Điều kỳ diệu của thái độ sống - Chương 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16

  1. 3.                  Nguyên tắc vàng

“Sống có nguyên tắc là một gia tài vô giá”.

                 - Marion Wright Edelman

Nguyên tắc vàng

Tôi lớn lên ở Trenton, một thành phố 5.000 dân ở phía Tây Tennessen. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn những kỷ niệm đẹp đẽ về 18 năm đầu đời. Những con người tốt bụng ở thành phốTrenton nhỏ bé đó đã để lại nhiều ấn tượng khó phai mờ trong tôi. Chẳng hạn như thầy Walter Kilzer, huấn luyện viên bóng đá, là người đã dạy tôi biết tuân thủ kỷ luật và biết tin tưởng vào bản thân. Còn thầy Fred Culp dạy môn lịch sử lại là người hết sức vui tính – thầy cho tôi sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp; dưới con mắt của thày, cuộc sống luôn tràn đầy niềm vui và hy vọng.

Nhưng chính cha tôi mới là người tôi xem như thần tượng. Ông dạy tôi nhiều điều, nhất là về lẽ sống ở đời, về lòng kính trọng lẫn tình yêu thương. Tôi xem những điều cha dạy là những nguyên tắc vàng, là kim chỉ nam cho bản thân mình trong những trải nghiệm cuộc sống.

Cha tôi có một cửa hàng đồ gỗ. Để có tiền tiêu vặt, tôi nhận chân dọn dẹp phụ cha ở cửa hàng mỗi thứ tư sau giờ học. Vào những ngày đó, tôi thường chú ý quan sát cách cha tôi tiếp chuyện với khách hàng, từ những người bán dụng cụ làm bếp, nhân viên bán hàng, bác nông dân, hay một ông bác sĩ. Một hôm vào cuối ngày, lúc cha tôi vừa định đóng cửa hiệu thì có một người làm nghề thu dọn rác bước vào.

Lúc đó, tôi cũng đã xong công việc và đang đợi cha tôi cùng về nhà. Cha tôi chào đón người dọn rác một cách chân tình ngay từ ngoài cửa, hỏi thăm vợ và con anh vừa bị tai nạn xe vào tháng trước. Cha tôi an ủi, nghe anh trút bầu tâm sự, rồi lại quan tâm hỏi han những chuyện khác. Trong suốt thời gian đó, tôi cứ sốt ruột nhìn đồng hồ. Ngay khi anh ta đi khỏi, tôi liền hỏi: “Sao cha mất thời gian với anh ta làm gì, chỉ là người dọn rác thôi mà”. Cha tôi nhìn tôi một hồi, chậm rãi khoá cửa rồi nói: “Con lại gần đây!”.

Ông nói: “Cha là cha của con, và như mọi người cha khác, cha đã dạy con nhiều điều. Nhưng nếu con có quên hết tất cả những gì cha đã dạy, thì con cũng phải luôn ghi nhớ điều này: “Con phải đối xử với người khác theo cách mà con muốn họ đối xử với mình”.

Ngưng một lúc, cha nói tiếp: “Cha biết đây không phải là lần đầu tiên con nghe nói về chuyện này, nhưng cha nghĩ con chưa thật sự hiểu rõ về nó. Vì nếu con đã hiểu, con đã không thốt ra những lời vừa rồi”. Cha kéo tay tôi ngồi xuống, rồi hai cha con tôi nói chuyện thật lâu về ý nghĩ của điều ấy. Cha tôi nói: “Đấy là nguyên tắc vàng đó con ạ! Nếu con áp dụng điều này vào cuộc sống, vào cách cư xử với những người xung quanh, mọi sự trong đời con sẽ trở nên dễ dàng và suôn sử. Nếu không, con cũng sẽ chỉ nhận được sự vô vị và chán ngán từ cuộc sống mà thôi”.

Bài học ấy đã theo tôi suốt quãng đời sau này, và cho đến bây giờ tôi càng thấy lời cha dạy là hoàn toàn có lý. Cuộc sống luông đong đầy và hứa hẹn những điều tốt đẹp, chúng ta hãy đón nhận nó bằng cách tốt nhất có thể.

“Hãy nhẹ nhàng với trẻ, sẻ chia với người già, cảm thông với người khó khăn và khoan dung với người sai… Vì trong đời mình, bạn khó tránh khỏi có lúc trở thành những người như thế.”

- Mac Anderson.

10. Nhân ái

“Cho đi là cái giá chúng ta phải trả để được tồn tại trên đời.”

