Vì trái tim nhà vua - Chương 11
CHƯƠNG 11
Bằng một cái khoát tay, ông gạt phăng tất cả những gì trước mặt. Bốn chiếc dĩa dơ và một ly rượu còn phân nửa vỡ tan dưới sàn, lẫn lộn mảnh thủy tinh và mảnh sành với những vụn phô mai, vài khúc xương gà và những vỏ khoai khô. Lớp bụi từ từ thấm khô giọt rượu vang bắn ra.
Cyprien ngồi lên bàn và mời khách ngồi xuống hai cái ghế tựa xấu xí. Rồi chậm rãi, ông dùng hai bàn tay xoa lên mặt và lấy ngón tay lùa vào mớ tóc rậm bạc trắng rối bù.
- Faustine và tôi biết nhau từ thuở nhỏ, - ông bắt đầu kể - Nàng nhỏ hơn tôi ba tuổi, và tôi luôn che chở nàng. Hai bà mẹ của chúng tôi, Hermine và Adélaïde, là hai chị em, còn hai ngôi nhà phố mà chúng tôi ở vào mùa đông nằm cách nhau không xa. Vào mùa hè, cha mẹ chúng tôi lại đi nghỉ tại đất đai của mình. Nhưng hai gia đình thường thăm viếng nhau, ở chơi với nhau nhiều ngày. Đó là lý do Faustine và tôi thường ở gần nhau. Cùng lớn lên với nhau, chúng tôi chia sẻ mọi thứ: những vị gia sư, trò chơi, những buổi đi dạo, những lần sum họp gia đình, học cưỡi ngựa và những buổi phi nước kiệu trong rừng, những thứ bệnh mà chúng tôi cùng mắc phải một lúc, và mọi trò ngu ngốc mà chúng ta có thể nghĩ ra khi còn trẻ. Chúng tôi là những người bạn tốt nhất trên đời và là những đồng lõa hoàn hảo nhất. Chúng tôi có một ông thầy dạy khiêu vũ, cùng với ông, chúng tôi chuẩn bị một màn kịch dành cho ngày sinh nhật lần thứ mười sáu của Faustine. Chúng tôi sẽ khiêu vũ với nhau một điệu menuet. Chính trong một lần tập dượt mà mọi sự bắt đầu. Không phải lần đầu tiên ngón tay chúng tôi chạm nhau, nhưng hôm đó lại khác. Tôi không hiểu sao khi tiếng đàn clavecin[10] vừa dứt, tôi giữ tay nàng lại trong tay tôi. Rất lâu. Không hề định trước gì cả. Một cách thật tự nhiên. Tôi thấy Faustine bối rối, nàng run lên. Và nàng đỏ mặt. Ồ, một chút thôi. Thậm chí gần như không nhận ra. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau, và điều mà tôi đọc thấy trong mắt nàng, vào lúc ấy, đã khắc ghi vào tâm khảm tôi. Từ hôm đó, chúng tôi yêu nhau điên cuồng. Hai gia đình chúng tôi mau chóng nhận ra điều đó. Mọi người nhìn chuyện tình diễm lệ của chúng tôi một cách khoan dung. Chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc sống cùng nhau, và ngày cưới được ấn định vào tháng Mười năm 1789. Chúng tôi cảm thấy rằng không có gì, không bao giờ, có thể chia lìa chúng tôi. Mỗi ngày đều là một ngày kỳ diệu. Có thể nói rằng tôi đã biết thế nào là hạnh phúc...
[10] Đàn piano cổ - ND.
Niềm hạnh phúc ấy, Amélie nhìn thấy nó dần dần hiện lên trên gương mặt của Cyprien theo dòng câu chuyện tình đẹp đẽ thời tuổi trẻ của ông, với tràn đầy tình tiết. Ông lão biến đổi hẳn đi. Ông tìm lại ánh mắt sáng mà chắc ông đã có thời đôi mươi.
