Hồn ma sành điệu - Chương 02 Phần 1
Chương 2
Kiếm một chỗ ngồi. Nực cười. Cả đời tôi chưa từng đến chỗ nào buồn thảm đến thế này.
OK, tôi biết đây là một đám tang. Không có gì vui vẻ. Nhưng ít nhất thì đám tang của Bert còn nhiều người, đầy hoa, có nhạc và có không khí. Ít nhất thì ở căn phòng bên đấy còn cảm thấy chút gì đó.
Căn phòng này tịnh không. Nó trống huơ và lạnh lẽo, độc trơ mỗi quan tài kín mít đặt ngay phía trước và dòng tên “Sadie Lancaster” bằng mấy chữ nhựa vớ vẩn trên bảng thông báo. Không hoa, không mùi thơm dễ chịu, không đàn hát, chỉ có thứ nhạc rẻ tiền thu sẵn lảnh lót phát ra từ dàn loa. Cả căn phòng hầu như trống hoác. Chỉ có bố mẹ và tôi đứng một bên; chú Bill, cô Trudy và con em họ tôi Diamanté đứng bên kia.
Tôi lén đưa mắt liếc nhìn khắp phía bên kia của gia đình. Mặc dù chúng tôi là chỗ ruột rà song họ vẫn có vẻ giống như những nhân vật danh tiếng từ trong tạp chí bước ra. Chú Bill nằm ườn ra trên chiếc ghế nhựa như thể là chủ sở hữu căn phòng này, nhấn nhấn chiếc Blackberry. Cô Trudy đang lật nhanh tờ Hello, có lẽ đang đọc thông tin về tất cả bạn bè. Cô diện đầm đen bó sát, mái tóc vàng ươm uốn ốp quanh khuôn mặt một cách cầu kỳ còn khe ngực của cô thì rám nâu và trông còn ấn tượng hơn cả lần trước tôi gặp cô. Cô Trudy và chú Bill lấy nhau hai mươi năm về trước, thế mà tôi thề là hôm nay trông cô còn trẻ hơn cả trong mấy bức ảnh cưới nữa.
Mái tóc bạch kim của Diamanté buông xuống tận mông và bộ váy ngắn nó đang mặc in hình đầu lâu xương sọ. Quả là có thẩm mỹ đối với một đám tang. Nó đang nghe iPod và nhắn tin trên điện thoại, liên tục ngó đồng hồ đeo tay vẻ cau có sưng sỉa. Diamanté năm nay mười bảy, sở hữu hai xe hơi và một nhãn hiệu thời trang riêng mà chú Bill lập cho nó tên là “Váy xòe và Ngọc trai”. (Có lần tôi đã xem trên mạng. Váy áo ở đó toàn loại trên 400 bảng và ai mua đồ đều được đề tên vào danh sách đặc biệt “Bạn thân của Diamanté” và một nửa số đó là trẻ con nhà các loại sao. Nó giống như Facebook vậy, có điều là có quần áo).
“Mẹ này,” tôi nói, “Sao ở đây lại chẳng có hoa gì vậy?”
“À.” Ngay lập tức trông mẹ lại đầy lo lắng, “Mẹ đã bảo cô Trudy về chuyện hoa rồi, cô ấy bảo sẽ lo chuyện đó. Cô Trudy này?” Mẹ gọi với sang. “Hoa tang lễ thế nào rồi nhỉ?”
“À,” cô Trudy gấp tờ Hello lại và quay người ra như thể chuẩn bị tán gẫu. “Em nhớ là chúng ta có bàn vụ này rồi. Nhưng chị có biết giá cả thảy tất cả những thứ này là bao nhiêu không?” Cô chỉ vòng quanh căn phòng. “Mà chúng ta lại chỉ ngồi đây có, xem nào, hai mươi phút? Pippa à, thực tế một chút đi. Hoa hoét làm gì cho lãng phí.”
“Ờ chắc vậy,” mẹ ngần ngừ đáp.
“Không phải là em tiếc bà cụ cái lễ tang,” Cô Trudy ngả về phía chúng tôi, hạ thấp giọng, “Nhưng thử hỏi bà cụ đã làm gì cho chúng ta nào? Ý em là em chẳng biết gì về bà cụ cả. Chị có biết gì không?”
