Hồng lâu mộng - Chương 037 - Phần 1

Chương 37: Hồi thứ ba mươi bảy

Thu Sảng trai, định mở Xã hải đường

Hành Vu uyển, đêm nghĩ bài hoa cúc

Giả Chính được bổ chức học quan, liền chọn ngày hai mươi tháng tám lên đường. Hôm ấy, ông ta vào làm lễ cáo từ miếu tổ, cáo từ Giả mẫu, ra đi. Bọn Bảo Ngọc và mọi người gạt nước mắt tiễn theo.

Giả Chính đi rồi, Bảo Ngọc ở trong vườn tha hồ lêu lổng chơi bời. Ngày đi tháng lại, thì giờ trôi qua. Một hôm buồn quá Bảo Ngọc đi lượn quanh chỗ Giả mẫu, Vương phu nhân một lúc rồi lại về vườn. Vừa thay quần áo, thấy Thúy Mặc cầm mảnh giấy hoa tiên đưa đến. Bảo Ngọc nói:

- Ta định đến thăm cô Ba, lại quên mất, giờ chị đến may quá cô ấy đã đỡ chưa?

- Cô tôi đỡ rồi, chẳng qua cảm lạnh một tí thôi. Hôm nay không uống thuốc nữa.

Bảo Ngọc mở hoa tiên ra xem, thấy viết:

Em Thám kính thưa anh Hai,

Đêm trước, vừa tạnh mưa, mặt trăng trong suốt, tiếc cảnh dẹp không mấy khi được gặp, nên em chưa đi ngủ ngay. Đêm đã canh ba, em vẫn còn quanh quẩn ở dưới giàn ngô đồng, gặp phải gió sương trêu cợt, hơi bị cảm nhẹ. Trước anh đã thân hành đến yên ủi dặn dò. lại sai thị nhi sang thăm, và đưa biếu quả vải tươi với bút thiếp của Nhan Chân Khanh(1). Sao anh yêu mến chân thiết em quá thế? Giờ đương lúc nằm trên giường yên tĩnh, chợt nghĩ đến người xa dù ở trong trường danh lợi, cũng còn tìm nơi sông núi, mời mọc xa gần để qua lại vui chơi, tìm hỏi bầu bạn, kết thân với vài ba người cùng chung chí hướng; hoặc dựng văn đàn, hoặc mở thi xã tuy hứng thú nhất thời, nhưng cũng nghìn năm để tiếng. Em không có tài, nhưng được gần nơi suối khe vòm đá, lại thêm mến cô Tiết, cô Lâm là những người phong nhã. Thềm trăng sân gió, tiếc chưa được sum họp thi nhân; rèm hạnh khe đào, may có thể say sưa ngâm vịnh. Ai bảo đua tài nơi Liên xã(2), chỉ dành cho đám râu mày; mà họp mặt núi Đông Sơn(3), lại không nhường cho bọn son phấn? Nếu được anh đội tuyết đến chơi, em xin quét hoa để đợi.

Kính thư.

(1). Tên chữ là Thanh thần, đỗ tiến sĩ đời Đường, học rộng văn hay, viết các lối chữ rất đẹp. Khi làm thái thủ quận Bình Nguyên, đem quân đi đánh An Lộc Sơn, được phong Lỗ quận công. Sau Lý Hy Liệt làm phản, Chân Khanh bị nó giết.

(2). Tức Bạch Liên Xã, pháp sư Tuệ Tiễn đời nhà Tần, ở chùa Đông Lâm, họp 123 người, vừa nho vừa thích, kết làm bạn nghiên cứu triết lý và phật học. Vì chùa này trồng nhiều sen trắng, nên lấy nó đặt tên.

(3). Ở tỉnh Chiết Giang, Tạ An đời nhà Tấn thường ra chơi ở đây.

Bảo Ngọc xem xong, mừng quá, vỗ tay cười nói:

- Ai ngờ em Ba lại phong nhã đến thế! Phải sang bàn việc này mới được.

