Hồng lâu mộng - Chương 120 - Phần 2 (Hết)

Vương phu nhân nghe cũng bằng lòng, bảo:

- Cháu cứ về nhận lời đi, vài ngày nữa sẽ đến đây đón cô em cháu v

Vương phu nhân lại sai người đi dò hỏi, họ đều nói thế.

Bà ta liền nói với Bảo Thoa, rồi lại nhờ Tiết phu nhân bảo riêng với Tập Nhân.

Tập Nhân khóc thương mãi, nhưng không dám trái lời, trong bụng nhớ lại năm nọ, sai khi Bảo Ngọc ra chơi nhà mình, chính mình đã nói dầu chết cũng không trở về nhà nữa, nay bà lớn đứng làm chủ, nếu mình ở vậy, thì sợ người ta bảo là không biết xấu hổ; nếu bỏ ra về thì thực không đành lòng? Rồi cô ta nghẹn ngào khóc, không nói ra lời. Tiết phu nhân và Bảo Thoa lại cố khuyên giải, cô ta mới nghĩ lại: “nếu mình mà chết ở đây, lại làm uổng mất lòng tốt của bà lớn, mình phải về chết ở nhà mới được”. Tập Nhân bèn nuốt tủi vái chào mọi người. Khi các chị em chia tay, tất nhiên càng đau xót. Tập Nhân lên xe với tấm lòng quyết chết. Đến khi về chào anh chị, cũng cứ khóc lóc, không nói nên lời. Hoa Tự Phương liền đem những lễ cưới của nhà họ Tưởng và những món tư trang mới mua sắm cho cô ta xem, rồi bảo:

- Vật này là bà lớn thưởng cho, vật là là ở nhà sắm lấy.

Tập Nhân càng khó nói. Ở nhà hai ngày, suy nghĩ lại, “anh mình xử sự cũng đúng, nếu mà chết ở trong nhà anh. Không phải là mình làm hại anh sao?” Tính trước nghĩ sau, đằng nào cũng khó. Thực là ruột rối như tơ vò, hầu như đứt đoạn, đành phải nín nhịn chịu vậy. Đến ngày rước dâu, Tập Nhân vốn không phải là tay gan dạ, nên cứ lủi thủi lên kiệu ra đi, trong bụng nghĩ, hãy sang bên kia rồi sẽ liệu. Không ngờ về đến nhà chồng, thấy họ Tưởng sắp đặt rất là chu đáo, việc gì cũng theo lề lối cưới vợ chính. Vừa mới vào nhà, thì đàn bà con gái hầu hạ đều gọi là “mợ”. Tập Nhân khi ấy muốn chết ở đó, nhưng lại sợ làm hại người ta, uổng mất tấm lòng họ đối xử tử tế với mình. Đêm ấy cũng vẫn cứ khóc, không chịu thuận theo. Người chồng lại tỏ ra dịu dàng, chiù theo ý chị ta.

Đến ngày thứ hai, Tập Nhân mở rương ra, người chồng trông thấy cái thắt lưng màu đỏ, mới biết chị ta là a hoàn của Bảo Ngọc (2). Nguyên trước đây người chồng chỉ nghe nói cô dâu là người hầu của Giả mẫu, cũng không ngờ người ấy là Tập Nhân. Khi đó Tưởng Ngọc Hàm nhớ đến mối ơn của Bảo Ngọc đối với mình. Cảm thấy rất là hổ thẹn, nên càng âu yếm; rồi cả ý đưa ra cái thắt lưng màu xanh hoa thông mà Bảo Ngọc đã đổi cho mình. Tập Nhân nhìn thấy, biết anh chàng họ Tưởng này chính là Tưởng Ngọc Hàm, mới tin rằng nhân duyên của mình đã định từ trước. Chị ta mới bày tỏ hết tâm sự của mình. Tưởng Ngọc Hàm cũng than thở kính phục, không dám cưỡng ép, lại càng tỏ ra dịu dàng thể tất, làm cho Tập Nhân muốn chết cũng không chết được nữa.

(2) Việc Tưởng Ngọc Hàm tặng thắt lưng cho Bảo Ngọc và Bảo Ngọc đưa thắt lưng ấy cho Tập Nhân, xin xem lại hồi thứ 28.

