Thiên văn - Phần II - Chương 12 phần 2
Lão Mục vẫn để Tiểu Đường đứng trên vai và từ từ đi quanh một vòng, để cô bé kiểm tra kĩ càng hơn.
Lần này, Tiểu Đường đã phát hiện thêm một điều rất quan trọng, trên bề mặt cột trụ khắc sáu hình tròn có đường kính khoảng 40 cen-ti-mét nối liền với nhau, cân xứng với nhau và đều lõm vào trong, xung quanh là những đường hoa văn giống như những đám mây, lần lượt hướng về sáu tấm Long Bản đang nằm trong tay sáu vị Bồ Tát trên các cạnh tháp.
Sau khi Lão Mục hạ Tiểu Đường xuống, chúng tôi lập tức cùng nhau phân tích lại những chi tiết vừa khám phá. Dựa vào những phán đoán về hình dạng và vị trí của những vòng tròn kia, chúng tôi đều cho rằng nó tượng trưng cho mặt trời, Bồ Tát dùng tấm Long Bản để hứng lấy tia nắng. Mặc dù chưa rõ mục đích của việc này, nhưng nghĩ đến việc ngọn tháp này được xây dựng theo kiến trúc Phật Giáo, nên tôi đoán hành động đó tượng trưng cho một nghi thức đặc biệt nào đó trong Phật Giáo.
Thế nhưng, nghĩ kĩ lại thì cũng thật khó hiểu, vì sao họ lại chỉ khắc lên đó sáu hình mặt trời, trong khi truyền thuyết kể lại rằng trên bầu trời có tới mười mặt trời. Lẽ nào đây chỉ là một dụ ý trong kiến trúc sáu cạnh của ngọn tháp cổ này?
Những hình rồng trên tấm Long Bản mà cậu tôi giữ chính là khắc hình, những mặt trời trên thân cột kia cũng là khắc hình, dựa vào lí thuyết này, tôi đoán hoa văn trong những bức bích họa cũng có thể là khắc hình hoặc là một loại ám hiệu gì đó.
Nghĩ tới đây, tôi liền nhận ra những bức họa kì lạ trong lòng tháp dường như đều có liên quan tới tấm Long Bản, kết hợp với những phán đoán ban đầu, tôi đoán chắc cậu tôi đã lấy hai tấm Long Bản từ trong lòng tháp này.
Tôi liền nói với Lão Mục và Tiểu Đường về những phán đoán này, Lão Mục cũng khẽ gật đầu tỏ ý tán thành, nói:
- Đầu tiên ta chỉ có tấm Long Bản của cậu Tiêu Vi, sau khi gặp Từ Văn Uyên mới phát hiện ra tấm thứ hai, nếu như giả thuyết cậu Tiêu Vi lấy hai tấm Long Bản từ trong lòng tháp là đúng thì dựa vào số lượng những bức bích họa ta có thể đoán rằng tổng cộng có đến sáu tấm Long Bản. Nếu phán đoán của ta là đúng, thì không biết bốn tấm Long Bản còn lại đã bị người khác lấy đi mất, hay vẫn còn nằm tại đây?
Tôi cũng suy nghĩ một lúc, cảm thấy những suy luận của Lão Mục khá lô-gic, nhưng thực ra tôi vẫn còn một thắc mắc, cậu tôi đã kể với Từ Văn Uyên rằng mua lại hai tấm Long Bản từ tay một người lính không quân Liên Xô cũ, vậy điều này nên giải thích thế nào đây?
Chúng tôi cứ đoán già đoán non nhưng vẫn không tìm ra đáp án hợp lý, nên đành gác lại nghi vấn này tại đây và tiếp tục bước tới chiếc cầu thang xoắn, phủi hết lớp đất cát và mạng nhện phía trên rồi thận trọng bước xuống.
Chiếc cầu thang dài và rất hẹp, tổng cộng gồm bốn mươi bậc thang, những tiếng kẽo kẹt vang lên sau mỗi bước chân, cảm giác như các bậc thang có thể gẫy bất cứ lúc nào. Chúng tôi lấy hết can đảm, nhắm mắt đưa chân lần theo cầu thang bước xuống dưới. Phải rất khó khăn và mất nhiều thời gian chúng tôi mới xuống được tới nơi, Lão Mục lập tức dùng đèn pin soi bốn phía xung quanh.
