Những bí quyết giao tiếp tốt - Chương 10 - 11 - 12 (Hết)

CHƯƠNG X. NHỮNG LƯU Ý KHÁC VỀ NGHỆ THUẬT NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG

• Khán giả của bạn: Họ là ai?

• Lật ngược vấn đề

• Giá trị của sự ngắn gọn

BIẾT KHÁN GIẢ CỦA BẠN

Để hòa hợp với khán giả, bạn phải hiểu biết một phần nào đó về họ.

Cẩn thận hơn, bạn có thể chuẩn bị trước bằng cách tìm hiểu một loạt các câu hỏi, chẳng hạn như là: Khán giả của bạn thuộc thành phần nào? Họ từ đâu đến? Họ có nỗi trăn trở gì không? Sở thích chung của họ? Họ muốn nghe bạn nói cái gì? Họ muốn bạn nói trong bao lâu? (Điều này rất quan trọng!) Và khi bạn nói xong, liệu họ có đặt câu hỏi với bạn hay không?

Sam Levenson rất thành công nhờ biết chú trọng điều này. Anh là khách mời thường xuyên của chương trình đối thoại nổi tiếng “The Ed Sullivan”, một người kể chuyện không thể thiếu trong nhiều câu lạc bộ tên tuổi. Sam rất được lòng khán giả bởi anh luôn thân thiện và hiểu ý họ. Sam đứng trên sân khấu nhưng người ta có cảm tưởng như anh đang ngồi trên hàng ghế khán giả vậy. Sam kể cho khán giả nghe về một thời niên thiếu cơ cực, về người cha nghiêm khắc luôn muốn anh trở thành một thầy giáo.

“Cha tôi đặt chân đến mảnh đất này khi ông còn làm một thanh niên trai tráng. Bởi ông nghe nói nước Mỹ là nơi đầy hứa hẹn, rằng những con đường ở đây đều lát bằng vàng! Nhưng tới đây ông đã học được ba điều:

1. Không có con đường nào lát vàng cả.

2. Thậm chí chúng chưa được tráng nhựa.

3. Ông sẽ góp công sức để tráng nhựa cho chúng.

Sam kể câu chuyện này vì hôm ấy hầu hết khán giả là những người thuộc tầng lớp lao động. Ngay lập tức, Sam tạo được sự thân thiện bởi câu chuyện này như một dải keo dán anh vào khán giả.

VÀ NGƯỢC LẠI: BẠN LÀ AI?

Dù là người nổi tiếng, cũng đừng cho rằng mọi khán giả đều biết bạn. Shirley Povich – nhà báo được giải thưởng Washington Post, cha đẻ của chương trình truyền hình Maury Povich – đã nghiệm ra điều này.

Là một trong những nhân vật nổi tiếng ở Washington, hôm nọ anh được mời đến nói tại bữa tiệc B’nai B’rith của cộng đồng Do Thái (Shirley vốn là người Do Thái Orthodox). Anh mở đầu bài phát biểu của mình bằng câu nói: “Hôm nay tôi vô cùng vui sướng được có mặt tại đây, vì tất cả những người bạn tốt nhất của tôi đều là người Do Thái”.

Cả khán phòng im thin thít, không một lời đáp lại sau câu nói của Shirley. Những khán giả Do Thái cho là vị khách này nói chuyện quá sáo, họ không thích nịnh hót như vậy. Ngay lập tức, Shirley nhận ra lý do: khán giả không biết anh cũng là một người Do Thái.

Shirley nhanh chóng thêm vào: “Trong đó có cha mẹ, anh em, và ngay bản thân tôi”.

Không khí bỗng vui vẻ trở lại ngay.

Hôm sau, Shirley tâm sự với đồng nghiệp ở tòa soạn Post: “Sau đó, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã hòa mình được với khán giả. Đó là điều quan trọng nhất khi bạn nói trước công chúng”.

LẬT NGƯỢC VẤN ĐỀ

Đây là cách lập tức thu hút sự chú ý của khán giản, vì những gì bạn nói nằm ngoài dự đoán của họ.