Bạn đọc, việc đời tuy có tiền định, không biết làm thế nào; nhưng những kẻ con hiếu, tôi trung, chồng nghĩa, vợ tiết, không phải ai cũng đổ vì ba chữ “bất đắc dĩ” được cả. Vì vậy Tập Nhân mới ở trong “Hựu phó sách”. Đó chính như câu thơ người đời xưa khi đi qua Đào hoa miếu đã nói:

Khó nhất trên đời là cái chết.

Thương tâm đâu chỉ Tức phu nhân (3)

(3) Sở Văn Vương lánh nạn, vợ vua nước Tần, Tức phu nhân bị bắt về làm thiếp, sinh được hai con. Sở Văn Vương hỏi phu nhân, sao vẫn không chịu nói năng gì. Phu nhân nói: “ Tôi là một người đàn bà đã phải lấy hai lần chồng, chỉ còn khác một cái chết, có gì đáng nói nữa?” Đời sau tôn là Đào Hoa phu nhân, lập miếu thờ phụng.

Tập Nhân từ đó lại ở trong một cảnh ngộ khác, không cần nhắc đến nữa.

Giả Vũ Thôn trước đây can án tham lam, yêu sách, đã xét rõ và định tội. Nay gặp lúc đại xá, được tha về làm thường dân. Vũ Thôn cho gia quyến đi trước, mình chỉ đem theo một tên hầu nhỏ và một xe đồ đạc. Đi đến cửa sông Giác Mê ở bến Cấp Lưu, vừa gặp một đạo sĩ từ trong lều cỏ bên bến đi ra, chắp tay chào.

Vũ Thôn nhận ra người ấy là Chân Sĩ ẩn, vội vàng chào lại, Sĩ ẩn nói:

- Giả tiên sinh, từ khi chia tay, vẫn mạnh khỏe chứ?

- Té ra lão tiên ông đây là Chân lão tiên sinh, sau lần trước gặp nhau ngài lại tránh mặt không nhận tôi? Sau nghe nói gian nhà cỏ bị cháy, tôi rất sợ hãi. Hôm nay may được gặp, càng thấy lão tiên ông là người đạo cao đức lớn. Chỉ vì kẻ quê hèn này là người hết sức ngu độn, không sửa đổi được chút nào, nên mới đến nông nỗi này!

- Khi trước người còn quan cao chức trọng, bần đạo đâu dám nhìn nhận? Vì là chỗ bạn cũ, nên bần đạo mới dám tặng vài lời. Không ngờ ngài lại bỏ quên bần đạo! Nhưng mà mọi việc giàu sang may rủi, không phải là ngẫu nhiên. Hôm nay chúng ta lại được gặp nhau, thực là một chuyện lạ? Ở đây cũng gần lều cỏ xin mời ngài vào lều nói chuyện một lát, không biết ý ngài thế nào?

Giả Vũ Thôn vui vẻ nhận lời. Hai người dắt tay nhau đi. Tên hầu nhỏ đẩy xe theo sau. Đến một gian nhà tranh, Sĩ ẩn mời vào. Vũ Thôn ngồi xuống. Tiểu đồng bưng trà lên. Vũ Thôn hỏi về việc tiên ông siêu thoát ra ngoài cõi trần như thế nào.

Sĩ ẩn cười bảo:

- Chỉ trong ý nghĩ khác nhau là cõi trần đổi hẳn. Lão tiên sinh sống cảnh phồn hoa, có biết trong chốn giàu sang êm ấm có anh chàng Bảo Ngọc hay không?

- Sao lại không biết? Gần đây nghe tiếng đồn đại lung tung, bảo rằng anh ta cũng đã đem thân vào cửa Phật. Kẻ ngu muội này lúc trước cũng có gặp anh ta vài lần, nhưng không ngờ con người ấy mà lại kiên quyết từ bỏ được như thế.

- Không phải như vậy! Cái căn duyên lạ lùng ấy, tôi đã biết trước. Năm xưa khi tôi cùng tiên sinh trò chuyện trước cửa ngôi nhà cũ trong ngõ Nhân Thanh, t đã gặp anh ta một lần.

Vũ Thôn lạ lùng hỏi:

- Kinh thành cách quí quán rất xa, sao lại gặp anh ấy được?

- Chúng tôi giao du với nhau trên tinh thần đã lâu.

- Đã vậy thì hiện nay Bảo Ngọc ở đâu, chắc tiên ông biết rõ?

