Hồn ma sành điệu - Chương 19 Phần 1
Chương 19
Giờ là sáng Chủ nhật và tôi vẫn đang sôi sùng sục. Với chính mình. Làm sao tôi lại có thể đần độn đến thế?
Hôm thứ Sáu tôi bị sốc đến mức không biết làm sao mà lại để Natalie kiểm soát tình huống đó. Tôi đã không đương đầu với cô ta. Tôi đã không bày tỏ bất cứ một ý kiến nào của mình. Những chuyện đó cứ vù vù trong đầu tôi như những con ruồi mắc bẫy vậy.
Giờ thì tôi biết tất cả những gì mà lẽ ra tôi đã nên nói với cô ta. Lẽ ra tôi nên nói là “Cậu không thể cứ đơn giản quay về và cư xử như chưa hề có gì chuyện xảy ra.” Và, “Thế còn lời xin lỗi vì đã bỏ mặc chúng tôi trong lúc khó khăn thì sao?” Và, “Sao cậu dám nhận xằng chuyện tìm được Clare Fortescue, tất cả là công sức của tôi!”
Và thậm chí có thể là, “Vậy là cậu đã bị sa thải khỏi công việc cuối cùng đúng không? Khi nào thì cậu định nói cho tôi biết chuyện đó đây?”
Nhưng tôi đã không hề nói bất cứ điều gì trong số đó. Tôi chỉ há hốc miệng và nói yếu ớt, “Natalie! Chà! Làm sao mà cậu... Có...”
Và cô ta bắt đầu tuôn một tràng rằng cái gã ở Goa ấy hóa ra là một sở khanh chết giẫm và có quá nhiều thời gian nghỉ việc khiến người ta phát điên lên, và cô ta đã quyết định làm chúng tôi ngạc nhiên và tôi không thấy nhẹ nhõm sao?
“Natalie,” tôi mào đầu. “Mọi chuyện thật sự trở nên rất căng thẳng khi cậu đi vắng...”
“Chào mừng cậu đến với làm ăn lớn.” Cô ta nháy mắt với tôi “Căng thẳng là chuyện thường ngày mà. ”
“Nhưng cậu đã lặn mắt tăm! Bọn tôi không hề được báo trước gì cả! Bọn tôi đã phải xử lý hết mọi chuyện...”
“Lara.” Cô ta giơ bàn tay ra như thể muốn nói “Bình tĩnh”. “Tớ biết. Công việc đã rất khó khăn. Nhưng giờ thì ổn rồi. Bắt kể trong thời gian tớ vắng mặt mọi chuyện có lộn xộn lên thế nào thì giờ tớ đã về đây để sắp xếp lại gọn ghẽ. Chào Graham?” Cô ta quay ra với cái điện thoại. “Natalie Masser đây. ”
Và cô ta cứ thế cả buổi chiều, gọi điện liên tục không ngừng nghỉ, vì thế tôi không thể xen vào dù chỉ một lời. Khi ra về vào buổi chiều tối cô ta vẫn còn nói lem lẻm trên điện thoại di động, và chỉ hững hờ vẫy tay chào tôi và Kate.
Chuyện là thế đó. Cô ta đã trở về. Cô ta hành động giống như mình là sếp và cô ta chẳng làm gì sai cả và cả hai chúng tôi đều nên thật sự biết ơn cô ta vì đã trở về.
Nếu cô ta nháy mắt với tôi thêm một lần nữa, tôi sẽ bóp cổ cô ta.
Tôi đau khổ túm tóc lên thành một cái đuôi ngựa. Hôm nay tôi hầu như chẳng cố làm đẹp. Đi vãn cảnh thì cần gì một cái váy flapper. Và Sadie thì vẫn nghĩ là tôi đi chơi với Josh, vì thế lần này cô sẽ không bảo tôi phải mặc thế này thế kia.
Tôi lén nhìn Sadie trong khi đánh phấn hồng. Tôi cảm thấy mình hơi tệ một chút khi nói dối cô. Nhưng mà lẽ ra cô cũng không nên đáng ghét như thế.
