Vì trái tim nhà vua - Chương 10
CHƯƠNG 10
Sáng hôm sau khoảng chín giờ, Amélie và cha bước lên cầu thang của một tòa nhà tồi tàn bẩn thỉu ở ngoại ô Saint-Denis.
Bà chủ nhà cho thuê chắc như đinh đóng cột: một ông Cyprien d’Ambrines de Monteil nào đó đúng là ở địa chỉ này, ông ta ở một trong những căn phòng áp mái trên tầng ba và là tầng cuối cùng.
- Hình như là một hầu tước thì phải! - bà chủ tốt bụng nói cụ thể - Đó là cánh cửa xanh lơ với một bông hoa lys. Hai vị không thể lầm được đâu!
- Ông ta cho mọi người thấy rõ chính kiến và nguồn gốc quý tộc của mình, - Philippe-Henry lưu ý.
- Ông nói sao đúng quá! Ông ta luôn mồm đề cập đến những tổ tiên có đất phong của mình! Không ngày nào mà ông ta không làm chán tai cả nhà với chuyện về dòng họ mình! Ái chà! Dám chắc ông ta sẽ giữ các vị lại đến hai tiếng đồng hồ để nghe ông ta than thở về số phận của mình. Tôi cam đoan hai vị sẽ không trở xuống trước bữa trưa đâu!
Trên tầng ba, các căn phòng nằm ngay dưới mái. Một cửa sổ mái, mở ra một khoảng trời xám xịt hình chữ nhật nhỏ xíu, chỉ đủ rọi sáng lờ mờ tầng gác.
- Chúng ta tới rồi, - Amélie thốt lên - bên tay phải! Ở đây tối như mực, nhưng con đoán thấy màu xanh lơ phía cuối hành lang. Ồ! Đúng là một tay bảo hoàng nhiệt thành nếu phán đoán qua kích cỡ của bông hoa lys kia!
- Ai vậy? - Người đàn ông làu bàu khi nghe tiếng gõ cửa.
Rồi ông ta mở cửa ngay mà không đợi trả lời.
Nhờ cái cây phả hệ của Marion, Amélie biết ông Cyprien năm nay năm mươi mốt tuổi. Do đó cô không nghĩ mình sẽ đối diện với một người gần như ông cụ. Cô mới vỡ lẽ rằng sống trong túp lều tồi tàn như thế này thì con trai của một hầu tước đã phải hoàn toàn khánh kiệt, giống như nhiều nhà quý tộc khác sống sót sau Cách Mạng. Tuy nhiên, cô cũng bất ngờ khi nhìn thấy cái vẻ tuyệt vọng đến vậy trên gương mặt ông.
Cyprien khá cao lớn, vạm vỡ, với những bàn tay rộng, gồ ghề, và mái tóc bạc trắng, rất dày, được cắt ngắn và xù lên phía trên đầu, tóc phía sau gáy được búi tó. Đôi mắt màu sáng, xám xanh nhàn nhạt, vừa lộ vẻ buồn vô hạn vừa tỏ sự giận dữ bị kìm nén. Hai khóe miệng của ông, chảy xệ xuống dưới, chứng tỏ một sự chua chát sâu thẳm. Đúng là cái mùi vị cay đắng, dai dẳng đã từ từ ăn sâu bắt rễ suốt một cuộc sống bị ngược đãi, cấu thành từ những thử thách, những điều nhục nhã, sự tủi hờn và oán hận.
Nhìn qua một lượt, Amélie bao quát khung cảnh trong căn phòng: một cái giường tồi tàn đặt ngay trên sàn, một cái bàn cũ kỹ trên đó còn vương vãi thức ăn thừa của nhiều bữa trước, hai cái ghế tựa gần như đã hỏng, một cái rương gỗ thiếu nắp, quần áo dồn đống trên một ghế đẩu đầu giường, những cái chai không lăn lóc dưới đất, và một lô một lốc những đồ vật linh tinh được lượm lặt trên đường.
Trong bếp lò, vài khúc than củi đang cháy vẫn không sưởi ấm nổi cái gác xép. Khói không thoát hết qua cái ống cắm trên trần nhà, tạo thành một màn sương xám ngoét lãng đãng trong căn phòng. Không khí như bị giam hãm bởi một màn khói mỏng mờ xỉn và nặng nề. Amélie húng hắng ho.
Cyprien được nuôi dạy trong dòng dõi quý tộc cao cấp. Trước Cách Mạng, đến năm hai mươi mốt tuổi, ông có cuộc sống của một chủ lâu đài. Amélie nghĩ rằng ông đã phải đau khổ về tinh thần và cả thể xác, khi bị buộc phải sống sót trong một nơi thê thảm như thế này, đủ làm ông có thể chết cóng vào mùa đông và ngột ngạt vào mùa hè.