Bảo Ngọc tức là viên bảo ngọc. Năm nọ, trước khi phủ Vinh và phủ Ninh bị khám xét. Bảo thoa và Đại Ngọc xa cách nhau, viên ngọc ấy đã ra khỏi cõi đời, một là để tránh khỏi tai vạ, hai là để nên đôi vợ chồng. Từ đó duyên nợ xong xuôi, hình và chất nhập lại làm một. Viên ngọc lại tỏ rõ linh thiêng, đậu cao, con quí, thế mới rõ đó là trời đất rèn đúc ra, khác hẳn mọi vật ở giữa trần gian. Trước kia Mang Mang đạo sĩ và Diễu Diễu chân nhân đem nó xuống cõi trần, đến nay duyên nợ đã hết, lại do hai vị ấy đem nó về chỗ cũ. Đó là nơi qui kết của Bảo Ngọc.

Vũ Thôn nghe xong, tuy không biết rõ hết cả, nhưng mười phần cũng hiểu được bốn năm, liền gật đầu than:

- Thế mà kẻ ngu dốt này không hiểu! Nhưng tôi muốn xin tiên ông chỉ giáo cho điều này: Bảo Ngọc đã có lai lịch, tại sao lại còn mê mẩn vì tình? Rồi lại ngộ đạo mau mắn như thế?

Sĩ ẩn cười:

- Việc này nói ra chưa chắc tiên sinh đã hiểu hết. Cõi Thái-hư ảo cảnh, tức là cõi phúc “chân như”. Bảo Ngọc đã hai lần mở cửa sổ vận mệnh ra xem, những việc nguyên do từ trước đến sao đều thấy rành rành, thì làm gì mà không ngộ đạo? Cây

giáng tiên đã về tiên giới, lẽ nào ngọc “thông linh” chẳng trở lại chốn xưa?

Vũ Thôn nghe xong, vẫn không hiểu rõ, nhưng biết đó là việc tiên cơ, không tiện hỏi thêm, rồi lại nói:

- Về việc Bảo Ngọc, tôi đã được tiên ông dạy cho biết rồi. Nhưng còn con gái khuê các trong họ tôi nhiều đến thế, mà sao từ Nguyên phi trở xuống, người nào kết cục cũng chỉ bình thường thôi?

Sĩ ẩn than thở:

- Lời nói của tôi, xin tiên sinh đừng lấy làm lạ, con gái trong họ ngài đều từ trong trời tình hiển khổ mà ra. Xưa nay con gái cố nhiên không thể mắc vào chữ “dâm”, mà cũng không được vấn vương đến chữ “tình”! Cho nên Thôi Oanh, Tô tiểu muội, chẳng qua là tiên nữ vướng lòng trần; Tống ngọc, Tương Như, đều hạng văn nhân mang vạ miệng. Những kẻ đã trót dan díu đến chữ tình, kết cục sẽ không đáng nói đến nữa?

Vũ Thôn nghe đến đó, bất giác vuốt râu thở dài, rồi lại nói:

- Xin hỏi tiên ông; hai phủ Vinh, Ninh còn có thể trở lại thịnh vượng như trước không?

- Ở lành gặp phúc, dâm dục mang tai, xưa nay đã có lẽ nhất định. Hiện nay trong hai phủ Vinh và Ninh, người thiện tu phúc, người ác ăn năn tội lỗi. Sau này lan quế đua thơm, nghiệp nhà trở lại như trước, cũng là lẽ tất nhiên vậy.

Vũ Thôn gục đầu hồi lâu, rồi bỗng cười:

- Phải rồi, phải rồi? Hiện nay trong phủ Giả có một anh tên là Lan đã đậu cử nhân, chính là ứng vào chữ “lan”. Vừa rồi tiên ông có nói “lan quế đua thơm”, lại nói Bảo Ngọc đậu thủ khoa và sinh quí tử”, có lẽ anh ta còn có đứa con trong thai, sau

này có thể phát đạt lên to chăng?

Sĩ ẩn mỉm cười nói:

- Đó là việc về sau, không tiện nói trước.