- Marion Wright Edelman

Sự sẻ chia

“Giúp người cũng chính là giúp bản thân mình vậy”

- Ralph Waldo Emerson

Một trong những sở thích của tôi là dậy thật sớm vào sáng chủ nhật, mua báo, tự pha cho mình một tách café nóng rồi ngả mình trên ghế đọc tin tức khắp nơi. Đó là khoảng thời gian thư giãn riêng tư quý báu mà tôi tự dành cho mình.

Một buổi sáng chủ nhật nọ, tôi đang lướt qua những hàng tít trên báo thì có một nhan đề làm tôi chú ý và dừng lại để đọc. Đó là bài viết có nhan đề “Ngày tri ân”, kể về Oral Lee Brown – ân nhân của nhiều đứa trẻ mồ côi và thất học ở Oaklan. Năm 1987, Brown lúc đó là nhân viên môi giới bất động sản, một ngày trên đường đi làm về cô bỗng trông thấy một bé xin ăn bên đường. Sau khi dừng lại và hỏi han, cô nghĩ về số phận của những đứa trẻ lang thang: chúng sẽ đi về đâu nếu không được xã hội bao bọc, không được học hành? Chính vào ngày hôm đó, Brown đã quyết định sẽ thay đổi cuộc sống của nhiều đứa trẻ bất hạnh. Cô nhận bảo trợ cho tất cả học sinh lớp một ở một trong những trường học nghèo nhất Oakland và hứa sẽ đài thọ cho bất cứ đứa trẻ nào trong số đó học xong đại học.

Nếu Oral Lee Brown là người giàu có thì không có gì để bàn, đằng này, cô chỉ có thu nhập khiêm tốn hàng tháng và cũng còn đang nuôi hai đứa con. Nhưng Brown đã giữ lời hứa. Từ năm 1876, cô đã tiết kiệm 10.000$ mỗi năm để đưa vào quỹ “giúp trẻ đến trường”. Nhờ có hành động cao thượng đầy tình yêu thương này mà nhiều đứa trẻ vốn có nguy cơ trở thành tội phạm đường phố đã tốt nghiệp đại học và trở thành những công dân lương thiện.

Chúng ta ai cũng gắng tìm cho mình một mục đích sống trên đời. Chúng ta ai cũng muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho người khác, nhưng giữa nói và làm là cả một khoảng cách.

Tuyệt diệu thay, Oral Lee Brown đã trở thành một tấm gương cho chúng ta soi chiếu. Sống bằng tình yêu thương, quan tâm và sẻ chia với những số phận bất hạnh, mỗi sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta đang tạo nên những cơ hội lớn cho những số phận cần được vun đắp trong cuộc đời.

“Bạn luôn luôn có thể hoặc không thể làm một việc gì đó.”

         - Henry Ford

11. Vui với cuộc sống

“Cuộc đời sống động như một trò chơi.”

                 - Plato

Kiểm soát Stress

Căng thẳng thần kinh là ké sát nhân thầm lặng. Con người sống ở khắp nơi trên thế giới không ai là không phải đối mặt với chúng. Ai cũng mong muốn có một cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng, nhưng sự thật thì đã có mấy ai đạt được điều đó. Chúng ta không thoát được chúng bởi vì chúng tồn tại cùng với suy nghĩ của chúng ta trong tất cả các mặt của đời sống. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta chấp nhận để “kẻ sát nhân thầm lặng” này chi phối đời sống tinh thần của mình, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được stress. Đó là sự thật!

Nhưng cũng như nhiều vấn đề khác, kiểm soát sự căng thẳng như thế nào thì còn tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân. Sau đây tôi xin nêu ra cách thức của tôi để các bạn tham khảo.

Cách kiểm soát căng thẳng tốt nhất theo tôi là luyện tập thể dục thể thao. Bởi vì một tinh thần minh mẫn chỉ tồn tại trong một cơ thể tràn đầy sinh lực. Khi bạn vận động, máu sẽ lưu thông tốt hơn và lượng oxy chúng ta nhận được vào cơ thể cũng nhiều hơn, giúp hệ thống hô hấp cũng như hệ thống tuần hoàn hoạt động nhịp nhành. Lúc này, những tác nhân hoá học gây căng thẳng cũng sẽ dần bị đẩy lui.

