Thủy Hử - Chương 30 - Phần 2

Nói về bọn người nhà Trương Đô Giám ở Mạnh Châu, có kẻ lẩn nấp trốn được mãi đến khi trời sáng mới dám thò ra, hô gọi các quân lính cùng người nhà người cửa túm vào xem xét, rồi bảo nhau sang trình quan phủ. Quan phủ nghe nói cả kinh, hỏa tốc sai người đến kiểm soát số người bị chết, và dò xem lối quân hung phạm ra sao. Hôm sau chúng về báo Tri Phủ rằng:

- Thoạt tiên quân cướp vào tầu ngựa, trút bỏ hai tấm áo cũ ở đó. Sau vào đến bếp giết chết hai đứa thị nữ và bỏ một con dao hành hung đã quằn mẻ tại bên cửa bếp. Đoạn rồi lên lầu Uyên Ương Trương Đô Giám cùng hai tên người nhà và người khách là Trương Đoàn Luyện, Tưởng Môn Thần rồi lấy máu viết mấy chữ: "Kẻ giết người chính là Võ Tòng đánh hổ" lên tường vôi. Dưới nhà gác lại giết một Phu nhân, một thị nữ tên là Ngọc Lan, hai người con bé và ba người đàn bà, cộng tất cả là giết chết mười lăm mạng, và mất một bộ sáu cái chén uống rượu bằng vàng bạc.

Tri Phủ nghe rõ đầu đuôi liền sai người canh giữ bốn mặt cổng phủ, rồi kiểm soát quân mã cùng các viễn bộ tập, các thầy Trưởng Phố đến khắp các nơi để khám bắt Võ Tòng. Sáng hôm sau lại thấy Lý Trưởng sở tại Phi Vân Phố đến trình bốn người bị giết chết, hiện còn vệt máu tươi dưới chân cầu, và xác chết ở vũng nước. Tri Phủ tiếp được giấy trình, liền gọi Huyện Úy lên, nhất diện sai người đến Phi Vân Phố khiêng bốn xác chết lên để khám, hai người là lính phủ còn hai người nữa, đều có người nhà đến nhận xác đem chôn, và làm giấy kêu quan bắt hung thủ đền mạng. Trong thành bắt đóng cửa luôn ba ngày để đến từng nhà khám xét.

Tri Phủ lại sức giấy cho các viên cai quản các thuộc địa hạt trong phủ, phải đến từng xã, từng thôn, từng xóm mà tìm bắt hung thủ. Lại viết tên tuổi và hình dung Võ Tòng xuất tiền ba nghìn quan treo giải thưởng cho người nào bắt được tên phạm. Đoạn rồi thảo công văn Tân Ước sức các nơi, ai biết chỗ Võ Tòng trốn tránh, đem lên trình quan được thưởng; bằng ai chứa chấp nếu bắt được, thì bị tội cùng với phạm nhân. Cách ba hôm sau, tiếng tăm ầm ĩ khắp nơi, đám thám tử cùng đám tập bộ không đâu là không lai vãng dò xét. Trương Thanh nghe tin ấy, liền báo với Võ Tòng rằng:

- Ngày nay nếu quan quân nhân truy nã riết như vậy, thì hiền đệ ở đây rất là không tiện. Việc này không phải là tôi sợ chi, song nếu lỡ ra quan quân dò xét đến nơi, thì bây giờ làm sao cho được? Vậy nay tôi nghĩ chỉ chốn này, trước đây cũng đã nói qua cho hiền đêï biết rồi nhưng chẳng hay hiền đệ có thuận đi cho không?

- Trong mấy hôm nay, tôi đã nghĩ ở đây không sao mà yên được. Song như tôi có một người anh đã bị chị dâu bất nhân giết chết đi, đến đất này lại bị người ta hãm hại, thân thế gian truân họ hàng không còn có ai, để mà nương tựa! Nay ca ca có lòng tốt mà tìm chốn cho tiểu đệ nương thân, thì còn có điều chi mà không thuận? Ca Ca cứ nói cho tôi biết là ở đâu?