Dick Gerstein nhiều năm liền là luật sư ở Miami. Một tối nọ anh gọi điện cho tôi với giọng hớt ha hớt hải: “Larry, tôi gặp rắc rối to rồi. Chúng tôi phải tổ chức một bữa tiệc trọng đại vào tối Chủ Nhật này tại Fontainebleau. Đây sẽ là một cuộc gặp gỡ giữa Hội Liên Hiệp Luật Sư Quốc Gia và Hiệp Hội Sĩ Quan Cảnh Sát. Toàn những nhân vật tai to mặt lớn, Larry ạ!”

Tôi hỏi: “Rắc rối là gì?”

Dick trả lời: “Cậu biết Frank Sullivan chứ? Chủ tịch Hội đồng chống tội phạm Florida, một người nói chuyện dở nhất thế giới. Ông ta là người nói đầu tiên ở bữa tiệc.”

Ngừng ba giây để thở, Dick nói tiếp: “Vấn đề chính là chỗ đó! Tôi cần một người đánh thức khán giả dậy sau khi họ đã được Sullivan ru ngủ. Cậu làm việc này được chứ Larry? Đừng lo. Tôi sẽ giới thiệu cậu với họ”.

Tối Chủ Nhật, tôi nhận ra ra Dick quả thật không phóng đại. Sullivan với một giọng nói đều đều và chậm rãi đã làm cho mọi người không biết bao nhiêu lần lấy tay che miệng. Những tấm tranh ảnh, biểu đồ minh họa cũng trở nên vô tác dụng. Thậm chí ngay cả vợ của Sullivan cũng liên tục đưa tay lên dụi mắt.

Tôi ngồi ở bàn đầu tiên, mặc bộ áo dạ hội lần đầu tiên trong đời, nhìn những sĩ quan cảnh sát trong bộ quân phục với những chiếc huy chương sáng chói. Ai nấy đều gật gà gật gù. Nửa giờ sau, Sullivan vừa hoàn tất bài nói của mình thì khán giả lập tức đứng dậy ra về.

Dick trông thấy cảnh tượng này và phát hoảng. Anh ta nhào đến cái micro: “Thưa quý vị, trước khi quý vị ra về… Xin một tràng vỗ tay cho… anh bạn tốt của tôi: Larry King!”

Vài lời giới thiệu.

Lúc bấy giờ tôi bắt đầu thấy hoảng hơn cả Dick. Ba mươi năm về trước, khán giả chưa nghe nói đến tên tôi. Hai ngàn con người trong khán phòng đã phải chịu đựng một bài nói dở và nhàm chán. Họ quá mệt mỏi và chỉ muốn rời khỏi nơi đây càng nhanh càng tốt! Tôi bước đến micro, bắt đầu lấy lại sự bình tĩnh rồi hào hứng nói: “Thưa quý vị, tôi là một phát thanh viên. Trong ngành phát thanh viên thì chúng tôi luôn có một học thuyết công bằng. Vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Chúng ta vừa mới nghe ông Frank Sullivan nói về chủ trương chống phạm pháp, và theo học thuyết công bằng, hôm nay tôi đứng đây để nói thay cho sự phạm pháp”.

Mọi người đứng lại. Họ chú ý tôi ngay tức thì. Lúc này tôi mới nghĩ trong đầu là nên nói cái gì tiếp theo. “Trong quý vị đây có ai thích sống ở Butte – Montana không?”

Không một cánh tay nào giơ lên.

Tôi tiếp tục: “Butte – Montana là thành phố có tỉ lệ phạm pháp thấp nhất ở phương Tây. Năm ngoái không có một tội phạm nào ở Butte. Nhưng không ai muốn tới đó”.

Rồi tôi hỏi hai câu hỏi và tự trả lời chúng: “Năm thành phố du lịch nào đông khách nhất nước Mỹ? New York, Chicago, Los Angeles, Las Vegas, Miami. Năm thành phố nào có tỉ lệ phạm pháp nhiều nhất nước Mỹ? Cũng chính là New York, Chicago, Los Angeles, Las Vegas và Miami. Kết luận ở đây rất rõ ràng: Nạn phạm pháp lôi cuốn ngành du lịch. Chúng diễn ra ở những nơi đắt đỏ và người ta ào ào tới đó.”

Vợ của Sullivan thức dậy.

