Bão đồng - Chương 07 - Phần 1
- 7 -
Việc trọng đại, liên quan đến uy tín của cả một tổ chức, một cộng đồng và mạng sống của bao con người thì đành “ngồi khoanh tay”, chờ người đứng đầu thực thi pháp luật của huyện. Còn việc chẳng cấp bách là mấy, để một ngày, một tháng, thậm chí một năm mới có ý kiến của lãnh đạo cũng không chết ai, không trở ngại gì, thì lại không cam “khoanh tay”, ngược lại, còn vươn dài cánh tay tới hàng nghìn mét, nhoáy cái là xong. Đấy là cả một câu chuyện không ngắn, cũng chẳng dài, thoáng nghe như ông chằng bà chuộc, chẳng ăn nhập gì với chuyện lợn gà, xe cộ, đựng độ nhau ở lối vào làng Phương Lưu hẻo lánh, vốn là xóm trại lẻ loi gần chân đê, xa thành phố, nơi Trường bỏ dở buổi họp về phòng nghỉ gặp Hà bàn công tác, hay nằm người nọ gác chân lên người kia, quấn chặt lấy nhau như đôi rắn thì cũng thế, đến mấy chục cây số. Nhưng vì ông Tính vừa nhắc lại với Cải về lời của Hưởng bảo, phải chờ anh Trường đi họp về thôi, nên mới nảy ra những dòng tạt ngang này.
Hà thực ra cũng không biết Trường đang có mặt ở thành phố. Mãi lúc ở sở thương nghiệp ra, Hà mới sực nhớ phải gọi điện xin ý kiến chủ tịch huyện. Hà vội quay lại phòng thường trực, nhờ máy gọi về huyện gặp Trường. Nhưng người cầm máy lại là Xuê, giờ đã được đề bạt lên phó văn phòng uỷ ban huyện. Xuê không biết bằng cách nào mà vừa nghe tiếng đã nhận ra Hà, liền xưng danh: “Em, Xuê đây mà! Chị Hà đấy ạ!”. Từ cái lần Xuê và ông Thuật bất ngờ bật cửa vào phòng Trường, đúng lúc Hà mới chỉ mặc xong mỗi cái quần con, còn cả tấm thân trắng ngọc ngà với bộ ngực ngồn ngộn chưa kịp có gì che, đành đứng lấp sau tấm ri-đô. Còn Trường lúng túng xỏ cả hai chân vào một bên ống quần, mãi mới ngay người lên được. Kể từ cái lần không thể nào quên ấy, Xuê mỗi lần gặp Hà, dù trong cơ quan hay ngang đường giữa chợ, cũng một điều em, hai điều chị với Hà. Chứ không như trước, lúc chị, lúc em, cứ lộn tùng phèo, dù về tuổi tác Xuê mới ba mươi nhăm, còn Hà năm nay đã bốn mươi. Nhờ gặp Xuê ở đầu dây đằng kia, Hà mới có thể hỏi tự nhiên: “Chú có biết anh Trường họp ở đâu không? Chị có việc cần xin ý kiến anh ngay bây giờ”. Xuê sốt sắng mách nước: “Thế thì chị cứ xuống trường đảng, hỏi gặp đồng chí Trường, chủ tịch huyện Vĩnh Tiên có việc cần, là người ta báo cho anh ấy ra ngay đấy mà”.
