Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển - Chương III - Phần 1 - 2

Chương III - Phần 1: Lối Sống Của Một Con Chim Trời

Cái trại

Đúng trong những ngày ấy, tỉnh Xkônê xảy ra một việc được bàn tán nhiều, cả báo chí cũng nói tới, mà nhiều người cho là chuyện huyễn hoặc, vì không thể giải thích được.

Câu chuyện như thế này: người ta bắt được một con sóc cái trong khu rừng trăn thưa trên bờ hồ Vômbsơ; mang về một cái trại gần đó. Từ già đến trẻ, mọi người trong trại đều thích thú ngắm con vật bé nhỏ, xinh quá với cái đuôi đẹp, đôi mắt tò mò và thông minh, những cái chân xinh xắn. Người ta tính sẽ được giải trí suốt mùa hè với những động tác nhanh nhẹn, cách cắn vỏ hạt dẻ mau lẹ và những trò chơi vui vẻ của nó. Người ta cho nó vào một cái lồng sóc cũ, gồm một chiếc bánh xe bằng dây thép. Chiếc nhà nhỏ có cửa lớn và cửa sổ, làm phòng ăn và phòng ngủ; trong đó người ta xếp lá thành một chiếc giường nhỏ, để một bát sữa và một nắm hạt dẻ. Chiếc bánh xe phải là phòng chơi, nơi con vật bé nhỏ có thể chạy nhảy và leo trèo.

Những người trong trang trại là đã thu xếp cho con sóc tất cả mọi thứ rất chu đáo, và lấy làm lạ rằng chỗ ở của nó dường như chưa làm cho con sóc hài lòng. Nó cứ buồn bã và khó tính, trong một góc của chiếc nhà nhỏ: thỉnh thoảng lại thốt ra một tiếng kêu đau khổ nhức nhối. Nó không đụng đến thức ăn. Người ta bảo: “Nó còn sợ, mai kia quen chỗ ở rồi sẽ ăn và chơi”.

Cũng vào độ ấy, các bà nội trợ bận rộn sửa soạn một bữa tiệc, và cái hôm bắt được sóc, người ta nướng bánh mì. Hoặc do một sự không may nào đó làm cho bột nở, khiến công việc chậm lại, hoặc vì người ta uể oải nên phải ở lại coi bánh đến khuya.

Trong bếp, công việc tíu tít và tất nhiên người ta không có thì giờ nhớ đến con sóc. Nhưng trong nhà có một bà cụ già, vì tuổi cao quá không giúp việc nướng bánh được. Bà cụ già hiểu rõ như thế lắm, nhưng bà cụ không thể chấp nhận được ý nghĩ mình bị gạt ra ngoài công việc.

Buồn ngủ, không thể đi ngủ được, bà cụ già ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Vì trời nóng, cửa nhà bếp để ngỏ, ánh sáng từ cửa ấy chiếu ra sáng cả sân. Cái sân bốn mặt đều có nhà bao quanh, cái nhà trước mặt được chiếu sang đến nỗi bà cụ già có thể phân biệt được rõ các lỗ hổng và kẽ nứt trên mặt tường đất.

Bà cụ cũng trông thấy cái chuồng sóc treo đúng chỗ sáng nhất.

Bà cụ để ý thấy con sóc chạy suốt đêm, không lúc nào nghỉ, từ cái nhà nhỏ đến chiếc bánh xe, rồi từ cái bánh xe về cái nhà nhỏ. Bà cụ nghĩ rằng con vật không ngủ được vì đang bị một nỗi lo ngại lạ thường giày vò, nhưng bà cụ lại cho là vì cái ánh sáng quá chói.

Giữa chuồng bò và tầu ngựa có một lối đi rộng lợp mái, ăn thông ra cổng cho xe ngựa ra vào. Cái lối đi ấy nằm theo hướng được chiếu sáng. Đêm cũng đã khá khuya, bà cụ già chợt thấy một con người bé tí, không cao hơn một gang tay, từ dưới mái vòm đi ra từng bước thận trọng. Người ấy đi giày gỗ, mặc quần chẽn bằng da như một người thờ. Bà cụ vẫn nghe nói là gia thần thường ở những nơi như thế, và biết rằng thần đến đâu là mang hạnh phúc đến đó.