- Chính là chùa Bảo Châu trên núi Nhị Long ở Thanh Châu là nơi ca ca Lỗ Trí Thâm tôi, cùng Dương Chí đương làm bá một phương đó. Nay hiền đệ nếu muốn an thân thì tất phải đến đấy mới xong, còn có đi đâu được hơn nữa? Vả chăng ở đấy đã nhiều phen viết giấy bảo tôi nhập bọn song ý tôi còn lưu luyến chỗ này chưa có thể đi được. Vậy nay tôi xin viết thư nói rõ đầu đuôi, và tiến dẫn hiền đệ lên đó, thì chắc là họ phải vui lòng mà nhận, hiền đệ nghĩ sao?

- Đại ca nói phải lắm! Tôi cũng định bụng đã lâu, song chưa phải thời, nên chưa làm được.

Trương Thanh liền viết một phong thư kỹ lưỡng, đưa cho Võ Tòng rồi bày tiệc để tiễn. Bấy giờ Tôn Nhị Nương chợt bảo với Trương Thanh rằng:

- Làm thế không được! Nếu thúc thúc cứ thế mà đi, ngộ lỡ ra bị người ta bắt được thì sao?

Võ Tòng nói:

- Tẩu tẩu thử nói xem, làm sao mà tôi đi không được? Làm sao mà họ bắt được tôi?

Tôn Nhị Nương nói:

- Hiện nay quan tư sức giấy đi các nơi, vẽ hình vẽ ảnh, thưởng ba nghìn quan tiền để bắt; Vả chăng trên trán thúc thúc có kim ấn rõ ràng, còn ai không biết? Như thế mà đi đường thì giấu thế nào nổi được người ta?

Trương Thanh nói:

- Kim ấn trên mặt thì dán miếng thuốc cao che đi cũng được chứ sao?

Tôn Nhị Nương cười rằng:

- Thiên hạ chỉ có một mình khôn, con người ta dễ thường ngu ngốc cả. Bọn công nhân bây giờ phỏng làm như thế mà bịt mắt họ được chăng? Tôi có một cách này chỉ sợ thúc thúc không chịu nghe thôi.

Võ Tòng nói:

- Tôi đã là thằng tù lánh nạn, thì còn việc gì mà không theo được nữa?

Tôn Nhị Nương cả cười mà rằng:

- Tôi nói ra đây, thúc thúc đừng giận nhé.

- Xin tẩu tẩu cứ nói, thế nào tôi cũng vâng.

- Hai năm trước có một người đi qua đây, bị tôi giết chết, câu chuyện ấy thúc thúc đã nghe rồi. Hiện nay còn một cái mũ nhà sư bằng sắt, một cái áo xống tràng đen, một cái thắt lưng thưa sắc tạp, một bản hộ điệp, một chuỗi tràng hạt, bằng một trăm linh tám cái trối xương người, một đôi giầy bằng da cá nhà táng, và hai khẩu giới đao bằng xác hoa. Hai khẩu đao ấy đêm đêm thỉnh thoảng lại kêu, ngày trước thúc thúc đã xem rồi thì phải. Ngày nay đã định trốn nạn, thì trừ phi cắt tóc giả làm một người hành giả đội mũ che kim ấn đi, rồi cầm lấy tờ hộ điệp ấy để hộ thân, thì mới có thể được. Thúc thúc mặt mũi cũng giống, tuổi tác cũng vừa, thực là nhân duyên tiền kiếp, cứ nhận ngay tên họ người ấy mà đi, không còn ai hỏi đến nữa. Thế có được không?

Trương Thanh vỗ tay khen rằng:

- Được lắm, thế mà không nghĩ tới, thúc thúc định sao?

Võ Tòng nói:

- Cái đó thì tôi bằng lòng rồi, song chỉ sợ không giống được mà thôi.

Trương Thanh nói:

- Để tôi thử mặc vào cho thúc thúc xem sao.

Tôn Nhị Nương liền vào buồng đem các thứ mũ áo ra cho Võ Tòng mặc.

Võ Tòng liền mặc áo thắt lưng, bỏ xõa tóc xuống rồi đội mũ đen đeo tràng hạt không khác gì một nhà sư vậy. Trương Thanh cùng Tôn Nhị Nương cả cười mà rằng:

- Thực là kiếp trước đã định, cho nên mới được như thế.