Nhân bảo như thần bảo, dẫu tin hay không, Hà vẫn răm rắp làm đúng lời chỉ dẫn của Xuê. Chị xuống trường đảng, vào phòng thường trực nhờ báo giúp cho đồng chí Trường, chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Tiên, ra có người cần gặp ở ngoài phòng thường trực, nằm sau cái nhà như cái chòi, có công an đứng gác canh lối cổng vào. Ông thường trực đi hút lên phía hội trường cao to, nghiêm cẩn như một giảng đường. Hà đứng ở cửa phòng thường trực chỉ dám nhìn lên toà nhà ấy, chứ không dám bước thêm một bước nào về phía ấy nữa, lòng thấy rổn rảng bao ý nghĩ rất khó diễn tả. Hình như Hà vừa ước, chỉ một lần thôi, dù có chết cũng cam lòng, được bước chân vào cái hội trường nguy nga, tráng lệ và nghiêm cẩn kia, ngồi trang trọng, chăm chú lắng nghe như nuốt lấy từng lời người thuyết giảng. Lại hình như Hà vừa thấy gai hết cả người khi ngồi vào trong ấy, không biết có máy điều hoà nhiệt độ chưa mà người lạnh toát, nhưng khi đi ra ngoài lại thấy người hâm hấp nóng, mắt nở hoa cà hoa cải, nhìn vào cái gì cũng thấy lạ lẫm, xa vời. Bỗng dưng Hà thấy choáng váng lo sợ, cầu trời đừng bắt con ngồi vào đấy, con là đàn bà, con có con gái mới vào học cấp ba, lại còn bà mẹ chồng năm nay đã ngoài bảy mươi già nua ốm yếu. Con còn, con còn nhiều việc của kiếp người phải lo toan, gánh vác. Con còn, con còn anh ấy nữa. Con mới bốn mươi tuổi đời, cái tuổi hồi xuân của người đàn bà, con không thể, con không thể… Hà trong phút chờ đợi gặp Trường, lòng bỗng rộn lên bao ý nghĩ như người mộng du. Nửa muốn dấn lên, phấn đấu nữa để đạt tới đỉnh cao quyền lực. Nửa muốn thủ thường, cam phận để hưởng trọn vẹn mọi ham muốn của kiếp người, để được yêu, được thương và được làm tròn bổn phận của người đàn bà. Càng chờ đợi Hà càng cồn cào ruột gan, như thể lần đầu, như thể cái tối hôm ấy, cách đây đã bốn năm, cũng vào một ngày đầu hạ thế này.
Nếu như không có cái tối hôm ấy bà mẹ chồng Hà đau ruột thừa, hay giun chui ống mật quằn quại, phải đưa lên bệnh viện huyện. Ở phòng cấp cứu bên cạnh là một người đàn ông bị ngã xe máy, không biết có sao, nhưng rất nhiều người đứng vây kín ngoài cửa, đến nỗi mấy lần Hà đinh xông thẳng vào gặp lãnh đạo bệnh viện, hoặc bác sĩ trực, mà không sao chen chân vào được.
Nếu như không có cái tối hôm ấy…
Quê Hà ở xã Tiên Cựu, đầu huyện, cách huyện lỵ có bệnh viện mẹ chồng Hà vừa được đưa đến hơn chục cây số, nhưng lại phải qua một con sông, thành thử tiếng là cùng huyện, nhưng lại ngăn sông cách đò. Không biết có phải vì thế mà các thầy thuốc bệnh viện cũng có sự phân biệt đối xử giữa người ở các xã bên này sông, với người ở xã bên kia sông. Chứ không phân biệt đối xử mà bà mẹ chồng Hà, ngay từ khi vào viện đã đưa hết cả giấy tờ chứng nhận mẹ liệt sĩ ra, nhưng cũng chỉ được một cô mặc áo choàng trắng, chẳng biết làm gì, y tá hay y sĩ, chỉ chỗ đưa bà cụ vào nằm ở chiếc giường con góc phòng, bên cạnh cái phòng đang bị đám người quá đỗi lo lắng cho bệnh nhân đứng quây kín ngoài cửa kia. Anh con rể và mấy người làng thấy bà cụ kêu dữ quá, mà chẳng có ông bà y tá, y sĩ nào dòm dỏ tới, mới thúc Hà không chờ đợi gì nữa, cứ đi gặp thẳng lãnh đạo bệnh viện xem thế nào. Chứ bà cụ là mẹ liệt sĩ, nhà nước còn phải ưu tiên, còn phải chăm sóc đến nơi đến chốn, huống hồ bệnh viện huyện. Thế mà từ lúc bà cụ vào viện, ở chỗ phòng khám chỉ nắn nắn xoa xoa vùng bụng một tý, rồi đưa sang đây nằm chỏng chơ từ bấy đến giờ. Một bà lão đã ngoài bảy mươi tuổi, dẫu là đau ruột thừa, dạ dày