Vừa vào đến sân, gia thần liền chạy ngay đến chiếc lồng sóc. Không với tới lồng được, thần đi kiếm một cái sào đem dựa vào lồng, rồi leo theo sào mà lên như một người thủy thủ leo sợi dây thừng vậy. Thần lắc cánh cửa cái nhà nhỏ màu lá cây, nhưng bà cụ rất yên tâm, bà biết rằng trẻ con đã khóa cửa lại vì sợ trẻ hàng xóm đến lấy trộm con sóc của chúng.

Gia thần không thể mở được cửa; bà cụ già thấy con sóc đi ra chỗ bánh xe. Ở đó hai bên thì thầm với nhau một hồi lâu, rồi thần theo cây sào tụt xuống đất và ra cửa biến mất.

Bà cụ già nghĩ là chẳng còn thấy lại thần trong đêm hôm nay nữa, tuy vậy bà vẫn ngồi bên cửa sổ. Một lát sau, bà thấy thần quay trở lại. Thần vội đến mức chân đi như không chạm đất. Thần chạy đến bên chiếc lồng. Với đôi mắt viễn thị, bà cụ trông thấy thần rất rõ. Bà thấy cả thần cầm vật gì trong tay, nhưng không thể nhận ra là cái gì. Thần đặt vật cầm trong tay trái xuống sân và mang vật cầm trong tay phải lên tận chiếc lồng. Thần lấy chiếc giày gỗ đá vào cánh cửa sổ nhỏ, phá vỡ ra và đưa vật dang cầm cho con sóc. Rồi thần tụt xuống cầm lấy vật đã để dưới đất và lại trèo lên lồng đưa cho sóc. Tức khắc sau đó thần chạy trốn, nhanh đến nỗi bà cụ nhìn theo không kịp.

Thế là bà cụ không thể ngồi yên trong nhà được nữa: bà rón rén đi ra cửa, và nấp vào bóng tối của cái bơm nước để rình gia thần. Một vật khác cũng trông thấy thần và nổi lòng tò mò. Đó là con mèo. Nó lướt nhẹ đến tận bức tường và dừng lại ở gần chỗ có ánh sáng một chút. Bà cụ và con mèo đợi một lúc lâu trong đêm tháng Ba giá lạnh. Bà đang định trở vào thì nghe có tiếng động trên sàn và thấy gia thần lon ton trở lại. Cũng như lần trước, hai tay thần đều mang vật gì, và vật thần mang kêu rối rít và vùng vẫy. Bà cụ hiểu ra là thần đã đi kiếm những đứa con của con sóc ở trong rừng trăn và mang đến cho nó, để chúng khỏi phải chết đói.

Bà cụ giả đứng yên không động đậy, để gia thần khỏi sợ và hình như thần không trông thấy bà. Thần định đặt một con sóc con xuống đất để mang nhanh con kia lên lồng thì thấy lóe lên cạnh mình đôi mắt xanh của con mèo. Thần đứng không nhúc nhích, bối rối, mỗi tay cầm một con sóc con; rồi thần quay lại nhìn khắp chung quanh và trông thấy bà cụ già. Thần chẳng do dự, chạy lại chỗ bà và chìa ra một con sóc con đưa cho bà.

Bà cụ già không muốn tỏ ra không xứng đáng với lòng tin cậy ấy. Bà cụ cúi xuống, đỡ lấy con sóc con, và giữ nó cho đến lúc gia thần đã mang được con cóc kia lên lồng, và trở lại lấy con sóc con đưa gửi bà.

Sáng hôm sau, khi mọi người trong trại tập tụ tập lại ăn sáng thì bà cụ không thể giấu mà không kể lại những việc bà cụ đã trông thấy đêm qua. Tất nhiên là mọi người đều chê bai bà cụ già, và cho là bà cụ đã nằm mê. Vào độ này trong năm, làm gì mà có sóc con.

