Mạng Nhện Của Charlotte - Chương 01 - 02 -03

{Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách}

CHƯƠNG 1: TRƯỚC BỮA ĐIỂM TÂM

- Bố mang rìu đi đâu thế? - Fern hỏi mẹ trong lúc hai mẹ con đang dọn bàn chuẩn bị bữa sáng. 

- Ra chuồng lợn con ạ. - Bà Arable trả lời - Đêm qua có mấy con lợn con mới đẻ. 

- Con không hiểu tại sao bố lại cần đến rìu? - Fern, cô bé mới lên tám tiếp tục hỏi. 

- À, - bà mẹ đáp - có một con lợn bị còi. Nó rất nhỏ và yếu, sẽ chẳng được tích sự gì. Vì vậy bố quyết định bỏ nó. 

- Bỏ nó ư? - Fern kêu lên - Mẹ định nói là giết nó ư? Chỉ vì nó nhỏ hơn các con khác thôi sao? 

Bà Arable đặt bình kem lên bàn. 

- Đừng có la lối om sòm, Fern! - Bà nói - Bố con làm thế là phải. Đằng nào thì con lợn cũng chết. 

Fern xô ghế sang một bên và chạy vụt ra ngoài. Cỏ ẩm ướt và đất tỏa hương xuân. Khi Fern đuổi kịp bố thì đôi giày vải của cô bé đã ướt đẫm. 

- Bố đừng giết nó! - Cô thổn thức - Như thế là bất công. 

Ông Arable dừng bước. 

- Fern, - ông dịu dàng nói - con phải học cách tự chủ mới được. 

- Tự chủ ư? - Fern kêu lên - Đây là chuyện sống chết mà bố lại nói đến tự chủ. - Nước mắt lăn dài trên má Fern, cô bé níu lấy cái rìu, giằng khỏi tay bố. 

- Fern - ông Arable nói, - bố biết nhiều hơn con về việc nuôi một lứa lợn nhỏ. Một con yếu sẽ đẻ ra rất nhiều phiền phức. Giờ thì đi thôi! 

- Nhưng điều đó thật bất công, - Fern kêu lên - con lợn biết làm thế nào khi sinh ra bị nhỏ như vậy? Nếu khi mới đẻ con cũng bé như thế, liệu bố có giết con không? 

Ông Arable mỉm cười: 

- Tất nhiên là không rồi, - ông âu yếm nhìn con và trả lời - nhưng điều này lại khác đấy. Một cô bé là một chuyện, một con lợn còi lại là chuyện khác. 

- Con chẳng thấy có gì khác cả! - Fern đáp lại, tiếp tục đu lên chiếc rìu - Đây là chuyện bất công khủng khiếp nhất mà con từng biết. 

Một vẻ lạ lùng hiện trên nét mặt ông John Arable. Dường như chính ông cũng sắp kêu lên. 

- Thôi được, - ông nói - con về nhà đi và bố sẽ mang con lợn còi về. Bố sẽ để con nuôi nó bằng bình sữa, giống như một em bé. Khi đó con sẽ thấy con lợn có thể gây ra bao rắc rối. 

Khoảng nửa giờ sau ông Arable về nhà, ông cắp theo một chiếc hộp các-tông dưới nách. Fern đang thay giày trên gác. Bàn ăn đã được bày sẵn, cả gian phòng thơm nức mùi cà phê, thịt muối, mùi vữa ẩm và khói củi tỏa ra từ bếp lò. 

- Đặt nó lên ghế của con bé ấy! - Bà Arable nói. Ông Arable đặt chiếc hộp xuống chỗ ngồi. Rồi ông đi rửa tay. 

Fern chậm chạp xuống cầu thang. Mắt cô bé đỏ ngầu vì khóc. Khi đến gần ghế của mình, cô thấy chiếc hộp lắc lư và từ đó phát ra tiếng sột soạt. Fern nhìn bố. Một con lợn con mới đẻ đang giương mắt nhìn cô. Thân nó màu trắng. Nắng chiếu rọi qua tai nó, biến nó thành màu hồng. 

- Nó là của con. - Ông Arable nói - Con đã cứu nó khỏi chết yểu. Và có thể Chúa nhân từ sẽ tha thứ cho sự ngu ngốc này của bố. 

Fern không rời mắt khỏi con lợn tí hon. Ồ. - Cô bé nghĩ thầm - Ồ, hãy nhìn xem này, nó thật hoàn hảo. 

Cô bé cẩn thận đậy nắp hộp lại. Cô hôn bố, rồi hôn mẹ. Sau đó cô lại mở nắp hộp ra, nâng con lợn lên, áp vào má mình. Vừa lúc đó Avery, anh của Fern, bước vào phòng. Avery lên mười. Tay cậu bé nặng trĩu, một bên ôm khẩu súng hơi, tay kia cầm con dao bằng gỗ. 

- Cái gì vậy? - Cậu hỏi - Fern có cái gì thế? 

- Em con có một vị khách trong bữa sáng nay - bà Arable nói - Con đi rửa mặt rửa tay đi.

- Nhìn này! - Avery đặt súng xuống và nói - Cả nhà gọi cái thứ khốn khổ này là con lợn ư? Thật là một kiểu mẫu tuyệt đẹp cho một con lợn - nó không nhỉnh hơn một con chuột bạch. 

- Rửa ráy và săn sáng đi, - bà Arable nói - Nửa giờ nữa ô tô buýt của trường sẽ qua đây! 

- Bố ơi, con muốn có một con lợn được không? - Avery hỏi 

- Không, bố chỉ tặng lợn cho những người dậy sớm, - ông Arable nói - Fern dậy từ lúc tảng sáng, và kết quả là giờ đây em con có một con lợn. Nó nhỏ thôi, hẳn là thế, nhưng dầu sao thì cũng vẫn cứ là một con lợn. Sự việc này cho thấy nếu người ta dậy sớm thì ích lợi biết bao. Nào chúng ta ăn thôi! 

Nhưng Fern không sao nuốt nổi chừng nào con lợn của cô chưa uống được sữa. Bà Arable tìm được một cái bình sữa của trẻ em và một núm vú cao su. Bà rót sữa ấm vào rồi lắp núm lên trên miệng bình và đưa cho Fern. "Cho nó ăn sáng đi!" - Bà nói. 

Một phút sau, Fern ngồi bệt dưới sàn trong góc bếp bế bé lợn vào lòng, dạy nó cách bú. Con lợn mặc dầu nhỏ xíu, rất háu ăn và nhanh chóng chén sạch. Ngoài đường, tiếng còi ô tô buýt của trường vọng vào. 

- Rảo chân lên! - Bà Arable ra lệnh. Bà đón lấy con lợn từ tay Fern và giúi vào tay cô bé một chiếc bánh rán, Avery chộp lấy khẩu súng và vớ một chiếc bánh khác. 

Bọn trẻ chạy ra đường, leo lên ô tô buýt. Fern không hề để ý đến ai ở trên xe. Cô bé chỉ ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, thầm nghĩ thế giới mới hạnh phúc biết bao và cô mới may mắn làm sao khi có một con lợn hoàn toàn của riêng mình. Khi xe buýt dừng lại trước cổng trường thì Fern đã chọn xong tên cho cục cưng của mình, một cái tên đẹp nhất mà cô có thể nghĩ ra. 

- Tên nó là Wilbur - cô bé thì thầm một mình. 

Cô còn đang mải nghĩ về con lợn thì thầy giáo hỏi: 

- Fern, thủ đô của Pensnylvinia là gì? 

- Wilbur ạ. - Fern lơ mơ trả lời. Bọn học sinh khúc khích cười. Fern [1] đỏ bừng mặt.

[1] Trong bản dịch gốc của NXB: "Wilbur đỏ bừng mặt." 

CHƯƠNG 2: CHÚ LỢN CON WILBUR

Fern yêu Wilbur hơn mọi thứ trên đời. Cô bé thích vuốt ve nó, cho nó ăn, cho nó ngủ. Sáng sáng, ngay khi vừa tỉnh giấc, cô bé hâm sữa nóng, đeo yếm cho lợn và cầm chai sữa cho lợn bú. Chiều chiều, khi ô tô buýt của trường dừng lại trước cổng nhà, cô nhảy ra khỏi xe và chạy vào bếp để chuẩn bị một chai sữa khác. Cô cho lợn ăn vào giờ ăn tối và một lần nữa ngay trước giờ đi ngủ. Mỗi ngày bà Arable cho lợn ăn một lần vào buổi trưa, khi Fern đang ở trường. Wilbur thích sữa và sung sướng nhất là lúc Fern hâm nóng một chai sữa cho nó, nó đứng đó nhìn cô bé với đôi mắt tha thiết. 

Những ngày đầu tiên mới ra đời Wilbur được nuôi trong một cái hộp để gần bếp lò tại nhà bếp. Rồi khi bà Arable ca cẩm thì nó được chuyển sang cái hộp lớn hơn trong kho củi. Khi được hai tuần tuổi, nó được chuyển ra ngoài. Đó là thời kỳ hoa táo nở và trời trở nên ấm áp hơn. Ông Arable thu xếp khoảng sân nhỏ đặc biệt dành riêng cho Wilbur dưới một cây táo và làm cho nó một cái hộp gỗ lớn lót đầy rơm, có cửa để nó có thể đi ra, đi vào tùy thích. 

- Ban đêm nó sẽ không bị lạnh chứ? - Fern hỏi. 

- Không. - Bố nói - Con nhìn xem xem nó làm gì. 

Fern ngồi dưới gốc táo trong sân, tay cầm chai sữa. Wilbur chạy tới chỗ cô bé và cô cầm chai cho nó bú. Mút hết giọt sữa cuối cùng, nó ủn ỉn, mắt nhắm mắt mở đi vào trong hộp. Fern chăm chú nhìn qua ô cửa. Wilbur đang dùng mũi dũi vào đống rơm. Chỉ một lát sau nó đã đào được một đường hầm trong đống rơm. Nó bò vào trong đường hầm và biến mất, rơm phủ kín lên mình. Fern say sưa nhìn. Cô bé nhẹ cả người, vì biết rằng "em bé" của cô ngủ kín và sẽ được ấm áp. 

Sáng sáng sau bữa điểm tâm, Wilbur đi ra đường với Fern và cùng cô đợi xe buýt tới. Cô bé vẫy tay chào tạm biệt nó và nó đứng nhìn theo xe buýt cho đến lúc khuất hẳn sau khúc quanh. Trong lúc Fern ở trường, Wilbur bị nhốt trong sân. Nhưng buổi chiều ngay khi cô bé về đến nhà, cô thả lợn ra và nó loanh quanh theo cô mọi chỗ. Nếu cô đi lên gác, Wilbur sẽ đợi ở bậc thang thấp nhất cho đến khi cô đi xuống. Nếu cô bé cho búp bê đi dạo trong một chiếc nôi đồ chơi, Wilbur đi theo bên cạnh. Thỉnh thoảng, trong những chuyến đi này, nó mệt thì Fern bế nó lên và đặt vào xe nôi cạnh búp bê. Nó thích vậy và nếu rất mệt, nó nhắm mắt lại ngủ trong chăn của búp bê. Khi nhắm mắt, trông nó thật xinh xắn, bởi vì lông mi của nó rất dài. Búp bê cũng nhắm nghiền mắt, và Fern đẩy xe nôi chầm chậm, nhẹ nhàng để khỏi đánh thức lũ nhóc của mình. 

Vào một buổi chiều ấm áp, ông Arable và Avery mặc áo tắm rồi đi ra suối bơi. Wilbur bám theo sát gót Fern. Khi cô bé lội xuống suối, Wilbur lội xuống với cô. Nó thấy nước thật lạnh - quá lạnh đối với nó. Vì vậy trong lúc bọn trẻ bơi lội, chơi đùa, té nước vào nhau, nó giải trí trong vũng bùn dọc theo bờ suối, nơi ấy ấm áp, ẩm ướt, dính nhớp và bùn lầy thật dễ chịu. 

Từng ngày trôi qua hạnh phúc và từng đêm trôi qua thanh bình. 

Wilbur được các chủ trại gọi là chú lợn mùa xuân, đơn giản là vì nó sinh ra vào mùa xuân. Khi nó được năm tuần tuổi, ông Arable nói là nó có thể lớn để đem bán rồi, và phải bán đi thôi. Fern bị hẫng và khóc lóc. Nhưng bố cô bé quyết định dứt khoát. Wilbur ăn khỏe thật, nó bắt đầu ăn thêm cả thức ăn thừa cùng với sữa. Ông Arable không muốn nuôi chú lâu hơn nữa, ông đã bán mười anh chị em của Wilbur rồi. 

- Nó phải đi thôi, Fern. - Ông nói - Con đã có thú vui được nuôi một con lợn con rồi, nhưng nó không còn bé bỏng nữa và phải bán đi thôi. 

- Hãy gọi cho nhà Zuckerman. - Bà Arable gợi ý - Thỉnh thoảng chú Homer của con có nuôi một con lợn con đấy. Và nếu Wilbur đến sống ở đó, con có thể tùy ý đến thăm nó thường xuyên. 

- Con nên lấy chú bao nhiêu tiền? Fern muốn biết. 

- À! - Bố cô bé nói - Nó là một con lợn còi. Hãy nói với chú Homer là con có một con lợn định bán với giá sáu đô-la, xem chú ấy nói gì. 

Mọi việc được thu xếp chóng vánh. Fern gọi điện và gặp cô Edith, cô kêu to gọi chú Homer. Chú Homer từ sân kho đi vào nói chuyện với Fern. Khi người chủ biết giá tiền chỉ có sáu đô-la, ông nói là ông sẽ nuôi con lợn. Ngày hôm sau Wilbur được đưa từ nhà của nó dưới gốc cây táo đến sống ở đống phân ủ trong hầm chứa tại chuồng gia súc nhà chú Homer.

CHƯƠNG 3: TRỐN CHẠY

Chuồng gia súc rất rộng. Nó cũ lắm rồi. Ở đó tỏa ra mùi cỏ và mùi phân. Nó có mùi mồ hôi của những con ngựa mệt nhọc và hơi thở ngọt ngào kỳ diệu của những con bò nhẫn nại. Nó thường có một thứ mùi vị yên bình - như thể chẳng có điều gì xấu xa có thể xảy ra trên đời được. Nó có mùi thóc lúa, mùi yên cương ngựa, mùi dầu nhờn trục xe, mùi ủng cao su và mùi dây thừng mới. Và hễ khi ta ném một cái đầu cá cho mèo gặm, thì chuồng gia súc có mùi cá. Nhưng chủ yếu là nó có mùi cỏ khô, vì luôn luôn có cỏ khô chất ở tầng mái phía trên đầu và luôn được kéo xuống cho bò, ngựa và cừu.

Chuồng gia súc ấm áp dễ chịu vào mùa đông và mát mẻ, dễ chịu vào mùa hè khi những cánh đồng lớn mở toang đón gió. Chuồng gia súc có các ngăn ở khu vực chính dành cho những con ngựa làm việc, có các cột ở đó để buộc bò, có một bãi rào nhốt cừu ở phía sau, tiếp đó là chuồng lợn. Nơi đây còn chất đầy mọi thứ đồ mà bạn thấy ở một sân kho: thang, đá mài, chĩa hất rơm, hái hớt cỏ, máy cắt cỏ, xẻng xúc tuyết, cán rìu, xô lấy vữa, gầu nước, những vỏ bao gạo và những chiếc bẫy chuột đã gỉ. Nó là loại chuồng trại mà chim én thích làm tổ. Nó là loại sân kho mà trẻ con thích chơi, và chú của Fern, ông Homer là chủ sở hữu toàn bộ mọi thứ.

Nhà mới của Wilbur ở phần thấp hơn trong chuồng gia súc, thấp hơn cả chuồng bò. Ông Zukerman biết rằng một đống phân ủ là một chỗ tốt để chăn một con lợn con. Lợn cần ấm áp, và ở dưới đó, trong hầm chứa ở phía nam chuồng gia súc thật ấm áp và tiện lợi.

Hầu như ngày nào Fern cũng đến thăm Wilbur. Cô bé tìm thấy một cái ghế đẩu ngồi vắt sữa đã cũ bị vứt đi. Đặt ghế trong bãi rào chăn cừu cạnh chuồng của Wilbur. Đàn cừu nhanh chóng quen với cô bé và tin cậy cô. Bầy ngỗng sống chung với lũ cừu cũng thế. Tất cả gia súc đều tin cậy cô bé, cô quá lặng lẽ và thân thiện. Ông Zukerman không cho phép cô vào chuồng lợn. Nhưng ông bảo cô có thể ngồi ghế đẩu và ngắm nhìn bao lâu tùy ý. Chỉ được ở gần con lợn thôi cũng đủ làm cô bé hạnh phúc, và Wilbur thì vui sướng biết rằng cô đang ngồi đó, ngay ngoài chuồng của nó, nhưng nó không bao giờ có trò gì vui cả. Không còn những cuộc đi dạo, không còn những lúc nằm trên xe nôi, không còn bơi lội nữa.

Một chiều tháng sáu, khi Wilbur gần được hai tháng tuổi, nó thơ thẩn đi ra khoảng sân nhỏ bên ngoài khu chuồng. Fern không đến thăm chú như thường lệ. Wilbur đứng dưới ánh nắng, cảm thấy cô đơn và buồn chán.

- Quanh đây chẳng bao giờ có gì để làm. - Nó nghĩ. Nó lững thững đi đến máng ăn và hít hít để xem liệu còn gì lại sau bữa trưa không. Nó thấy một mẩu vỏ khoai tây và chén luôn. Lưng nó ngứa ngáy nên nó dựa vào hàng rào và cọ lưng vào những tấm gỗ. Khi đã chán trò này rồi, nó đi vào chuồng, trèo lên đống phân và nằm xuống. Nó không muốn ngủ, không muốn đào bới, nó chán đứng yên, chán nằm. "Mình chưa đầy hai tháng tuổi mà đã ngán sống rồi." - Nó nói, sau đó lại đi ra sân.

- Khi mình ở ngoài này, - nó nói - chẳng có chỗ nào để đi trừ phi đi vào. Khi mình ở trong chuồng, chẳng có chỗ nào để đi trừ phi đi ra sân.

- Đấy là chỗ cậu sai đấy, bạn của tôi, bạn của tôi ạ, - một giọng nói cất lên.

Wilbur nhìn qua hàng rào và thấy ngỗng cái đang đứng đó.

- Cậu không bắt buộc phải ở trong cái khoảng sân bé tí, bẩn... bẩn... bẩn... thỉu đó. - Ngỗng cái nói khá nhanh - Một trong những tấm ván đã bị long. Đẩy nó sang, đẩy - đẩy - đẩy nó sang, và ra ngoài.

- Cái gì cơ? - Wilbur nói - Chị nói chậm hơn xem nào!

- Với - với - với... mình nhắc lại, - ngỗng nói - mình bảo là cậu nên ra ngoài. Ở ngoài này thật tuyệt diệu.

- Chị đã nói là một tấm ván bị long ra phải không? 

- Tôi đã bảo, tôi đã bảo. - Ngỗng nói.

Wilbur đi đến hàng rào và thấy là ngỗng cái nói đúng - một tấm ván đã long ra. Nói chúi đầu xuống, nhắm nghiền mắt lại và đẩy. Tấm ván tuột sang một bên. Phút chốc nó đã chui qua hàng rào và đứng ở bãi cỏ bên ngoài khoảng sân của mình. Ngỗng khúc khích cười.

- Cảm thấy sao khi được tự do? - Ngỗng hỏi.

- Em thấy thích lắm. - Wilbur nói.

Ở bên ngoài hàng rào, khi chẳng có gì ngăn nó với thế giới rộng lớn, nó cảm thấy là lạ.

- Chị bảo là em nên đi đâu?

- Bất kỳ chỗ nào cậu thích, bất kỳ chỗ nào cậu thích. - Ngỗng nói - Hãy đi xuống vườn quả và dũi cỏ non. Hãy xuống vườn cây và bới củ cải! Hãy dũi mọi thứ lên! Hãy ăn cỏ! Hãy tìm bắp ngô! Hãy kiếm lúa mạch! Hãy chạy khắp mọi nơi! Hãy nhảy nhót khiêu vũ và nhảy tâng tâng! Hãy qua vườn quả và đi dạo trong rừng! Thế giới là một chốn tuyệt vời khi cậu còn đang trẻ.

- Em hiểu rồi. - Wilbur đáp. Nó nhảy bật lên không trung, xoay một vòng, chạy mấy bước, dừng lại, nhìn xung quanh hít hít hương vị của buổi chiều rồi bắt đầu đi xuống vườn quả. Nó nghỉ chân dưới bóng mát một cây táo, rồi chúi cái mõm khỏe khoắn xuống đất, bắt đầu ủi, đào và dũi đất lên. Nó cảm thấy thật hạnh phúc. Nó xới bật hẳn một khoảng đất lên thì có người để ý đến nó. Bà Zukerman là người đầu tiên trông thấy nó. Bà thấy chú từ cửa sổ nhà bếp và ngay lập tức gọi cánh đàn ông.

- Ông Homer ơi! - Bà la to - Lợn xổng rồi! Lurvy ơi, lợn xổng! Lợn xổng chuồng. Nó ở đằng kia, dưới gốc táo ấy.

- Giờ thì rắc rối bắt đầu rồi. - Wilbur nghĩ thầm - Giờ thì mình sẽ gặp hạn đây.

Ngỗng cái nghe tiếng om sòm cũng bắt đầu hò hét: 

- Hãy - hãy chạy đi - chạy - chạy xuống, hãy chạy vào rừng, vào rừng. Wilbur! Họ sẽ không bao giờ - không bao giờ - không bao giờ bắt được cậu ở trong rừng đâu.

Thấy huyên náo, chó Cốc từ sân kho lao ra tham gia cuộc đuổi bắt. Ông Zukerman nghe thấy tiếng ồn chui ra khỏi xưởng máy nhỏ nơi ông đang chữa một thứ đồ dùng. Lurvy, anh chàng làm công nghe tiếng ồn ào liền từ luống măng tây, nơi anh đang nhổ cỏ dại, đi lên. Mọi người đều đổ về phía Wilbur và nó chẳng biết làm gì. Rừng dường như ở xa lắm, vả lại, nó chưa bao giờ đi vào rừng, không biết liệu nó có thích hay không.

- Chạy vòng ra phía sau nó, Lurvy! - Ông Zukerman nói, và dồn nó về phía khu chuồng trại! - Cứ bình tĩnh, đừng lao vào nó! Tôi sẽ đi lấy một xô cám lợn.

Tin về cuộc bỏ trốn của Wilbur nhanh chóng lan ra trong đám gia súc ở trại. Hễ bao giờ có một sinh vật nào trốn ra khỏi trang trại Zukerman, sự kiện ấy đều được những con khác hết sức quan tâm. Ngỗng cái hét to với con bò đứng gần đó rằng Wilbur đã tự do, và cả đàn bò nhanh chóng biết tin. Rồi một con cừu nghe thấy và cả bầy cừu nhanh chóng biết tin. Lũ cừu con biết tin từ mẹ chúng. Đàn ngựa, trong gian chuồng của chúng ở khu trại, vểnh tai lên nghe tiếng chị ngỗng hò hét; và đàn ngựa nhanh chóng hiểu được chuyện gì đang xảy ra. "Wilbur trốn rồi", - chúng nói. Mọi con vật đều ngúc ngoắc đầu và trở nên phấn khích khi biết rằng một trong những người bạn của chúng đã được tự do, không còn bị nhốt trong chuồng hay bị trói chặt nữa.

Wilbur không biết làm gì hay chạy theo ngả nào. Dường như tất cả mọi người đều dồn đuổi nó. "Nếu được tự do mà như thế này, nó nghĩ, thì thà bị nhốt trong khoảng sân của riêng mình còn hơn".

Chó Cốc đang lẻn đến gần nó từ một phía, còn Lurvy đang rón rén lại gần nó từ phía bên kia. Bà Zukerman đứng sẵn để chặn đầu nó nếu nó chạy vào vườn, và giờ thì ông Zukerman đang đi về phía nó, tay xách một chiếc xô. "Điều này thật khủng khiếp" - Wilbur nghĩ. - "Tại sao Fern lại không đến nhỉ?" - Nó bắt đầu khóc.

Ngỗng cái nắm quyền chỉ huy bắt đầu ra lệnh.

- Đừng có đứng ì ra đó, Wilbur. Hãy chạy ngoắt ngoéo, chạy ngoắt ngoéo đi! - Ngỗng kêu lên - Hãy nhảy quanh, hãy chạy về phía tôi, hãy lẫn vào và ra, vào và ra, vào và ra! Hãy chạy vào rừng! Hãy lượn vòng và rẽ quanh!

Chó Cốc chồm tới chân sau của Wilbur. Wilbur nhảy bật lên và chạy. Lurvy vươn tay ra và vồ. Bà Zukerman hét Lurvy. Ngỗng cái cổ vũ Wilbur. Wilbur luồn qua chân Lurvy. 

Lurvy vồ hụt Wilbur thay vì thế lại chộp trúng chó Cốc.

- Khá đấy, khá đấy! - Ngỗng kêu lên - Làm lại xem nào! Làm lại xem nào!

- Hãy chạy xuống dốc! - Đàn bò gợi ý.

- Chạy đến chỗ anh! - Ngỗng đực la to.

- Hãy chạy lên dốc! - Đàn cừu be lên.

- Hãy rẽ quanh và lượn vòng! - Ngỗng cái hò reo.

- Hãy nhảy nhót và khiêu vũ! - Gà trống nói.

- Hãy đề phòng Zukerman! - Ngỗng đực gào.

- Hãy coi chừng con chó! - Cừu kêu to.

- Hãy nghe tôi, hãy nghe tôi! - Ngỗng cái hét ầm lên.

Wilbur khốn khổ mê muội và hoảng sợ bởi những tiếng la ó om sòm đó. Nó không thích trở thành trung tâm của tất cả chuyện ầm ĩ này. Nó cố gắng làm theo những lời chỉ dẫn mà bạn bè đang mách bảo, nhưng không thể chạy xuống dốc và lên dốc cùng một lúc, và không thể rẽ quanh và lượn vòng trong khi đang nhảy nhót và khiêu vũ được, nó khóc to đến nỗi hầu như chẳng nhìn thấy những gì đang diễn ra nữa. Vả lại, Wilbur là một con lợn con không lớn hơn một em bé là bao. Nó ước gì có Fern ở đây để ôm nó trong tay và an ủi nó. Khi nó ngẩng lên thấy ông Zukerman đang đứng ngay bên cạnh, tay xách một xô cám âm ấm, nó cảm thấy nhẹ nhõm. Nó hếch mũi lên và ngửi. Mùi vị tỏa ra thật ngon - nào sữa nóng, nào vỏ khoai tây, hạt mì tấm, mẩu vụn ngô nướng và cả một chiếc bánh nướng xốp còn sót lại sau bữa điểm tâm của gia đình Zukerman. 

- Đến đây nào, lợn con! - Ông Zukerman vỗ vỗ vào chiếc xô và nói - Đến đây nào, lợn con!

Wilbur bước một bước về phía chiếc xô.

- Đừng, đừng, đừng đến! - Chị ngỗng nói - Đó là mẹo lừa bằng chiếc xô cũ rích đấy Wilbur. Đừng có để bị bịp, đừng có để bị bịp! Ông ta đang cố bẫy cậu vào tù, - tù lại đấy. Ông ta đang quyến rũ cái bụng cậu đấy.

Wilbur chẳng quan tâm. Đồ ăn tỏa mùi vị ngon lành. Nó tiến một bước nữa về phía cái xô. 

- Lợn con, lợn con! - Ông Zukerman ân cần và bắt đầu đi chầm chậm về phía sân kho, nhìn tất cả xung quanh tỏ vẻ ngây thơ, như thể ông ta không biết rằng một cậu lợn trắng bé con đang đi theo sau ông.

- Cậu sẽ hối tiếc - hối tiếc - hối tiếc! - Ngỗng cái gọi.

Wilbur chẳng quan tâm. Nó vẫn đi về phía xô cám.

- Cậu sẽ bỏ lỡ tự do của cậu. - Ngỗng cái la lên - Một giờ tự do đáng giá bằng một thùng cám.

Wilbur chẳng quan tâm.

Tới chuồng lợn, ông Zukerman trèo qua hàng rào và đổ cám vào máng ăn. Rồi ông kéo tấm ván long ra khỏi hàng rào để có một lỗ hổng lớn cho Wilbur đi qua.

- Hãy cân nhắc lại, cân nhắc lại! - Chị ngỗng kêu lên.

Wilbur chẳng hề để ý. Nó chui qua rào vào khoảng sân của mình. Nó đi tới máng và tợp một hớp cám rõ dài, sục vào sữa một cách háu đói và nhai bánh nướng xốp. Lại được về nhà, thật là thích.

Trong khi Wilbur ăn, Lurvy tìm được một cái búa với mấy chiếc đinh con đóng tấm ván lại chỗ cũ. Rồi anh ta cùng ông Zukerman uể oải tựa vào hàng rào, ông Zukerman cầm một chiếc gậy gãi gãi vào lưng Wilbur. 

- Nó thật đúng là một con lợn. - Lurvy nói.

- Phải, nó sẽ thành một con lợn tốt. - Ông Zukerman nói.

Wilbur nghe những lời khen đó. Nó cảm thấy sữa ấm chảy trong bụng. Nó cảm thấy sự gãi gãi dễ chịu của chiếc gậy dọc theo cái lưng ngứa ngáy của nó. Nó cảm thấy bình yên, hạnh phúc và buồn ngủ. Một buổi chiều thật mệt nhọc. Mới khoảng bốn giờ thôi nhưng Wilbur đã tính chuyện đi ngủ.

"Mình thực sự còn quá trẻ để đi ra ngoài thế giới một mình," - vừa nằm xuống nó vừa thầm nghĩ như vậy.