Nói xong đi ngay. Thúy Mặc chạy theo. Khi đến đình Thấm Phương, thấy một bà già đứng chực ở cửa sau vườn, tay cầm cái thiếp đón trình:

- Anh Vân đến hầu cậu, đương chờ ở cửa sau, nhờ tôi đem thiếp lại đây.

Bảo Ngọc giở xem, thấy viết:

Con là Vân, xin kính thăm thân phụ khoẻ mạnh luôn. Từ khi nhờ ơn trời, cho phép được gần dưới gối, ngày đêm mong mỏi một bề hiếu thuận, nhưng không có dịp để tỏ lòng hiếu thảo. Nhân được giữ việc mua hoa, trên nhờ hồng phúc phụ thân, con quen nhiều thợ trồng hoa và thấy nhiều vườn hoa đẹp. Vừa rồi thấy cây hải đường trắng là giống hiếm có, con đi tìm mãi mới mua được hai chậu. Nếu phụ thân coi con như con đẻ, xin nhận lấy để thưởng chơi. Vì trời đương nóng nực, con vào thẳng trong vườn, sẽ làm trở ngại cho các cô, nên không dám đến hầu tận nơi. Con viết thư này kính dâng và chúc phụ thân mạnh khỏe.

Con là Vân bái thư.

Bảo Ngọc xem rồi cười nói:

- Nó đến một mình hay có người nào nữa?

Bà già nói:

- Có một mình đem theo hai chậu hoa.

- Bà ra bảo nó, tôi biết rồi. Cảm ơn nó nghĩ đến tôi, rồi bà bưng hai chậu hoa vào trong nhà cho tôi.

Bảo Ngọc cùng Thúy Mặc đến Thu Sảng trai, đã thấy Bảo Thoa, Đại Ngọc, Nghênh Xuân, Tích Xuân đều ở đấy cả.

Mọi người thấy Bảo Ngọc đến, cười ầm lên nói:

- Lại thêm một người nữa!

Thám Xuân cười nói:

- Tôi cũng không nỗi tục lắm, ngẫu nhiên nghĩ đến việc này, viết mấy cái thiếp mời, không ngờ lại được các vị đến đủ cả.

Bảo Ngọc cười nói:

- Tiếc là hơi muộn, đáng lẽ nên mở thi xã sớm hơn nữa

Đại Ngọc nói:

- Anh chị em việc mở thi xã, đừng tính tôi vào, tôi không dám dự đâu.

Nghênh Xuân cười nói:

- Cô mà không dám, còn ai dám nữa?

Bảo Ngọc nói:

- Đây là việc rất đứng đắn và lớn lao. Chúng ta nên hăng hái lên, đừng người nọ nhường cho người kia. Ý định của mỗi người thế nào, cứ việc nói ra, để chúng ta bàn bạc. Chị Bảo và cô Lâm hãy nói ý định của mình ra.

Bảo Thoa nói:

- Vội làm gì thế? Người đã đến đủ đâu.

Bỗng Lý Hoàn đến, cười nói:

- Nhã quá nhỉ! Định mở thi xã à! Tôi xin nhận chức Chưởng đàn. Mùa xuân vừa rồi, tôi vẫn có ý ấy, nhưng nghĩ mình không biết làm thơ, thì bày trò làm gì. Vì thế tôi quên đi, không nhắc đến nữa. Bây giờ cô Ba đã cao hứng, thì tôi cũng xin giúp để góp phần vui chung.

Đại Ngọc nói:

- Đã định mở thi xã thì chúng ta sẽ là thi nhân cả, trước hết nên bỏ những tiếng xưng hô “chị, em, chú, mợ” đi, mới không tục.

Lý Hoàn nói:

- Phải lắm. Đặt những biệt hiệu để gọi nhau mới nhã hơn. Tôi xin tự đặt cho tôi là “Đạo Hương lão nông”(4), không ai được giành cái tên ấy.

Thám Xuân cười nói:

- Tôi là Thu Sảng cư sĩ.(5)

(4). Ông già làm ruộng ở Đạo hương thôn.

(5). Người ẩn dật ở Thu sảng trai.