Tôi càng gây chú ý hơn khi nói những lời quả quyết: “Và một điều nữa, nếu chúng ta nghe theo những lời của ngài Sullivan, nếu chúng ta chú ý những tấm biểu đồ, tranh ảnh minh họa và làm theo những gì ông ta nói, và nếu mọi việc diễn ra đều như ý thì nạn phạm pháp sẽ bị bật ra khỏi nước Mỹ. Sau đó chuyện gì sẽ xảy ra? Tất cả mọi người trong khán phòng này sẽ thất nghiệp”.

Cảnh sát trưởng của Louisville, Kentucky, dậm chân thình thịch và nói lớn: “Thế chúng ta phải làm gì bây giờ?”.

Có thể đây không phải là vấn đề chính đáng và cũng không nên khuyến khích. Nhưng mục đích của tôi là cố gắng tạo nên một không khí sôi động, xóa đi sự mệt mỏi và nhàm chán. Tôi đã nói mặt trái của vấn đề, những điều ngoài dự đoán. Thêm nữa cũng nhờ một chút hài hước.

Một người tính cách nghiêm túc song cũng là dân ăn nói có hạng: cựu thị trưởng Mario Cuomo. Cách đây vài năm, tôi được mời làm người dẫn chương trình trong một buổi họp mặt trưa của những quan chức lãnh đạo ở New York. Hôm ấy thị trưởng Cuomo: “Ông sẽ nói về vấn đề gì trong hôm nay hả Mario?”. Cuomo trả lời “Tôi sẽ nói về việc chống lại bản án tử hình”.

Cuomo làm tôi ngạc nhiên: “Ý tưởng này thú vị đây! Khán phòng có cả ngàn cảnh sát trưởng, và tất cả họ đều ủng hộ bản án tử hình. Còn ông thì sẽ nói với họ rằng ông chống lại nó. Ông sẽ tạo ra một sự kiện lớn đấy”.

Và thực sự Cuomo đã làm cho tất cả mọi người bất ngờ. Ông nói rằng ông chống bản án tử hình bởi những lý do chính đáng. Không ai chê trách Cuomo vì sự sắc sảo và uyên bác, vì cách lập luận thú vị của ông. Vấn đề ông nêu ra tạo nên một không khí tranh luận sôi nổi. Cuomo quả thật có một khả năng tranh luận rất hùng hồn. Và bất cứ nhà hùng biện nào có mặt trong buổi trưa hôm ấy đều có thể học hỏi ở ông hai điều:

Thứ nhất, là tầm quan trọng của sự chuẩn bị. Cuomo biết rõ người nghe ông nói thuộc thành phần nào. Những lời lẽ ông dùng rất thuyết phục. Quan điểm của ông có cơ sở dựa trên những nghiên cứu khoa học lẫn những suy nghĩ sâu sắc.

Thứ hai là tầm quan trọng của sự mạnh mẽ, quyết đoán. Cuomo hoàn toàn có thể chọn một đề tài nói an toàn và nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng ông đã làm một việc mà không phải ai cũng dám làm. Chính nhờ điều này ông đã gây một ấn tượng mạnh.

GIÁ TRỊ CỦA SỰ NGẮN GỌN

Tôi từng nghe một giáo viên tiếng Anh kể một câu chuyện về một thanh niên khi nhận lá thư của người bạn. Lá thư này dài đến mấy trang liền và kết thúc bằng một lời xin lỗi “Xin cậu thứ lỗi vì tớ đã viết dài như vậy. Tớ không có thời gian để viết một lá thư ngắn”. Thoạt nghe thấy vô lý. Nhưng nghĩ kỹ thì thấy chuyện này có lý. Thật không dễ dàng để viết một cách ngắn gọn và cô đọng. Nhất là đối với những việc bạn biết nhiều về nó. Nhưng trong nghệ thuật nói thì rất cần cô đọng và làm ngắn gọn lại những lời nói của mình.

Khi bạn trình bày một bài diễn văn trước công chúng, sự cô đọng và ngắn gọn sẽ được mọi người hoan nghênh. Abraham Lincoln rất am tường điều này. Bài nói của ông trước công chúng không đầy năm phút nhưng nó khiến người ta nhớ hơn là bài nói dài hai giờ đồng hồ của Edward Everett. Sau đó Everett đã viết một lá thư cho Lincoln: “Tôi phải thừa nhận bài nói dài hai tiếng đồng hồ của tôi không tác động nhiều đến công chúng bằng những gì anh nói trong hai phút!”.

