Nghệ thuật đua xe trong mưa - Chương 33 - 34 - 35 - 36

33

Rất nhiều chuyện xảy đến cho Denny trong vụ kiện giám hộ liên quan đến Zoë cũng như những lời buộc tội cưỡng hiếp trẻ em ở cấp độ ba tôi không được chứng kiến. Những sự kiện này kéo dài gần ba năm trời trong đời chúng tôi, vì một trong các chiến thuật của lão Maxwell và bà Trish là kéo dài việc tố tụng để Denny sạch túi và bẻ gãy ý chí của ông, cũng như để đọ với cái mong muốn của ông được thấy Zoë lớn lên trong một môi trường thương yêu và nâng đỡ. Rất nhiều thông tin tôi không được phép biết. Ví dụ, tôi không được mời đến dự phiên xử nào cả. Tôi chỉ được phép có mặt trong một vài cuộc hẹn của Denny với luật sư, Mark Fein, cụ thể là, những cuộc gặp diễn ra tại quán cà phê Victrola (vì Mark Fein thích cô pha chế đeo khoen lông mày và có đôi mắt màu sôcôla đen). Tôi đã không theo Denny đến đồn cảnh sát sau khi ông bị bắt. Tôi không có mặt mà thấy ông bị bắt giam ở đồn, bị buộc tội, rồi bị kiểm tra phát hiện nói dối sau đó.

Rất nhiều những gì tôi sắp kể cho các anh nghe về cuộc thử thách theo sau cái chết của Eve là một sự tái hiện dựa trên thông tin tôi tổng hợp lại từ những gì được biết gián tiếp, những cuộc chuyện trò nghe lỏm được, và các thủ tục pháp lí theo luật định như tôi đã lượm lặt được từ nhiều chương trình truyền hình khác nhau, nhất là loạt phim nhiều tập Law & Order và các sản phẩm phái sinh của nó, rồi Special Victims Unit, Criminal Intent, và cuốn phim bị nói xấu rất nhiều là Trial by Jury. Các chi tiết tiếp theo liên quan đến phương pháp và thuật ngữ giới cảnh sát thì dựa trên hai trong số các chương trình truyền hình hay nhất trong lịch sử thể loại đó: The rockford files, do James Garner thủ vai, người cũng đóng trong bộ phim đua xe tuyệt vời, Grand Prix; và dĩ nhiên, phim về cảnh sát hay nhất trong tất cả, Columbo, do Peter Falk tuyệt vời và thông minh lạ thường thủ vai Columbo. (Diễn viên ưa thích đứng thứ sáu của tôi là Peter Falk.) Và, cuối cùng, những gì tôi biết về tòa án chỉ dựa trên tác phẩm của nhà viết kịch về tòa án tài giỏi nhất trong tất cả, Sidney Lumet, nhiều phim của ông, trong đó có The verdict12 angry men, đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với tôi, và, như một lời chua thêm, tôi muốn nói ông phân vai Al Pacino trong phim Dog day afternoon thì đúng là thiên tài.

Ý định của tôi, ở đây, là kể câu chuyện của chúng tôi một cách trung thực đầy kịch tính. Mặc dù các sự kiện có thể là không mấy chính xác song xin vui lòng hiểu cho rằng cảm xúc thì chân thật. Ý định thì chân thật. Và, nói một cách đầy kịch tính thì, ý định là tất cả.

34

Họ giải ông tới một căn phòng nhỏ có một cái bàn rộng và nhiều ghế dựa. Tường có khoét mấy ô cửa trông ra văn phòng bao quanh, đầy cảnh sát điều tra đang làm việc bên bàn, cũng y như trong Law & Order. Những tấm mành tre lọc ánh sáng xanh bò vào phòng, làm bàn và sàn nhà gợn sóng lăn tăn những cái bóng dài.

