Vì trái tim nhà vua - Chương 19 (Hết)

CHƯƠNG 19

Một tuần sau, trái tim của vua Louis XIV được ướp xong.

Ombeline tiến hành công việc theo chỉ dẫn từng chữ một của Marion và trong cuốn sách bỏ quên trong rương.

Với sự mãn nguyện bao la sau một nhiệm vụ được thực hiện tốt đẹp và một công trình cuối cùng cũng hoàn thành, Philippe-Henry tự tay niêm phong hũ cốt đựng di vật hoàng gia.

Ông được Ngài bá tước đại nhân Pradel, bộ trưởng Nội cung đức vua tiếp. Ông đã trao cho ngài trái tim của vua Louis XIV với tấm biển đồng mua đấu giá và trái tim của vua Louis XIII.

Hôm sau, một ngày Chủ nhật tháng Tư, Amélie và Ombeline đi thăm Versailles. Một chuyến xe ngựa thuê bỏ họ xuống trước cổng sắt Hoàng Hậu. Từ đó họ đi bộ đến cung Trianon Lớn.

Mặt trời thật chói chang. Họ ngừng bước trong bóng râm, dưới hàng cột ở mặt tiền, giữa hai hàng cột chia cắt sân với ngự uyển.

Trước mặt họ, những bồn hoa kéo dài về hướng mặt trời lặn. Phía tay trái, về hướng Nam, những hàng cam trồng áp tường, chạy xuống đến bờ con Kênh Lớn.

- Hãy tưởng tượng, ngay chỗ chúng ta đứng đây đã từng mọc lên tòa nhà trung tâm của điện Trianon bằng sứ, - Ombeline giải thích với bạn - Một cung điện nhỏ xíu. Một chốn thần tiên màu xanh và trắng. Tớ đã tìm hiểu. Nó được xây dựng vì một lần cao hứng của vua Louis XIV, để che giấu những cuộc yêu đương của ngài với bà hầu tước de Montespan. Khi bà ấy không còn được sủng ái, đức vua bèn cho phá nó đi và ra lệnh xây cái kỳ quan bằng đá cẩm thạch hồng mà chúng ta có thể thấy ngày nay: cung Trianon Lớn. Hàng cột mặt nhà có lợi là nối hai phần của tòa lâu đài nhỏ này, nhưng với tớ, cái hành lang bao quanh bởi hàng cột, gió lùa bốn bề, mới mang một chiều kí tính biểu tượng... Nó nằm ngay chỗ của những căn phòng nơi nhà vua và người đẹp Athénaïs đã nếm trải những khoảnh khắc hạnh phúc, vào lúc cuộc tình của họ mặn nồng nhất. Nơi này hiện bị những luồng gió lùa quét qua như muốn xóa đi những dấu vết nhỏ nhất về sự si mê của họ.

- Em đã không nghĩ đến điều đó, nhưng có lẽ chị có lý - Amélie nói - Những sách vở mà gia sư của em cho em đọc về Versailles cắt nghĩa rằng vua Louis XIV không bao giờ làm gì một cách tình cờ cả. Tại lâu đài của ngài cũng như trong ngự viên, tất cả đều có giá trị biểu tượng.

- Đến đây, Amélie, hãy theo tớ. Chúng ta đến ngồi nghỉ một lát trên bậc thềm của Sảnh Ngự uyển.

Hai cô gái rời hàng cột ở mặt tiền hướng đến những bồn hoa. Họ được đón tiếp bởi một bản giao hưởng những màu sắc và mùi hương khêu gợi và ngòn ngọt. Ombeline nhận biết được từng mùi hương. Hai mắt nhắm, cô cũng có thể mô tả đến từng chi tiết những bản phối các loại hoa mà những người làm vườn đã soạn ra.

- Sảnh Ngự uyển là gì hả chị? - Amélie hỏi.

- Là một trong những sảnh của điện Trianon Lớn. Nó nằm ngay chỗ Phòng Hương Thơm. Nhìn kìa, xa hơn một chút, nơi ba cửa sổ mở ra một cái sân trời nhỏ. Chúng ta hãy đến ngồi trên những bậc cấp dẫn vào đó.

