Hồng lâu mộng - Chương 062 - Phần 1

Chương 62: Hồi thứ sáu mươi hai

Tương Vân ngây thơ, ngủ trên hoa thược dược;

Hương Lăng trơ trẽn, cởi tấm quần hồng lăng.

Bình Nhi ra bảo vợ Lâm Chi Hiếu:

- Việc lớn coi thành nhỏ, việc nhỏ coi như không, thế mới là nhà thịnh vượng. Chỉ một tý cỏn con, chị đã đánh trống gõ mõ ầm lên, thì không ra làm sao. Bây giờ mẹ con con Năm về, vẫn giữ việc như cũ. Vợ Tần Hiển thì cho ra. Từ nay không ai được nhắc đến việc này nữa, chỉ cần hàng ngày để ý canh gác cho cẩn thận thôi.

Nói xong đứng dậy đi. Mẹ con thím Liễu vội cúi đầu cám ơn. Vợ Lâm Chi Hiếu dẫn bọn họ về trong vườn trình Lý Hoàn và Thám Xuân. Hai người đều nói:

- Biết rồi. Bớt việc đi thế là phải.

Bọn Tư Kỳ bị một phen tưng hửng. Vợ Tần Hiển chờ mãi mới có chỗ khuyết, nhưng chỉ mừng hão được có nửa ngày. Lúc này chị ta đương ở trong bếp thu xếp lại đồ đạc, thóc gạo, than củi, thấy thiếu mất nhiều thứ, liền nói:

- Gạo tám thiếu hai gánh, gạo ăn hàng ngày lại chi thừa ra một tháng, than cũng thiếu.

Rồi len lén sắp một sọt than, một gánh gạo tám, sai người mang biếu vợ Lâm Chi Hiếu. Lại sắp lễ mang biếu phòng thu chi và sửa rượu mời mấy người làm việc ở đó và nói:

- Tôi đến đây đều nhờ ở các vị giúp đỡ. Từ nay chúng ta là người một nhà, tôi có điều gì thiếu sót, xin các bà nhắc bảo cho.

Đương lúc tíu tít thì có người đến nói: “Xong bữa cơm sáng rồi chị đi về. Mẹ con thím Liễu không bị lỗi, lại giả công việc cho thím ấy trông nom”.

Vợ Tần Hiển nghe vậy, mất cả hồn vía, ủ rũ cúi đầu, rồi không kèn không trống cuốn gói đi về. Bao nhiêu lễ vật đưa cho người ta đành chịu mất không. Chị ta phải bán chác của nhà để bù vào.

Dì Triệu vì Thái Vân dấm dúi cho nhiều thứ. Bị Ngọc Xuyến phát giác, sợ họ tra ra, nên ngày nào cũng nơm nớp lo âu, cứ lẻn đi thăm dò tin tức. Chợt thấy Thái Vân đến nói:

- Cậu Bảo nhận cả rồi. Từ nay không có việc gì nữa.

Dì Triệu mới yên tâm.

Không ngờ Giả Hoàn nghe thấy, đâm ra ngờ vực liền đem những thứ của Thái Vân cho mình vất cả vào mặt nó mà nói:

- Mày là đồ lá mặt lá trái, tao không thèm những thứ này đâu! Nếu mày không có tình ý với Bảo Ngọc, sao nó lại nhận hộ mày? Mày đã có gan đưa cho tao thì không nên nói cho một người nào biết; bây giờ mày đã mách nó, tao có lấy những thứ này cũng chẳng thú gì.

Thái Vân tức quá, phân trần, thề bồi, đến nỗi phải khóc lên. Nó tìm hết cách để giãi bày, nhưng Giả Hoàn nhất định không tin, nói:

- Nếu không nghĩ tình cũ, tao sẽ đi mách chị Hai, bảo là mày ăn cắp đem về, nhưng tao không dám nhận. Mày nghĩ kỹ xem!

Nói xong nó hất tay ra đi.

Dì Triệu mắng:

- Đồ vô phúc! Mày nói gì thế?

Thái Vân tức quá, khóc hết nước mắt. Dì Triệu tìm cách an ủi:

- Con ơi! Nó phụ lòng con, nhưng ta thì biết rõ lắm. Ta cứ cất những thứ này đi, độ vài ngày nữa, thế nào nó cũng phải nghĩ lại.