Cuộc sống và công việc vốn tất bật, làm cách nào để có thể duy trì chế độ luyện tập thường xuyên? Tôi có hai giải pháp. Thứ nhất, tham gia một câu lạc bộ thể dục thể thao. Đó là cách để chúng ta bước vào một môi trường có thể thúc đẩy mình cùng luyện tập với mọi người. Thứ hai, tôi tự thực hành những bài tập tay không khi có thời gian đến phòng tập.

Bên cạnh đó, để kiểm soát căng thẳng, tôi vẫn dành cho mình những khoảng thời gian riêng tư, không điện thoại, không email, chỉ một mình thư giãn và tận hưởng cảm giác hoà mình vào thiên nhiên.

Có rất nhiều cách để bạn có thể thử nghiệm, nhưng điều quan trọng ở đây là bạn cần lên lịch trình rõ ràng cho việc thư giãn chứ không phải đợi đến khi thực sự có nhiều thời gian. Nếu bạn là người bận rộn, hay tham công tiếc việc, thì bạn lại càng cần phải học cách thư giãn. Do đó, chẳng phải là nghịch lý khi có ý kiến cho rằng: “Cũng như trẻ con, người lớn cũng phải được chơi. Đó là quá trình giúp người lớn hoàn thiện!”.

12. Sống nhiệt tình

“Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn.”

- Samuel Ullman

Sống hết mình với hiện tại

“Chim hót không chỉ để đáp lại tiếng gọi bầy, mà còn để ngợi ca cuộc sống”

- Ngạn ngữ Trung Hoa

Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông. Quả vậy, những gì đã qua thuộc về quá khứ, còn tương lai thì không biết trước được. Cái duy nhất thực sự có ý nghĩa là hiện tại.

Jim Valvano – một bình luận viên bóng rổ đã từng là một huấn luyện viên có sự nghiệp lừng lẫy khi dẫn dắt đội North Carolinagiành chức vô địch giải quốc gia NCAA trước đội Houston năm 1983. Thế nhưng giải thưởng danh dự Arthur Ashe là giải thưởng cho lòng dũng cảm mà ông được trao tặng năm 1993 lại chẳng có liên quan gì đến sự nghiệp bóng rổ cả. Lúc đó, Valvano đang phải chịu đựng một chứng ung thư hiểm nghèo và chỉ còn sống được sáu tháng. Trong bài diễn văn ông đọc lúc nhận giải thưởng cao quý này, ông viết:

“Tôi tha thiết mong muốn các bạn hãy tận hưởng cuộc sống của mình. Hãy tận hưởng mọi khoẳnh khắc ta có được trên cõi đời này. Hãy để tiếng cười tràn ngập mỗi ngày. Đừng kìm nén những cảm xúc, hãy thể hiện chúng. Hãy sống với tất cả nhiệt tình, bởi vì chúng ta sẽ không thể làm nên những thành tựu lớn lao nếu thiếu điềm đó. Và hãy sống với những ước mơ của mình.”

Jim Valvano tuy mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng ông luôn sống hết mình, yêu đời và tin tưởng vào mọi giá trị mà cuộc sống mang lại. Sự quý trọng từng phút giây được sống trên đời, sống như thể ngày mai mình không còn được sống đã mang lại nhiệt tình sống mạnh mẽ đến thế. Và tôi tin rằng mỗi ngày chúng ta cũng nên ý thức cho mình điều đó, vì ngày mai còn quá xa vời, chỉ có thực tại mới là cái chúng ta đang đặt chân lên.

Vài tháng trước, một người bạn có gửi cho tôi bài viết của Samuel Ullman viết năm 1920 có tựa đề: “Tuổi trẻ”. Bài viết này đã khuấy động tâm hồn tôi để lại trong tôi nhiều điều mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn:

“Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ là một gia đoạn trong đời người, mà chỉ là một trạng thái trong tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khoả và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi tuổi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hắt.

Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo nên những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu huỷ hoại tinh thần của chúng ta.”

Cho dù đang ở tuổi thanh xuân hay đã lên bậc lão, mỗi chúng ta đều rộn ràng trước những điều kỳ diệu, đều cảm thấy niềm náo nức trẻ thơi muốn khám phá một điều gì đó, và đều nuôi dưỡng niềm hạnh phúc sống. Trái tim chúng ta vẫn không ngừng cảm nhận những vẻ đẹp từ cuộc sống mang lại. Và chừng nào khi chúng ta còn biết hy vọng, còn biết vui sướng, còn cảm thấy sức mạnh lớn lao của lòng can đảm, chừng ấy chúng ta vẫn còn tuổi trẻ.