Ombeline khoác tay Amélie tiếp tục bước tới. Sự tĩnh lặng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng giày sột soạt trên lớp sỏi trắng của lối đi và tiếng luyện hót của những chú chim.

 - Nếu kỷ niệm về cuộc tình của vua Louis XIV và phu nhân de Montespan từ lâu đã tan biến đi, bị xóa mờ, như những dấu chân trên cát bị gió tẩy trơn - Ombeline nói tiếp - thì tớ thấy hình như kỷ niệm của hai cụ Bastien và Marion vẫn còn rất dai dẳng. Cụ Marion không ngớt hiện hữu nơi đây. Khi thấm đẫm những câu chữ cụ đã viết trong cuốn vở, tớ mường tượng ra gương mặt cụ, dáng người nhẹ nhàng, cả ánh mắt cụ cũng vậy. Tớ như nghe được giọng nói, tiếng cười của cụ. Tớ hình dung ra những tiếng than thở và những giọt nước mắt của cụ. Nếu cụ hiện ra, ngay đây, đúng lúc này, ở khúc quanh của một lùm cây, tớ sẽ nhận ra cụ ngay. Từ khi đọc xong nhật ký của cụ, tớ lại thấy thật gắn bó với cụ. Chưa đầy một phút, hai cô gái đã đến bậc thềm của Sảnh Ngự uyển. Ở đó, Ombeline đặt túi xách lên bậc đá trắng và rút cuốn nhật ký của Marion ra.

- Đây nè - cô nói - Đã đến lúc cậu đọc mảnh giấy thứ tư.

- Em chờ điều này từ tám ngày nay rồi... - Amélie vừa thở ra vừa cầm lấy trang giấy của cuốn nhật ký mà bạn cô trao.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

***

Thứ Năm ngày 29 tháng Sáu năm 1679

Gần nửa đêm.

Tối nay, sau bữa tối, hoàng hậu đã ân cần cực kỳ khi tiếp riêng tôi. Ngay khi tôi hỏi lệnh bà xem Người có cho phép tôi nói chuyện với Người không, Người đã thấy sự hoảng loạn hiện ra trên mặt tôi. Người mau chóng lôi tôi vào nhà nguyện riêng của Người. Nơi duy nhất trong lâu đài Người biết sẽ không bị quấy rầy. Tôi run rẩy khi nghĩ rằng đây là chỗ mà tôi đã gặp Bastien Florac lần đầu tiên, ba tháng rưỡi trước. Tôi bắt đầu khóc. Nhiều như cái ngày mẹ tôi mất. Hoàng hậu đã ôm tôi vào lòng và an ủi tôi một cách âu yếm. Người chờ cho đến khi những tiếng nấc của tôi chấm dứt mới tìm hiểu xem nguyên nhân của nỗi phiền muộn lớn lao của tôi là gì.

Đã đến lúc tôi cho Người biết mọi việc. Tôi nợ Người một sự thật. Lúc đó, tôi thú nhận với Người bí mật về tình yêu cuồng si gắn kết tôi với Bastien, và sự tuyệt vọng đã nhấn chìm tôi từ khi chàng phải hấp tấp ra đi, đêm hôm qua...

Đêm bắt đầu xuống. Tôi chỉ mới đến nhà chàng có nửa giờ, thì người ta gõ cửa. Một toán người võ trang yêu cầu chàng phải rời Versailles ngay lập tức. Chàng không đem theo được gì. Sự sửng sốt của chúng tôi lớn đến độ chúng tôi không thể thốt lên nửa lời nên chúng tôi nói lời chia tay bằng ánh mắt.

Tôi hiểu, từ nay trở đi, mỗi buổi sáng khi thức dậy, sự lo sợ sẽ vồ lấy tôi và một câu hỏi, luôn luôn là câu ấy, sẽ làm tôi day dứt: bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, có thể là bao nhiêu năm nữa tôi phải sống không có chàng, không được đắm chìm vào đôi mắt xanh bi chàng, không được nép mình trong vòng tay chàng, không được hít thở hương thơm của chàng, trong sự xa cách và sự hụt hẫng to lớn không biết mãi mãi có được gặp lại chàng...

Đầu tiên, hoàng hậu mở to đôi mắt. Tôi tin là hoàng hậu đã không chờ đợi được nghe một tiết lộ với tính chất như vậy.