- Nhưng Cách Mạng đã nổ ra, - Amélie thở dài.
- Than ôi, đúng vậy. Sự căng thẳng tăng cao làm rúng động người dân. Những cuộc bạo loạn diễn ra rất nhiều. Cuộc nổi dậy đang gầm gừ. Chúng tôi không đui mù gì, giới quý tộc ấy mà. Thế mà chúng tôi không nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra. Với độ lùi, tôi tin rằng đơn giản là chúng tôi đã không muốn nhìn thấy sự thật trước mắt. Vào tháng Bảy, lan truyền tin tức về vụ chiếm giữ ngục Bastille. Khi sự sửng sốt đã trôi qua, hai gia đình chúng tôi mới đo lường được tầm mức của thảm họa, và hai nhà đã bất đồng với nhau. Một bên cho rằng phải cấp tốc rời nước Pháp, bên kia chấp nhận ở lại, kháng cự và chiến đấu cứu vương quyền khỏi nguy biến đang đe dọa nó. Những cuộc tranh luận nảy lửa kéo dài hàng đêm dài. Cuối cùng, như tôi đã giải thích lúc nãy, cha mẹ tôi quyết định đặt mình dưới sự sai phái của nhà vua. Gia đình Faustine chọn cách ra đi, ước tính rằng nguy cơ quá lớn. Dù lên án sự chạy trốn của họ, tôi vẫn phải thừa nhận rằng họ đã đánh giá đúng sự nghiêm trọng của tình hình. Từ lúc đó, họ bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi sẽ dẫn họ tới Áo. Hôn lễ được dời lại một thời điểm sau, khi họ trở về từ chuyến lưu vong. Tất cả chúng tôi đều nghĩ một cách ngây ngô rằng sẽ sớm đoàn tụ với nhau. Không ai trong chúng tôi hình dung được những biến động sẽ kéo dài lâu như vậy... Không biết những gì tương lai sẽ dành cho mình, Faustine và tôi nói lời chia tay.
- Tôi nghĩ rằng đó là một thử thách khó khăn - Amélie bình luận.
- Cô không hình dung được hết đâu. Chúng tôi đang ở trong thư viện lâu đài của cha mẹ nàng, lúc chia tay nhau. Tôi còn nhớ như đang ở đó lúc ấy. Một nỗi đau không chịu nổi vò xé lồng ngực tôi. Bất chấp thời gian đã trôi qua, tôi vẫn còn cảm thấy nó, cũng sôi sục như vậy mỗi khi tôi nhớ đến Faustine. Mà tâm trí tôi thì không bao giờ xa rời nàng. Để các vị biết tôi đã đau khổ tới mức nào mỗi ngày và mỗi đêm trong cuộc đời khốn khổ của tôi. Khi lấy mất Faustine, người ta đã xé nát tim tôi. Người ta đã lấy đi niềm vui sống của tôi.
Cyprien nhắm mắt lại và hít một hơi dài.
Amélie và Philippe-Henry trao đổi với nhau một cái nhìn thương cảm.
- Tôi nhìn lại cảnh tượng, - Cyprien thở ra, hai mắt vẫn nhắm - Việc ấy diễn ra vào tháng Chín của cái năm 1789 chết tiệt đó. Những mùi hương vẫn còn phảng phất trong mũi tôi... Mùi mây của những chiếc giỏ, mùi gỗ của những chiếc rương trong đó đám gia nhân chất nào là sổ sách, tài liệu lưu trữ, nào là sách vở đủ loại, mùi mực và giấy, mùi da thuộc bọc sách, cả mùi vàng mạ gáy sách nữa. Các vị có biết là vàng cũng có mùi không? Rất tinh tế, nhẹ nhàng đến mức khó nhận ra. Trong không khí còn toát ra những mùi hương cuối cùng của mùa hè nữa, những mùi thơm kích thích và đê mê xông lên từ trang viên khi màn đêm buông xuống, mùi đất, mùi cỏ mới cắt, mùi những bông hoa nở rộ, thấm đẫm ánh nắng... Tôi nghĩ các vị đã đoán ra, tôi cảm thụ rất nhạy với những mùi hương. Nhưng bao trùm tất cả và vẫn còn hiện hữu trong ký ức của tôi, không suy suyển và sống động, là mùi nước hoa của Faustine. Cùng một loại với nước hoa của mẹ nàng. Nàng luôn dùng nó. Nó thanh lịch và tinh tế một cách kỳ diệu. Lạ thường và quyến rũ. Từ đó, tôi đã gặp nhiều người, nhưng tôi chưa từng được ngửi một kỳ quan nào như vậy từ bất cứ người phụ nữ nào mà tôi có dịp đến gần.