Một khi chúng ta quyết định khép lòng mình trước những điều như thế, tâm hồn ta đã nhanh chóng trở nên nguội lạnh với đầy rẫy những suy nghĩ yếm thế bi quan, và chúng ta vì thế mà già đi, thậm chí ngay ở tuổi đôi mươi. Còn ngược lại, nếu chúng ta luôn suy nghĩ lạc quan, chúng ta sẽ sống với tuổi trẻ suốt cả đời.

“Hãy nhìn vào vạn vật như thể mọi thứ đều tươi mới, nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, trong sáng và háo hức.”

- Joseph Cornell

13. Tâm hồn yên tĩnh

“Thượng đế cho tôi sự thanh thản để chấp nhận những gì không thể thay đổi, lòng dũng cảm để thay đổi những gì có thể và trí khôn để phân biệt hai điều này.”

- Reinhold Niebuhr

Giũ bỏ hận thù

“Tha thứ là chìa khóa giải thoát chúng ta khỏi xích xiềng thù hận.”

               - William Ward

Cảm xúc có khả năng điều khiển hành vi của chúng ta. Đôi khi việc suy nghĩ thấu đáo để giải thích hành vi của mình là một thử thách lớn lao. Tại sao trước mỗi sự việc chúng ta lại có một cảm giác và hành xử theo một hướng nhất định nào đó?

Chúng ta cũng nhận thấy rằng những khi thanh thản, không vướng bận vào bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào thì tâm trí ta rất tập trung, mọi việc hiện ra dưới con mắt ta đều sáng rõ. Nhưng khi cảm giác không thoải mái, mọi vấn đề dù là đơn giản cũng có thể trở thành những trở ngại lớn.

Một trong những cảm xúc tiêu cực đó là khi ta tức giận ai đó, hay về một chuyện gì không làm ta vừa lòng. Sự phản ứng của chúng ta thậm chí trở thành cơn phẫn nộ khi bị đối xử không tốt hoặc bị lợi dụng nhiều lần. Sự tức giận này đánh mất khả năng quan sát vấn đề và làm cho mối quan hệ giữa ta với mọi người thêm xa cách, đặc biện là với kẻ gây tức giận cho mình. Cảm giác này có thể mất đi chỉ trong thoáng chốc, nhưng cũng có khi nó lưu giữ trong một thời gian dài. Nếu chúng ta phí phạm thời gian cho cơn tức giận, tìm cách để trả thù hay bất kỳ hình thức nào khác thì kẻ chịu thiệt hại cuối cùng cũng là chính ta. Khi đó, chúng ta đã để cho những niềm vui, những cơ hội trong cuộc sống vụt qua đời mình.

Do đó, khi gặp bất cứ chuyện gì, bất cứ ai gây cảm giác không tốt cho mình, hãy tha thứ cho họ. Tha thứ không những loại bỏ hận thù mà còn giúp chữa lành những vết thương đang tồn tại trong mối quan hệ giữa con người với nhau.

Lòng vị tha là giá trị chúng ta cần tiến đến và đạt được để cảm nhận sự muôn màu của cuộc sống. Một thế giới tốt đẹp, một cộng đồng gắn kết, một gia đình yên vui, một mối quan hệ than tình, ngoài tình yêu thương thì lòng vị tha cũng là sợi dây nối kết không thể thiếu.

14. Giản đơn

“Chân giá trị không dung nạp những giá trị tầm thường.”

               - Goethe

Sự chừng mực

“Tập trung vào số ít quan trọng hơn là chạy theo số nhiều.”

                 - Mac Anderson

 

Bằng những trải nghiệm của bản thân, càng ngày tôi càng nhận rõ ra một chân lý là bất cứ một điều gì vừa phải bao giờ cũng tốt hơn thừa mứa. Nói cách khác, chúng ta nên đón lấy cuộc sống ngay khi nó đến, đừng đợi chờ một điều gì đó thật đủ đầy rồi mới chịu đón nhận. Hãy sống một cuộc đời chừng mực, đừng đợi chờ hay mong muốn hưởng thụ những điều xa xỉ, vì sẽ không có giới hạn nào kiểm soát việc đó.

Điều đó tương tự như khi chúng ta làm công việc chăm sóc và tỉa cành cho cây. Khi cắt đi những nhánh dư thừa, cây sẽ tập trung nhựa sống của nó để tạo ra hoa thơm quả ngọt. Cuộc sống của chúng ta cũng thế. Khi biết loại bỏ những điều không cần thiết, chúng ta có thể tập trung sức lực của mình cho những điều giá trị hơn.

