Tửu quốc - Chương 07 phần 4

Mẹ vợ tôi sinh ra trong một gia đình vào loại thế gia nhờ tổ yến. Khi còn trong bụng mẹ, mẹ vợ tôi đã nghe tiếng nức nở của những con yến Kim Ti, đã được nuôi dưỡng bằng chất bổ của tổ yến. Mẹ đẻ của mẹ vợ tôi là người háu ăn, khi mang thai mẹ vợ tôi, cụ thèm ăn càng dữ, cụ thường xuyên ăn vụng tổ yến, ăn vụng rất có nghề, cụ ông không hề biết. Mẹ vợ tôi nói, khi sinh ra miệng cụ bà đã đầy răng cứng như thép, có thể nhai nát tổ yến khô, cụ không ăn vụng cả chiếc tổ - vì cụ ông đã đếm từng cái - mà chỉ cắn một mẩu ở cuống tổ, cách đầu cuống một tấc, cái tổ bị cắn rồi mà trông vẫn nguyên vẹn. Mẹ vợ tôi nói, cụ ăn vụng toàn loại quan yến. Tổ yến khi chưa chế biến dinh dưỡng càng phong phú. Mẹ vợ nói rằng, bất cứ loại sơn hào hải vị nào hễ qua chế biến là giá trị dinh dưỡng bị giảm đi rất nhiều. Mẹ vợ nói, mỗi tiến bộ đều được xây dựng trên cơ sở hủy hoại một cái gì đó. Nhân loại phát minh ra nấu nướng làm thỏa mãn cảm quan của cái miệng, nhưng lại làm mất đi sự khôn ngoan và dũng mãnh của con người. Người Eskimo sống ở vòng cung Bắc cực sở dĩ có thân thể cường tráng và sức chịu lạnh ghê gớm, là do họ ăn sống hải báo. Một khi họ nắm được kĩ thuật nấu nướng của Trung Quốc, họ sẽ không trụ lại được ở Bắc cực. Mẹ của mẹ vợ tôi ăn nhiều tổ yến sống nên mẹ vợ tôi phát dục đầy đủ, lúc mới sinh tóc đã đen mượt, da dẻ hồng hào, giọng to và khỏe hơn hẳn con trai, trong miệng đã có bốn chiếc răng. Khi sinh là tháng Chạp, tuy Quảng Đông không có cái lạnh chết người, nhưng cũng gió rét căm căm, mẹ vợ bị bỏ qua đêm ngoài bụi cỏ vẫn ngủ ngon lành khiến ông thân sinh ra mẹ cảm động, cho bế về nhà.

Theo lời mẹ vợ nói thì mẹ của mẹ vợ tôi rất đẹp, còn bố của mẹ vợ thì lông mày chữ bát, mắt sâu, mũi tẹt, môi mỏng dính, bộ râu dê trên chiếc cằm nhọn, suốt ngày nằm dán vào tường như con thạch sùng già. Mẹ của mẹ vợ ngày nào cũng ăn vụng tổ yến, da dẻ hồng hào như bông sen tháng Sáu. Khi đầy tuổi tôi, mẹ của mẹ vợ theo một thương lái trốn đi Hồng Kông, mẹ vợ tôi sống với bố. Mẹ vợ nói, sau khi mẹ của mẹ vợ trốn đi Hồng Kông, bố đẻ của mẹ mỗi ngày làm một tổ yến cho mẹ ăn, vì vậy mẹ vợ lớn lên nhờ ăn yến. Mẹ vợ nói, mẹ vợ có mang vợ tôi vào lúc khó khăn nhất của những năm sáu mươi, không được một miếng súp yến vào miệng, nên vợ tôi chẳng khác một con khỉ còm. Nếu như vợ tôi chịu ăn tổ yến, tình hình có lẽ khác, nhưng cô ta dứt khoát không chịu. Kì thực tôi biết, muốn ăn yến cũng khó. Mẹ vợ mới nhận chức chủ nhiệm Trung tâm chế biến món ăn đặc chủng không lâu, thời chưa làm chủ nhiệm có muốn ăn yến cũng không có mà ăn. Bát yến sào bà làm cho tôi phải đi cửa sau mới có, do vậy, về điểm này chứng tỏ bà rất thích tôi, hơn cả vợ tôi thích tôi. Tôi lấy vợ một nửa vì bố vợ tôi là ân sư của tôi. Tôi chưa li hôn với vợ tôi, nguyên nhân quan trọng là tôi thích mẹ vợ tôi.

Mẹ vợ tôi lớn lên nhờ ăn tổ yến và chim yến non, năm lên bốn đã có vóc dáng và trí lực của đứa trẻ lên mười. Mẹ vợ cho rằng, đó hoàn toàn là công lao của tổ yến Kim Ti. Mẹ vợ cho rằng, về ý nghĩa nào đó, bà được chim yến Kim Ti nuôi bà bằng nước dãi mà lớn lên, còn mẹ đẻ ra bà không được bú sữa vì khi sinh đã có bốn răng trong miệng. Vậy thì mẹ của mẹ vợ đâu phải động vật có vú? Mẹ vợ nói, giọng tỏ ra căm phẫn. Mẹ vợ còn mở rộng ý nghĩa của vấn đề, cho rằng, con người là động vật có vú tàn nhẫn nhất, không có tình nhất, chỉ con người mới cự tuyệt con mình bú tí.