“Ờ, cũng khó,” Trông mẹ có vẻ khổ sở, “Bà cụ đã bị đột quỵ, rồi suốt từ đó cụ hầu như bị lẫn…”
“Chính xác!” Cô Trudy gật đầu, “Bà cụ chẳng biết gì cả. Vậy vấn đề là gì? Chỉ vì Bill mà chúng ta có mặt ở đây.” Cô Trudy liếc nhìn chú Bill trìu mến. “Anh ấy mềm lòng quá. Em vẫn thường bảo với mọi người là…”
“Vớ vẩn!” Diamanté giật tai nghe ra và nhìn mẹ mình đầy miệt thị, “Chúng ta ở đây chỉ vì màn trình diễn của bố. Bố đâu có định tới nhưng nhà sản xuất bảo đám tang sẽ ‘làm tăng vọt chỉ số cảm thông của bố lên’. Con đã nghe họ bàn vậy.”
“Diamanté!” cô Trudy gắt lên.
“Đúng thế đấy. Bố là kẻ đạo đức giả nhất quả đất mà mẹ cũng vậy. Lẽ ra bây giờ con phải ở nhà Hannah rồi.” Hai má Diamanté phùng lên bực bội. “Bố nó đang tổ chức một bữa tiệc lớn mừng bộ phim mới của ông ấy mà con lại lỡ mất. Chỉ vì để bố có thể mang vẻ ‘thuộc về gia đình’ và ‘quan tâm’. Thật quá bất công.”
“Diamanté!” cô Trudy nói gay gắt. “Con có nhớ là chính bố con đã trả tiền để con và Hannah tới Barbados không hả? Và cái vụ nâng ngực mà con cứ luôn miệng đòi đó, ai chi tiền cho con hả, con có nghĩ tới không?”
Diamanté rít một hơi như thể bị xúc phạm ghê gớm. “Thế là không công bằng. Cái vụ nâng ngực đó là để làm từ thiện.”
Tôi không thể ngăn mình ngả về phía trước vì tò mò, “Làm sao nâng ngực lại có thể làm từ thiện được?”
“Em định sau đó trả lời phỏng vấn cho tạp chí về vụ đó và lấy tiền thu được để làm từ thiện,” nó nói đầy hãnh diện. “Kiểu như nửa số tiền thu được hay đại loại như thế.”
Tôi liếc mẹ. Trông bà sốc đến nỗi không nói nổi, suýt nữa thì tôi bật cười khúc khích.
“Xin chào!” Tất cả chúng tôi ngước lên thì thấy một người phụ nữ vận quần xám và chiếc áo cổ đứng kiểu thầy dòng thẳng tiến qua lối đi giữa hai hàng ghế về phía chúng tôi.
“Vô cùng xin lỗi.” bà ta nói, mở rộng hai bàn tay, “Mong là các vị đã không phải chờ quá lâu,” Bà ta có mái tóc muối tiêu cắt ngắn, cặp kính gọng đen và chất giọng trầm, nghe gần như giọng đàn ông, “Xin thành thật chia buồn cùng gia đình.” Bà ta liếc nhìn cái quan tài trơ trọi. “Tôi không biết là quý vị đã được thông báo gì chưa, nhưng thường thì người ta hay treo ảnh người thân…”
Chúng tôi nhìn nhau lúng túng. Rồi đột nhiên cô Trudy chặc lưỡi một cái. “Tôi có một bức đây. Viện dưỡng lão có gửi tới.”
Cô lục túi rút ra một cái phong bì màu nâu, lôi từ trong đó ra một bức ảnh chụp lấy ngay trông mờ mịt. Khi cô truyền nó cho mọi người xem, tôi cũng nhìn một cái. Trong bức ảnh là một bà già bé tí, nhăn nheo, khòng khoèo trên chiếc ghế đẩu, mặc cái áo len kỳ quái màu hoa cà nhạt. Khuôn mặt bà nhăn nhúm. Mái tóc trắng của bà như cái nùi bông trong mờ của cây kẹo bông. Đôi mắt bà mờ đục, như thể bà còn không nhìn thấy cuộc đời nữa.
Bà dì Sadie của chúng tôi đó. Thậm chí tôi còn chưa từng gặp bà.
Linh mục nhìn tấm ảnh đầy ngờ vực rồi gắn lên tấm bảng thông báo to đùng, ở đó trông nó cực kỳ buồn bã, đáng xấu hổ và đơn độc.
“Có ai muốn nói gì về người đã khuất không?”
