Hồng lâu mộng - Chương 119 - Phần 1

Chương 119: Hồi thứ một trăm mười chín

Dỗ hương khôi, Bảo Ngọc rũ sạch duyên trần

Đội ơn vua, họ Giả dồi dào hưởng phúc

Oanh Nhi nghe những câu của Bảo Ngọc, không hiểu ra sao, định bỏ đi, bỗng Bảo Ngọc gọi lại bảo:

- Cô bé ngây ngô ơi, để ta nói cho mà nghe? Cô của cô đã có phúc phận, thì cô đi theo cô ta tức là cũng có phúc phận rồi, không nhờ cậy chị Tập Nhân được đâu. Vậy từ nay về sau cô hãy hết lòng hầu hạ cô ta nhé. Ngày sau mà có điều gì hay, thì cũng không uổng công cô đã chịu khó theo hầu cô ta mấy lâu.

Oanh Nhi nghe câu nói, đoạn đầu thì có vẻ có nghĩa, đoạn sau hình như vô nghĩa, liền nói:

- Tôi hiểu rồi, cô tôi đang chờ tôi đấy. Khi nào cậu muốn ăn quả, thì sai a hoàn nhỏ đến gọi tôi.

Bảo Ngọc gật đầu. Oanh Nhi đi ra Bảo Thoa và Tập Nhân đều về phòng nghỉ.

Mấy hôm sau đến ngày vào trường thi. Mọi người chỉ trông mong hai chú cháu Bảo Ngọc làm văn bài cho hay, để được đậu cao; còn Bảo Thoa thì nhận thấy Bảo Ngọc tuy học tập chăm chỉ, nhưng những lúc vô tình hoặc hữu ý, lại tỏ ra lạnh nhạt. Chị ta để ý đến Bảo Ngọc sắp vào trường thi, việc thứ nhất là hai chú cháu đều đi thi lần đầu, ra chỗ đông người chen chúc, sợ bị thất lạc; vì hai là Bảo Ngọc sau khi ông sư đi rồi, vẫn không ra khỏi cửa, học hành lại vui vẻ. Thấy sự thay đổi quá nhanh chóng và quá tốt đẹp như thế, chị ta cũng có phần ngờ vực, sợ lại có biến cố gì chăng. Vì vậy trước khi vào trường thi một hôm, chị ta một mặt sai Tập Nhân dẫn các a hoàn nhỏ cùng bọn Tố Vân sắp đặt đồ đạc chu đáo cho hai chú cháu. Chị ta nhìn qua một lượt, bảo cắt đặt cẩn thận đâu vào đấy. Một mặt lại đi sang Lý Hoàn, cùng Lý Hoàn đến trình Vương phu nhân, chọn mấy người lão thành biết việc trong nhà theo hầu, cứ nói là sợ người ngựa chen chúc dẫm phải.

Hôm sau Bảo Ngọc và Giả Lan mặc quần áo không cũ, không mới, vui vẻ đến chào Vương phu nhân.Vương phu nhân dặn:

- Hai chú cháu mầy vừa mới đi thi lần đầu. Nhưng chúng mầy đã lớn đến chừng ấy, vẫn chưa bao giờ rời ta. Dù có những lúc không ớ với ta, cũng có bọn a hoàn, người hầu quây quần chung quanh, chứ có đêm nào nằm ngủ riêng một mình đâu?

Ngày nay chú cháu ra đi, cô quạnh lủi thủi, xung quanh không có bà con, cần phải giữ gìn cẩn thận đấy. Gắng làm văn bài xong cho mau mà ra trường, rồi tìm người nhà về cho sơm sớm, để mẹ và vợ các con được yên lòng.

Vương phu nhân nói xong, không khỏi thương xót. Giả Lan nghe đến đâu vâng dạ đến đấy; còn Bảo Ngọc không hề hé môi, đợi Vương phu nhân nói xong, liền đến quỳ xuống, nước mắt đầy tròng, gục đầu lễ ba lễ rồi thưa:

- Mẹ sinh con ra, đời con không có gì báo đáp. Chỉ có lần nầy vào trường, con xin cố sức làm văn trài, may đậu được cử nhân, để mẹ được vui mừng. Thế là việc cả đời con được trọn vẹn rồi. Dù con có điều gì không hay, cũng có thể chuộc lại.

Vương phu nhân nghe xong, càng thấy thương tâm, bảo:

- Con có bụng nghĩ như thế là giỏi. Chỉ tiếc rằng bà không sống để trông thấy mặt con nữa.