Một trong những bài nói dài nhất lịch sử nước Mỹ, là bài nói đầu tiên trước công chúng của cựu tổng thống William Henry Harrison. Bài nói này thực sự giết chết ông vì nói quá dài. Harrison đã nói hơn một tiếng đồng hồ trong một tiết trời giá lạnh ngày 4/3/1841. Sau đó ông bị viêm phổi nặng và một tháng sau thì qua đời.

Trái ngược lại, một trong những bài nói ngắn nhất và khiến mọi người nhớ nhất là của tổng thống John F. Kennedy. Ngày 20/01/1961, vị tổng thống mới này đã khuấy động được lòng người dân Mỹ, giữa lúc đang bước vào một thập niên mới sau giai đoạn khó khăn ở những năm 50. Kennedy chỉ nói duy nhất một câu. Nhưng bất cứ ai đã nghe rồi thì không thể quên được.

“Hỡi những người Mỹ anh em của tôi, đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi rằng bạn có thể làm gì cho Tổ quốc”.

Carl Sandburg, một nhà văn xuất sắc từng đoạt giải Pulitzer Prize cho quá trình nghiên cứu về trào Lincoln, đã bộc bạch sự khâm phục và ngưỡng mộ của mình đối với Kennedy: “Đây chính là phong cách của cựu tổng thống Lincoln!”.

Chúng ta cũng nên học hỏi Winston Churchill. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu diễn ra, Churchill đã đến nói chuyện với các sinh viên một trường đại học ở ngoại ô Luân Đôn. Và những lời nói mãnh liệt của ông có lẽ sẽ mãi mãi không phai đối với các sinh viên trường Harrow, ngày 29/10/1941: “Không bao giờ nhượng bộ - không bao giờ - không bao giờ - không nhượng bộ trước bất cứ thế lực nào dù lớn lao hay nhỏ bé, khổng lồ hay vặt vãnh. Chỉ cúi đầu trước danh dự và nhân cách tốt!”.

Rồi ông ngồi xuống. Đó là toàn bộ bài nói của ông.

Có thể chúng ta không phải là những nhà lãnh đạo thế giới, có thể bài nói của chúng ta không liên quan đến chiến tranh hay hòa bình, hay vận mệnh của dân tộc. Nhưng nó quan trọng đối với ta và “ảnh hưởng trực tiếp” đến những người ngồi nghe ta nói. Và dù bạn có là ai, cũng nên học phong cách nói ngắn gọn mà sắc sảo của họ. Một bài diễn thuyết thành công sẽ góp phần không nhỏ cho sự thành công của bạn. Nếu những người như Lincoln, Kennedy, Churchill có phong cách nói hiệu quả là ngắn gọn sắc sảo thì chúng ta cũng nên khôn ngoan làm giống họ.

CHƯƠNG XI. TRÒ CHUYỆN TRÊN TRUYỀN HÌNH VÀ TRÊN LÀN SÓNG PHÁT THANH

• Phỏng vấn và được phỏng vấn

• Bốn lưu ý khi xuất hiện trên truyền hình và trên truyền thanh

• Những bài học từ cuộc thảo luận Gore – Perot

LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG CỦA TÔI

Tôi luôn muốn chương trình trò chuyện mỗi tối trên đài CNN của tôi phải là những cuộc trò chuyện tự nhiên và thoải mái nhất. Ống kính quay phim không gây cho tôi nhiều áp lực. Tôi không thích khách mời trịnh trọng đứng trước máy quay như là một ủy viên công tố, hoặc nói chuyện một cách cứng nhắc, hay chỉ thích bàn luận những chuyện lớn lao. Không cần thiết phải như vậy. Tôi thích họ là chính họ, tự do suy nghĩ và tự do bàn luận. Đừng quá đặt nặng việc đang đứng trước máy quay và truyền hình trực tiếp, chúng ta sẽ có một cuộc trò chuyện bổ ích và thú vị hơn nhiều.

Một chương trình thành công tức phải vừa bổ ích vừa hấp dẫn. Nếu hấp dẫn mà không bổ ích thì sau khi tắt ti vi khán giả sẽ chẳng nhớ gì. Ngược lại, bổ ích mà không hấp dẫn thì khán giả sẽ bật ngay sang kênh khác.