Chẳng ai ngó ngàng đến ông. Không có tên cớm xấu xa nào véo tai hay phang cuốn niên giám điện thoại vào ông hay nghiền mấy ngón tay ông dưới cửa hay nện đầu ông vào bảng, như thường thấy trên truyền hình. Không. Sau khi bị bắt, bị lấy dấu tay và chụp hình rồi, ông bị đưa vào một căn phòng, một mình, và bị bỏ đó, như thể cảnh sát đã quên béng ông rồi. Ông ngồi một mình. Cứ ngồi hàng giờ mà không có gì. Không cà phê, không nước uống, không nhà vệ sinh, không đài. Không có gì để khuây lãng. Tội ác của ông, sự trừng phạt dành cho ông và chính ông. Một mình.

Ông có tuyệt vọng không? Ông có âm thầm tự trách là đã để mình rơi vào hoàn cảnh ấy không? Hay cuối cùng ông cũng đã nhận ra sống như tôi thì ra sao, làm chó ấy? Ông có hiểu, khi những giờ khắc bất tận đó tích tắc trôi đi, rằng một mình không phải là đơn độc? Rằng một mình là tình trạng trung tính; như thể một con cá mù dưới đáy biển: không thấy, và vì vậy mà không có phán đoán. Có thể không? Rằng cái quanh tôi không ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi; tâm trạng tôi ảnh hưởng đến cái quanh tôi? Có đúng vậy không? Denny có thể đã đánh giá cao tính chất chủ quan của sự đơn độc, là cái gì đó chỉ tồn tại trong tâm trí, không tồn tại trên cõi đời, và như một con vi rút, không thể sống sót mà không có vật chủ tình nguyện?

Tôi thích nghĩ rằng ông ở một mình trong thời gian đó, nhưng không đơn độc. Tôi muốn nghĩ rằng ông đã nghĩ về tình cảnh của mình, nhưng không hề tuyệt vọng.

Thế rồi Mark Fein xông ào vào quận Đông trên đồi Capitol ở Seattle; ông ta lao vào và bắt đầu quát tháo. Đó là phong cách bão bùng của Mark Fein. Bừng bừng. Bão lửa. Bặm trợn. Bạo gan. Mark Fein là một chữ B. Ông có hình dáng như chữ cái đó, và ông hành xử như chữ cái đó. Bốc đồng. Bỗ bã. Béo tốt. Bừng bừng. Ông xô toang cửa, hất tung cái bàn, quát toáng gã trung úy cảnh sát đang trực, và bảo lãnh Denny ra.

“Thế này là thế quái nào đây, Dennis?” Mark hỏi ở ngoài góc phố.

“Chẳng có gì cả,” Denny nói, hờ hững với câu chuyện.

“Rất gì cả đấy! Một đứa mười lăm tuổi sao? Dennis! Chẳng có gì thế quái nào được!”

“Con bé nói dối.”

“Thế sao? Anh có quan hệ với đứa con gái này không?”

“Không.”

“Anh có thâm nhập vào cô ta qua bất kì lỗ nào bằng cơ quan sinh dục hay bất kì vật nào không?”

Denny nhìn chằm chằm Mark Fein và không chịu trả lời.

“Đây là một phần trong kế hoạch, anh có thấy vậy không?” Mark nói, thất vọng. “Tôi đã chẳng hiểu nổi sao họ lại có thể đệ cái đơn đòi quyền giám hộ vớ vẩn thế, nhưng chuyện này làm thay đổi mọi thứ.”

Denny vẫn không nói gì.

“Một kẻ ấu dâm. Một tội phạm tình dục. Một kẻ hiếp dâm. Một kẻ gạ gẫm trẻ em. Mấy thuật ngữ này có khớp vào đâu trong cái khái niệm về lợi ích cao nhất cho đứa trẻ không?”

Denny nghiến răng; cơ hàm ông lồi lên.

“Văn phòng tôi, tám rưỡi sáng mai,” Mark nói. “Đừng có tới muộn.”

Denny bừng bừng.

“Zoë đâu?” ông hỏi.

Mark Fein cắm gót giày xuống vỉa hè.

“Họ đến chỗ con bé trước khi tôi kịp tới,” ông nói. “Sắp xếp thời gian vụ này không phải là một sự tình cờ đâu.”

“Tôi sẽ đi đón nó về,” Denny nói.

