Bão đồng - Chương 06 - Phần 2

Thơi sáng nay đi với Cải xuống họp dưới xã Tiên Thành. Cơm xong đạp xe về huyện trước, hẳn là đã nói với cô Lập như thế. Nên vừa thấy bí thư về, cô văn thư nghĩ ngay đến suất cơm chiều của Cải đã bị cắt. Nghe cô Lập nói, Thơi cũng vội chạy ra cửa, nhìn Cải hơi ngớ ra mươi giây, rồi lắp bắp:

- Sao anh lại lên ngay? Chắc là anh quên việc gì à!

Cải vừa mở cửa phòng, vừa nói với Thơi:

- Ừ, mình có tý việc cần. Thơi ngó hộ xem bác Thìn còn đây không?

Cô Lập cũng vừa xách phích nước nóng lên đến cửa, nghe Cải hỏi Thơi, vội nói thay:

- Vừa nãy cháu mang công văn lên, còn thấy bác ấy ngồi xem báo đấy ạ!

Thơi nhanh nhảu:

- Em sang mời bác ấy sang đây nhá!

Cải gàn:

- Thôi, để mình sang. Cô Lập bảo nhà bếp nấu thêm cho tôi suất cơm nhé.

Lập nói như thanh minh:

- Bác Ngán chiều nay có việc nhà, về sớm mất rồi. Thôi, lát nữa chú với anh Thơi và cháu, ba người ăn hai suất cũng đủ. Anh Thơi ở đây xem chú Cải có cần gì thì hộ em với, em đi hái thêm nắm rau muống về luộc. Cháu mới có chai nước mắm cáy xổi mang ở dưới nhà lên ngon lắm, chú ạ!

Cải cười vui:

- Nhất trí phương án của cô Lập, nhưng hái nhiều rau vào. Mắm cáy xổi chấm rau muống luộc chỉ có nhất.

Cô Lập đi rồi, Thơi cũng rửa ráy qua loa ấm chén cho Cải, rồi lặng lẽ xuống dẫy nhà dưới. Phòng làm việc của Cải liền với phòng khách, trong dãy nhà chính từ cổng nhìn vào, chếch bên phải là các bộ phận thuộc văn phòng huyện uỷ, đằng sau văn phòng là nhà bếp, nhà ăn, bê và giếng nước, nhà tắm; chếch bên trái là các ban của đảng: tổ chức, tuyên huấn, kiểm tra. Ba dẫy nhà kiến trúc hình chữ Ư vừa gọn, vừa tiện, từ nhà này có thể nhìn sang nhà kia, thậm chí có thể đứng ở nhà này gọi sang nhà kia, nghe vẫn rõ. Trước cửa ba dẫy nhà là một cái sân lát gạch, kiểu sân gạch nhà quê, chạy hình chữ nhật khá rộng, hai đầu sân được trồng hai cây nhãn quanh năm bóng mát. Gần chỗ cổng vào, ngay đầu dẫy nhà văn phòng, trước là chỗ cô Lập ngồi đánh máy, tiếp nhận công văn, báo chí kiêm luôn thường trực. Nhưng từ sau cái đận ông trưởng ban thuỷ lợi- giao thông Giang Khẩu ngồi vạ ngồi vật dưới gốc nhãn ngoài đường, theo ý kiến Cải, bộ phận văn phòng đã dồn lại chỗ làm việc, dành ra một phòng ngay cổng vào làm nơi tiếp dân. Trong phòng tiếp dân cũng kê một bộ bàn ghế sa lông gỗ, ấm chén, phích nước lúc nào cũng đầy đủ, lại có cả cái điếu cày, bao diêm và hộp thuốc lào, cho những ai nghiện thuốc cứ việc hút thoải mái. Phòng cô Lập làm việc tuy được chuyển lùi vào, nhưng cũng ngay cạnh phòng tiếp dân. Kề bên là chánh văn phòng, một nửa phía ngoài kê bàn làm việc, nửa phòng phía trong là chỗ giường nằm, có chiếc mắc áo đóng vào tường ngay đầu giường, dán kín hoạ báo Liên Xô, có cả chiếc máy cày to tổ bố, chạy giữa một vùng không biết là đồng bằng hay sa mạc, chỉ thấy những tảng đất cuộn lên đỏ sậm màu tiết đông. Cạnh phòng Thơi còn ba phòng nữa, một của phó văn phòng và cán bộ tổng hợp, một của lái xe và bảo vệ. Còn phòng cuối cùng là phòng khách, dành cho cán bộ xã mỗi khi lên làm việc cần nghỉ trưa để chiều làm tiếp thì vào đấy ngả lưng, còn muốn ngủ qua đêm đã có nhà khách của huyện do uỷ ban quản lý, giường chiếu chăn màn gối đệm đàng hoàng, chứ không úi xùi như phòng khách huyện uỷ. Đối diện với dãy nhà văn phòng cũng là một dãy sáu phòng, dành cho các ban của đảng: tổ chức, tuyên huấn, kiểm tra. Mỗi ban được chia đều hai phòng, một là của ba hoặc bốn nhân viên và phó ban ngồi làm việc, còn một của trưởng ban. Vì tất cả các ban của đảng đều có uỷ viên ban thường vụ huyện uỷ làm trưởng ban, nên trưởng ban không thể ngồi chung với phó ban, lại càng không thể ngồi chung với nhân viên, mà nhất thiết phải ngồi làm việc riêng; một phòng mới bảo đảm nguyên tắc. Ngồi riêng một phòng mới bảo đảm nguyên tắc, dẫu nguyên tắc ấy chưa bao giờ được ghi thành văn bản, nhưng từ bao nhiêu năm nay, sau mỗi kỳ đại hội bầu bán xong là việc đầu tiên chánh văn phòng lo sốt vó là xe cộ đi lại, nơi ở và làm việc cho các uỷ viên ban thường vụ kiêm trưởng ban của đảng. Dẫy nhà đối diện, tính từ góc chữ u đi, đầu tiên là ban tuyên huấn, đến tổ chức, rồi kiểm tra. Khác với dẫy nhà văn phòng bên này, từ sáng sớm đến chiều tối lúc nào cũng có người ra vào, đi lại, không chánh phó văn phòng thì văn thư, tạp vụ, lái xe, bảo vệ, hầu như hăm bốn trên hăm bốn giờ một ngày đều có người. Nhưng dẫy nhà đối diện thì ngay lúc này đây, mới hơn bốn giờ chiều đã vắng tanh vắng ngắt, duy chỉ còn một phòng uỷ viên thường vụ kiêm trưởng ban tổ chức là thấy mở cửa.

