hề với cái cây nhà tao thì, à há, bố tao sẽ tống cổ bố mày ra khỏi cửa, đừng có mà đùa! Bố mày ấy à, cứ việc quanh quẩn cạnh cái cây đứng không vững của nhà mày!”
“Mày thử nhắc lại điều mày vừa nói về cái cây nhà tao xem nào?” Thằng Joachim hỏi.
Và thầy Nước Lèo chạy tới, bởi vì Clotaire và Joachim đã bắt đầu tát nhau.
“Nếu bố tao thích làm trò hề ngay cạnh cái cây của mày, thì bố mày còn lâu mới ngăn được! thằng Joachim hét lên. Thế còn ngồi lên đầu gối của bố tao ấy à, mày cứ việc theo rều rễu đi!”
“Đầu gối bố mày ấy à, bố mày cứ việc giữ lấy, nhá!” Thằng Clotaire hét.
Thầy Nước Lèo trở nên đỏ dần hết cả người, thầy ấy trỏ ra cuối sân, và thầy ấy nói, không hề động đậy răng:
“Ra đứng phạt. Với các cậu kia. Cũng chia động từ đó.”
Và trước khi hết giờ ra chơi, thầy Nước Lèo vẫn còn phải xử lý Rufus, cái thằng đã nằm lăn ra đất, và Maixent, cái thằng đang chễm chệ ngồi trên thằng kia và nói với nó: “Thế nào, mày có nói với tao cái mày định nói, hay là không hử?” Và Rufus thì luôn “không” bằng cách lắc đầu, hai môi mím chặt lại, để không nói gì.
Và sau giờ cuối cùng của buổi học, người ta để chúng tôi xếp hàng trong sân trường, và thầy hiệu trưởng đến nói với chúng tôi rằng ông ấy chúc tất cả chúng tôi một Giáng sinh tốt lành và vui vẻ, và rằng ông biết một số người đã rất là kích động, nhưng, vì đã bắt đầu vào kì nghỉ, ông hủy bỏ tất cả các hình phạt. Ông hiệu trưởng thật là có lý lắm; tôi cũng nhận thấy rằng cô giáo và thầy Nước Lèo thường rất kích động trước những kỳ nghỉ, và họ phạt thôi là nhiều.
Lúc tan trường, vì chúng tôi là một đống tướng những đứa thân ơi là thân, chúng tôi đã ở lại một lúc để chúc nhau Giáng sinh vui vẻ. Clotaire dàn hòa với Joachim, và bảo thằng kia cái điều mà nó nói về đầu gối bố thằng Joachim thì chỉ là nói đùa thôi, còn Joachim thì nói rằng nó sẽ yêu cầu bố nó mang một cái sang líp đến để dưới cái cây của Clotaire. Rufus bảo với Maixent rằng điều mà nó muốn nói cho thằng này là nó nhìn thấy trong một cửa hàng có những cái điện thoại dùng được y như thật; do vậy, nếu Maixent, cái thằng ở gần ngay nhà Rufus, có đòi một cái điện thoại vào Giáng sinh, thì tương tự nó cũng sẽ đòi một cái, như thế chúng nó có thể nói chuyện với nhau suốt được, và Maixent nói rằng đó là một ý tưởng ác liệt, và thậm chí là chúng nó có thể mang cả điện thoại đến lớp để nói với nhau tất cả những gì chúng nó muốn nói, như thế thì cô giáo sẽ không phải bực mình vì những vụ chuyển giấy trao đổi nữa. Và cả hai chúng nó, khoái chí thôi rồi, cùng đi về đòi điện thoại với bố chúng nó. Agnan thì làm chúng tôi phì cười khi bảo chúng tôi rằng, năm ngoái, nó đã có ba tập đầu tiên của một bộ từ điển kinh khủng, và rằng năm nay, nó sẽ yêu cầu nốt ba tập cuối, từ M đến Z. Cái thằng đúng là điên quá thể, Agnan ấy! Còn Eudes thì nó sẽ đòi ván trượt tuyết.