Bí quyết của tôi khi phỏng vấn các khách mời trong chương trình là gì? Thứ nhất, như tôi từng nói, lắng nghe là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thứ hai là sự nhạy cảm linh hoạt khi đặt câu hỏi. Nêu ra một câu hỏi hay chưa đủ, phải hỏi như thế nào đó để người nghe sẵn sàng bộc bạch câu trả lời chân thật nhất.

Tôi học được kinh nghiệm quý giá này sau lần trò chuyện với Joe DiMaggio Jr. (Con trai của Joe DiMaggio). Thật ra tối hôm ấy khách mời của tôi là Bill Hartack, một vận động viên đua ngựa. Joe đi cùng với Bill. Sau khi phỏng vấn Bill, tôi đã trò chuyện cùng Joe nửa giờ đồng hồ. Tôi muốn khám phá con trai của một trong những người nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Chúng tôi trò chuyện rất thân mật và vui vẻ về cuộc sống. Sau cùng tôi hỏi anh một câu quen thuộc mà người ta thường hỏi nhau khi nói về cha mẹ:

“Joe này, anh có yêu cha anh không?”

Joe con ngẩn người ra, suy nghĩ rất lâu rồi mới trả lời: “Tôi yêu những gì ông làm”.

“Nhưng anh có yêu ông ấy không?”

Lại im lặng. Một lúc sau, Joe nói: “Tôi không biết ông”.

Tôi nghĩ rằng chỉ có Joe cha mới biết phần còn lại của câu chuyện. Nếu ông ấy đến chương trình của tôi, tôi sẽ tạo cho ông cơ hội để nói về điều này. Nhưng Joe từ xưa đến nay vốn không thích nói về cuộc sống riêng tư. Và ông sẽ từ chối lời mời của tôi, chắc chắn như thế.

Nếu ngay từ ban đầu tôi hỏi Joe có yêu cha không, thì rất có thể tôi sẽ nhận được một câu trả lời chuẩn mực: “Dĩ nhiên”. Nhưng tôi chỉ hỏi điều này sau khi đã trò chuyện ăn ý với anh. Và Joe đã trả lời hết sức chân thật, khiến mọi người đều bất ngờ.

Tôi không ngại hỏi những câu táo bạo, những câu hỏi làm khán giả của tôi phải tò mò. Chẳng hạn trong chiến dịch tranh cử năm 1992, tôi đã hỏi tổng thống Bush: “Ông có ghét Bill Clinton không?” Nhiều nhà báo cho rằng câu hỏi này chẳng dính líu gì tới chiến dịch tranh cử tổng thống, và không nên hỏi những câu “tế nhị” như vậy. Nhưng tôi lại nhìn vấn đề theo một khía cạnh khác. Chúng ta đều là những con người. Tổng thống cũng là một con người. “Yêu” hay “ghét” đơn giản chỉ là những cảm xúc bình thường cần phải có của một con người. Vậy thì tại sao tôi không được hỏi tổng thống những câu như thế? Những gì mà khán giả của tôi thắc mắc: Tôi sẽ hỏi.

Luật sư Edward Bennett Williams kể với tôi rằng ông biết trước những câu trả lời cho mọi câu hỏi của ông trong tòa án. Nhưng trong tòa án là một bối cảnh đặc biết, ở đó các luật sư không muốn sự ngạc nhiên. Trong chương trình của tôi thì ngược lại, tôi không bao giờ hỏi những câu mà tôi đã biết trước câu trả lời.

KHI BẠN ĐƯỢC PHỎNG VẤN

Trong bất kỳ cuộc phỏng vấn hay cuộc trò chuyện nào (Phỏng vấn xin việc, phỏng vấn với giới báo chí, hay trò chuyện trên truyền hình…), hãy luôn giữ thế chủ động.

Bạn hoàn toàn có thể điều khiển cuộc trò chuyện nếu có một kiến thức sâu sắc về đề tài đó. Rồi thì hãy tự tin và nói với chính bạn rằng bạn biết còn nhiều hơn là người dẫn chương trình. Nếu đây là một chương trình trò chuyện hay phỏng vấn không thường, không có luật nào trên khắp nước Mỹ buộc bạn phải trả lời mọi câu hỏi. Bạn không thích câu hỏi này? Hãy từ chối trả lời một cách khéo léo:

“Tôi nghĩ bây giờ còn quá sớm để trả lời câu hỏi đó.”