Bà ta vừa nói vừa kéo Bảo Ngọc dậy, nhưng anh ta cứ quỳ mãi, rồi lại thưa:

- Dù bà trông thấy hay không, người cũng vẫn biết rõ. Đã biết rõ, đã vui mừng, thì dù người không trông thấy cũng như đã trông thấy. Chẳng qua hai bên chỉ cách biệt về thể xác, chứ không cách biệt về tinh thần.

Lý Hoàn thấy Vương phu nhân cùng Bảo Ngọc như thế, một là sợ lại gây ra bệnh cũ của Bảo Ngọc, hai là xem tình hình nầy cũng không có vẻ tốt lành lắm. Nên vội vàng đến trình:

- Thưa mẹ. Đây là việc rất vui mừng, sao mẹ lại thương tâm như thế? Vả lại chú Bảo gần đây đã hiểu lẽ phải trái, dốc lòng hiếu thuận, lại chịu ra sức học hành. Chỉ mong chú ấy đem cháu vào trường thi. lo làm văn bài cho hay, thu xếp về nhà cho sớm, rồi sao lại bài thi đem nhờ các bậc thế giao xem hộ, chờ cho đến khi hai chú cháu đều có tin mừng là được.

Đoạn chị ta gọi người đến đỡ Bảo Ngọc dậy.

Bảo Ngọc quay lại vái Lý Hoàn và nói:

- Xin chị cứ yên tâm. Hai chú cháu chúng tôi nhất định sẽ đậu cả. Sau này cháu Loan còn làm nên, rồi chị sẽ được đội mũ cánh phượng, mặc áo ráng đỏ (1) nữa đấy. 

(1) Ý nói được đội mũ mệnh phụ vì có con ra làm quan.

Lý Hoàn cười:

- Chỉ mong được như lời chú nói, cũng không uổng công!

Chị ta nói đến đó, lại sợ gây ra mối thương tâm của Vương phu nhân, liền dừng lại. Bảo Ngọc cười, nói:

- Chỉ cần có đứa con nối nghiệp tổ tiên là được. Dù anh Cả không trông thấy, cũng coi như là việc đời sau của anh ấy đã đầy đủ rồi.

Lý Hoàn thấy trời đã muộn nên không chịu nói hết lời với Bảo Ngọc, chỉ có gật đầu. Bảo Thoa nghe nói, rất là sửng sốt nghĩ bụng: “Không những lời nói của Bảo Ngọc mà những câu của Vương phu nhân và Lý Hoàn cũng đều là những điềm không tốt.” Nhưng chị ta không dám thật thà nói ra, chỉ ứa nước mắt không nói gì.

Bảo Ngọc đến trước mặt chị ta, vái một vái dài. Mọi người thấy anh ta làm điều quái gỡ như vậy, không hiểu sao, cũng không dám nói. Bỗng thấy Bảo Thoa nước mắt ròng ròng, ai cũng lấy lại lạ. Rồi lại nghe Bảo Ngọc nói:

- Thưa chị? Tôi phải đi đây. Chị nên chăm lo hầu mẹ, đợi tin mừng của tôi.

- Đến giờ ra đi rồi. Cậu không cần nói những câu lảm nhảm ấy nữa.

- Chị lại giục tôi gấp. Tôi cũng tự biết là phải đi rồi.

Anh ta quay lại thấy mọi người đều đông đủ cả, chỉ thiếu Tích Xuân và Tử Quyên, liền nói:

- Nhờ thay lời tôi nói hộ với cô Tư và chị Tử Quyên. Dù sao cũng sẽ gặp lại là được.

Mọi người nghe lời của Bảo Ngọc hình như đúng, lại hình như điên. Họ chỉ cho rằng anh ta xưa nay chưa ra khỏi nhà, chỉ vì mấy câu nói của Vương phu nhân gợi ra cả, chi bằng thúc giục anh ta đi mau là xong việc. Họ bèn nói:

- Đã có người chờ sẵn cậu ngoài kia rồi, nếu còn dùng dằng nữa, sợ lại lỡ mất thì giờ.

Bảo Ngọc ngửa mặt cười to:

- Đi thôi, đi thôi! Không cần dùng dằng lôi thôi. Xong việc r

Mọi người cũng cười, bảo:

- Đi mau lên thôi.

Chỉ có Vương phu nhân và Bảo Thoa thì lại thấy như cảnh sinh ly tử biệt, nước mắt không biết ở đâu cứ chảy ròng ròng, khóc không ra tiếng. Còn Bảo Ngọc lại có vẻ hí hớn như người điên, từ đó bước ra cửa đi mất. Thế là:

Danh lợi đi tìm nơi tột bực!

Củi *****g thoát khỏi cửa đầu tiên.