Do kết cấu của ngọn tháp giống hình kim tự tháp, tầng trên luôn nhỏ và hẹp hơn tầng dưới nên khi bước xuống dưới này, diện tích có phần rộng hơn chút ít, ngoài đám mạng nhện dầy mỏng lớn bé giăng khắp nơi ra, hầu như không có gì ở dưới này. Quan sát kỹ sáu cạnh tường thì thấy chúng đều được ghép từ những tảng đá lớn, không có bức họa nào trên đó mà chỉ chằng chịt những vết nứt lớn nhỏ, gió từ bên ngoài cũng có thể lọt xuống dưới này, thậm chí tôi còn nhìn thấy cả ánh trăng mờ ảo xuyên qua những khe nứt đó. Tiểu Đường miết ngón tay lên mặt tường hồi lâu, thậm chí còn lấy một mũi kim ra cào cào kiểm tra, nhưng vẫn không phát hiện ra điều gì đặc biệt.
Cứ như vậy, chúng tôi chầm chậm tiến xuống từng tầng một, trừ việc diện tích của những tầng bên dưới luôn lớn hơn tầng trên ra thì chúng tôi không phát hiện thêm dấu hiệu gì khác thường, cho tới khi xuống đến tầng cuối cùng của ngọn tháp. Không gian của tầng tháp cuối cùng rất cao, rộng và thoáng đãng, ngoài chiếc cột trụ ở chính giữa ngọn tháp ra, tôi không nhìn thấy bất cứ thanh xà ngang nào bắc ngang trên đỉnh đầu, cảm giác như đang đi vào một điện thờ rộng mênh mông mà ở đó con người ta trở nên nhỏ bé vô cùng. Đứng ở đây, cho dù chúng tôi có nói thầm thì từ bốn phía âm thanh cũng lập tức vọng lại liên hồi.
Bước tới trước cột trụ ở chính giữa, chúng tôi lau sạch lớp bụi phía dưới chân cột thì phát hiện ra dưới đó không còn là mặt gỗ nữa, mà thay vào đó là một tảng đá lớn ghép thành, bề mặt không được phẳng cho lắm, thậm chí còn để lại nhiều dấu vết đục đẽo thô kệch. Dưới ánh đèn pin, những tinh thể đá còn phản chiếu lấp lánh như đá thạch anh.
Quan sát khắp mọi nơi nhưng vẫn không tìm thấy gì, tôi bắt đầu sốt ruột, liền quay sang hỏi Lão Mục:
- Bây giờ chúng ta phải làm gì?
Không để cho Lão Mục kịp trả lời, Tiểu Đường liền tiến lên trước, phủi qua lớp bụi dày trên sàn rồi lập tức quỳ gối xuống, tay không ngừng dò dẫm.
Thấy hành động khác thường của Tiểu Đường, tôi biết ngay cô bé đã nhận ra điều gì đó, liền vội hỏi:
- Sao đấy?
Tiểu Đường ngẩng đầu nhìn lên tôi, đôi mắt hơi nheo lại, ra hiệu cho tôi không được nói gì, rồi lại cúi đầu xuống, các ngón tay miết kỹ lên mặt sàn dưới chân, sau đó khẽ ngẩng đầu lên, đôi mắt mở to, giọng khẽ run rẩy:
- Trời ơi! Là khắc hình… lớn lắm, toàn bộ mặt sàn đều là khắc hình.
Tôi cũng vô cùng ngỡ ngàng khi nghe thấy điều đó, liền ngồi sụp xuống, hai tay phủi sạch đất cát trên nền, lấy đèn pin soi từng ngóc ngách, nhưng nhìn đi nhìn lại vẫn không thấy gì ngoài lớp xi-măng và những đường nứt trên tảng đá, càng không thấy những đường hoa văn chạm khắc trên đó. Vậy thì khắc hình ở đâu ra chứ? Lão Mục cũng quay sang khẽ chau mày nói:
- Chỉ là đá tảng thôi, loại này rất phổ biến mà.
Tiểu Đường khẽ lắc đầu, đầu ngón tay gõ gõ lên mặt đá, khẽ nói:
- Đúng là không có hoa văn, nhưng chắc chắn là khắc hình.