Mỗi người quan niệm lợi ích của việc đơn giản hóa cuộc sống theo một cách khác nhau. Đó có thể tạo ra nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, cuộc sống ít căng thẳng hơn, ít huyên náo hơn, ít nợ nần hơn… Cuộc hành trình này tuy có cùng một đích đến nhưng lại có rất nhiều con đường khác nhau để tiến tới mục đích đó. Sau đây là hai cách cơ bản và thông dụng nhất chúng ta có thể áp dụng cho mình:

Không chạy theo sự hào nhoáng. Cuộc chạy đua tìm kiếm cái gọi là biểu tượng của thành công chỉ khiến chúng ta lao vào vòng quay tất bật để cuộc đời cuốn đi chứ không phải là được sống một cách đúng nghĩa. Nhà cao cửa rộng, xe cộ sang trọng, thành viên các câu lạc bộ thượng lưu hay những bộ cánh lộng lẫy… tất cả những điều ấy không làm nên hay giúp ta có được sự thanh thản trong tâm hồn. Ngược lại, lao vào cuộc đua ấy chỉ càng khiến cho ta cảm thấy chán nản, thua kém người khác trong vòng xoáy không có điểm dừng này. Giá trị của cuộc sống không nằm ở lượng vật chất chúng ta đang sở hữu mà nằm ở phần tâm hồn chúng ta đang có. Hãy hướng đến như cầu thực sự của bạn trong cuộc sống, xem bạn đang thiếu thứ gì, đang cần điều gì để tìm kiếm chúng, đừng cố gắng chạy theo những giá trị không cần thiết khi bạn không thể. Cuộc đời là vô tận nhưng luôn có những điểm dừng hạnh phúc nếu chúng ta nhận ra.

Sống theo quy luật 80/20. Trong kinh doanh, có một quy luật là 20% nhân viên bán hàng tạo ra 80% doanh số, hoặc 80% những rắc rối, kiện cáo tập trung ở khoảng 20% khách hàng mà thôi. Cũng không có gì khác biệt khi bạn thử áp dụng quy luật này vào cuộc sống hàng ngày. Trước hết, hãy xác định 20% các vấn đề, rắc rối tạo ra 80% căng thẳng bạn đang gặp phải. Sau đó tập trung giải quyết 20% các vấn đề này. Bạn sẽ bất ngờ trước những kết quả mình có được. Xác định rõ ràng những rắc rối mình gặp phải và có những phương pháp riêng đối với từng trường hợp là cách giải quyết vấn đề nhanh và hiệu quả nhất.

15. Tâm hồn trẻ thơ

“Bí mật của thiên tài nằm ở khả năng giữ được một tâm hồn trẻ thơ cho đến những ngày cuối đời.”

               - Mac Anderson

Sự thông thái trẻ thơ

“Người học việc sẽ đưa ra nhiều giải pháp tình huống hơn là các chuyên gia.”

               - Ngạn ngữ Trung Hoa

Trẻ thơ hồn nhiên và trong sáng, đầu óc chúng chưa từng bị vướng bận vào những điều được gọi là quy luật của cuộc sống, do đó những suy nghĩ, nhận xét của chúng có màu sắc riêng. Chúng ta phải công nhận rằng sự tưởng tượng của trẻ thơ dường như không có giới hạn, chúng tưởng tượng theo nhãn quan riêng của chúng mà không cần biết điều đó có thực tế hay không. Và có lẽ cũng vì vậy mà không người lớn nào có khả năng nắm bắt hay đoán biết được trí tưởng tượng của chúng đến mức nào. Sự không ràng buộc với những quy luật vốn đang tồn tại đã tạo điều kiện cho trẻ thơ tự do thả sức tưởng tượng. Đã có lúc nào chúng ta mong ước được như chúng: được tự do với những ý nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do suy luận? Nếu làm được điều đó thì cuộc sống tinh thần của chúng ta sẽ giàu có lên biết bao nhiêu. Chẳng người lớn nào có thể biến trở lại thành một đứa trẻ, nhưng chúng ta có khả năng luôn giữ cho tâm hồn mình sự hồn nhiên như vậy để sống một cuộc sống đầy sáng tạo.

Bằng cách cung cấp những triết lý đơn giản qua lăng kính trẻ thơ, chúng ta thấy mình có thể làm được nhiều thứ để duy trì công việc, các mối quan hệ và làm cuộc sống mình tốt đẹp hơn.