Khoan nói việc Bảo Ngọc và Giả Lan đi thi. Hãy nói Giả Hoàn trông thấy hai chú cháu họ ra đi thì vừa tức giận, lên giọng thánh tướng, nói thầm:

- Ta cũng phải báo thù cho mẹ ta mới được! Nay trong nhà không có một người đàn ông nào, nếu bác Cả bên kia cũng nghe lời ta thì còn sợ gì ai!

Hắn nghĩ rồi liền chạy đến bên Hình phu nhân hỏi thăm và tâng bốc mấy câu.

Hình phu nhân tất nhiên vui thích, liền nói:

- Cháu như thế mới là hiểu lẽ phải chứ? Như việc con cháu Xảo Thư, đáng lẽ do ta làm chủ, thế mà anh hai Liễn cháu cứ lẩn thẩn, lại bỏ mẹ đẻ đi nhờ người khác?

- Ở bên kia họ cũng đã nói. Họ chỉ biết có nhà bác đây thôi, nếu xong việc thì sẽ sắp sửa một món lễ vật to để đưa biếu bác đây. Bác được người cháu rể như đức vương ấy thì còn lo gì bác Cả không làm quan to chứ. Không phải là cháu nói xấu mẹ cháu đâu, bên ấy họ có chị cả là Nguyên Phi, nên họ ra cách khinh rẻ người ta, khiến ai nấy rất là khó chịu. Sau này cháu Xảo Thư không nên mất hết lương tâm như thế. Để cháu hỏi nó xem.

- Cháu cũng nên nói cho nó biết, nó mới hiểu rõ lòng tốt của cháu. Dù cha nó ở nhà e cũng không thể tìm ra được mối nhà thông gia sang trọng như thế? Vậy mà cái con Bình u mê kia lại bảo là không được. Nó nói mẹ cháu cũng không bằng lòng. Xem ra chỉ vì họ sợ chúng ta lại được sung sướng đấy thôi. Việc nầy nếu để chậm, đến khi anh Hai cháu về, anh ấy sẽ nghe người ta, lại không xong đâu.

- Bên kia đã nhất định rồi, chỉ chờ bác đưa canh thiếp sang là được. Theo khuôn phép của vương phủ, chỉ trong ba ngày là rước dâu về. Nhưng còn một điều, sợ bác không bằng lòng; bên kia họ bảo không nên cưới cháu gái một viên quan phạm tội về làm vợ, chỉ có thể lặng lẽ đón đi thôi; đợi khi bác trai được tha, lại làm quan, hai bên sẽ mở tiệc mừng vui vẻ.

- Việc ấy có gì mà không được? Theo lễ cũng phải là

- Đã thế thì xin bác giao canh thiếp cho cháu là được.

- Cháu rõ lẩn thẩn! Trong này đều là đàn bà cả, cháu ra bảo cháu Tường viết cho một cái thiếp là xong.

Giả Hoàn nghe nói, vui mừng khôn xiết, vội vàng vâng dạ đi ra, kiếm Giả Vân nói chuyện. Lại nhờ Vương Nhân đến công quán đức vương ấy làm giấy tờ, để nhận số bạc. Ngờ đâu những câu chuyện vừa rồi đã bị a hoàn hầu Hình phu nhân nghe được. A hoàn này trước đây nhờ Bình Nhi mới được chọn vào hầu, nay nhân lúc rảnh, nó chạy đến chỗ Bình Nhi kể lại rành mạch.

Bình Nhi biết việc này không hay, và nói rõ với Xảo Thư. Xảo Thư khóc suốt đêm, chỉ nói chờ cha về làm chủ, chứ không thể nghe theo lời bà được. Nay lại nghe nói thế, nó khóc òa lên, định đến cãi lại với bà. Bình Nhi ngăn nó lại:

- Cô hãy khoan đã? Bà là bà nội của cô. Bà bảo cậu Hai không ở nhà, thì bà đứng làm chủ được. Đã thế lại còn có ông cậu ruột đứng làm mối nữa. Họ vào bè với nhau, một mình cô nói làm sao lại? Tôi thì đã đành là bậc dưới, không thể nói nổi. Bây giờ cô nên nghĩ cách nào, chứ nhất thiết không được nông nỗi.

A hoàn ấy bảo:

- Các cô nên định liệu mau mau, không thì họ sẽ đón đi đấy!

Bình Nhi ngoảnh lại, thấy Xảo Thư quỵ khóc sướt mướt, vội vàng đỡ dậy nói:

- Cô ơi, khóc cũng không ăn thua gì đâu! Hiện nay không thể đợi cậu Hai được. Nghe câu chuyện họ nói...

