Thiên thần và ác quỷ - Chương 42 - 43 - 44

Chương 42

Hồng y Mortati toát mồ hôi hột trong chiếc áo tế thụng màu đen. Không phải chỉ vì nhà nguyện Sistine nóng như trong lò hơi, mà còn vì Mật nghị Hồng y sẽ khai mạc trong vòng 20 phút nữa, thế mà bốn vị Hồng y vẫn bặt vô âm tín. Sự vắng mặt của họ đã khiến cho những lời xì xào e ngại ban đầu của các Hồng y khác chuyển thành nỗi lo lắng thực sự.

Hồng y Mortati không thể tưởng tượng những vị vắng mặt này có thể ở đâu. Chẳng lẽ họ đang ở chỗ Giáo chủ Thị thần? Dĩ nhiên là theo truyền thống, Giáo chủ Thị thần thể nào cũng dùng trà riêng với bốn vị được lựa chọn vào đầu giờ chiều, nhưng việc đó phải từ cách đây mấy tiếng rồi. Họ ốm chăng? Hay họ ăn phải cái gì? Hồng y Mortati nghi ngờ chuyện đó. Dù có bị cái chết cận kề thì những người được chọn lựa vẫn có mặt ở đây. Chỉ một lần trong đời, thường là không bao giờ, một vị Hồng y có cơ hội được bầu chọn làm Giáo hoàng. Theo luật Vatican thì vị Hồng y đó phải ở bên trong nhà nguyện Sistine khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Nếu không thì vị đó sẽ không thể được bầu chọn.

Mặc dù có đến bốn người được chọn lựa nhưng rất nhiều thành viên của Hồng y đoàn đã biết trước ai sẽ là Giáo hoàng tương lai. Trong vòng 15 ngày qua đã có cả một cơn bão những cuộc điện thoại và bản fax thảo luận về những ứng cử viên tiềm năng. Theo thông lệ, người ta sẽ chọn lựa bốn cái tên, mỗi người trong số này đều đáp ứng được những điều kiện tiên quyết bất thành văn để trở thành Giáo hoàng.

"Phải nói được tiếng Ý, Tây Ban Nha và Anh.

Không dính líu đến vụ tai tiếng nào.

Tuổi từ 65 đến 80".

Thông thường, một trong số những người được lựa chọn nổi bật hơn cả sẽ là người được Hồng y đoàn bầu chọn. Đêm nay, người đó là Hồng y Aldo Baggia đến từ Milan. Hồ sơ trong sạch của Hồng y Baggia, cùng với khả năng ngôn ngữ vô song và tài giao tiếp tuyệt vời với các con chiên đã làm vị Hồng y này trở thành ứng viên nổi bật nhất.

Vậy thì ông ta ở chỗ quỷ quái nào nhỉ? Hồng y Mortati băn khoăn.

Hồng y Mortati cực kỳ lo lắng về sự kiện các Hồng y mất tích, vì đức cha chính là người điều hành Mật nghị Hồng y. Một tuần trước đây, Hồng y đoàn đã nhất trí bầu Hồng y Mortati vào cương vị Đại Cử Tri - người dẫn dắt các nghi lễ của Mật nghị Hồng y. Dù là người có quyền lực trong giáo hội, nhưng Giáo chủ Thị thần chỉ là một linh mục, và còn chưa quen với các thủ tục bầu chọn phức tạp, vì vậy người ta phải bầu ra một vị Hồng y để chủ trì các nghi lễ bên trong nhà nguyện Sistine.

Các vị Hồng y vẫn thường nói đùa rằng được bổ nhiệm làm Đại cử tri là vinh dự "khó khăn" nhất trong giáo hội Cơ đốc.