Câm lặng, tất cả chúng tôi đều lắc đầu.
“Tôi hiểu. Với thân quyến chuyện này quá đỗi đau đớn.” Linh mục rút một cuốn sổ và cây bút chì từ túi áo ra. “Trong trường hợp đó tôi hân hạnh được nói thay cho gia đình. Nếu gia đình ta có thể cung cấp cho tôi một số chi tiết. Những sự kiện trong cuộc đời bà cụ. Hãy nói cho tôi tất cả mọi chuyện về cụ bà Sadie mà chúng ta sắp tưởng niệm.”
Im lặng.
“Chúng tôi không rõ lắm về bà cụ,” bố nói vẻ hối lỗi. “Bà cụ già lắm rồi.”
“105 tuổi,” mẹ xen vào. “Bà ấy đã 105 tuổi.”
“Bà cụ có kết hôn không?” linh mục gợi ý.
“Ờ…” bố nhíu mày. “Có ông chồng nào không Bill?”
“Em đâu biết. Có, em nghĩ là có. Nhưng chẳng biết ông ấy tên gì.” Chú Bill thậm chí còn chẳng buồn rời mắt khỏi chiếc Blackberry. “Chúng tôi có thể cử hành tang lễ với thông tin đó không?”
“Tất nhiên rồi.” Nụ cười thông cảm của linh mục đông cứng lại. “Vậy thì, có lẽ là một câu chuyện nhỏ nào đó trong lần cuối gia đình vào thăm bà cụ… một sở thích nào đó…”
Lại một hồi im lặng tội lỗi.
“Trong bức hình chụp bà cụ mặc chiếc áo len đan,” cuối cùng mẹ đánh bạo lên tiếng. “Có lẽ bà cụ đã đan nó. Có lẽ bà cụ thích đan.”
“Các vị chưa từng tới thăm bà cụ sao?” Vị linh lục rõ ràng đang cố giữ lịch sự.
“Đương nhiên là có!” mẹ chống chế. “Chúng tôi đã tạt vào thăm cụ hồi năm…” Mẹ nghĩ, “1982, tôi nghĩ vậy. Hồi đó Lara còn bé lắm.”
“1982?” Linh mục trông có vẻ nóng mặt lắm rồi.
“Bà cụ không biết chúng tôi,” bố nhanh miệng đỡ lời, “Bà cụ thật sự hoàn toàn không còn tỉnh táo.”
“Thế còn cuộc sống của bà cụ trước đó thì sao?” Giọng linh mục nghe có vẻ hơi phẫn nộ. “Không có thành tựu gì sao? Chuyện hồi trẻ của bà cụ?”
“Giời ạ, bà không chịu thôi phải không?” Diamanté giật đôi tai nghe iPod ra khỏi tai. “Bà có hiểu là chúng tôi có mặt ở đây chỉ là do bị bắt phải thế hay không? Bà ấy chẳng làm gì đặc biệt cả. Bà ấy chẳng đạt được thứ gì cả. Bà ta chẳng là ai cả! Chỉ là một người vô giá trị già cóc đế.”
“Diamanté!” cô Trudy quở trách nhẹ nhàng. “Thế là hỗn!”
“Nhưng mà đúng thế phải không nào? Nhìn xem!” Nó chỉ khắp căn phòng trống huơ trống hoác vẻ khinh miệt. “Nếu chỉ có sáu người tới dự lễ tang của con thì con sẽ tự bắn mình.”
“Này cô gái trẻ.” Linh mục bước lên vài bước, khuôn mặt bà đỏ lên vì tức giận. “Không có con người nào trên mảnh đất của Chúa là người vô giá trị.”
“Vâng, sao cũng được.” Diamanté đáp thô lỗ, và tôi có thể thấy linh mục đang mở miệng định vặn lại lần nữa.
“Diamanté.” Chú Bill nhanh chóng giơ tay lên. “Đủ rồi đấy. Tất nhiên là tự tôi cũng thấy có lỗi vì không tới thăm cụ Sadie, tôi chắc cụ là một người hết sức đặc biệt, và tôi chắc chắn điều tôi nói cũng là suy nghĩ của cả gia đình.” Chú ấy mới duyên dáng làm sao, tôi có thể thấy những chiếc lông xù lên của vị mục sư xẹp dần xuống. “Nhưng lúc này đây điều chúng tôi muốn là tiễn đưa cụ với sự trang nghiêm. Tôi mong là bà có một lịch trình chặt chẽ, cũng như chúng tôi vậy.” Chú gõ nhẹ lên chiếc đồng hồ đeo tay.