Chưa nói dứt lời, thấy bên Hình phu nhân đã sai người sang báo:

- Việc vui mừng của cô tới nơi rồi? Bảo chị Bình soạn sửa tất cả những đồ vật gì cô cần dùng. Còn lễ vật tư trang sẽ đợi khi cậu Hai về mới sắm sửa.

Bình Nhi đành phải vâng lời. Lúc ấy lại thấy Vương phu nhân đến, Xảo Thư liền ôm chặt lấy bà ta cứ lăn vào lòng mà khóc. Vương phu nhân cũng khóc và nói:

- Cháu không cần nóng nảy! Ta vì cháu đã phải chịu bao nhiêu câu nói của bà cháu, nhưng xem chừng thì không thể xoay chuyển lại được nữa. Chúng ta cứ nhận lời rồi tìm cách tạm hoãn, và lập tức sai người đi đến nơi cha cháu nói rõ việc ấy.

Bình Nhi thưa:

- Bà còn chưa biết sao. Sớm nay cậu Ba đã trình với bà Cả là khuôn phép trong Vương phủ chỉ trong ba ngày phải rước dâu về. Bây giờ bà Cả đã bảo cậu Vân viết thiếp rồi, đợi cậu Hai sao kịp.

Vương phu nhân nghe đến tiếng cậu Ba, tức quá, nói không ra lời, ngẩn người ra một lúc, giục bảo đi tìm Giả Hoàn.

Một hồi lâu, có người vào trình:

- Sáng hôm nay cậu Ba cùng cậu Tường và ông Vương Nhân đi đâu rồi.

- Còn thằng Vân đâu?

- Không biết ạ.

Mọi người đều trợn trừng trợn trạc không còn cách gì.

Vương phu nhân cũng khó cãi nhau với Hình phu nhân, nên ai nấy đành ôm đầu mà khóc. Trong lúc đang bối rối, chợt có bà già vào trình:

- Người canh cửa sau báo tin bà Lưu lại đến.

Vương phu nhân nói:

- Nhà chúng ta đang gặp lúc bối rối như thế này, còn rảnh rang đâu mà tiếp khách, nói thế nào đó cho bà ấy về đi thôi.

Bình Nhi thưa:

- Bà lớn nên cho mời vào. Bà ấy là mẹ nuôi của cô Xảo, cũng nên nói qua cho bà ấy biết.

Vương phu nhân không nói gì. Người nhà dẫn bà Lưu vào. Hai bên chào hỏi xong, bà Lưu trông thấy người nào con mắt cũng đỏ hoe, chẳng hiểu ra sao, bà ta chậm rãi một lúc rồi hỏi:

- Làm sao thế? Chắc là bà lớn và cô lại nhớ đến mợ Hai?

Xảo Thư nghe nhắc đến mẹ mình, càng khóc to lên. Bình Nhi nói:

- Bà đừng nói chuyện suông nữa. Bà đã là mẹ nuôi của cô, cũng nên biết việc này.

Rồi chị ta kể hết đầu đuôi, làm bà Lưu khiếp sợ sửng sốt.

Một lúc sau bà ta bỗng phá lên cười:

- Chị là người lanh lợi như thế mà chưa nghe khúc “Cổ nhi từ” (2) à. Việc ấy còn có nhiều cách, khó khăn gì đâu.

(2) Cố nhi từ hoặc cổ tử từ - tên một từ khúc đời xưa, vừa dùng lời nói vừa hát, do nhiều khúc điệu và nhiều đoạn văn xuôi kết hợp lại.

Bình Nhi vội hỏi:

- Bà ơi. bà có cách gì, xin nói mau lên?

- Việc ấy có gì khó khăn đâu? Không để cho một người nào trong bọn họ biết, rồi thình lình trốn đi lã xong.

- Bà nói bậy rồi? Con nhà chúng tôi thể diện như thế nầy, trốn đi

- Chỉ sợ các cô không chịu đi thôi, nếu đi thì cứ đến chỗ quê tôi. Tôi sẽ dấu kín cô Xảo đi, rồi bảo cô ấy tự tay viết một bức thư. Tôi lập tức bảo anh rể tôi tìm người, mang ngay đến chỗ cậu Hai, chắc cậu ấy sẽ về ngay, như thế không được ư?

- Nếu bà Cả biết thì sao?

- Khi tôi đến bà lớn biết không?

- Bà Cả ở nhà phía trước. Bà ta đối đãi với người dưới rất khắc nghiệt, có tin tức gì không ai báo cho bà ấy cả. Nếu bà đi vào cửa trước thì họ biết; nhưng bà lại đi cửa sau, thì không can gì.