Bảo Ngọc nói:

- Những chữ cư sĩ và chủ nhân không lấy gì làm nhã, mà lại lôi thôi. Ở đây có cây ngô đồng và ba tiêu, lấy nó đặt tên thì hay hơn.

Thám Xuân cười nói:

- Có đây, tôi thích nhất là cây ba tiêu, gọi ngay tôi là Tiêu hạ khách(6) cũng được.

(6). Người đứng dưới cây chuối.

Mọi người đều nói:

- Có phong cách đặc biệt! Rất thú vị!

Đại Ngọc cười nói:

- Chúng ta kéo nó ra nướng làm nem uống rượn đi!

Câu nói ấy không aiĐại Ngọc lại cười nói:

- Trang Tử có nói: “Lá chuối che con hươu”, chị ấy tự xưng là Tiêu hạ khách, thì chẳng phải con hươu là gì? mang ngay hươu làm nem đi!

Mọi người nghe nói cười ầm lên. Thám Xuân cũng cười nói:

- Cô lại mắng khéo người ta đấy à? Chờ đấy, tôi đã nghĩ hộ cho cô một mỹ hiệu rất xứng đáng.

Rồi lại nói với mọi người:

- Ngày trước Nga Hoàng và Nữ Anh khóc nhiều, nước mắt nhỏ vào cây trúc, thành ra vằn khúc, nên người đời sau đặt tên là: “Tương Phi trúc”; bây giờ cô ấy ở quán Tiêu Tương, tính lại hay khóc, chắc sau này những cây trúc ở đó sẽ biến thành cây trúc có vằn cả. Từ giờ chúng ta gọi cô ấy là Tiêu tương phi tử mới đúng.

Mọi người nghe nói, đều vỗ tay khen hay. Đại Ngọc ngồi cúi đầu, không nói câu gì. Lý Hoàn cười nói:

- Tôi đã đặt hộ cô Tiết một biệt hiệu rất hay, chỉ có ba chữ thôi.

Mọi người vội vã hỏi:

- Chữ gì?

Lý Hoàn nói:

- Tôi phong cho cô ấy là Hành Vu Quân, các người nghĩ thế nào?

Thám Xuân nói:

- Tên phong ấy cũng rất hay.

Bảo Ngọc nói:

- Còn tôi, nhờ chị em đặt hộ cho một biệt hiệu.

Bảo Thoa cười nói:

- Anh đã có hiệu sẵn rồi, ba chữ Vô sự mang đúng lắm.

Lý Hoàn nói:

- Thôi cứ gọi hiệu cũ của chú là Giang động hoa chu(7) là được rồi.

(7). Không có việc nhưng vẫn bận.

Bảo Ngọc cười nói:

- Đó là chuyện lúc còn bé, gợi ra làm gì nữa.

Thám Xuân nói:

- Anh có nhiều tên hiệu, còn phải đặt làm gì. Từ nay chúng tôi gọi gì, anh cứ thế mà thưa, thế là được rồi.

Bảo Thoa nói:

- Để tôi đặt cho anh một tên hiệu, kể ra thì rất tục nhưng lại rất đúng với anh. Ở đời khó nhất là phú quý, mà cũng khó nhất là nhàn rỗi, hai cái ấy không thể có cả được, vậy mà anh lại có cả hai. Thôi cứ gọi anh là Phú quý nhàn nhân.

Bảo Ngọc cười nói:

- Tôi đâu dám thế! Thôi tuỳ chị em muốn gọi là gì thì gọi.

Đại Ngọc nói:

- Gọi bừa như thế sao được? Anh ở viện Di Hồng, thì cứ gọi anh là Di Hồng công tử có hay không?

Mọi người đều nói:

- Cũng đúng đấy!

Lý Hoàn nói:

- Còn cô Hai, cô Tư đặt tên hiệu là gì?

Nghênh Xuân nói:

- Chúng em không biết làm thơ, thì đặt tên hiệu làm gì?

Thám Xuân nói:

- Dù sao cũng nên đặt hiệu mới phải.