Thấy chúng tôi vẫn còn bán tín bán nghi, Tiểu Đường liền giải thích: Khắc hình phân thành hai loại là khắc cục bộ và khắc toàn bộ. Loại đầu tiên dùng để khắc những hoa văn lên bề mặt vật dụng hay đồ dùng, ví dụ như hình rồng lên tấm Long Bản, hoa mai trên mặt gương. Loại thứ hai khó hơn gấp bội, cần phải có tay nghề điêu luyện mới thực hiện được vì đó là một kỹ thuật rất phức tạp, giống như thay cho vật dụng một khuôn mặt mới, ví dụ như từ một hòn ngọc Kê Huyết khắc thành hình con dấu, hay từ một viên ngọc xanh biếc khắc thành một chiếc nhẫn.
Tôi không dám tin vào tai mình sau khi nghe Tiểu Đường nói như thế, liền đưa mắt nhìn sang hai bên, nếu đúng như lời cô bé nói thì dùng từng mũi kim để khắc lên cả mặt sàn rộng hàng trăm mét vuông như thế này thì phải mất bao lâu mới hoàn thành? Tôi vẫn thấy mơ hồ về cái gọi là nghệ thuật khắc hình này, nó giống như nghệ thuật điêu khắc mà chúng ta vẫn thường nhắc đến, nhưng lại phức tạp hơn rất nhiều.
Thấy vẻ mặt tôi vẫn còn đang ngơ ngác, Tiểu Đường gật đầu, rồi lãnh đạm nói:
- Không sai, điêu khắc chính là một bộ phận của khắc hình. Chỉ có điều sau này, do nghệ thuật Thích Châm không thực sự phát triển nên họ mới chuyển sang nghệ thuật Chạm Khắc. Thế nhưng loại này chỉ sử dụng cho những sản phẩm đơn giản, còn với những sản phẩm có giá trị cao thì cần phải sử dụng đến Thích Châm.
Nghe những điều Tiểu Đường nói, tôi và Lão Mục mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau, không nói được lời nào. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chỉ biết cúi đầu hoang mang nhìn tảng đá ở dưới chân, thì ra nghệ thuật chạm khắc bắt nguồn từ chính những hình xăm trên cơ thể, điều này đúng là nằm ngoài sức tưởng tượng.
Tiểu Đường không để ý đến thái độ của hai chúng tôi nữa, cô bé lấy ra một mũi kim, cạo nhẹ trên bề mặt tảng đá, phát ra những tiếng rít ghê tai, sau đó tự lẩm bẩm một mình:
- Tảng đá lớn như vậy, một người không thể hoàn thành nổi, đến cả nhà Lão Trương làm chắc cũng không xong.
Tôi tò mò hỏi nhà Lão Trương nào, thì Tiểu Đường cười đáp:
- Là Nê Nhân Trương[1], chị tin không?
[1] Là một nhân vật có tài năng phi phàm trong tác phẩm Tiền chiến hậu chiến của Cổ Long.
Tôi ngạc nhiên, vẫn không hiểu cô bé đang nói gì. Tiểu Đường liền cười khúc khích, không giải thích gì thêm, chỉ ngồi sụp người xuống, dùng đầu mũi kim cắm vào khe đá, rồi lồm cồm lần theo. Tôi và Lão Mục nhìn nhau, không nói năng gì chỉ biết đi theo sau.
Mũi kim miết mạnh lên rãnh đá khẽ rít lên chói lói, trong khoảng không vắng lặng, nó gần giống tiếng chim hót mãi không dứt. Tiểu Đường đang tập trung cao độ. Cuối cùng, bề mặt tảng đá cũng được cào qua một lượt, cô bé đứng dậy, hai tay bóp lưng, khẽ thở dài:
- Không ổn rồi, không tìm thấy một kẽ hở nào, xem ra tảng đá này rất dày.
Lão Mục ồ lên một tiếng, rồi nói anh ta cũng đã tìm hiểu qua về Cổ Tháp. Truyền thuyết kể rằng người ta chôn sống một con rồng ngay dưới chân Cổ Tháp, và cả những bức tượng Bồ Tát trên tay cầm tấm gỗ Long Bản. Rất có thể phía dưới tảng đá này có cất giấu một cỗ máy khổng lồ hoặc là chúng có liên quan đến sự tồn tại của Cố Cung ở Thẩm Dương. Chắc chắn bên dưới có một căn hầm hoặc cất giữ một bí mật nào đó, nếu không người ta không bao giờ đặt ở đây một tảng đá khắc hình công phu như thế này chỉ để làm cảnh.