Thế rồi, tôi đi về cùng với Alceste, bạn thân nhất của tôi, một thằng to béo ăn luôn mồm và sống gần nhà tôi.
“Ở nhà tao, trong bữa tiệc cuối năm, tôi nói với nó, sẽ có bà tao, dì Dorothée và chú Eugène.”
“Còn nhà tao, Alceste nói, sẽ có xúc xích trắng và gà tây.”
Thế rồi chúng tôi ngắm các tủ kính của khu phố, trông thì ôi thôi là tuyệt, bởi chúng đều được trang trí đón Giáng sinh, với tràng hoa, cây thông, bông tuyết, những hòn bi thủy tinh sáng rực, máng cỏ và ông già Noel.
Tủ kính hiệu thực phẩm của ông Compani cũng tuyệt, có một cây thông làm toàn bằng hộp cá xạc-đin, với đường kính rắc xung quanh, và chúng tôi nấn ná rất lâu trước cửa hàng bánh ngọt, là do những cái bánh ngọt Giáng sinh, và bà chủ cửa hàng đã ra ngoài bảo thằng Alceste hãy đi đi, rằng nhìn thấy nó ở đó, cứ đứng mãi không động đậy, mũi gí sát vào tủ kính, khiến bà ấy khó chịu. Ngay cả ở cửa hàng bán than, nơi bình thường chỉ có những cái bao to tướng bẩn thỉu, cũng có một tràng kết ba bóng đèn nhỏ. Còn nói về đèn ấy à, kinh khủng nhất, dĩ nhiên rồi, chính là cửa hàng đồ điện, nơi tất cả các bóng đèn ở tủ kính – có hàng đống và hàng đống bóng, đủ thể loại, màu sắc – hết bật lại tắt, liên tục và rất nhanh; và ánh sáng thì mạnh đến nỗi nó chiếu sáng cả các cửa chớp của nhà đối diện. Thế rồi thằng Alceste vội chạy đi, bởi vì nó đã bị muộn bữa lót dạ chiều, và nhà nó sẽ lo lắm khi mà nó lại về muộn bữa ăn.
“Con lại la cà khi đi học về rồi, mẹ bảo tôi khi tôi về đến nhà. Mẹ rất muốn để con ở nhà không đi vào trung tâm xem các cửa hàng nữa!”
“Ôi thôi nào, mẹ. Ôi nào mẹ! tôi kêu lên.”
Thế là mẹ cười, mẹ nói được rồi, đồng ý, rằng bây giờ hay lắm vì giờ là bắt đầu kỳ nghỉ Giáng sinh, rằng tôi đi ăn lót dạ thôi, và rằng chúng tôi sau đó sẽ ra ngoài.
Tôi ăn lót dạ rất nhanh, tôi thay sơ mi và áo phông chui đầu tại vì có vết cà phê sữa, và chúng tôi lên một cái xe buýt, đầy ắp các bà với các thể loại tần tuổi tôi, và chúng tôi chen chúc rất ác, nhưng tất cả đều rất vui, nhất là những thể loại kia.
Ở trung tâm, chúng tôi cũng chen chúc như ở trên xe buýt, và các cửa hàng có hàng đống với hàng đống ánh sáng quay tứ phía và rọi sáng cả trên những chiếc ô tô bị dừng lại và ùn đầy phố, còn trong xe, mọi người đều kêu gào và bấm còi inh ỏi, đúng thật là đẹp ơi là đẹp. Còn thú hơn cả cái cửa hàng đồ điện của khu phố, nhưng để tiến sát vào tủ kính thì khó hơn nhiều.
“Thấy ý mẹ muốn đến đây hay chưa!” Mẹ nói.
“Dạ, vâng,” tôi nói.
“Ôi chà, đừng có đẩy nữa, thưa bà, một bà nói lại với mẹ.”