Nhưng bà cụ tin chắc ở lời mình nói, và bà mời mọi người đến lồng sóc mà xem. Họ làm theo lời bà. Ở đấy, trên một lớp lá trải giường, có bốn con sóc con mình nửa trần trụi và mắt chưa mở hết, ra đời ít nhất trong hai ba ngày rồi.

Khi trông thấy lũ sóc, người chủ trại nói: “Dù sao đi nữa, có điều chắc chắn là chúng ta phải lấy làm xấu hổ”. Rồi ông mở lồng lấy con sóc cùng lũ con nó ra, đặt vào tạp dề của bà cụ và nói: “Mang chúng vào rừng trăn, trả tự do cho chúng”.

Đó là sự kiện mà người ta nói nhiều trên các tờ báo, mà nhiều người không chịu tin vì họ không thể giải thích nổi.

Phần 2: Vittsơvlê

Vài hôm sau lại xảy ra một việc lạ lùng. Buổi sáng nọ, một đàn ngỗng trời hạ xuống một cánh đồng ở phía Đông tỉnh Xkônê không xa thái ấp lớn Vittsơvlê mấy.. Đàn ngỗng gồm mười ba ngỗng màu tro thường thấy và một ngỗng đực màu trắng lưng cõng một thằng người nhỏ xíu mặc cái quần chẽn bằng da vàng, chiếc gi-lê màu lục và đội cái mũ vải trắng.

Bây giờ đàn đã đến gần biển Baltika và cánh đồng nơi chúng đỗ xuống là đất cát như thường thấy dọc bờ biển. Chắc là ở đây ngày trước có những cồn cát di động mà người ta đã phải cố định lại vì ở nhiều nơi thấy có những khu trồng thông lớn.

Đàn ngỗng ăn cỏ đã một lúc thì có những trẻ con đến ven cánh đồng. Con ngỗng canh phòng tức khắc vút lên không, vỗ cánh báo cho đàn biết là có nguy cơ đe dọa. Cả đàn liền bay đi, nhưng con ngỗng trắng cứ bình tĩnh ở lại dưới đất. Trông thấy các con kia bay đi trốn, nó ngửng đầu lên kêu theo: “Việc gì mà phải trốn bọn đó. Trẻ con cả mà!

Đứa bé mà nó cõng đang ngồi ở bìa rừng, cắn vỡ quả thông để ăn cái nhân. Đám trẻ con đến gần quá, nên nó không dám chạy băng qua cánh đồng để đến với con ngỗng trắng. Không chần chừ nó liền ẩn mình dưới một ngọn lá cây gai khô to và kêu lên một tiếng báo hiệu.

Nhưng rõ ràng là con ngỗng trắng nhất định không thèm sợ, cứ dẫn diệu qua cánh đồng, chẳng để ý gì đến hướng đi tới của đám trẻ con.

Mà bọn này thì bỏ con đường cái, băng qua cánh đồng đi về phía con ngỗng. Sau cùng khi nó ngước mắt lên thì chúng đã đến ngang bên cạnh, nó bải hoải và hoảng hốt đến nỗi quên là nó biết bay, và cứ thế chạy cho xa chúng ra. Bọn trẻ đuổi theo lùa cho nó sa xuống một cái rãnh, rồi vội vàng bắt lấy. Đứa lớn nhất cặp nó vào nách và mang đi.

Đứa trẻ nấp dưới ngọn lá cây gai thấy thế liền vọt phắt dậy như muốn cướp lại con ngỗng. Nhưng sực nhớ lại là thân hình nó bé nhỏ như thế nên bất lực nó nằm lăn ra bãi cỏ, nắm hai bàn tay lại, đấm lấy đấm để mặt đất.

Con ngỗng đực cố hết sức kêu cứu: “Tí Hon, đến giúp tôi với! Tí Hon, đến giúp tôi với!”. Nhưng nghe thế, đứa bé dù đau đớn vô cùng, lại bật ra cười và nói một mình: “Vâng, cứ như mình thì có thể cứu giúp được ai?”

Tuy vậy, nó cũng đứng dậy và đi theo con ngỗng đực, vừa đi vừa nói: “Mình không thể giúp nó, nhưng ít ra cũng muốn xem chúng sẽ làm gì nó”.