Dì Triệu định cất những thứ ấy đi, nhưng Thái Vân cứ vùng vằng gói cả vào bọc, nhân lúc không ai trông thấy, đem vào trong vườn vứt xuống sông, cái thì chìm lỉm, cái thì nổi lềnh bềnh. Sau đó quay về bực dọc trùm chăn khóc thầm suốt đêm.

Ngày sinh nhật Bảo Ngọc đã đến! Bảo Cầm cũng sinh đúng vào ngày ấy. Vì Vương phu nhân đi vắng, nên không được vui nhộn như năm ngoái, chỉ có vị đạo sĩ họ Trương đưa đến bốn thứ đồ lễ và đổi bùa bán khoán, hòa thượng và sư cô các nơi đưa đến biếu các vật như ngựa giấy, lá số, sao bản mệnh, sao thái tuế năm ấy, và khóa thay hàng năm v.v... Những người hầu thân trong nhà đến chúc mừng trước một hôm. Bên Vương Tử Đằng vẫn đưa mừng một bộ quần áo, một đôi giày, một trăm quả thọ đào, một trăm bó miến, buộc bằng dây bạc. Bên Tiết phu nhân đưa lễ mừng kém một nửa, người trong nhà như Vưu thị cũng đưa mừng một đôi giầy. Phượng Thư đưa mừng một cái túi thêu bốn mặt của trong cung làm, trong đựng một cái thọ tinh bằng vàng và một thứ đồ chơi của nước Ba Tư. Rồi sai ngươi đi bố thí và cúng tiền ở các miếu. Ngoài ra có lễ mừng cho Bảo Cầm, không thể kể hết được. Bọn chị em thì tùy tình, có người mừng quạt, có người mừng chữ, có người mừng tranh vẽ, có người mừng bài thơ.

Hôm đó Bảo Ngọc dậy sớm, rửa mặt chải đầu xong, đội mũ mặc áo đi ra nhà khách, bọn Lý Quý bốn người đã đặt sẵn hương đèn lễ trời đất. Sau khi Bảo Ngọc thắp hương làm lễ, dâng trà, đốt vàng, liền đến làm lễ ở hai nhà thờ trong phủ Ninh. Rồi ra nguyệt đài bái vọng Giả mẫu, Giả Chính và Vương phu nhân. Bảo Ngọc trước tiên đến phòng Vưu thị làm lễ, ngồi một lúc rồi về phủ Vinh. Bảo Ngọc trước hết đến chào Tiết phu nhân. Tiết phu nhân giữ ở lại; sau mới đến thăm Tiết Khoa một lúc, rồi về vườn. Tình Văn, Xạ Nguyệt đi theo, bọn a hoàn nhỏ mang sẵn cái thảm để đi chào, từ họ Lý trở xuống, lần lượt đi đến những người hơn tuổi mình. Rồi lại ra cửa ngoài, đến thăm bốn bà vú nuôi, một lúc mới trở về. Mọi người đều xin làm lễ, nhưng Bảo Ngọc không nhận. Về đến phòng, bọn Tập Nhân chỉ đến chào thôi. Vương phu nhân đã bảo còn trẻ tuổi không được nhận lễ, sợ giảm tuổi thọ, vì thế không ai làm lễ cả.

Giả Hoàn và Giả Lan đến mừng. Tập Nhân mời họ ngồi một lúc rồi về.

Bảo Ngọc cười nói:

- Hôm nay đi mệt lắm rồi!

Liền nằm nghiêng xuống giường. Mới uống được nửa chén nước, thì bọn Thúy Mặc, Tiểu Loa, Thúy Lũ, Nhập Họa, Triệu Nhi hầu Hình Tụ Yên, cùng vú em bế Xảo Nhi, Thái Loan, Tú Loan, tất cả tám chín người đều mang thảm đỏ từ ngoài, cười ầm ĩ đi vào, nói:

- Người đến chúc thọ chen đổ cả cửa rồi. Mau mang miến ra đây cho chúng tôi ăn!

Thám Xuân, Tương Vân, Bảo Cầm, Tụ Yên và Tích Xuân cũng đều đến cả.

Bảo Ngọc vội ra đón, cười nói:

- Không dám phiền các cô. Mau pha trà ngon ra đây!