“Thật ra.” Vị linh mục nói sau một lúc im lặng. “Tôi cũng sắp sửa soạn ngay đây. Trong khi chờ đợi, quý vị làm ơn tắt di động.” Nhìn khắp lượt chúng tôi đầy chê trách lần cuối, bà ta lại đi ra, và cô Trudy ngay lập tức quay người lại.
“Táo gan thật, bắt chúng ta phải cảm thấy tội lỗi! Mọi người biết đấy, chúng ta đâu có buộc phải tới đây.”
Cánh cửa mở ra và chúng tôi đều ngẩng lên – nhưng đó không phải là vị linh mục mà là Tonya. Tôi không biết chị ấy sẽ tới. Ngày hôm nay sắp đủ trăm phần trăm tồi tệ rồi.
“Con có tới trễ không?” Cái giọng như tiếng máy khoan bằng khí nén của chị vang vọng khắp căn phòng khi chị sải bước trên lối đi giữa hai hàng ghế. “Con vừa chuồn được khỏi Phòng Trẻ tập đi trước khi hai thằng nhóc song sinh nổi đóa. Nói thật là người giúp việc lần này còn tệ hơn cả lần trước nữa, và chuyện đó nói lên một điều là…”
Chị mặc quần dài màu đen và một chiếc áo len đan màu đen điểm họa tiết da báo, mái tóc nhuộm highlight dày buộc túm đuôi ngựa. Tonya trước làm quản lý văn phòng cho Shell và rất giỏi sai phái. Giờ chị đang làm bà mẹ toàn thời gian với hai thằng nhóc sinh đôi, Lorcan và Declan, và thay vào đó sai phái người giúp việc.
“Tụi trẻ thế nào?” mẹ hỏi, nhưng Tonya không để ý. Chị chỉ dán mắt vào chú Bill.
“Chú Bill à, cháu vừa đọc cuốn sách của chú! Tuyệt vời! Nó đã thay đổi cả cuộc đời cháu. Cháu đã kể với mọi người về nó. Mà bức ảnh thì miễn chê, dù ngoài đời chú đẹp hơn nhiều.”
“Cảm ơn cháu yêu.” Bill mỉm cười đúng kiểu “Đúng-tôi-biết-mình-xuất-sắc” nhưng có vẻ như chị không để ý.
“Cuốn sách đó chẳng tuyệt vời lắm sao?” Chị khẩn khoản kêu gọi tất cả chúng tôi ủng hộ. “Chẳng phải chú Bill là một thiên tài sao? Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng! Chỉ có hai đồng xu và một giấc mơ lớn! Nó đem lại cảm hứng to lớn cho nhân loại!”
Chị ấy đúng là đồ nịnh thần, tôi thấy buồn nôn. Rõ ràng là bố mẹ cũng cảm thấy như vậy vì chẳng ai trả lời cả. Chú Bill cũng chẳng thèm chú ý tới chị, nên bất đắc dĩ chị đành xoay gót.
“Lara, em thế nào? Dạo này chị hầu như chẳng thấy em. Em đang trốn đó!” Cặp mắt chị săm soi tôi đầy chủ ý khi bước tới gần và tôi lùi lại. Á à. Tôi biết cái nhìn đó rồi.
Chị Tonya của tôi về cơ bản có ba bộ mặt:
1. Trống rỗng và đần thối.
2. Cười hô hố phô trương, như khi nói “Chú Bill, chú giết cháu mất!”
3. Khoái chí hể hả ngụy trang bằng vẻ thông cảm khi chị xát muối vào nỗi đau của người khác. Chị nghiện kênh truyền hình thực tế và những cuốn sách ngoài bìa có hình những đứa trẻ khốn khổ, nhếch nhác, có tựa đề kiểu Ngoại ơi, làm ơn đừng đánh con bằng máy cán là.
“Chị chưa gặp lại em từ khi em chia tay với Josh. Thật đáng tiếc. Bọn em có vẻ đẹp đôi thế mà.” Tonya nghiêng đầu đầy đau khổ. “Chẳng phải hai đứa nó đẹp đôi sao mẹ?”