Vũ Thôn còn muốn hỏi nữa, nhưng Sĩ ấn không đáp, rồi bảo người dọn cỗ mời Vũ Thôn cùng ăn, ăn xong, Vũ Thôn còn muốn hỏi việc chung thân của mình. Sĩ ẩn nói:

- Lão tiên sinh hãy nghỉ tạm trong lều cỏ này. Tôi còn mắc mối trần duyên, hôm nay phải gỡ cho hết.

Vũ Thôn lấy làm lạ hỏi:

- Tiên ông tu hành như thế, không biết vì sao lại còn mắc mối trần duyên?

- Thì cũng chẳng qua là chút tình riêng con cái mà thôi.

Vũ Thôn nghe nói, lại càng lấy làm lạ:

- Xin tiên ông cho biết vì sao lại có câu nói ấy?

- Tiên sinh chưa biết rõ, con gái tôi là Anh Liên. Hồi con nhỏ gặp phải kiếp xấu. Khi tiên sinh mới ra làm quan, đã từng xử việc này. Nay nó lấy anh chàng họ Tiết, gặp lúc sinh đẻ khó, nên đã thoát kiếp, sinh được một đứa cháu cho nhà họ Tiết để nối dõi. Chính bây giờ là lúc nó trút hết nợ trần. Tôi phải đưa nó đi.

Ông ta nói xong, liền vẫy ống tay áo đứng dậy.

Vũ Thôn trong bụng mơ mơ màng màng, rồi nằm ngủ luôn trong lều cỏ ở cửa sông Giác Mê nơi bến Cấp Lưu. Sĩ ẩn độ thoát cho Hương Lăng, rồi đưa chị ta đến Thái

Hư ảo cảnh, giao cho nàng tiên Cảnh ảo để ghi sổ. Khi ông ta vừa đi qua một cái nhà bia, thì thấy một hòa thượng và một đạo sĩ thoăn thoắt bước tới đón lại hỏi:

- Thưa hai vị chân nhân. Đáng mừng! Đáng mừng! Những mối tình duyên kết liễu đã giao lại xong xuôi chưa?

Hai vị ấy nói:

- Tình duyên vẫn chưa xong, nhưng cái vật xuẩn ngốc ấy thì đã trở về rồi. Còn phải đưa nó về chỗ cũ, rồi ghi rõ những việc sau này của nó để không uổng công nó đã xuống cõi trần mấy lâu.

Sĩ ẩn nghe xong, vái chào tạm biệt Hòa thượng là đạo sĩ lại mang ngọc đến dưới núi Thanh Ngạnh, đặt viên bảo ngọc ấy ở chỗ Nữ Oa luyện đá vá trời, rồi đều vân du. Từ đó về sau:

Sách ngoài trời chép chuyện ngoài trời,

Người hai kiếp làm người một kiếp.

Một hôm, Không Không đạo nhân lại đi qua núi Thanh Ngạnh, trông thấy viên đá chưa dùng “vá trời” hãy còn ở đó, trên mặt nét chữ vẫn nguyên như cũ, liền xem lại một lượt từ đầu đến cuối thấy sau bài kệ lại ghi chép nhiều chuyện “duyên nợ đã trải qua ở dưới trần”, liền gật đầu than:

- Trước kia ta thấy đoạn văn lạ lùng của Thạch huynh, nghĩ rằng có thể đem làm chuyện lạ cho đời, nên ta sao chép lại, nhưng chưa thấy ghi rõ việc trở lại gốc cũ, không biết câu chuyện hay ho này được thêm vào lúc nào? Thế mới biết Thạch

huynh xuống trần một lần, đã tỏa ra chất sáng lóa, rồi lại tu hành trọn đạo, cũng có thể nói là không còn ân hận gì nữa? Chỉ sợ sau này ngày tháng trôi qua, nét chữ mờ đi không rõ, lại có sự gì sai lầm chăng. Chi bằng ta sao chép lại một lần nữa, rồi tìm một người thanh nhàn vô sự ở trên đời, nhờ họ truyền khắp, để cho người đời biết việc này lạ không ra lạ, tục không ra tục, thật không ra thật, giả không ra giả. Hoặc giả: “Cõi trần lật đật giấc mơ, đành phải mượn chim gọi lại. Thần núi say sưa mến khách từ nơi hóa đá bay về, cũng chưa biết chừng?”