“Tôi không muốn cô đi cùng tôi,” tôi cảnh cáo cô lần thứ một triệu. “Vì vậy đừng có nghĩ tới chuyện đó.”
“Tôi chẳng màng đi cùng cô!” cô vặc lại, nổi máu tự ái. “Cô nghĩ là tôi muốn bám theo cô và cái gã bù nhìn của người nói tiếng bụng đó hả? Tôi sẽ xem ti vi. Hôm nay có một vở kịch của Fred Astaire[1]. Edna và tôi sẽ có một ngày dễ chịu cùng nhau.”
[1] Một vũ công sân khấu kịch Broadway (1899-1987), từng giành giải Oscar.
“Tốt. Ờ, chuyển đến bà ấy tình cảm nồng thắm của tôi,” tôi châm chọc.
Sadie mới tìm được một bà già tên Edna sống cách đây vài con phố chẳng làm gì ngoài ngồi xem những bộ phim đen trắng. Vậy là giờ cô tới đó suốt ngày, ngồi trên sofa cạnh Edna và xem phim. Cô bảo rắc rối duy nhất xảy ra là khi Edna có điện thoại và nói chuyện suốt cả bộ phim - thế nên giờ cô có thói quen hét “Im đi! Không buôn điện thoại nữa!” vào tai bà ta. Rồi thì Edna luống cuống hết cả lên và đôi khi còn dập máy ngay khi chưa nói hết câu.
Tội nghiệp Edna.
Tôi đánh xong phấn hồng và ngắm mình trong gương. Quần jean bó sát màu đen, giày búp bê màu bạc, áo phông và áo khoác da. Kiểu trang điểm năm 2009 thông thường. Có lẽ Ed sẽ không nhận ra tôi. Tôi nên cắm một cái lông chim lên tóc để anh có thể biết đó là tôi.
Ý nghĩ đó khiến tôi phì cười, và Sadie liếc tôi nghi ngờ.
“Có chuyện gì vui sao?” Cô nhìn tôi từ đầu đến chân. “Cô sẽ đi chơi trong bộ dạng này hả? Tôi chưa bao giờ thấy bộ quần áo nào tẻ nhạt như thế này. Josh nhìn thấy cô là sẽ thở hắt ra vì chán ngay. Nếu không phải là chính cô thở hắt ra vì chán trước.”
Ô, ha ha. Nhưng có lẽ cô ta nói đúng. Có lẽ tôi đã ăn mặc tuềnh toàng quá.
Tôi với lấy một trong những chuỗi hạt thập niên hai mươi của mình và đeo lên cổ. Những hạt màu bạc và đen nhánh đổ xuống thành mấy hàng, chạm vào nhau khi tôi bước đi, và ngay lập tức tôi cảm thấy hơi thích thú. Lộng lẫy hơn chút.
Tôi kẻ lại viền môi bằng màu đậm hơn, làm cho đôi môi hơi na ná hình dáng của thập niên hai mươi. Rồi tôi cầm lấy cái ví bấm bằng da màu bạc thập niên hai mươi và nhìn lại mình một lượt lần nữa.
“Khá hơn nhiều đấy!” Sadie nói. “Thế còn cái mũ hình chuông nhỏ nhắn đáng yêu thì sao?”
“Không, cảm ơn.” Tôi đảo mắt.
“Nếu là tôi, tôi sẽ đội một cái mũ,” cô khăng khăng.
“Ờ, tôi không muốn trông giống cô.” Tôi xổ tung tóc ra và mỉm cười với mình. “Tôi muốn trông giống tôi.”
Tôi đề nghị với Ed là chúng tôi sẽ khởi hành chuyến du ngoạn từ Tháp London, và khi ra khỏi ga tàu điện ngầm bước vào không khí khô lạnh, tôi cảm thấy phấn chấn lên ngay lập tức. Mặc kệ Natalie. Mặc kệ Josh. Mặc kệ chuỗi hạt. Nhìn toàn cảnh này mà xem. Thật kỳ diệu! Một phòng tuyến bằng đá cổ xưa, chọc thẳng lên bầu trời xanh ngắt suốt bao thế kỷ qua. Những người canh gác tháp thơ thẩn đi lại trong bộ y phục truyền thống màu đỏ và xanh tím than, giống như bước ra từ trong truyện cổ tích. Đây là một trong những địa điểm khiến người ta cảm thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở London. Làm sao Ed lại có thể thậm chí không buồn tới đây nhỉ? Nó như là một trong những kỳ quan của thế giới!