Võ Tòng liền cầm gương soi mặt cũng phải phì cười, mà không nhận được. Trương Thanh hỏi:

- Thúc thúc cười chi như thế?

Võ Tòng nói:

- Tôi trông tôi, tôi cũng bật cười... không biết làm sao, tự nhiên lại hóa ra một nhà sư. Bây giờ đại ca đem cắt tóc cho tôi vậy.

Trương Thanh liền lấy kéo ra cắt tóc cho Võ Tòng rồi sắp sửa đồ đạc cho Võ Tòng đi. Trương Thanh lại bảo Võ Tòng để các đồ chén bạc của Trương Đô Giám lại đây, rồi bọc thêm một ít tiền nữa vào cho Võ Tòng và sai thợ khâu một cái túi gấm, đựng tờ hộ điệp để cho Võ Tòng buộc sát vào trước bụng. Chiều hôm ấy Võ Tòng cơm rượu xong rồi, thu thập các đồ hành lí, giắt hai khẩu giới đao, vào lưng, rồi từ tạ vợ chồng Trương Thanh mà đi lánh nạn. Trương Thanh cầm tay than vãn dặn rằng:

- Hiền đệ đi đường phải nên cần để tâm cẩn thận., rượu không nên uống lắm, không nên tranh khí với ai, phàm các công việc chớ có làm liều làm bạo, thế mới giữ được thái độ kẻ tu hành, mà khỏi bị người ta dò biết. Khi nào đến Nhị Long Sơn, thì viết thư về ngay cho tôi biết, vợ chồng tôi ở đây cũng không phải là kế cửu, có lẽ nay mai sẽ xếp dọn mà theo lên đó cũng nên. Hiền đệ cần phải bảo trọng lấy thân và nói với Lỗ, Dương, hai Đầu lĩnh rằng vợ chồng tôi xin gửi lời bái chúc.

Võ Tòng vâng lời rồi từ tạ ra đi. Hai vợ chồng đứng trông theo một lúc, rồi vỗ tay mà khen rằng:

- Quả nhiên rõ là một ông hành giả, không còn ai dám ngờ nữa?

Bấy giờ đương dạo tháng mười, ngày ngắn không đầy gang tấc, Võ Tòng giã từ Thập Tự Phi đi vội vàng được một lúc thì trời đã sắp tối, được vào khoảng năm mươi dặm đường, chợt trông thấy một tòa núi cao đứng sừng sững ở trước mặt. Võ Hành Giả liền mau bước mà đi lên núi. Khi lên tới gần đỉnh núi, chàng đứng dừng lại, quay trông sang phía bên đông, đã thấy vừng trăng mới mọc sáng rọi cây cỏ trên non, rất là thích mắt.

Đương khi trông ngắm ngẩn ngơ thì chợt thấy có tiếng người cười ở khu rừng trước mặt. Võ Hành Giả liền nói một mình rằng: "Quái lạ ở đây núi non tịch mịch thế này, còn làm chi mà có tiếng người cười nói? " Chàng nghĩ đoạn rảo bước đi sang bên rừng để xem. Chợt thấy trong rừng thông bên cạnh núi có một tòa am, ướt có mười mấy gian nhà lá, nhà mở hai cánh cửa sổ có một tiên sinh cùng mấy người con gái cùng ngồi, đương đùa giỡn xem trăng ở đó. Võ Hành Giả thấy vậy, thì ngạc nhiên nghĩ thầm rằng: "Anh này trông ra mặt tu hành xuất gia, mà sao dám làm những việc thế kia!"

Chàng vừa nghĩ vừa rút hai khẩu giới đao sáng nhoáng, giơ ra bóng trăng để xem, rồi lại nói một mình rằng: "Mấy khẩu đao này tốt thực, vào tay ta, ta chưa thử một lần nào...? Âu là ta đem tiên sinh khốn nạn này mà thí nghiệm một cái xem sao?"