Người ta thường cử một người không đủ điều kiện trở thành ứng viên cho ngôi vị Giáo hoàng, và trước khi Mật nghị Hồng y khai mạc, người được bổ nhiệm phải dành nhiều ngày để nghiên cứu từng trang trong cuốn Universi Dominici Gregis ([70]) để xem xét thật tỉ mỉ các nghi thức bí mật nhằm đảm bảo rằng cuộc bầu cử của Mật nghị Hồng y sẽ diễn ra theo đúng luật thánh.

([70]) Universi Dominici Gregis: Hiến pháp toà thánh.

Dù vậy, Hồng y Mortati không hề cảm thấy bực bội. Ngài biết trước rằng mọi người sẽ bầu mình. Không chỉ là vị Hồng y cấp cao, ngài còn là người thân tín của cố Giáo hoàng, và điều đó khiến ngài được mọi người quý trọng. Xét theo luật thì Hồng y Mortati vẫn nằm trong khung độ tuổi được bầu chọn, nhưng ngài đã quá lớn tuổi. Ở tuổi 79, ngài đã vượt qua giới hạn bất thành văn về tuổi tác. Hồng y đoàn cho rằng cha không còn đủ sức khỏe để đảm nhiệm những trọng trách nặng nề của ngôi vị Giáo hoàng. Giáo hoàng thường phải làm việc 14 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần và sau khoảng 6,3 năm thì sẽ chết vì kiệt sức.

Trong giáo hội, mọi người vẫn thường nói tếu rằng đảm nhận ngôi vị Giáo hoàng là "con đường nhanh nhất để đi tới Thiên đàng" của các vị Hồng y Giáo chủ.

Nhiều người tin rằng Hồng y Mortati đã có thể trở thành Giáo hoàng từ thời còn trẻ nếu ngài không quá khoáng đạt. Đến khi đức cha muốn theo đuổi ngôi vị Giáo hoàng thì chỉ còn Chúa ba ngôi ([71]): Bảo thủ. Bảo thủ. Bảo thủ.

([71]) Chúa ba ngôi: Sự hợp nhất của Cha. Con và Thánh thần trong đạo Cơ đốc

Hồng y Mortati để ý thấy một chi tiết hơi buồn cười: cố Giáo hoàng, cầu cho linh hồn của Người được an nghỉ bên Chúa, đã bộc lộ một suy nghĩ rất tự do khi lên nắm quyền. Có lẽ Người đã cảm nhận được sự lạc hậu của nhà thờ so với cuộc sống hiện đại, nên tỏ ra nhân nhượng và giảm bớt vai trò của nhà thờ đối với giới khoa học, thậm chí Người còn tài trợ cho một số công trình nghiên cứu tiêu biểu. Thật đáng buồn, đó lại là một thất bại về chính trị. Phe bảo thủ trong giáo hội cho rằng Giáo hoàng đã trở nên "lú lẫn" còn những nhà khoa học thuần tuý lại buộc tội Người là rắp tâm mở rộng ảnh hưởng của nhà thờ vào một địa hạt vốn không thuộc về tôn giáo.

- Vậy họ đâu rồi?

Hồng y Mortati quay lại.

Một vị Hồng y đang lo lắng vỗ vai Đức cha.

- Ngài biết họ ở đâu đúng không?

Hồng y Mortati cố tỏ ra không lo lắng:

- Có lẽ vẫn đang dùng trà với Giáo chủ Thị thần.

- Vào giờ này ư? Thật không đúng phép tắc chút nào! - Vị Hồng y nhíu mày vẻ không tin. Chẳng lẽ Giáo chủ Thị thần quên cả thời gian hay sao?

Đức cha Mortati cũng nghi ngờ điều đó, nhưng không nói gì.