“Đừng!” Mark gắt. “Cứ để mặc họ. Giờ không phải lúc làm chuyện anh hùng đâu. Khi anh bị kẹt trong cát lún, chuyện tệ hại nhất anh làm là vùng vẫy đấy.”

“Vậy là giờ tôi đang kẹt trong cát lún sao?” Denny hỏi.

“Dennis, ngay lúc này anh đang kẹt trong thứ cát lún nhất trong mọi thứ cát lún có thể có đấy.”

Denny quành xe lại và chạy đi.

“Và đừng có đi khỏi tiểu bang,” Mark gọi với theo ông. “Và, lạy Chúa Jesus, Dennis, đừng dù chỉ là nhìn một đứa con gái mười lăm tuổi nữa!”

Nhưng Denny đã rẽ ở góc đường và đi mất rồi.

35

Bàn tay là cửa sổ nhìn vào tâm hồn người đàn ông. Cứ xem đủ mấy cuốn video trong xe của các tay đua thì anh sẽ thấy cái đúng của câu này. Tay nắm cứng ngắc, căng thẳng của một tay đua thể hiện phong cách lái cứng nhắc, căng thẳng của y. Bàn tay bồn chồn xê dịch của một tay đua khác cho thấy y không thoải mái trong xe. Bàn tay của tay đua nên thoải mái, nhạy cảm, tỉnh thức. Rất nhiều thông tin được truyền đạt qua vô lăng xe; tay cầm chặt quá hay căng thẳng quá thì sẽ làm cho thông tin không được truyền đến não.

Họ nói rằng các giác quan không hoạt động một mình, mà đúng hơn là phối hợp cùng nhau ở một nơi đặc biệt trong não, nơi đó tạo ra bức tranh về toàn bộ cơ thể: các tế bào cảm ứng dưới da cho não biết về áp lực, cái đau, cái nóng; các tế bào cảm ứng nơi khớp và gân cho não biết về vị trí của cơ thể trong không gian; các tế bào cảm ứng ở tai thì cho não biết về sự thăng bằng đường đua; còn các tế bào cảm ứng trong nội tạng chỉ ra tình trạng cảm xúc của một người. Với một tay đua thì tự nguyện hạn chế một kênh thông tin là điều ngu ngốc; để cho thông tin trôi chảy thông suốt được thì lại là điều siêu phàm.

Nhìn thấy hai bàn tay Denny run run, tôi cũng buồn phiền như ông vậy. Sau cái chết của Eve, ông nhìn bàn tay mình thường xuyên, giơ nó lên trước mắt như thể nó không thật sự là tay của mình, đưa nó lên và nhìn nó run run. Ông cố không để ai thấy khi làm vậy. “Mệt mỏi,” ông thường nói với tôi mỗi khi ông bắt gặp tôi đang nhìn ông kiểm hai bàn tay mình. “Căng thẳng.” Rồi ông đút hai tay vào túi quần và để yên đó, khuất mắt.

Tối muộn hôm ấy khi Mike và Tony chở tôi về nhà thì Denny đang ngồi chờ trên hiên tối, hai tay đút túi quần.

“Không chỉ là tớ không muốn nói về chuyện này,” ông nói với họ, “mà Mark cũng dặn tớ không được nói. Vậy đấy.”

Họ đứng nơi lối đi bộ, ngước nhìn ông.

“Bọn tớ vào được không?” Mike hỏi.

“Thôi,” Denny đáp, và rồi, biết sự cộc lốc của mình, cố phân trần. “Tớ không thích có người bên cạnh ngay lúc này.”

Họ nhìn ông chằm chằm một lát.

“Cậu không phải nói về cái đang xảy ra đâu,” Mike nói. “Nhưng nói ra được thì tốt. Cậu không thể cứ giữ mọi thứ trong lòng. Vậy không tốt đâu.”

“Có lẽ cậu nói có lí,” Denny nói. “Nhưng đó không phải là cách của tớ. Tớ chỉ cần... tiêu hóa... cái đang diễn ra, rồi tớ mới nói ra được. Nhưng không phải lúc này.”