Thế rồi, người cúi đầu.

- Ta biết Bastien rồi ra sẽ phải rời khỏi triều - người thở dài - Hoàng thượng đã báo ta biết hôm qua, vào cuối giờ chiều. Ta đã cố gắng thuyết phục chồng ta rằng giải pháp đó là bất công và cũng độc đoán như khi tuyên án mà không xét xử. Người chẳng muốn nghe gì cả. Nhưng ta đã không lường được việc người đã xuống lệnh ngay sau cuộc trò chuyện với ta. Ta còn không có thời gian nói lời từ biệt Bastien Florac. Rồi ta sẽ nhớ cậu ấy đấy.

- Nhưng không nhiều bằng con, và... đứa con mà con đang mang, thưa hoàng hậu, -  tôi thì thầm.

- Cô... cô có mang à, Marion? - Hoàng hậu lắp bắp với cái giọng lẫn lộn sự ngạc nhiên, tình âu yếm và bối rối khó hiểu - Nhưng cô biết điều này từ khi nào? Tại sao cô không nói với ta?

- Hôm qua, vào lúc mà người nói chuyện với hoàng thượng, một bà mụ cam đoan với con rằng con đang chờ một đứa con. Con chạy ngay sang nhà Bastien để báo tin cho anh ấy.

- Phải chi cô đủ tin tưởng vào ta để thú thật tình yêu của hai người sớm hơn. Có lẽ ta đã tìm cách để bảo vệ cả hai người. Với lời đe dọa mà hoàng thượng đưa ra với những người hành nghề chiêm tinh, có thể sẽ khôn ngoan hơn nếu hai người ra đi rất xa, cùng với nhau.

- Ra đi ư? Nhưng, thưa hoàng hậu, con là người làm nước hoa cho lệnh bà mà.

- Hạnh phúc thì quý giá hơn tất cả mọi thứ trên đời, con gái ạ. Những mùi nước hoa hiếm có mà cô chế cho ta chắc sẽ thiếu thốn dữ đối với ta, hẳn vậy, nhưng ta sẽ đầy đủ hơn nhiều nếu biết hai người có hạnh phúc. Cô xứng đáng với điều đó, Marion.

Rút khăn tay bằng đăng ten trong áo chẽn ra, hoàng hậu lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má tôi.

- Đừng khóc nữa, ta sẽ giúp cô đến gặp cậu ấy. Chúng ta sẽ viết thư gởi về nhà cậu ấy ở Florac, để báo trước cho cậu ấy biết cô sẽ tới. Không lâu nữa hai người sẽ lại đoàn tụ.

- Bastien đã bắt con hứa là không được đi theo anh ấy, - tôi nói - Vì vấn đề an ninh. Hình như ở xứ Cévennes, những người đạo Tin Lành như anh ấy đều bị hành hình.

Hoàng hậu ngước mắt lên trời.

- Cậu ấy có lý, - người tuyên bố - Vì mong muốn giúp hai người nên ta suýt quên điều đó. Ta sợ những người đồng đạo với Bastien phải chuẩn bị trải qua những thời khắc đen tối đấy. Hoàng thượng chỉ muốn có một đạo trong nước mình. Người theo đạo Tin Lành phải chối đạo hoặc phải ra khỏi vương quốc.

Tôi biết Bastien. Chàng sẽ không bao giờ chịu cải đạo, cũng như chối bỏ thuật chiêm tinh. Chàng thà chết hoặc lưu vong, rời xa khỏi nước Pháp. Trong cả hai trường hợp, tôi đều sẽ mất chàng mãi mãi. Tôi có sự chắc chắn nhói lòng rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại chàng nữa, và tôi nói điều đó với hoàng hậu.

- Như vậy thì phải gả chồng cho cô thôi, con gái ạ, và càng sớm càng tốt, -người trả lời tôi - Rồi ta tìm cho cô một đức lang quân sẽ cho cô một tước vị quý tộc. Đã lâu rồi, ta muốn phong tước quý tộc cho cô. Và ta hứa với cô đó là một người biết yêu thương, đàng hoàng tử tế và trung thực, sẽ yêu thương con của cô cũng nhiều như yêu cô. Hãy để cho ta giúp cô, ít nhất là trong chuyện này.