Đức cha biết rằng đa số các vị Hồng y không quý mến Giáo chủ Thị thần, họ cho rằng vị thầy tu này còn quá trẻ so với niềm vinh dự được trực tiếp phục vụ Giáo hoàng. Đức cha cho rằng thái độ thiếu thiện cảm đó chẳng qua chỉ là thói đố kỵ, ngài khâm phục vị thầy tu trẻ này, và vẫn ngấm ngầm đồng tình với sự lựa chọn của cố Giáo hoàng. Khi nhìn sâu vào mắt viên thị thần trẻ tuổi, Mortati chỉ thấy một niềm tin vững chắc. Không giống như các vị Hồng y khác, viên thị thần này đặt giáo hội và đức tin lên trên những động cơ chính trị nhỏ nhen. Con người trẻ trung này mới thực sự là người của Chúa.

Trong suốt thời gian phục vụ Giáo hoàng, viên thị thần này đã tỏ ra tận tuỵ đến mức trở thành huyền thoại. Nhiều người cho rằng sự tận tuỵ ấy là do một sự kiện màu nhiệm xảy đến với Giáo chủ Thị thần từ thuở còn bé… một sự kiện như thể chắc chắn sẽ để lại dấu ấn không phai mờ trong tim bất cứ ai. Thần diệu và màu nhiệm.

Hồng y Mortati đôi khi vẫn thầm ước được trải qua một sự kiện như thế trong thời thơ ấu của mình, để ngài cũng có được đức tin mạnh mẽ như chàng trai trẻ này.

Thật không may cho giáo hội, Giáo chủ Thị thần sẽ không bao giờ thăng tiến được đến ngôi vị Giáo hoàng. Để trở thành Giáo hoàng thì phải có tham vọng chính trị, mà đó chính là thứ Giáo chủ Thị thần không hề có. Viên thị thần trẻ tuổi này đã nhiều lần khước từ những vị trí cao trong giáo hội, và nói với Giáo hoàng rằng chỉ muốn phụng sự nhà thờ như một người bình thường.

- Giờ phải làm thế nào? - vị Hồng y ban nãy lại vỗ vai đức cha Mortati, vẻ chờ đợi.

Đức cha ngẩng mặt lên:

- Ngài nói gì?

- Họ đến muộn! Chúng ta phải làm gì bây giờ?

- Chúng ta còn có thể làm được gì? - Mortati đáp. - Phải đợi chờ. Phải có đức tin.

Có vẻ không hài lòng với câu trả lời của Hồng y Mortati, vị Hồng y đó rút lui vào bóng tối.

Hồng y Mortati đứng im một lúc, tay day nhẹ thái dương, cố giữ cho đầu óc được tỉnh táo. Thực ra thì mình nên làm gì nhỉ? Đức cha ngước lên, nhìn qua bàn thờ chúa, và ngắm bức hoạ nổi tiếng của Michelangelo "Ngày Phán xét cuối cùng". Bức tranh không thể làm dịu đi nỗi lo lắng trong lòng đức cha. Bức tranh khủng khiếp này cao khoảng 15,5 mét, mô tả cảnh Chúa Giê-su phân chia loài người thành hai loại: người tử tế và người tội lỗi, rồi chuẩn bị ném những người tội lỗi vào địa ngục. Ở đó có những xác chết bị lột da, thiêu cháy, một kẻ thù của Michelangelo đang ngồi trong địa ngục, đeo đôi tai lừa. Guy de Maupassant từng viết rằng bức hoạ này chẳng khác gì tranh cổ động cho trận đấu vật trong một lễ hội hoá trang, và tác giả của nó chỉ là một người công nhân bốc vác.

Hồng y Mortati đồng tình với nhận xét này.

Chương 43

Langdon đứng im bên cửa sổ chống đạn trong văn phòng của Giáo hoàng, mắt nhìn những chiếc xe hòm của các hãng truyền thông đang đậu dưới quảng trường St. Peter. Cuộc nói chuyện điện thoại kỳ lạ vừa rồi làm anh có cảm giác rối rắm và có phần căng thẳng. Như thể anh không còn là chính mình nữa.