Bảo Thoa nói:

- Cô Hai ở Tử Lăng châu, thì lấy hiệu Lăng Châu, cô Tư ở Ngẫu Hương tạ, thì lấy hiệu Ngẫu Tạ là xong.

Lý Hoàn nói:

- Như thế là hay rồi. Nhưng kể tuổi thì tôi lớn hơn, các người phải theo tôi. Tôi nói gì các người phải nghe theo. Trong bảy người chúng ta, tôi và cô Hai, cô Tư không biết làm thơ, thì nên chừa ba chúng tôi ra. Chúng tôi xin nhận mỗi người một việc.

Thám Xuân cười nói:

- Đã có biệt hiệu mà cứ gọi tên cũ, thà chẳng đặt cho xong. Từ giờ ai gọi sai sẽ phải phạt mới được.

Lý Hoàn nói:

- Đã đặt thi xã thì nên đặt lệ phạt. Bên nhà tôi rộng hơn, nên họp ở đấy. Tôi không biết làm thơ, nhưng các vị thi nhân cũng không hẳn là ghét tục, mà để cho tôi làm chủ, tất nhiên tôi cũng trở nên thanh nhã. Xin cứ cử tôi làm xã trưởng. Nhưng một mình tôi làm xã trưởng không đủ, cần phải cử thêm hai vị phó xã trưởng nữa. Tôi xin mời hai vị túc nho Lăng Châu và Ngẫu Tạ: một vị ra đầu bài và hạ vần, một vị viết tinh tả và giám sát. Nhưng cũng không câu nệ ba chúng tôi nhất thiết không làm thơ, nếu gặp đầu bài nào, vần nào hơi dễ, chúng tôi sẽ tùy tiện làm thôi. Còn bốn vị thì phải theo hạn định. Ý tôi như thế đấy, nếu các vị không bằng lòng, thì tôi không dám vào h

Xưa nay Nghênh Xuân, Tích Xuân vẫn không thích làm thơ, nhất là lại ở trước mặt Bảo Thoa và Đại Ngọc. Giờ nghe nói thế, rất hợp ý mình, hai người đều nói “Phải lắm”.

Thám Xuân cũng hiểu ý ấy, thấy hai người bằng lòng, cũng hùa theo ngay, không nài ép nữa, liền cười nói:

- Thôi được rồi, nhưng nghĩ cũng buồn cười, chính tôi nêu ra việc này, lại để ba vị đến cai quản tôi.

Bảo Ngọc nói:

- Đã thế thì chúng ta đến ngay thôn Đạo Hương đi.

Lý Hoàn nói:

- Sao vội thế. Hôm nay mới chỉ bàn thôi, để tôi mời họp lại sẽ hay.

Bảo Thoa nói:

- Phải định mấy ngày một lần họp mới được.

Thám Xuân nói:

- Nếu họp luôn thì mất thú. Trong một tháng chỉ nên họp độ hai ba lần thôi.

Bảo Thoa nói:

- Một tháng họp hai lần là đủ rồi. Đã định hẳn ngày thì dù mưa gió cũng phải họp. Ngoài hai ngày ấy ra, ai có cao hứng, tình nguyện họp thêm, hoặc mời đi chỗ khác, hoặc cứ ở luôn đấy cũng được, như thế chẳng vui vẻ thích thú lắm sao?

Mọi người đều nói:

- Ý ấy rất hay.

Thám Xuân nói:

- Việc này tự tôi khởi xướng ra, phải để cho tôi làm chủ trước mới khỏi phụ cao hứng của tôi.

Lý Hoàn nói:

- Đã thế thì ngày mai cô mở đầu đi có được không?

Thám Xuân nói:

- Ngày mai không bằng hôm nay, cứ bắt đầu ngay bây giờ. Chị ra đầu bài, “ông” Lăng Châu hạ vần, “ông” Ngẫu Tạ giám trường.

Nghênh Xuân nói:

- Theo ý tôi, cũng nên giao cho một người nào ra đầu bài và hạ vần, cứ nên bỏ thăm mới công bằng.

Lý Hoàn nói:

- Khi tôi mới đến đây, trông thấy người ta mang đến hai chậu hải đường đẹp lắm. Sao không vịnh ngay hoa ấy.