Bọn trẻ con đi trước nó rất xa, nhưng đứa trẻ chẳng khó khăn gì mà không theo dõi được chúng cho đến khi tới trước một khoảng đất trũng có một con suối mùa xuân chảy quanh quất. Con suối lòng chẳng rộng mà chảy cũng chẳng ào ạt, thế mà nó cũng phải chạy dọc bờ mãi mới tìm được một chỗ để sang ngang.

Vừa leo lên bờ, nó thấy ngay là bọn trẻ đã mất hút đâu rồi. Tuy vậy, nó cũng tìm ra vết chân của chúng trên một con đường hẹp vào rừng, và nó tiếp tục đi theo chúng.

Rồi nó đến một ngã tư, ở đấy chắc là bọn chúng ắt đã chia tay nhau, vì thấy những vết chân đi theo hai hướng. Thế là đứa bé có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng.

Nhưng lúc ấy nó trông thấy trên một bụi thạch thảo một chiếc lông tơ nhỏ màu trắng, và nó hiểu ngay rằng con ngỗng đực đã thả xuống đấy ven con đường kiệt, để chỉ cho nó biết là bọn kia đã mang mình đi về phía nào. Thế là đứa bé cứ tiếp tục đi. Nó cứ như vậy, theo mãi bọn trẻ con qua suốt cả cánh rừng. Nó chẳng trông thấy con ngỗng một lần nào, nhưng ở mỗi một đôi chỗ mà nó có thể đi lầm đường là có một chiếc lông tơ nhỏ màu trắng chỉ hướng cho nó.

Đứa bé tiếp tục đi theo các chiếc lông rất cẩn thận. Các chiếc lông đưa nó ra khỏi cánh rừng, qua hết mấy cánh đồng, đến một con đường cái, rồi sau cùng đến một lối đi ấy thấy những đầu hồi và những cái tháp xây gạch đỏ, vẽ những đường màu tươi và những hình trang trí nhìn thấy toàn gia trạch là đứa bé như đã hiểu việc gì đã xảy cho con ngỗng rồi. “Chẳng chút nghi ngờ gì nữa, bọn trẻ con đã mang con ngỗng đức đến gia trạch này để bán và thế thì chắc là ngỗng đã chết rồi”. Nghĩ thế, nhưng nó như chẳng chịu bằng lòng với điều giả sử như vậy và càng chạy hăng hái hơn trước nữa. Nó chẳng gặp ai trong lối đi, và lại thế là may mắn lắm vì cái loài như nó thường rất sợ bị loài người bắt gặp.

Gia trạch mà nó đến là một tòa kiến trúc theo kiểu cổ, gồm bốn ngôi bao quanh một cái sân danh dự mở ra phía Đông. Đứa bé không chút do dự chạy ngay đến mái hiên ở mặt tiền nhưng dừng lại đấy, không dám đi liều vào bên trong. Đứng chôn chân ở đấy, nó nghĩ xem phải làm gì.

Còn mải nghĩ, một ngón tay để lên sống mũi, bỗng nghe những bước chân đi đến phía sau lưng và quay lại thì thấy một toán người đang theo lối đi mà kéo vào. Nó vội luồn vào phía sau một cái thùng nước để ở gần mái hiên và nấp ở đấy.

Những người mới đến có lẽ gần hai chục thanh niên ở một trường đại học bình dân đi tham quan. Một giáo sư đi với họ và đến hiên trước thì bảo họ chờ để ông ta vào xin phép được thăm toà lâu đài cổ Vittsơvlê.

Họ thấy nóng và hình như mệt vì cuộc đi dài. Một người khát nước quá liền đến bên thùng nước và cúi xuống uống. Cái hộp đừng cây cỏ sưu tầm đeo trên vai ý chừng vướng víu, nên anh ta vứt xuống đất. Nắp hộp mở ra và bên trong thấy có vài đóa hoa mùa xuân.