Hội Illuminati, giống như một con quỷ tưởng đã bị chôn vùi trong quá khứ xa xăm, bỗng trỗi dậy để bủa vây kẻ thù truyền kiếp của mình. Không yêu sách. Không thương lượng. Chỉ có sự báo thù. Xuất quỷ nhập thần. Khủng khiếp. Cuộc trả thù của 400 năm. Dường như sau hàng thế kỷ bị truy đuổi và áp bức, giới khoa học đang bắt đầu phản đòn.

Giáo chủ Thị thần đứng bên bàn, mắt trân trân nhìn chiếc máy điện thoại. Olivetti là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng.

- Carlo! -Ông ta gọi tên riêng của Giáo chủ Thị thần, giọng có vẻ như một người bạn mệt mỏi hơn là một sĩ quan. - 26 năm nay, con đã thề sẽ bảo vệ giáo hội này. Thế mà đêm nay con phải chịu thất bại một cách nhục nhã.

Giáo chủ Thị thần lắc đầu.

- Ông và ta cùng phụng sự Chúa, dù ở những vị trí khác nhau, nhưng đều đáng quý như nhau.

- Những sự việc như thế này… con không thể tưởng tượng làm thế nào… chuyện này… - Olivetti có vẻ choáng váng.

- Ông cũng biết rằng chúng ta phải cùng nhau hành động. Ta phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của Hồng y đoàn.

- Đó chính là phận sự của con, thưa cha.

- Các phụ tá của ông phải phác thảo kế hoạch sơ tán ngay tức khắc - Cha nói gì ạ?

- Những cách giải quyết khác sẽ được cân nhắc sau - xác định vị trí của phản vật chất, tìm những vị Hồng y mất tích và kẻ bắt cóc. Nhưng trước hết các vị Hồng y phải được đưa đến nơi an toàn đã. Tính mạng con người phải được đặt trên hết. Họ chính là nền tảng của giáo hội này.

- Cha định huỷ bỏ Mật nghị Hồng y hay sao?

- Ta có còn sự lựa chọn nào khác đâu?

Vị thầy tu trẻ tuổi thở dài và quay ra nhìn thành Rome trải rộng bên ngoài khung cửa sổ.

- Giáo hoàng đã có lần nói với ta rằng người luôn bị giằng xé dữ dội giữa hai thế giới… thế giới thực và thế giới thần thánh. Người cảnh báo rằng nếu tự bịt mắt trước thực tại thì không một tôn giáo nào có thể tồn tại để vươn tới được thế giới thần thánh. - Giọng Giáo chủ Thị thần đột nhiên già dặn hơn hẳn so với tuổi của mình - Đêm nay chúng ta đang phải đối mặt với thực tại. Chúng ta sẽ trở thành những kẻ vô dụng nếu cố tình không nhận ra điều đó. Không thể để cho niềm kiêu hãnh và tiền lệ che mờ lí trí.

Olivetti gật đầu đầy vẻ kính nể:

- Bao lâu nay con đã đánh giá thấp cha.

Dường như không nghe thấy những lời nói ấy, Giáo chủ Thị thần vẫn tiếp tục hướng mắt ra ngoài cửa sổ nhìn xa xăm.

- Xin cha cho phép con được nói thẳng. Thế giới thực tại chính là thế giới của con. Để vươn được đến những điều cao đẹp, ngày nào con cũng phải đối mặt với những cái xấu xa, và không phải ai cũng làm được điều này. Con xin được khuyên cha một điều. Vì đây là nghề nghiệp của con. Bản năng của cha dù có thể rất nhạy bén trước thực tại… nhưng rất có thể gây ra tai hoạ.

Giáo chủ Thị thần quay đầu lại.

Olivetti thở dài:

- Tổ chức sơ tán toàn bộ Hồng y đoàn ra khỏi nhà nguyện Sistine lúc này là một giải pháp vô cùng tồi tệ.

Giáo chủ Thị thần hơi lúng túng, nhưng không hề tỏ ra phật ý:

- Thế ông có gợi ý gì không?

Lúc này ta không nên cho Hồng y đoàn biết chuyện. Cứ niêm phong nhà nguyện lại. Chúng ta sẽ có thêm thời gian để thử các biện pháp khác.

Giáo chủ Thị thần bối rối:

- Ông khuyên ta khoá trái toàn bộ Hồng y đoàn trong nhà nguyện dù biết rằng họ đang ở ngay trên một trái bom hẹn giờ hay sao?

- Vâng, thưa cha. Tạm thế đã. Sau này, nếu cần thiết, ta có thể bố trí sơ tán.

Giáo chủ Thị thần lắc đầu.

- Trì hoãn Mật nghị Hồng y trước khi nó bắt đầu vì lí do an ninh thì còn được, nhưng một khi các cánh cửa đã được niêm phong, không ai được phép can thiệp vào. Các thủ tục của cuộc bầu chọn bắt buộc…

- Thế giới thực tại, thưa cha. Đêm nay cha đang phải đối mặt với thực tại. Xin cha hãy nghe con. - Olivetti giải thích với vẻ của một sĩ quan đầy kinh nghiệm chiến trường:

- Đưa 165 Hồng y ra khỏi thành Rome trong khi chưa kịp làm công tác tư tưởng cho họ, và không có phương án bảo vệ kỹ lưỡng là một việc làm hết sức khinh suất. Một số vị Hồng y có tuổi rất có thể bị hoảng loạn; và thẳng thắn mà nói thì một vụ đột quỵ chết người trong tháng này đã là quá đủ rồi.

Một vụ đột quỵ chết người. Lời nói của viên tư lệnh làm Langdon nhớ lại tiêu đề một bài báo mà anh đã đọc được khi ăn tối với các sinh viên ở trường Harvard:

GIÁO HOÀNG BỊ ĐỘT QUỴ,

TẠ THẾ TRONG KHI ĐANG NGỦ.

- Ngoài ra, - Olivetti nói - Nhà nguyện Sistine còn là một pháo đài. Dù toà thánh không thông báo rộng rãi cho công chúng nhưng kết cấu của nó đã được gia cố để có thể chống lại bất cứ vụ tấn công nào, thậm chí bằng tên lửa tầm ngắn. Chiều nay, trong quá trình chuẩn bị, con đã ra lệnh rà soát từng centimet bên trong nhà nguyện để rà quét tất cả các loại bọ nghe lén và các thiết bị do thám khác. Nhà nguyện hoàn toàn sạch sẽ và an toàn. Phản vật chất không thể ở trong nhà nguyện được. Lúc này thì không một nơi nào khác an toàn bằng nhà nguyện. Nếu cần ta vẫn có thể bàn chuyện sơ tán Hồng y đoàn vào bất cứ lúc nào cũng được.

Langdon bị gây ấn tượng mạnh. Cách lập luận sắc sảo và lạnh lùng của Olivetti khiến anh nhớ tới Kohler.

- Thưa Tổng Tư lệnh, - Vittoria nói, giọng đầy căng thẳng:

- Còn có những vấn đề khác rất đáng quan tâm. Chưa có ai tạo ra một lượng phản vật chất lớn đến như vậy. Tôi cũng chỉ có thể ước lượng bán kính của vụ nổ. Một số khu vực xung quanh thành Rome cũng sẽ gặp nguy hiểm. Nếu cái hộp bị đặt trong toà nhà trung tâm hay dưới mặt đất thì những tác động của nó ở bên ngoài tường bao là không đáng kể, nhưng nếu nó ở gần vành đai… ví dụ như ở trong toà nhà này… - Cô gái lo lắng nhìn đám đông đang tụ tập tại quảng trường St. Peter.