Có điều là, tôi không chắc mình đã từng thật sự vào tham quan Tháp London chưa. Kiểu như vào hẳn bên trong hay đại loại thế. Nhưng ý tôi là, chuyện đó khác. Tôi sống ở đây. Tôi không cần phải thế.
“Lara! Đằng này!”
Ed đã xếp hàng mua vé rồi. Anh mặc quần jean, áo khoác dài màu tím than bình thường và quàng một chiếc khăn. Anh cũng không cạo râu, thú vị thật. Tôi cứ tưởng anh là kẻ lúc nào cũng bảnh bao chải chuốt kể cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Khi tôi tiến lại gần, anh nhìn tôi từ trên xuống dưới miệng hơi mỉm cười. “Vậy cũng có lúc cô mặc quần áo của thế kỷ hai mốt đấy chứ.”
“Rất hiếm khi.” Tôi toét miệng cười đáp lại.
“Tôi cứ đinh ninh là cô sẽ xuất hiện với một bộ váy thập niên hai mươi khác nữa. Trái lại, tôi lại kiếm được một món phụ kiện cho mình. Để đồng bộ với cô mà.” Anh lục túi áo khoác và rút ra một cái hộp nhỏ hình chữ nhật làm bằng bạc đã mòn vẹt. Anh bật nắp ra và tôi thấy một cỗ bài.
“Tuyệt quá!” tôi nói, ấn tượng. “Anh kiếm được ở đâu thế?”
“Đấu giá trên eBay.” Anh nhún vai. “Tôi luôn mang theo một bộ bài. Hàng năm 1925,” anh nói thêm, chìa cho tôi xem một cái dấu xác nhận nhỏ xíu.
Tôi không khỏi xúc động khi anh đã mất công đến thế.
“Tôi thích nó.” Tôi ngước lên khi chúng tôi tiến lên đến đầu hàng. Làm ơn cho hai vé người lớn. Để tôi trả,” tôi kiên quyết nói thêm khi Ed lôi ví ra. “Tôi là chủ nhà mà.”
Tôi mua vé và một cuốn sách tựa đề London lịch sử; và dẫn Ed tới một điểm ở trước tòa tháp.
“Đây, tòa tháp anh nhìn thấy trước mặt là Tháp London,” tôi mào đầu với cái giọng đầy hiểu biết của hướng dẫn viên du lịch. “Một trong những di tích cổ xưa và quan trọng nhất của chúng tôi. Một trong số rất, rất nhiều cảnh quan tuyệt diệu. Đến London mà không tìm hiểu nhiều hơn về những di sản tuyệt diệu của chúng tôi là phạm tội đấy.” Tôi nhìn Ed nghiêm khắc. “Như thế thật là thiển cận, hơn nữa các anh lại không hề có bất cứ thứ gì như vậy ở Mỹ.”
“Cô nói đúng.” Anh trông có vẻ bị trừng trị đích đáng khi nhìn bao quát tòa tháp. “Nó quả là ngoạn mục.”
“Nó chẳng tuyệt vời sao?” tôi nói hãnh diện.
Có những lúc được là người Anh là tuyệt nhất, và thời gian đi thăm một cái pháo đài to đùng có ý nghĩa lịch sử là một trong số đó.
“Vậy nó được xây từ hồi nào thế?” Ed hỏi.
“Ừm...” tôi ngó quanh tìm biển chỉ dẫn thông tin. Không có cái nào. Chết tiệt. Lẽ ra phải có một cái biển chứ. Tôi không thể cứ thế mà giở sách ra tra. Không phải lúc anh đang nhìn tôi chờ đợi thế này.