“Ờ, chuyện đó đã không kết thúc tốt đẹp.” Tôi có nói sao cho có vẻ dửng dưng. “Mà dù sao…”
“Có chuyện gì trục trặc vậy?” Chị lại nhìn tôi với cặp mắt thỏ non, giả đò quan tâm mỗi khi có chuyện gì tồi tệ xảy ra với một người nào đó mà chị rất, rất thích thú.
“Tự nhiên thế thôi.” Tôi nhún vai.
“Nhưng không phải thế đúng không nào? Phải có lý do gì đó chứ.” Tonya quả là tàn nhẫn. “Nó không nói gì sao?”
“Tonya,” bố nhẹ nhàng xen vào, “Đây có phải lúc không con?”
“Bố, con chỉ đang giúp Lara thôi mà,” Tonya nói, cảm thấy bẽ mặt. “Lúc nào cũng thích hợp để nói cho rõ những chuyện này! Vậy có ai khác à?” Cặp mắt chị xoay lại phía tôi.
“Không phải đâu.”
“Hai đứa vẫn hòa thuận chứ?”
“Vâng.”
“Thế tại sao?” Chị khoanh tay lại, vẻ dò hỏi và gần như là trách cứ. “Tại sao?”
Em không biết tại sao! Tôi muốn hét lên như vậy. Chị không nghĩ là em đã tự hỏi mình câu đó hàng tỷ lần rồi ư?
“Chỉ là thế thôi!” Tôi ép mình mỉm cười. “Về chuyện đó em ổn. Em đã nhận ra tụi em không có duyên với nhau vậy nên em đã vượt qua và giờ em rất thoải mái. Em thực sự hạnh phúc.”
“Trông chị không hề hạnh phúc,” từ bên kia lối đi Diamanté với sang nhận xét. “Phải không mẹ?”
Cô Trudy quan sát tôi một hồi.
“Ừ,” cuối cùng cô nói, với một giọng dứt khoát. “Trông chị ấy không hạnh phúc.”
“Có mà!” Tôi có thể thấy nước mắt làm cay xè mắt. “Chỉ là em đang giấu thôi! Em thực sự rất, rất hạnh phúc.”
Chúa ơi, tôi ghét mấy người họ hàng này quá đi.
“Tonya con yêu, ngồi xuống đi,” mẹ nói khéo léo. “Chuyến đi thăm trường thế nào con?”
Chớp mắt khó khăn, tôi rút điện thoại ra và giả đò kiểm tra tin nhắn để không ai làm phiền tôi. Thế rồi, trước khi tôi kịp ngăn mình lại thì ngón tay tôi đã cuộn màn hình đến chỗ những bức ảnh.
Đừng nhìn, tôi nói với mình kiên quyết. Không được nhìn.
Nhưng ngón tay tôi không tuân lệnh. Sự thôi thúc quá áp đảo. Tôi phải ngó một cái đã, chỉ để giúp tôi tiếp tục… Mấy ngón tay tôi cào cào trong khi tôi tìm bức ảnh tôi thích nhất. Josh và tôi. Đứng bên nhau trên sườn núi, quàng tay qua nhau; cả hai đều mặc bộ đồ trượt tuyết. Mái tóc vàng của Josh cuộn lại bên trên chiếc kính trượt tuyết chụp lên đầu anh. Anh đang mỉm cười với tôi làm lộ cái lúm đồng tiền hoàn hảo trên má; cái lúm đồng tiền đó tôi vẫn thường ấn ngón tay vào, như đứa bé con chơi mẩu đất nặn vậy.
Chúng tôi gặp nhau lần đầu tại bữa tiệc ngày hội đốt lửa, xúm quanh một đống lửa trong một khu vườn ở Clapham thuộc sở hữu của một cô gái tôi quen hồi học đại học. Josh phát pháo hoa cho mọi người. Anh đốt cho tôi một cây rồi hỏi tên tôi và tôi viết “Lara” vào bóng tối bằng cây pháo, rồi tôi cười to và hỏi tên anh. Chúng tôi viết tên mình lên bóng tối cho tới khi hai cây pháo tắt rụi, rồi nhích đến gần đống lửa nhấm nháp rượu vang đã được hâm nóng và pha chế để cùng ôn lại những bữa tiệc pháo hoa hồi còn bé. Mọi điều chúng tôi nói đều rất ăn ý. Chúng tôi cùng cười trước những chuyện giống nhau. Tôi chưa bao giờ gặp người nào dễ gần đến thế. Hay có nụ cười dễ thương đến thế. Tôi không thể tưởng tượng anh đang ở bên một người nào khác. Đơn giản là tôi không thể…
“Ổn không, Lara?” Bố đang liếc tôi.