Suy luận của tôi cũng giống của Tiểu Đường và Lão Mục, thậm chí tôi còn nghĩ rằng, trước đây, cậu tôi cũng đã vô tình phát hiện ra bí mật này nên sau này mới xảy ra nhiều chuyện kỳ lạ đến thế. Nhưng tất cả chỉ là giả thuyết, vấn đề trước mắt hiện nay vẫn là làm thế nào để mở được tảng đá dưới chân ngọn tháp này. Chúng tôi chỉ có ba người, trong tay lại không có thiết bị gì khác ngoài xẻng và cuốc, mà tảng đá này thì dày như thế, chắc phải dùng đến thuốc nổ thì mới có thể phá được nó, xem ra để xuống được dưới đó là cả một công cuộc đầy khó khăn.
Tiểu Đường không đưa ra ý kiến gì, chỉ cầm đèn pin soi khắp nơi, hình như cô bé đang cố tìm thứ gì đó. Bỗng nhiên, cô bé thốt lên một tiếng, rồi vội chạy tới chiếc cột trụ, vỗ vỗ tay lên đó, “cộp… cộp… cộp”, tiếng động chứng tỏ phía bên trong lõi là rỗng.
Tôi và Lão Mục cũng vội vàng chạy tới, hỏi xem có phát hiện gì không. Tiểu Đường khẽ sờ tay lên cột trụ, ngập ngừng trả lời:
- Chiếc cột này hình như có vấn đề gì đó, để em thử xem sao.
Nói rồi, Tiểu Đường lôi một chiếc kim dài bằng ngón tay ra, khẽ cắm lên bề mặt cột trụ, hai đầu ngón tay khẽ xoay nhẹ, mũi kim từ từ tụt vào trong. Mũi kim đâm vào khoảng vài cen-ti-mét, tôi thấy vai cô bé khẽ rung lên, rồi vội vàng đưa tay trái lên nắm lấy mũi kim, hai chân ghì chặt xuống đất, lấy hết sức kéo mũi kim ra.
Tôi và Lão Mục chưa kịp hiểu Tiểu Đường đang làm gì, nên chỉ biết đứng một bên quan sát. Nước da cô bé trắng nhợt đi nhanh chóng, thần sắc hoảng sợ, hét lớn:
- Nhanh… giúp em… kéo nó ra!
Lão Mục phản ứng rất nhanh, đưa tay nắm chặt lấy hai tay Tiểu Đường. Tôi cũng không kịp suy nghĩ gì, vội vàng lao tới giúp một tay, nín thở, cố gắng dồn hết sức lực để kéo thật mạnh. Cho dù không trực tiếp cầm vào mũi kim, nhưng tôi vẫn cảm nhận rất rõ mũi kim đó như đang tụt mạnh vào thân cột, giống như bị một lực rất mạnh hút vào bên trong.
Mũi kim nhỏ và rất trơn nên cực kỳ khó kéo, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, nhưng nó vẫn từ từ lặn vào bên trong thân cột, chỉ để lại trên bề mặt chiếc cột một lỗ tròn bé xíu.
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng nhìn vào cái lỗ tròn bé xíu ấy, như thể vẫn chưa tin vào những điều chính mắt mình trông thấy. Chẳng nhẽ bên trong thân cột lại ẩn giấu một vật thể sống nuốt chửng mũi kim đó. Lão Mục khẽ khom lưng, dùng đầu ngón tay khẽ cậy cậy dấu tích vừa để lại, đôi lông mày chau lại tập trung suy nghĩ không nói lời nào. Tiểu Đường đá hai chân vào thân cột chửi bới:
- Mẹ kiếp! Đáng chết! Đáng chết!
Cô bé ngẩng đầu lên nhìn khắp thân cột một lượt, thở dài ngao ngán rồi nói với chúng tôi, xăm thân và khắc hình là hai loại nghệ thuật mang tính hư hoại thân thể con người hay các chất liệu khác. Mỗi một chất liệu mang lại một đặc tính khác nhau, trong đó khó nhất phải kể đến loại gỗ Sinh Tức Mộc hay còn gọi là cây Bất Tử.