“Tôi đâu có đẩy, thưa bà. Tôi bị đẩy thì có, mẹ trả lời.”
Và chúng tôi tiến đến trước một cái tủ kính, có những con búp bê động đậy, thôi rồi là kỳ, và có một con voi to tướng ở trong một cái toa, và khắp xung quanh là các tàu hỏa chạy điện, có đường hầm, ngã đường sắt, nhà ga, những con bò bé tí tẹo, những cây cầu, và mẹ bảo tôi đi tiếp nào, và tôi nói với mẹ:
“Không, để con xem thêm tí nữa, nào!”
“Nhưng phải đi đi chứ, thưa bà, cái bà kia lại nói. Bà không thấy bà đang chắn lối đi à? Dù sao cũng phải có mỗi một mình bà đâu!”
“Ồ, bà nghe này, mẹ nói, nếu bà mà thấy không vừa ý, thì bà cứ việc làm như những người khác ấy!”
Tàu hỏa thì hay ơi là hay, nhất là những cái có đầu tàu rất cũ, những cái có cả ống khói, và có cả khói thật đùn ra hẳn hoi.
“Bà có tiến lên không thì bảo, thưa bà?” Cái bà kia nói.
“Ồ, tại vì bà không có trẻ con, thưa bà, mẹ nói. Nếu không, bà sẽ cảm thông hơn đấy.”
“Sao kia, tôi mà không có trẻ con ư?” Bà kia nói.
Thế rồi bà ta kêu lên:
“Roger? Roger? Roger? Roger con đâu rồi? Quay lại đây ngay lập tức nào! Roger! Roger!”
Thế rồi chúng tôi nhìn tủ kính khác, với các vòng đu quay quay thật, có những con ngựa gỗ thật, và có hàng đống và hàng đống lũ lính chì, bộ sưu tập vũ khí, ô tô, và quả bóng, và tôi đòi mẹ đi vào trong cửa hàng để được sờ vào đống đồ chơi.
“Giữa đám đông nghẹt này á? Mẹ nói. Con bị làm sao vậy hả Nicolas? Có bị điên thì mới đi vào trong đó thôi! Để hôm khác con đi với bố ấy.”
Nhưng cũng chẳng thể làm gì khác được bởi vì những người sau cứ đẩy chúng tôi, và chúng tôi cứ thế tiến vào trong cửa hàng, và mẹ nói thôi được, chúng tôi sẽ đi một vòng nhanh thôi, và chúng tôi sẽ phải ra ngay lập tức.
Chúng tôi đi cầu thang máy, tôi rất thích cầu thang máy, nhưng các thứ đồ chơi khác thì tôi không thấy được gì hay ho mấy, tại vì chỗ nào cũng đầy những người lớn, thế cho nên, đi vào các cửa hàng với bố thì sẽ thuận lợi hơn, bởi vì bố sẽ nâng tôi trên tay, và tôi có thể thấy hết. Bố ấy à, khỏe lắm.
Có một hàng những đứa nhóc con đứng chờ để nói chuyện với ông già Noel, và trong hàng, một ông người lớn có vẻ tức giận, ông này giữ trong tay một thằng bé ơi là bé đang khóc lóc, thằng này gào lên rằng nó rất sợ, và rằng nó không muốn tiêm vắc-xin một lần nữa.
“Mình đi thôi,” mẹ nói.
“Thêm tí nữa thôi, mẹ!” tôi nói.
Nhưng mẹ đã trợn hai mắt ra với tôi, và tôi biết rằng đây không phải là lúc có thể giở trò được, và trước Giáng sinh thì tốt hơn hết thì đừng có mà sinh sự. Vì có nhiều người, nên khó khăn lắm mới có thể ra khỏi cửa hàng, và rốt cuộc khi chúng tôi thoát ra ngoài rồi, mẹ đã đỏ dừ hết cả người, và mẹ bị mất một cái găng tay.
Khi chúng tôi về đến nhà, thì bố đã về rồi.
“Thế đấy, bố nói. Về sớm đấy chứ nhỉ! Tôi đã bắt đầu thấy lo rồi đấy!”
“Thôi đừng, xin anh, mẹ nói. Nếu muốn nói nọ nói kia thì anh để lần khác nhé!”
Mẹ đi thay quần áo, và bố đã hỏi tôi:
“Rốt cuộc thì hai mẹ con đi đâu vậy?”
“À, tôi giải thích cho bố, mẹ với con đi xem các cửa hàng, và hay kinh khủng, hai mẹ con xem các tủ kính có nhiều quý ông cử động, các tàu hỏa chạy điện có cả đầu máy cũ, có khói hẳn hoi, và ô tô buýt thì đầy người là người, và ở trước cửa hàng, có một bà đã cãi nhau với mẹ, và bà đó lạc mất đứa con tên là Roger, và có hàng đống ánh sáng với cả nhạc, và một ông già Noel, và một thằng nhãi sợ phải đến gần ông ta, và hai mẹ con phải đợi xe ô tô buýt rất là lâu bởi vì xe nào cũng đầy ắp, và sao mà buồn cười thôi rồi!”
“Bố hiểu rồi,” bố nói.
Chúng tôi ăn tối khá muộn, và mẹ có vẻ rất mệt mỏi.
“Bố à, Giáng sinh con sẽ có cái gì vậy? tôi hỏi trong lúc ăn tráng miệng (vẫn món bánh mứt táo từ trưa. Ngon.) Bọn bạn con có đầy các thứ.”
“Điều đấy tùy con thôi, thỏ con của bố ạ, bố vừa nói vừa cười. Con sẽ yêu cầu cái gì với ông già Noel hả?”
“Một cái tàu hỏa chạy điện có cả khói, tôi nói, một xe đạp mới, một cái sang líp cho cái xe đạp mới, với lũ lính chì, một cái ô tô nhỏ màu xanh có cả đèn bật sáng được, một hộp ghép hình, và một cái điện thoại bấm được y như thật, để nói chuyện trong lớp với thằng Alceste.”
“Đã hết chưa?” Bố hỏi tôi, không cười tẹo nào.
“Với cả một quả bóng đá, và một quả bóng bầu dục,” tôi nói.
“Con biết đấy, Nicolas, bố nói với tôi, ông già Noel năm nay không giàu lắm.”
“Ôi dào, thế thì, năm nào mà chẳng như năm nào! Tôi nói. Thật là không công bằng, bọn bạn con chúng nó muôn gì được nấy, còn con thì không bao giờ!”
“Nicolas!” Bố kêu lên.
“Ồ không, mẹ nói. Các người đừng có mà lại bắt đầu! Chỉ có yêu cầu các người im lặng một chút và ngừng cãi vã sao mà mệt nhọc thế không biết, tôi đã buốt hết cả đầu lên rồi đây.”
“Ồ, hay lắm, tuyệt, tuyệt, bố nói. Được rồi, để tránh mọi cãi vã, con sẽ có tất cả những gì con muốn, Nicolas nhỉ. Còn nữa, cho được cả một thể, bố sẽ tặng con luôn một cái du thuyền nữa. Nhỉ?”
Thế là mẹ bật cười, mẹ đứng dậy, mẹ ôm lấy bố, và rồi mẹ nói:
“Cho em xin lỗi, cưng à. Em có cảm giác sao mà lâu thế, từ giờ cho đến Giáng sinh… Mình chắc cần phải thật kiên nhẫn.”
“Ối! chà chà0!” Bố nói.
Tôi ấy à, chính đây là điều tôi thích nhất trước Giáng sinh: phải kiên nhẫn. Nhất là khi tôi nghĩ trong đầu chuyện thằng Geoffroy sẽ làm gì sau Giáng sinh, khi nó nhìn thấy tôi điều khiển cái du thuyền của tôi, nhanh kinh khủng, với cặp kính phi công trên mặt.