Tửu quốc - Chương 02 phần 3

2

Thầy Mạc Ngôn kính mến!

Thư của thầy đã nhận được, cảm ơn thầy về chuyện thầy đích thân viết thư trả lời, và lại còn gửi ngay tác phẩm của trò cho “Quốc dân văn học”. Trò không phải loại cuồng tửu, cuồng tửu thì không hay tí nào. Trò tự cảm thấy truyện ngắn này có tinh thần sáng tạo, thấm đẫm khí thiêng của tửu thần, cháy bỏng tinh thần cách mạng, “Quốc dân văn học” mà không đăng thì chỉ là những anh mù!

Trò đã đọc thiên tiểu thuyết chó ỉa “Xin đừng bắt tôi làm chó” của Bảy Lý mà thầy giới thiệu với trò. Thú thật, trò vô cùng căm phẫn. Bảy Lý đã chà đạp lên văn học cao cả và thiêng liêng một cách dã man, ai mà chịu được! Rồi một ngày nào đó, trò sẽ có cuộc tranh luận nảy lửa với hắn, sẽ làm cho hắn cứng họng, cho hắn ngậm miệng như ve sầu mùa đông, sau đó còn quất cho hắn một trận, cho hắn thất khiếu chảy máu, mặt mũi sưng húp, phách lạc hồn bay, một vía xuất thế, hai vía lên cõi Niết bàn!

Thầy dạy đúng, nếu như trò chuyên tâm nghiên cứu nghiệp vụ, ắt có tiền đồ sáng sủa ở cái thành phố Rượu này, không thiếu ăn, không thiếu mặc, nhà cửa rồi cũng có, địa vị rồi cũng có, gái đẹp rồi cũng có. Nhưng trò tính khí thanh niên, không cam chịu suốt đời chìm trong rượu. Xưa kia Lỗ Tấn tiên sinh bỏ nghề theo đuổi nghiệp văn, nay trò cũng quyết tâm bỏ rượu để cầm lấy bút, cải tạo xã hội bằng văn học, kiên trì cải tạo quốc dân tính của người Trung Quốc. Vì mục tiêu cao cả đó, trò không tiếc đầu rơi máu chảy, đầu còn chẳng tiếc, huống hồ những thứ không dính trên người!

Thưa, thầy Mạc Ngôn, quyết tâm theo nghề văn của trò, mười con ngựa khỏe cũng không kéo lại. Ý trò đã quyết, thầy đừng khuyên nhủ làm gì. Nếu thầy còn cả gan khuyên nhủ, trò sẽ hận thầy. Văn học là của nhân dân, chẳng lẽ chỉ thầy được làm còn trò thì không. Xưa kia Mác đã xác định một tiêu chuẩn quan trọng cho chủ nghĩa Cộng sản, tức lao động hóa nghệ thuật nghệ thuật hóa lao động, tới chủ nghĩa Cộng sản, mọi người đều là nhà văn. Đương nhiên, ta đang ở “giai đoạn sơ cấp”, nhưng pháp luật của “giai đoạn sơ cấp” không quy định Tiến sĩ Rượu không được viết tiểu thuyết! Thưa thầy, thầy không nên bắt chước những kẻ đốn mạt, một khi đã thành danh liền mưu toan độc chiếm văn đàn, nổi cáu khi thấy người khác sáng tác. Người ta có câu: “Trên sông lớn sóng sau dồn sóng trước, trên sông nhỏ sóng trước nhường sóng sau, trong rừng sâu lá non dồn lá úa, lớp trẻ trung sẽ thắng lớp già nua.” Phần tử phản động nào mưu toan áp chế lực lượng mới trỗi dậy thì chẳng khác châu chấu đá xe, thất bại là cái chắc!