“Vấn đề này thuộc lĩnh vực pháp lý, tôi không muốn bàn luận sâu về nó.”

“Tôi không muốn đưa ra những kết luận sai lầm, hãy để thời gian trả lời.”

“Tôi không thể trả lời câu hỏi này được vì tôi không rõ lắm.”

Một trong những câu trả lời tệ nhất là: “Miễn bình luận”. Xưa kia, trong một xã hội hay tranh chất và với những con người thích sống đơn lẻ, câu này có vẻ được “ưa chuộng”. Nhưng giờ đây khi nói “Miễn bình luận”, người ta sẽ nghĩ ngay rằng bạn “có vấn đề”. Nếu không tại sao bạn không trả lời hay lý giải rõ ràng hơn? Chúng ta có quyền tự do ngôn luận, nhưng trong mọi tình huống cũng nên nói một cách khéo léo.

Bốn lưu ý hữu ích cho bạn:

1. Chỉ làm những gì bạn thật sự thoải mái.

2. Theo kịp thời đại.

3. Không phủ nhận thực tế.

4. Chú ý đến những yếu tố quan trọng: Giọng nói, cách diễn đạt, trang phục và diện mạo khi bạn được lên truyền hình.

Chỉ làm những gì bạn thấy thật sự thoải mái. Vì sự gò bó, khiên cưỡng không bao giờ giúp bạn thể hiện tốt bản thân được. Nếu không thích thì tốt nhất đừng đi. Nếu đã đến nơi rồi thì bạn phải vui vẻ và thoải mái. Jackie Gleason từng nói thế này: “Tôi muốn thấy vui thích và thoải mái trong những việc tôi làm. Ngay cả khi làm việc, tôi cũng không muốn nghĩ rằng mình đang mang áp lực công việc.”

Theo kịp thời đại. Yếu tố này tối quan trọng và cần thiết. Chương trình truyền hình nào đang thu hút khán giả? Bộ phim nào đang nổi đình nổi đám? Ca sĩ, diễn viên nổi tiếng hiện nay là ai? Không cần nghiên cứu sâu xa nhưng ít nhất bạn cũng cần phải biết những câu chuyện của thời đại này. Nếu không bạn sẽ bị lạc lõng đấy.

Khi tôi còn ở lứa tuổi đôi mươi, những người nổi tiếng thời đó là Frank Sinatra, Glenn Miller, Joe DiMaggio, hay như Franklin Roosevelt. Nhưng thời gian qua đi và những cái tên cũng thay đổi. Trước kia chúng ta hay nói về Jackie Robinson và Dwight Eisenhower, rồi thì JFK và Elvis. Ngày nay thì ta cần biết Tom Cruise là ai và Eminem là ai. Mặc dù với độ tuổi ngoài 60 như tôi thì nhạc nhạc rock, nhạc rap quá giật gân và dễ sợ, nhưng tôi cũng phải biết về chúng. Có thể tôi không thích, nhưng nếu không biết thì tôi sẽ trở thành người lạc hậu.

Vào thập niên 1950, chúng ta phải biết một ít về cái gọi là Chiến tranh lạnh. Giờ đây ta cũng phải biết rằng nó đã kết thúc. Những vấn đề kinh tế, chính trị nóng bỏng nào đang diễn ra trên thế giới? Bạn có quan tâm đến tình hình Iraq, đến cuộc tổng tuyển cử ở Brazil hay vấn nạn khủng bố mà thế giới đang phải đương đầu?

Đó là một trong những lý do chính mà tổng thống Clinton lúc còn đương nhiệm xuất hiện trên đài truyền hình MTV. Ông không chỉ chứng tỏ mình là một người theo kịp thời đại mà còn là một con người của thời đại. Ông am tường mọi việc, từ sở thích của các cô cậu choai choai tân thời cho đến những vấn đề trọng đại của các ông bố bà mẹ.