Sinh Tức Mộc là loại gỗ chỉ tồn tại ở khu vực Đông Bắc, bình thường rất hiếm gặp, nghe nói đó chính là một loại biến thể kỳ lạ của cây ngô đồng. Chúng có khả năng chịu rét chịu hạn cực tốt, khi trưởng thành thân cây có thể cao hơn mười mét, rất dài, thẳng và cứng như thép, đặc biệt nhất là khả năng tái sinh vô cùng mạnh mẽ, chỉ cần cắm một cành cây xuống đất cũng có thể sinh sôi nảy nở, chính vì thế tuổi thọ của nó có thể lên đến hàng nghìn năm. Thành ngữ có câu “Sinh sinh bất tức” (sinh sôi không ngừng) cũng từ đây mà ra. Cột trụ trước mắt chúng tôi thực ra chính là gốc cây Sinh Tức Mộc, vừa xong khi Tiểu Đường cầm mũi kim thăm dò đã động vào tế bào bên trong, khiến thân cây lập tức nảy sinh phản ứng chữa trị vết thương,hút luôn cả mũi kim vào bên trong.
Nghe tới đó, tôi không kìm được, liền cắt lời Tiểu Đường:
- Em vừa nói cây này là một vật thể sống á? Vậy thì… kinh khủng quá. Trên đời này có loại thực vật như vậy sao?
Tiểu Đường thở hắt ra, chán chường trả lời:
- Chỉ cần thử lại lần nữa là sẽ biết ngay!
Nói rồi, cô bé thò tay vào trong ba-lô lôi ra chon dao nhíp mà Lão Mục lúc trước đưa cho, dùng mũi dao khoét một lỗ sâu ở đúng vị trí cây kim bị hút vào. Mạt gỗ rơi lả tả thành lớp trên nền đất, vết lõm trên thân cột để lộ ra một mảng đen tuyền.
Tiểu Đường gật đầu rồi bặm môi cầm mũi dao cứa thật mạnh vào thân cây. Một vài mảnh vỏ khô màu nâu đen rơi xuống, để lộ ra một khoảng trơn nhẵn màu nâu đậm to gần bằng miệng bát, trông qua hơi giống mảnh kính tối màu, bóng loáng đền độ có thể soi gương, nhưng không nhìn thấy mũi kim đâu nữa.
Tôi nhặt mảnh vỏ khô vừa rơi xuống lên, lật qua lật lại quan sát thật kỹ. Nó dày khoảng một cen-ti-mét, tôi thử gập đôi lại, thấy dẻo khác thường, đưa lên mũi ngửi thì nhận ra đó là lớp sơn dầu rất dày trên bề mặt chiếc cột. Vừa xong, do chưa nắm bắt được điều này, nên đã sơ suất làm mũi kim của Tiểu Đường bị hút vào trong.
Tôi nhìn lên thân cây cột khổng lồ, trong lòng vẫn chưa dám tin vì quá thần kỳ. Loại cây này đúng là có một không hai trên đời, nhưng tại sao từ trước đến nay tôi chưa từng nghe thấy? Bỗng nhiên, tôi cảm giác như có điều gì không ổn, nếu như Cổ Tháp Cẩm Châu được xây dựng trên một thân cây còn sống, thì chưa tính đến việc ngọn tháp được xây dựng cách đây hàng ngàn năm, chỉ riêng việc thân cây vẫn không ngừng phát triển, tại sao lại không đâm thủng ngọn tháp?
Nghe thắc mắc của tôi, Tiểu Đường cũng đồng tình:
- Đúng thế, điều này em cũng không hiểu - Cô bé cúi đầu, dùng mũi chân cào nhẹ lên mặt đất, rồi lưỡng lự nói – Hoặc là… vấn đề nằm ở tảng đá này. Em đoán rằng lúc trước, khi dựng ngọn tháp này người ta đã đốn thân cây, đẽo đục nhẵn mịn rồi đặt vào trong tảng đá, lợi dụng sức ép và độ khít của tảng đá và thân cây để khống chế khả năng tiếp tục sinh trưởng của nó.
Lời giải thích của cô bé cũng khá hợp lý, nhưng tôi vẫn chưa thực sự được thuyết phục. Khả năng tái sinh của loại cây này vô cùng thần kỳ, nó thừa sức bật tung bất kể mọi thứ đang đè nén bên trên, dù đó có là vật mang trọng lượng lớn hơn gấp nhiều lần. Huống chi một thân cây lớn như vậy thì chẳng cần đến hàng nghìn năm, chỉ trong nháy mắt là có thể chọc thủng cả tòa tháp đồ sộ.