Thầy ơi, phòng nghiên cứu của trò có một cô làm công tác thu thập tư liệu, họ Lý tên Diễm. Cô ta tự nhận là học sinh của thầy, nói rằng, đã từng nghe thầy giảng. Cô ta kể với trò rất nhiều chuyện thú vị, khiến trò càng hiểu kĩ hơn về thầy. Cô ta nói rằng, thầy trong khi lên lớp giảng bài, từng lớn tiếng chửi rủa nhà văn nổi tiếng Vương Mông của nước ta, nói Vương Mông viết bài đằng trên “Thanh niên Trung Quốc” số ra ngày chủ nhật, khuyên những thanh niên theo đuổi nghề văn hãy rút khỏi con hẻm văn học chật chội. Cô ta nói, thầy từng giận dữ quát tháo: “Vương Mông định độc chiếm văn đàn? Có cơm mọi người cùng ăn, có áo mọi người cùng mặc, ông ta bảo rút thì tôi cứ lấn tới.”

Thưa thầy, nghe những giai thoại về thầy, trò làm một tợp hết nửa cân rượu vang, phấn khích vô cùng, mười đầu ngón tay run bắn, máu chảy rần rần trong huyết quản, hai tai đỏ như cánh hoa mẫu đơn. Lời thầy như tiếng kèn xung trận, như một lời kêu gọi trang nghiêm, thức dậy ý chí chiến đầu hừng hực của trò. Trò phải như thầy năm xưa, nếm mật nằm gai, mắt tóe lửa, treo cổ lên xà nhà, lấy dùi đâm thủng đùi để khỏi buồn ngủ, lấy bút làm vũ khí, thà chết không lùi, không thành công thì cũng thành nhân!

Thưa thầy, nghe Lý Diễm kể những giai thoại về thầy, rồi lại giở thư thầy ra đọc, trò cảm thấy vừa buồn vừa thất vọng. Những lời khuyên của thầy sao mà giống lời khuyên của Vương Mông đối với lớp thanh niên (trong đó có thầy). Trò đau lòng quá! Thầy ơi thầy, thầy đừng bắt chước những tên tiểu nhân vô liêm sỉ, vừa rời cây gậy đánh chó đã quay lại hành hạ dã man những kẻ ăn mày. Nhớ năm xưa thầy gầy như con khỉ, cái cổ cò đỡ lấy cái đầu, thầy cũng xuất thân từ đường mòn văn học, đừng bao giờ vết thương vừa lành miệng đã quên đau, có như vậy thầy mới không mất đi sự nể trọng của ngàn vạn thanh niên đối với thầy.

Thưa thầy, đêm qua trò lại đã viết xong một truyện có tên là “Trẻ thịt”. Trong truyện này, trò cho rằng trò đã vận dụng nhuần nhuyễn bút pháp của Lỗ Tấn, biến cây bút trong tay thành lưỡi dao bầu. Lột bỏ lớp vỏ văn minh tinh thần đẹp đẽ, để lộ cái cốt lõi dã man về đạo đức. Tiểu thuyết của trò thuộc phạm trù “chủ nghĩa hiện thực dữ dội”. Trò viết truyện này là để thách thức bọn lưu manh “đùa giỡn với văn học” trên văn đàn hiện nay, là một thực tiễn kêu gọi dân chúng. Ý của trò là đả kích mạnh mẽ bọn tham quan ô lại bụng phệ ở thành phố Rượu. Không còn nghi ngờ gì nữa, thiên tiểu thuyết này là một “tia sáng trong cái vương quốc đen tối”, một “nhật kí người điên” trong thời kì mới. Nếu như có báo chí nào đó dám đăng tải, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả ghê gớm, chấn động nhân quần. Nay gửi cùng với thư, mong thầy phủ chính. “Người theo chủ nghĩa duy vật thực sự thì không hề biết sự”, thầy bất tất phải thương hoa tiếc ngọc, không cần dò dẫm tới lui, càng không cần trông trước ngó sau chỉ sợ ném chuột vào bình, có nhận xét gì thầy cứ huỵch toẹt, không cần vòng vo tam quốc, bổ ba chém sáu vốn là một trong những truyền thống vẻ vang của chúng ta.