Đúng như lời cô Lập nói “thấy bác ấy ngồi xem báo”, Thìn đang ngồi ngả người trên ghế sa lông làm bằng loại gỗ bạch đàn màu vàng chanh, tay cầm tờ báo giơ cao che hết mặt, từ cửa nhìn vào khó biết Thìn đang chăm chú đọc báo, hay mải nghĩ ngợi gì, có khi ngủ ngồi cũng nên. Cải từ phòng đầu dẫy nhà giữa đi sang theo lối dọc hành lang, nên khi tiếng nói và bước chân cùng vang lên ngoài cửa thì Thìn bỗng giật mình, buông vội tờ báo xuống đùi. Nhưng khi nhìn ra thấy Cải đã vào đến cửa, Thìn cũng chỉ hơi xoay lại thế ngồi, chứ không có gì tỏ ra vồn vã. Thìn vốn thế, đi đứng, nói năng, dù là lúc chuyện trò thân mật, hay khi tranh luận gay gắt, cũng cứ tà tà chậm rãi, rành rẽ từng tiếng một, không đi đâu mà vội vàng, gấp gáp, không tranh khôn, cũng chẳng mấy khi khờ dại, hớ hênh. Dáng người cao to, nước da bánh mật, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt to trầm lắng. Trông người thế ai bảo xấu máu. Vậy mà mới năm mươi bảy tuổi tóc Thìn đã bạc trắng từng đám. Chính mái tóc bạc trắng từng đám, cùng với dáng người quắc thước của Thìn lại làm nhiều người mới chỉ nhìn thấy thôi, đã tự nhiên nhi nhiên thấy kính nể rồi. Tình là uỷ viên ban thường vụ kiêm trưởng ban tổ chức huyện uỷ, một người trên thực tế cũng không có quyền hành gì to tát ở huyện, nhưng sau khi Cải về nhận chức bí thư thì Ngật, phó

bí thư thường trực huyện uỷ, được cử đi học tập trung ở trường Nguyễn Ái Quốc. Vậy là phải có một người trong ban thường vụ kiêm thường trực huyện uỷ để giải quyết công việc hàng ngày. Bàn đi tính lại, người hợp với công việc ấy chỉ có Thìn. Thế là Thìn vừa cáng đáng công việc của trưởng ban tổ chức, lại vừa phải kiêm luôn thường trực huyện uỷ.

Thìn cầm tờ báo để lên cái ghế đôn bên cạnh, ngồi ngay người lại, hỏi Cải:

- Nghe cậu Thơi nói anh tạt về nhà, mai mới lên. Sao lại lên ngay thế?