“Có ạ!” Tôi đáp tươi tỉnh và nhấn phụp vào cái điện thoại để ông không nhìn thấy màn hình. Khi thứ nhạc rẻ tiền chơi bằng đàn điện tử nổi lên tôi lại tụt sâu vào ghế, đau khổ tột độ. Lẽ ra hôm nay tôi không bao giờ nên tới đây. Lẽ ra tôi nên kiếm cớ trốn. Tôi ghét gia đình mình và những đám tang, mà ở đây lại còn chẳng có chút cà phê tử tế và…
“Chuỗi hạt của tôi đâu rồi?” Giọng nói xa xôi của một cô gái cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
Tôi liếc quanh để xem là ai, nhưng chẳng có ai quanh tôi cả. Ai thế nhỉ?
“Chuỗi hạt của tôi đâu?” cái giọng yếu ớt kia lại cất lên. Nó lảnh lót, gay gắt và có vẻ trịch thượng. Có phải từ điện thoại không? Phải chăng tôi đã không tắt hẳn? Tôi lôi điện thoại ra khỏi túi – nhưng màn hình đã tắt ngúm rồi mà.
Quái lạ.
“Chuỗi hạt của tôi đâu?” Cái giọng đó giờ lại vang lên như ở ngay trong tai tôi. Tôi nao núng, nhìn quanh hoang mang.
Quái dị hơn là hình như không ai khác nghe thấy.
“Mẹ.” Tôi nghiêng sang. “Vừa rồi mẹ có nghe thấy gì không? Như là… có ai nói ấy?”
“Ai nói ư?” mẹ nhìn tôi khó hiểu. “Không, con yêu. Giọng nói kiểu gì?”
“Giọng của một cô gái, mới đây mà…” tôi ngừng bặt khi thấy cái vẻ lo lắng quen thuộc xuất hiện trên mặt mẹ. Tôi hầu như nhìn thấy được những ý nghĩ của mẹ, trong một cái bong bóng: Lạy Chúa, con gái tôi đang nghe thấy những giọng nói trong đầu nó.
“Chắc con nghe nhầm,” tôi vội vã nói và đút tọt chiếc điện thoại vào túi, vừa lúc đó thì linh mục xuất hiện.
“Mời quý vị đứng lên,” bà ngân dài giọng, “Và tất cả hãy cùng tôi cúi đầu. Chúa kính yêu, chúng con xin phó thác cho Người linh hồn của người chị Sadie…”
***
Không phải tôi thành kiến gì, nhưng vị linh mục này có cái giọng đơn điệu nhất trần đời. Chúng tôi đã cử hành tang lễ được năm phút và tôi thôi không còn cố gắng chú ý nữa. Nó giống như buổi tập hợp ở trường học vậy; đầu óc ta cứ mụ mị đi. Tôi ngả ra sau và nhìn chằm chằm lên trần nhà không nghe nữa. Mi mắt tôi chuẩn bị khép lại thì giọng nói kia lại vang lên, ngay trong tai tôi.
“Chuỗi hạt của tôi đâu?”
Nó làm tôi giật thót cả tim. Tôi quay đầu sang trái sang phải nhưng vẫn chẳng thấy gì. Có chuyện gì xảy ra với tôi vậy?
“Lara!” Mẹ thì thầm lo sợ. “Ổn chứ con?”
“Con bị đau đầu chút xíu thôi,” tôi rít khẽ lại với mẹ, “Có lẽ con nên ra ngồi bên cạnh cửa sổ. Cho thoáng khí.”
Phác cử chỉ cáo lỗi, tôi đứng dậy đi về phía chiếc ghế gần cuối phòng. Vị linh mục hầu như không chú ý: bà ta đang mải mê với bài diễn thuyết của mình.
“Sự kết thúc của cuộc sống này là sự khởi đầu của cuộc sống khác… sinh ra từ cát bụi rồi trở về với cát bụi…”
“Chuỗi hạt của tôi đâu? Tôi cần nó.”
Đầu tôi quay ngoắt sang trái sang phải, hi vọng lần này sẽ nhìn thấy người nói. Rồi đột nhiên tôi thấy. Một bàn tay.