Mọi người vào trong nhà đun đẩy nhau một lúc rồi cùng ngồi.

Bọn Tập Nhân pha trà mang lại. Vừa uống một chén thì Bình Nhi cũng ăn mặc lộng lẫy tha thướt đi vào. Bảo Ngọc vội ra đón, cười nói:

- Tôi đến chào chị Phượng nhưng chị ấy không tiếp. Tôi lại cho người đến chào chị.

Bình Nhi cười nói:

- Tôi đương chải đầu cho chị Phượng, nên không ra tiếp cậu được. Sau lại thấy cậu cho người đến chào, nhưng khi nào tôi dám nhận, giờ tôi lại đây chúc thọ cậu.

Bảo Ngọc cười nói:

- Tôi cũng không dám nhận.

Tập Nhân đã để sẵn cái ghế ở cạnh cửa, mời Bình Nhi ngồi, Bình Nhi liền cúi xuống lạy, Báo Ngọc vội vàng vái lại. Bình Nhi lại quỳ xuống, Bảo Ngọc cũng vội quỳ xuống. Tập Nhân liền kéo dậy. Bình Nhi lại lạy một lạy, Bảo Ngọc vái lại một cái.

Tập Nhân cười đẩy Bảo Ngọc, nói:

- Cậu vái thêm một vái nữa.

Bảo Ngọc nói:

- Đã vái xong rồi, sao lại còn vái nữa?

Tập Nhân cười nói:

- Đấy là chị ấy đến chúc thọ cậu. Nhưng hôm nay cũng là ngày sinh nhật chị ấy, cậu cũng nên chúc thọ chị ấy.

Bảo Ngọc mừng lắm, lại vái nữa, cười nói:

- Thế ra cũng là ngày sinh nhật của chị!

Bình Nhi vội vái giả lại.

Tương Vân kéo Bảo Cầm và Tụ Yên nói:

- Bốn người chúc thọ lẫn nhau thì vái suốt cả ngày mới đủ.

Thám Xuân vội hỏi:

- Thế ra cô Hình cũng đẻ ngày hôm nay à? Sao tôi lại quên mất?

Liền bảo a hoàn:

- Đến nói với mợ Hai sắp thêm một phần lễ vật nữa, cũng như phần của cô Cầm, để đưa sang nhà cô Hai.

A hoàn vâng lời rồi đi.

Tụ Yên thấy Tương Vân buột mồm nói ra như thế, đành phải đi chào các nhà.

Thám Xuân cười nói:

- Thế cũng hay đấy. Một năm có mười hai tháng, tháng nào cũng có mấy ngày sinh nhật. Trong nhà nhiều người, nên khéo trùng nhau. Có khi ba người, có khi hai người cùng một ngày. Mồng một tết cũng có sinh nhật, chính chị Nguyên Xuân đẻ vào ngày ấy đấy. Không trách chị ấy hưởng phúc nhiều, đến ngày sinh nhật cũng chiếm trước tiên. Hôm đó cũng lại là ngày sinh nhật của cụ tổ nhà ngày trước. Sau tết nguyên tiêu là ngày sinh nhật của bà Cả(1) và chị Bảo, sao mà hai người khéo gặp nhau thế? Mồng một tháng ba là sinh nhật bà Hai, mồng chín tháng ba là sinh nhật anh Liễn. Tháng hai thì không có ai.

(1). Câu này có bản chép là lão thái thái (tức Giả mẫu), có bản chép là đại thái thái (tức Hình phu nhân) và tiếp ngay câu sau nói: “Hai mẹ con khéo gặp nhau thế”. Nhưng ở Hồi hai mươi hai có nói đến sinh nhật Bảo Thoa vào ngày 21, ngoài ra không có sinh nhật ai nữa. Chúng tôi dịch theo chữ đại thái thái (bà Cả) và dưới đổi là “hai người khéo gặp nhau” để đợi trả lời sau.

Tập Nhân nói:

- Ngày mười hai tháng hai là ngày sinh nhật cô Lâm, sao lại bảo không có ai? Chỉ có điều cô ấy không phải là người trong nhà chúng ta thôi.

Thám Xuân cười nói:

- Chị xem trí nhớ của tôi như thế đấy!