Quyết định được đưa ra.Tôi sẽ chấp nhận người chồng mà hoàng hậu ban cho tôi. Sự chọn lựa của người cũng là của tôi. Vả chăng, trong hoàn cảnh của tôi, tôi còn sự chọn lựa nào khác? Nhưng một điều chắc chắn, và tôi xin thề nguyền tại đây, tôi sẽ không bao giờ có một đứa con nào khác ngoài đứa con của Bastien. Tôi còn quá ít những gì của chàng: một mặt mề đay bằng vàng, mà chàng đã kịp tuồn vào tay tôi trước khi lính thị vệ lôi chàng đi, và tôi đang đeo nó cùng với tấm mề đay của mẹ tôi. Một vài lá thư nữa. Những kỷ niệm tuyệt vời và một đứa con. Một đứa con gái. Tôi tin tự đáy lòng mình rằng con của chúng tôi sẽ là một đứa con gái...

***

- Như vậy thì Flore, người mà tên được ghi trên cây phả hệ, chẳng ai khác hơn là con của Bastien? Chắc chị đã ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng chồng của Marion, Alexandre d’Auvignac de  Saint-Thibault, không phải là ông tổ của chị.

- Sự phát hiện này làm tớ sửng sốt. Tất cả đều đảo lộn hết khi kết nối lại với nguồn cội của mình.

- Một lần nữa, điều này làm em liên tưởng tới lời dự đoán của Bastien Florac, ông tổ thực sự của chị, về sự lặp lại muôn thuở của sự việc.

- Vâng, đúng đấy. “Lịch sử lặp lại”: mối tình đau khổ của Marion và Bastien, rồi của Faustine và Cyprien là minh chứng cho điều đó.

- Chị có lưu ý đến cái cách mà cụ Marion diễn tả sự lo âu của mình không? - Amélie hỏi - Cụ nhắc đến nỗi khắc khoải sẽ vồ lấy cụ mỗi sáng khi thức giấc, và câu hỏi mà cụ không ngớt đặt cho mình: “Ta sẽ còn sống bao nhiêu thời gian không có Bastien nữa?”. Thế rồi Cyprien đã nói y như vậy, với cha em và em, khi ông đề cập đến bà Faustine. Tình cảm cũng giống nhau. Luôn luôn, bất chấp thời gian trôi qua. “Lịch sử lặp lại” với những người khác, ở những nơi khác, bất kể thời kỳ nào. Nhưng không chỉ có vậy. Bây giờ sau khi đã biết câu chuyện về dòng họ của chị, em biết có nhiều sự kiện khác đã lặp lại.

Ombeline suy nghĩ giây lát để cộng lại toàn bộ những yếu tố rải rác trong những trang của cuốn nhật ký.

- Năng khiếu về nước hoa, - cuối cùng cô nói - Những tâm sự chôn vùi trong lòng đất Versailles, mùi nước hoa của Marion, những công thức pha chế của cụ được truyền lại người ta tái sử dụng nhiều năm sau đó, và tất nhiên công việc ướp trái tim nhà vua.

- Cả kim loại nữa, - Amélie nhắc nhở - Bastien Florac đã dự đoán ảnh hưởng của kim loại lên số phận của Marion. Ông đã nhìn đúng.

- Đúng thật, ba tấm mề đay bằng vàng, cái hộp đựng cuốn nhật ký, hũ cốt nơi yên nghỉ trái tim của vua Louis XIV, chất vàng pha bạc tạo thành cái bao đầu tiên của nó, cái hộp sắt trong đó có trái tim được trả cho cậu, tấm biển đồng, cái hộp đựng thuốc lá bằng vàng của ông Saint-Martin, và cả cái hũ cốt mới mà cha cậu đã lấy cho tớ.

- Kim loại vàng và xám, như lời Bastien từng thông báo.

- Amélie ơi, vì chúng ta đang ở đúng cái nơi nảy nở tình yêu giữa Marion và Bastien, tớ muốn hai chúng ta cùng đọc lại lá thư mà Bastien gởi cho Marion, ngay sáng hôm sau cuộc trò chuyện của họ ở Phòng Hương Thơm, lần đầu tiên họ gặp nhau ở đó, mà cụ đã chép lại trong nhật ký của mình.