Cả Mike lẫn Tony chẳng ai nhúc nhích. Giống như họ đang cân nhắc xem họ sẽ tôn trọng yêu cầu của Denny được yên một mình hay họ sẽ lấn qua ông vào trong nhà và buộc ông phải có bầu bạn. Họ nhìn nhau, và tôi ngửi thấy được sự bứt rứt của họ; tôi ước gì Denny cảm hiểu được mức độ lo lắng họ dành cho ông.

“Cậu sẽ không sao chứ?” Mike hỏi. “Bọn tớ không phải lo rằng lò ga bị bỏ quên chưa tắt còn cậu thì châm thuốc hay gì đó chứ?”

“Nhà tớ dùng lò điện mà,” Denny nói. “Vả lại tớ không hút thuốc.”

“Cậu ta sẽ ổn mà,” Tony nói với Mike.

“Cậu có muốn bọn tớ trông Enzo hay gì đấy không?” Mike hỏi.

“Không.”

“Mua cho cậu ít hàng tạp hóa?”

Denny lắc đầu.

“Cậu ta sẽ ổn thôi mà,” Tony lại nói, rồi kéo tay Mike.

“Điện thoại tớ lúc nào cũng mở,” Mike nói. “Đường dây nóng gỡ rối 24/24 giờ. Cần trò chuyện, cần bất cứ gì, cứ gọi cho tớ.”

Họ rút lui xuống lối đi.

“Bọn tớ cho Enzo ăn rồi đấy nhé!” Mike từ lối ra gọi lại.

Họ đi rồi, Denny và tôi vào nhà. Ông rút tay trong túi ra đưa lên mà nhìn nó đang run.

“Mấy kẻ hiếp dâm không được giám hộ con gái nhỏ của mình,” ông nói. “Thấy đã thành công chưa?”

Tôi theo ông vào bếp, thoáng lo là ông đã dối Mike và Tony và rằng có lẽ suy cho cùng thì chúng tôi có lò ga. Nhưng ông không đi lại lò, ông đến bên tủ chén lấy ra một cái li. Rồi ông thò tay vào chỗ để rượu lấy ra một chai. Ông rót ra một li.

Thật phi lí. Suy sụp, căng thẳng, tay run, và giờ ông sắp sửa làm mình say sưa? Tôi chẳng thể tha thứ được chuyện đó. Tôi sủa ầm lên với ông.

Ông nhìn xuống tôi, li rượu trong tay, còn tôi nhìn lên ông. Tôi mà có hai tay thì tôi đã khui một chai mà phang ông rồi.

“Có chuyện gì sao, Enzo, mày thấy rập khuôn quá hả?”

Tôi lại sủa. Tôi thấy cái khuôn này thảm hại quá đi rồi.

“Đừng có phán xét tao,” ông nói. “Đó không phải việc của mày. Việc của mày là ủng hộ tao, không phải phán xét tao.”

Ông uống li rượu rồi trừng mắt nhìn tôi, còn tôi phán xét ông. Ông cư xử đúng y như họ muốn. Họ đang làm ông rối bời, còn ông sắp sửa rút lui, rồi mọi chuyện sẽ chấm hết và tôi sẽ phải sống hết đời với một gã nghiện rượu chẳng có gì để làm ngoài ngây cặp mắt đờ đẫn nhìn những hình ảnh lóe lên trên màn hình TV. Đây đâu phải là Denny của tôi. Đấy là một nhân vật đáng thương trong một phim truyền hình cũ rích. Và tôi chẳng thích hắn ta tí nào.

Tôi bỏ ra khỏi phòng nghĩ là mình sẽ đi ngủ, nhưng tôi không muốn ngủ cùng phòng với kẻ mạo danh Denny này. Chỉ là bản sao Denny. Tôi đi vào phòng ngủ của Zoë, cuộn tròn trên sàn cạnh giường cô bé, và cố chợp mắt. Zoë là người duy nhất tôi đã bỏ rơi.

Lúc sau - dù tôi không biết là bao lâu - ông đứng ở ngưỡng cửa.