- Ông biết người làm nước hoa nào đã bào chế ra nó không? - Amélie, bỗng tò mò, hỏi ông ta.
- Thật kỳ lạ là cô hỏi tôi câu đó, - Cyprien cuối cùng cũng mở mắt ra sau cuộc độc thoại dài để trả lời. - Tôi đã hỏi như vậy với Faustine, vì tôi muốn tặng nó cho nàng. Nàng mới phá ra cười và đáp lại rằng đó là một trong những bí mật mà một cô gái không thể chia sẻ với người yêu được, dù phải lòng anh chàng đến đâu đi nữa.
- Vậy ông không bao giờ biết được sao?
- Không bao giờ! - ông nói với nụ cười tội nghiệp.
Bỗng ánh mắt của Cyprien trở nên u ám hơn.
- Tôi nhớ lại... - ông nói tiếp - Trong thư viện... Faustine và tôi tựa vào nhau khóc. Chúng tôi cứ hôn nhau mãi, nói với nhau những câu êm dịu mà chúng tôi đặt ra dành cho nhau. Tôi vuốt tóc nàng, hứa rằng tôi sẽ chờ đợi nàng và yêu nàng mãi mãi. Tôi hít hương thơm của nàng, tôi ôm nàng trong vòng tay, siết nàng thật chặt. Nàng dùng đầu ngón tay thanh mảnh lướt qua mặt tôi như muốn chiếm hữu nó, giữ lại thành một dấu vết không phai nhòa. Chúng tôi không ngớt giằng lấy nhau. Từ cái ngày đen tối ấy, mỗi sáng thức dậy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là dành cho nàng. Tôi nguyền rủa thời gian chầm chậm trôi qua mà tôi không nói được với nàng tình yêu của tôi, nhưng niềm hy vọng vẫn giữ tôi lại trên đời. Còn từ nay, biết chuyện xảy ra với nàng, mỗi bình minh trở lại sẽ mở ra cái thiếu thốn, sự trống vắng, điều không thể cứu vãn được. Cổ họng tôi se thắt lại khi nghĩ đến tất cả những ngày tôi còn trên đời này mà không có nàng, và không còn hy vọng được gặp lại nàng.
Cyprien đưa ống tay áo lên quẹt những dòng lệ chảy tràn trên đôi gò má cạo không sạch.
- Tôi chỉ còn quá ít vật thuộc về nàng, - ông nói thêm - Nửa tờ giấy nhỏ mà chúng tôi chia nhau lúc cách xa. Vì buộc phải rời xa nhau... Đám gia nhân đi ra đi vào căn phòng, khiêng đi từng thùng sách một. Chúng tôi không để ý đến họ. Thế rồi dì Adélaïde đi vào và phát cáu. Dì yêu cầu chúng tôi ngưng ngay cái kiểu vĩnh biệt kỳ khôi đó đi, vì không có lý do gì vĩnh biệt, chúng tôi sẽ sớm gặp lại nhau mà. “Ta để cho các con hai phút! Chúng ta phải đi không chậm trễ nếu muốn đến trạm xa đầu tiên trước khi đêm xuống”, dì kết luận, trước khi ra khỏi thư viện. Dì giận lắm. Vừa giận vừa đau khổ. Tôi hiểu dì. Phải rời bỏ tất cả, dù chỉ trong ít lâu, làm cuộc sống của dì đảo lộn hết mức.