“Trẻ thịt”, sau khi đọc nếu thấy đủ tầm cỡ thì xin thầy kiếm nơi nào mà gả chồng. Tất nhiên trò cũng biết thời buổi này ngay cả hỏa táng cho người chết cũng phải thân quen mới suôn sẻ, huống hồ đưa in tiểu thuyết! Vì vậy, thầy cứ mạnh dạn lên, nơi nào cần nhậu nhẹt thì nhậu nhẹt, nơi nào cần phong bao thì phong bao, trò chịu hết (chỉ xin đừng quên hóa đơn)!

Thầy ơi, “Trẻ thịt” là tác phẩm tâm huyết của trò, đăng trên “Quốc dân văn học” là tốt nhất, vì rằng: một, “Quốc dân văn học” thuộc loại “lãnh tụ” trên văn đàn Trung Quốc, lãnh đạo phong trào văn học mới, đăng ở đó một bài, bằng đăng ở báo tỉnh, thị hai bài; hai, trò muốn vận dụng chiến thuật “đánh điểm”, hạ bệ luôn cái lô cốt ngoan cố “Quốc dân văn học”.

Kính chúc thầy mọi sự tốt lành!

Thưa thầy,

Trò có người bạn lên Bắc Kinh có việc, gửi biếu thầy một thùng (mười hai chai) rượu quý “Lục nghị trùng điệp”, trò có tham gia nghiên cứu sản xuất loại rượu này.

Kính,

Lý Một Gáo.

3

Gửi Tiến sĩ Rượu.

Chào Tiến sĩ,

Cảm ơn huynh gửi tặng rượu “Lục nghị trùng điệp”. Rượu này sắc, hương, vị đều rất khá, có điều trộn làm một thì lại cảm thấy có phần lủng củng, nó giống như một người đàn bà mắt mũi chân tay đều không thể nói là không đẹp, nhưng nhìn chung thấy thiếu sức hấp dẫn mà không thể nói ra thiếu hấp dẫn ở chỗ nào. Quê tôi cũng có nghề nấu rượu nhưng còn khuya mới dám so với thành phố Rượu của huynh. Theo lời ông thân sinh, thì thôn tôi là một thôn nhỏ, trước giải phóng chỉ có khoảng một trăm nhân khẩu, mà có đến hai lò rượu cao lương, có biển hiệu hẳn hơi, một là “Tổng kí”, một là “Tụ nguyên”, mỗi lò thuê mướn mấy chục nhân công, lừa ngựa nhộn nhịp. Còn như nấu rượu bằng hạt “thử” thì nhà nào cũng nấu, gọi là hoàng tửu. Mùi rượu bay từ đầu thôn đến cuối thôn, suối rượu chảy từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Ông bác họ giới thiệu cặn kẽ quy trình sản xuất rượu và cách thức quản lí một lò rượu. Ông từng làm ở lò “Tổng kí” mười mấy năm, những điều ông nói đều là tư liệu quý báu cho tôi viết truyện vừa “Rượu cao lương”, gợi mở cho tôi những linh cảm khi nhìn nhận lịch sử quê hương bao trùm trong mùi rượu.

Tôi mê rượu, và suy nghĩ rất nghiêm túc về quan hệ giữa rượu với văn hóa. Truyện vừa “Rượu cao lương” ít nhiều là kết quả suy nghĩ của tôi. Tôi rất muốn viết một truyện dài về rượu, giờ được kết bạn với Tiến sĩ Rượu, thì thật là tam sinh hữu hạnh. Từ nay, tôi có rất nhiều vấn đề phải nhờ huynh chỉ giáo, vì vậy mong rằng từ nay huynh đừng gọi tôi là “thầy” nữa.