“Lần đầu tiên tao chở mày trong xe tao là khi mày hãy còn là một con cún, mày đã ọe ra đầy cả ghế,” ông nói với tôi. “Nhưng tao đã không mất hết hi vọng về mày.”

Tôi ngóc đầu lên, không hiểu ý ông.

“Tao cất rượu đi rồi,” ông nói. “Tao cừ hơn vậy.”

Ông quay lưng bỏ đi. Tôi nghe thấy ông đi quanh trong phòng khách và rồi bật TV lên.

Vậy là ông đã không tuyệt vọng rơi xuống đáy chai, nơi ẩn náu của kẻ yếu đuối và kẻ ủy mị. Ông đã hiểu ý tôi. Cử chỉ là tất cả những gì tôi có.

Tôi thấy ông ngồi bên ghế dài xem một cuốn video quay Eve, Zoë, và tôi từ nhiều năm trước, hồi chúng tôi đến Long Beach, trên bờ Washington: Zoë mới chập chững biết đi. Tôi nhớ rõ kì cuối tuần đó; chúng tôi ai nấy đều còn rất trẻ, dường như vậy, đuổi diều trên bãi biển rộng trải dài hàng dặm. Tôi ngồi xuống cạnh ghế dài và cũng xem. Chúng tôi đã rất hồn nhiên; chúng tôi đã không biết con đường sẽ đưa chúng tôi đi đâu, không biết rằng sẽ có lúc chúng tôi phải phân li. Bãi biển, đại dương, bầu trời. Nó ở đó cho chúng tôi và chỉ chúng tôi mà thôi. Một thế giới bao la vô tận.

“Chẳng có cuộc đua nào thắng ở góc đầu tiên,” ông nói. “Nhưng rất nhiều cuộc đua đã thua tại đó.”

Tôi nhìn ông. Ông đưa tay ra, đặt tay trên đỉnh đầu tôi, và gãi tai tôi như ông vẫn làm.

“Phải,” ông nói với tôi. “Nếu ta sắp thành một kiểu rập khuôn, thì hãy là một cái khuôn lạc quan.”

Phải: cuộc đua còn dài - để về đích đầu tiên, đầu tiên ta phải về đến đích.

36

Có rất ít thứ mà tôi thích hơn một cuộc đi dạo ra trò thật lâu trong mưa phùn Seattle. Tôi chẳng màng cái nặng nề của mưa thật; tôi thích màn sương mù, cái cảm giác những hạt li ti trên mõm và mí mắt tôi. Cái trong lành của không khí, đột nhiên đẫm khí ôzôn và các ion âm. Trong khi mưa nặng nề và có thể phủ lấp mùi thơm, một cơn mưa rào nhẹ thực ra lại làm khuếch đại các mùi; giải phóng các phân tử, làm cho mùi bừng dậy, và rồi đưa nó qua không khí đến mũi tôi. Chính vì vậy mà tôi yêu Seattle hơn bất cứ nơi nào khác, hơn cả công viên Đường đua Đồi Sấm. Vì, dù mùa hè rất khô, nhưng một khi mùa ẩm ướt bắt đầu, không một ngày nào trôi qua mà không có cơn mưa phùn tôi yêu vô cùng.

Denny dẫn tôi đi dạo trong mưa phùn, tôi say mê thưởng thức. Eve chỉ mới mất được ít ngày, nhưng từ khi cô mất, tôi cảm thấy bị dồn nén và bức bối, cứ ngồi mãi với Denny ở nhà, hít đi thở lại mãi vẫn cái không khí tù đọng. Denny xem ra cũng khao khát một sự thay đổi; thay vì quần jean, áo lạnh, và áo mưa vàng, ông mặc quần sẫm màu, rồi ông vận măng tô đen bên ngoài áo len cashmere cao cổ dài tay.

Chúng tôi đi bộ rời thung lũng Madison về hướng Bắc rồi vào Arboretum. Khi đã đi quá vùng nguy hiểm rồi, nơi chẳng có đường đi bộ và xe cộ chạy quá giới hạn tốc độ an toàn, chúng tôi rẽ qua một con đường nhỏ hơn, rồi Denny tháo dây cho tôi.