Marion mến,

Tôi cứ nghĩ đến cô từ khi rời điện Trianon, tối hôm qua. Tôi đã về sớm quá. Quá sớm!

Marion, cô là... cô là... tôi không còn là tôi nữa, tôi không tìm được từ ngữ nào. Tất cả những người mà tôi đã gặp, tôi cảm thấy như đều vô vị nhạt nhẽo. Sự rạng ngời trong ánh mắt của cô không rời khỏi tâm trí tôi nữa. Cô có đôi mắt đẹp nhất trên đời! Cô là một đóa hoa, một thiên thần.

Có cái gì đó diễn ra trong tôi ngay giây phút tôi nhìn thấy cô.

Cái gì đó đã nảy nở theo dòng những lần chúng ta xem số tử vi.

Cái gì đó gây bối rối nhưng rất ngọt ngào.

Cái gì đó làm nhịp sống đập một hồi giữa hai thái dương tôi.

Gặp lại cô, Marion... tôi chỉ mơ tưởng đến lúc cuối cùng tôi cũng gặp lại cô. Nụ hôn đặt lên tay cô rất nhẹ nhàng, chỉ thoáng qua, trong lúc tôi lại ước muốn mãnh liệt ôm cô vào vòng tay. Điều duy nhất an ủi tôi, vì không ôm cô vào lòng, đó là lần đầu tiên ấy vẫn còn ở phía trước và êm dịu làm sao khi được hy vọng...

- Sau cuộc gặp gỡ ở điện Trianon, cụ Marion đã ghi trong nhật ký: ...tôi biết là tôi đã yêu chàng, và tình yêu ấy không bao giờ tàn phai. Tôi nghĩ cũng nhìn thấy điều ấy trong mắt chàng... Cụ đã không lầm, - Ombeline tuyên bố với một nụ cười.

- Em sẵn sàng bán linh hồn mình đi để có ngày người nào đó viết cho em những điều thắm thiết như vậy, - Amélie thở dài, vẻ mơ màng - Cụ Marion đã không ghi lại những thư hồi âm mà cụ gởi cho ông Bastien. Tiếc làm sao!

- Tớ cũng tiếc.

Một sự im lặng đầy xúc động ngự trị giữa hai cô gái.

- Thôi đừng ở đây lâu quá, sự có mặt của những bóng ma thân yêu của chúng ta rồi sẽ khiến chúng ta phát khóc mất, - cuối cùng Ombeline vừa nói vừa đứng dậy - Và rồi, còn một việc rất quan trọng mà tớ phải hoàn thành. Chúng ta qua cầu thang dẫn xuống Kênh Lớn đi và đến xem công việc tu bổ ngự viên sau trận bão tháng Hai ra sao. Sau đó, hãy cho tớ niềm vui là dẫn tớ đến xem chỗ mà cậu đã moi cái hộp lên.

Đi dọc theo những vách tường mà những cây cam trồng ngay dưới đất dựa vào, Ombeline bẻ một cành cam nhỏ đầy hoa để hít mùi hương êm dịu ngọt ngào và tinh tế của nó. Hoa cam, mùi hương cô thích nhất. Mùi hương mà Marion thích nhất. Một nốt nhạc tình yêu của loại nước hoa duy nhất mà bà cố tổ của cô dùng.

Hai người đi một lúc lâu mới đến đầu con Kênh Lớn. Ở đó, họ đi quanh hồ nước Apollon. Amélie lôi Ombeline đến khóm cây của Hàng Cột. Cô gặp khó khăn một chút để định hướng dưới tán rừng, vì khung cảnh thay đổi nhiều quá. Những cây trốc gốc đã được đem đi. Giữa đám cây anh thảo và cây thủy tiên bấc mọc tràn lan, chỉ còn lại những miệng hố mà những gốc cây bị nhổ lên để lại trên mặt đất.

- Đây là chỗ em tìm thấy cái hộp đựng nhật ký của Marion! - Cô kêu lên đắc thắng - Bộ chỗ này không lý tưởng để phá tan cái áo măng tô bằng lông lót lụa sao?