Thư và truyện “Trẻ thịt” của huynh, tôi đã đọc, cảm xúc ngồn ngộn, tiện đây nói đấy nhá! Trước hết, tôi nói về bức thư:

1) Tôi cho rằng, hung hăng và nhút nhát là hai cách sống vừa mâu thuẫn vừa dựa dẫm vào nhau của hai loại người, khó có thể nói cách nào tốt, cách nào không tốt. Trên thực tế, có người bề ngoài có vẻ hung hăng nhưng thực tế là nhút nhát; có người bề ngoài có vẻ nhút nhát nhưng lại hung hăng từ trong máu. Có người ở một khía cạnh nào đó, vào giờ phút nào đó cực kì hung hăng, nhưng ở một khía cạnh nào đó, giờ phút nào đó cực kì nhút nhát. Tuyệt đối hung hăng hoặc nhút nhát tuyệt đối là không có. Tỉ như “rượu vào là hung hăng” như huynh có đến chín phần mười là do phản ứng hóa học, không đến nỗi phải lên án. Vì vậy sau cuộc rượu huynh cảm thấy tốt đẹp, tôi cũng cảm thấy tốt đẹp. Sau cuộc rượu, huynh có chửi đù mẹ thằng “Quốc dân văn học” thì cũng không xúc phạm gì đến pháp luật, huống hồ huynh chưa lôi mẹ thằng “Quốc dân văn học” ra mà chửi, huynh chỉ mới nói câu: “Nếu không đăng, thì “Quốc dân văn học” chỉ là những anh mù” thôi mà.

2) Ông Bảy Lý viết kiểu gì trong tiểu thuyết là có cái lí của ông ấy, nếu huynh cho là không hay thì đừng đọc. Giả dụ có dịp gặp ông ta thì biếu hai chai “Lục nghị trùng điệp” rồi biến luôn, đừng có phạm phải sai lầm của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng mà “tranh luận nảy lửa” với ông ta, càng không nên giở võ ra vì ông ta từng luyện Bát quái quyền, có liên hệ mật thiết với xã hội đen, thủ đoạn tàn độc, chuyện gì cũng dám làm. Nghe nói ở Bắc Kinh có một nhà phê bình văn học rỗi hơi viết bài phê bình Bảy Lý đăng trên báo, ba hôm sau, vợ nhà phê bình này bị bọn Bảy Lý bắt cóc bán sang Thái Lan làm gái điếm. Vậy nên, tôi khuyên huynh chớ thò mũi vào. Ở đời có những người mà ngay cả Thượng đế cũng không dám đụng, Bảy Lý là một trong số đó.

3) Huynh đã dám “chết bỏ”, quyết tâm theo nghiệp văn, tôi không dám khuyên con người lãng tử như huynh nghĩ lại, tránh để huynh căm ghét tôi. Vô ý mà bị người khác giận thì đành chịu, còn như cố ý chọc tức người khác thì khác gì tự móc mắt mình, tôi vốn xấu trai, hà tất móc mắt cho xấu thêm.

4) Huynh nguyền rủa “bọn khốn kiếp” định “độc chiếm văn đàn”, tôi rất khoái. Giả dụ có bọn khốn kiếp định chiếm văn đàn thật, tôi sẽ cùng huynh nguyền rủa chúng.

Tôi dạy ở trường quân đội Bảo Định là chuyện cách đây mười mấy năm, học sinh vài trăm người, có hai nữ sinh cùng họ Lý tên Diễm, một người mặt trắng, mắt ốc nhồi, một người mặt đen, béo lùn, không biết người nào là đồng nghiệp của huynh?

Còn chuyện chửi Vương Mông trên lớp, quả thực tôi không nhớ. Hình như tôi đã đọc bài viết ấy của ông, ông khuyên lớp thanh niên văn học phải tỉnh táo mà thiết kế con đường văn chương cho riêng mình, khi ấy đọc xong, có thể tôi không thoải mái vì bị một đòn về tâm lí, nhưng tuyệt đối không có chuyện chửi Vương Mông trong khi tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản trên giảng đường.