hay giun chui ống mật, thì khám xong cũng phải bảo cho người nhà người ta biết là bệnh gì, rồi cho thuốc thang, chứ cứ để nằm kêu thế kia, người nào là người chẳng động lòng bi thương, huống hồ con cháu người bệnh. Thế mà mấy lần cái cô mặc áo choàng trắng chỉ chỗ đưa bà cụ vào nằm ở phòng này, trở đi trở lại ngoài hành lang, ông anh rể, rồi Hà chạy ra túm áo nài nỉ, cô nói dùm y, bác sĩ cho bà cụ nhà tôi cái thuốc gì cho bớt đau, chứ không để bà đau quá, chịu sao nổi. Nhưng lần thì cô ta vội đi, lần thì chân vẫn bước, còn mồm bật ra mấy lời nghe tiếng được tiếng mất, hình như bảo chờ tý nữa, giải quyết xong ca này đã. Sự chờ đợi ở đâu cũng chỉ có giới hạn, huống hồ lúc này, nghe bà mẹ chồng kêu rên như sát muối vào lòng, Hà không còn đủ bình tĩnh nén chờ được nữa, lại có phần cũng muốn biết cái ca đang giải quyết trong kia là ông hoàng bà chúa nào mà cả giám đốc, phó giám đốc và bác sĩ, y sĩ khoa ngoại đều ở hết trong ấy, chờ bao nhiêu lâu vẫn không thấy ai ló mặt ra. Hà bước rảo lại cửa phòng cấp cứu, chen đám người đứng bâu đen bên ngoài, giật tung tấm cánh cửa gỗ, mặc cho những lời can ngăn của đám người ngoài cửa. Hà vừa lách qua cánh cửa vào trong phòng, bỗng nghe tiếng nói như quát: “Ai thế? Ra ngay! Chị vào đây làm gì?”. Không phải nhân viên bệnh viện, mà là một người ở văn phòng uỷ ban huyện. Hà biết người ấy chỉ làm mỗi việc tập hợp số liệu cho chánh phó chủ tịch, đấy là Xuê. Nghe tiếng quát của Xuê, mấy nhân viên bệnh viện vội quay ra, một cô mặc áo dài trắng cầm hai cánh tay Hà đẩy ra cửa. Nhưng Hà đã hất được tay cô kia ra, rảo bước quay lại, chỉ tay vào một người mặc áo choàng trắng, đầu bịt mũ trắng, miệng cũng đeo khẩu trang trắng, đang ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh giường người bệnh nằm, giọng nói như rít qua kẽ răng: “Anh Chu, tôi hỏi anh: mẹ tôi bệnh gì mà vào viện suốt từ tối đến giờ các anh không cho được lấy một viên thuốc, cứ để bà cụ kêu rên quằn quại như thế, hả, hả!?”. Một người nam giới cũng từ đầu đến chân mang toàn đồ trắng, như người ngồi ghế đẩu cạnh giường, thấy thế vội quay lại, dạt mấy người đứng lố nhố quanh giường người bệnh, sấn đến trước mặt Hà: “Yêu cầu chị đi ra. Chúng tôi đang có ca cấp cứu!”. Hà cất giọng không kém phần cứng cỏi: “Tôi nói chuyện với trưởng phòng y tế kiêm giám đốc bệnh viện huyện, chứ không nói với anh!”. Người đàn ông xem ra đã tức giận: “Tôi là bác sĩ trực. Tôi có quyền yêu cầu chị ra khỏi đây ngay!”. Đã thế, Hà cũng không cần giữ kẽ, nói ngay: “Tôi là vợ liệt sĩ, mẹ chồng tôi là mẹ đẻ ra liệt sĩ. Vậy có đáng được các anh ưu tiên cấp cứu hay không, các anh bảo?”. Tức thì, người đàn ông nằm trên giường, một nửa mặt, từ gần đỉnh đầu xuống tới hết bên tai trái, quấn kín băng, vội gượng cất đầu lên như kiểu trẻ con mới tập cất đầu, một tay đưa ra phía trước như vẫy vẫy. Người đàn ông mặc đồ trắng ngồi cạnh giường khi nãy Hà gọi là Chu, vội quay lại ra hiệu cho mấy người đứng xung quanh dãn ra, rồi gọi: “Chị Hà ơi, chị vào chủ tịch bảo gì đây này!”. Hà bây giờ nghe Chu nói mới nhìn thẳng vào người nằm trên giường, đang được nhân viên y tế chồng mấy chiếc gối cho cao đầu lên:
“Ối giời, chủ tịch Trường! Em thật có lỗi. Em không biết…”. Người đàn ông trên giường lúc này như nửa nằm nửa ngồi, giọng nói nhỏ, có phần mệt mỏi: “Cô không làm gì nên lỗi. Mà lỗi là ở anh Chu, với mấy anh chị em đây thôi. Mẹ chồng cô bị bệnh gì, hả cô Hà? Bây giờ bà cụ thế nào rồi?”. Đã vào đến đây thì chỉ còn nước đánh bài ngửa nữa thôi, Hà dồn dập nói, như sợ không nói nhanh chưa biết chừng mấy người kia lại không cho nói nữa: “Báo cáo với chủ tịch, là đến giờ chúng em cũng chưa biết bà cụ nhà em bị bệnh gì. Vì y, bác sĩ có khám xét gì cho mẹ em đâu mà biết. Nhưng bà cụ đau ghê lắm, anh ạ. Chỉ một mực ôm bụng kêu suốt từ chập tối đến giờ, đã gần mười giờ đêm rồi, mà ai đời bệnh viện không cho mẹ em được lấy nửa viên thuốc giảm đau. Thử hỏi chính sách ưu tiên ưu đãi gia đình liệt sĩ có còn nữa hay không, hả chủ tịch?”. Câu hỏi bất ngờ, có phần bột phát, kết quả của sự tức giận đợi chờ, lại chĩa ngay vào chủ tịch huyện, chứ không vào giám đốc bệnh viện hay bác sĩ, y sĩ đứng vây quanh giường chủ tịch nằm, bỗng nhiên Trường cũng thấy bối rối. Đành rằng, khi tức giận con người ta có thể đãng trí, mất khôn, nhưng không phải người tỉnh táo, minh mẫn không thể có những lời lẽ nhọn sắc, xoáy vào cân não người nghe như thế được. Vả lại, trong việc để một bà mẹ liệt sĩ nằm chờ từ chập tối tới giờ không thăm khám, không thuốc thang, thậm chí bệnh tật bà cụ ra sao đến con cái người ta cũng chưa biết, thì quả là một lỗi lầm không chỉ cán bộ, nhân viên bệnh viên mà chính anh, với cương vị chủ tịch huyện, cũng có phần phải gánh chịu. Trường bỗng động đậy người, như muốn ngồi hẳn lên, làm Chu và mấy bác sĩ đứng cạnh giường vội sán lại, định giúp Trường một tay xoay lại thế ngồi. Nhưng đã nghe Trường cất giọng rành rẽ: “Bây giờ mình không thấy choáng đầu như lúc mới vào viện nữa. Anh Chu với mấy anh sang xem bà cụ cô Hà bệnh tình gì, thuốc men cho bà cụ chu đáo nhá!”. Chủ tịch huyện chỉ nói chừng ấy thôi, nhưng từ giám đốc đến nhân viên bệnh viện có mặt trong phòng cấp cứu đều răm rắp lui ra. Hà định nói: “Cảm ơn chủ tịch”, nhưng mới quay lại đến đầu giường, nhìn Trường một nửa mặt mang băng trắng, hai con mắt nhỏ và dài nheo nheo như cười với mình, Hà bỗng cúi đầu như tránh cái nhìn của Trường, giọng lí nhí: “Em chào anh, em sang phòng bên!”, rồi bước rảo ra cửa.
Chỉ sau lúc Hà bỗng dưng xông vào phòng cấp cứu chưa đầy một tiếng đồng hồ, bà mẹ chồng Hà được đưa lên bàn mổ, mà có người bảo, nếu để quá mấy tiếng nữa không khéo chỗ ruột thừa vỡ ra thì chí nguy. Khi bà cụ ở bàn mổ xuống, qua phòng hồi sức, rồi sang điều trị ở khoa ngoại, bà con nội tộc, xóm làng, anh em bạn hữu của con, của cháu đến thăm hỏi đều được nghe khi thì chị gái anh rể, khi thì bà cô bá dì, sau nữa là bà cụ tỉnh táo lại cũng không ngớt lời kể với mọi người rằng, không có chị Hà làm dữ thì chưa biết cụ em hôm nay còn được thế này, hay lại đi theo tiên tổ rồi ấy chứ. Hà bỗng trở thành nàng dâu hiếu thảo ít ai bì, lại cũng trở thành người đàn bà đanh đá ít ai sánh. Bởi xưa nay cả huyện này, người bệnh nặng vô thiên ủng, mẹ và vợ liệt sĩ cũng vô vàn, nhưng thử hỏi đã anh đàn ông, chị đàn bà nào dám xông thẳng vào phòng gặp lãnh đạo bệnh viện giữa lúc đang có bệnh nhân cấp cứu bao giờ chưa? Nhất là sau này, một đồn mười, mười đồn trăm, người ta đồn rằng, cô Hà cô ấy biết mười mươi là đang cấp cứu cho ông Trường chủ tịch huyện. Vì việc ông Trường ăn liên hoan ở ngoài trạm ngoại thương về đến gần cổng uỷ ban, không biết mải nghĩ ngợi gì mà đang đi lại ngã quăng cả người và xe ra đường, phải đưa bệnh viện cấp cứu, thì đến nửa huyện này đều biết. May là ngã nằm nghiêng người, nên chỉ bị một nửa mặt bên trái đập xuống đường, còn xe văng ra ngoài, chứ không, xe mà đè lên người có khi còn dập ống chân, phải cưa là cái chắc.