- Tôi ý thức được trách nhiệm của mình với thế giới bên ngoài. Và tôi không muốn mất thêm bất kỳ mạng sống nào nữa. Bảo vệ nơi thiêng liêng này là nhiệm vụ duy nhất của tôi trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Tôi không có ý định để cho loại vũ khí đó phát nổ. - Olivetti đáp.

Giáo chủ Thị thần Ventresca ngước mắt lên.

- Ông nghĩ là có thể tìm được phản vật chất sao?

- Con sẽ thảo luận với các chuyên gia về dò tìm chất nổ. Nếu ngắt điện ở thành Vatican thì rất có thể chúng ta sẽ loại trừ được các loại tần số vô tuyến cơ bản, và tạo ra một môi trường đủ sạch để đọc được từ trường trên chiếc hộp.

Vittoria sửng sốt, rồi ngay sau đó tỏ ra đầy thán phục:

- Ông định cắt điện toàn bộ thành Vatican à?

- Có thể lắm. Giờ thì tôi chưa biết là làm thế có được hay không, nhưng đây là một khả năng tôi đang tính đến.

- Chắc chắn các vị Hồng y sẽ băn khoăn không hiểu có chuyện gì xảy ra. - Vittoria nhận xét.

Olivetti lắc đầu:

- Mật nghị Hồng y được tiến hành bằng ánh sáng nến. Các vị Hồng y sẽ không biết gì cả. Sau khi niêm phong nhà nguyện, tôi sẽ để lại vài người lính canh gác khu vực ngoại biên, còn lại tất cả những người khác sẽ bắt đầu tìm kiếm. Trong vòng 5 giờ đồng hồ, 100 người có thể rà soát được một khu vực khá rộng lớn.

- Bốn tiếng thôi, - Vittoria đính chính. - Tôi cần thời gian để đưa chiếc hộp trở lại CERN. Nếu không nạp được điện vào pin thì cái hộp chắc chắn sẽ phát nổ.

- Nạp luôn ở đây không được hay sao?

Vittoria lắc đầu.

- Giao diện của nó rất phức tạp. Nếu có thể thì tôi đã đem theo rồi.

- Như vậy là chỉ có 4 tiếng, - Olivetti nói - Vẫn còn đủ thời gian. Đừng để ai bị hoảng loạn. Cha có 10 phút. Cha hãy đến niêm phong cửa nhà nguyện. Hãy cho người của con có đủ thời gian để làm nhiệm vụ. Gần đến giờ chót thì chúng ta sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Langdon băn khoăn không hiểu Olivetti định đợi đến tận lúc nào.

Giáo chủ Thị thần vẫn còn băn khoăn:

- Nhưng Hồng y đoàn sẽ hỏi những vị được lựa chọn đang ở đâu… nhất là Hồng y Baggia…

- Thì cha phải nghĩ ra cách gì chứ. Cha hãy nói là họ bị đau bụng vì trong lúc dùng trà với cha, họ đã ăn phải món gì đó chẳng hạn.

Giáo chủ Thị thần tỏ ra phẫn nộ:

- Đứng trước bàn thờ Chúa trong nhà nguyện Sistine, và nói dối Hồng y đoàn mà được hay sao?

- Vì sự an toàn của họ. Una bugia veniale ([72]). Lời nói dối vô hại có thể bỏ qua được. Việc của cha là giữ yên bình chốn đó. - Olivetti tiến về phía cửa - Bây giờ, nếu cha cho phép, con phải bắt đầu công việc ngay.

- Ông Tổng Tư lệnh, - Giáo chủ Thị thần thúc giục. - Chúng ta không thể bỏ mặc những vị Hồng y bị mất tích.

([72]) Una bugia veniale: Lời nói dối vô hại.

Olivetti dừng lại ngay ở lối vào:

- Hồng y Baggia và những vị khác lúc này đang ở ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta chẳng còn cách nào khác… vì lợi ích chung. Trong quân sự người ta gọi là ưu tiên phân cấp cứu chữa.