Đây là cái tôi khoái làm: tôi thích chạy qua một cánh đồng cỏ ướt lâu lâu chưa bị cắt, tôi thích chạy, rà mõm sát đất để cỏ và những tia nước lóng lánh phủ mặt mình. Tôi tưởng tượng mình là một cái máy hút bụi, hút vào tất cả mùi, cả sự sống, một đọt cỏ ngày hè. Nó làm tôi nhớ về thời thơ ấu của mình, từ hồi còn ở nông trại Spangle, nơi chẳng có mưa, nhưng lại có cỏ, ở đó có những cánh đồng, và tôi đã chạy.

Ngày hôm ấy tôi cứ chạy mãi. Còn Denny tiếp tục đi bộ, cứ bước đều. Đến chỗ thường quành lại, chúng tôi cứ đi tiếp. Chúng tôi băng qua cây cầu dành cho khách bộ hành rồi đi vòng vèo lên Montlake. Denny cột dây lại cho tôi rồi chúng tôi băng qua một con đường rộng hơn và thế là đã ở một công viên khác rồi! Tôi cũng thích công viên này. Nhưng nó khác.

“Interlaken,” Denny nói với tôi khi thả dây cho tôi.

Interlaken. Công viên này không phải là cánh đồng hay bình nguyên bằng phẳng. Nó là một khe núi lởm chởm và quanh co phủ cây leo, bụi rậm và thảm cây phủ đất, được một cây cao nhất với tàng lá rợp bóng che chở. Nó thật tuyệt vời. Trong khi Denny đi men theo con đường thì tôi phóng dọc sườn đồi, nấp trong bụi cây thấp và vờ mình là điệp viên, hay cắm đầu cắm cổ phóc qua những chướng ngại vật và giả làm dã thú như trong phim, săn đuổi cái gì đó, dò theo con mồi.

Một hồi lâu chúng tôi đi và chạy trong công viên này hồi lâu, cứ mỗi bước của Denny là tôi phải chạy năm bước, cho đến khi tôi mệt nhoài và khát khô. Chúng tôi ra khỏi công viên rồi đi bộ vào một khu lân cận mà tôi thấy lạ. Denny ghé một quán cà phê để mua cho mình tách cà phê. Ông mua ít nước cho tôi, đựng trong một cái cốc giấy nên khó uống, nhưng dù gì thì cũng làm tôi đã khát.

Rồi chúng tôi đi tiếp.

Tôi vẫn luôn thích hoạt động và đi bộ, nhất là với Denny, bạn đi bộ ưa thích nhất của tôi, và nhất là trong mưa phùn, nhưng tôi cũng phải thú nhận, lúc đó tôi mệt đi thật. Chúng tôi đã ở ngoài trời hơn hai giờ đồng hồ rồi, và sau một hồi đi dạo lâu như vậy, tôi thích về nhà để được lau khô vui vẻ, và rồi nằm xuống chợp mắt một giấc ra trò. Nhưng chẳng có ngủ ngáy gì cả; chúng tôi cứ tiếp tục đi.

Tôi nhận ra đại lộ Mười lăm khi chúng tôi tới nơi, và tôi biết công viên Volunteer khá rõ. Nhưng tôi ngạc nhiên khi chúng tôi đi vào nghĩa trang Lake View. Dĩ nhiên, tôi biết tầm quan trọng của nghĩa trang Lake View, dù chưa hề đến đó. Tôi đã xem một phim tài liệu về Bruce Lee; Lake View là nơi ông được chôn cất, cạnh con trai mình, Brandon, anh ta là một diễn viên tuyệt vời nhưng yểu mệnh. Tôi cảm thấy buồn cho Brandon Lee, vì anh ta trở thành nạn nhân của lời nguyền dòng họ, mà cũng vì cuốn phim cuối cùng anh ta đóng là Con quạ, cái nhan để gở cho một phim không may dựa trên một cuốn truyện tranh do người nào đó rõ ràng là không biết gì về chân tướng bọn quạ viết. Nhưng chuyện đó là để bàn vào lúc khác. Chúng tôi vào nghĩa trang, nhưng không đi tìm mộ của Bruce hay Brandon Lee, hai diễn viên rất hay. Chúng tôi tìm cái gì khác. Lần theo con đường lát đá về phía Bắc chúng tôi đi vòng ngọn đồi chính giữa và bắt gặp một cái lều dựng tạm, bên dưới có nhiều người tụ tập.