Nghênh Xuân nói:

- Hoa chưa được thưởng, đã làm thơ à?

Bảo Thoa nói:

- Chẳng qua là hoa hải đường trắng, cần gì phải trông thấy mới làm được thơ? Người đời xưa làm thơ phú, chỉ cốt mượn vật để ngụ ý mình thôi. Cứ chờ trông thấy mới làm, thì bây giờ chả còn bài thơ nào nữa.

Nghênh Xuân nói:

- Đã thế thì tôi hạ vần đây.

Nói xong, chạy đến tủ sách, lấy một quyển thơ, mở một tờ ra, là một bài thơ “Thất ngôn Đường luật”, liền đưa cho mọi người xem, thế là ai cũng phải làm thơ thất ngôn. Nghênh Xuân gập sách lại, bảo một a hoàn nhỏ:

- Mày tùy ý nói ra một chữ.

A hoàn đương đứng tựa cửa, nên nói ngay chữ môn (cửa).

Nghênh Xuân cười nói:

- Chữ môn theo vần thập tam nguyên. Như vậy là câu thơ đầu phải lấy chữ “môn”.

Nói rồi bảo đưa cái hộp tập vận, và kéo cái ngăn có vần thập tam nguyên ra, rồi bảo a hoàn trỏ vào bốn chữ. A hoàn chỉ đúng bốn chữ bồn, hồn, ngôn, hôn(8).

(8). Chủ hoa ở động Giang Tiên.

Bảo Ngọc nói:

- Chữ bồn và chữ môn khó gieo cho hay được.

Thị Thư xếp sẵn bốn phần bút giấy, rồi ai nấy đều ngồi lặng lẽ nghĩ thơ. Chỉ có Đại Ngọc khi vịn cây ngô đồng, khi nhìn trời thu, khi đùa với bọn a hoàn. Nghênh Xuân lại sai a hoàn thắp một cây mộng điềm hương(9). Nén hương chỉ dài ba tấc, xấp xỉ bằng cái bấc đèn, vì là mau tàn, cho nên lấy hương định hạn. Nếu hương cháy hết, ai chưa làm đong, sẽ bị phạt.

(9). Theo luật thơ Đường, mỗi bài thơ tám câu phải có năm câu gieo đúng vần, tức câu 1, 2, 4, 6, 8. Những vần đều quy từng nhóm, như vần đồng, vần giang, vần chi… Thập tam nguyên tức là vần “nguyên” ở hàng thứ mười ba. Bồn, hồn, ngôn, hôn đi theo mới môn, đều thuộc vần “nguyên”.

Thám Xuân làm xong trước, lấy bút viết ra, lại xóa xóa chữa chữa một lúc, rồi đưa cho Nghênh Xuân. Thám Xuân quay lại hỏi Bảo Thoa:

- Hành Vu quân đã làm xong chưa?

- Làm xong rồi, nhưng không hay.

Bảo Ngọc chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trên thềm và bảo Đại Ngọc:

- Em xem kìa, người ta đã làm xong cả rồi.

- Anh cứ để mặc tôi.

Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa đã viết xong, liền hỏi:

- Nguy rồi! Hương chỉ còn một tấc, mà tôi mới nghĩ được bốn câu!

Lại quay bảo Đại Ngọc:

- Hương gần cháy hết rồi, em cứ ngồi ở chỗ đất ẩm làm gì?

Đại Ngọc cũng không trả lời. Bảo Ngọc nói:

- Thôi! Đành mặc kệ cô, dù hay dù dở, tôi cứ viết ra cho xong.

Nói xong, chạy đến bàn viết.

Lý Hoàn nói:

- Chúng ta bắt đầu xem thơ đây. Xem xong những bài này, ai còn chưa nộp, sẽ phải phạt.

Bảo Ngọc nói:

- Đạo Hương lão nông tuy làm thơ không hay, nhưng xem thơ rất tinh, rất công bằng, lời phê của “ông” ai cũng phải phục.

Mọi người đều gật đầu: