Hồng lâu mộng - Chương 084 - Phần 1

Chương 84: Hồi thứ tám mươi tư

Thử tài học, Bảo Ngọc được nhắc đến việc hôn nhân;

Thăm cháu ốm, Giả Hoàn càng gây thêm mối thù oán.

Tiết phu nhân bị Kim Quế trêu tức, can khí bốc lên, đâm ra đau sườn bên trái. Bảo Thoa biết rõ nguyên do, nên không chờ thầy thuốc đến xem, sai ngay người mua mấy đồng câu đằng, sắc một bát đặc, cho mẹ uống, rồi cùng Hương Lăng đấm chân vuốt bụng cho mẹ. Một lúc lâu thì đỡ. Tiết phu nhân vừa thương vừa bực: bực vì Kim Quế đểu giả mà thương Bảo Thoa biết bao dung người.

Bảo Thoa lại khuyên giải một hồi, rồi bà ta ngủ đi lúc nào không biết. Chứng can khí cũng dần dần bình phục.

Bảo Thoa khuyên:

- Mẹ đừng nên để ý bực tức những chuyện vẩn vơ ấy. Vài hôm nữa đi lại được, mẹ nên sang bên cụ và dì nói chuyện cho khuây, trong nhà đã có con và Hương Lăng trông nom; chắc chị ấy cũng chẳng dám làm gì.

Tiết phu nhân gật đầu, nói:

- Để vài hôm nữa xem đã.

Sau khi Nguyên phi khỏi bệnh, trong nhà đều vui mừng. Qua mấy hôm có mấy người nội giám già mang bạc và các thứ đồ vật đến. Họ truyền lệnh của Quí phi, vì người nhà chịu khó thăm hỏi, nên đều có ban thưởng. Bọn Giả Xá và Giá Chính thưa lại Giả mẫu. Mọi người tạ ơn xong, bọn thái giám uống trà rồi ra về. Mọi người vào nhà Giả mẫu, cười nói một hồi, bỗng thấy một bà già ở ngoài vào trình:

- Có người hầu nhỏ bên nhà ông Cả sang mời ông Cả về có việc cần.

Giả mẫu liền gọi Giả Xá:

- Anh về đi thôi.

Giả Xá vâng lời ra về.

Giả mẫu chợt nhớ đến, rồi cười nói với Giả Chính:

- Trong lòng Quý phi rất nhớ đến Bảo Ngọc, hôm trước còn hỏi riêng về nó đấy.

- Nhưng mà Bảo Ngọc không chịu chăm học, làm phụ lòng tốt của Quý phi.

- Thế mà ta lại nói tốt cho nó, bảo là gần đây nó đã làm được văn bài.

- Làm gì mà được như lời bà nói.

- Các anh thường hay gọi nó đi làm thơ, làm văn, chẳng nhẽ nó không làm được à? Bọn trẻ con phải dạy bảo từ từ chứ. Người ta hay nói “Người béo đâu phải tự một miếng ăn”.

Giả Chính nghe vậy, liền cười lấy lòng Giả mẫu nói:

- Bà nói rất phải.

- Nhắc đến Bảo Ngọc, ta còn có việc này bàn với anh: Bây giờ nó đã lớn rồi, các anh cũng cần phải để ý xem con bé nào tốt hỏi sẵn cho nó. Đó cũng là việc lớn trọn đời của nó. Đừng kể bà con xa gần, hay là giàu nghèo gì cả, chỉ cần biết rõ người con gái ấy tính nết hiền lành, mặt mũi xinh đẹp là được.

- Bà dặn bảo rất phải, nhưng có một điều: Nó muốn có vợ cho tốt, thì trước hết phải học hỏi cho nên người mới được; nếu không, cứ dở trăng dở đèn, lại làm nhầm nhỡ con gái nhà người ta, chẳng đáng tiếc sao?

Giả mẫu nghe vậy, trong lòng không vui, liền nói:

- Kể ra thì cứ mặc các người là cha mẹ lo liệu cho nó, cần gì đến ta phải bận lòng? Nhưng ta nghĩ, thằng Bảo từ nhỏ ở với ta, ta không khỏi quá nuông chiều, làm nhỡ việc lập thân của nó, cái đó cũng có đấy; có điều ta xem nó mặt mày cũng xinh đẹp, tính tình lại thật thà, vị tất đã phải là hạng người vô dụng, đến nỗi làm hại con gái nhà người ta. Không rõ có phải là ta thiên vị hay không, chứ xem ra thì nó có khá hơn thằng Hoàn. Chẳng biết các người xem thì như thế nào?

Mấy câu nói ấy làm Giả Chính áy náy, vội vàng cười, nói:

- Bà xem người nhiều, đã nói nó khá, có phúc phận, chắc là không sai. Nhưng vì con hơi nóng vội người, có thể trái câu nói của người xưa hóa ra “không ai biết cái tốt của con mình”(1) chăng?

(1). Người xưa có câu “mạc tri kỳ tử chì ác” nghĩa là cha không biết cái xấu của con mình. Ở đây Giả Chính nói ngược lại nên Giả mẫu cười.

Giả mẫu nghe vậy phì cười, mọi người cùng cười theo.

Giả mẫu lại nói:

- Bây giờ anh cũng đã có tuổi, lại làm quan, cố nhiên là trải đời nhiều, càng chín chắn hơn.

Nói đến đó, Giả mẫu nhìn Hình phu nhân và Vương phu nhân rồi cười:

- Khi con trẻ tuổi, tính tình anh ấy thật là kỳ quặc gấp mấy Bảo Ngọc kia đấy. Mãi đến khi lấy vợ, mới hơi hiểu việc đời. Thế mà hây giờ cứ trách cháu Bảo, ta xem cháu Bảo so với anh ấy thì còn biết người biết của hơn đấy.

Hình phu nhân, vương phu nhân đều cười, nói:

- Bà lại nhắc chuyện buồn cười đấy?

Chợt có a hoàn nhỏ đi vào bảo Uyên Ương:

- Cơm chiều đã sửa soạn xong rồi, xin cụ bà cho dọn ở đâu?

Giả mẫu nói:

- Thế thì tất cả về ăn cơm đi, chỉ để cháu Phượng và chị Trân ở đây ăn với ta thôi.

Giả Chính, Hình phu nhân, Vương phu nhân đều vâng lời. Chờ dọn cơm xong, Giả mẫu lại giục một lần nữa, họ mới ra về.

Hình phu nhân về nhà, Giả Chính và Vương phu nhân thì về phòng mình. Nhắc lại lời nói vừa rồi của Giả mẫu, Giả Chính nói:

- Bà thương yêu Bảo Ngọc như thế, chúng ta phải làm cho nó thành một người có thực học, mai sau có thể thành đạt nên người, mới không uổng công bà thương yêu nó, và cũng không đến nỗi làm hại con gái nhà người ta.

- Ông nói rất phải.

Giả Chính liền sai a hoàn trong nhà chuyển lời ra bảo Lý Quý:

- Bảo Ngọc đi học về, để nó ăn cơm xong rồi qua đây, ta có việc muốn hỏi.

Lý Quý vâng lời.

Bảo Ngọc đi học về, định qua hỏi thăm sức khoẻ, thấy Lý Quý nói:

- Ông lớn dặn cậu Hai chưa cần sang bên nhà vội, hãy cứ ăn cơm đã rồi hãy sang. Nghe nói còn có chuyện gì muốn hỏi cậu đấy.

Bảo Ngọc nghe vậy, trong bụng lại lo thầm, đành phải đến gặp Giả mẫu, rồiườn ăn cơm ngay. Ăn uống qua quít cho xong, Bảo Ngọc vội vàng súc miệng rồi sang ngay bên nhà Giả Chính.

Lúc này Giả Chính đang ngồi ở thư phòng. Bảo Ngọc vào hỏi thăm sức khỏe, rồi đứng hầu một bên.

Giả Chính hỏi:

- Mấy hôm nay ta bận việc nên quên bẵng, không hỏi mày. Hôm nọ mày nói thầy học bảo mày giảng sách một tháng rồi sau đó sẽ cho mày bắt đầu làm bài; nay tính ra đã gần hai tháng. Thế thì mày đã làm bài hay chưa?

- Đã làm được ba bài. Thầy nói: Hãy khoan trình với cha, làm cho khá rồi sẽ thưa lại. Vì thế, hai hôm nay, con không dám thưa.

- Đầu bài như thế nào?

- Một đầu bài là: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học”; một đầu bài là: “Nhân bất tri nhi bất uẩn”; một đầu bài nữa là: “Tắc qui Mặc”(2)

(2). Hai câu trên là Luận ngữ: “Ta mười lăm tuổi đã chăm chỉ việc học” và “Người ta không biết mình cũng không giận”, câu thứ ba là ở Mạnh tử: “Thì về họ Mặc”.

- Mày có bản nháp không?

- Bài nào cũng viết sạch, thầy lại chữa lại.

- Mày đem về nhà hay để ở trường?

- Để cả ở trường ạ.

- Cho người lấy về đây ta xem.

Bảo Ngọc vội vàng sai người bảo Bồi Dính đến trường:

- Trong ngăn bàn của ta có một tập giấy mỏng, ngoài đề hai chữ “bài làm” là đúng. Mày cầm về đây mau.

Đi một lát, Bồi Dính cầm tập giấy đưa cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc trình với Giả Chính. Giở ra xem, thì bài thứ nhất là: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học”. Xem mở đầu: “Thánh nhân hữu chí vu học, ấu nhi dĩ nhiên hỹ”(3). Giả Đại Nho gạch chữ “ấu” đi mà sửa chữ “thập ngũ” vào. Giả Chính nói:

(3). Thánh nhân có chí về việc học ngay từ lúc còn bé.

- Bài của mày làm mà dùng chữ “ấu” là không nêu rõ được đầu bài, vì từ lúc nhỏ cho đến trước khi mười sáu tuổi, đều gọi là “ấu” cả. Chương sách này là thánh nhân nói công phu học vấn của người, cứ theo tuổi mà tiến dần, cho nên mười lăm, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi, bảy mươi, đều phải kể rõ ra, thì mới thấy được lúc này như thế nào, đến lúc khác lại thế khác. Thầy học đổi chữ “ấu” của mày ra chữ “thập ngũ” thì rõ hơn nhiều.

Giả Chính xem đến đoạn thừa đề thấy câu văn Bảo Ngọc làm nhưng đã bị gạch đi: “Phù bất chí vu học, nhân chi thường giã”(4). Liền lắc đầu nói:

(4). Không chăm lo việc học là thường tình của con người.

- Câu này chẳng những chứng tỏ tính khí trẻ con, mà nêu rõ bản tính của mày không phải là chí khí của người đi học.

Lại xem câu sau: “Thánh nhân thập ngũ nhi chí chi, bất diệc nan hồ”(5). Giả Chính nói:

- Câu này thì lại không ra văn nữa!

(5). Thánh nhân mười lăm tuổi mà đã có chí về việc ấy, chẳng cũng rất khó hay sao?

Sau đó Giả Chính mới xem đến bài chữa của Đại Nho như thế này: “Phù nhân thục bất học nhi chí vu học giả tốt tiền. Thử thánh nhân sở vi tự tín ư thập ngũ thời dư?”(6)

(6). Ai là không học, nhưng rất ít người có chí với việc học. Vì thế thánh nhân tự tin vào lúc mười lăm tuổi.

- Mày có hiểu tại sao lại chữa như thế không?

- Có ạ.

Giả Chính lại xem đến bài thứ hai: “Nhân bất trí nhi bất uẩn”. Trước hết ông ta xem câu chữa của Đại Nho: “Bất dĩ bất tri nhi uẩn giả, chung vô cải kỳ duyệt lạc hỹ”(7), xong rồi mới xem bài làm của Bảo Ngọc đã bị gạch đi: “Nắng vô uẩn nhân chi tâm, thuần hồ học giả dã”(8).