- Ý ngươi là phó thác hoàn toàn hay sao?

Olivetti nói một cách khó nhọc:

- Thưa cha, nếu còn cách nào khác… bất cứ cách nào để xác định được tung tích của bốn vị ấy thì con sẽ làm hết sức mình. Nhưng… - Ông ta chỉ ra ngoài cửa sổ, nơi những tia nắng hoàng hôn đang chiếu xuống vô số những mái nhà của thành Rome. - Tìm kiếm trong một thành phố 5 triệu dân nằm ngoài khả năng của con. Con sẽ không lãng phí thời gian và nhân lực để thực thi một nhiệm vụ không hiệu quả. Con rất lấy làm tiếc.

Vittoria đột ngột lên tiếng:

- Nhưng nếu chúng ta bắt được kẻ giết người, liệu ông có buộc được hắn nói ra không?

Olivetti nhíu mày nhìn cô gái:

- Một khi đã làm lính thì không thể làm thánh được, thưa cô Vetra. Xin cô hãy tin tôi, tôi rất thông cảm với mục đích riêng của cô trong nỗ lực truy bắt kẻ đó.

- Không chỉ là mục đích của cá nhân tôi, - cô gái nói - Kẻ giết người biết phản vật chất… và cả những vị Hồng y mất tích hiện đang ở đâu. Nếu chúng ta có thể bằng cách nào đó tìm ra hắn…

- Thế thì chẳng khác nào bầy cỗ cho chúng xơi. - Olivetti nói - Xin cô hãy tin lời tôi, nếu chúng ta bỏ trống toàn bộ thành Vatican để lục soát hàng trăm nhà thờ thì đó chính là điều mà hội Illuminati đang mong muốn… làm thế là lãng phí thời gian cũng như nguồn nhân lực quý báu trong khi đáng lẽ ta phải gấp rút tìm kiếm… bỏ trống thành Vatican thì lại còn tồi tệ hơn. Phải tính đến những vị Hồng y còn lại nữa chứ.

Mũi tên này đã trúng đích.

- Thế còn cảnh sát của Rome? - Giáo chủ Thị thần hỏi. - Chúng ta có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn thành Rome. Tranh thủ sự giúp đỡ của họ để tìm kẻ đã bắt cóc các vị Hồng y.

- Lại thêm một sai lầm nữa, - Olivetti nói - Cha có biết lực lượng cảnh sát ở Rome nghĩ gì về chúng ta không? Sẽ có mấy tay gà mờ vô dụng được cử đến để hỗ trợ chúng ta, và để đổi lại thì họ sẽ bán đứng thông tin về vụ việc này cho giới truyền thông trên toàn thế giới. Đây chính là điều kẻ thù của ta đang mong muốn. Ngay lập tức chúng ta sẽ phải đối mặt với báo chí.

Ta sẽ khiến cho những Hồng y này trở thành tâm điểm của báo chí. Langdon nhớ lại từng lời nói của kẻ giết người. Xác của Hồng y đầu tiên sẽ xuất hiện lúc 8 giờ. Sau đó cứ mỗi tiếng một người. Giới báo chí sẽ thích lắm đấy.

Giáo chủ Thị thần lại lên tiếng, vẻ rất giận giữ:

- Ông Tổng Tư lệnh, lương tâm không cho phép chúng ta bỏ mặc những vị Hồng y bị mất tích!

Olivetti nhìn thẳng vào mắt Giáo chủ Thị thần:

- Người cầu nguyện của thánh Francis, thưa cha. Cha còn nhớ không?

Vị linh mục trẻ thốt lên đầy đau xót:

- Chúa hãy cho con sức mạnh để chấp nhận những điều con không thể đổi thay.

- Xin cha hãy tin con, - Olivetti nói - Đây chính là một trong những điều ấy đấy.

Rồi ông ta biến mất.