Thực tế cho đến nay tôi vẫn chưa vứt bỏ cây gậy xin cơm. Tôi nghĩ, nếu một ngày nào đó vứt cây gậy, có lẽ tôi cũng không “đánh đập lũ ăn mày thậm tệ”! Tôi không dám đoan chắc là không đánh, bởi vì con người ta thường thường không quyết định được sự thay đổi của bản thân mình.

Xin bàn một chút về tác phẩm của huynh:

1) Huynh đã định tính cho tiểu thuyết của huynh là “chủ nghĩa hiện thực dữ dội”, vậy nội hàm của chủ nghĩa này là gì, tôi quả thực không hiểu, nhưng ý tứ thì có thể nhận ra. Những tình tiết miêu tả trong truyện khiến tôi sợ rủn người. May mà đây chỉ là tiểu thuyết. Nếu như huynh làm một phóng sự với nội dung ấy thì rắc rối to!

2) về “tầm cỡ” của tác phẩm, nói chung có hai tiêu chuẩn: một là tiêu chuẩn chính trị; hai là tiêu chuẩn nghệ thuật. Cả hai tiêu chuẩn này tôi đều không nắm vững. Nắm không vững nên mới nói là không nắm vững, ở đây “không vòng vo tam quốc” gì hết. Chỗ “Quốc dân văn học” đầy rẫy những anh tài, người ta sẽ phán quyết cho huynh.

3) Tôi đã chuyển tác phẩm của huynh lên Ban biên tập “Quốc dân văn học”, còn chuyện nhậu nhẹt phong bao đòi hỏi học vấn uyên thâm, tôi không làm nổi. Chuyên san cấp Trung ương như “Quốc dân văn học” thì có lẽ huynh phải đích thân làm chuyện phong bao nhậu nhẹt mới ổn.

Chúc huynh gặp may!

Mạc Ngôn.

4

Trẻ thịt

Đêm thu. Đã quá nửa đêm. Vầng trăng muộn treo lửng lơ phía trời tây đường viền nhòe nhoẹt, giống một tảng băng hình cầu đã tan một nửa. Ánh trăng lạnh lẽo trùm lên cái thôn thơm mùi rượu đang ngủ mê mệt. Con gà của nhà ai đó kêu lên trong ổ, tiếng kêu nghèn nghẹn như vọng lên từ lòng đất.

Tiếng gà tuy bị nghẹt nhưng cũng đánh thức người vợ Trương Nguyên Bảo. Chị ta ngồi dậy, quấn chăn quanh người, im như phỗng trong cảnh mờ tối. Ánh trăng trắng ngà rọi qua cửa sổ vào trong nhà, vẽ những sọc trắng lên tấm chăn màu đen. Phía bên phải, cặp chân người chồng duỗi thẳng, lạnh như chân ma. Chị kéo góc chăn đắp cho chồng. Cu Bảo nằm co như con sâu phía bên trái, thở đều. Tiếng gà gáy trầm đục rất to từ phía xa vọng tới. Chị ta giật mình, vội bước ra sân ngẩng nhìn trời, thấy chòm sao Người Đi Săn đã ngả về tây, sao Mai đã mọc đằng đông. Trời sắp sáng.

Chị ta lay chân chồng, nói:

- Dậy đi, mau lên! Sao Mai mọc rồi.

Người chồng thôi ngáy, chóp chép miệng, ngồi dậy, nheo mắt hỏi:

- Sắp sáng rồi hả?

Người vợ nói:

- Sắp rồi. Đi sớm một chút, đừng như lần trước, mất công toi!