Tất cả họ đều ăn mặc chỉnh tề còn những người không được tấm bạt che mưa phùn thì cầm dù. Tức thì, tôi thấy Zoë.

À. Công tắc đèn đánh tách trong đầu tôi - nó hoặc là đang bật hoặc là đang tắt. Denny đã ăn mặc tử tế để đến dự sự kiện này đây.

Chúng tôi đi lại gần mấy người đó, đứng khá lộn xộn, tha thẩn, không cùng một chú tâm chung. Lễ vẫn chưa cử hành.

Chúng tôi đã tới rất gần họ, và rồi, bất thần, ai đó từ trong nhóm bước ra. Một người đàn ông. Và rồi một người đàn ông nữa, rồi một người nữa. Ba người họ bước về phía chúng tôi.

Một trong số họ là lão Maxwell. Hai người kia là anh của Eve mà tôi chẳng hề biết tên vì họ rất hiếm khi ló mặt.

“Anh không được phép đến đây,” Maxwell nói lạnh lùng.

“Cô ấy là vợ tôi,” Denny nói điềm đạm. “Mẹ của con tôi.”

Cô bé đang ở đây, đứa con ấy. Zoë nhìn thấy bố mình. Cô bé vẫy vẫy ông, và ông vẫy lại.

“Anh không được phép đến đây,” Maxwell lại nói. “Đi đi, nếu không tôi sẽ gọi cảnh sát.”

Hai ông anh sửng cồ lên. Tư thế sẵn sàng đánh đấm.

“Ông đã gọi họ rồi mà, không phải sao?” Denny hỏi.

Lão Maxwell cười khẩy với Denny.

“Anh đã được cảnh cáo rồi mà,” lão ta nói.

“Sao ông lại làm chuyện này?”

Lão Maxwell sấn tới sát trước mặt Denny.

“Anh chưa hề tử tế với Eve,” Maxwell nói. “Và sau những gì anh làm với Annika, tôi sẽ không giao phó Zoë cho anh đâu.”

“Đêm đó chẳng có gì xảy ra cả... “

Nhưng lão Maxwell đã quay lưng rồi. “Hãy đưa ông Swift ra khỏi đây,” lão nói với hai đứa con trai, rồi cộc lốc bỏ đi.

Từ xa, tôi thấy Zoë, không nhịn lâu hơn được nữa; cô bé nhảy ra khỏi ghế ngồi và chạy tới chỗ chúng tôi.

“Cút đi,” một trong hai người đàn ông nói.

“Đây là đám tang vợ tôi,” Denny nói. “Tôi sẽ ở lại.”

“Cút ra khỏi đây đi,” gã đàn ông kia nói, đấm vào mạng sườn Denny.

“Cứ đấm tôi đi nếu các anh muốn,” Denny nói. “Tôi không đánh lại đâu.”

“Đồ gạ gẫm trẻ con!” người đàn ông ban đầu rít lên, vung hai bàn tay vào ngực Denny. Denny bình chân như vại. Người đàn ông vẫn thường chạy chiếc xe ngàn cân với tốc độ trăm bảy mươi dặm một giờ không bối rối bởi tiếng ngỗng kêu.

Zoë chạy ùa tới chỗ chúng tôi và nhảy xô vào Denny. Ông nhấc bổng cô bé lên, bế bên hông rồi hôn má cô.

“Cưng của bố thế nào?” ông hỏi.

“Bố của con thế nào?” cô bé đáp.

“Bố đang xoay xở,” ông nói. Ông quay qua ông anh vừa mới đấm ông. “Xin lỗi, tôi không nghe kịp cái anh vừa nói. Có lẽ anh muốn lặp lại trước mặt con gái tôi?”