Tiểu Đường trầm tư suy nghĩ một lúc rồi bỗng hứng khởi đưa tay vỗ vỗ lên trán nói đã hiểu ra rồi. Cô bé giải thích, thực vật thuộc hành Mộc còn đất đá thuộc hành Thổ, thực vật có thể sống trên đất đá, điều này hoàn toàn phù hợp với thuyết Mộc khắc Thổ trong mối tương quan Ngũ hành. Nhưng có khi Thổ lại phản khắc Mộc, dẫn đến việc thực vật sẽ ngừng sinh trưởng và giữ mãi một hình dáng cố định. Tảng đá trước mặt vô cùng nặng, đại diện cho sự lớn mạnh của hành Thổ, ngoài ra nó còn được khắc hình nên càng phát huy đặc tính của Thổ sinh, nên chẳng trách đến cả Sinh Tức Mộc cũng bị khống chế.
Tôi nghe thêm mông lung, thực sự không thể nắm rõ thế nào là chính khắc thế nào là phản khắc, nhưng nghe Tiểu Đường giải thích trơn tru và chắc như đinh đóng cột tôi cũng không thể không tin. Tôi đưa tay vỗ vỗ lên thân Sinh Tức Mộc, ngó nghiêng một vòng, rồi nói:
- Thân cây này cao vài chục mét, tảng đá khổng lồ bên dưới cũng phải rộng đến vài trăm mét vuông, xét về tổng thể thì đây là một công trình cực kỳ quy mô, nếu không dùng dến các loại máy móc nâng kéo như bây giờ thì làm sao làm nổi. Vậy những người xây dựng tòa tháp này đã phải làm như thế nào? Điều này có hơi xa vời thực tế.
Lão Mục khẽ gật đầu, tay xoa xoa cằm, tiếp nối câu chuyện:
- Có thể là… còn một giả thuyết khác. Có thể tảng đá vốn nằm sẵn ở đây, còn thân cây được vận chuyển từ nơi khác đến trồng lên trên.
Nếu theo giả thuyết của Lão Mục, thì vẫn là tách rời thân cây. Với kỹ thuật của hàng nghìn năm trước, việc vận chuyển một thân cây khổng lồ như thế này quả thật là quá sức tưởng tượng.
Tiểu Đường quay sang nhìn Lão Mục, khẽ gật đầu nói:
- Lão Mục nói phải, điều đó rất có khả năng - Lão Mục mỉm cười, tay vẫn tiếp tục vân vê cằm, không nói gì thêm. Tiểu Đường bèn nói tiếp – Trước đây đã có người từng nói, Sinh Tức Mộc được mọi người hết mực sùng bái, vốn là loại gỗ hiếm có nên chúng hầu hết được sử dụng làm cột trụ trong chùa chiềng hay Phật tháp, thấm đẫm sắc màu linh thiêng và vĩnh cửu. Đúng rồi! Hai người biết không, theo truyền thuyết, Sinh Tức Mộc là loại gỗ đóng quan tài tốt nhất đấy, vì người chết sau khi chôn bao nhiêu năm cũng không bị thối rữa.
Mặc dù thấy những lời này của Tiểu Đường hơi quá, nhưng tôi cũng không muốn phản bác lại mà chỉ im lặng lắng nghe. Nhớ lại hồi bé, chúng tôi thường xuyên tới đây nô đùa dưới thân Cổ Tháp, lúc bấy giờ chỉ nghĩ ngọn tháp này thật hùng vĩ, nào biết rằng nó được dựng lên từ một thân cây khổng lồ. Hồi ấy, những người già thường bảo Cổ Tháp chính là một ngọn tháp sống, quả nhiên, nó đúng là “sống” thật.
Tôi chợt nghĩ người Liêu dùng loại gỗ cực hiếm này để xây tháp, lại còn thêm một tảng đá khổng lồ làm nền, chắc chắn là có mục đích cất giữ một thứ vô cùng quan trọng bên dưới.
Tôi đang miên man chìm trong dòng suy nghĩ, thì nghe thấy tiếng của Tiểu Đường nói khẽ:
- “Phụng Hi Ngô Đồng, Long Yết Sinh Tức”. Lão Mục, chị Tiêu Vi, em nghĩ mình đã đoán ra phần nào hàm ý trong bức bích họa kia rồi.