- Các cô định bao giờ đi, thì tôi bảo anh rể tôi đem xe đến đón.

- Còn đợi đến bao giờ nữa? Thôi mời bà hãy ngồi đây đã.

Rồi chị ta vội vàng đi vào, tránh những người đứng xung quanh, trình rõ những lời bà Lưu vừa nói với Vương phu nhân. Vương phu nhân nghĩ một lúc, thấy không ổn. Bình Nhi nói:

- Chỉ có cách ấy thôi. Vì là bà lớn nên cháu mới dám nói rõ. Bà lớn cứ giả làm như không biết, rồi cứ vờ hỏi bà Cả. Còn chúng cháu ở bên này sẽ sai người đi, chắc cậu Hai cũng về nhanh.

Vương phu nhân không nói gì, chỉ thở dài. Xảo Thư nghe vậy, liền thưa với Vương phu nhân:

- Xin bà cứu lấy cháu! Dù sao lúc cha cháu trở về, cũng chỉ biết ơn bà mà thôi.

Bình Nhi nói:

- Không cần phải nói nữa, xin mời bà lớn về đi thôi. Chỉ nhờ bà lớn sai người đến coi nhà cho.

Vương phu nhân nói:

- Phải kín đáo một tí. Nhớ mang theo áo quần chăn nệm của chúng cháu đấy.

Bình Nhi nói:

- Phải đi nhanh mới kịp, nếu để họ giao giá xong trở về thì rắc rối đấy.

Câu nói ấy như giục giã Vương phu nhân. Bà ta nói:

- Phải rồi, các cháu cứ soạn sửa nhanh lên! Đã có ta đây!

Sau đó Vương phu nhân trở về, lại sang bên Hình phu nhân nói chuyện suông, để giữ bà ta lại. Bên này Bình Nhi bảo người sắp sửa ra đi, và dặn dò:

- Đừng giấu diếm gì. Nếu có người trông thấy thì cứ nói là bà Cả truyền bảo, cần một cỗ xđưa bà Lưu về.

Rồi lại đem tiền lót cho người canh cửa sau, bảo thuê xe đến. Bình Nhi cải trang cho Xảo Thư giả làm con Thanh, cháu gái bà Lưu, rồi vội vàng lên xe đi ngay. Sau đó Bình Nhi làm bộ tiễn khách, nhân lúc người ta không để ý, cũng nhảy lên xe đi

luôn. Số là gần đây cửa sau phủ Giả tuy mở, nhưng nhà rộng, đầy tớ ít, nên chỉ một vài người canh, trông nom không xuể, rất là trống trải. Vả lại Hình phu nhân là người không biết thương kẻ dưới. Người trong nhà tuy biết việc ấy không hay, nhưng họ lại nhớ ơn Bình Nhi ăn ở tử tế, nên thông đồng với nhau, để mặc cho

Xảo Thư đi. Hình phu nhân vẫn còn ngồi nói chuyện với Vương phu nhân, có để ý gì đến việc ấy. Riêng Vương phu nhân là không yên tâm chút nào. Bà ta nói chuyện một lúc, rồi lặng lẽ sang ngồi bên phòng Bảo Thoa, lòng lo ngay ngáy. Bảo Thoa thấy Vương phu nhân sắc mặt hoảng hốt, liền hỏi:

- Trong bụng mẹ nghĩ việc gì phải không?

Vương phu nhân nói thầm việc ấy với Bảo Thoa, Bảo Thoa nói:

- Làm liều quá. Bây giờ phải sai cháu Vân mau mau sang đình chỉ bên kia đi mới yên chuyện.

- Ta cho tìm thằng Hoàn không thấy đâu cả.

- Mẹ cứ vờ như không biết, để con tìm người sang nói cho bác biết mới được.

Vương phu nhân gật đầu; mặc cho Bảo Thoa tìm người. Số là đức vương này muốn mua mấy người con gái để hầu hạ, vì chưa tin lời người mối, nên mới sai người đi xem mặt. Người đi xem về bẩm rõ. Đức vương hỏi đến con nhà dòng dõi

thế nào, họ không dám dấu đành phải nói thực. Đức vương nghe xong, biết rõ nhà ấy đã mấy đời có công và có họ ngoại với nhà vua, nên bảo:

- Không xong đâu! Việc ấy phạm lệ cấm đấy, suýt nữa làm hỏng việc lớn! Vả lại ta về chầu vua đã xong, phải chọn ngày lên đường. Nếu có người nào nói đến việc ấy nữa, phải đuổi đi ngay.