Cái hộp rơi đúng trước mặt đứa bé, và nó phải nghĩ rằng đó là một cơ hội tuyệt vời để nó vào trong lâu đài và biết được việc gì đã xảy ra với con ngỗng đực. Nó liền lẹ làng trườn vào hộp và nấp kín đáo nhất dưới những hoa mào lương và tử uyển.

Nó vừa ẩn vào đấy thì anh niên đã nhặt lấy cái hộp, đeo lên vai và đậy nắp lại.

Vừa lúc ông giáo sư trở ra, bảo cho họ biết là đã được phép vào lâu đài. Thế là họ vào sâu trong sân danh dự, và ông giáo sư liền dừng lại để nói cho họ biết về ngôi nhà cổ này.

Ông ta nhắc lại rằng những cư dân đầu tiên trên đất nước này đã phải ẩn náu trong những hang, những lỗ, dưới những mái lều bằng da thú, bằng cành lá và phải lâu lắm họ mới nghĩ ra được việc làm nhà bằng những thân cây gỗ. Và sau đấy phải biết bao nhiêu thời gian làm việc và chịu đựng gian khổ mới biến chuyển từ một chiếc nhà gỗ một gian sang xây dựng một toà lâu đài một trăm phòng như Vittsơvlê này!

Ông ta lại nói tiếp là cách ngày nay ba thế kỷ, những người giàu có và những kẻ quyền thế đã xây cho mình những lâu đài như thế. Và có thể thấy rõ là Vittsơvlê được xây dựng vào một thời mà chiến tranh và cướp bóc làm cho đời sống chẳng chút chắc chắn gì ở tỉnh Xkônê cả. Khắp chung quanh người ta đã đào hào lại bắc một chiếc cầu mà ngày xưa có thể kéo lên được; ở trên hiên phía trước còn thấy một vọng lâu dọc các thành quách là những cầu nhỏ để canh phòng và ở các góc thành là những tháp, tường dày một mét. Tuy nhiên tòa thành này không phải xây vào những hồi chiến tranh tệ hại nhất và Yenx Brahê kiến trúc sư, cũng đã cố làm cho nó thành một chốn ăn ở gọn ghẽ và trang hoàng tráng lệ. Giá một ngày nào đó họ trông thấy một ngôi nhà to lớn, đồ sộ ở Glimminyê, xây trước đó có một thế hệ thì họ chẳng khó khăn gì mà không nhận thấy rằng Yenx Holyerxen Ulfxtand người xây dựng chỉ có mỗi một mối lo độc nhất là xây cho đồ sộ, kiên cố và hùng dũng chẳng thèm nghĩ một tí nào đến vẻ đẹp cũng như sự thoải mái trong việc ăn ở. Và nếu ngược lại, họ trông thấy những lâu đài như Marvxvinhôlm, Xvenstorp hay Ơvedxklôxter xây một hay hai thế kỷ sau Vittsơvlê thì họ sẽ hiểu là thời buổi đã thanh bình hơn. Các lãnh chúa đã dựng lên những chốn ấy, đã không xây thành những công trình phòng ngự kiên cố mà chỉ quan niệm đó là những nơi ăn chốn ở rộng rãi và chắc chắn mà thôi.

Ông giáo sư nói lâu quá, lắm chi tiết quá, và đứa bé bị nhốt trong hộp thảo mộc đã thấy sốt ruột. Nhưng nó biết nằm yên lặng, vì người chủ chiếc hộp chẳng nhận thấy chút nào là đang mang nó đi cả.

Họ đi rất chậm, ông giáo sư cứ dừng lại mãi để giải thích và dạy dỗ.

Một phòng trong lâu đài có cái lò sưởi to và ông giáo sư dừng lại để nói về các loại lò, bếp mà loài người đã dùng qua các thế kỷ. Loại bếp đầu tiên đặt trong nhà được xây trên một tấm đá lát mặt đất ở chính giữa căn phòng độc nhất, có lỗ thông khói qua mái nhà, nhưng cũng để gió lùa và mưa rơi vào nhà. Rồi người ta nghĩ ra một cái lò xây không có ống khói, tất nhiên là sưởi ở gian phòng rất ấm, nhưng cũng tỏa khói ra để mò hóng bám đầy phòng thời xây dựng Vittsơvlê vừa đúng cái lúc người ta nghĩ ra kiểu lò sưởi hở, có ống dẫn khói ra ngoài nhưng cũng để thoát mất một phần lớn hơi nóng ra theo.