Sau màn giới thiệu, Philippe-Henry Schunck đi thẳng vào đề:
- Thưa ông, chúng tôi đến đây theo chỉ dẫn của một nhà phả hệ học vì một chuyện có liên quan đến ông. Một chuyện gia đình.
Amélie nhận ra một tia sáng lóe lên trong mắt Cyprien.
- Sao vậy được? - ông thốt lên - Phần lớn thành viên trong dòng họ tôi đã bị sự trừng phạt của Cách Mạng tàn sát. Những kẻ khác, những tên phản bội, đã mất dấu khi lưu vong. Có thể giờ này họ đã chết. Có vẻ như họ đã chẳng làm gì để đi tìm tôi, và trong sự nghèo khổ cùng cực như cái số tôi bây giờ, tôi không thể làm gì để tìm hiểu xem họ ra sao. Thế mà tôi đã ao ước biết bao... Tôi đành phải đi hỏi những gia đình giàu có mà tôi có dịp đến làm việc. Nhưng, than ôi, tôi chẳng bao giờ có được chút chỉ dẫn nào.
- Tại sao ông lại gọi họ là những tên phản bội? - Amélie ngắt lời ông.
- Vì họ đã trốn chạy khỏi nước Pháp, thưa tiểu thư. Đúng lúc quân vương của họ cần họ, thì họ cao chạy xa bay! Họ chỉ nghĩ đến sự sống khốn nạn của họ, và làm sao cất giấu của cải, thay vì hiến thân phục vụ vương triều. Họ đã có thể tuyển những đạo quân và tung chúng ra chống lại phe cách mạng. Đưa vua Louis XVI trở lại Versailles, nơi ngài bị xua đuổi bằng sức mạnh của lưỡi lê. Cứu vương triều! Họ đã chẳng cố làm gì cả. Sự hèn nhát của họ thật không chịu nổi! Không thể tha thứ! Hai cụ sinh thành khốn khổ của tôi thì trung thành đến cùng. Những nấc thang lên đoạn đầu đài, lưỡi dao của máy chém không làm các cụ run sợ. Hai cụ yêu quân vương và quê hương của mình. Hai cụ đã ở lại. Than ôi, hai cụ đã bị bắt hồi tháng Tám năm 1792 và bị chém đầu vài tuần sau đó, vào tháng Chín, giữa thời Khủng Bố trong cuộc Đại Cách mạng Pháp. Tài sản của các cụ bị tịch thu. Tôi sống sót một cách thần kỳ, nhưng đã khánh kiệt.
- Ông thoát khỏi cuộc thảm sát bằng cách nào? - Philippe-Henry hỏi.
- Tôi rất đau khổ vào thời kỳ đó, không gì an ủi được vì cuộc hôn nhân không thành của tôi. Từ khi Faustine ra đi, ba năm trước, tôi có thói quen ẩn mình trong một căn chòi của người làm vườn trong trang viên tòa lâu đài của chúng tôi. Ở đó, tôi giấu những giọt nước mắt của mình mỗi khi não nề. Do đó tôi đã không có mặt ở lâu đài khi bọn cách mạng bao vây nó. Từ chỗ núp, tôi thấy chúng dẫn cha mẹ mình đi. Chính sự sợ hãi đã ngăn tôi hét lớn lên vì tôi nhận ra rằng bọn chúng đang tiến đến gần nơi tôi ẩn nấp... Chúng đang tìm tôi. Bọn gia nhân đã phản lại tôi khi tiết lộ với chúng rằng tôi đang núp đâu đó trong vườn. Thấy vậy, tôi leo tuốt lên gác chứa lúa và kéo thang lên luôn để bọn nổi dậy không nảy ra ý leo lên. Sau đó, vùi mình trong một cây rơm, tôi chờ. Không động đậy. Gần như nín thở. Tôi nằm ở đó không biết bao lâu nhưng đối với tôi là bất tận. Khi đêm đã khuya, mọi thứ đều yên tĩnh, tôi mới ra khỏi chỗ núp và đi một cách vô định, lang thang hết làng này sang làng khác như một gã dân quê. Tôi phải làm việc trong những trang trại ở bất cứ nơi nào người ta cần sức lao động. Năm tháng trôi qua như vậy cho đến khi tôi đến được Paris.
- Hiện nay ông sống bằng gì?
- Tôi làm công nhật. Tôi bán cho ai muốn, thời gian và sức lao động ít ỏi còn lại của tôi. Lao động không làm tôi sợ. Trong tôi có sự dũng cảm của dòng máu quý tộc Pháp! Tôi dùng nó để kiếm ăn, để giữ mình sống trên đời. Nhưng, nói tôi nghe... Các vị muốn đề cập với tôi chuyện gia đình gì vậy?