“Nó vào thời...” Tôi làm bộ vô tình quay đi và lúng búng cái gì đó không rõ ràng. “Thế kỷ mười...”
“Thế kỷ bao nhiêu?”
“Nó có từ...” tôi hắng giọng. “Thời Tudor [2]. Ờ... thời Stuart [3].”
“Ý cô là thời Norman [4]?” Ed gợi ý lịch sự.
[2] Một vương triều phong kiến của nước Anh (1485-1603).
[3] Một vương triều phong kiến của nước Anh (1603-1714).
[4] Thời kỳ nước Anh bị người Norman xâm chiếm (từ 1066).
“Ồ. Đúng thế, tôi đã định nói vậy.” Tôi ném sang anh một ánh mắt ngờ vực. Làm sao anh lại biết điều đó? Có phải là anh đã nghiên cứu trước không?
“Nào, ta đi lối này...” tôi tự tin dẫn Ed đi về phía trông có vẻ như chiến lũy, nhưng anh kéo tôi lại.
“Thật ra tôi nghĩ là lối vào ở đằng này, cạnh bờ sông.”
Vì Chúa. Rõ ràng anh thuộc tip đàn ông phải nắm quyền chủ động. Có lẽ anh cũng không bao giờ phải hỏi đường.
“Nghe này, Ed,” tôi nói ân cần. “Anh là người Mỹ. Anh chưa bao giờ tới đây. Ai mới là người có khả năng biết lối vào hơn, anh hay tôi?”
Đúng lúc đó thì một người canh gác tháp London đi qua và dừng lại cười thân thiện với chúng tôi. Tôi mỉm cười đáp lại, sẵn sàng hỏi anh ta lối nào mới là đúng, nhưng anh ta lại vui vẻ hỏi thăm Ed.
“Chào ông Harrison. Ông thế nào? Lại quay lại à?”
Gì thế?
Chuyện gì vừa xảy ra vậy? Ed biết những người gác tháp London ư? Làm sao Ed biết họ?
Tôi không nói nên lời khi Ed bắt tay người gác tháp London và nói, “Rất vui được gặp anh, Jacob. Giới thiệu với anh Lara.”
“Ơ... chào anh,” tôi thốt ra yếu ớt.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Nữ hoàng sẽ tới mời chúng tôi đi uống trà à?
“OK ” tôi lắp bắp ngay khi người gác tháp lại tiếp tục đi đường của anh ta. “Chuyện gì đang diễn ra thế?”
Ed nhìn vào mặt tôi một cái và cười phá lên.
“Nói tôi nghe đi!” tôi yêu cầu, và anh giơ hai tay lên vẻ hối lỗi.
“Tôi vô tội. Hôm qua tôi đã ở đây. Đó là một ngày làm việc dã ngoại xây dựng nhóm. Chúng tôi được trò chuyện với một vài người gác tháp London. Thú vị lắm.” Anh ngừng lại, rồi nói thêm, miệng tủm tỉm. “Đó chính là lý do vì sao tôi lại biết tháp này được xây dựng từ năm 1078. Theo lệnh William Nhà Chinh phạt. Và lối vào ở đằng này.”
“Anh có thể nói với tôi trước cơ mà!” tôi trừng mắt với anh.
“Tôi xin lỗi. Cô có vẻ hăng hái với ý tưởng đó quá và tôi nghĩ được đi quanh quanh với cô cũng rất tuyệt. Nhưng chúng ta có thể đi đâu đó khác. Cô hẳn đã xem cái này hàng triệu lần rồi. Nghĩ chỗ khác xem.” Anh lấy cuốn sách hướng dẫn London Lịch sử và bắt đầu tham khảo bảng chú dẫn.
Tôi phe phẩy hai tấm vé trong tay, nhìn một nhóm học sinh chụp ảnh cho nhau, cảm thấy giằng xé. Rõ ràng là anh đúng. Hôm qua anh đã tham quan tháp vậy thì việc quái gì chúng tôi lại phải đi quanh nó một lần nữa?