- Tờ giấy gì mà hai người chia nhau vậy? - Amélie hỏi - Chắc nó phải có ý nghĩa tình cảm lớn lắm.
- Không, không hẳn vậy. Faustine chỉ đơn giản chụp lấy cuốn sách gần tầm tay nhất, nằm trên cùng của một rương sách còn mở. Nàng muốn xé một trang và cắt nó ra làm hai để mỗi người chúng tôi giữ một nửa. Cái gì ghi trên đó không quan trọng với chúng tôi. Một động tác mang tính biểu tượng. Một ngày không xa chúng tôi có thể ráp nó lại và lúc đó chúng tôi sẽ đoàn tụ suốt đời. Nhưng khi tôi mở cuốn sách ra, một tờ giấy rời rơi ra. Tôi lượm lấy nó và xé ra làm hai. Tôi nhét phân nửa vào túi áo vét và đưa nửa kia cho Faustine. Đúng lúc đó dì Adélaïde lại quay vô phòng, miệng thì la: “Giờ thì đủ rồi! Bỏ cuốn sách xuống và theo ta, con gái!”. Không biết làm gì với mảnh giấy mà tôi vừa đưa, Faustine nhét đại nó vô giữa các trang của cuốn sách mà nàng để lại vào rương. Đôi mắt của chúng tôi nói với nhau câu “Anh yêu em, em yêu anh” một lần cuối cùng, đôi bàn tay của chúng tôi trượt ra khỏi nhau đến lúc rời xa hẳn, và nàng chạy ào đi.
- Rồi sao nữa ạ? - Amélie hỏi tiếp.
- Đám gia nhân khiêng đi những chiếc rương cuối cùng. Tôi còn lại một mình trong gian thư viện giờ chỉ còn là cái khung trống rỗng, bị lấy đi chất liệu của mình. Không còn hơi sức gì, tôi dựa lưng vào tường và để mình từ từ rũ xuống. Tôi ở đó, ngồi trên sàn cho đến đêm đen, lòng hy vọng chuyến xe mang đi tình yêu của đời tôi sẽ đến nơi bình yên...
Bỗng một cận xâm chiếm Cyprien. Ông đập mạnh nắm tay lên bàn.
Philippe-Henry chờ ông bình tĩnh lại trước khi hỏi:
- Ông còn giữ nửa tờ giấy đó không?
- Tất nhiên là còn. Nó đây. Tôi luôn cất nó vào túi trong của bộ áo, ngang với trái tim. Đó là “kho báu” của tôi.
Cyprien cho tay vào lớp vải lót áo vét và lấy ra một mảnh giấy xỉn nâu vì thời gian và xác xơ ở các cạnh. Ông đưa nó cho các vị khách.
Amélie đỡ lấy tờ giấy một cách cẩn thận. Theo vết xé, thì cô đang cầm trong tay phần phía phải của tờ giấy. Cô đọc những chữ ghi trên ấy như một cái tựa:
dụng
xác
vãng
Phía dưới những mẩu chữ khó hiểu đó sắp hàng một chuỗi con số.
Amélie cảm thấy trái tim mình đập lạc nhịp trong lồng ngực, và máu bốc lên đỏ hai má. Cô nghĩ đến cuốn sách được đề cập đến trong nhật ký của Marion. Cuốn sách mà cô đang tìm và Ombeline có vẻ như không có.
Phương pháp và cách sử dụng
thuật ướp xác
người quá vãng
Cái mảnh giấy nhỏ này trông rất giống với một cách pha chế mà người ta chỉ thấy được số lượng. Vật liệu chắc nằm ở phía trái của tờ giấy.
Tìm thấy cách pha chế là một phép lạ... Điều đó có thể xảy ra không?