Bảo Ngọc cười, trỏ Tập Nhân nói:

- Vì chị ấy đẻ cùng ngày với em Lâm, nên mới nhớ được.

Thám Xuân cười:

- Thế ra hai cô đẻ cùng một ngày à? Vậy mà năm nào cũng không thấy chị đến lạy mừng chúng tôi.(2) Ngày sinh nhật chị Bình, chúng tôi cũng không biết, nay mới rõ đấy.

(2). Theo tục lệ phong kiến Trung Quốc đời xưa, ngày sinh nhật chủ nhà, thì tôi tớ phải lạy mừng; ngày sinh nhật của tôi tớ, cũng phải lạy chủ nhà.

Bình Nhi cười nói:

- Chúng tôi là hạng không có tên tuổi gì, không có phúc để làm lễ sinh nhật, và cũng không có chức phận gì để nhận lễ thì rêu rao lên làm gì? Chẳng thà lẳng lặng bỏ qua đi là hơn hôm nay chị ấy lại nói ầm lên. Thôi chờ khi các cô về nhà, tôi sẽ đến làm lễ vậy.

Thám Xuân cười nói:

- Không dám làm phiền chị. Nhưng hôm nay phải làm lễ sinh nhật cho chị thì tôi mới đành lòng.

Bảo Ngọc, Tương Vân đều nói: “Phải đấy”.

Thám Xuân liền sai a hoàn:

- Đến thưa với mợ Hai, hôm nay không cho chị Bình đi đâu, chúng tôi sẽ góp tiền làm lễ sinh nhật cho chị ấy.

A hoàn cười rồi đi, một lúc về nói:

- Mợ Hai bảo, cám ơn các cô làm cho chị Bình được thể diện. Không biết làm sinh nhật thì cho chị ấy ăn những thứ gì? Nhưng đừng có quên mợ Hai, mợ ấy mới không làm rầy rà đến chị Bình.

Mọi người đều cười. Thám Xuân nói:

- May sao hôm nay bếp nhà trong không làm cơm, các thức ăn đều lấy ở bên ngoài cả. Nay chúng ta góp tiền lại, sai mụ Liễu làm, và sẽ nấu nướng ở bếp trong này.

Mọi người đều nói: “Phải đấy!”

Thám Xuân vừa bảo đi mời Lý Hoàn, Bảo Thoa, Đại Ngọc, vừa sai người đi gọi thím Liễu đến, bảo phải làm hai bàn rượu ở bếp trong. Thím Liễu không biết thế nào, nói:

- Bếp ngoài đã sắp sẵn cả rồi.

Thám Xuân cười nói:

- Chị không hiểu hôm nay là ngày sinh nhật của cô Bình. Ở bếp ngoài sắp đồ ăn là của trên nhà. Bây giờ chúng tôi góp tiền riêng làm hai bàn rượu để mời cô ấy. Chị cứ đi sắm sửa những thức ăn ngon và mới, sau đó biên vào sổ, sẽ sang bên tôi nhận tiền.

Thím Liễu cười nói:

- Thế ra hôm nay là sinh nhật cô Bình à? Tôi thật không biết.

Nói xong cúi đầu làm lễ, Bình Nhi vội kéo đứng dậy.

Thím Liễu liền đi sắp sửa tiệc rượu.

Thám Xuân lại cho đi mời Bảo Ngọc cùng đến nhà khách ăn mì. Chờ Lý Hoàn, Bảo Thoa đến đủ, rồi sai người đi mời Tiết phu nhân và Đại Ngọc. Hôm ấy ấm trời, Đại Ngọc đã đỡ nên cũng đến được. Một đoàn như hoa như gấm, chật ních cả nhà. Tiết Khoa mang khăn, quạt, hương, lụa đến chúc thọ Bảo Ngọc. Bảo Ngọc lại sang nhà Tiết Khoa ăn mì. Hai nhà cùng làm rượu thọ, cùng đưa lễ mừng nh buổi trưa, Bảo Ngọc lại đến uống mấy chén rượu với Tiết Khoa. Bảo Thoa dẫn Bảo Cầm đến lạy chào và dâng rượu Tiết Khoa. Sau đó, Bảo Thoa dặn Tiết Khoa:

- Rượu ở nhà không phải mang sang bên ấy nữa, bỏ những việc khách sáo ấy đi. Cậu cứ mời những người giúp việc hiệu buôn đến uống rượu thôi. Chúng tôi và cậu Bảo còn phải về mời khách, không thể ở lại tiếp cậu được.

