Vì trái tim nhà vua - Chương 17 - 18

CHƯƠNG 17

Lúc đó là năm giờ sáng, một tuần lễ sau, khi người ta gõ cửa căn hộ đường Artois.

Vú Madeleine hộc tốc ra khỏi bếp, nơi bà đang làm việc cùng với Justine đã được một lúc lâu để nướng bánh mì ăn cả ngày.

- Phììì! Giờ này đâu phải là lúc thích hợp để đến nhà một người đàng hoàng! Ai vậy kìa? - Bà cáu kỉnh.

Bà vừa bước vào phòng chờ, những cú dộng cửa lại dồn dập hơn.

Bà mở cửa và nhìn thấy một cậu nhóc ăn mặc rách rưới, đang giậm chân vì nóng ruột trên thảm chùi chân.

- Thằng quỷ con này! - bà thốt lên - Mày dộng như trống vậy làm cả nhà thức dậy bây giờ! Mày muốn gì?

- Tôi tên Théophile, và tôi có thư cho chủ của mụ nè.

- Đưa đây cho tao rồi biến đi!

- Không dám đâu!

Với chiều cao của tuổi lên bảy hoặc tám, cu cậu ngạo nghễ nhìn vú Madeleine.

- Tôi được lệnh giao tận tay cho ngài Philippe-Henry Schunck. Và theo những gì tôi nhìn thấy thì đó không phải là mụ! Như vậy, tôi sẽ đợi ông ấy ra khỏi giường, và trong lúc chờ đợi, tôi sẵn sàng ăn một cái gì đó. Ở đây thơm quá!

Vú Madeleinne không quen với việc bị đối đầu và nhất là bị người ta nói với mình bằng cái giọng đó. Bà cứ há hốc mồm ra.

- ú hãy đưa cho chàng trai này hai lát bánh mì to trét mứt và một tách sô-cô-la nóng, - một giọng nói ra lệnh đằng sau bà.

- Xin lỗi ngài vì đã lôi ngài ra khỏi giường! Cháu tên Théophile và cháu...

- Ta biết rồi, ta đã nghe thấy hết. Ta đâu có ngủ. Ai sai cháu đến?

- Họa sĩ Saint-Martin, - cậu nhóc tuyên bố với vẻ của một gã biết rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao - Cháu không thông minh sáng láng gì, thưa ngài, nhưng cháu biết mình không lầm khi nói rằng ông bạn của ngài chắc sắp chầu tiên tổ. Đây, cái này của ngài.

Và cậu đưa lá thư cho ông Schunck.

Ông đeo kính lên, mở bức thư ra và đọc vài câu ghi trong đó.

- Cháu là gì của ông Saint-Martin? -  ông hỏi.

- Cháu không có bà con gì với ổng hết, chỉ là một thằng nhóc trong khu đó. Nhưng cháu thương ổng, cháu gọi ổng bằng “bác”. Ổng là người duy nhất lo cho cháu. Cháu chẳng còn cha mẹ cũng không có nhà, do đó khi trời lạnh, ổng cho cháu ngủ trong nhà ổng. Còn cháu thì làm bất cứ việc gì ổng nhờ.

- Thôi rồi, ta ngờ rằng cháu đã thấy đúng, chàng trai ạ. Nếu tin vào cái tin này, thì ông ấy có vẻ tệ lắm rồi... - Philippe-Henry thở dài - Có thầy thuốc nào đến khám cho ông ấy chưa?

- Tối qua, thấy bác thở không nổi nữa, cháu chạy đi tìm ông đốc tờ sống ở đầu đường. Ái chà, nói đến là ổng đến liền! Nhưng ổng không chịu trả công bằng tranh. Đó là tất cả những gì bác Saint-Martin có thể đề nghị, vì bác ấy không có một xu. Thằng cha lang vườn khốn kiếp bỏ đi một mạch, chẳng thèm khám cho bác nữa!

- Ta sẽ nhờ bác sĩ gia đình ta vậy, - ông Schunck tuyên bố.

Rồi ông quay lại bà quản gia.

- Vú Madeleine, vú còn đứng như trời trồng thế kia bao lâu nữa? Hãy báo cho Amélie biết, kê nó mặc đồ mau lên. Tôi sẽ đi thay đồ và chúng tôi sẽ đi sớm nhất có thể. Trong lúc chúng tôi thay đồ, tôi thấy cần phải nhắc lại, hãy dọn cho Théophile một bữa ăn thật thịnh soạn.

Cặp mắt của cậu nhỏ sáng rực nỗi thèm thuồng trong lúc bà quản gia nhăn mặt.

- Tôi nói thật “thịnh soạn”! Vú có nghe tôi nói không?

- Vâng, thưa ông. Tôi sẽ đánh thức cô chủ dậy và tôi sẽ lo ngay sau đó, -  Madeleine tuân lệnh răm rắp, trước khi biến mất vào hành lang dẫn đến phòng Amélie.

Một giờ sau, ông Schunck và Amélie, có Théophile hộ tống, đẩy cánh cửa khép hờ nơi trú ngụ của ông Saint-Martin. Người họa sĩ sống và làm việc tại đây. Xưởng vẽ của ông, cũng được dùng làm phòng ăn và phòng ngủ, chìm trong cảnh nửa sáng nửa tối.

Ngày vừa rạng sau một đám mây dày, và chỉ một ngọn nến duy nhất leo lét trên cái bàn bên cạnh giường người họa sĩ đang nằm.

Amélie quan sát những bức tranh treo trên tường, những bức họa đã làm cô chết khiếp hôm đầu đến đây, vì chúng được vẽ với màu xác ướp. Sau tất cả những sự kiện diễn ra những tuần vừa qua, cô không còn nhìn chúng với sự sợ hãi, mà là với sự tôn trọng. Không còn là tư tưởng chết chóc mà chất màu làm ra từ xác ướp đang phản ánh nữa mà chính là tâm hồn của những ông hoàng.

- Ôi... - người bệnh thì thào bằng một giọng yếu ớt và thiếu hơi - Sau cùng các vị cũng tới... Tôi cứ tưởng không sống nổi đến lúc các vị tới... Tôi thở khó quá... Tôi cứ uất nghẹn... Tôi nghẹt thở... Vết thương cạnh sườn... cuối cùng cũng thắng tôi... Mười chín năm sau trận Montebello... Tôi chết vì vinh quang của Hoàng đế...

- Đừng hoảng hốt như thế, - Philippe-Henry cố trấn an ông - Trên đường đi, tôi đã gọi ông bác sĩ nhà đến khám cho ông. Ông ấy đến bây giờ.

- Tôi e rằng ông ấy không làm gì được cho tôi nữa... nhưng tôi... xin cảm ơn ông vô cùng... và trong khi đợi ông ấy... tôi sẽ nói... tại sao... tôi lại xin ông đến gặp tôi.

Saint-Martin nhìn quanh mình.

- Cháu để chúng ta một mình được không, cháu Théophile tốt bụng... Chúng ta cần nói chuyện riêng.

Vẻ buồn bã, cậu nhóc đi chầm chậm về hướng cửa. Ông họa sĩ canh chừng tiếng bước chân của cậu trên cầu thang trước khi quyết định nói.

- Tôi đã hứa với các vị... sẽ tìm trái tim của vua Louis XIII... trong mớ đồ hổ lốn trên gác mái. Tôi đã tìm thấy nó. Xin nhìn dưới gầm giường...

Amélie cúi người xuống và cầm lấy một cái hộp đựng bằng kim loại mà cô đưa cho cha.

Một cái hộp bằng sắt giống y như cái hộp trong đó có trái tim vua Louis XIV.

- Chắc tôi đã giải thích cho các vị nghe rồi... - Saint-Martin lại nói, giọng không còn chút sức lực nào - chất kim loại quý bao quanh những trái tim... đã bị đám lính cách mạng nấu chảy và bán đi rồi. Chính tôi đã đặt... những di vật... vào các đồ đựng được chăng hay chớ này.

- Trái tim vẫn còn trong tình trạng hoàn hảo, - Philippe-Henry nhận xét - vẫn còn được những cái băng đeo mề đay thánh bao quanh.

- Ông cũng sẽ trao trả nó cho hoàng gia chứ?

- Tất nhiên. Ngay sau khi trái tim của vua Louis XIV được ướp hương mới lại, tôi sẽ long trọng trao trả hai trái tim cho Ngài Ngự.

- Tại tôi làm nó hư hại quá... mà phải ướp hương lại... - Saint-Martin thở dài.

- Đừng day dứt nữa. Chúng tôi đã có thể khôi phục lại công thức làm chất bột bảo quản thi thể, một công thức có từ thế kỷ thứ XVII, mà một cô hàng cỏ cây khô sẽ bào chế. Trái tim đã được đưa đến nhà cô ấy cách đây vài ngày. Sắp tới, tại nhà thờ lớn Saint-Denis, các di vật này sẽ sớm được hưởng một chỗ yên nghỉ xứng đáng mà tôi hy vọng sẽ là vĩnh viễn.

- Như vậy tôi sẽ ra đi lòng thanh thản... khi đã chữa lại được cái phần đòi hỏi quá đáng của mình thời Cách Mạng. Tôi hạnh phúc vì điều đó.

Saint-Martin cố gượng dậy bằng cách dựa trên hai cánh tay, nhưng lại rơi xuống gối.

- Lại gần đây, thưa tiểu thư, ­ ông nói thều thào.

Amélie đến ngồi trên cạnh giường. Cô quan sát người đàn ông tội nghiệp một lúc, đã quá yếu, gầy ốm một cách đáng sợ, da dẻ tái mét như chiếc áo ông đang mặc, hở cả khuôn ngực trơ xương.

- Cháu làm gì được cho bác? - cô hỏi.

- Ta muốn cô đồng ý... nhận món quà mà ta sắp tặng cô. Ta tiếc vô cùng... vì đã không có thời gian... vẽ gương mặt yêu kiều của cô.

Ông thọc một bàn tay run rẩy xuống dưới gối và rút ra cái hộp đựng thuốc lá mà ông đã nhận từ ông Schunck, để trả cho những trái tim.

- Cháu gái yêu ạ... giờ lâm chung của ta đã gần rồi... Ta đi đến một chỗ mà chắc có lẽ ta không cần... đến tiện ích của cái hộp thuốc lá nữa... dù nó bằng vàng. Từ nay, nó thuộc về cháu.

Ông nhẹ nhàng đặt nó vào tay Amélie.

- Cháu cảm ơn bác vô cùng ạ, - cô nói - Cháu sẽ giữ nó mãi để nhớ về bác.

Một cách máy móc, cô mở cái nắp lên và bên trong cái hộp thuốc lá, cô nhìn thấy một hình thù tròn nhỏ. Cô ghé lại gần ngọn nến và thấy đó là một tấm mề đay.

- Cái mề đay nhỏ này là gì? ­ cô hỏi.

- Ta đã nói dối các vị... khi các vị đến tìm ta... lần đầu. Quả đã có một tấm mề đay... đeo trên miếng vải... bao quanh trái tim vua Louis XIV. Ta hy vọng các vị sẽ tha thứ cho ta. Ta đã sống trong cảnh nghèo nàn từ bao nhiêu năm, thưa tiểu thư... nên ta nghĩ sẽ sáng suốt... nếu cất kỹ miếng vàng nhỏ này đi. Trong trường hợp tối cần thiết... ta có thể bán nó đi... với miếng vàng gắn trên... trái tim vua Louis XIII. Kim loại quý thì lúc nào cũng quy ra tiền được...

- Bác đã cất nó vì mục đích đó, vậy mà bác đã không đề nghị với ông thầy thuốc đã đến thăm bệnh bác tối hôm qua. Nếu được trả như vậy, chắc ông ta đã săn sóc bác và có thể bác đã khỏi bệnh!

Cảm động trước sự hy sinh của ông Saint-Martin, Amélie không ngăn được những giọt lệ.

- Ta đã nghĩ đến đó, - ông họa sĩ thú nhận - Nhưng con người đó đã từ chối một trong những bức tranh của ta... điều đó làm ta tổn thương... Ta đang hấp hối... nhưng tự ái của ta thì nó còn nguyên. Một thầy thuốc... theo ta nghĩ... phải có chút nhân đạo chứ, còn thằng cha này... hắn có ánh mắt xấu xa... Hắn không làm ta tin tưởng. Hơn nữa, một điều chắc chắn... hắn chẳng làm gì cho ta được nữa. Trễ quá rồi. Căn bệnh gặm nhấm ta... đã thắng thằng lính cận vệ[12] là ta đây. Ta sẽ làm phí cái mề đay đó thôi... nếu đưa cho hắn... để đổi lấy một thang thuốc không còn ích lợi gì nữa... Trong lúc ta lại rất sung sướng khi tặng nó cho cháu, Amélie.

[12] Lính cận vệ thời Napoléon - ND.

Cô gái ngước đôi mắt đẫm lệ lên nhìn cha mình.

Họ vừa tìm thấy tấm mề đay của Marion.

CHƯƠNG 18

Ngày hôm sau, ngay giờ đầu buổi sáng, Amélie lên một chiếc xe ngựa thuê để đến đường La Perle. Bầu không khí đã có sự thanh thoát của mùa xuân. Vài đám mây, hứa hẹn những cơn mưa rào, trôi trên bầu trời xanh ngát. Trời còn sớm thế mà hàng đám đông người đã chen nhau trên phố. Ở mỗi giao lộ, trong tiếng la hét của phu xe và tiếng giậm chân của ngựa, những cỗ xe chen vào nhau thành những đám rối mù khiến chúng khó lắm mới thoát ra được.

KAmélie cũng tới nơi, cô thấy Ombeline đã chuẩn bị đi, người khoác áo choàng ngắn xinh đẹp màu xanh da trời, đầu đội mũ rơm buộc dưới cằm bằng một dải ruy băng cùng màu. Cô đang đứng trên vỉa hè khóa cửa hàng lại.

-  Chào chị! -  Amélie kêu to bằng giọng hồn nhiên - Em đến thật đúng lúc, chị sắp đi vắng!

- Ồ, Amélie! Tớ vừa chuẩn bị đến thăm cậu ở đường Artois nè. Tớ phải tiết lộ với cậu một số điều. Cậu không hình dung nổi những gì tớ khám phá ra đâu!

- Em cũng có nhiều điều cần cho chị biết. Hôm qua, hai cha con em đã gặp một chuyện ngạc nhiên khó tin. Mà nó liên quan tới chị...

Cặp mắt Ombeline sáng lên vì tò mò.

- Vào nhà đã! - cô nói - Chúng ta sẽ nói chuyện thoải mái hơn trong phòng khách của tớ.

Vài phút sau, ngồi thoải mái trên chiếc sofa, Ombeline bên tay phải, một tách trà hương gia vị trước mặt, Amélie kể lại chuyện đã xảy ra tại nhà Saint-Martin. Cuối câu chuyện, cô cầm lấy bàn tay của Ombeline và đặt vào đó tấm mề đay của Marion.

- Chị đã có cuốn nhật ký của cụ, còn bây giờ là món nữ trang đã trang điểm cho cổ của Marion cho đến khi cụ đặt nó lên trái tim của vua Louis XIV. Nó đương nhiên thuộc về chị.

- Cảm ơn, Amélie. Tấm mề đay này có giá trị lớn đối với tớ. Nó đã quý giá như thế nào đối với Marion và mẹ Marie của cụ. Và thật xúc động khi biết nó đã đi theo trái tim nhà vua trong hơn một trăm năm... Còn hôm nay, nó ở đây trong lòng bàn tay tớ, mang theo thật nhiều kỷ niệm. Cảm ơn cậu! Tớ đánh giá cao cử chỉ của cậu. Nói cho cùng, cậu cũng có thể trao nó cho cậu Cyprien. Cậu ấy và tớ không phải là cùng một dòng họ sao?

- Chúng ta đều đã đọc nhật ký của Marion. Cụ chỉ duy nhất nhắc đến những hậu duệ là nữ, như vậy chỉ có nữ thôi. Vì không được theo chân nhà vua đến muôn đời, như mong muốn ban đầu của cụ, em thấy nếu chọn giữa chị và ông Cyprien, chắc cụ sẽ thích chị là người ưu tiên thừa hưởng cái mề đay của cụ hơn.

Đang uống một ngụm trà trong khi nghe Ombeline nói, Amélie suýt nữa thì bị sặc.

- Chị làm em tò mò quá! Chuyện gì vậy chị?

- Trong nhật ký của mình, chắc cậu còn nhớ, cụ Marion có nói về một chất cồn ngọt mà cụ chế ra để tự bảo vệ khỏi những mùi hôi, thời đó, đã làm cả cung điện Versailles nặng mùi. Công thức bào chế làm tớ rất ấn tượng. Có cái gì đó huyền diệu trong việc khử mùi như vậy. Mặt khác, cụ Marion còn tham khảo từ đó ra công thức làm chất bột cho việc ướp xác. Do đó, tớ đã mua cả ôm hoa trắng và tớ đã chế tạo ra chất bả, trong khi vẫn tuân theo triệt để những chỉ dẫn của cụ Marion. Tớ đã dùng nó hôm qua khi bắt đầu công việc ướp trái tim nhà vua.

- Như vậy chị đã bắt đầu...

- Phải. Những chất mà tớ chưa có cuối cùng cũng đã được giao, nên tớ có thể luyện chất bột nhựa thơm. Hiện tớ đang chờ những cánh hoa trắng đủ khô để tán chúng thành bột và thêm vào trong chế phẩm. Khi mở cái hộp sắt đựng trái tim, mùi hôi hám xông lên làm tớ phải nhăn mặt. Giống như cụ Marion, tớ cũng là một “cái mũi” và, theo định nghĩa, thì rất thụ cảm với mùi hương, dù chúng thơm hay thối. Tớ có thể cam đoan với cậu rằng chất bả đó rất công hiệu chống lại mùi hôi thối! Nhưng... nó còn có một đặc tính bất ngờ nữa. Theo một cách nào đó, nó biến hóa thành chất bả của sự thật!

- Ý chị là sao?

- Tớ vô ý làm đổ lọ thuốc nước xuống bàn làm việc. Chất lỏng ấy thấm vào bìa cuốn nhật ký, khiến nó tách ra làm hai. Có những tài liệu được giấu trong bề dày của bìa các-tông. Chúng đây.

Ombeline mở cái bóp bằng da nhỏ mà cô cất trong túi váy và lấy ra bốn mảnh giấy chi chít chữ viết rất mảnh.

- Cậu nhìn xem, - cô nói và xích lại gần Amélie - Toàn bộ, trừ một mảnh, đều do cụ Marion viết. Đúng là chữ của cụ, giống như trong cuốn nhật ký.

- Quả nhiên. Em xem chúng kỹ hơn được không?

- Tớ sẽ đưa cho cậu từng cái một, theo thứ tự câu chuyện mà tớ sẽ kể cậu nghe. Nhưng trước hết, tớ muốn hỏi cậu một câu. Theo ý cậu, thì ai đã vùi trong lòng đất Versailles cái hộp đựng cuốn nhật ký?

- Cụ Marion chứ còn ai nữa!

- Tớ cũng đã tưởng như vậy, cho đến khi tớ tìm thấy bức thông điệp này, - Ombeline tuyên bố khi đưa cho Amélie mảnh giấy đầu tiên - Thế mà không, không phải cụ Marion! Chính là bà ngoại Adélaïde của tớ. Đây là tờ giấy bà để lại để chứng minh hành động của mình. Đó là một lá thư, một lá thư tượng trưng mà bà gởi cho cụ Marion, vào thời đầu cuộc Cách Mạng. Mặt khác cậu sẽ nhận thấy những chữ này không cùng một tay viết...

Thứ Ba ngày 15 tháng Chín năm 1789

Tại Versailles.

Ngoại Marion kính mến,

Ngày mai, chúng con rời vương quốc Pháp. Con gái Faustine, chồng con và con. Con không biết một ngày kia chúng con có được phép trở về nhà không. Kính xin Chúa ban cho chúng con điều đó. Trong khi chờ đợi, con có đủ lý lẽ để tin rằng con đường lưu vong chẳng an toàn gì cả, chúng con có thể bị trấn lột. Con không sẵn sàng đưa vào nơi nguy hiểm cái kho báu vô giá mà ngoại đã truyền lại cho con, còn quý hơn cả những viên kim cương của con: nhật ký, kỷ niệm của ngoại, bà ngoại yêu dấu của con. Con có diễm phúc được thừa hưởng thiên tư về nước hoa của ngoại. Trong những tiên đoán của mình, ông Bastien Florac đã báo với ngoại rằng ngoại sẽ gặp con. Con lờ mờ biết rằng ngoại sống rất lâu, chín mươi hai tuổi, để chờ con. Ngoại đã kiên nhẫn chờ con lớn lên, trước khi giao cho con những bí mật trong cuộc đời và nghề nghiệp của ngoại. Con tự hào về điều đó biết bao! Ngoại yêu con thật thắm thiết, con biết điều đó. Còn chính con, con cũng yêu ngoại đến mức nhớ ngoại quay quắt nếu hai ngày không được gặp ngoại. Không biết con đã nói với ngoại vậy chưa trước khi ngoại rời khỏi cõi đời này? Con chỉ mới lên mười khi ngoại ra đi... Từ lúc đó, con giữ cho mình cuốn nhật ký của ngoại và vài tài liệu mà ngoại cho con. Con tôn trọng mong muốn của ngoại. Con không nói với ai về những điều đó... kể cả với mẹ con. Con sẽ truyền lại cho Faustine khi cháu trưởng thành.

Trong thời buổi nhiễu nhương này, thời buổi đã khiến chúng con phải rời một đất nước nơi cuộc nổi dậy đang gầm gừ, con chỉ nghĩ đến việc bảo vệ di sản gia đình, trong quá khứ cũng như trong tương lai, bảo đảm tương lai con gái con bằng cách đưa nó đi xa khỏi sự xáo trộn và bảo toàn ký ức về ngoại. Ngoại có thói quen gởi gắm những phiền muộn và những niềm vui, những đau khổ và những ước vọng của mình vào lòng đất Versailles, bằng cách nhét những thông điệp vào chai mà ngoại chôn trong ngự viên, dưới chân một cây sồi to. Ngoại mong ước nhựa cây sẽ đưa những tâm sự của ngoại theo rễ lên tận ngọn cây để phát tán chúng ra gió và mang chúng đến tận mẹ Marie của ngoại. Con cũng quyết định làm giống ngoại. Và nếu con viết thư cho ngoại, đó chính là để cây sồi mà con giao phó cái kho báu này sẽ đem đến cho ngoại những lời nguyện của con. Nhưng, không giống như những mảnh giấy nhỏ xíu, một cuốn vở thì làm sao nhét vào chai được. Do đó con đã bọc cuốn nhật ký của ngoại trong cái bao bằng vải dầu mà ngoại đã cho con và con nhốt nó vào một cái hộp bằng sắt. Con tin bằng cách này sẽ bảo vệ được nó. Con giấu bốn tờ giấy, trong đó có lá thư của con, trong cái bìa bao cuốn nhật ký. Nó đủ dày để chỗ giấu này không ai ngờ được, nếu tình cờ có ai tìm thấy chiếc hộp trước khi con lấy lại. Điều quan trọng là những câu chữ của con chỉ đến được với ngoại mà thôi, và rằng những sự kiện mang tính riêng tư nhất của cuộc đời ngoại vẫn luôn được giấu kín.

Trước ngày con qua nước Áo, con trông cậy vào lòng đất Versailles sẽ canh giữ cuốn nhật ký của ngoại, như con hy vọng, suốt thời gian con lưu lạc xứ người. Con có niềm tin. Một ngày kia con sẽ trở về và con sẽ lấy lại cái hộp này. Và, cho tới khi giao nó lại cho con gái mình, như ngoại đã dặn con làm thế, những bí mật trong cuộc đời ngoại sẽ luôn ở bên con.

Con hôn ngoại và con yêu ngoại, bà ngoại Marion rất yêu dấu của con

Ombeline quay về phía Amélie. Cả hai cô mắt đầy lệ. Ombeline đưa mảnh giấy thứ nhì cho bạn mình. Một tấm mề đay vàng được đính vào đấy.

- Một mề đay thứ ba ư? - Amélie ngạc nhiên.

- Vâng. Bài viết kèm theo nó giải thích rằng đây là tấm mề đay thánh gắn theo trái tim đã ướp của vua Louis XIV. Cái mà cụ Marion đã tráo để thay cái của cụ vào, - Ombeline nói. Cụ vẫn giữ nó luôn bên mình.

- Chị sẽ đeo nó cùng với hai cái kia chứ?

- Không, tớ có một ý hay hơn. Tớ sẽ tặng nó cho cậu Cyprien. Cậu là người bảo hoàng, món quà này chắc sẽ làm cậu cảm động và có thể cho phép tớ xích lại gần cậu hơn chăng.

- Chị nghĩ sẽ xích lại gần ông ấy... - Amélie, ngạc nhiên, lặp lại - Vậy là chị đã tha thứ cho ông ấy cái tội đã muốn truất quyền sở hữu tài sản của chị?