Người đàn ông lùi lại một bước, và rồi bà Trish hấp tấp chạy tới chỗ chúng tôi. Bà ta chen vào giữa Denny và hai ông anh. Bà bảo họ đi đi, rồi bà quay qua Denny.

“Làm ơn đi,” bà ta nói. “Tôi hiểu tại sao anh ở đây, nhưng không thể làm thế này được. Tôi thực tình nghĩ anh không nên ở lại.” Bà ta chần chừ một lát rồi nói: “Tôi lấy làm tiếc. Chắc anh đã rất lẻ loi.”

Denny không đáp. Tôi ngước nhìn ông, mắt ông đẫm lệ. Zoë cũng nhận thấy và òa khóc theo ông.

“Khóc thì được thôi,” cô bé nói. “Bà nói khóc có ích vì nó làm vơi nỗi đau.”

Ông nhìn Zoë một hồi lâu, cô bé cũng nhìn ông. Rồi ông thở dài buồn bã.

“Con sẽ giúp ông bà mạnh mẽ, được chứ?” ông nói. “Bố có một số việc quan trọng phải lo. Về mẹ. Có những chuyện cần phải làm xong.”

“Con hiểu ạ,” cô bé nói.

“Con sẽ ở lại với ông bà một thời gian nữa, cho đến khi bố giải quyết xong mọi việc, được chứ?”

“Ông bà bảo con là con phải ở với ông bà một thời gian.”

“À,” ông buồn bã nói. “Ông bà rất giỏi lo xa.”

“Tất cả chúng ta có thể thỏa thuận mà,” bà Trish nói. “Tôi biết anh không phải người xấu...”

“Không thỏa thuận gì cả,” Denny nói.

“Dần dần rồi anh sẽ thấy. Đó là điều tốt nhất cho Zoë.”

“Enzo!” Thình lình Zoë la lên, thấy ra tôi đang đứng dưới chân cô. Cô ngọ nguậy tụt xuống và ôm cổ tôi. “Enzo!”

Tôi ngạc nhiên và hài lòng vì lời chào nồng nhiệt của cô bé nên liếm mặt cô.

Bà Trish ngả người về phía Denny.

“Chắc hẳn anh nhớ Eve ghê lắm,” bà ta thì thầm với ông. “Nhưng lợi dụng một đứa con gái mười lăm tuổi...”

Denny bất thần thẳng người và lùi ra.

“Zo,” ông nói. “Enzo và bố định đi quan sát từ một vị trí đặc biệt. Đi nào, Enzo.”

Ông cúi xuống hôn lên trán cô bé, rồi chúng tôi bỏ đi.

Zoë và bà Trish nhìn chúng tôi đi. Chúng tôi tiếp tục lên lối đi vòng tròn rồi cuốc bộ lên con dốc tới đỉnh một ngọn đồi, nơi đó chúng tôi đứng dưới những tán cây, và, được che chở khỏi làn mưa lất phất, nhìn toàn cảnh. Người ta đứng nghiêm. Người đàn ông đọc sách. Người ta đặt hoa hồng lên quan tài. Và rồi ai nấy lên xe ra về.

Chúng tôi ở lại. Chúng tôi chờ cho mấy người làm công đến dỡ lều. Mấy nhân công đến dùng một cái dụng cụ tời kì lạ để hạ quan tài xuống lòng đất.

Chúng tôi ở lại. Chúng tôi nhìn mấy người đàn ông cùng chiếc xe dây xích nhỏ xúc hết chỗ đất đổ lên trên cô. Chúng tôi chờ.

Khi tất cả họ đã đi rồi, chúng tôi xuống đồi rồi đứng trước cái ụ đất mà khóc. Chúng tôi quỳ xuống khóc, rồi vốc những nắm đất, gò đất, và rồi cảm thấy chút sau cùng, phần cuối cùng của cô ấy mà chúng tôi có thể cảm thấy, vậy là cứ thế khóc.

Rồi cuối cùng, khi không còn khóc được nữa, chúng tôi đứng lên. Chúng tôi bắt đầu đi bộ một thôi dài về để nhà.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3