Tiết Khoa nói:

- Xin chị và cậu Bảo cứ về, có lẽ bọn người giúp việc sắp đến đấy.

Bảo Ngọc cũng xin lỗi, cùng về với chị em Bảo Thoa. Đến cửa bên, Bảo Thoa sai bà già khóa cửa lại, rồi tự cầm lấy chìa khóa. Bảo Ngọc nói:

- Cái cửa ấy ít người đi lại, cần gì phải đóng? Dì và chị em lại đều ở cả trong này, muốn về nhà lấy cái gì, chẳng phiền lắm hay sao?

Bảo Thoa cười nói:

- Cẩn thận thế cũng không lấy gì làm quá! Bên nhà cậu mấy hôm nay xảy ra nhiều việc lôi thôi, không có người nào bên tôi dính dáng vào đấy, thế mới biết là đóng cửa này cũng có công hiệu. Nếu cửa mở, những người quen lối thuận đường cứ theo đây mà đi, thì ngăn làm sao được? Chi bằng khóa lại, ngay mẹ tôi và tôi cũng không được đi lối ấy. Lỡ có xảy ra việc gì cũng không thể đổ cho người bên này được.

- Thế ra chị cũng biết bên tôi mấy hôm nay mất đồ đạc à?

- Cậu chỉ biết mất hai thứ rượu mai quế lộ và bột phục linh thôi. Đó là vì *****ng đến người mới biết mất đồ vật, nếu không, chính hai việc này cậu cũng không biết. Cậu có biết đâu ngoài hai thứ ấy ra còn mất nhiều thứ quan hệ hơn kia. Sau này tra xét không ra thì cũng phúc cho mọi người, nếu tra xét ra thì không biết liên lụy đến bao nhiêu người ở nhà này. Cậu không trông nom công việc, nên tôi mới nói cho cậu nghe. Bình Nhi là người hiểu biết, hôm nọ tôi đã nói rõ với chị ấy. Vì mợ Hai mệt, không ra ngoài, thành ra tôi phải nói cho chị ấy hiểu tất cả. Nếu không xảy việc gì, mọi người sẽ rảnh tay. Lỡ xảy ra, chị ấy đã nắm trước, tự nhiên tìm được manh mối, không đến nỗi xử oan cho người. Cậu nên nghe lời tôi, từ nay để ý cẩn thận mới được. Chuyện này không nên nói cho người thứ hai biết.

Nói xong, đến đình Thấm Phương, thấy Tập Nhân, Hương Lăng, Thị Thư, Tình Văn, Xạ Nguyệt, Phương Quan, Nhụy Quan, Ngẫu Quan, đương ngồi xem cá bơi ở đấy. Thấy Bảo Ngọc và Bảo Thoa đến, họ đều nói:

- Đã sắp sẵn ở dưới giàn thước dược cả rồi, xin mời vào tiệc.

Bảo Thoa dẫn bọn họ và trong nhà ba gian Hồng Hương phố ở dưới giàn thước dược. Vưu thị cũng đã đến. Mọi người đều ở đấy chỉ thiếu Bình Nhi thôi.

Lúc Bình Nhi về, có vợ họ Lâm, vợ họ Lại đưa lễ vật đến, hết người nọ đến người kia, hàng trên, hàng giữa, hàng dưới, đều mang lễ đến chúc thọ khá nhiều. Bình Nhi mang tiền ra thưởng và cám ơn, rồi đem các thứ lễ vật trình Phượng Thư, chỉ giữ lại một vài thứ để dùng thôi. Có thứ không nhận; có thứ nhận rồi lại đem thưởng cho người khác ngay. Bận rộn lúc lâu, lại phải chờ Phượng Thư ăn mì xong mới đi thay quần áo sang bên vườn. Vừa tới nơi, đã gặp mấy a hoàn đi mời, rồi cùng vào Hồng Hương phố thì thấy khắp nơi toàn là đồi mồi sáng ngời, phù dung rực rỡ. Mọi người đều cười nói: “Thọ tinh đủ cả rồi!” Rồi mời bốn người ngồi ở bàn trên, nhưng không ai chịu lên.