- Một loạt sự kiện trùng hợp mà chúng tôi sẽ giải thích với ông sau, - ông Schunck tiếp tục câu chuyện - đã dẫn chúng tôi tới ông và một cô gái bà con của ông. Một cô cháu họ của ông.
Lúc đó, Amélie nhìn thấy trong đôi mắt của Cyprien không chỉ một ánh chớp mà là cả một tia sáng kỳ lạ, bất ngờ!
- Một cô cháu họ! Nhưng... Nhưng... - Cyprien lắp bắp, choáng váng vì sự phát hiện đó - Ai... Người đó là ai? Trước Cách Mạng, tôi có nhiều cháu họ em họ lắm. Tất cả đã ra nước ngoài năm 1789, với cha mẹ họ.
Một nỗi xúc động mãnh liệt hiện lên trên gương mặt ông.
Amélie và cha đưa mắt nhìn nhau, lúng túng. Hai người cảm thấy ngán ngẩm khi thông tin ấy lại khiến ông ta bối rối như vậy.
- Cô này không biết gì về thời kỳ đầu của cuộc Cách Mạng cả, - Philippe-Henry giải thích - cô ta mới mười chín tuổi. Sinh ở Vienne trong thời gian lưu vong của gia đình, cô trở về Pháp cùng lúc với vương quyền vào mùa xuân năm 1814, mới cách đây năm năm. Cô ấy tên là Ombeline. Đó là cô con gái độc nhất của Faustine de Joiselle và Maxence du Ponçay, hầu tước xứ Varentin, như thể hiện trên cây gia phả của ông. Hơn nữa tôi cũng đã chép cho ông một bản đây. Nó hoàn toàn đáng tin cậy. Những cuộc tìm kiếm đã được một nhà phả hệ học danh tiếng tiến hành. Faustine chính là cháu, con của con gái dì ruột của ông.
Cyprien tái mặt và, trong một cơn bực bội mà sự dữ dội khiến Amélie phải kinh ngạc, ông ta giật phăng tờ giấy từ tay của Philippe-Henry.
- Con gái của Faustine ư? - ông ta nói với giọng vô hồn khi buông mình xuống ghế.
Ông mở tờ giấy ra và nghiên cứu tỉ mỉ trước khi vò nát nó ra một cách giận dữ. Mặt biến dạng vì một cái nhếch mép đau đớn, ông lấy hai tay ôm đầu và òa khóc.
- Không thể được, - ông buông ra giữa hai tiếng nấc - Faustine thề là sẽ đợi tôi, chúng tôi phải lấy nhau khi em trở về từ cuộc lưu vong. Tôi đã kiên nhẫn từ bao năm nay. Tôi đã viết cho em hàng trăm lá thư. Tôi không biết em có nhận được không vì tôi không bao giờ nhận được hồi âm. Thế nhưng, tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ tìm thấy em một ngày nào đó! Vậy mà sáng nay, với cái cây phả hệ này, tôi vừa biết đến cuộc hôn nhân của em với một người khác không phải tôi, vừa biết sự ra đời của con gái em và điều không thể chịu nổi... là cái chết của em.
- Cuộc hôn nhân bất thành mà ông nhắc đến hồi nãy, có phải là với... mẹ của Ombeline không? - Amélie ngập ngừng hỏi.
- Phải. Nàng là người phụ nữ tuyệt vời nhất. Chúng tôi chuẩn bị làm một lễ cưới vì tình yêu, điều này đã và vẫn còn là điều hiếm có trong giới quý tộc. Chúng tôi đã có cái may mắn đó.
Amélie và cha trao đổi một cái nhìn... Hai người vừa hiểu ra rằng tình yêu của Cyprien dành cho Faustine đã trở thành một nỗi ám ảnh thật sự. Một định kiến mà năm tháng trôi qua và sự thiếu thốn thông tin không làm sao xóa nhòa được.
- Có lẽ đây là những kỷ niệm đau đớn đối với ông, nhưng xin ông vui lòng kể lại câu chuyện đó cho chúng tôi, chúng tôi sẽ lắng nghe hết sức chăm chú. Phải không cha?
- Hoàn toàn như vậy! Chúng tôi lắng nghe ông đây.
- Cho đến lúc này thì những kỷ niệm đó chẳng có gì xé lòng cả, bởi vì tôi quyết giữ niềm hy vọng đã sưởi ấm lòng dạ tôi. Dù điều đó có đau khổ với tôi, tôi vẫn kể hết cho các vị. Chỉ việc nhắc đến tên Faustine thôi cũng đủ làm cho nàng sống lại...