Một bàn tay được tỉa tót, mảnh dẻ, đặt lên lưng ghế ngay trước mặt tôi.
Ánh mắt tôi lướt từ dưới lên, ngờ hoặc. Bàn tay của một cánh tay dài, trắng, thanh mảnh. Cánh tay của một cô gái trạc tuổi tôi. Người đang uể oải ngồi trong chiếc ghế trước mặt tôi, ngón tay gõ gõ vẻ sốt ruột. Cô có mái tóc đen, bồng bềnh, mặc chiếc đầm lụa màu mạ non không tay, và tôi thoáng thấy cái cằm trắng nhô ra phía trước.
Tôi kinh ngạc đến mức chẳng biết làm gì khác ngoài há hốc miệng.
Cái đồ quái quỷ gì vậy?
Khi tôi nhìn, cô xoay người rời khỏi ghế như thể không ngồi im được nữa và bắt đầu đi đi lại lại. Bộ váy của cô buông thẳng xuống gối, xếp li nhỏ ở gấu, và cứ kêu sột soạt khi cô bước đi.
“Tôi cần nó,” cô làu bàu vẻ khó chịu, “Nó đâu rồi? Nó đâu rồi?”
Giọng cô có trọng âm nhanh mạnh, rành rọt, giống như trong những phim đen trắng thời xưa. Tôi liếc liên hồi về phía những người còn lại trong gia đình – nhưng không ai khác thấy cô. Thậm chí không có ai nghe thấy tiếng cô cả. Tất cả mọi người đều đang ngồi im lặng.
Đột nhiên, như thể cảm thấy tôi đang nhìn đăm đăm vào cô, cô bèn xoay lại và nhìn thẳng vào mắt tôi. Cặp mắt thật sẫm và lấp lánh, tôi không biết được chúng màu gì, nhưng chúng mở to trân trối khi tôi nhìn lại.
OK. Tôi bắt đầu hoảng sợ rồi. Tôi đang bị ảo giác. Một ảo giác đang đi lại và nói chuyện. Và nó đang tiến về phía tôi.
“Cô có thể thấy tôi.” Cô trỏ một ngón tay trắng về phía tôi và tôi co rúm lại trong ghế. “Cô có thể thấy tôi!”
Tôi lắc đầu quầy quậy. “Tôi không thấy.”
“Và cô có thể nghe thấy tôi nói.”
“Không, tôi có nghe thấy đâu.”
Tôi thấy mẹ ở đầu phòng đang quay lại nhíu mày với tôi. Tôi bèn ho lên, rồi trỏ vào ngực. Khi tôi quay lại, người con gái đã không còn đó. Biến mất.
Cảm ơn Chúa. Tôi cứ tưởng mình đang bị điên. Ý tôi là tôi biết dạo này mình bị trầm cảm, nhưng mà thấy một ảo ảnh thật sự như vậy thì…
“Cô là ai?” Tim tôi thót lên tận cổ khi giọng cô gái đó lại cắt ngang ý nghĩ của tôi. Lần này thì thình lình cô lại đang sải bước giữa hai hàng ghế tiến về phía tôi.
“Cô là ai?” cô gặng hỏi. “Đây là đâu? Mấy người kia là ai?”
Chớ có trả lời ảo giác, tôi tự nhủ kiên quyết. Làm vậy sẽ chỉ khuyến khích nó thêm thôi. Tôi quay đầu đi và cố gắng tập trung vào linh mục.
“Cô là ai?” Cô gái đột nhiên xuất hiện ngay trước mặt tôi. “Cô có thật không?” Cô giơ một bàn tay lên như thể định chọc vào vai tôi và tôi co rúm lại, nhưng bàn tay cô lại lao thẳng qua tôi từ bên này sang bên kia.
Tôi choáng váng há hốc cả miệng. Cô gái hoang mang nhìn chằm chằm vào bàn tay mình, rồi nhìn tôi.
“Cô là cái gì vậy?” cô hỏi, “Cô là một giấc mơ ư?”
“Tôi á?” tôi không thể không vặc lại bằng một giọng khe khẽ đầy phẫn nộ. “Đương nhiên tôi chẳng phải mơ mộng gì hết. Cô mới là giấc mơ!”
“Tôi không phải giấc mơ!” Cô nói nghe cũng phẫn nộ y như thế.
“Thế cô là ai?” Tôi không nén được vặc lại.