Tiết phu nhân nói:

- Ta già rồi, không hợp với bọn tuổi trẻ, nếu ngồi đây có phần gò bó, chi bằng lên nằm ở nhà trên thì hơn. Ta cũng không ăn, không uống rượu gì, để cho các ngươi ở đây được tự nhiên.

Vưu thị nhất định không nghe. Bảo Thoa nói:

- Thế cũng được. Cứ để mẹ tôi lên nhà nằm nghỉ thì dễ chịu hơn. Tùy ý thích, người thích ăn gì, thì đưa lên. Vả lại trên ấy vắng người, lại có thể trông nom được.

Thám Xuân cười nói:

- Đã thế thì cung kính không bằng theo ý người.

Mọi người đều đưa Tiết phu nhân lên nhà trên, trông những đứa hầu nhỏ trải nệm và đặt gối dựa, rồi dặn:

- Phải bóp đùi cho bà cẩn thận, phải pha trà rót nước, không được tị nạnh đổ đưa cho nhau. Thức ăn sẽ đưa lên sau. Bà ăn xong thì cho chúng mày. Không đứa nào được đi đâu đấy.

Lũ hầu nhỏ đều vâng lời.

Thám Xuân quay về. Bảo Cầm, Tụ Yên được mời ngồi trên, Bình Nhi ngồi ngoảnh phía tây, Bảo Ngọc ngoảnh phía đông. Thám Xuân lại mời Uyên Ương lên, hai người ngồi đối diện nhau. Bảo Thoa, Đại Ngọc, Tương Vân, Nghênh Xuân, Tích Xuân, theo thứ tự ngồi ở bàn phía tây, lại kéo Hương Lăng, Ngọc Xuyến ngồi ngang hàng. Vưu Thị, Lý Hoàn ngồi ở bàn thứ ba, lại kéo Tập Nhân, Thái Vân cùng ngồi, Tử Quyên, Oanh Nhi, Tình Văn, Tiểu Loa, Tư Kỳ thì ngồi chung quanh bàn thứ tư.

Thám Xuân định nâng chén mừng. Bọn Bảo Cầm đều nói:

- Làm như thế thì cả ngày cũng chẳng xong.

Mọi người mới chị. Hai cô xẩm đánh đàn hát chúc thọ. Mọi người đều nói:

- Ở đây chúng lôi không ai nghe những câu hát quê ấy đâu. Các chị lên nhà trên hát cho bà dì nghe để đỡ buồn. Rồi chọn mấy món ăn ngon, sai người mang lên cho Tiết phu nhân. Bảo Ngọc nói:

- Ngồi im thì không có thú gì, nên làm tửu lệnh mới vui.

Trong đó có người nói làm lệnh này hay, làm lệnh kia hay. Đại Ngọc nói:

- Cứ ý tôi, đem bút giấy ra kê hết các thứ tửu lệnh, rồi bỏ vào rút thăm, rút được cái nào, chúng ta làm cái ấy.

Mọi người đều nói: “Hay lắm”. Liền sai lấy bút giấy ra.

Gần đây Hương Lăng học làm thơ, ngày nào cũng tập viết, trông thấy bút giấy không nhịn được, vội đứng dậy nói:

- Để tôi viết cho.

Mọi người nghĩ một lúc, được tất cả mười tửu lệnh, đọc ra cho Hương Lăng viết, rồi vo viên bỏ vào trong cái lọ. Thám Xuân bảo Bình Nhi gắp. Bình nhi xóc đều lên, lấy đũa gắp một cái, mở ra xem, thấy viết hai chữ “xạ phúc”.(3)

(3).Một trò chơi rượu, đại khái: người này dùng chữ đố, người kia dùng chữ giảng.

Báo Thoa cười nói:

- Lại vớ cái lệnh từ đời ông tổ ông tinh nào rồi. “Xạ phúc” có từ lâu nhưng đã thất truyền, sau này người ta mới bịa ra, khó hơn tất cả các tửu lệnh khác. Ở đây có tới nửa số người không hiểu, chi bằng bỏ đi, gắp cái khác để cho người nhã, người tục đều thưởng thức cả.