- Tớ đã nghĩ kỹ. Đúng vậy, tớ tha thứ cho cậu ấy. Giờ tớ đã biết cậu ấy trải qua cuộc sống như thế nào. Tớ mới đo lường được sức mạnh tình yêu của cậu ấy dành cho mẹ tớ và những dằn vặt cậu ấy phải chịu đựng. Cậu ấy là bà con duy nhất trong dòng họ mà tớ còn. Cả hai không thể sống như những người xa lạ đối với nhau, và càng không thể là những kẻ thù của nhau. Có lẽ phải mất một chút thời gian trước khi cậu chấp nhận tình bạn của tớ, nhưng tớ biết cách xoa dịu cậu ấy, mà tớ thì rất kiên nhẫn.

- Một sự quan tâm thật tinh tế! - Amélie nói với nụ cười - Ông Cyprien không thể mãi dửng dưng với sự ân cần lớn lao như thế. Chị sẽ lấy được lòng tin của ông, em tin chắc như vậy.

- Tớ tính sẽ đến thăm cậu ấy một ngày rất gần đây. Tớ sẽ kể cậu nghe.

- Trên mảnh giấy thứ ba viết cái gì vậy? - Amélie hỏi, nóng lòng muốn khám phá những bí mật cuối cùng ẩn giấu đằng sau bìa.

- Công thức chế tạo mùi nước hoa mà cụ Marion dành riêng cho mình. Cụ đã thiết kế quá nhiều mùi hương kỳ diệu, cho thật nhiều người, trong khoảng thời gian rất dài... Vậy mà dành cho cụ chỉ có một, đã theo cụ suốt cuộc đời.

- Chị đã làm ra mùi đó chưa?

- Tớ vẫn làm đều đều. Mùi nước hoa đó quen thuộc với tớ từ muôn thuở. Nó đã ru cả tuổi thơ của tớ. Bà Adélaïde và mẹ Faustine từng dùng nó, và tớ cũng vậy.

- Mùi nước hoa mà ông Cyprien từng nhắc đến! - Amélie thốt lên - Bây giờ thì em hiểu vì sao ông ấy có vẻ sững sờ khi chị vào nhà ông ấy. Đầu tiên ông ấy kinh ngạc vì chị giống bà Faustine như đúc, rồi ông nhận ra mùi nước hoa yêu dấu mà mẹ chị xức ngày xưa...

- Công thức của nó truyền từ mẹ sang con gái. Cụ Marion sáng tạo ra nó vào tháng Ba năm 1679, ngay sau khi gặp ông Bastien Florac, chỉ với mục đích là làm vui lòng ông. Tình yêu của hai người thật đẹp và mãnh liệt, nhưng than ôi, cuộc đời đã chia lìa họ rất sớm. Nhà vua đã không hề xót thương. Ông đã biến lời đe dọa của mình thành hành động khi cấm hành nghề thiên văn khiến ông Bastien bị đuổi ra khỏi triều. Ông trở về quê hương Cévennes, trước khi lưu vong sang nước Anh một thời gian sau, cùng với những tín đồ của Đạo được cho là thuộc đạo Tin Lành.

- Họ có gặp lại nhau không? Mảnh giấy thứ tư nói gì?

Ombeline đứng dậy.

- Tớ pha thêm trà đây - cô nói nhỏ trong khi bước xuống bếp.

Vài phút sau, cô rót đầy hai tách với loại trà hương gia vị có màu caramen thật đẹp và nối lại câu chuyện chỗ cô bỏ lửng.

- Mảnh giấy cuối cùng chẳng gì khác hơn là một trang xé ra từ cuốn nhật ký, có thể là do bà Adélaïde. Ngoại làm chứng cho sự chia tay đau đớn mà hai cụ Marion và Bastien đã phải trải qua hồi cuối tháng Tư năm 1679, và tất cả những gì diễn ra sau đó. Nhưng... Xin lỗi cậu, tớ không để cậu đọc phần này ở đây và hôm nay. Mà tại Versailles, trong ngự uyển điện Trianon, nơi mà tớ mong hai ta cùng đến một ngày đây. Ở nơi mà hai người từng yêu nhau đắm đuối, những câu chữ của Marion vì vậy sẽ lay động lòng người hơn nữa.