- Tớ không biết mình có dám làm không, - Ombeline công nhận - Cậu to gan hơn tớ, điều đó thì rõ rồi.

- Chị nhìn cây sồi to kia kìa, ngay bên cạnh. Nó không hề hấn gì vì trận bão. Em tự hỏi tại sao một cây đổ mà cây kia thì không.

- Tớ chẳng biết giải thích hiện tượng đó thế nào. Nhưng sự vững chãi của nó thích hợp với tớ. Nó làm tớ yên lòng. Sẽ còn nhiều trận bão nữa. Nếu nó vượt qua được trận bão này, thì tớ hy vọng nó sẽ chịu được những trận bão tiếp theo. Chính ở bộ rễ của nó mà tớ muốn giao cho nó cái chai đang mang theo đây.

Amélie nhìn chằm chằm vào Ombeline.

- Một cái chai? Chị đem theo một cái chai? Để chôn nó dưới gốc cây?

- Như cụ Marion đã từng làm. Vì “lịch sử lặp lại” mà.

Cô gái rút từ trong túi xách ra một cái chai nhỏ trong đó cô đã nhét vào một cuộn giấy mảnh. Cho rằng Amélie sẽ hỏi cô đã viết gì trong đó, cô đi trước bạn một bước.

- Thông điệp này gởi cho Marion và Bastien. Tớ nói với hai cụ một điều rất đơn giản: “Con yêu hai người.” Theo tớ nghĩ, tình yêu là điều quan trọng nhất trên cõi đời này. Liệu cụ Marion có hoàn thành được mọi việc mà cụ làm nếu thiếu tình yêu không? Tớ không nghĩ là được.

Ombeline nhắm mắt lại và hít một hơi dài. Cô rất yêu mùi của tán rừng, thứ mà cô ít có dịp được hít thở ở Paris. Rồi cô quỳ xuống, bứt vài đám cỏ và bới đất bằng tay. Một loại đất tơi xốp và nhẹ.

Cô đứng dậy và chùi tay trước khi mở cái nút chai ra. Sau cùng, cô gỡ sợi dây lụa xanh da trời đeo trên cổ xuống.

- Chị chỉ đeo một mặt mề đay? - Amélie ngạc nhiên - Không phải chị phải đeo mề đay của Marion cùng với mề đay của chị sao?

- Tớ đã đeo chung cả hai vài ngày. Nhưng khi tớ ướp trái tim, tớ cảm thấy đúng hơn phải tôn trọng mong muốn của cụ Marion. Tớ đã khâu cái mề đay trên lớp vải toan bọc di vật. Như thế, nó sẽ canh giữ trái tim nhà vua cho đến vĩnh hằng. Còn tấm mề đay của tớ, tớ sẽ luồn nó vào chai. Nó thuộc về Marion và Bastien. Nó sẽ đi theo thông điệp yêu thương của tớ, sẽ bay lên từ cành này sang cành kia, từ lá này sang lá nọ, để dâng lên tới tận hai người.

Đúng lúc Ombeline sắp luồn mặt mề đay vào cổ chai, Amélie nắm lấy tay cô. Amélie đã đọc được điều này trong cuốn nhật ký... Tháng Bảy năm 1674, vua Louis XIV đã ngăn Marion không cho luồn tấm mề đay, mề đay của mẹ Marie của cô, vào cái chai, sắp được chôn vùi tại điện Trianon, dưới gốc cái cây của hoàng hậu.

- Chị đừng làm gì cả, - cô thì thầm - Hãy giữ món nữ trang ấy lại, Ombeline. Nó rất quý giá. Marion đã không truyền lại cái mề đay do Bastien tặng để nó chấm dứt trong bóng tối như thế. Cứ tiếp tục đeo nó đi, như kỷ niệm về cụ. Thay vào đó, sao chị không để vào một đóa hoa cam? Cụ Marion hay có thói quen làm như thế hồi thời mà cụ xem ngự viên bao la này là khu vườn bí mật của mình. Cứ mỗi lần cụ gởi những bí mật của mình vào lòng đất Versailles.

Versailles. Nơi mà mọi sự bắt đầu...

 Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Mai – vuthungoc– Tiểu Bảo Bình

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3