Thám Xuân cười, nói:

- Đã gắp được, sao lại bỏ đi? Bây giờ gắp thêm cái khác, nếu gắp đúng cái lệnh người nhã người tục đều thưởng thức được, sẽ để cho họ dùng cái lệnh ấy, còn chúng ta cứ theo cái lệnh này.

Nói xong, lại bảo Tập Nhân gắp một cái, là chữ “mẫu chiến”(4). Tương Vân cười nói:

(4). Đánh toan.

- Cái này giản dị vui nhộn, hợp với tính tôi. Tôi không phơi cái “xạ phúc”, khỏi phải buồn tẻ, tôi chỉ đánh toan thôi.

Thám Xuân nói:

- Cô này phá rối tửu lệnh. Chị Bảo phạt cô ấy một chén.

Bảo Thoa không cho Tương Vân phân trần, dốc luôn cho một chén rượu.

Thám Xuân nói:

- Tôi là người cầm lệnh, uống trước một chén. Không cần nói gì cả, ai nấy đều phải nghe tôi cắt đặt. Đem hộp súc sắc đến đây, cô Cầm gieo trước, rồi theo thứ tự, nếu hai người gieo đúng điểm nhau, thì một người đố, một người đoán.

Bảo Cầm gieo được mặt “tam”. Tụ Yên, Bảo Ngọc gieo không đúng, đến Hương Lăng mới gieo được mặt “tam”, Bảo Cầm cười nói:

- Chỉ nói những chuyện vui ở trong nhà thôi, nếu nói các việc ở ngoài thì xa xôi quá không biết đâu mà lần.

Thám Xuân nói:

- Đúng đấy. Đoán ba lần không đúng phải phạt một chén. Bây giờ chị đố để chị ấy đoán.

Bảo Cầm nghĩ một lúc, nói chữ “lão”. Hương Lăng vốn không quen chơi cái lệnh này, nghĩ một lúc không ra, trông suốt cả nhà, cả bàn tiệc, cũng không tìm được câu thành ngữ nào hợp với chữ “lão” cả. Tương Vân nghe vậy cũng nhìn quanh nhìn quẩn, chợt trông thấy trên cửa có dán ba chữ “Hồng Hương phố” biết ngay là Bảo Cầm đố chữ “phố” trong câu “ngộ bất như lão phố”(5). Thấy Hương Lăng đoán không đúng, mọi người lại đánh trống giục. Tương Vân khẽ kéo Hương Lăng, bảo nói chữ “được”. Đại Ngọc trông thấy nói:

(5). Ta không bằng lòng lão làm vườn - chữ trong sách luận ngữ.

- Phạt nó đi. Nó lại gà rồi đấy.

Mọi người đều biết, làm ầm lên và phạt Tường Vân một chén. Tương Vân tức quá, lấy đũa đánh vào tay Đại Ngọc. Hương Lăng cũng phải phạt một chén. Rồi đến Bảo Thoa và Thám Xuân gieo đúng điểm nhau. Thám Xuân đố chữ “nhân”.

Bảo Thoa cười nói:

- Chữ “nhân” thì rộng quá.

Thám Xuân cười, nói:

- Thêm một chữ nữa, đố hai chữ mà đoán cũng không rộng đâu.

Nói xong lại đọc một chữ “song” nữa. Bảo Thoa vừa nghĩ, thấy trên bàn tiệc có thịt gà, chắc cô ta dùng hai điển: “kê song”(6) và “kê nhân”(7) liền đoán ngay là chữ “thời”. Thám Xuân biết Bảo Thoa đoán đúng, theo điển “kê thê vu thời”(8). Hai người cười rồi uống một chén rượu.

(6). Ngôi nhà yên lặng để đọc sách.

(7). Chức quan giữ trống canh buổi sáng.

(8). Gà đậu trên giậu - chữ trong Kinh Thi.

Tương Vân không chờ được, đã đánh toan với Bảo Ngọc, hét “tam” hét “ngũ” ầm lên. Bàn bên kia, Vưu thị với Uyên Ương cũng đánh toan, hét “thất” hét “bát” ầm lên. Bình Nhi với Tập Nhân cũng đánh toan, toàn nghe vòng xuyến trên tay rung động lẻng kẻng. Một lúc, Tương Vân được Bảo Ngọc; Tập Nhân được Bình Nhi; hai người hẹn trước những câu tửu lệnh.