Chương 44

Văn phòng trung tâm của hãng truyền thông BBC toạ lạc ở Phía Tây quảng trường Piccadilly, London. Điện thoại tổng đài reo vang, người trợ lí biên tập nội dung nhấc máy.

- BBC xin nghe. - Cô ta vừa nói vừa dụi tắt điếu thuốc Dunhill.

Giọng nói khàn khàn của người đàn ông trên đường dây mang âm sắc vùng Trung Đông:

- Tôi có một tin giật gân mà chắc chắn đài của cô sẽ quan tâm.

Biên tập viên lôi ra một cây bút chì và một tờ giấy:

- Liên quan đến vấn đề gì?

- Cuộc bầu chọn Giáo hoàng.

Người trợ lý biên tập nội dung nhíu mày mệt mỏi. Hôm qua đài BBC đã phát một chương trình về chủ đề này nhưng chỉ được đánh giá ở mức bình thường. Dường như công chúng ngày càng ít quan tâm đến Vatican.

- Xét theo khía cạnh nào?

- BBC có phóng viên thời sự ở Rome để đưa tin về cuộc bầu chọn không?

- Tôi nghĩ là có.

- Tôi muốn nói chuyện trực tiếp với người đó.

- Xin lỗi, nhưng tôi không thể trao cho ông số điện thoại mà không có lí do…

- Mật nghị Hồng y đang bị đe doạ. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với cô!

Người trợ lý bắt đầu ghi chép.

- Tên của ông?

- Tôi không có tên.

Người trợ lý không lấy làm ngạc nhiên:

- Ông có bằng chứng nào không?

- Có.

- Tôi rất lấy làm vinh hạnh được nhận thông tin của ông, nhưng quy định của hãng là không được tiết lộ số điện thoại của phóng viên trừ khi…

- Tôi hiểu. Để tôi gọi cho hãng tin khác vậy. Cám ơn. Tạm b…

- Khoan đã. - Cô nói - Xin ông giữ máy chờ một chút.

Biên tập viên giữ máy và nghển cổ lên. Kỹ năng sàng lọc những cuộc gọi vớ vẩn điên rồ luôn là một yếu tố có tầm quan trọng sống còn; và người gọi điện này đã vượt qua hai bài kiểm tra chiến lược của BBC về tính xác thực của nguồn tin. Anh ta từ chối nêu tên và nôn nóng muốn gác máy. Những kẻ tầm phào và háo danh thường tỏ ra lươn lẹo và quỵ luỵ.

May mắn là các phóng viên lúc nào cũng ở trong tâm trạng sợ bỏ lỡ mất những vụ việc lớn vì vậy rất hiếm khi họ trách cô vì đã chuyển đến họ những kẻ bị bệnh tâm thần và ảo giác.

Làm mất năm phút của phóng viên còn có thể tha thứ được, nhưng để lỡ một vụ việc thì không.

Ngáp ngắn ngáp dài, người trợ lý nhìn màn hình máy tính và gõ từ khoá "Thành Vatican". Khi nhìn thấy tên của người được cử đến đưa tin trực tiếp về cuộc bầu chọn Giáo hoàng, cô ta tủm tỉm cười. Đây là một gã mới được BBC nhặt về từ một tờ báo lá cải ở London để phụ trách những tin vụn vặt. Rõ ràng là ban biên tập hiện đang xếp phóng viên này vào hạng thấp kém nhất.

Phóng viên này hẳn đang rất chán chường vì phải chờ đợi suốt đêm để ghi hình một đoạn băng chỉ kéo dài có 10 giây. Anh ta sẽ vô cùng cảm kích vì được thoát khỏi cảnh đơn điệu và nhàm chán ở đó.

Biên tập viên nội dung đài BBC ghi lại số điện thoại vệ tinh của người phóng viên hiện đang có mặt tại Vatican. Rồi cô ta châm một điếu thuốc khác, và đọc cho kẻ gọi điện nặc danh số máy ấy.