Nhóc Nicolas - Những chuyện chưa kể (Tập 3) - Chương 3 - Phần 3 - 4 - 5

Kẹo

ÔNG BLÉDURT LÀ HÀNG XÓM CỦA CHÚNG TÔI và đấy là một người bạn tốt của bố. Họ thích trêu chọc nhau, nhưng mỗi khi họ bắt đầu cùng giở trò đùa, họ lại phát cáu và không nói chuyện với nhau nữa. Lần này, bố và ông Blédurt thôi không nói chuyện với nhau kể từ ngày mà bố, để chọc cười, đã đá một cái ống bơ đậu rỗng qua hàng rào sang vườn nhà ông Blédurt, còn ông Blédurt ấy à, ông ấy không hề cười, ông ấy nói rằng vườn nhà ông ấy không phải là cái hố rác, và rằng cái trò nhảm của bố sao mà ngu ngốc và rằng bố hẳn đã có thể là thương người khác. Thế và vì bố vẫn tiếp tục cười, ông ấy đã ném cái ống bơ đậu sang vườn nhà tôi, và ông ấy kêu lên: “Anh cứ giữ lấy cái ống bơ của anh!”, và bố không thích thế, và suốt hàng đống tuần, bố với ông Blédurt không chào hỏi gì nhau nữa.

Chính vì thế mà tôi đã ngạc nhiên khi mẹ bảo tôi rằng sau bữa tối ông bà Blédurt sẽ sang dùng cà phê; nhưng tôi biết rằng khi bố và ông Blédurt tức nhau, mẹ và bà Blédurt lại khiến họ làm hoà, và họ lại trở thành bạn rất kinh, cho đến khi họ lại bắt đầu cùng giở trò đùa.

Chúng tôi ăn tối xong được một tí thì có người bấm chuông cửa, và đó là ông với bà Blédurt và tất cả mọi người đều cười xoà, rồi bố tôi với ông Blédurt bắt tay nhau, và mẹ nói rằng thực ra bọn họ hành động như hai đứa trẻ lớn xác, còn tôi, tôi khoái kinh lên được vì ông Blédurt vừa đưa một hộp kẹo kinh khủng cho mẹ vừa nói:

“Sau ống bơ đậu bất hoà, đây là hộp kẹo thuận hoà!”

Và mẹ cười rất nhiều, rồi mẹ bảo ông ấy rằng ông ấy cần gì phải thế; nhưng tôi ấy à, tôi thấy ông Blédurt có cái ý ấy đúng là hết sảy, bởi vì tôi thích kẹo lắm, nhà tôi có bao giờ mua đâu, người ta mang tặng mẹ thì mới có, và nói chung người ta chỉ mang hoa và hoa thì đẹp đấy, nhưng làm quà thì thật dở hơi, bởi vì cái đó có ăn được đâu, và nhà tôi thì có đầy trong vườn.

Mẹ để cho tôi lấy một cái kẹo; có hàng đống ở trong cái hộp, và có thứ rất hay là tôi nhìn thấy có cả hai tầng kẹo, không giống như trong cái hộp ông Barlier đã tặng mà tầng phía dưới chỉ là giấy. Mẹ bảo tôi rằng không được chọn, thế là tôi lấy một cái bọc trong giấy mạ vàng, và đó là một cái có nhân rượu, loại mà tôi thích, và vì tôi không hề ngờ, nên nó chảy xuống dưới cằm tôi, và tất cả mọi người đều cười rồi ôm hôn tôi, và mẹ nói rằng muộn rồi, rằng ngày mai phải đi học và rằng tôi phải đi ngủ.

Buổi sáng khi thức dậy, tôi hỏi xem tôi có thể xin một cái kẹo không và mẹ bảo rằng tôi hãy đi đánh răng rửa mặt, tôi hãy mặc quần áo, tôi hãy uống cà phê sữa với bánh mì quết, và rằng sau đó hãy hay. Tôi nói rằng tôi thích một cái kẹo hơn là cà phê sữa và bánh mì quết, nhưng mẹ bảo không. Sau bữa sáng, đúng trước khi đến trường, mẹ cho tôi lấy một cái kẹo, và tôi lấy tiếp một cái có rượu; nhưng vì lần này tôi biết trước rồi, tôi cho nó lọt thỏm vào trong miệng để nó không chảy ra cằm.