Tương Vân nói:

- Vào đầu phải đọc một câu cổ văn, một câu thơ cũ, một câ tên bài, một câu tên khúc hát, lại phải một câu nói ở trong quyển lịch. Tất cả phải liền nghĩa với nhau. Đến cuối phải có một câu tên một thứ quả hoặc một thức ăn, có ý liên quan với việc người.

Mọi người nói:

- Chỉ có tửu lệnh của cô ấy là rắc rối hơn cả, nhưng cũng có ý nghĩa đấy.

Liền giục Bảo Ngọc nói. Bảo Ngọc cười.

- Ai đã học qua cái ấy? Phải để nghĩ một lúc đã.

Đại Ngọc liền nói:

- Thôi anh hãy uống thêm một chén rượu đi, em nói hộ cho.

Bảo Ngọc quả uống rượu thật. Rồi nghe Đại Ngọc đọc:

Chim vụ cùng bay với dáng chiều,

Qua sông, gió lộng, nhạn buồn kêu.

Thế là nhạn đã què đôi cẳng.

Khiến người chín khúc ruột hắt hiu(9)

(9). Bài này mỗi câu có một điển tích, đúng như lời Tương Vân giao hẹn.

Đó là chim Hồng nhạn bay đến.

Mọi người nghe vậy cười nói: “Đọc ra một tràng như vậy cũng có ý nghĩa đấy!” Đại Ngọc lấy tay cặp quả giẻ đọc câu cuối:

Hạt giẻ phải chăng là đá giặt;

Tiếng đâu đập áo khắp muôn nhà.

Xong lệnh, Uyên Ương, Tập Nhân mỗi người đều nói một câu tục ngữ, có kèm theo một chữ “thọ” không cần phải kể rõ.

Mọi người lại lần lượt đố nhau lung tung. Ở trên thì Tương Vân đối lại với Bảo Cầm. Lý Hoàn và Tụ Yên gieo đúng điểm nhau. Lý Hoàn đố chữ “biều” (bầu). Tụ Yên đoán chữ “lục” (xanh). Hai người hiểu ý nhau, cùng uống một chén. Tương Vân đố thua, liền hỏi đến câu đầu và câu cuối lệnh. Bảo Cầm cười nói:

- Mời cô vào cái vò này.(10)

(10). Võ Hậu đời nhà Đường, có Chu Hưng và Lai Tuấn Thần tra xét tội phạm rất là tàn ác. Sau có người nói: Chu Hưng làm phản. Võ Hậu sai tra hỏi. Lai Tuấn Thần mời Chu Hưng đến hỏi: “Tôi tra xét tù phạm nhiều không chịu thú thì nên làm thế nào?” Chu Hưng nói: “Việc ấy rất dễ, chỉ lấy một cái vò lớn, đốt than nóng xung quanh, rồi bắt nó vào, thì việc gì nó chẳng thú nhận”. Lai Tuấn Thần liền sai người lấy cái vò lớn, đốt than đỏ lên, rồi nói với Chu Hưng: “Xin mời bác vào trong vò, vì có người cáo giác bác”. Chu Hưng cúi đầu xin nhận tội.

Mọi người cười nói:

- Dùng cái điển này rất thích đáng.

Tương Vân liền đọc:

- Vùn vụt mông mênh, trên sông sóng cuộn ngập trời xanh; phải dùng dây sắt, gò lại chiếc thuyền lênh đênh; gặp khi sóng gió, không nên xuất hành.

Mọi người nghe vậy đều cười nói: “Thực nói đùa làm người ta cười đứt ruột. Thảo nào cô ấy ra cái lệnh này”. Họ lại giục: “Đọc mau câu cuối đi”. Tương Vân uống rượu, gắp một miếng thịt vịt, nhấp một hớp rượu, chợt thấy trong bát có nửa cái đầu vịt liền moi lấy óc ra ăn. Mọi người lại giục: “Đừng có mải ăn nữa, hãy đọc ngay đi”.

Tương Vân cầm đũa lên nói:

- Đầu vịt không phải là “a đầu”.(11)

(11). “Đầu vịt” tiếng Trung Quốc cũng đọc là a đầu, và a đầu có nghĩa là đứa ở.