Tiểu Đường kể, Sinh Tức Mộc là loại cây mà cành lá phân bổ theo một quy luật nhất định, chúng mọc đều ra sáu hướng xung quanh, đến cả khoảng cách giữa các nhánh cây cũng theo tỉ lệ nhất định. Dựa vào những phân tích về hình dáng và kết cấu của Cổ Tháp Cẩm Châu thì chiếc cột trụ trong tháp là thân cây, ở mỗi tầng tháp đều có sáu thanh xà ngang chính là sáu nhánh mọc ra từ thân cây. Hơn nữa, sáu nhánh cây này có tên khoa học là Yết Long chi, được cho là thế đứng của con rồng khi nghỉ ngơi. Sáu bức tượng Bồ Tát trên tay cầm tấm Long Bản hướng về sáu vòng tròn tượng trưng cho sáu mặt trời, điều này chắc chắn tượng trưng cho một nghi thức thờ cúng rất đặc biệt nào đó. Trong đó, sáu vòng tròn ở tầng trên cùng chính là sản phẩm của nghệ thuật khắc hình.
Sau khi nghe Tiểu Đường đưa ra những phân tích đó, tôi càng thêm phấn khích, cảm giác mình cách chân tướng sự thật không còn xa nữa. Nhưng quay về với thắc mắc ban đầu, tảng đá dưới chân khổng lồ như thế, làm sao để xử lý nó đây? Điều đó lại khiến chúng tôi thở dài chán nản.
Lão Mục đi quanh chiếc cột một vòng rồi quỳ xuống, xoa xoa tay lên bề mặt tảng đá và chỗ giao cắt giữa tảng đá với thân cây một lúc rồi quay đầu nói với chúng tôi:
- Cột trụ này chôn sâu dưới đất, thử xem chúng ta có tìm được gì ở thân cây không nào?
Nói rồi, Lão Mục lấy cán dao gõ khắp thân cây “cộp… cộp… cộp…”, âm thanh trầm đục vang lên chứng tỏ bên trong đó là rỗng, dội vào bức tường rồi kéo theo rất nhiều tiếng vang vọng.
Tiểu Đường lập tức chạy tới, nhanh nhảu giải thích thêm với vẻ phấn khích: Mũi kim lúc nãy bị hút vào, chứng tỏ thân cây rỗng, không khéo đó chính là huyệt đạo bí mật để ta xuống dưới cũng nên. Thế nhưng Mặc ngôn có câu: “Văn thân khắc hình, lậu thân xuyên thể, bất cụ kim thạch, duy khủng sinh tức”, tức là trong thế giới nghệ thuật xăm thân khắc hình, thợ xăm thân khắc hình có thể ứng dụng trên mọi chất liệu, nhưng kỵ nhất là xăm khắc trên Sinh Tức Mộc. Như vậy, ta không thể sử dụng thuật khắc hình để mở nó, mà chỉ còn cách dùng ngoại lực tác động lên.
Nhưng nếu dùng ngoại lực thì sẽ làm hỏng kết cấu ban đầu. Do vậy, chúng tôi quyết định mỗi người dùng con dao cá nhân của mình cào mạnh lên thân cây, để làm sạch lớp sơn dầu sơn màu đen phía bên ngoài, khai lộ ra lớp thân cây thật.
Lớp thân cây Sinh Tức Mộc có màu nâu đậm, trơn bóng, không hề có đường vân, trông như vừa được mài sáng bóng, thậm chí còn phản chiếu cả hình ảnh của chúng tôi lên đó. Do thân cây to lớn, khum hình vòng cung, khiến cho hình ảnh phản chiếu trong đó cũng bị méo mó đi, giống như chúng tôi đang đứng trong nhà gương.
Tiểu Đường chậm rãi quỳ xuống, gí sát đầu vào thân cây, ngón tay khẽ chạm lên bề mặt, mắt mở to quan sát thật kỹ. Hai khuôn mặt đang đối diện với nhau, một sáng một tối, nhưng khuôn mặt phản chiếu lại méo mó dị dạng, đôi mắt mở to, biểu cảm kì quái, giống như bên trong đang có một người nhìn trộm ra bên ngoài vậy.
Tôi đứng sau lưng Tiểu Đường, ngỡ ngàng dõi theo từng cử động, nhớ ngay đến một buổi tối trước đây, cô bé cũng đứng trước gương khắc khuôn mặt mình lên đó. Tôi bắt đầu hơi hoang mang nghi ngờ.
Nhưng một lúc sau, Tiểu Đường đứng dậy nói với Lão Mục, lớp vỏ của Sinh Tức Mộc rất cứng, cần phải xác định rõ vị trí của đường vân cực hiếm của nó, rồi mới dùng mũi dao tách ra được. Nhưng nhất định không được cưa đứt hoàn toàn mà phải để lại một đoạn để thân cây có thể hồi phục, nếu không sẽ bị coi là bất kính, thậm chí còn là bị trừng phạt.