Vua đùa: Chúng ta cần nỗ lực gìn giữ tinh thần này trong công việc là trong cuộc sống của mình. Khi lớn lên, chúng ta thường có khuynh hướng nghiêm trọng hóa mọi vấn đề để rồi tự mình đưa mình vào vòng luẩn quẩn với những căng thẳng triền miên.

Không giới hạn ước mơ: Lúc nhỏ, chúng ta tin tưởng mình có thể trở thành những người vĩ đại, ca sĩ nổi tiếng hoặc nhà thám hiểm tài ba… khi lớn lên, chúng ta lại tự đặt ra những giới hạn cho chính mình.

Không ức chế: Trẻ con luôn nói thật lòng. Người lớn chúng ta cần sống như vậy nhiều hơn.

Hiểu người và hiểu tình huống: Trẻ con không bị vẻ bên ngoài đánh lừa, chúng rất thực tế và dễ dàng nhận thấy chân giá trị bên trong. Khi lớn lên, chúng ta lại thường bề ngoài làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, và chúng ta dễ rơi vào sự nhầm lẫn vì những ảo tưởng đó.

Sáng tạo và tưởng tượng: Một triết gia nổi tiếng từng quan sát thấy: “Thiên tài là khi biết suy nghĩ như trẻ con”. Trí tưởng tượng và sức sáng tạo chúng ta có được lúc năm tuổi thường bị phai nhạt dần từ tuổi mười năm.

Nếu bạn muốn nhóm lại ngọn lửa nhiệt tình, thắp lại niềm đam mê và sáng tạo, thì còn chần chừ gì nữa, hãy tìm về với “sự thông thái của trẻ thơ” tồn tại trong bạn.

16. Tử tế

“Tôi biết mình đi qua cuộc đời này chỉ một lần. Vì vậy, nếu cần thể hiện tình cảm của mình với ai đó, hoặc làm một điều tốt đẹp cho những người xung quanh, tôi xin làm ngay trong lúc này. Vì rằng tôi sẽ không quay lại cuộc đời này lần nữa.”

                 - William Penn

Khiêm tốn

“Để đánh giá chính xác một người vĩ đại đến mức nào, hãy nhìn vào cách họ ân cần đối xử với những kẻ yếu thế ra sao.”

               - Khuyết danh

Một trong những điều tử tế của chúng ta trong quan hệ với mọi người là giữ được đức khiêm tốn của bản thân mình. Tuy nhiên, nhiều người thường đánh đồng đức khiêm tốn với sự yếu đuối. Thật ra phải nói ngược lại mới đúng. Khiêm tốn như thỏi nao châm thu hút thiện chí của mọi người và làm nên giá trị của con người.

Khiêm tốn không phải là một hành động, mà là thái độ. Đó là thái độ biết tôn trọng người khác hơn là đề cao bản thân.

Người khiêm tốn luôn là người biết lắng nghe một cách chân thành. Họ quan tâm đến người khác mà không bận tâm đến các yếu tố xung quanh như địa vị, sang hèn, thành công, thất bại… đối với họ, lắng nghe để hiểu tâm tư tình cảm, hoàn cảnh của người khác là một mong muốn tự thân, là một quá trình của cảm xúc chứ không phải chỉ là một hành động đơn thuần biểu hiện ra bên ngoài.

Trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, những người luôn giữ được sự hài hòa trong các mối quan hệ gia đình, với nhân viên thì luôn nhận lại được sự tôn trọng của họ. Sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau là sợi dây vô hình đưa con người càng ngày càng gần lại nhau hơn. Hôm nay ta tỏ ra biết quan tâm, khiêm tốn với người thấp hơn mình thì ngày mai ta cũng sẽ nhận được điều tương tự từ người trên mình. Cuộc đời này chẳng ai dám khẳng định mình luôn đứng trên mọi người để dương dương tự đắc. Giá trị của mọi người sống trên đời đều ngang nhau, họa chăng chỉ khác nhau ở vị trí may mắn mà thôi.

Nếu bạn cảm thấy để lắng nghe người khác là việc khó khăn thì tôi xin cung cấp cho bạn một công thức đơn giản để hoàn thiện kỹ năng này:

Nghe – Hỏi  Nghe – Hỏi Nghe – Hỏi

Thay vì theo lối mòn của nhiều người là:

Nghe – Nói  Nghe – Nói Nghe – Nói

Và bạn đừng quên điều này: “Lắng nghe là mong muốn thấu hiểu”.