Người chồng uể oải mặc áo chẽn, lục tìm túi thuốc sợi ở đầu giường, tọng đầy tẩu, rồi miệng ngậm tẩu, tay lôi ra mẩu liềm kéo lửa, đá lửa, dây dẫn, rồi hì hục kéo. Vài tia lửa có góc cạnh tóe ra, một giọt lửa nhỏ rơi trúng dây dẫn. Anh ta bụm miệng thổi, ngọn lửa màu đỏ sẫm bùng lên, anh ta ghé tẩu bập bập mấy cái, châm lửa hút. Đang định tắt dây dẫn thì người vợ hỏi:

- Hay là thắp đèn?

Người chồng nói:

- Lại thắp đèn nữa kia?

Người vợ nói:

- Thắp chứ, giàu nghèo gì một tí dầu!

Người chồng vận hơi thổi đều đều vào dây dẫn, càng thổi lửa càng sáng lên, cuối cùng cháy thành ngọn. Người vợ cầm cây đèn tới, châm lửa rồi treo lên tường. Một thứ ánh sáng vàng vọt trùm lên căn buồng. Ánh mắt vợ chồng chạm nhau rồi vội nhìn ra chỗ khác. Mấy đứa trẻ ngủ phía bên người chồng, một đứa đang nói mê, oang oang như hô khẩu hiệu. Một đứa thò tay ra ngoài chăn sờ soạng mặt tường đầy dầu mỡ. Một đứa đang khóc. Người chồng nhét cánh tay vào trong chăn, thuận tay lay lay cái đầu đang khóc, sốt ruột:

- Khóc cái gì, hở của nợ!

Người vợ thở dài, hỏi:

- Có đun nước nóng không?

Người chồng nói:

- Đun, chỉ hai gáo thôi.

Người vợ nghĩ một thoáng, hỏi:

- Thêm một gáo nữa, sạch một tí cho người ta ưng.

Người chồng không nói gì, nhả tẩu ra, thận trọng nhìn kĩ thằng nhỏ đang ngủ say ở đầu giường.

Người vợ chuyển cây đèn ra chỗ khung cửa để ánh đèn chiếu cả hai buồng. Chị ta rửa nồi, đổ vào ba gáo nước, đậy vung lại, cầm nắm rơm tiếp lửa ở đèn, cẩn thận đút vào bếp rồi đẩy luôn cỏ khô vào. Lửa đượm, ngọn lửa màu vàng chanh liếm đít nồi, khuôn mặt người vợ đỏ hồng. Người chồng ngồi trên chiếc ghế bố trước giường, đăm đăm nhìn vợ như có vẻ trẻ lại.

Nước trong nồi reo khẽ. Người vợ thêm chất đốt vào bếp. Người chồng gõ gõ cái tẩu, dọn giọng, nói chậm rãi:

- Nhà Tôn Răng Ngựa lại đã mang bầu, họ có một đứa chưa thôi bú.

Người vợ cụp mắt xuống, nói nhỏ:

- Con người chẳng ai giống ai. Người nào chẳng muốn mỗi năm đẻ một lứa, ai chẳng thích mỗi lứa đẻ sinh ba?

Người chồng nói:

- Răng Ngựa phát tài đến nơi rồi, cái đồ chó đẻ ấy có cậu là giám định viên, người khác không lọt, hắn lại lọt. Rõ ràng là loại hai, vậy mà hắn được công nhận loại đặc biệt.

Người vợ nói:

- Trong triều có người nhà, làm quan dễ như bỡn, xưa nay vẫn thế.

- Nhưng thằng Báu nhà mình chắc chắn được loại một. Không nhà nào chịu bỏ vốn nhiều như nhà mình - Người chồng nói - Mẹ nó ăn hết một tạ bánh đậu, mười cân cá diếc, bốn tạ củ cải…

- Tôi ăn? - Người vợ nói - Nhìn thấy tôi ăn, nhưng thực ra đều biến thành sữa, thằng nhỏ xơi tuốt!