Chàng nói vậy, liền để một khẩu ở ngoài, còn một khẩu lại đút vào trong bao, xắn hai tay áo lên đến vai, rồi lượn ra lối trước am mà gõ cửa... Tiên sinh ngồi trong nghe tiếng gõ cửa liền khép hai cánh cửa sổ đằng sau lại. Võ Hành Giả lại tìm một tảng đá mà gõ ầm lên. Chợt có tiếng ken két, cánh cửa bên cạnh mở tung ra, rồi có một tên đạo đồng chạy ra quát rằng:

- Anh là người nào? Nửa đêm gà gáy dám đến đây gõ cửa làm ấm ĩ đến thế?

Võ Hành Giả trợn ngược hai con mắt ghê gớm, rồi quát lên rằng:

- Hãy đem thằng đạo đồng này mà tế đao đã.

Nói xong giơ đao lên đánh beng một cái, tên đạo đồng mất hẳn đầu ra một bên, mà ngã vật ngay xuống đất. Bấy giờ tiên sinh kia ngồi trong am mà kêu to lên rằng:

- Đứa nào dám giết thằng đạo đồng của ta?

Nói xong nhảy tót xuống múa hai thanh bảo kiếm xông ra để đánh Võ Tòng.

Võ Hành Giả cười mà rằng:

- À! Thằng này lại gãi chính vào chỗ ngứa... Được đến đây để ta thử đao.

Nói đoạn rút khẩu giới đao nữa ở trong bao ra rồi hai tay múa hai khẩu đao đón đánh tiên sinh kia. Đôi bên đấu nhau ở dưới bóng trăng thanh, kẻ đi người lại, kẻ đỡ người đâm, lên xuống quanh quẩn như bốn đạo hào quang, kết thành một đoàn lãnh khí vậy.

Hai bên cự địch đương hăng, thì bỗng dưng có tiếng đao vang động, rồi có một người ngã lăn ra đất. Mới hay:

Mấy hàng mưa tuyết đầu người rụng,

Tiếng bóng trăng hàn tiếng kiếm reo,

Làm trai thứ nhất ba điều,

Một là thân thế riêng chiều tự do.

Hai là giết sạch quân thù,

Moi gan tàn ác đền bù núi sông.

Ba là ngang dọc vẫy vùng.

Làm cho tỏ mặt anh hùng ngàn thu.

Ví chăng sống chẳng ra trò,

Thì tu mi với liễu bồ khác chi?

Lời bàn của Thánh Thán:

Đọc hết một hồi máu chảy lầu Uyên Ương, mà than cho người thiên hạ mài dao giết người, sao thấy lạ thay! Thầy Mạnh nói: Giết cha người ta ắt người ta phải giết lại cha mình; Giết anh người ta, ắt là người ta phải giết lại anh mình, trong lúc ta mài dao, với kẻ kia mài dao, nào khác gì đâu! Thế thì chẳng phải tự sát, chẳng qua gián tiếp, đổi tay dao mã để giết cha anh... Hỡi ôi! Há chỉ thế đâu, đổi tay dao mà giết, còn lấy dao ta để giết người, để cho dao người giết lại ta, cũng đều là tự sát, như thế ta chỉ thấy dao giết người của ta, mà không thấy dao giết ta của người, đến khi họa cơ đưa lại, mới giật nảy mình, như lũ ba người Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện, và Tưởng Môn Thần ngộ hại, còn đau mà chẳng đau lòng!!! Đương khi trao ý kiến cho công sai, mà còn khiến thêm hai đồ đệ đi theo giúp sức, há chẳng từng ân cần hỏi đến: Ngươi có mang dao không? Hai người trả lời có dao! Thì lại hỏi đến: Dao có sắc không? Hai người nói: Tốt! Thì lại hỏi đến: Dao đã mài chưa? Hai người nói: Mới mài! Thì lại hỏi đến: Dao ấy có giết nổi một Võ Tòng không? Hai người lại nói: Đến mươi lăm thằng như Võ Tòng cũng giết nổi; há một Võ Tòng? Đương khi ấy há chẳng khoe dao tốt mà đi, cầm mà múa bay mà tới để chém cho đứt, thế rồi, đầu Võ Tòng phải rơi, máu Võ Tòng phải đổ, oan Võ Tòng phải báo, mệnh Võ Tòng phải hết... Bấy giờ thử mà xem, chém mà xách, đem về cho mọi người thấy, để ngợi khen uống rượu vui mừng?