Tôi hỏi xem tôi có thể mang kẹo đến trường để ra chơi ăn không, nhưng mẹ nói rằng buồn cười thật đấy, rằng tôi đi học ngay nếu không muốn bị muộn học, và tôi hỏi tại sao tôi không có quyền mang kẹo đến trường, rằng bọn bạn chúng nó vẫn mang hàng đống thứ, và mẹ nói rằng nếu tôi còn tiếp tục, mẹ sẽ bực mình cho mà xem. Và tôi vừa đi đến trường vừa khóc, bởi vì thật là bất công, thật là bất công, và thật là bất công!

Ở trường, tôi kể cho thằng Alceste “một thằng bạn” rằng ở nhà tôi có một hộp kẹo.

“Bao nhiêu tầng?” thằng Alceste hỏi tôi.

Khi biết là có hai tầng, Alceste nói rằng rất hay đấy và buổi trưa, lúc tan học, nó theo tôi về tận nhà. Khi chúng tôi bước vào, mẹ rất chi là ngạc nhiên thấy có cả Alceste.

“Nó đến xem hộp kẹo nhà mình,” tôi giải thích.

“Thật là kỳ quặc! mẹ kêu lên. Mà mẹ cháu chắc chắn đang đợi cháu để ăn trưa! Cháu có về ngay đi không! Sao quái dị thế không biết!”

Thế là thằng Alceste quay lại phía cửa và nó lê bước đi rất chậm. mẹ lấy tay che miệng, thỉnh thoảng mẹ vẫn làm thế để tôi khỏi thấy mẹ cười, và mẹ nói:

“Nicolas, dẫu sao cứ đưa một cái kẹo cho cậu bạn con. Cậu ta sẽ ăn sau bữa trưa, để ăn cơm không bị mất ngon.”

Cái đó khiến thằng Alceste phì cười, và tôi đưa cho nó một cái kẹo với các thứ xanh kinh cực bên ngoài.

“Tao thích cái kẹo có giấy mạ vàng kia, thằng Alceste bảo tôi. Giấy mạ vàng là kẹo có rượu. Mày nói tao biết thừa rồi!”

Tôi bảo nó rằng không được chọn đâu. Thằng Alceste hét lên rằng tôi không phải là một thằng bạn; tôi trả lời nó rằng nếu không thích, nó cứ việc trả lại cho tôi cái kẹo với các thứ xanh kinh cực bên ngoài, rằng tóm lại đây không phải là nhà nó, đừng có mà đùa! Còn mẹ, không còn cười nữa, hỏi chúng tôi đã kết thúc được hay là chưa và thằng Alceste vừa bực tức bỏ đi vừa ăn cái kẹo có các thứ xanh kinh cực bên ngoài.

Thế rồi đến lượt mình tôi cũng muốn lấy một cái kẹo, mẹ hỏi tôi có phải tôi bị điên không, rằng tôi sẽ không ăn kẹo trước bữa trưa.

“Sao thằng Alceste được, con lại không?” tôi hỏi.

“Con làm ơn đi rửa tay cho mẹ và không nhắc đến kẹo kiếc gì nữa! mẹ, người nhiều lần bất công kinh lên được, kêu lên. Mẹ phải làm cho xong bữa trưa, bố con sắp về rồi, và con biết rằng buổi trưa bố lúc nào cũng rất vội.

“Nếu thằng Alceste có quyền được kẹo, con cũng thế, con cũng có quyền! tôi kêu lên. Tại sao thằng Alceste nó lại được ưu tiên?

“Con muốn ăn tát hả?” mẹ hỏi tôi, với giọng của một trong các giám thị của chúng tôi, thầy Mouchabière, khi chúng tôi làm thầy ấy cáu tiết trong giờ ra chơi.

“Thế nào, tôi thấy nhà mình lại một phen rầm rĩ nhỉ, bố vừa vào trong nhà đã nói. Tôi có thể biết cái nguyên nhân đáng cười của lần này không?”

“Tại cái hộp kẹo của ông bạn Blédurt của anh! mẹ kêu lên. Ông Nicolas đây chỉ muốn ăn thức ăn bằng kẹo.” Ông Nicolas còn dẫn tất cả bạn bè hang hốc đến nhà để cho chúng kẹo! Và ông Nicolas không chấp nhận việc tôi cấm ông ấy ăn kẹo trước bữa trưa!

“Ông bạn Blédurt của anh? bố nói. Anh thấy như là em làm đủ mọi cách để Blédurt lại trở thành bạn của anh đấy chứ. Dù sao đi nữa, vấn đề không phải là ở đó; anh nghĩ rằng không việc gì mà phải ầm ĩ khổ sở lên vì mấy cái kẹo cả. Nicolas, nếu mẹ đã nói rằng con không được ăn kẹo, thì con sẽ không ăn kẹo, có vậy thôi.”

“Nhưng thằng Alceste được ăn! tôi kêu lên. Chính mẹ bảo con đưa kẹo cho nó!”

“Con anh nó ương bướng như thế đấy, mẹ nói với bố. Nó giống ai em còn lạ gì! Tóm lại không kẹo kiếc gì hết và ngồi vào bàn.

“Em thì chỉ được cái ám chỉ là giỏi, bố nói, nhưng bây giờ thì anh muốn là ta thôi không nhắc đến kẹo bánh gì một lúc cho nhà cửa nó yên tĩnh. Anh đang vội, anh có hẹn lúc hai giờ ở văn phòng và đáng lẽ bữa trưa phải dọn ra rồi.”

“Ồ! Em xin lỗi hơi bị muộn, mẹ vừa nói vừa cười nhưng không vui; chính mấy cái kẹo của con anh khiến em không làm bữa được nữa.”

“Nếu còn tiếp tục, tôi sẽ ăn trưa ở hiệu! Tôi không về nhà luôn! Như thế ít nhất thì tôi cũng không nghe thấy kẹo bánh gì nữa! bố kêu lên. Và không có chuyện kẹo bánh gì nữa hết trong cái nhà này! Kẹo thế là đủ lắm rồi! Chấm dứt kẹo! Còn nữa, hãy xem tôi làm gì với kẹo đây này.”

Và bố cầm lấy hộp kẹo, bố ra ngoài vườn và bố tiến lại gần hàng rào. Ông Blédurt đang hót lá ở trong vườn nhà ông ấy đã ngẩng đầu lên và ông ấy mỉm cười với bố.

“Cầm lấy! bố kêu lên. Tôi trả lại anh cái hộp!”

Bố ném luôn hộp kẹo sang vườn nhà ông Blédurt.

Bây giờ, mọi thứ trong nhà đều ổn. Bố và tôi đều đã xin lỗi mẹ, còn mẹ, mẹ lúc nào cũng làm khoai tây rán cho hai bố con. Chỉ có mỗi một chuyện, là bố và ông Blédurt lại bắt đầu không chào hỏi gì nhau nữa.

Tôi đánh giày

BÀ MOUCHEBOUME GỌI ĐIỆN cho mẹ để mời mẹ đến dùng trà chiều hôm nay. Bà Moucheboume còn bảo mẹ đem tôi theo cùng, bởi vì tôi rất kháu. Còn tôi, tôi không thích đến dùng trà ở nhà bà Moucheboume lắm, bởi vì bà ấy chẳng có con cái cũng như ti vi ở nhà bà ấy, nhưng mẹ bảo tôi rằng vì bà Moucheboume muốn tôi đến dùng trà ở nhà bà ấy nên tôi sẽ đến dùng trà ở nhà bà ấy, và không có lằng nhằng gì hết. Bà Moucheboume là vợ của ông Moucheboume, là ông sếp của bố.

Thế là, mẹ mặc cho tôi bộ cánh xanh lính thuỷ và đôi tất trắng, và mẹ chải đầu cho tôi. Khi tôi ăn mặc như thế, tôi trông thật như một thằng hề. thế rồi mẹ nhìn đôi giày của tôi và mẹ nói rằng chúng không được bóng lắm, và rằng mẹ sẽ cho chúng mấy chải, nhưng mà muộn rồi, mẹ phải bắt đầu mặc quần áo và sửa soạn trước cái đã.