Sau đó, Tiểu Đường chỉ tay lên một vị trí để cho Lão Mục dùng mũi dao rạch một đường; nhưng trước khi rạch, cô bé còn cẩn thận dặn dò: Chú ý sao cho lực mũi dao vừa phải, chỉ chọc vào đúng một cen-ti-mét. Nếu mũi dao nhẹ quá thì sẽ không tách được lớp thân cây, nhưng nếu sâu quá thì mũi dao sẽ lập tức bị hút vào bên trong.
Lão Mục gật đầu đồng ý, hai tay cầm chắc đằng chuôi, chĩa mũi dao thẳng về phía thân cây, nhẹ nhàng chạm vào vị trí đã điểm, rồi dứt khoát chọc sâu mũi dao xuống. Một tiếng “tách!” vang lên, chứng tỏ mũi dao đã chọc vào bên trong thân cây. Lão Mục hết sức tập trung làm sao cho mũi dao chỉ chọc sâu một cen-ti-mét, vừa đúng với tiêu chuẩn mà Tiểu Đường yêu cầu.
Tiểu Đường hơi nghiêng đầu ngó sang, nhướn đôi lông mày rồi khẽ reo lên tán thưởng:
- Nếu để chú thi viết thư pháp thì chắc chắn không thể thua Vương Hựu Quân.
Nghe Tiểu Đường nói thế, tôi lại có một liên tưởng kì lạ: Một cen-ti-mét bây giờ tương đương với ba phân trong đơn vị đo lường thời cổ đại, và Vương Hựu Quân không phải là Vương Hi Chi hay sao, lẽ nào điển tích “nhập mộc tam phân”[2] là từ đây mà ra? Từ khi quen biết Tiểu Đường, tôi nhiều lần được nghe cách suy luận kì lạ của cô bé. Tiểu Đường bình thường rất thích vẽ người, đặc biệt là phụ nữ, hơn nữa cô bé còn mang họ Đường, lẽ nào… Trong đầu tôi bỗng nhiên lóe lên một ý nghĩ, lập tức thốt lên:
- Tiểu Đường, em có phải là Đường Bá…
- Chị Tiêu Vi!
[2] Tục truyền rằng một lần hoàng để đưa một tấm ván cho Vương Hi Chi bảo viết chữ để đem đi khắc, ai ngờ bút lực của Vương Hi Chi mạnh mẽ đến nỗi nét chữ khắc sâu vào tấm ván đến ba phân.
Tiểu Đường vội vàng trừng mắt phẩy tay, ra hiệu cho tôi không được nói tiếp, thế nhưng nhìn sắc mặt biểu cảm của cô bé, tôi biết suy luận của mình là đúng.
Tôi lập tức nín thinh, lặng lẽ nhìn cô bé nhưng trong lòng thì đang như lửa đốt. Đệ nhất phong lưu Đường Bá Hổ lại chính là bậc thầy xăm hình, điều này thực quá sức tưởng tượng. Nhưng với một người rất đỗi bình thường như tôi mà được kết giao với hậu duệ đích truyền của ông ấy, đúng là có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới, nếu tôi nói ra thì chắc chẳng có ai tin đó là sự thật.
Lão Mục phần nào đoán ra tôi đang nói về điều gì, nên cũng buông một câu:
- Văn hóa Trung Hoa là một mạch đạo nối truyền không ngừng nghỉ, xem ra đạo lý này thật đúng đắn.
Tôi buông một tiếng thở dài, lặng lẽ gật đầu, trong lòng quả thực rối như tơ vò. Cứ cho là đám văn nhân tài tử nổi tiếng như Vương Hi Chi[3], Đường Bá Hổ là thợ xăm thân khắc hình đi chăng nữa, thế còn những người khác thì sao, những Diêm Lập Bản[4], Trương Thạch Đoan[5], thậm chí là cả Mễ Phế[6] …
[3] Danh họa kiêm thư pháp gia nổi tiếng thời Đông Tấn.
[4] Danh họa đời Đường, nổi tiếng với bức tranh Cố Đế Vương đồ.
[5] Danh họa đời Tống, nổi tiếng với bức tranh Thanh minh thượng hà đồ.
[6] Danh họa đời Tống, nổi tiếng với dòng tranh Hoa điểu.