Đang nói thì nước sôi, hơi nước xì qua mép nồi, phụt ra ngoài, ngọn đèn mờ đi, chỉ còn là một chấm đỏ run rẩy.

Người vợ dừng tay, không đưa tiếp rơm rạ vào bếp, bảo chồng:

- Đem bồn giặt lại đây!

Người chồng ờ một tiếng, đẩy cửa buồng ra sân, bê vào một cái bồn bằng gốm mẻ miệng, đáy bồn đọng một lớp sương mỏng.

Người vợ mở vung, hơi nước bay lên mờ mịt, gần như át hẳn ánh đèn, một lúc sau mới trông rõ mọi vật. Người vợ múc từng gáo nước đổ vào bồn. Người chồng hỏi:

- Cần pha thêm nước lạnh không?

Người vợ nhúng một ngón tay xuổng nước để thử, nói:

- Khỏi cần, thế này là vừa. Bố nó bế con xuống đi.

Người chồng đi vào buồng trong, khom người bế thằng nhỏ nói mơ lúc nãy. Thằng nhỏ khóc thút thít, người chồng vỗ vỗ mông đít nó, dỗ dành:

- Bảo con, đừng khóc nữa. Bố tắm cho con đây. Người vợ đón lấy thằng bé. Nó rúc đầu vào lòng mẹ, miệng lải nhải:

- Ti ti, mẹ…

Người mẹ không biết làm thế nào, đành ngồi xuống bậu cửa, mở cúc áo. Thằng nhỏ bập một cái rất chính xác trúng núm vú, họng rên lên gừ gừ. Người mẹ khom người như oằn xuống dưới sức nặng của đứa con.

Người chồng khỏa tay trong bồn, giục:

- Đừng cho nó bú nữa, kẻo nguội hết nước! Người mẹ vỗ vỗ mông thằng bé:

- Báu ơi, đừng ti nữa, sữa cạn sạch rồi. Tắm đi con, tắm cho sạch rồi lên phố mà hưởng phú quý.

Chị ta đẩy mạnh, nhưng thằng nhỏ vẫn ngậm chặt vú không nhả, núm vú kéo dài như miếng cao su.

Kim Nguyên Bảo - tên người chồng, giằng lấy thằng nhỏ. Người vợ rên lên một tiếng, thằng nhỏ khóc òa. Kim Nguyên Bảo nổi cáu, phát nó một cái vào mông:

- Khóc cái gì? Vì sao mà khóc?

Người vợ tỏ vẻ không vui:

- Bố nó nhẹ tay một tí, thâm tím ra đấy bị xuống hạng thì chết!

Người chồng lột bỏ quần áo thằng nhỏ vứt sang một bên, nhúng ngón tay thử nước lần nữa, lẩm bẩm: Nóng một tí thì tốt, bõ ghét - Vừa nói vừa thả thằng nhỏ vào bồn. Nó kêu thét, lảnh lói hơn lúc nói mê, cao như đỉnh núi so với đỉnh đồi. Nó co cả hai chân lên, còn bố nó thì ra sức ấn xuống. Nước trong bồn bắn cả lên mặt người vợ. Chị ta kêu lên một tiếng, hai tay ôm mặt, nói:

- Bố nó, nước nóng quá, nó bỏng thì bị xuống cấp đấy!

- Của nợ này cũng biết nóng biết lạnh kia đấy! Mẹ nó cho nửa gáo nước lạnh vào đây!

Người vợ vội đứng lên không kịp che ngực, hai vú thỗn thện, hai vạt áo thả sang hai bên lõng thõng xuống tận bắp đùi như lá cờ rách ướt đẫm. Chị múc nửa gáo nước lã đổ vào bồn, thò tay khoắng mấy vòng, nói:

- Được rồi, bây giờ thì không nóng nữa. Cu Bảo nín đi, đừng khóc.