Những cú siêu lừa của Arséne Lupin - Chương 6 phần 1

CHƯƠNG VI - ARSÉNE LUPIN ĐẾN LÂU ĐÀI TỪ TRONG NGỤC TỐI

Nếu bạn đã từng đến nước Pháp, mà không dạo chơi bên sông Siene, không sải bước trên con đường dọc theo di tích hai nhà thờ cổ Jumieges và Saint Wandrille, không trầm trồ trước ngôi thành cổ Malaquis nằm hiên ngang bên bờ sông, thì có lẽ bạn không phải là một du khách thực thụ. Thành cổ nằm trên nền tảng đá hoa cương lấn ra mặt sông, tiếp giáp với núi và nước, một cây cầu nối liền nó với đất liền. Màu xám đen của tường thành cộng với màu xanh thẫm của đá hầu như đã hòa lẫn vào nhau, với dòng sông Siene hiền hòa chảy quanh, xuyên qua nhiều tầng lau sậy, cùng từng bầy chim đang đậu trên đá, rùng mình chịu rét.

Trong lịch sử, nơi đây đã chứng kiến bao cuộc binh đao chém giết. Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn không kể hết được những truyền thuyết về nó. Người dân địa phương vẫn thường rỉ tai nhau về đường hầm bí mật nối liền Jumieges với lâu đài của nàng Agnes Sorel, người thiếp yêu xinh đẹp của Charles VII.

Malaquis, lâu đài trước đây là chỗ đi lại cho bao lục lâm hảo hán, nay trở thành chốn nương thân của Nam tước Cahorn, hay còn gọi là Nam tước Santan, vốn là tên gọi ở sở giao dịch nơi ông làm nên sự nghiệp. Nhớ lại năm đó, người chủ lâu đài bị phá sản, để kiếm kế sinh nhai, ông ta đành phải bán lại lâu đài cho nam tước Satan. Trong lâu đài là một cơ man đồ gia dụng tuyệt mỹ, những bình gốm sứ đẹp mắt, và các tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Giờ đây, chỉ có nam tước và ba người hầu cận sinh sống trong đó; ngoài ra không một ai được phép bén mảng tới để ngắm nhìn gian phòng cổ kính, chiêm ngưỡng những bức tranh tuyệt đẹp của hai danh họa Rubens và Watteaus hay vô số những đồ vật quí báu mà nam tước thu thập được từ những phiên đấu giá đắt tiền.

Nam tước Satan đã phải sống những tháng ngày đầy lo sợ, không phải cho mình mà cho những đồ vật quí giá mà ông sở hữu. Để có được chúng, ông đã phải đổ bao tâm huyết trong nhiều năm trời. Không một ai có thể qua mắt được ông về phân biệt đồ cổ thật giả. Vì thế ông coi chúng như chính mạng sống của mình, với tất cả lòng tham của một địa chủ và sự ghen tuông của một người tình. Lúc nào trong lòng ông cũng canh cánh nỗi lo, sợ có ai đó sẽ cướp chúng khỏi tay mình.

Mỗi khi lặn mặt trời, những cánh cửa sắt to nặng và chắc chắn ở hai đầu cầu cùng cửa lớn vào lâu đài đều được hạ xuống. Chỉ cần có chút nghi ngờ, thì tiếng chuông sẽ lập tức vang lên làm náo động cả màn đêm yên tĩnh. Còn phía mặt tiếp giáp với sông Seine thì có thể yên tâm, bởi trước mắt là một vách đá thẳng đứng.

Vào một ngày thứ sáu của tháng 9, người bưu tá đến đưa báo. Như mọi khi, lần này Nam tước vẫn không từ bỏ thói quen cố hữu, tự mình ra mở cánh cửa sắt nặng nề.

Nam tước cẩn thận nhìn người bưu tá từ đầu đến chân, như thể ông đã không gặp anh ta từ rất lâu, cho dù sự thật là ông gặp anh ta thường xuyên. Anh chàng đưa báo cười khì khì:

- Thưa ngài, tôi đây mà! Chẳng lẽ lại có người mặc quần áo của tôi, đội mũ của tôi đến lừa ngài sao?

- Điều đó thì tôi làm sao biết được - Nam tước cự lại với giọng nói đầy nghi ngờ.

Anh này vừa đưa tập báo dày cộm cho nam tước, vừa nói:

- Hôm nay khác lạ đấy, thưa ngài. Ngài có thư, lại còn là thư bảo đảm nữa.

Nam tước thấy lạ lắm, ông sống như một người ẩn cư, không bạn bè, không làm ăn, vì thế lâu nay không ai viết thư cho ông cả. Tự nhiên giờ đây có một bức thư đặt trước mặt, khiến ông không khỏi chột dạ. Nhưng cùng với nỗi sợ hãi về sự thần bí của bức thư, nam tước vẫn muốn tự hỏi người đã phá vỡ cuộc sống của mình là ai?

- Mời ngài ký vào đây - Anh chàng bưu tá lên tiếng giục.

Ngài nam tước vừa lầm bẩm điều gì đó vừa ký tên. Và ông cứ cầm bức thư trên tay cho đến lúc thấy bóng người bưu tá đã khuất sau lối rẽ. Ông đi đi lại lại, dựa vào thân cầu rồi quyết định bóc thư ra đọc. Bức thư được viết từ hai mẩu được xé ra từ một tờ giấy. Đầu thư là dòng chữ: "Nhà tù cao cấp Paris", cuối thư là "Arséne Lupin". Ông hoàn toàn không hiểu đầu đuôi câu chuyện và quyết định đọc bức thư.

"Thưa ngài nam tước đáng kính!

Trong những tác phẩm mà ngài trưng bày ở hai phòng khách của mình, tôi đặc biệt thích thú với bức tranh của họa sĩ Philippe de Champaigne từ thế kỷ XVII. Tôi cũng không thể kìm lòng trước các tác phẩm của họa sĩ Rubén và bức nhỏ hơn của Watteaus. Phòng khách bên phải có chiếc bàn bếp từ thời Louis XIII, tấm thảm treo của Beauvais, chiếc bàn tròn nhỏ một chân phía trên có chữ ký của Jacob từ thời vua Napoleon và cả chiếc tủ áo từ thời Phục hưng, chúng mới tuyệt làm sao! Còn những báu vật ở phòng bên trái thì quả là có sức cuốn hút rất lớn!

Lần này tôi chỉ định lấy một chút đồ dễ "thó" mà thôi, vì thế phiền ngài hãy đóng gói chúng cẩn thận và gửi đến Gare de Batignolles trong vòng một tuần. Tôi đã thanh toán cước vận chuyển rồi. Còn nếu như ngài không làm việc đó, thì tối ngày 27 tháng 9, tự tôi sẽ đến lấy chúng đi.

Nếu tôi có làm phiền, thì xin ngài bỏ quá cho. Xin gửi đến ngài lời kính trọng nhất!

Arséne Lupin

Tái bút: Xin ngài đừng gửi lầm bức tranh lớn của Watteaus cho tôi, bởi vì cho dù ngài đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua nó từ phiên đấu giá, nhưng đó chỉ làm một bức tranh chép mà thôi. Bức tranh gốc đã bị Barras đốt trong một buổi tối điên rồ, từ thời Directory rồi. Chi tiết hơn, xin ngài hãy xem trong bản thảo "Hồi ức của Garat".

Còn về đồ trang sức của các quí bà từ thời Louis XV, nói thật là tôi thấy nghi ngờ về độ chân thực của chúng!"

Xem xong thư, nam tước thực sự cảm thấy choáng váng. Dù ai viết bức thư đó đi nữa cũng đủ làm ông bị sốc, huống hồ người ký tên lại là Arséne Lupin.

Từ trước đến nay, ngài nam tước luôn đọc rất kỹ những tờ báo hàng ngày, có vụ án chém giết, cướp giật nào mà ông không biết? Vì thế, ông không lại gì tên tuổi của Arséne Lupin. Ông cũng biết gần đây anh ta bị rơi vào tay đối thủ của mình là Ganimard ở Châu Mỹ, rồi bị tống vào ngục. Vụ lấy cắp dường như là không thể, nhưng với một tên trộm khôn ngoan xảo quyệt như Arséne Lupin, thì dường như không có chuyện gì là không thể xảy ra. Hơn nữa qua bức thư, vị trí bày biện đồ đạc trong phòng khách hầu như hắn đã biết hết. Đấy chẳng phải là một chi tiết rất đáng sợ ư? Làm sao Arséne Lupin lại có thể có tất cả những thông tin cơ mật đó?

Nam tước ngẩng đầu lên nhìn tòa thành Malaquis, rồi cúi xuống liếc nhìn vực đá sâu thẳm, nhìn lại dòng sông Seine đang uốn lượn rồi nhín vai trấn an, không thể có chuyện đó được. Những tác phẩm của ông, thánh đường báu vật của ông là một nơi bất khả xâm phạm!

Nhưng nếu kẻ trộm là Arséne Lupin thì sao? Liệu cánh cửa sắt vững chắc, bức tường xây kiên cố, cây cầu treo bất khả xâm phạm có thể ngăn nổi anh ta lại? Một khi Arséne Lupin đã chọn ra mục tiêu, sắp đặt kế hoạch, thì tất cả các chướng ngại vật và các phương án phòng vệ phỏng còn có ý nghĩa gì không?

Ngay tối hôm đó, ngài nam tước quyết định viết thư và gửi kèm bức thư đe dọa của Arséne Lupin cho cảnh sát địa phương Rouen, yêu cầu hỗ trợ.

Rất nhanh, chỉ một lúc sau, nam tước đã nhận được thư trả lời. Bức thư viết:

"Người tự xưng là Arséne Lupin quả thật đang bị giam ở nhà tù Paris, mà ở đó cảnh sát canh phòng rất nghiêm ngặt, lại không cho phép viết thư. Vì thế chuyện này chỉ là do một kẻ hoang tưởng bịa đặt ra mà thôi. Nó trái ngược với mọi logic và thực tế. Tất cả các chi tiết đều nói lên điều đó.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, chúng tôi vẫn cho giám định chữ viết. Cho dù không phải không có nét chữ giống nhau, nhưng bức thư không phải do phạm nhân viết."

Dòng chữ "Cho dù không phải không có nét chữ giống nhau" khiến ngài nam tước cảm thấy sởn gai tóc gáy. Điều này chẳng phải là đã thừa nhận, cảnh sát cũng có nghi ngờ hay sao? Chỉ thế thôi cũng đủ lý do để họ phải quan tâm đến việc này, chứ không phải rũ sạch mọi trách nhiệm như thế.

Càng nghĩ, ngài nam tước lại càng thấy sợ hãi. Ông bất giác cầm bức thư lên đọc lại, và dòng chữ "buổi tối 27 tháng 9" choáng hết đầu óc ông, đó là ngày Arséne Lupin tuyên bố sẽ tự mình đến đây.

Nam tước vốn là người đa nghi, lại ít nói, vì thế lần này ông cũng không muốn tiết lộ điều gì cho người hầu của mình. Ông nghĩ, lòng trung thành của họ chưa chắc có thể vượt qua được mọi thử thách. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong ngần ấy năm, ông cần tâm sự với ai đó, nhờ họ đưa ra một hướng giải quyết. Những nhà chức trách đã không muốn giúp ông, ông đành phải tự mày mò tìm kiếm trong đầu; thậm chí đã nghĩ đến việc lên Paris, tìm một vị thám tử đã nghỉ hưu giúp đỡ.

Thế rồi hai ngày trôi qua. Đến thứ ba khi ông giở báo ra đọc, một mẩu tin được đóng khung trên tờ Reveil de Caudebec khiến ông không dấu nổi vui mừng. Tin viết:

"Ba tuần gần đây, báo chúng tôi rất vinh hạnh được đón tiếp ngài Ganimard đến làm khách tại tòa soạn. Ngài Ganimard rất nổi tiếng bởi chiến tích bắt giữ được Arséne Lupin, và giờ ngài đang thưởng thức thú câu cá tại đây."

Thật tuyệt diệu, còn ai có thể phá vỡ mọi quỉ kế của Arséne Lupin, ngoài ngài Ganimard túc trí đa mưu và lão luyện đây?

Ngay lập tức nam tước biết mình phải làm gì. Caudebec cách đây sáu cây số, và niềm hy vọng cuối cùng khiến người ông như run lên cùng những bước chân đi chắc chắn.

Sau khi đến thị trấn Caudebec, ông lùng sục khắp nơi để hỏi thăm tin tức của đồn trưởng, nhưng chẳng ích gì. Cuối cùng, ông quyết định đến hẳn tòa soạn báo Reveil de Caudebec. Nam tước tìm gặp người biên tập bài báo, ông ta đến bên cửa sổ rồi nói to:

- Ganimard ư? Ông chỉ cần đi dọc theo bến cảng, thì chắc chắn sẽ gặp ông ta đang câu cá ở đó. Tôi cũng tình cờ gặp gỡ như vậy, may thay tôi còn nhìn thấy tên ông ta khắc trên cần câu. Đấy nhìn kìa, chính là người đang đi dạo trong rừng cây kia...

- Người mặc cái áo khoác bó sát và đội mũ cỏ ư?

- Đúng vậy, nhưng tính khí ông ta hơi kỳ cục một chút, hầu như chẳng nói gì.

Chỉ năm phút sau, nam tước đã đứng trước mặt viên đồn trưởng. Ông tự giới thiệu, rồi tìm cách trò chuyện. Nhưng thấy đối phương dường như không mấy nhiệt tình, nên quyết định đi thẳng vào câu chuyện.

Viên đồn trưởng im lặng lắng nghe câu chuyện, mà mắt vẫn dán vào cần câu. Nghe xong, ông ta quay lại nhìn nam tước với vẻ thương hại, rồi chậm rãi nói:

- Thưa ngài, nếu ai đó muốn lấy cắp đồ của ngài, thì theo lẽ thường sẽ không thông báo trước cho ngài đâu. Và Arséne Lupin lại càng không phải là kẻ ngốc thế!

- Nhưng...

- Thưa ngài, dù tôi có hơi nghi ngờ một chút, nhưng ngài hãy tin rằng, nếu có cơ hội bắt hắn ta một lần nữa, thì tôi đây cũng rất sẵn sàng. Nhưng đáng tiếc là giờ hắn ta đang ôm mối hận đời ở trong nhà tù.

- Có thể hắn ta đã vượt ngục chăng...?

- Không ai có khả năng làm điều đó, cho dù là Arséne Lupin đi nữa!

- Nhưng...

- Cho dù hắn ta có vượt ngục rồi thì càng tốt chứ sao, tôi lại có thể lập công. Nhưng với tình hình trước mắt thì xin ngài cứ yên tâm. Ồ, xin ngài cẩn thận đừng đuổi hết lũ cá của tôi đi.

Cuộc đối thoại kết thúc ở đó, và nam tước lo lắng trở về tòa thành cổ của mình. Thái độ chắc chắn của Ganimard khiến ông thấy yên tâm hơn. nhưng ông vẫn kiểm tra kỹ lưỡng cửa nả, bí mật theo dõi mọi cử chỉ và hành động của mấy người hầu. Ông tự động viên mình, rằng đây chỉ là một trò đùa mà thôi. Và đúng như viên đồn trưởng Ganimard nói, không có ai báo trước ý định của mình sẽ lấy cắp đồ cho chủ của nó cả. Và cứ thế, hai ngày lại trôi qua một cách tương đối bình lặng.

Sắp đến cái ngày định mệnh rồi. Đó là thứ ba, trước hôm 27 một ngày, buổi sáng mọi thứ vẫn bình thường. Nhưng đến ba giờ chiều, một thanh niên đến bấm chuông và trao cho nam tước một bức điện với nội dung như sau:

"Không thấy hàng được gửi đến Batignolles, vậy xin hãy chuẩn bị cho đêm mai."

Nam tước cảm thấy mọi thứ như sụp đổ, suýt chút nữa thì ông đã muốn cầu xin Arséne Lupin hãy tha cho ông.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, ông lao đến Caudebec và tìm gặp Ganimard. Ông ta vẫn ở chỗ cũ. Nam tước trao bức điện cho Ganimard, nhưng ông này đáp lại với thái độ vô cùng bình thản:

- Vậy thì sao?

- Vậy thì sao? Đó không phải là chuyện sẽ xảy ra vào tối ngày mai ư?

- Chuyện gì?

- Hắn ta sẽ đến cuỗm sạch đồ của tôi!

Ganimard thu cần câu, quay lại nhìn nam tước như ở Sao Hỏa xuống. Ông ta chắp tay trước ngực rồi rồi gào lên:

- Ông cho rằng cuộc nói chuyện ngớ ngẩn này sẽ khiến tôi cảm thấy thú vị sao? - Nếu tôi muốn ông ở trong nhà tôi vào đêm 27 thì sẽ cần bao nhiêu?

- Tôi không cần đến một xu, chỉ xin ông để cho tôi yên!

- Xin hãy nói ra một cái giá! Tôi có tiền, rất nhiều tiền...

Cách nói quá thẳng thắn và thô lỗ của nam tước khiến Ganimard không khỏi động lòng. Ông ta ngập ngừng:

- Nhưng tôi đang đi nghỉ, theo luật thì...

- Tôi sẽ giữ kín như bưng! - Nam tước quả quyết.

- Thế thì tôi có thể yên tâm!

- Được, ba trăm france đã đủ chưa?

Viên đồn trưởng bốc một nhúm thuốc, đưa lên mũi ngửi ra chiều suy nghĩ, cuối cùng như miễn cưỡng đồng ý:

- Được, những cũng xin nói trước là ngài đang vứt tiền qua cửa sổ một cách vô ích đấy.

- Tôi không quan tâm. - Nam tước nói với vẻ bất cần.

- Đã vậy thì thưa ngài, tên Lupin chết tiệt đó muốn giở trò gì thì có trời biết, mấy tên bậu sậu giúp đỡ hắn ta có lẽ cũng không ít. Xin mạn phép hỏi, những người hầu của ngài đáng tin cậy chứ?

- Nói thật thì...

- Vậy ngài hãy giữ bí mật với họ. Giờ thì tôi sẽ đi đánh một bức điện, nhờ hai người bạn của tôi đến giúp, như thế để cho chắc chắn hơn, ngài biết đấy. Còn ngài hãy trở về, đừng để ai nhìn thấy tôi và ngài ở đây. Hẹn gặp lại ngài vào chín giờ tối mai!

Ngày hôm sau đúng là ngày mà Arséne Lupin đã cảnh báo trong thư. Nam tước Cahorn cẩn thận gỡ khẩu súng xuống, lau thật kỹ, rồi chậm rãi đi thị sát xung quanh nhà. Không hề có điều gì khả nghi cả.

Buổi tối đúng tám rưỡi, nam tước đã cho người hầu đi ngủ. Chỗ họ ngủ là tòa tháp gần với đường lớn và hơi thụt vào trong so với phần chính của lâu đài. Sau khi yên tâm rằng họ đã đi ngủ, nam tước mới ra mở cánh cửa sắt. Và chỉ một lúc sau, ông nghe thấy tiếng bước chân rầm rập.

Ganimard và hai tên trợ thủ của ông ta đã đến. Đó là hai người đàn ông lực lưỡng, đầy cơ bắp. Sau khi nghe nam tước giới thiệu về kiến trúc của tòa lâu đài, Ganimard cẩn thận xem xét tất cả những cánh cửa mở đến hai phòng khách mà Arséne Lupin đã nhắc đến trong thư. Ông ta bày ra nhiều chướng ngại vật, lại kiểm tra kỹ lưỡng các vách tường, cả khoảng tường đằng sau tấm thảm treo để có thể yên tâm về mọi thứ. Cuối cùng, ông dặn hai trợ thủ của mình canh gác ở hành lang chính thông đến phòng khách:

- Hãy cẩn thận, nhớ đấy! Chúng ta đến đây không phải để nghỉ ngơi, hiểu chứ? Có động tĩnh gì thì hãy mở cửa sổ hướng ra vườn và gọi tôi ngay!

Sau khi ra khỏi hành lang, Ganimard cẩn thận khóa chiếc cửa cuối cùng dẫn vào hành lang, cất chìa khóa vào trong túi rồi nói với ngài nam tước:

- Bây giờ chúng ta có thể ai lo việc nấy được rồi!

Căn phòng mà Ganimard chọn để canh chừng là một căn phòng nhỏ, bốn phía đều là vách đất. Đây là nơi hồi trước những người trực đêm vẫn ở. Hai đầu phòng có hai mắt mèo dùng để quan sát, một đầu nhìn ra phía cầu treo, một đầu nhìn được trong vườn. Ở góc phòng có một lỗ tròn nhỏ trông như miệng giếng.

- Thưa ngài, ngài đã từng nói với tôi miệng giếng này là lối thoát ra ngoài duy nhất, nhưng nó đã bị lấp từ những đời trước?

- Đúng vậy!

- Thế thì chúng ta cứ việc yên tâm thôi, thưa ngài, trừ phi có một đường hầm bí mật khác chỉ mình Arséne Lupin biết, mà điều đó thì hết sức mong manh!

Nói rồi, Ganimard kê hai chiếc ghế lại với nhau nằm một cách thoải mái. Ông châm điếu thuốc hút, và nói thật vô tư:

- Nói thật chứ, thưa ngài, nếu không phải vì căn hộ dưỡng lão của mình, thì tôi sẽ không phí công sức vào việc này làm gì! Để hôm nào đó tôi sẽ đem chuyện này kể cho chú em Arséne Lupin nghe, chắc chắn chú ta cứ gọi là cười ngất!

Nhưng ngài nam tước của chúng ta vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị. Ông đang dựng tai lên, cố nghe mọi động tĩnh trong đêm, cúi đầu xuống miệng giếng thăm dò, rồi thỉnh thoảng lại liếc về phíađó đầy lo lắng.

Tiếng chuông báo nửa đêm đã điểm. Rồi tiếng báo một giờ, hai giờ cũng vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch.

Đột nhiên, nam tước tóm chặt lấy tay Ganimard, khiến ông này choàng tỉnh:

- Ngài có nghe thấy gì không?

- Tôi biết rồi!

- Đó là tiếng gì vậy?

- Chỉ là tiếng tôi ngáy thôi mà!

- Không phải, ngài hãy nghe lại đi!

- A, đúng là có tiếng còi xe!

- Sao?

- Ôi, được rồi thưa ngài, chắc Arséne Lupin không điều cả xe tấn công tòa thành của ông chứ? Giờ mời ngài trở về chỗ của mình, tôi phải đi ngủ đây! Chúc ngài ngủ ngon!

Suốt đêm đó chí có tiếng động ấy và tiếng ngáy đều đều của Ganimard ở trong phòng.

Trời đã tờ mờ sáng, hai người thức dậy và ra khỏi mật thất. Bốn bề đều lạnh tanh. Sông Seine vẫn chảy êm đềm, còn cả tòa thành đang chìm trong một buổi bình minh tĩnh lặng. Nam tước có vẻ đã bình tâm trở lại, ông không dấu nổi vẻ sung sướng, còn Ganimard thì vẫn giữ dáng vẻ ung dung thường ngày. Họ đi về phía cầu thang, hoàn toàn không có tiếng động hoặc dấu vết khả nghi nào. Ganimard lên tiếng:

- Ngài thấy chưa? Tôi quả thật là không nên đồng ý với những đề nghị hào phóng của ngài, thật ngại quá!

Nói rồi Ganimard rút chìa khóa ra mở cửa. Hai người trợ thủ lực lưỡng của ông đang nằm trên ghế ngủ ngon lành, Ganimard rất tức giận:

- Bọn chết tiệt này!

Đúng lúc ấy thì ngài nam tước gào lên thất thanh:

- Ôi, những bức họa của tôi! Chiếc bàn ăn của tôi!

Nam tước vừa thở hổn hển vừa chỉ về phía trước, không nói được lời nào nữa. Những bức tranh không cánh mà bay, cả đồ trang sức trong tủ pha lê cũng biến mất.

- Ôi, ôi, cây chân nến thời Louis XVI, chiếc nến từ thời Regency, tượng Thánh mẫu thế kỷ XII...

Nam tước hoàn toàn như người mất trí. Ông chạy từ đầu phòng này sang phòng khác, miệng nói lảm nhảm về giá trị của những đồ vật đã mất, trông như người mất hồn. Lúc này ông lai nhảy lên chồm chồm, giống như một người đã phá sản hoàn toàn, và chỉ thiếu chút nữa là đã tự ghim một viên đạn vào đầu mình.

Nếu có điều gì có thể giúp ông thấy được an ủi đôi chút, thì đó chính là bộ dạng của Ganimard lúc này. Ông ta đứng sững, chết lặng và điều đó cùng với bộ dạng của Nam tước đã làm nên một bức tranh biếm họa sống động. Ganimard rối rít đi kiểm tra toàn phòng. Cửa sổ, cửa chính đều đóng chặt, trên sàn nhà, trên tường cũng không hề có vết đục khoét hay một lỗ hổng nhỏ nào. Hiện trường vụ án chỉ chứng tỏ là nó đã được lên kế hoạch một cách chặt chẽ và lạnh lùng. Ông ta chỉ biết lẩm bẩm trong miệng một cách vô thức:

- Arséne Lupin... Arséne Lupin...

Rồi ông ta lao nhanh ra hành lang, cố sức lay hai tên trợ thủ tỉnh dậy. Nhưng hai gã này vẫn ngủ như chết:

- Điên rồ! - Ganimard gào lên! - Thế này là thế nào? - Nói rồi, ông cúi xuống xem xét. Họ không phải đang nằm ngủ, đây là một giấc ngủ không bình thường; có ai đã hạ độc họ.

- Ai chứ?

- Còn ai vào đây, chính là Arséne Lupin!... Nếu không cũng là đồng đảng của hắn, nhưng kẻ chủ mưu thì không thể là ai khác! Đây là chiêu tủ của hắn mà!

- Nói thế nghĩa là hết, chúng ta cũng hết cách rồi?

- Hết rồi!

- Thật thảm hại cho tôi!

- Ngài có thể đi kiện!

- Thế thì có ích gì?

- Hừm, dù gì cũng cứ phải thử mới biết. Chính quyền có thể giúp ngài điều đó!

- Chính quyền? Ngài tự biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi còn gì? Dù gì thì ngài cũng nên tìm kiếm đi chứ, biết đâu lại phát hiện ra dấu vết nào đó, còn hơn là cứ đứng yên thế kia!

- Dấu vết? Dấu vết nào? Từ trước đến nay Arséne Lupin chưa hề để lại dấu vết nào! Tôi đang nghi ngờ rằng liệu ở Châu Mỹ dạo nọ, có phải hắn ta cố ý rơi vào tay tôi không!

- Nghe ngài nói như vậy, thì những bức tranh quý giá và đồ cổ của tôi mất trắng cả hay sao? Đó là những thứ quý nhất của tôi, ngài biết không? Tôi sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để tìm lại chúng. Nếu thật không còn cách nào, thì đành phải để hắn ta ra giá vậy!

- Ngài xem ra vẫn còn tỉnh táo đấy! Nói lời phải giữ lời, ngài thật sự nghĩ vậy sao? Ngài không hối hận chứ? - Ganimard chăm chăm nhìn nam tước.

- Không, chắc chắn tôi sẽ không hối hận! Nhưng hình như ngài có ý gì đó?...

- Tôi đang có một cách!

- Cách gì?

- Hãy đợi kết quả điều tra đã, nhưng nếu ngài muốn tôi thoải mái ra tay thì đừng nhắc gì đến tôi.