(7). Không giận vì điều người ta không biết mình, sẽ không bao giờ thay đổi điều vui thích của mình.

(8). Kẻ nào không có lòng giận người thì mới chuyên tâm về việc học.

Giả Chính nói:

- Mày viết cái gì đây? Như vậy là câu trên chỉ làm cái đầu bài cho chữ: “Nhi bất uẩn”, còn câu dưới thì lại phạm đến ranh giới chữ “quân tử” ở đoạn dưới, nhất định phải như câu chữa mới hợp với đầu bài. Vả chăng câu dưới phải làm rõ nghĩa câu trên, mới hợp với phép tắc làm văn. Mày phải để ý cẩn thận mà nhớ cho sâu.

Bảo Ngọc vâng lời.

Giả Chính lại xem tiếp đoạn dưới thấy viết: “Phù bất tri, vị hữu bất uẩn giả dã; nhi cánh bất nhiên, thị phi do duyệt nhi lạc giả, hạt khắc trăn thử”(9). Câu cuối cùng trong bài là: “Thi thuần học giả hồ”(10). Liền nói:

(9). Không ai không giận khi mình không được người ta biết đến; vậy mà nay lại chẳng như thế. Nếu không phải do ưa thích mà vui, thì làm sao được như thế.

(10). Chẳng phải là người chuyên tâm về việc học đó ư?

- Câu này cũng sai lầm như câu mở đầu. Câu của thầy chữa cũng được, tuy không lưu loát nhưng còn xuôi hơn.

Xem đến bài “Tắc qui Mặc” xong, Giả Chính ngẩng đầu lên, nghĩ ngợi một lúc, rồi hỏi Bảo Ngọc:

- Mày đọc đến sách này rồi à?

- Thầy học nói sách Mạnh Tử dể hiểu hơn, nên giảng Mạnh Tử trước. Hôm trước vừa giảng xong, bây giờ giảng sang Luận ngữ.

Giả Chính xem vế mở đầu và vế thừa đề đều không chữa mấy. Vế mở đầu như thế này: “Ngôn ư xả Dương chi ngoại, nhược biệt vô sở qui giả yên”(11). Liền nói:

(11). Ngoài việc bỏ họ Dương ra hình như không về với ai nữa.

- Câu thứ hai làm được như thế này là khó lắm đấy.

Rồi xem tiếp thấy viết: “Phù Mặc phi dục qui giả dã, nhi Mặc chi ngôn dĩ bán thiên hạ hỹ, tắc xả Dương chi ngoại, dục bất qui vu Mặc đắc hồ”(12). Ông ta hỏi:

 (12). Không phải là người ta muốn về với họ Mặc đâu, nhưng học thuyết của họ Mặc đã lan nửa thiên hạ. Vậy thì một khi đã bỏ họ Dương, dù muốn không theo họ Mặc có được đâu.

- Đây là mày làm à?

Bảo Ngọc trả lời:

- Vâng ạ.

Giả Chính gật gật đầu và nói:

- Chưa có chỗ nào xuất sắc, nhưng mới tập làm mà được thế này, cũng là khá đấy. Năm trước ta làm quan ngoài, có ra đầu bài: “Duy sĩ vi năng”(13). Bọn học trò đã học qua bài ấy của người trước, nhưng không thêm được gì, mà cứ bắt chước viết theo, đoạn ấy mày đã đọc chưa?

(13). Chỉ có kẻ sĩ mới làm được.

- Con đọc rồi ạ.

- Ta bắt mày phải có ý của mình, không được cứ lắp lại người trước. Mày chỉ làm một câu phá đề thôi cũng được.