Không phủ nhận thực tế. John Lowenstein từng là một vận động viên bóng chày tài năng và nổi tiếng. Sau 16 năm thi đấu, John hiện đã giải nghệ và làm phát thanh viên trên làn sóng Baltimore Orioles. Có lần một phóng viên hỏi John về cú chặn bóng thất bại trong trận đấu ở Orioles tối hôm đó. John trả lời: “Anh thấy đấy, có một tỉ người sống ở Trung Quốc, và sáng mai khi thức dậy đâu có người nào trong họ biết rằng tôi đã hụt cú chặn bóng đó!”

Khi được hỏi về những điều không như ý muốn, thái độ của bạn thế nào? Bạn có hóm hỉnh như John Lowenstein? Đừng phủ nhận thực tế, hãy nhìn thẳng vào nó và cười với nó. Thái độ này sẽ được đánh giá cao khi khán giả xem chương trình về bạn.

Giọng nói. Giọng nói rất quan trọng vì nó thể hiện một phần nào đó con người bạn, sự khác biệt của bạn với người khác. Người có giọng nói truyền cảm thì dễ thu hút và tạo cảm tình ngay từ những phút đầu gặp gỡ. Còn nếu có giọng nói không hay thì sao? Bạn sẽ không bao giờ tạo được một ấn tượng tốt ư? Không đúng! Edwin Newman và Red Barber đều là những phát thanh viên sáng chói dù họ không có chất giọng tốt. Họ biết bù lấp nhược điểm này bằng cách nói chuyện có duyên, bằng vốn kiến thức phong phú và kỹ năng chuyên môn hoàn hảo.

Nhiều người bảo rằng tôi có một chất giọng tốt và rất lý tưởng với nghề phát ngôn viên. Nhưng tôi vẫn luyện nói mỗi ngày để nâng cao chất giọng hơn nữa, tôi không muốn dừng lại. Tôi muốn mình ngày một tiến triển hơn và giọng nói là một trong những ưu điểm mà tôi có. Bạn muốn cải thiện giọng nói? Trước tiên hãy gõ cửa các giáo viên luyện giọng, hoặc đến thư viện nghiên cứu sách vở tài liệu, băng ghi âm cassette. Sau đó khóa chặt của lại và bắt đầu nói, nói và nói.

Đừng quên ghi âm giọng nói của chính mình. Tôi biết lần đầu tiên khi nghe đoạn băng đó chắc chắn bạn sẽ thốt lên rằng: “Ôi trời! Nghe khủng khiếp quá!”. Nhưng nhờ nó bạn sẽ biết mình cần chấn chỉnh chỗ nào, sửa giọng ra sao. Bạn nói có nhanh quá không, hoặc có tẻ nhạt không, phong cách nói riêng của bạn như thế nào… Khách quan hơn cả là hãy nhờ người thân góp ý.

Diện mạo. Yếu tố này đặc biệt quan trọng khi xuất hiện trên truyền hình, vì bạn đang thể hiện chính mình chớ không phải cho ai khác. Đứng trước hàng ngàn khán giả qua màn ảnh nhỏ, có lẽ ai cũng muốn mình trông bảnh bao xinh đẹp. Một bộ vest lịch lãm, một mái tóc gọn gàng, một vẻ mặt tươi tỉnh… Tất cả đều được phản ánh trung thực trên màn hình vì ống kính quay phim thì không biết nói dối. Bởi thế, nếu một cúc áo của bạn chưa cài, khán giả sẽ nhìn thấy. Nếu bàn tay bạn có một vết dơ, khán giả cũng nhìn thấy. Đừng đánh mất vẻ đẹp của bạn bởi những sơ ý không đáng có này.

CHƯƠNG XII. NÓI CHUYỆN TƯƠNG LAI

TƯƠNG LAI VỚI NHỮNG PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN HIỆN ĐẠI

Tôi có dịp ngồi ghế chủ tọa tại hội nghị ở New Orleans về một chủ đề mà chúng ta thường nghe nói vào thập niên 1990: “Xa lộ thông tin”. Một hội nghị bổ ích do tập đoàn Newbridge Networks bảo trợ, thu hút được nhiều nhà tiên phong trong lĩnh vực này tham dự.

Những bài thảo luận của họ choán hết tâm trí của tôi trong suốt chuyến bay trở về Washington. Và sau cùng tôi đã rút ra một kết luận chắc như đinh đóng cột: Trong tương lai, nhân loại còn phát minh ra những phương tiện thông tin kỳ diệu hơn nữa.