Chẳng khác gì cái lần đầu tiên sau ngày bà mẹ chồng xuất viện, Hà đến uỷ ban xin gặp chủ tịch huyện. Chị gặp về việc gì? Công hay tư? Đã đăng ký ngày giờ xin gặp chưa? Người thường trực uỷ ban soi mói nhìn Hà, dồn dập hỏi. Hà bỗng thấy lúng túng, chưa biết trả lời thế nào. Bởi cả ba câu hỏi kia, có lẽ chỉ có mỗi câu có thể nói ngay được, là xin gặp về việc riêng. Nhưng việc riêng sao lại có thể gặp trong giờ làm việc ở giữa chốn huyện đường. Mà chị là cái thá gì lại đòi gặp chủ tịch huyện về việc riêng vào cái giờ này nhỉ? Ừ phải, Hà là cái thá gì…
Một cô gái nông thôn học xong cấp hai thì được ông cậu, em của mẹ, làm tuyên huấn huyện uỷ xin cho vào hợp tác xã mua bán huyện, làm chân tạp vụ, suốt ngày chỉ lo nước nôi, lau bàn, rửa chén ở mấy phòng làm việc và tiếp khách của ban chủ nhiệm. Mấy năm sau ông cậu được cơ cấu vào chấp hành huyện uỷ, thì cô cháu cũng được cất nhắc từ tạp vụ sang làm thủ quỹ ở phòng tài vụ mua bán huyện. Cũng từ đây, Hà được cử đi học lớp tại chức trường tài chính-kế toán tỉnh. Ba năm đằng đẵng mỗi tuần hai ngày thứ bảy, chủ nhật, mờ sáng đạp xe đi, mờ tối đạp xe về đến nhà, chỉ ăn lưng cơm rồi đi nằm, chứ cũng không còn sức đâu ngõ ngàng đến việc học hành của con nữa. Cũng may con bé học được, lại thêm bà mẹ chồng quý cháu, thương nàng dâu, sớm tối mọi việc cửa nhà Hà chưa về bà cụ đều thu vén đâu vào đấy. Hà dồn sức vào học, để cố lấy tấm bằng trung cấp, hoạ may mới mở mày mở mặt ra được, như lời ông cậu huyện uỷ viên động viên cô cháu gái. Nhưng không may cho Hà, chưa lấy được tấm bằng thì ông cậu bị kỷ luật tuột sạch chức tước, phải đi “hạ phóng” về nông trường cói. Thế là dậu ngã bìm leo, ông cậu xuống nông trường cói thì cô cháu gái học xong trung cấp, với tấm bằng đỏ hẳn hoi, cũng thôi làm thủ quỹ phòng tài vụ, sang làm văn thư hành chính. Hay nói nôm na là chỉ làm mỗi việc vào sổ công văn đi đến và mỗi ngày một lần ra bưu điện huyện nhận công văn, báo chí về cơ quan, rồi phân cho các phòng.
Đời Hà những tưởng cứ trôi đi bình lặng thế, nếu không có cái buổi tối thần tiên, bà mẹ chồng cấp cứu ruột thừa ở bệnh viện huyện.
Hà liền nhớ đến cái tối hôm ở bệnh viện, một liều ba bảy cũng liều, phải nói thác đi mới có thể vào thẳng phòng làm việc của chủ tịch huyện được. Hà nhè nhẹ đưa tay kéo cao cái cổ áo lá sen, để che bớt đi đôi vai và khuôn ngực trắng hồng, rồi bước lên một bước cạnh mép bàn, đối diện với người thường trực, nói lấp lửng, rất khó tách bạch: “Báo cáo với bác là cháu ở bên hợp tác mua bán huyện, sáng nay có điện của chủ tịch gọi sang, không biết về việc gì, nhưng chắc là cần lắm, bác nhỉ”. Hà nói xong, cứ thế xách chiếc túi con quay ra, đi thẳng lên dãy nhà dành cho chánh phó chủ tịch và phòng khách của lãnh đạo huyện. Ông thường trực nhìn Hà bươn bả đi cũng vội xô ghế định đứng lên, nhưng nghĩ thế nào lại ngồi xuống. Người đã nói được câu ấy cũng không phải là người dễ hoạnh hoẹ, vả hoạnh hoẹ làm gì, nhỡ sai hẹn của lãnh đạo, có khi đầu không phải, lại phải tai.
Hà bước vào phòng chủ tịch huyện, giữa lúc Trường đang ngồi cắm cúi viết cái gì đó, vẻ trầm tư, tập trung đến cao độ suy nghĩ vào con chữ. Hà vào phòng, đôi dép lê lướt nhẹ trên nền nhà láng xi măng lâu ngày, nhiều chỗ đã dóc bánh đa. Nếu không có tiếng nói, cũng rất nhẹ và êm, của Hà cất lên, có lẽ Trường không biết có người vừa bước vào: “Em chào chủ tịch ạ!”. Trường giật mình, ngẩng lên: “Cô Hà đấy à! Đến có việc gì, hay mấy cậu bệnh viện lại gây khó dễ cho bà cụ?”. Hà rón rén ngồi xuống đầu ngoài chiếc ghế tựa dài, chỗ bàn uống nước ở góc phòng, hơi chếch với bàn làm việc của Trường một tý. Giọng Hà vẫn nhỏ và êm: “Dạ, mẹ em được xuất viện về nhà rồi ạ. Hôm nay em đến để cảm ơn chủ tịch. Giá hôm ấy không có chủ tịch thì mẹ em…”. Trường vẫn cắm cúi viết, giọng nói cũng rất nhỏ: “Không có gì. Cô uống nước, chờ một tý. Tôi xong rồi đây”. Giây lát, Trường đứng lên, lẹt xẹt đôi dép lê đi lại chiếc ghế tựa đối diện với chiếc ghế dài: “Bà cụ nhà cô được xuất viện rồi à. Thế thì tốt. Sức khoẻ bình phục chưa?”. Hà lúc này đã thấy bớt lúng túng hơn lúc mới vào, nhưng giọng vẫn nhỏ: “Dạ, mẹ em đã ăn được bữa hai lưng cơm và đi lại trong nhà, ngoài sân được rồi ạ”. Trường rót nước ra chiếc chén nhỏ đặt trước mặt Hà, hỏi: “Bà cụ là mẹ chồng cô à? Sinh hạ được mấy anh chị tất cả”. Hà từ tốn: “Dạ. Bố chồng em mất sớm, ông bà chỉ sinh được một chị gái với chồng em thôi ạ. Chị gái lấy chồng cùng làng. Còn bà cụ giờ ở với hai mẹ con em”. Hà vừa nói, vừa đưa tay cầm chén nước để trên bàn con. Nhưng chưa đưa lên môi, mà ngửa bàn tay ra đặt chén nước vào xoay xoay, rồi chậm rãi nhắc lại câu nói lúc mới đến: “Hôm nay em đến để cảm ơn chủ tịch. Giá hôm ấy không có chủ tịch thì mẹ em không biết phải chờ đến bao giờ”. Trường đưa mắt nhìn Hà một giây mà như phát hiện ra bao nhiêu cái đẹp, cái xinh, cái lạ ở người đàn bà đang ngồi trước mặt.
Quái lạ, cô này ở ngoài hợp tác xã mua bán huyện, sao nay mình mới giáp mặt? Ừ, nhìn người thì nhận ra, nhưng nhìn kỹ dung nhan cô ta như thế này thì chưa lần nào. Trường thoáng nghĩ, rồi làm như quên, hỏi lại: “Cô Hà làm ở bộ phận nào ngoài ấy nhỉ?”. “Em làm văn thư hành chính, nên cũng chả hay đi đến đâu”. Hà chỉ nói thế, liền ngước đôi mắt lá răm có hàng mi cong, mảnh và sắc, nhìn thẳng vào khuôn mặt vuông vức, trắng hồng, với làn môi lúc nào cũng có nụ cười thường trực của Trường đang ngồi trước mặt, đầu thoáng ý nghĩ cơ hội đây rồi, vội ỏn ẻn, nhỏ nhẻ, đặc trưng của người đàn bà biết cách nói chuyện với đàn ông háo sắc: “Em suốt ngày chỉ ro ró trong phòng, những khi rỗi việc cũng chả biết đi đâu, buồn nẫu cả người. Thế nên anh không biết em cũng là phải”. Trường trong giây lát như bị giọng nói ỏn ẻn và cái nhìn của Hà thôi miên. Thật lâu lắm, hôm nay mới gặp một nhân viên cơ quan huyện có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu và một giọng nói ngọt như mía lùi thế này. Còn ngày thường không phải không gặp, nhưng phần nhiều là những cô gái còn trẻ, có cô chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu, lại mới đi làm, chuyện trò không thôi cũng rụt rè, ngơ ngác như nghé mới vực. Không mấy khi gặp được một phụ nữ xinh đẹp, lại vừa trang lứa như với cô Hà đây. Lòng rộn ràng một cảm xúc khó tả, Trường đặt hết hai con mắt nhìn xoáy vào vùng ngực khơi gợi, dưới chiếc cổ áo hình lá sen trễ nải của Hà. Như chỉ đợi có thế, Hà từ chiếc ghế dài bên này đứng ngay dậy, bước nhanh sang chiếc ghế đối diện. Cũng vừa lúc Trường đứng dậy khoát rộng vòng tay như ôm bổng Hà lên. Miệng lẩm bẩm một câu như nhắc lại lời Hà ban nãy: “Chả biết đi đâu thì đến chỗ anh là hết buồn nẫu cả người ngay thôi mà!”. Hà đưa cả hai tay bá chặt lấy cổ Trường, rồi rướn cao đầu định hớp môi Trường hôn. Thì vừa lúc Trường buông vội Hà ra: “Để anh đóng cửa lại đã”. Câu nói như một sự báo hiệu bước chuyển đổi cuộc đời người đàn bà đã mười mấy năm chưa gặp lại hơi hướng người đàn ông. Và một khi cái ranh giới mỏng manh, vô hình, vật rào cản vô thức không ai dựng lên, nhưng mặc nhiên tồn tại trong cõi người nơi trần thế, đã bị chính con người phá vỡ, thì cũng giống như cánh cống đã được mở, nước cứ thế thông thống phóng vào đồng với một sức mạnh không gì có thể kiềm chế nổi. Dẫu sau này, một vài lần Trường cũng nhẹ nhàng nhắc khéo Hà: “Em in ít đến chỗ anh có được không”. Nhưng in ít không có nghĩa là không đến. Mà Hà đã đến thì không phải như hồi đầu đi lối cổng chính, giờ Hà đã có hẳn một cái chìa khoá có thể tự mở cái cổng con phía sau dẫy nhà chánh phó chủ tịch, để đi tắt vào phòng Trường. Bởi sau này, trước bàn dân thiên hạ, Hà là em nuôi của Trường, một người đã nhường việc chữa chạy chỗ đau nơi mặt với hàng tá pê-ni-xê-nin, một loại thuốc kháng sinh tốt nhất, bấy giờ chỉ có giám đốc bệnh viện mới có quyền ký giấy xuất thuốc từ kho dược ra, để cho bà cụ mẹ liệt sĩ điều trị chỗ mổ ruột thừa. Thế thì việc Hà nhận Trường làm anh nuôi cũng là một sự trả ơn người đã có lòng cứu sống mẹ chồng mình, cũng là điều không chỉ có Hà, mà cả mẹ chồng Hà và chị gái, anh rể, đều cho là phải đạo.
Mà đã là phải đạo thì mặc nhiên, Hà không những chỉ ra vào chỗ Trường không cần qua lối cổng chính, có bảo vệ suốt ngày đêm, mà còn ra vào nhiều phòng ban của huyện không cần hẹn hò đăng ký trước. Còn chính cơ quan hợp tác xã mua bán huyện, chỗ Hà làm việc, thì chưa đầy một tháng, kể từ sau ngày cái ranh giới mỏng manh bị phá vỡ, Hà từ một nhân viên văn thư hành chính được đề bạt lên phó phòng tài vụ, vì đã học qua trung cấp tài chính-kế toán, lại làm việc ở đây đã lâu, quen người, quen việc rồi - Như lời chủ nhiệm họp tác xã mua bán huyện khi công bố quyết định bổ nhiệm đồng chí Đoàn Thị Thuý Hà giữ chức phó trưởng phòng tài vụ. Vạn sự khởi đầu nan, Hà cứ thế tuần tự như tiến. Cuối năm ấy, ông Nhận, phó chủ nhiệm mua bán huyện về hưu, lẽ ra một trưởng cửa hàng được đề bạt giữ chức vụ ấy, nhưng gần đến ngày ông Nhận rời nhiệm sở, đùng một cái trưởng ban tổ chức chính quyền huyện xuống làm việc riêng với bí thư chi bộ kiêm chủ nhiệm mua bán huyện. Chỉ hai ngày sau, lại đích thân trưởng ban mang quyết định xuống công bố trước cuộc họp chi uỷ và ban chủ nhiệm hợp tác xã mua bán bổ nhiệm đồng chí Hà giữ chức phó chủ nhiệm, thay đồng chí Nhận về hưu. Với lời giải thích nghe cũng hợp lý hợp tình, đồng chí Hà là nữ, mà nữ là thuộc diện ưu tiên, thêm nữa, lại có trình độ trung cấp tài chính-kế toán, rất cần đối với một đơn vị hoạt động kinh doanh như hợp tác xã mua bán huyện nhà. Có lẽ chỉ với ưu thế đặc biệt nổi trội ấy mà Hà nhận chức phó chủ nhiệm chưa được nửa năm, thì giời ơi đất hỡi thế nào, ông Thất, chủ nhiệm mua bán huyện, lại được điều lên làm phó chủ nhiệm liên hiệp họp tác xã mua bán tỉnh. Dĩ nhiên, chức chủ nhiệm mua bán huyện không thể rơi vào ai khác là đồng chí Hà, một cán bộ nữ có trình độ, lại năng nổ, xốc vác - Theo cách đánh giá của phó bí thư huyện uỷ kiêm chủ tịch uỷ ban huyện Đào Trọng Trường trong cuộc hội ý thường trực huyện uỷ để bố trí người thay ông Thất. Không biết ở đời còn cái may nào giống cái may của Hà đã gặp sau gần ba năm, kể từ cái buổi tối bà mẹ chồng phải đưa lên bệnh viện, Hà dám xông thẳng vào phòng cấp cứu giữa lúc các thầy thuốc đang cuống lên, lo cho chỗ vết thương ngã xe máy của chủ tịch huyện. Quả là một buổi tối thần tiên, một buổi tối đổi đời, một buổi tối… Cũng chẳng còn từ ngữ nào diễn tả nổi cái buổi tối hôm ấy đối với Hà là một buổi tối gì gì nữa.
Chỉ biết, Hà trong lúc chờ đợi gặp Trường từ trên hội trường đảng tỉnh đi ra, lòng rộn lên bao ý nghĩ như người mộng du. Những giây phút đợi chờ cũng vì thế nhẹ nhàng trôi không chút nặng nề, khắc khoải. Nghĩ thì nghĩ, nhưng mắt Hà vẫn đặt vào toà nhà cao to, nghiêm cẩn như một giảng đường trước mặt. Kia rồi, người đàn ông tầm thước, nước da trắng trẻo, với nụ cười thường trực trên môi và một dáng đi tay cứ vung va vung vẩy như quặt ra phía sau, từ lâu dù nhìn mãi đằng xa Hà cũng không thể lẫn với bất cứ người đàn ông nào, đang từ cửa chính hội trường bước từng bậc xuống sân, đi nhanh ra nhà thường trực. Hà xách cái túi đê trong chiếc nón trên ghế, ngó đầu sang phòng bên chào ông thường trực, rồi bước vội ra cửa. Trường vừa nhìn thấy Hà, lòng bỗng xốn xang:
- Anh lại cứ tưởng ai gặp cơ. Thì ra là em!
- Anh không ngờ em lại có thể tìm tới đây gặp anh chứ gì?
Hai người đã đứng đối diện nhau. Bốn con mắt nhìn nhau như thể hàng năm nay mới gặp. Trường xác nhận:
- Ừ, anh không nghĩ em đã về. Chuyến đi miền Nam tốt đẹp không em? Lương thực mua được bao nhiêu? Ở nhà đang gay go, ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả. Càng những ngày giáp hạt càng đói vàng con mắt.
Nghe Trường hỏi dồn dập, Hà hiểu ngay anh đang lo lắng đời sống của bà con trong kỳ giáp hạt này. Đứng ở đây xin ý kiến có khi lại xôi hỏng bỏng không cũng chưa biết chừng, Hà liền nói:
- Việc còn nhiều lắm. Anh có phòng nghỉ ở đây không? Anh em mình phải ngồi lâu lâu một tý, em mới báo cáo hết với anh được.
Trường nhìn Hà, mắt hơi nheo lại:
- Thế cũng được. Ta lên trên này.