Cải nói mà như hỏi:

- Nghe tin dưới Phương Lưu xảy ra xô xát, dân ném đất đá vỡ cả cửa kính xe uỷ ban, hả bác?

- Tôi cũng nghe bên văn phòng uỷ ban báo cáo, tấm cửa kính phía trước của chiếc xe u-oát anh Hưởng vẫn ngồi, bị họ ném vỡ tan tành. Nhưng có lẽ là vô tình chứ không cố ý, vì ném bằng đất, khi trên ghế trước không có người ngồi.

Cải nói, như để ông Thìn biết là mình cũng biết việc này rồi, giờ muốn hỏi thêm cho rõ thôi:

- Nhưng theo bác thì sự thực của cuộc xô xát này là thế nào, chứ chẳng lẽ chỉ là mấy con lợn?

- Tôi cũng nghĩ như anh đấy. Chẳng lẽ hàng trăm người đổ ra giữ cây tre ngáng đường, không cho xe vào làng, lại chỉ vì giữ không cho bắt lợn ở trại chăn nuôi mang đi. Mà lợn ấy đâu phải của trại Phương Lưu, của trại An Thái Hoà dưới xã anh chở lên từ tuần trước đấy chứ.

- Tôi đã nghe dân An Thái nói là lợn của họ từ dưới ấy chở lên. Nhưng mọi lần vẫn chở lợn ở trại An Thái Hoà lên, hoặc trại khác đến, mỗi khi trại Phương Lưu có lãnh đạo về thăm hoặc khách đến tham quan thì có sao đâu. Sao lần này lại xẩy ra xô xát, đến nỗi già trẻ gái trai kéo nhau ra đầu làng chặn xe huyện lại như vậy?

- Theo bên văn phòng uỷ ban báo cáo, thì có thể là dưới trại Phương Lưu đòi huyện thanh toán trả công chăn nuôi và cám bã, rau bèo hai mươi nhăm con lợn, họ nuôi từ hôm huyện chở lợn về trại để chuẩn bị đón đồng chí thứ trưởng bộ nông nghiệp đến nay. Có thế, họ mới cho bắt lợn chở đi.

- Chẳng lẽ chỉ có thế thôi ư?

Cải bỗng buột kêu lên thế, rồi cả hai ngồi lặng đi, mỗi người như đuổi theo ý nghĩ, mà có lẽ chỉ một mình mình biết. Chờ cho ông Thìn rót xong nước từ trong tách trà ra hai chiếc chén đặt trước mặt hai người, Cải mới nhìn ông nói rõ câu nghi thán của mình vừa nãy:

- Chẳng lẽ chỉ là đòi công chăn nuôi và số cám bã, rau bèo mà xẩy ra xô xát như vậy? Liệu đằng sau có còn là cái gì nữa không đây?

Ông Thìn cũng bày tỏ ý nghĩ của mình:

- Đầu giờ chiều nay tôi đã ra ngoài ban nông nghiệp gặp anh Hưởng, hỏi rõ đầu đuôi xem thế nào, lại để xẩy ra như vậy. Nhưng anh ấy vẫn khẳng định dưới trại họ đòi tiền công và tiền thóc gạo, cám bã nuôi hai mươi nhăm con lợn từ một tuần nay. Anh ấy còn nói, không phải hôm nay đánh xe xuống bắt lợn họ mới đòi, mà mấy hôm trước người của ban nông nghiệp xuống bố trí ngày bắt lợn, họ cũng đòi như thế. Lại còn ra điều kiện với huyện, chỉ được đưa xe đến chở lợn, chứ không được cho người và xe khác xuống. Cũng chỉ được chạy xe thẳng vào trại bắt lợn rồi về, không được dừng xe ngang tắt bất cứ chỗ nào thuộc địa phận làng Phương Lun.

- Họ đã nói thế, sao cậu Hưởng còn ngồi xe xuống làm gì!

- Anh chưa biết tính cậu Hưởng, vừa không tin cấp dưới, lại vừa thích ra oai. Nghe anh em văn phòng gọi điện báo cáo dưới Phương Lưu không cho xe tải vào chở lợn, thế là đang chủ trì giao ban bên trạm bảo vệ thực vật vội giải tán, nhảy lên ô- tô phóng xuống Phương Lưu. Nhưng theo mấy cậu đi xe tải về kể lại hồi trưa ở ngoài nhà ăn tập thể, giá không có ông Hưởng xuống chỉ giằng co một lúc, rồi thể nào cánh cờ đỏ Phương Lưu cũng cho xe vào, vì họ đã ra điều kiện chỉ cho xe chở lợn, chứ không được cho người và xe khác xuống nữa. Nhưng đây lại là xe của phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp huyện, thế quá bằng trêu tức người ta rồi. Mà với dân thì không gì hơn là già nắn, rắn buông, Chứ đã lên mặt ra oai thiên hạ thì chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, làm bùng lên sự căm tức của người ta mà thôi.