Bảo Ngọc đành phải vâng lời, cúi đầu vắt óc ra nghĩ. Giả Chính thì chắp tay sau lưng, đứng dựa cửa ngẫm nghĩ. Bỗng thấy một tên hầu nhỏ chạy như bay ra ngoài. Nó trông thấy Giả Chính, vội vàng khép nép buông tay đứng im.

Giả Chính liền hỏi:

- Cái gì thế?

- Dì Tiết đến nhà cụ, mợ Hai truyền bảo làm cơm.

Giả Chính nghe nói, im lặng, người hầu nhỏ đi ra.

Từ khi Bảo Thoa dọn về nhà, Bảo Ngọc luôn luôn mong nhớ, nay nghe nói dì Tiết đến, tưởng là Bảo Thoa cũng đến, trong bụng cuống quít liền đánh bạo nói:

- Đã làm được câu phá đề, không biết có được không?

- Mày đọc ta nghe nào?

- “Thiên hạ bất giai sĩ giã, năng vô sản giả, diệc cận hỹ”(14)

(14). Đại ý: trong thiên hạ không phải ai cũng là kẻ sĩ, chỉ có người không có của mới có thể có được. (Theo chữ trong Mạnh tử: “Vô hằng sản nhi hữu hằng tâm giả, duy sĩ vi năng”, nghĩa là: chỉ có kẻ sĩ thường không có của nhưng vẫn luôn luôn hảo tâm.)

Giả Chính nghe xong gật đầu nói:

- Cũng được đấy. Sau này làm bài, mày cần phải phân rõ giới hạn, phải nắm cho vững ý nghĩa sâu sắc của nó, rồi hãy hạ bút làm. Khi mày đến đây, bà có biết không?

- Có biết ạ.

- Thế thì mày trở về bên nhà đi.

Bảo Ngọc vâng lời, làm ra bộ chậm rãi, thong thả đi ra. Vừa đi khỏi bức bình phong ngoài cửa hành lang, đã một mạch chạy vụt đến cửa nhà Giả mẫu. Bồi Dính ở sau cuống lên, vừa chạy theo vừa gọi:

- Cậu coi chừng kẻo ngã, ông lớn đã đến đấy.

Bảo Ngọc hình như không nghe gì cả. Vừa vào đến cửa đã nghe tiếng cười, tiếng nói của Vương phu nhân, Phượng Thư và Thám Xuân. Bọn a hoàn trông thấy Bảo Ngọc vội vàng vén màn lên nói khẽ:

- Dì ở trong ấy.

Bảo Ngọc đi vào, hỏi thăm sức khỏe dì Tiết rồi tới hỏi thăm sức khỏe Giả mẫu. Giả mẫu hỏi:

- Sao hôm nay đến bây giờ cháu mới đi học về?

Bảo Ngọc kể lại đầu đuôi câu chuyện Giả Chính xem bài và bảo làm câu phá đề. Giả mẫu tỏ vẻ rất vui mừng.

Bảo Ngọc liền hỏi mọi người:

- Chị Bảo ngồi ở đâu?

Dì Tiết cười nói:

- Chị cháu không đến, đang bận ở nhà làm việc với con Hương Lăng.

Bảo Ngọc nghe nói, trong lòng buồn bực, nhưng không tiện bỏ đi ngay. Đang nói thì cơm đã dọn ra. Giả mẫu và dì Tiết ngồi trên, bọn Thám Xuân ngồi tiếp.

Dì Tiết nói:

- Còn cháu Bảo nữa?

Giả mẫu cười và nói:

- Cháu Bảo ngồi bên này với ta.

Bảo Ngọc thưa:

- Lúc đi học về, Lý Quý chuyển lời của cha cháu bảo ăn cơm rồi hãy qua, nên cháu vội vàng bảo đưa đến một đĩa đồ ăn, cháu chan nước chè vào ăn hết một bát cơm rồi mới đi. Bây giờ mới bà, dì và các chị cứ ăn đi thôi.

Giả mẫu nói:

- Đã thế thì con Phượng ngồi bên này với ta. Mẹ cháu hôm nay ăn chay, bảo mọi người cứ ăn đi thôi.