Mặt khác, bọn tôi lỡ mua vé mất rồi. Mà trông cái tháp thì thật tuyệt. Và tôi muốn xem nó.
“Chúng ta có thể đi thẳng tới St Paul’s.” Ed đang săm soi bản đồ tàu điện ngầm. “Sẽ không mất nhiều thời gian đâu...”
“Tôi muốn xem Crown Jewels,” tôi nói nhỏ.
“Gì cơ?” Anh ngẩng đầu lên.
“Tôi muốn xem Crown Jewels. Đằng nào giờ chúng ta cũng đã đến đây rồi.”
“Ý cô là... cô chưa bao giờ đi xem chúng?” Ed nhìn tôi nghi hoặc. “Cô chưa bao giờ đi xem Crown Jewels ư?”
“Tôi sống ở London mà!” tôi nói, bị chọc tức bởi vẻ mặt của anh. “Chuyện đó khác! Tôi có thể đi xem chúng bất kỳ lúc nào, khi có dịp. Chỉ là... chưa có dịp nào cả.”
“Lara, thế chẳng phải là hơi thiển cận sao?” Tôi có thể thấy là Ed rất khoái chuyện này. “Chẳng phải cô rất quan tâm tới di sản của thành phố vĩ đại của cô sao? Cô không nghĩ rằng bỏ qua những công trình tưởng niệm lịch sử, có một không hai này sẽ là phạm tội sao...”
“Im đi!” Tôi cảm thấy má mình đỏ lựng lên.
Ed dịu lại. “Thôi nào. Để tôi chỉ cho cô thấy Crown Jewels đẹp đẽ của đất nước cô nhé. Chúng tuyệt lắm. Tôi biết toàn bộ về chúng. Cô có biết rằng những vật cổ xưa nhất có từ thời Khôi phục không?”
“Thật sao?”
“Đúng thế.” Anh bắt đầu dẫn tôi đi qua đám đông. “Imperial Crown of State có một viên kim cương khổng lồ, cắt ra từ viên kim cương Cullinan nổi tiếng, viên kim cương lớn nhất từng đào được.”
“Úi trời,” tôi nói lịch sự. Rõ ràng là Ed đang nhớ lại toàn bộ bài thuyết giảng về Crown Jewels ngày hôm qua.
“Đúng.” Anh gật đầu. “Ít ra, cả thế giới vẫn đinh ninh là vậy mãi tới năm 1997. Khi nó được phát hiện ra là đồ giả.”
“Thật sao?” Tôi ngừng sững lại. “Nó là giả ư?”
Miệng Ed tủm tỉm. “Chỉ để kiểm tra xem cô có nghe không thôi mà.”
Chúng tôi xem những món đồ trang sức đó rồi những con quạ và Tháp Trắng cũng như Cái Tháp Chết Tiệt Gì Đó. Thật ra là tất tần tật các tháp. Ed cứ khăng khăng giữ cuốn sách hướng dẫn và đọc to các sự kiện lên suốt cả quãng đường. Một số điều là đúng, một số thì đúng là nhăng nhít và một số... Tôi không dám chắc. Khuôn mặt anh hoàn toàn không một chút biểu hiện gì khác ngoại trừ một ánh lóe lên rất nhỏ trong mắt và nói thật là chẳng làm thế nào mà biết được.
Khi chúng tôi kết thúc tua Vệ binh Hoàng gia, đầu tôi quay cuồng với những hình ảnh mường tượng về những kẻ phản bội và nhục hình, và tôi thấy mình không cần phải nghe thêm bất cứ điều gì về phần Khi những cuộc xử tử trở nên sai lầm khủng khiếp, không một lần nào nữa. Chúng tôi đi lang thang qua Cung điện Trung cổ, ngang qua hai anh chàng mặc trang phục Trung cổđang viết chữ Trung cổ (tôi đoán thế), lọt vào một căn phòng có những cửa sổ lâu đài bé tẹo và một cái lò sưởi to đùng.