Cải ngồi nghe Thìn nói mà thêm chồng chất nỗi buồn, đúng là buồn này chưa qua buồn kia đã tới. Cuộc xô xát dưới Phương Lưu, cho đến lúc này, theo lời ông Thìn, vẫn chỉ là do chỗ mấy con lợn huyện chở xuống để chuẩn bị đón vị lãnh đạo trung ương, còn đang nặng trĩu trong lòng, thì điều ông Thìn vừa nhận xét về Hưởng, uỷ viên thường vụ, phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp huyện, càng chất thêm nỗi buồn lên lòng Cải. Bởi một người được coi là “cánh tay phải” của bí thư, chủ tịch một huyện nông nghiệp mà lại để dân tức giận, căm ghét còn làm việc với ai? Cải buồn về cuộc xô xát thì ít, mà buồn về những lời của một người thận trọng như trưởng ban tổ chức Thìn nhận xét về Hưởng thì nhiều. Cuộc xô xát có thể một sớm một chiều giải quyết xong, không bằng tình nghĩa thì bằng pháp luật. Nhưng đức tính của một con người, nhất là người ấy lại đang giữ một cương vị có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn nông dân trong huyện, thì những biểu hiện của sự sa sút phẩm chất, đạo đức không còn là việc của cá nhân anh ta nữa, mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín của cấp uỷ, chính quyền. Thế mới đau! Cải cứ ngồi thừ ra, đầu mung lung bao ý nghĩ. Cây nhãn trên sân huyện uỷ đã nhạt hết nắng, chỉ còn phơi ra một màu nhoà nhoà, xác xơ của những cành lá vừa qua trận gió lốc bầm dập. Cải cầm chén trà lên ực một hơi cho đỡ khát, rồi quay lại nhìn Thìn, hỏi:

- Công an bắt tất cả mấy người, hả bác?

- Có phải công an bắt đâu, bảo vệ xã Tiên Trung bắt đấy chứ. Theo anh Hưởng nói, tất cả là năm người, nhưng kẹt nhất trong số này lại có hai đảng viên, là ông Tinh, phó bí thư chi bộ, đội phó sản xuất kiêm tổ trưởng tổ cờ đỏ Phương Lưu và cậu Điền.

Cải hỏi mà như gắt:

- Sao lại có cậu Điền dây vào đây? Mà cậu ta ra ngoài ấy làm gì để bị bắt?

- Tôi cũng hỏi mấy cậu ở ngoài nhà ăn và cả anh Hưởng nữa, như thế. Nhưng mỗi người nói một phách. Anh Hưởng thì nói như đinh đóng cột rằng, tay Lận chủ nhiệm Tiên Trung không nhầm đâu, khi nó đạp xe dẫn bảo vệ từ trụ sở xã xuống, đàng xa đã nhìn thấy tay Điền đang khoa chân múa tay xúi bẩy mấy thằng đầu chày đít thớt ở Phương Lưu xông vào quây chặt lấy chiếc U-oát…

Cải bỗng cắt ngang lời Thìn:

- Nói thế khác nào bảo cậu Điền cầm đầu đám đánh nhau.

Thìn tiếp lời, vẫn giọng nhẩn nha vốn dĩ ở ông:

- Anh Hưởng còn bảo, khi tay Lận dẫn bảo vệ tới thì chính mắt cậu ta nhìn thấy tay Điền đứng lẫn trong đám người cầm đất đá, gậy gộc dăng hàng chắn trước mũi xe ngay gần ba-ri-e. Thế nên, khi cửa kính xe đánh xoảng một cái, tay Lận mới tức tốc ra lệnh bắt tất cả những người cầm đất đá, gậy gộc đứng ở đấy, trong đó có tay Điền, mà không ai kịp chống đỡ gì được. Còn mấy đứa đi cùng xe xuống dưới ấy về thì ban trưa cả quyết ở ngoài nhà ăn tập thể, rằng đây chỉ là cuộc trả thù cá nhân giữa tay Điền và tay Hùng, kỹ sư chăn nuôi ở ban nông nghiệp, em trai Hưởng. Chuyện dài dòng lắm, nhưng đại loại là cậu Hùng đâu như yêu cô Dậm, em vợ Đĩnh. Chẳng biết hai người mặn nhạt với nhau chua, nhưng tay Hùng hay xuống nhà cô Dậm chơi lắm, nhiều lần còn đèo nhau lên tận thành phố chơi. Nghe đâu chỉ còn bà mẹ ưng nữa là xong, nhưng hình như bà cụ không muốn cho con lấy chồng xa, vì anh em Hưởng, Hùng quê mãi bên Thái Bình, chứ không phải người tỉnh này. Chuyện chưa đâu vào đâu thì bỗng nhiên mấy tháng nay, mỗi lần tay Hùng xuống cô Dậm lại đuổi khéo về, ra chiều không cho đến nữa. Tay Hùng dò la, biết cô Dậm thường gặp Điền ở nhà anh rể, nhưng chưa có dịp cho Điền biết thế nào là lễ độ, thì lần này, khi Hùng ngồi xe xuống bắt lợn lại thấy Điền đứng trong đám người ra chặn xe. Vậy là được thể, tay Hùng ra oai, cậy mình là em trai phó chủ tịch huyện, vội giục lái xe cứ đi đi, sợ đếch gì chúng nó. Tay Điền chạy đến, nhìn thấy tay Hùng cũng khoa chân múa tay thúc ông Tinh với đám cờ đỏ xông lên. Thì ra, mối thù tình ái thời nào thì thời, vẫn là mối thù không đội trời chung, anh nhỉ!

Cải đang mải đoán xem câu chuyện ông Thìn đang kể, dù là nghe người khác về kể lại, có bao nhiêu phần trăm là thực, bao nhiêu phần trăm là hư, hay thực hư chia đều, năm mươi trên năm mươi, hoặc chẳng có tý phần trăm nào là hư, là thực, bỗng nghe ông Thìn buông một câu triết lý mời gọi sự đồng tình. Nhưng Cải chưa kịp tỏ sự đồng tình lại nghe ông nói, giọng buồn buồn:

- Chỉ tiếc cho tay Điền, đảng uỷ xã vừa có công văn đề nghị công nhận hết thời hạn kỷ luật, thì giờ lại dính vào vụ này là rất gay!

Cải hỏi ông Thìn, cũng với giọng không kém buồn bã:

- Bao giờ cậu ta hết thời hạn?

- Tôi đã xem lại quyết định kỷ luật tay Điền lưu Đảng mười hai tháng, chỉ hơn tháng nữa là hết thời hạn. Nhưng giờ lại bị bắt giam thế này, sao đưa ra thường vụ xét được!

- Căn cứ vào thực tế thì vụ xô xát chưa gây hậu quả gì lớn, ngoài việc chiếc xe u-oát của uỷ ban bị vỡ tấm kính đằng trước. Còn việc bắt mấy người Phương Lưu, trong đó có cậu Điền và ông Tinh, lại do cậu Lận chủ nhiệm hợp tác ra lệnh bắt, thế cũng là sai rồi. Ừ, cứ cho là chưa ra lệnh giam giữ, nhưng trói người ta giải về nhà kho hợp tác khoá chặt lại, là không đúng rồi. Ai cũng có quyền ra lệnh, ai cũng có quyền bắt người, chỗ nào cũng có thể nhốt người như nhốt lợn, thế thì dân sống thế nào được. Cho nên, tôi đề nghị bác với tư cách thường trực huyện uỷ yêu cầu đồng chí Hưởng, với tư cách phó chủ tịch uỷ ban huyện phụ trách nông nghiệp, ra lệnh cho chủ tịch, chủ nhiệm hợp tác xã Tiên Trung thả ngay mấy người do cậu Lận cho bảo vệ bắt sáng nay ra.

Thìn cũng tỏ thái độ bực dọc trước việc chủ nhiệm hợp tác Tiên Trung cho bắt người không cần lệnh của cơ quan công an, kiểm sát, nên nghe Cải nói thế cũng nói luôn, không cần nghĩ ngợi nhiều:

- Đầu giờ chiều nay tôi ra ngoài ban nông nghiệp, cũng nói thẳng ý kiến của tôi giống như anh vừa nói, nhưng anh Hưởng chỉ nói việc này phải có ý kiến của đồng chí chủ tịch uỷ ban huyện, vì khối nội chính do chủ tịch phụ trách. Vậy thì chúng ta đành phải chờ anh Trường đi họp về thôi, chứ đảng không thể thay chính quyền thực thi pháp luật được, phải không anh!

Cải bỗng ật người ra phía sau thành ghế, uể oải rã rời.

Đúng là không thể làm thay, nhưng chẳng lẽ cứ ngồi khoanh tay mà chờ…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3