Kiếp đi ở - Chương kết

Chương Kết

Đã tám tháng nay tôi không viết thêm được dòng nào vào tập nhật ký vì có nhiều việc phải suy nghĩ và phải làm. Đã ba tháng nay Joseph và tôi đã rời khỏi lâu đài Prieuré đến ở quán cà phê ở Cherbourg… Chúng tôi đã lấy nhau, công ăn việc làm thuận lợi, tôi thấy công việc phù hợp và rất sung sướng. Sinh ra ở biển, bây giờ tôi lại về với biển. Trong bao nhiêu năm lưu lạc đó đây, tôi cũng nhiều lúc ở gần biển, nhưng khi về với biển quê hương, tôi thấy vui thích quá. Cảnh trí ở đây khác với ở Audierne. Ở Audierne, bờ biển đơn điệu buồn tẻ, suốt ngày sóng gào nghe phát sợ. Còn ở đây phong cảnh thật đẹp, một thành phố quân cảng rất hữu tình, suốt ngày rộn rã, phố sá nầm nập tiếng người đi lại, kiếm khoác lách cách bên hông. Binh lính hối hả tận hưởng những ngày vui giữa hai cuộc viễn chinh. Tôi luôn ngây ngất mùi nước biển mặn mòi và rong rêu biển, mùi đặc biệt của quê hương. Tôi lại được nhìn thấy các chàng trai, phục vụ trên các con tàu của nhà nước. Tôi không muốn trò chuyện với họ, cũng không muốn hỏi họ tin tức của anh tôi. Lâu lắm rồi, coi như anh ấy không còn. Chỉ thỉnh thoảng khẽ gật đầu chào nhau. Họ cứ luôn say rượu, lúc nào không say thì đần chớn. Đầu óc họ như đầu óc cả thời sơ khai. Hơn nữa Joseph không muốn cho tôi bả lả với những lính thuỷ, họ là dân Bretange không có một xu dính túi, uống thì chỉ một cốc loại rượu rẻ tiền. Tôi muốn kể đầu đuôi việc chúng tôi rời khỏi lâu đài Prieuré.

***

Ngay từ đầu tôi đã nói rằng ở lâu đài Prieuré anh Joseph ngủ ở một phòng chung ngay sát chỗ để yên ngựa. Ngày nào cũng vậy, mùa đông cũng như mùa hè, anh ấy dậy từ năm giờ. Sáng ngày 24 tháng chạp, đúng một tháng anh ấy ở Cherbourg về, anh ấy thấy cửa nhà bếp mở toang. Anh nghĩ bụng:

- Không biết bọn họ dậy chưa mà cửa mở thế này?

Đồng thời anh nhận thấy cửa kính mất một khung chỗ gần ổ khoá, như để cho tay vào mở. Khoá đã bị phá do một tay rất thành thạo. Trên mặt đất còn rơi mấy mẩu gỗ, mấy mẩu sắt, mấy mẩu kính vỡ. Tất cả các ô cửa ở trong nhà chiều hôm trước bà chủ đóng cẩn thận, bây giờ thấy mở tung ra hết. Chắc có chuyện gì ghê gớm đây. Anh Joseph vội chạy qua nhà bếp, đi theo hành lang qua buồng tắm, phòng đợi, rồi phòng ăn, phòng khách. Đến phòng khách ánh thấy cảnh tượng ghê gớm quá, đồ đạc vất lung tung. Hòm xiểng, vali, cái nào cũng bật khoá, đồ đạc, quần áo bên trong lôi hết ra. Ngăn kéo bàn, ngăn kéo tủ cũng lục lọi. Nhưng trong buồng cảnh tượng mới sợ nữa. Trong buồng có một cái giá rất sâu khoá trong khoá ngoài rất phức tạp chỉ mình bà chủ biết cách mở. Trong kệ này để các đồ bằng bạc rất quí của gia đình. Lúc anh Joseph vào thì thấy buồng đã mở, kệ đã lôi ra vất giữa nhà, trong kệ trống không. Thấy vậy anh Joseph hô hoán cho mọi người biết.

- Ông ơi! Bà ơi! Xuống xem, nhà mất trộm!

Nghe tiếng gọi, ông bà từ trên gác đâm bổ xuống. Bà trên người chỉ có tấm khăn vắt vai, ông thì vừa đi vừa cài cúc quần. Người nào cũng đầu tóc rối bùi, mặt xám ngoét, nhăn nhó như vừa trong ác mộng ra, vừa đi vừa hỏi:

- Cái gì thế? Cái gì thế?

- Mất trộm ạ.

- Mất cái gì?

Bà chủ gào lên:

- Trời ơi! Khổ rồi.

Ông chủ vẫn hỏi.

- Mất cái gì?

Anh Joseph dẫn bà chủ vào. Trông thấy cái kệ trông rỗng bà gào lên:

- Đồ bạc của tôi mất hết cả rồi! Mất hết rồi! Trời ơi là trời!

Bà chủ ngã vật xuống nền nhà vừa khóc vừa gào:

- Nó lấy hết rồi. Hết mọi thứ không còn gì! Trời ơi là trời. Khổ tôi rồi!

Ông chủ cũng gào theo:

- Khổ rồi! Trời đất ơi! Mất hết cả rồi! Không còn gì nữa!

Một phút im lặng. Như sự im lặng rùng rợn sau tiếng sét làm đổ sập một toà nhà. Joseph cầm đèn soi khắp mọi chỗ một lượt, soi những nét mặt xám ngoét như mặt các xác chết, soi những cái hòm, cái vali khoét rỗng, ánh sáng ngọn đèn đỏ quạch, chập chờn, hiểm hoạ.

Nghe tiếng anh Joseph gọi ông bà chủ, tôi cũng thức dậy và xuống theo. Trước cảnh điêu tàn và đau khổ của ông bà chủ, tôi thấy mủi lòng. Tôi cũng thấy xót xa như chính là người trong gia đình và chia sẻ nỗi bất hạnh với ông bà chủ nhà. Tôi cũng nói lời an ủi bà chủ vì thấy nét mặt bà đáng thương quá. Nhưng ý nghĩ ấy, niềm xót thương ấy, chỉ lát sau tiêu tan hết, vì tôi nghĩ:

Hai nhân vật ấy sống như con sâu con bọ. Họ như tù nhân tự nguyện giam mình vào bốn bức tường của một nhà tù. Tất cả những gì là nguồn vui của cuộc sống, là vẻ đẹp của cuộc đời, họ đã loại trừ, coi như là những thứ thừa. Họ không muốn bớt bữa cơm thịnh soạn lấy tí chút để cưu mang những người đói khát, không rủ lòng thương hại những người ốm yếu tật nguyền. Như vậy thì thương xót họ làm gì? Họ có gặp tai nạn cũng phải, cũng là đúng thôi. Tước đoạt của họ, cũng là để lập lại thế cân bằng. Tiếc là họ chưa hết nhẵn nhụi, chưa trắng tay như những người khốn khó thường đến ngửa tay xin họ, chưa ốm đau như những người phải lăn lóc trên đường, chỉ cách chỗ họ chôn của có vài bước chân.

Cứ nghĩ đến lúc ông bà ấy phải khoác bị trên vai, lê đôi chân rướm máu trên đường đến ngửa tay xin ăn trước cửa những nhà giàu có, tôi thấy hởi lòng hởi dạ. Nghĩ đến hình ảnh bà ấy nằm vật bên các hòm rỗng ruột, ngay ra như chết rồi, tôi thấy mát ruột, vì bà ta có biết yêu thương là gì, bà ta chỉ biết quý tiền, có biết gì là nhân từ, đạo đức, là tình nghĩa đâu. Nỗi nhục nhã và cực khổ bà ta đang phải chịu là sự trả giá cho nỗi nhục nhã và cực khổ mà bà ta đã gây ra cho tôi qua những lời nói cay nghiệt của bà ta và những cái nhìn đanh ác của bà ta. Tôi thật hởi lòng hởi dạ, thật mát ruột mát gan thấy bà ta như thế, tôi muốn kêu lên: “Thế là phải, đáng đời bà lắm!”. Tôi muốn biết những người đã vào ăn trộm của bà ấy là ai để cảm ơn, để nhân danh những người khố rách áo ôm hôm nọ. Ôi! Những người ăn trộm hào hiệp, những gương mặt oai hùng, cảm ơn các người đã đem lại cho tôi một niềm sung sướng vô cùng thoả mãn trong tâm hồn.

Chẳng mấy chốc bà chủ tỉnh lại, tính gây gổ đanh đá của bà lại tái hiện một cách dữ dội,

- Anh đứng làm gì ở đây? - bà quát ông chủ, giọng căm tức và khinh bỉ cực độ. - Sao anh cứ đứng ngây cái mặt đần độn ra thế? Anh tưởng cứ đứng thế rồi tìm thấy những đồ đạc mất trộm à? Phải suy nghĩ xem làm gì bây giờ làm thế nào chứ? Phải đi báo cảnh sát chứ! Sao anh đần độn thế! Người hay ngợm.

Ông chủ con cón chạy đi.

Bà chủ gọi lại:

- Nhưng sao anh không nghe thấy gì nhỉ? Ngủ nghê thế nào mà kẻ trộm nó đục tường, nó phá khoá, nó cậy hòm, nó dọn hết đồ đạc, mà anh ngủ quay ra không biết gì?

Ông chủ ậm ừ:

- Cả em nửa, em cũng có nghe thấy gì đâu…

- Tôi khác! Anh là đàn ông phải thế nào chứ! Anh đi đi!

Trong khi ông chủ lên tầng để mặc quần áo thì bà chủ quay sang đổ nỗi bực tức lên đầu mọi người làm chúng tôi. Bà quát:

- Còn chúng mày, sao cũng đứng ngây ra như bụt mọc vậy? Kẻ trộm vào trấn lột chủ nhà, có bao nhiêu đồ quý giá nó lấy hết mà chúng mày không có ý kiến gì à? Sao chúng mày cũng không nghe biết gì à? Chỉ biết ăn cho phình bụng rồi ngủ cho sưng mắt lên thôi à? Đồ lợn!

Rồi bà hỏi anh Joseph:

- Sao không thấy chó sủa? Sao vậy?

Câu hỏi của bà chủ làm anh Joseph lúng túng. Nhưng anh bình tĩnh lại ngay, nói:

- Tôi cũng thấy lạ, không hiểu ra sao nữa.

Đúng là không thấy chó sủa.

- Thế tối anh có thả chó ra không?

- Có thả cũng như mọi tối. Lạ thật! Như thế này là trộm quen! Nó biết cả đường đi lối lại. Quen cả chó.

- Anh là một người rất tận tụy, rất cẩn thận, vậy mà sao anh lại không nghe thấy gì?

- Vâng, tôi không nghe thấy gì thật. Thế mới lạ chứ. Mà tôi cũng không ngủ mệt… Mèo chạy ngoài vườn tôi cũng nghe thấy kia mà… Thế rồi mấy con chó!… Lạ quá! Không hiểu ra sao nữa!…

Bà chủ ngắt lời anh Joseph:

- Tất cả đều là bọn ngu! Thế Marianne đâu? Sao không thấy nó ở đây? Chắc còn ngủ quay ra phải không?

Bà chủ ra cầu thang gọi:

- Marianne! Marianne!

Tôi nhìn anh Joseph lúc này đang để mắt vào mấy cái hòm. Nét mặt anh đăm đăm. Chắc có điều bí hiểm…

Ngay chiều hôm ấy, ông biện lý được báo tin đã đến và tiến hành điều tra. Ồng đã thẩm vấn anh Joseph, chị Marianne và tôi, lần lượt từng người, anh Joseph và chị Marianne thì hỏi lấy lệ, còn tôi thì hỏi kỹ, làm tôi cũng khó chịu. Người ta khám xét phòng tôi, khám xét hòm xiểng vali, đồ đạc, rất kỹ, khám cả thư từ giấy má nữa. Cũng may trời phật phù hộ thế nào tập nhật ký của tôi lại không lọt vào tay cảnh sát. Mấy hôm trước tôi đã gửi nó đi cho một người bạn ở xa và đã trả lời nhận được. Nếu không thì các ông thẩm phán đã có cớ buộc tội cho anh Joseph không nữa thì cũng có cơ sở để nghi ngờ. Bây giờ nghĩ lại, tôi còn thấy run. Người ta còn khám xét cả đường đi ở ngoài vườn, khám xét cả các luống đất, những chỗ hàng rào bị rạch, cả vuông sân nhỏ quay ra phố để tìm dấu vết bước chân và chỗ trèo tường… Nhưng mặt đất khô và cứng, nên không phát hiện được dấu vết gì. Hàng rào hàng dậu, tường vách cũng không có hiện tượng gì khả nghi. Dân làng nghe tin vụ trộm cũng kéo đầy đến. Người thì bảo có thấy một người da hung. Người khác lại nói thấy một người da nâu. Tóm lại cuộc điều tra không đi đến kết quả. Không tìm ra dấu vết gì, cũng không nghi vấn gì.

- Phải chờ đến chiều, ông biện lý tuyên bố khi ra về. Có lẽ phải nhờ đến cảnh sát ở Paris về làm việc mới tìm ra thủ phạm.

Suốt một ngày mệt nhọc vì phải chạy đi chạy lại, tôi chẳng còn thì giờ đâu để nghĩ đến kết quả vụ việc ra sao, một vụ việc đã làm cho lâu đài Prieuré lâu lắm mới có dịp ồn ào náo nhiệt. Bà chủ không để chúng tôi được giãn ra lúc nào. Cứ lúc chạy đây, lúc chạy đó. Đầu óc bà cũng rối loạn. Còn chị Marianne thì hình như chẳng hay biết gi, chẳng thấy trong nhà có cuộc đảo lộn. Cũng giống như chị Engénie, chị Marianne luôn theo đuổi suy tư của riêng mình, mà suy tư của chị thì chẳng dính gì đến tinh hình trước mắt. Hễ thấy ông chủ đến nhà bếp, chị ấy lại như người say rượu và ngây ngất nhìn ông…

Buổi tối, bữa ăn xong, tôi mới có thì giờ suy nghĩ cho rằng không phải anh Joseph không liên quan đến vụ trộm. Đến bây giờ tôi càng tin chắc như thế. Tôi còn cho rằng giữa chuyến đi Cherbourg của anh Joseph và vụ trộm đạo diễn một cách rất khôn khéo có mối quan hệ chặt chẽ. Tôi còn nhớ trước khi anh ấy ra đi, tôi hỏi, anh ấy trả lời:

- Còn tuỳ thuộc vào một việc quan trọng…

Tuy anh ấy cố làm ra tự nhiên, nhưng tôi thấy cử chỉ của anh ấy, thái độ của anh ấy, có cái gì không được bình thường, chỉ mình tôi nhận thấy.

Tranh thủ lúc chị Marianne vào bếp, chỉ còn lại hai người, tôi kín đáo hỏi anh Joseph:

- Có phải anh đã hại con bé Claire ở trong rừng không?… Có phải anh đã lấy trộm đồ đạc của bà chủ không?

Ngạc nhiên vì câu hỏi, anh Joseph nhìn tôi. Rồi chưa trả lời ngay, anh kéo tôi lại gần, hôn vào gáy tôi đánh độp một cái, xong rồi anh mới bảo tôi:

- Đừng nói như thế. Nay mai cô sẽ đi với tôi đến ở quán cà phê… Hai tâm hồn chúng ta là một mà…

Tôi đã có lần trông thấy trong phòng khách nhà bà chủ một pho tượng Hinđu, đẹp một cách kinh khủng và dữ tợn… Joseph lúc ấy cũng giống như thế…

Ngày tháng trôi qua. Các nhà pháp lý không tìm ra manh mối vụ trộm đành phải bỏ hẳn việc điều tra… ý kiến của các ngài là vụ trộm này do những tay lão luyện tiến hành. Mà loại này thì có cơ man ở Paris, tìm sao cho ra được.

Thất bại trong việc điều tra làm bà chủ vô cùng bực bội. Bà chê bai gièm pha giới pháp lý không tìm ra đồ đạc mất trộm của bà. Nhưng bà không chịu khoanh tay. Bà luôn gửi đến viện công tố những ý kiến vớ vẩn yêu cầu nghiên cứu, nhưng viên công tố nghiên cứu mãi cũng mất công vô ích, sau rồi người ta cũng chẳng muốn trả lời bà nữa… Tôi thấy yên tâm, đỡ lo cho anh Joseph vì tôi rất lo tai hoạ xảy đến với anh ấy.

Joseph trở lại điềm đạm, tận tụy vẫn như người giúp việc tốt nhất trong nhà - “một hạt ngọc hiếm”. Tôi không nhịn cười được mỗi khi nhớ đến cuộc trao đổi giữa bà chủ và ông biện lý ngay hôm xảy ra mất trộm. Cuộc trao đổi kín đáo để không ai được biết.

- Bà có nghi ngờ gì ai trong số những người giúp việc, như người đánh xe chẳng hạn? - Ông biện lý hỏi.

- Anh Joseph ấy à? Không đâu! - Bà chủ kêu lên - Đấy là một người rất tận tuỵ, ở nhà chúng tôi đã mười lăm năm. Rất thật thà. Một viên ngọc quý. Bảo anh ấy nhảy vào lửa cũng nhảy, không ngần ngại…

Suy nghĩ một tí, bà chủ nói thêm:

- Chỉ còn con bé hầu phòng thì tôi không biết nó thế nào. Hình như nó có mối liên lạc bất minh với Paris… thấy nó thư đi thư về luôn… Tôi đã nhiều lần bắt gặp nó uống rượu vang của nhà tôi. Đã uống rượu vang của nhà chủ thì chả có việc gi nó từ.

Và bà chủ lẩm bẩm một mình:

- Đừng bao giờ thuê người giúp việc là dân Paris. Bọn này ghê gớm lắm!

Bà ta thật là đa nghi. Bà ấy nghi mọi người nhưng chính kẻ ăn trộm thì bà ấy lại không nghi.

Càng ngày tôi càng tin chắc rằng anh Joseph là người đạo diễn vụ lấy trộm này. Đã từ lâu theo dõi thì tôi tin rằng anh Joseph, một người giúp việc tận tuỵ, một hạt ngọc quý, đã lấy trộm mọi thứ ở nhà này. Anh ấy ăn trộm than, ăn trộm thóc, ăn trộm trứng, ăn trộm những thứ có thể đem bán mà không có thể biết được tung tích. Và người giữ đồ thờ, bạn anh, không phải tối tối đến chỉ là để bàn luận với anh về kinh sách. Là một người có kinh nghiệm, hiểu biết cuộc sống, lại khôn ngoan, tinh tế, hẳn anh Joseph thừa hiểu câu phương ngôn: “Tích tiểu thành đại”, với cách gom nhặt như thế, anh có thể kiếm được gấp ba bốn lần tiền công, một món thu nhập đáng kể. Tôi cũng biết rằng những cái cắp vặt khác với vụ trộm lớn đêm 24 tháng chạp. Điều đó chứng tỏ rằng anh Joseph có khả năng làm vụ lớn. Và ai dám đoán chắc rằng anh ấy không có chân trong một băng đảng. Tôi rất muốn biết việc này.

Từ sau cái hôn lên gáy tôi buổi tối hôm ấy mà tôi coi như lời thú tội, anh Joseph không nói gì thêm nữa. Tôi hỏi đi hỏi lại anh ấy vẫn chẳng nói gì hơn. Rồi anh có những việc làm khiến tôi bán tín bán nghi. Anh ấy đánh chó vì chó đã không sủa, anh ấy giơ nắm đấm muốn đấm chết những tên kẻ trộm vô danh như thế nó chạy trốn về phía chân trời. Tôi không còn biết lối nào lần với anh ấy nữa. Hôm nay thì tôi tin rằng anh ấy là thủ phạm, nhưng hôm khác lại thấy như anh vô tội. Cứ thật thật hư hư như thế mãi…

Cũng như trước đây cứ tối đến chúng tôi lại ngồi với nhau ở phòng anh ấy.

- Anh Joseph à?

- Cô Célestine.

- Sao anh không nói gì với tôi? Thấy tôi anh cứ lủi?

- Lủi cô à! Lạy Chúa!

- Vâng. Từ buổi sáng hôm ấy.

- Đừng nói chuyện ấy nữa Célestine! Cô cứ có những ý nghĩ không hay.

Anh nói và lắc đầu buồn bã.

- Anh Joseph! Tôi nói vui thôi. Chả nhẽ anh mắc sai lầm mà tôi lại yêu anh.

- Cô hay đùa lắm! Thế không hay!

- Bao giờ chúng ta đi khỏi? Tôi không thể sống ở đây được nữa.

- Chưa đi ngay được. Còn phải đợi.

- Sao vậy?

- Vì rằng… chưa thể đi ngay.

Tôi thấy tự ái… Tôi nói:

- Vậy không ổn đâu! Hay anh không muốn có tôi ngay à?

- Sao lại không! Nhưng chưa được. Anh tôi cũng muốn lắm chứ!

- Vậy thì đi.

Anh không nói gì thêm.

Nhưng rồi tôi nghĩ: “Cũng phải. Nếu anh ấy lấy trộm đồ đạc của nhà chủ thì anh ấy không thể đi ngay bây giờ được. Ai người ta sẽ nghi. Phải để một thời gian cho sự việc quên đi đã…”

Một hôm khác tôi nêu ý kiến:

- Có cách đi khỏi ngay bây giờ… Là gây cãi lộn với bà chủ, bà sẽ phải đuôi ta đi ngay.

Nhưng anh Joseph bác ý kiến ấy.

- Đừng làm như thế, Célestme. Tôi quý ông bà chủ. Ông bà là những người tốt. Có đi cũng phải vui vẻ với nhau. Ông bà phải thấy tiếc kia, phải khóc kia…

Và với giọng thật thà anh nói thêm:

- Nếu phải xa ông bà, đối với tôi như một cái tang đấy… Tôi đã ở đây với ông bà mười lăm năm. Tôi thấy quyến luyến lắm. Còn cô thì cô thấy thế nào, cô Célestine?

- Tôi không thấy sao cả, - tôi cười trả lời.

- Vậy không tốt… Không tốt thật đấy… Phải quý mến nhà chủ. Nhà chủ là bậc thầy. Tôi khuyên cô đây… Phải ăn ở tử tế… Phải tận tuỵ… Phải chăm chỉ… Phải xa ông bà… nhất là bà… buồn lắm chứ!

Tôi đã theo lời khuyên của anh Joseph. Trong những tháng còn ở lại lâu đài Prieuré tôi hứa với mình làm ăn chăm chỉ, đối đãi tử tế, phải như một viên ngọc quý… Tôi đem hết trí thông minh, tinh thần trách nhiệm, lòng quý mến chủ, và khả năng của mình để phục vụ ông bà chủ. Bà chủ cũng đối tốt lại với tôi, coi tôi như bạn. Tôi không ngờ rằng sự ân cần của tôi đối với bà lại làm thay đổi thái độ của bà đối với tôi, thay đổi cả thái độ lẫn quan điểm. Dường như sau một tổn thất lớn, mất mát cái của quý duy nhất đời mình, bà chủ buông xuôi, trở nên hiền lành, chẳng còn thiết gì tranh giành nữa, để tìm kiếm sự an ủi giữa người chung quanh, tìm kiếm tình thương và sự tin cậy của những người gần gũi. Lâu đài Prieuré vốn là một địa ngục bỗng trở thành một thiên đường đối với mọi người.

Giữa cảnh thái bình êm ả của lâu đài, một hôm tôi thông báo với bà chủ tôi có nhu cầu phải ra đi. Tôi đã bịa ra một lý do để xin thôi việc là phải về quê để lấy chồng, lấy một người đã chờ đợi tôi từ lâu. Tôi cũng nói là phải xa bà chủ tôi thấy buồn, thấy tiếc, thấy nhớ… Bà chủ nghe tôi nói lặng đi lúc lâu. Rồi bà cố giữ tôi, bà gợi lại những tình cảm và nêu lên lợi ích. Bà hứa sẽ tăng thêm tiền công, bố trí lại tôi một căn phòng đẹp ở tầng hai. Nhưng thấy tôi dứt khoát từ chối bà đành phải chiều y.

- Đến bây giờ đã quen nhau thì cô lại ra đi! - Bà chủ than thở.

Tám ngày sau, anh Joseph cũng đến gặp bà chủ để xin nghỉ việc. Anh nói lý do đã già, mỏi mệt, muốn thôi việc để nghỉ ngơi.

- Cả anh nữa à, Joseph! - Bà chủ kêu lên. - Tai hoạ cho lâu đài Prieuré quá! Ai cũng bỏ chúng tôi thì chúng tôi làm thế nào bây giờ.

Bà chủ khóc, Joseph khóc, ông chủ khóc, cả chị Marianne cũng khóc.

- Anh đem theo nỗi nhớ tiếc của mọi người chúng tôi.

Nhưng Joseph không chỉ mang theo nỗi nhớ tiếc mà còn mang theo cả đồ đạc bằng bạc nữa!

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

***

Chúng tôi đã dọn về quán cà phê nhỏ. Anh Joseph như trẻ lại. Anh thôi không còng lưng, không chậm chạp nữa. Anh đi từ bàn nọ đến bàn kia, từ phòng này đến phòng khác, thật lanh lẹn dẻo dai. Đôi vai anh trông không sợ như trước mà rất ưa nhìn, cái gáy anh cũng không còn ghê gớm mà hiền từ, nhân hậu. Làn da anh tươi mát bóng láng một màu nâu gụ. Với cái mũ bêrê trên đầu, tấm áo varơi màu xanh nước biển, trông anh như một thuỷ thủ cựu, một con sói biển đã có dịp đi khắp đó đây, được nhìn nhiều cảnh lạ. Tôi rất ngưỡng mộ thái độ bình tĩnh của anh. Không bao giờ trong mắt anh tỏ vẻ lo lắng… Cuộc sống của anh rõ ràng là dựa trên những cơ sở vững chắc. Đối với anh bây giờ là “tất cả cho gia đình, cho tài sản, cho tôn giáo, cho biển cả, cho quân đội, cho Tổ quốc”…

 

Khi lấy nhau, Joseph chia cho tôi mười nghìn francs. Hôm trước ông chánh cẩm hàng hải đã giao cho anh một số tiền bán các vật vớt được ở biển là mười lăm nghìn francs. Anh cũng đã cho các người dân chài vay tiền để lấy lãi. Anh đã nghĩ đến việc mở rộng cơ ngơi mua thêm một căn nhà bên cạnh. Anh định đặt một cửa hàng có trình diễn nhạc ở đó.

Tôi thắc mắc sao anh nhiều tiền thế? Tài sản của anh lên đến bao nhiêu, tôi không hề biết. Anh không thích tôi hỏi, cũng không thích tôi nói đến thời gian còn đi ở. Dường như anh đã quên tất cả cuộc đời của anh chỉ thực sự bắt đầu từ khi chúng tôi đến ở tại quán cà phê này. Khi tôi thắc mắc điều gì muốn hỏi thì anh như không hiểu gì. Lúc ấy mắt anh lại ánh lên những tia sáng ghê sợ như xưa kia. Tôi không hiểu gì về anh ấy, không hiểu cuộc đời của anh ấy. Tất cả những cái bí mật tôi đều không biết.

Joseph trông nom mọi việc trong nhà, không cái gì qua được mắt anh. Chúng tôi có ba bồi bàn để phục vụ khách, một chị nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Công việc đâu ra đó. Trong ba tháng chúng tôi phải bốn lần thay người nấu ăn, vì họ làm ăn không tốt lại đòi hỏi nhiều. Thật là ghét!

Tôi giữ quỹ và bán hàng. Tôi còn làm nhiệm vụ khoa trương quảng cáo. Joseph muốn tôi phải đẹp, cần quần áo hay cái gì để trang điểm anh ấy sẵn sàng chi, không hề tiếc. Anh ấy muốn cứ tối đến tôi phải mặc chiếc áo hở cổ, có vẻ khêu gợi một tí để giữ khách, làm cho họ khi bước chân vào quán chúng tôi thấy vui, không muốn đi chỗ khác. Đã có hai ba sĩ quan, hai ba thợ máy loại giỏi, thường xuyên đến hàng tôi. Để làm vui lòng tôi, họ chịu tiêu. Joseph cũng chiều họ vì họ là những người say mê mạnh…

Chúng tôi cũng cho bốn người ở trọ. Họ ăn với chúng tôi buổi chiều, trả tiền rượu và các món giải khát phụ. Họ rất lẳng, lúc nào cũng quấn quít với tôi. Nhưng tôi cũng đã tự nhủ phải có mức độ không khuyến khích họ đi đến bả lả, bờm xơm. Ngay cả với viên đô đốc cũng thế. Không một chàng thanh niên nào biết chiều lòng phụ nữ như ông ta. Cũng rất lạ! Ông ta xấu người thôi chứ không đẹp như anh Joseph của tôi. Joseph thật là cực kỳ, vừa đẹp người, lại vừa có thủ thuật. Tuy anh là dân nhà quê, suốt đời ở tỉnh lẻ, thế mà không biết anh học được ở đâu những cách nói năng, ứng xử khôn khéo như thế!

Nhưng Joseph thành công nhất là trong lĩnh vực chính trị. Quán cà phê của chúng tôi với tấm biển mang dòng chữ “Quân đội Pháp quốc” ban ngày thì đỏ chót dưới ánh mặt trời, ban đêm thì rực rỡ trong ánh đèn điện, đã trở thành nơi gặp gỡ chính thức của người người bài Do thái xuất sắc và những người yêu nước rầm rộ của thành phố. Những người này đến đây kết bạn với những sĩ quan quân đội và những người có chức tước trong hải quân. Ớ đấy cũng đã có lúc xảy ra những cuộc huyết chiến và nhiều lần vì một việc chẳng ra sao mà các sĩ quan đã rút kiếm đe giết những tên phản động tưởng tượng. Buổi chiều hôm Dreyfus đổ bộ lên đất Pháp, tôi đã tưởng các quán cà phê sẽ phải sập trong tiếng hô: Quân đội muốn năm! Đả đảo Do thái! Hôm ấy anh Joseph có thắng lợi lớn. Anh trèo lên một cái bàn và hô: Nếu nó vô tội thì đưa về thuyền; nếu nó phản bội thì bắn.

Từ mọi ngả, người ta gào lên:

- Đúng! Đúng! Bắn đi! Quân đội muôn năm!

Lời hô đó đã đem lại niềm phân khỏi tột độ. Trong quán cà phê nổi lên tiếng reo hò, tiếng lách cách của các thanh kiếm và các nắm đấm giáng lên mặt bàn đá hoa. Có tiếng ai đó định phản đối một câu gì liền bị la ó, Joseph lao vào đấm cho rách môi và gẫy năm cái răng. Bị đánh tơi bời, toé cả máu mặt, gần chết, tên khốn khổ bị ném vào đống rác. Tiếng hô vẫn tiếp tục: Quân đội muôn năm! Đả đảo Do thái!

Đã có lúc tôi thấy hoảng sợ khi thấy diễn ra cuộc chém giết. Nhưng Joseph trấn an bảo tôi: Không sao! Phải vậy mói được việc.

Hôm qua, khi đi chợ về Joseph xoa tay vui vẻ báo tin:

- Có tin không vui… Người ta nói sẽ đánh nhau với quân Anh.

- Lạy Chúa! - Tôi kêu lên, - nếu Cherbourg lại bị oanh tạc thì sao đây?

- Chà chà! - anh Joseph cười, - tôi không lo oanh tạc, tôi nghĩ đến chuyện làm giàu kia!

Mặc dầu Joseph đùa cợt, tôi vẫn run sợ.

Tôi cho là anh ấy đang có một mưu toan gì ghê gớm lắm đây.

- Tôi trông cô không có vẻ một phụ nữ Bretagne - Joseph bảo tôi. - Cô là người Alsace thì đúng hơn.

Tôi thấy lo ngại. Anh ấy đã rắp tâm giao cho tôi một việc táo bạo đây. Mỗi khi nhìn anh ấy có vẻ trầm ngâm, tư tưởng của tôi lại bừng lên. Tôi như trông thấy những bi kịch, những vụ ăn sương, những vụ trèo tường khoét ngạch. Tôi như trông thấy những vụ đâm chém, máu me, chết người.

Hai tay thọc trong túi quần, trên đầu chiếc bêrê màu xanh, anh ấy ngật ngưỡng nói:

- Trong thời chiến, một cô gái Alsace xinh đẹp sẽ làm rực lửa các con tim và kích thích tinh thần yêu nước. Và không có gì làm say mê lòng người bằng lòng yêu nước. Cô nghĩ thế nào? Tôi sẽ đưa hình cô lên các báo.

- Tôi chỉ muốn làm một người phụ nữ bình thường thôi.

Thế là chúng tôi quay ra cãi nhau, dùng cả những lời nói nặng:

- Khi cô ngủ với mọi người thì cô có điệu bộ vậy đâu!

- Còn anh… Khi anh… Nhưng thôi chả nói làm gì?

- Đồ con điếm!

- Đồ ăn cắp!

Giữa lúc ấy có một người khách vào hàng. Cả hai chúng tôi thôi hẳn, như không có chuyện gì. Và đến đêm lại làm lành với nhau.

Tôi đi may một bộ quần áo Alsace bằng nhung và lụa. Tôi vẫn cứ phải làm theo ý Joseph. Mặc dầu có va chạm nhau nhưng tôi vẫn cứ là của anh ấy. Và tôi cảm thấy hạnh phúc được là của anh ấy. Dù biết nhiều điều là sai trái nhưng tôi biết tôi đã và sẽ phải làm tất cả những gì anh ấy muốn, đi bất cứ đâu anh ấy bảo tôi đi. Bởi tôi đã tự nguyện đi ở trọn kiếp cho một ông chủ quá nhiều tệ bạc. 

Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Mai – Trí Linh – thao1011
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)