Đạo nhân nghĩ xong, liền sao chép lại, rồi mang đến những nơi phồn hoa thịnh vượng tìm hỏi một lượt. Nhưng trong các chỗ ấy, nếu không phải là những kẻ tính toán lập công lập nghiệp thì lại là hạng người chạy vạy lo áo kiếm cơm, có ai rảnh

rỗi đâu mà đi nói chuyện với viên đá? Đạo nhân tìm mãi đến trong gian lều cỏ ở cửa sông Giác Mê nơi bến Cấp Lưu, thấy một người nằm ngủ. Chắc hắn ta là người rảnh rỗi, đạo nhân định đem chuyện Thạch đầu ký đã sao chép được cho hắn xem. Nào ngờ gọi mãi người ấy không tỉnh. Đạo nhân cố sức kéo. Hắn mới từ từ mở mắt ngồi dậy, rồi cầm lấy truyện ấy xem qua, lại đặt xuống nói: “Việc này tôi đã trông thấy và đã biết hết, bản sao chép của đạo nhân cũng không sai. Tôi xin chỉ cho đạo nhân một người, rồi nhờ người ấy truyền ra, thì có thể kết thúc được cái án mới mẻ này.”

Không Không đạo nhân vội hỏi là người nào. Người ấy nói:

- Đạo nhân phải đợi cho đến năm nọ, tháng nọ, ngày nọ, đi đến một chỗ gọi là hiên Điệu Hồng, sẽ thấy ở đó có ông Tào Tuyết Cần, và bảo rằng: “Giả Vũ Thôn nói nhờ ông ta như thế như thế.”

Người trong lều nói xong, lại nằm xuống ngủ.

Không Không đạo nhân ghi nhớ kỹ những lời nói ấy. Sau đó không biết trải qua mấy đời mấy kiếp, quả thấy có hiên Điệu Hồng, và Tào Tuyết Cần đang ở đấy giở xem những sách cổ sử xưa nay. Không Không đạo nhân liền thuật lại câu nói của Giả Vũ Thôn rồi đem truyện Thạch đầu ký ra. Tào Tuyết Cần cười bảo:

- Quả thực là Giả Vũ Thôn nói rồi! (4)

(4) Cũng như chú thích ở hồi một. Chữ “Giá ngữ thôn ngôn” (nói bịa) với “Giá Vú Thôn ngôn” (Giá Vũ Thôn nói) đọc giống nhau. Tác giả lấy chữ “Giả Vũ Thôn ngôn” thay cho “Giá ngữ thôn ngôn”, chữ nọ đánh ra chữ kia.

Không Không đạo nhân liền hỏi:

- Tiên sinh vì sao biết được người ấy, mà chịu truyền thuật truyện này thay cho ông ta?

Tào Tuyết Cần cười nói:

- Người ta gọi ngài là Không Không, quả nhiên trong bụng không có gì cả! Truyện này toàn là câu chuyện thêu dệt, thì cất sao khỏi những chỗ sai lầm, mâu thuẫn, chỉ để khi cơm no rượu say, đêm mưa đèn sáng, sẽ cùng mấy người chung chí hướng đọc với nhau, làm tiêu tan những nỗi hiu quạnh là được. Chứ cần gì phải có những bậc đại nhân bình phẩm và truyền khắp trên đời. Còn như ngài muốn dò xét từ ngành ngọn thì thật hết sức câu nệ. Chẳng khác “vạch vào thuyền để tìm gươm, gắn phím để gãy đàn vậy? “

Không Không đạo nhân nghe xong, ngửa mặt lên trời cười to rồi vứt bản sao lại, vùn vụt ra đi, vừa đi vừa nói:

- Té ra toàn là chuyện bày đặt viễn vông cả? Không những người làm không biết, người chép không biết, mà cả người đọc cũng không biết nữa. Chẳng qua chỉ là thứ văn chương du ký, để cho thích thú tính tình mà thôi.

Nhưng ráng chiếu cố một đoạn nữa, vì những câu thơ ghi nhớ sẽ hiểu rõ hơn.

Người đời sau thấy bản truyền kỳ này, cũng đã viết bốn câu kệ, để bổ sung vào những lời nói từ đầu của tác giả.

Nói đến nỗi chua cay,

Hoang đường lại buồn thay.

Xưa nay đều cảnh mộng,

Chớ bảo người đời ngây.

_Hết_

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

sienna  – Nhàn Nhã  – thao1011

(Tìm - CHỉnh sửa - Đăng)