Và đứa bé đã có lần nóng nẩy và sốt ruột thì hôm đó được một bài học tốt về tính kiên nhẫn. Và thế là đúng một giờ rồi nó đã phải nằm im không cựa quậy.

Ở phòng tiếp theo ông giáo sư dừng lại trước một cái giường xưa có trần hình bán nguyệt rất lộng lẫy. Và tức khắc ông ta chuyển sang nói đến các thứ giường và gỗ đóng ngày xưa.

Ông giáo sư cứ nhẩn nha. Nhưng ông cũng không biết rằng trong một cái hộp sưu tầm thực vật có một đứa bé tội nghiệp đang bị nhốt chỉ chờ bài giảng của ông chấm dứt. Đến một cái phòng mà tường được bọc da dê thuộc thiếp vàng, ông ta lại kể là loài người, từ thuở sơ khai đã hay trang trí vách tường nhà mình. Đến trước một bức chân dung giả đình cổ, ông ta còn nói về lịch sử ly kì của y phục, và vào các lễ đường thì ông tả ngày xưa người ta tổ chức đám cưới và đám tang như thế nào.

Ông giáo sư lại nói thêm mấy lời về bao nhiêu người đàn ông, đàn bà giá trị đã ở tòa lâu đài này, về dòng họ Brahê cổ và dòng họ Barnêkôv xưa, về Krischian Barnêkôv đã nhường ngựa cho vua trong cơn loạn tẩu, về Margarêta Aschebey, vợ Kyell Barnêkôv,, góa chồng, đã điều khiển trang ấp mình và cả một vùng này trong năm mươi ba năm, về nhà ngân hàng Hayerman, con một viên quản lý quán rượu ở Vittsơvlê đã giầu đến mức mua hết tất cả trang ấp, về dòng họ Xtyernxvôd đã đem đến cho dân tỉnh Xkônê những chiếc cày tốt khiến họ đã xếp vào hàng phế thải những chiếc cày bằng gỗ thảm hại của họ mà ba con bò đực chung sức lại mới động được một chút.

Và suốt cả thời gian ấy, đứa bé phải im lìm bất động. Mà nếu một ngày nào đó nó có nhẫn tâm, tàn ác giam bố hay mẹ nó lại trong hầm kín thì cái ngày hôm đó nó đã biết được bố mẹ nó sẽ phải chịu đựng những gì, vì nhiều giờ trôi qua mà ông giáo sư vẫn chưa dứt lời.

Sau cùng, ông giáo sư lại đi ra sân danh dự và ở đấy ông ta nói về lao động trường kì mà nhân loại đã phải tiến hành để kiếm lấy công cụ và vũ khí, áo quần và nhà cửa, đồ đạc và vật trang hoàng. Ông ta nói rằng một tòa lâu đài như Vittsơvlê là như thể một cột mốc trên con đường ấy, một cột mốc cho thấy người ta đã đến được đây cách nay ba trăm năm mươi năm, cho mỗi người tự mình xét xem là từ ấy đến nay người ta đã tiến hay lùi.

Nhưng mà đứa bé thoát được khỏi phải nghe bài diễn thuyết ấy, vì anh học trò mang nó trên vị cơn khát hành hạ, đã lỉnh vào trong nhà bếp để xin nước uống. Được vận chuyển vào bếp như thế, đứa bé liền nghĩ đến việc tìm lại con ngỗng đực. Nó liền cựa quậy và thế là đã ấn thật mạnh vào nắp cái hộp đến nỗi nắp bật ra ngay. Nắp các hộp sưu tầm thực vật thường vẫn bật ra như thế nên anh học trò chẳng cần để ý làm gì lắm, đóng luôn nó lại. Nhưng bà nấu bếp liền hỏi anh ta có nhốt một con rắn trong hộp phải không.