Câu nói này không phải là một kết luận thông minh sắc sảo. Nếu ngồi cạnh tôi trong buổi hội nghị hôm ấy, có thể bạn cũng rút ra kết luận như vậy. Nếu được nghe các chuyên gia khoa học kỹ thuật nói về những bước phát triển vượt bậc của nhân loại, bạn sẽ không khỏi giật mình.

Thực tế minh chứng rõ ràng điều này. Chúng ta đã có máy nhắn tin, máy fax, điện thoại di động siêu nhỏ, máy vi tính xách tay với những chức năng ưu việt, bảng thông báo điện tử… Và chắc chắn trong những năm tới đây, chúng ta sẽ có các thiết bị hiện đại, tối ưu hơn nữa.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

NÓI CHUYỆN CÓ LỖI THỜI KHÔNG?

Một số người lo ngại rằng với quá nhiều những phương tiện thông tin hiện đại thì nghệ thuật nói sẽ trở nên lỗi thời. Quan điểm của tôi hoàn toàn ngược lại! Chúng ta “đang nói” nhiều hơn bao giờ hết, và bằng nhiều cách thức hơn bao giờ hết. Nơi nào có con người thì nơi đó có đối thoại. Dù thế kỷ 21 có mang lại cho chúng ta những thành quả khoa học kỹ thuật hiện đại như thế nào, thì những từ đầu tiên trong cuốn sách này vẫn là sự thật: “Chúng ta cần phải nói”.

Có những nền tảng không bao giờ thay đổi! Ngồi nói chuyện trực tiếp với ai đó hay “chat” trên mạng đều là những hình thức giao tiếp giữa con người với nhau. Và dù trò chuyện theo kiểu “cổ điển” hay hiện đại, bạn cũng phải biết “nói” như thế nào cho có duyên, cho vừa lòng đẹp ý.

Biết lắng nghe, cởi mở, nhiệt tình là ba yếu tố giúp bạn dễ dàng đối thoại với mọi người. Và nếu có sự chuẩn bị chu đáo, am tường về khán giả, cách nói ngắn gọn sắc sảo, bạn sẽ trở thành một nhà diễn thuyết thành công trước một hội đồng vài mươi người, hay trước một hội nghị quốc tế được truyền hình trực tiếp.

LỜI KẾT CUỐI CÙNG

Đến giờ phút này, khi viết những dòng chữ sau cùng của cuốn sách, tôi lại có một niềm tin mạnh mẽ hơn cả lúc ban đầu. Tôi tin rằng cuốn sách này đã giúp bạn ít nhiều trong nghệ thuật nói. Vì sao tôi biết? Vì nó cũng vừa mới giúp ích cho tôi. Nếu không có dịp viết và chiêm nghiệm lại, có lẽ nhiều ý tưởng, nhiều kinh nghiệm quý báu của tôi sẽ dần mai một và bị cuốn trôi theo dòng đời hối hả.

Ở chương 10, tôi đã kể với các bạn về nhà báo Shirley Povich. Anh có một câu nói nổi tiếng: “Câu chuyện chưa bao giờ được viết thì không thể viết hay hơn”.

Việc nói cũng như vậy. Chúng ta có khiếu ăn nói thì tốt, nếu không có cũng chẳng sao. Quan trọng là ta có cố gắng cải thiện nó hay không mà thôi. Tự tin khi nói có nghĩa là bạn đang tự tin trong cuộc sống. Việc nói không phải là sự cưỡng ép, không phải là một điều quá khó khăn phức tạp hay là cách để giết thời giờ. Hãy nghĩ đến nó như một điều thú vị mà cuộc sống mang lại – một nghệ thuật với vô vàn bí ẩn chưa ai khám phá hết.

Bạn đang nói tức bạn đang nắm giữ một cơ hội. Nên ghi nhớ hai câu này:

1. Nếu nói chưa hay, có thể bạn sẽ nói hay hơn.

2. Nếu nói hay, có thể bạn sẽ nói hay hơn nữa.

Hãy biến cơ hội ấy trở thành một thành công cho bạn!

                                                                                                                         Thân mến,

                                                                                                                   LARRY KING

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

sienna – vuthungoc – Mint

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)