“Nếu con ngoan, mẹ bảo tôi, tối nay mẹ sẽ làm bánh mứt táo”, và rồi mẹ đi. Tôi ấy à, tôi yêu mẹ lắm, và cả bánh mứt táo nữa, nên tôi quyết định là không nghịch dại gì sất.

Thế rồi, tôi tự nhủ rằng mẹ sẽ ngạc nhiên thích thú lắm nếu tôi tự đánh xi đôi giày của tôi trong khi mẹ sửa soạn, như vậy là, khi mẹ đến để cho chúng nó mấy chải, mẹ sẽ thấy đôi giày của tôi bóng kinh lên được, và mẹ sẽ nói: “Ồ, Nicolas của tôi đúng là lớn tướng rồi nhỉ, nó còn giúp mẹ nữa kìa!”... Và rồi mẹ sẽ ôm hôn tôi, và tối nay, với cái quả bánh mứt táo, tôi có thể ăn rồi lại ăn thêm nữa. Thế mới là hết sảy! Tôi đi vào bếp nơi có cái va li nhỏ trong đó chứa các thứ dùng để đánh xi giày. Tôi làm giống như bố, đầu tiên tôi chải đôi giày, chúng đã bắt đầu bóng lên, thế rồi tôi lấy hộp xi đen, tôi tìm cái bàn chải nhỏ nhỏ mà bố dùng để quết xi lên giày của bố. Nhưng tôi không thấy cái bàn chải nhỏ đâu (mẹ nói rằng bố rất luộm thuộm), tôi bèn quết xi bằng các ngón tay, chả sao cả, vì sau rồi tôi sẽ rửa tay mà. Xi quết vào thế cũng được phết, mỗi tội là hơi bị vào móng tay một tí. Sau đó, tôi lấy bàn chải to và tôi vừa cọ vừa huýt sáo, như bố vẫn làm, nhưng kỳ thật, đôi giày lại kém bóng hơn là trước khi tôi quết xi vào, thế là, tôi lại quết thêm xi, một lớp ra trò, thế rồi thay vì dùng bàn chải, tôi lấy cái khăn lau mà đằng nào thì chắc mẹ cũng sẽ bỏ vào giỏ khăn áo bẩn.

Đôi giày không được bóng cho lắm, nhưng cũng không sao. Có điều đôi tất thì khó chịu thật. Tôi không hiểu bố làm thế nào để không bị bẩn tất khi bố đánh giày, phải nói rằng bố cũng không đi tất trắng; còn đôi tất của tôi, chúng đen đến tận nửa cẳng chân, nhưng mà chịu rồi, tất không giống như cổ tay áo, không thể xắn lên được. Thế là, tôi lấy một miếng xà phòng to ở trên chậu rửa bát, tôi nhúng cho nó ướt dưới cái vòi nước bắn tung toé, và tôi cọ đôi tất. Làm thế cũng chẳng sạch được mấy mà lại làm tôi lạnh hết cả chân, với một chút xi nữa quết lên trên, tôi đã vuốt sạch được chỗ xà phòng rơi vào đôi giày.

Có điều lẽ ra tôi phả xắn hai ống tay áo sơ mi lên mới đúng, bởi vì hai cổ tay đã bị ướt gần đến khuỷu và lại còn dây vài vết xi. Trên nền nắng, vết đen nổi rất rõ, mẹ lúc nào cũng nói rằng như thế bẩn lắm và mẹ đúng là có lý. Tóm lại đúng là có bẩn hơn bộ cánh màu xanh lính thuỷ, bởi vì cần phải nhìn cái áo vest của tôi thật gần mới thấy những vết xi ở trên đó. Với cả, tôi đã cạo xi khỏi áo vest bằng cái con dao mà bố vẫn dùng để cắt đùi cừu những khi có, và mọi thứ rất ổn thoả. Tôi cởi áo vest ra và vắt nó lên lưng một cái ghế, nhưng đấy là cái ghế không được vững, và bình! tất cả đã rơi xuống đất: cái áo vest, cái ghế, cái va li có các thứ để đánh giày, mà tôi đã để trên ghế. Không có gì nghiêm trọng lắm, ngoại trừ cái hộp xi, giống như mấy cái bánh mì quết của thằng Alceste, khi chúng tôi xô đẩy nó trên sân trường giờ ra chơi, nhưng đấy thì không phải là xi, mà là bơ, hoặc thường xuyên thì là mứt.

Thế là tôi quyết định lau cái vết trên nền gạch trong bếp, tôi không thích bị mẹ rầy la, và tôi lấy một cái khăn khác, mà mẹ chắc chắn cũng sẽ bỏ vào giỏ khăn áo bẩn. Nhưng cái khăn này, tôi phải nói, nó chả lau được gì cả, bởi vì chỗ xi chẳng đi mà còn loang rộng hơn. Thế là tôi làm giống như mẹ, tôi lấy chổi, không phải cái có sợi rơm dài ở đầu, cái khác cơ, tôi dấp nước cái khăn ở cái vòi nước bắn tung toé, mà tôi đã khôn không hề đóng lại, và tôi cho cái khăn vào đầu cái chổi. Thế rồi tôi bắt đầu cọ, nhưng đúng là quái thật, cái chỗ xi nó nhoét ra nhưng chẳng hề đi.

Thế là tôi lấy miếng xà phòng to, tôi dùng con dao cắt đùi cừu cạo những vết đen ở bên trên, và rồi tôi quỳ luôn đầu gối xuống đất, và dùng hai tay, tôi xoa xà phòng lên trên chỗ xi. Chán nỗi là nó chẳng tẩy sạch được xi, mà nó lại còn làm bẩn xà phòng kinh lên được. Nhưng cũng chẳng quan trọng, cả cái cà vạt cũng chả sao, bởi vì chỉ có mỗi cái đầu nó là quệt xuống đất, và khi tôi đóng cúc trên áo vest thì chả ai nhìn thấy đầu cà vạt nữa. Điều khó chịu chính là cái quần bởi vì hai đầu gối dính đầy xi ướt nhoét, quái thế chứ, ngay cả trên màu xanh lính thủy nhìn vẫn rõ. Lẽ ra tôi phải xắn quần lên, bởi vì kể cả không xắn quần, đầu gối tôi vẫn cứ bẩn. Tôi tự nhủ tốt nhất bây giờ là đi thay quần áo, dọn bếp để sau. Trong lúc lên phòng, tôi nhìn thấy mình trong cái gương nhỏ trong bếp, và thế là tôi phì cười. Mặt tôi đầy những xi, nhất là trên mũi. Tôi trông như một thằng hề và tôi liền giở trò nhăn nhó mặt mày, và rồi tôi nghe thấy một tiếng kêu lớn.

Chính là mẹ đang đứng ở chỗ cửa bếp. Mẹ không hài lòng. Mẹ nắm lấy tay tôi, và mẹ bảo tôi rằng tôi sẽ nghỉ ăn tráng miệng, và rằng để xem rồi bố sẽ nói gì khi bố được kể cho nghe những gì đã xảy ra.

Còn tôi, tôi bắt đầu khóc, bởi vì đồng ý, tôi đã nghịch mấy thứ dại thật, nhưng có điều bất công, cực kỳ bất công ấy, thật chứ còn gì nữa, nói cho cùng, đó là mẹ thậm chí không cả nhận thấy là tôi đã đánh giày. Mà tự mình tôi chứ lị!

Chúng tôi thăm nhà máy sô cô la

CẢ LŨ CHÚNG TÔI CHỜ THỨ NĂM sốt ruột kinh lên được, kể từ khi cô giáo bảo chúng tôi rằng lớp mình được mời đi thăm quan nhà máy sô cô la.

“Cô tin, cô giáo nói, các em sẽ ăn mặc chỉnh tề... Nếu em cần, cô sẽ đợi em nói nốt, Nicolas... Được rồi. Các em sẽ phải ngoan và phải chăm chú trong suốt buổi thăm quan, bởi vì sau đó cô sẽ yêu cầu các em kể lại trong bài tập làm văn. Hai giờ tập trung ở trường; nhớ đúng giờ, chúng ta sẽ không đợi những ai đi muộn.”

Thứ Năm, tôi đến trường vào lúc một rưỡi, và tất cả lũ bạn đã ở đó rồi. Thằng Alceste đang ăn một quả táo, bởi vì nó không có thời gian ăn tráng miệng tiếp ở nhà, và nó mang cả một gói đựng quà chiều của nó. Thằng làm bọn tôi phải phì cười là Agnan, cái thằng đã mang cả cặp đi.

“Tao mang vở để ghi chép trong buổi thăm quan, nó giải thích với chúng tôi. Để làm bài tập làm văn.”

Cái thằng Agnan điên thật đấy!

Thế rồi cô giáo tới, đúng là hết sảy, và ăn mặc đẹp kinh lên được; cô đeo một cái xắc thay vì cái cặp mà cô vẫn mang thường ngày, và cô đội một cái mũ ở trên đầu.

“Xem nào, cô nói. Ờ, cũng không tệ lắm nhỉ. Cô thấy vài trường hợp đầu bù tóc rối, đấy, rất là đáng phải chải, nhưng tựu chung lại thì chúng ta đều sạch sẽ... Alceste! Em có lau cằm và vứt cái lõi táo đi không. Được rồi. Xe ô tô tới rồi, lên đường thôi! Và cô báo trước cho các em: ai đầu têu gây mất trật tự trong xe, cô sẽ cho bạn đó xuống xe và bạn đó sẽ không đi thăm quan với chúng ta nữa!

Chúng tôi leo lên xe, thích kinh lên được, và không đứa nào giở trò gì. Chú lái xe, mỗi lần dừng lại ở chỗ đèn đỏ, chú ấy đều quay lại để nhìn và chú ấy có vẻ ngạc nhiên.

Chúng tôi tới trước cái nhà máy, nó rất, rất là lớn; cô giáo cho chúng tôi xuống xe, cô bảo thằng Alceste phủi vụn bánh sừng bò trên áo phông, chúng tôi xếp hàng và chúng tôi đi vào trong. Một bà rất hiền đã đứng đợi chúng tôi vừa nhìn chúng tôi vừa cười, và bà ấy cho chúng tôi vào trong một cái phòng kinh khủng có một ông đầu hói sạch, ông ấy đứng dậy bắt tay cô giáo. Và rồi ông ấy nhìn chúng tôi, ông ấy nở một nụ cười rất to và ông ấy nói:

“Các cháu, Nhà máy Sô cô la Grouillot mà bác là giám đốc chào mừng các cháu đến thăm. Bác nghĩ tất cả các cháu đều thích sô cô la nhỉ?... Ờ, ờ... Những ai thích sô cô la giơ tay nào!”

Tất cả chúng tôi đều giơ tay, trừ thằng Agnan.

“Thế nào! Agnan,” cô giáo nói.

“Sô cô la làm em bị ốm ngay, thằng Agnan giải thích. Từ khi em còn bé, bác sĩ đã bảo rằng em không được ăn sô cô la, bởi vì...”

“Được rồi, được rồi, được rồi, ông giám đốc nhà máy nói. Bác thấy là tất cả các cháu đều thích sô cô la; vì thế, sau buổi thăm quan, chúng tôi sẽ chuẩn bị cho các cháu một món quà nhỏ.”

Một ông khác, đeo tạp dề trắng, bước vào trong phòng, và ông giám đốc bảo chúng tôi rằng ông ấy tên là Romarin và chính ông ấy sẽ đi giới thiệu nhà máy cho chúng tôi. Chúng tôi bước ra sân, nơi có hàng đống xe cam nhông và chúng tôi đi về phía cửa đại. Trước khi vào, ông Romarin hỏi chúng tôi:

“Có ai trong số các cháu biết gì về việc người ta làm sô cô la như thế nào không?

“Sô cô la được làm cơ bản từ ca cao và đường kính, thằng Agnan nói. Ca cao thì là hạt của cây ca cao, là một loại cây xuất xứ từ Mê hi cô. Nó được trồng ở Trung Mỹ, ở châu Phi và ở châu Á. Nó...”