Lũ ba người Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện, Tưởng Môn Thần, coi ở trong thiên hạ to lớn kia, với quần chúng muôn nhà, không còn ai được vui sướng cho bằng cuộc yến ẩm trên lầu Uyên Ương giết được kẻ thù! Có ngờ ngoài bến Phi Vân tay sai bị giết, trong Tàu ngựa tắt đèn??? Hỡi ơi! Dao sắc đã mang đi cửa trước, nào ngờ dao sắc khác đưa đến cửa sau, lại theo họ Võ bấy giờ nghĩ lại lúc mài dao, chỉ sợ rằng đầu thử trước! Nào ngờ đêm ấy mười chín mạng người, đã đem đầu thử trước! Hởi ơi! Há nói chơi đâu! Xét ra thì lúc mua dao, để lại đeo dao, đeo dao lâu ngày chưa giết một ai, chẳng thà đừng mua dao nữa mà lại càng không nên đeo, dù là sẵn có, tự khi mua dao, để lại đeo dao, đeo dao lâu ngày, đêm nay giết thử một ngày, muốn giết chưa xong, lại lật lại tự mình chịu giết, mà bị đến mười chín mạng người, thế mua dao để tự sát mới mua dao; Đeo dao cũng để tự sát mới đeo dao, chả còn lạ nữa! Hởi ôi! Tai vạ nấp sẵn, bí ẩn khôn hay, đến lúc đưa lại, nhanh không thể trốn, từ xưa tới nay, thường thường như thế cả, sao người đời còn say chưa tỉnh, không đọc đến đoạn văn này của Thủy Hử chăng??? Đoạn văn này rất khéo, chẳng tả Võ Tòng lòng thô tay bạo gặp người là muốn giết ngay, hãy nên coi tác giả tả từng chi tiết trong ngòi bút tả, nào ngòi bút nhọn, nào phép bút nghiệm, nào sức bút cứng, nào đường bút tới nơi... Như câu tả người bồi ngựa nghe quen tiếng, nhận biết Võ Tòng và câu Liễu hoàn mắng thầm khách nọ chưa dọn tiệc xong... Phi nhân chợt tự hỏi "Ai". Đó là nhàn bút, mới tả ra hết đủ đầy; Khi giết bồi ngựa, thổi tắt đèn đi, mở cửa mạch lách vào, kéo cánh cửa lại, giết chết Liễu Hoàn, tắt đèn trong bếp, chạy ra trước cửa... Tả những câu đến thế, do ngòi bút sắc; Mới đầu tả người canh bốn điểm, sau rồi tả bốn canh ba điểm, trước giơ bọc lấy áo của Thi Ân và tiền sau lại lấy ra dùng giày gai, đó là bút pháp được nghiêm; Lẻn vào cửa sau. Giết kẻ bồi ngựa, rồi đánh nhoàng ra cửa sau, giở đến bọc dao, mở cánh cửa mạch, mấy lần lãnh ra lãnh vào khép cánh, sấn vào trên lầu, giết chết ba tên, rồi lại xuống thang lầu, nhường cho hai người đi lên, giết chết ba tên, rồi lại xuống thang lầu, nhường cho hai người kia đi lên, rồi trở lên lầu giết nốt, rồi trở xuống lầu giết nốt Phu Nhân, trở lại dưới bếp lau dao, chạy tới trung đường, đi ra khỏi cửa, bao nhiêu lần chuyển thân hành động, đó là sức bút cáp lớn lao, một mạch tả gồm mười một chỗ tả đèn bốn chỗ tả trăng, đó là lối bút chia ra cách biệt.

Trên lầu Uyên Ương, ta xét biết ra, với nghĩa rằng, việc đắc ý và thất ý khéo đi đôi không rời khỏi nhau, như đôi chim sống mái liền nhau vậy. Một đoạn văn Võ Tòng qua núi Ngô Công, ý tứ đối ngầm với việc Lỗ Đạt qua chùa Ngõa Quan, hai đoạn văn cũng vừa mới được giới đao, chém bọn giả tu hành, giới đao ấy vốn con dao cảnh cáo.