“OK, anh chàng thông thái. Nói cho tôi biết về cái tủ chén đi.” Tôi chỉ ngẫu nhiên vào một cánh cửa nhỏ, chả có gì đặc biệt gắn trên tường. “Walter Raleigh đã trồng khoai tây ở đó hay ở chỗ nào khác nhỉ?”
“Để xem nào.” Ed tham khảo cuốn sách hướng dẫn. “À, đúng rồi. Đây là nơi Công tước thứ bảy xứ Marmaduke cất các bộ tóc giả. Một nhân vật lịch sử thú vị, ông ta đã chém đầu nhiều người vợ của mình. Những người khác ông ta để đóng băng trong hầm lạnh. Ông ta cũng chế tạo ra phiên bản Trung cổ của máy nổ bỏng ngô hay là poppecorn, như ta biết đến.”
“Ồ vậy sao?” Tôi lấy giọng nghiêm trọng.
“Hiển nhiên là cô đã biết về máy nổ bỏng ngô đời 1583.” Ed liếc cuốn sách hướng dẫn. “Hình như Shakespeare suýt nữa đặt tên Much Ado About Nothing là Much Ado About Ye Poppecorn.”
Cả hai chúng tôi đều nhìn chằm chằm vào cái cửa gỗ sồi bé tẹo đó, sau một lát, một cặp vợ chồng già mặc áo jacket không thấm nước gia nhập với chúng tôi.
“Đó là một cái tủ đựng tóc giả,” Ed nói với người phụ nữ, mặt bà ta sáng lên vì thích thú. “Người làm tóc giả bị bắt phải sống trong cái tủ cùng với những bộ tóc giả của ông ta.”
“Thật sao?” Mặt người phụ nữ lớn tuổi xịu xuống. “Thật khủng khiếp!”
“Không hẳn,” Ed nói trang nghiêm. “Vì người làm tóc giả đó rất nhỏ.” Anh bắt đầu mô tả bằng tay. “Tí hon. Bà biết không, từ ‘tóc giả’ xuất phát từ cụm từ ‘người lùn trong tủ’.”
“Thật sao?” Người phụ nữ tội nghiệp trông có vẻ hoang mang và tôi thúc mạnh vào sườn Ed.
“Chúc chuyến thăm viếng vui vẻ,” anh duyên dáng nói, và chúng tôi đi tiếp.
“Anh xấu tính thật!” tôi nói ngay khi vừa ra khỏi tầm nghe. Ed nghĩ về câu đó một lát rồi toét miệng cười cầu hòa.
“Có lẽ tôi thế thật. Khi tôi đói. Cô có muốn ăn trưa chút không? Hay đi xem Bảo tàng Fusiliers?”
Tôi lưỡng lự vẻ ngẫm nghĩ, như thể đang cân nhắc hai lựa chọn đó xem thế nào. Ý tôi là chẳng ai có thể thích thú với di sản của mình hơn tôi. Nhưng vấn đề với bất cứ một cuộc đi tham quan nào là sau một lúc nó biến thành một cuộc lê bước tham quan và tất cả mọi di sản đều trở thành những bậc thang đá ngoằn ngoèo, những lỗ châu mai mờ mờ và những câu chuyện chặt đầu bêu cọc.
“Chúng ta có thể đi ăn trưa,” tôi nói làm như không chủ định. “Nếu giờ anh đã cảm thấy tham quan đủ rồi.”
Mắt Ed lòe lên. Tôi có cảm giác chưng hửng là anh đã đi guốc vào bụng tôi. “Khả năng tập trung của tôi rất thấp,” anh nói, chả biểu lộ cảm xúc gì. “Là người Mỹ mà. Vì vậy có lẽ chúng ta nên đi ăn.”
Chúng tôi đi tới một quán cà phê có phục vụ những món như xúp hành Georgia và thịt lợn rừng hầm nồi đất. Ed cứ nằng nặc đòi trả tiền vì tôi đã mua vé, và chúng tôi tìm được một cái bàn ở góc cạnh cửa sổ.
“Vậy anh còn muốn đi xem chỗ nào khác ở London nữa?” tôi nói nhiệt tình. “Trong danh sách của anh còn chỗ nào khác nữa?”