“Được rồi... Vào thôi,” ông Romarin nói.

Chúng tôi vào trong nhà máy, và đúng là cực kỳ hết sảy; thơm đến nỗi bạn có tưởng tượng cũng không được. Cô giáo lấy khăn mùi soa che lên mũi và ông Romarin nói với cô: “Dĩ nhiên là lúc đầu, khi mình chưa quen, mùi thơm cũng hơi mạnh một tí.”

Ông Romarin dẫn chúng tôi vào trong một cái phòng lớn nơi có các loại liễn to đầy những sô cô la mà người ta đang ngào. Ông Romarin đang bắt đầu giải thích cái vụ liễn thì thằng Geoffroy kéo tay áo tôi.

“Đến đằng này mà xem, nó bảo tôi, hết sảy cực!”

Chúng tôi đến xem và đúng là kinh khủng! Trên các băng cuốn, cứ tự động chạy, có đầy, đầy những thỏi sô cô la. Xung quanh các băng cuốn có các bà đeo tạp dề trắng vừa nhìn chúng tôi vừa cười, và một trong số các bà bảo chúng tôi: “Cô có cảm tưởng là lũ thỏ các cháu muốn thử mấy cái thỏi này lắm nhỉ.”

Chúng tôi ấy à, chẳng dám nói gì, thế là bà ấy đưa cho chúng tôi mỗi đứa một thỏi tướng.

“Nicolas! Geoffroy! Các em có đến đây ngay không! Cái kiểu ở đâu hay thế nhỉ!”

Đấy là cô giáo, cô đã nhìn thấy chúng tôi và gọi chúng tôi. Thế là, chúng tôi chạy đi, cùng với các thỏi kẹo.

“Chúng ta sắp sửa đến công đoạn tiếp theo, ông Romarin nói. Chú yêu cầu các cháu không đến gần máy móc quá, kẻo sẽ nguy hiểm.”

“Bọn mày lấy thỏi kẹo ở đâu đấy?” thằng Alceste hỏi chúng tôi.

“Qua cửa, đằng kia, tôi nói với nó. Mày đến đó và người ta sẽ cho mày hàng đống.”

Và thằng Alceste đi luôn, cùng với Eudes và Rufus. Còn chúng tôi, chúng tôi vừa đi theo ông Romarin và cô giáo vừa ăn thỏi kẹo của chúng tôi. Ông Romarin trỏ các cái máy và mỗi lần ông ấy ngoảnh, ông ấy đều đụng phải Agnan, cái thằng đứng sát ngay sau ông ấy, đang viết vào vở nó.

“Nhưng vẫn còn thiếu mà!” cô giáo kêu lên.

“Xin lỗi?” ông Romarin hỏi.

“Các bạn em đâu rồi?” cô giáo hỏi, cô không hề hài lòng.

Nhưng may quá, Alceste, Rufus và Eudes đã chạy đến, cùng với các thỏi kẹo.

“Cô cấm các em đi tách đoàn! Cô giáo kêu lên. Hãy nhìn cô đây xem các em ra thể thống gì mới được! Mặt các em đầy sô cô la. Áo sơ mi của em nữa, Rufus! Các em không biết xấu hổ à?”

Thằng Rufus lấy tay áo lau đằng trước áo sơ mi của nó và cô giáo bảo chúng tôi rằng nếu chúng tôi vô kỷ luật cô sẽ cho chúng tôi ra xe hết. Ông Romarin, người cứ đi tiếp cùng thằng Agnan, đã quay lại, ông ấy chạy về phía chúng tôi.

“Nghe đây, ông ấy nói. Tôi nghĩ rằng chúng ta không được chậm trễ quá thế này.”

“Dĩ nhiên rồi, cô giáo nói mặt mũi đỏ dừ. Làm ơn hãy bỏ qua, chúng nó cũng hơi... Joachim! Bỏ tay ra khỏi cái thùng! Chà! Hay nhỉ! Em có lau tay ngay đi không!”

“Em không có mùi soa ạ,” thằng Joachim nói.

Và nó bắt đầu khóc. Thế là cô giáo đưa khăn mùi soa của cô cho Joachim, cái thằng bèn lau bàn tay đầy những sô cô la, nó xì mũi, nó chùi mắt và nó định đưa lại mùi soa cho cô giáo. Nhưng cô giáo bảo rằng nó có thể giữ luôn mùi soa. Cô giáo hết sảy thật ấy!

Thằng Joachim nhét khăn mùi soa vào túi áo vest của nó. Cái thằng buồn cười ghê, Joachim ấy, sô cô la cứ ở khắp cả trên mặt.

“Thế nào, chúng ta tiếp tục chứ?” Ông Romarin nói.

Và chúng tôi tiếp tục bước đi, và thằng Clotaire hỏi thằng Joachim thứ ở trong thùng có ngon không.

“Chả ra gì, thằng Joachim nói. Tao nếm rồi, nhưng chẳng ngọt tí nào, mày thử mà xem.”

Thằng Clotaire bèn đi, và khi nó quay lại, nó nói rằng đúng thật, chả ra gì cả, và nó bảo thằng Joachim cho nó mượn khăn mùi soa.

“Trật tự!” ông Romarin kêu lên.

Ông Romarin bảo chúng tôi rằng chúng tôi sẽ thăm quan phòng cuối cùng, phòng đóng gói sản phẩm hoàn thiện, và rằng chúng tôi sẽ rất thích, bởi vì chúng tôi có thể nếm thử tất cả.

Chúng tôi bước vào trong phòng và cô giáo kêu lên:

“Maixent! Em làm gì ở đây thế?”

Thằng Maixent ngạc nhiên đến nỗi nó đánh rơi cả cái kẹo nó đang cầm ở tay. Nhưng cô giáo không có thời gian để nói tất cả những thứ cô muốn nói với nó, bởi vì ông Romarin có vẻ sốt ruột kinh.

“Đấy, các cháu thấy kẹo nhân kem, nhân rượu, nhân hoa quả đấy; còn kia là... Ôi! Xin lỗi! Vẫn là cậu đấy à! Sao cậu cứ quẩn vào chân tôi thế!... Kia, đó là các thỏi kẹo... Tóm lại, các cháu nếm thử đi.”

Đúng là kinh khủng thật, chúng tôi ăn hàng đống thứ tuyệt diệu; ngọt nhé, tan luôn, ngon ơi là ngon, và khi nào tôi lớn tôi sẽ làm việc trong một nhà máy sô cô la.

“Buổi thăm quan kết thúc, ông Romarin nói. Chúng ta quay lại phòng giám đốc, ông ấy đang đợi để tặng các vị một món quà.”

Trước khi vào phòng giám đốc, cô giáo bảo chúng tôi lau mặt mũi, và thằng Joachim cho chúng tôi mượn khăn mùi soa. Và khi ông giám đốc thấy chúng tôi, ông ấy mở to hết cả hai mắt.

“Hèm! Ông ấy nói. Bác thấy rằng các cháu đã thu được nhiều bổ ích từ chuyến thăm quan này. Nào! Các cháu, để các cháu giữ mãi kỷ niệm đẹp về buổi thăm quan chỗ chúng tôi, nhà máy Sô cô la Grouillot xin tặng các cháu một món quà.

Và ông giám đốc đưa cho mỗi đứa một gói đầy sô cô la, và thằng Clotaire bắt đầu khóc.

“Em bị ốm rồi ạ,” nó nói.

Và cô giáo chẳng kịp làm gì trừ việc đưa nó ra ngoài.

Trong xe, chúng tôi vừa nói chuyện thăm quan vừa ăn sô cô la trong các túi, và cô giáo không nói gì cả, bởi vì cô cứ mải nhìn ra cửa sổ.

Về nhà, tôi không ăn tối, và tôi cũng bị ốm. Dù sao đi nữa, chuyến thăm quan nhà máy sô cô la đúng là hết sảy kinh lên được. Cái thằng duy nhất thất vọng, đấy là Agnan. Bởi vì chúng tôi sẽ không làm bài tập làm văn kể lại chuyến thăm quan nhà máy sô cô la; cô giáo đã bảo rằng cô không bao giờ muốn nghe nói đến chuyện ấy nữa.