- Không, chỉ có mấy cái cây. – Anh ta trả lời

- Nhưng chắc chắn là tôi thấy cái gì đó cựa quậy. – Chị ta lại nói

Anh học trò liền mở cái hộp ra, giơ cho chị ta thấy rằng chị ta đã nhầm.

- Chị cứ nhìn lại xem xem.

Anh ta không thể nói hết câu vì đứa bé, không dám ở thêm trong hộp, đã nhảy tót xuống đất và lao ra ngoài sân. Các chị người nhà chỉ thoáng thấy cái gì đang chạy nhưng cũng đuổi theo.

Ông giáo sư đang nói thì bị những tiếng hét ngắt lời: “Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!” các chị vừa hét từ nhà bếp ùa ra thế là tất cả các chàng thanh niên cũng ùa ra đuổi theo đứa bé đang chạy trốn nhanh hơn một con chuột cống. Họ cố dồn cho nó kẹt vào dưới hiên trước, nhưng chẳng dễ gì bắt được một kẻ bé nhỏ đến thế và thế là nó may mắn thoát ra được bên ngoài.

Nó không dám chạy theo lối đi mà chọn hướng khác. Nó chạy băng băng qua khu vườn rồi vào sân sau. Và tất cả mọi người vẫn đuổi theo nó, vừa hét vừa cười. Đứa bé tội nghiệp đem hết sức bình sinh ra mà chạy, nhưng tất nhiên là họ sắp tóm được nó mất thôi.

Đang chạy qua trước nhà của một người làm công thì nó nghe một con ngỗng kêu và thấy một sợi lông tơ trắng trên ngưỡng cửa. Đây rồi! Ngỗng đực ở đây rồi! Ra, cho mãi lúc này đứa bé đã lần theo một con đường không đúng. Thế là quên tất cả các chị người nhà và các anh đàn ông đang đuổi theo nó, nó leo lên các bậc thềm, lao lên tam cấp trước nhà, nhưng không thể đi xa hơn được nữa vì cửa đóng rồi. Từ bên trong nghe tiếng con ngỗng đực đang rên rỉ và than thân trách phận, nhưng mà nó thì không thể nào mở được cái cửa này. Lũ người đuổi nó đang đến gần, và trong gian phòng con ngỗng đực vẫn than vãn mỗi lúc một thảm thiết hơn. Thế là trong cảnh nguy nan cùng cực ấy, đứa bé dồn hết can đảm, đem hết sức bình sinh đập vào cánh cửa.

Một đứa trẻ mở cửa, và nó nhìn thấy bên trong, ở chính giữa phòng, một người đàn bà đang sắp cắt lông cánh con ngỗng. Mấy đứa con của bà ta bắt được nó và bà ta không muốn làm hại nó, chỉ muốn đem thả nó và đàn ngỗng của nhà mình, và muốn cắt cánh nó là cốt để giữ lại không cho nó bay đi thôi. Nhưng mà chẳng có tai họa nào lớn bằng có thể xẩy ra đến cho ngỗng đực, và thế là nó kêu la than vãn không ngớt.

Và thật may người đàn bà chưa bắt đầu cắt. Chỉ mới có hai chiếc lông vai chạm phải lưỡi kéo là cửa mở và người đàn bà trông thấy đứa bé ở ngưỡng cửa. Và bà ta chưa bao giờ thấy cái gì nhỏ như thế cả. Tin chắc là đang đối diện với chính gia thần Nisxê phúc hậu, bà ta khiếp đảm, đánh rơi mất cái kéo hai tay nắm chặt với nhau và quên giữ lấy con ngỗng.

Vừa lúc thấy mình được tự do, ngỗng đực liền chạy ào ra cửa. Nó không có thì giờ để dừng lại, nhưng khi chạy qua thì nó liền tóm lấy cổ áo đứa bé và mang đi theo. Ùa ra đến ngưỡng cửa, là nó giang đôi cánh bay vút lên không, vừa bay vừa duyên dáng uốn cái cổ dài để đặt đứa bé lên cái lưng phủ kín lông tơ mịn màng của nó.

Và cứ thế chúng nó vút lên trên không trong khi toàn thể trang ấp Vittsơvlê nhìn ngắm chúng nó từ dưới đất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3