Mẹ vợ quê vùng duyên hải phía Đông Nam, những hôm đẹp trời ngồi trên ghềnh đá có thể nhìn thấy thấp thoáng một chuỗi những hòn đảo màu xám, trên đảo có nhiều hang động lớn, trong động có tổ yến. Những người trong thôn sống bằng nghề đánh cá, riêng bố đẻ của mẹ vợ tôi và sáu ông chú là sống bằng nghề lấy tổ yến. Đây là nghề gia truyền, cực kì nguy hiểm nhưng kiếm bộn tiền, người thường có muốn cũng không làm nổi. Do vậy trong phần đầu của truyện, tôi mới nói mẹ vợ tôi sinh ra trong một gia đình thuộc loại thế gia do có nghề hái tổ yến.

Mẹ vợ tôi nói, ông thân sinh của mẹ và các chú đều là những con người khỏe mạnh, trên người không cơ mỡ, mà chỉ thuần những cơ bắp xoắn thành búi. Người nào mà cơ bắp như thế, thân thể rất dẻo dai, nhanh nhẹn hơn khỉ. Ông thân sinh của mẹ vợ nuôi hai con khỉ, mẹ vợ bảo đó là hai ông thầy của ông. Khi không phải mùa thu hoạch tổ yến, ông và các chú ngồi chơi xơi nước, ăn vào thu nhập của năm trước để chuẩn bị đầy đủ mọi mặt cho vụ thu hoạch sắp tới. Ngày nào các vị cũng dắt khỉ lên núi cho chúng trèo cây leo vách đá để các vị bắt chước. Mẹ vợ tôi nói, ở bán đảo Mã Lai người ta thuần hóa khỉ để hái tổ yến, nhưng thành công không đáng kể, tính nết khỉ dễ thay đổi, ảnh hưởng đến sản xuất. Mẹ vợ nói, ông thân sinh ra mẹ tuy đã ngoài sáu mươi nhưng thân thể vẫn nhẹ như chim yến, leo sào tre bóng nhẫy không kém gì lũ khỉ. Tóm lại, gia tộc đằng mẹ vợ tôi do di truyền và truyền nghề qua các thế hệ, ai cũng giỏi leo cây trèo tường. Mẹ vợ nói, xuất sắc nhất về thể năng là chú Út, chú luyện được môn bích hổ công, tay bám vách đá leo lên cao mấy chục mét mà không cần thang. Mẹ vợ nói, mẹ đã quên mặt các ông chú khác, nhưng ông út thì không bao giờ quên. Da ông có một lớp vảy như vảy cá, ánh mắt màu lam phóng ra từ hai hốc mắt sâu trên khuôn mặt gầy guộc.

Mẹ vợ nói, mùa hè năm ông bảy tuổi, lần đầu tiên ông cùng các anh ra đảo lấy tổ yến. Nhà có thuyền lớn hai mái chèo đóng bằng gỗ thông, phủ một lớp dày dầu ngô đồng, mùi thơm thoang thoảng. Hôm ấy có gió đông nam, những con sóng dài đuổi nhau ồn ào, cát trắng lấp lóa dưới nắng.

Mẹ vợ nói, bà thường xuyên bị ánh nắng chói chang ấy đánh thức trong giấc ngủ, nằm trong chăn ở thành phố Rượu, bà nghe rõ tiếng sóng ở Nam Hải, ngửi thấy mùi vị của biển cả. Ông thân sinh ra bà miệng ngậm tẩu, cắt đặt đàn em khuân lên thuyền lương thực, nước ngọt, sào tre… Xong xuôi, một ông chú dắt con trâu mộng béo tốt, giữa hai sừng buộc dải lụa đỏ tới. Con trâu mắt đỏ như miếng tiết, mép sùi bọt trắng, có vẻ khùng. Trẻ con thôn chài kéo ra xem thuyền yến chuẩn bị ra đảo, trong đó có mấy đứa là bạn của mẹ Vợ: Hải Yến, Triều Sinh, Hải Báo… Một bà đứng trên tảng nham thạch gào to: Hải Báo ơi Hải Báo, về nhà! Thằng nhỏ miễn cưỡng ra về, nói với mẹ vợ: Hải Ni, cậu bắt cho mình một con chim yến được không? Mình đổi cho cậu một hòn bi ve. Cậu khua khua hòn bi ve trong tay. Tôi không ngờ mẹ vợ tôi có cái tên cúng cơm hay đến thế: Người con gái của biển. Trời ạ, tên bà trùng với tên của phu nhân Karl Marx! Mẹ vợ thoáng nét buồn: Anh chàng Hải Báo ấy bây giờ đã là Tư lệnh Tiểu quân khu! Nghe giọng nói, biết bà bất mãn về chồng. Vợ tôi nói: Tư lệnh Tiểu quân khu thì có gì ghê gớm! Bố con là Giáo sư đại học, chuyên gia ủ men, chẳng kém xề chút nào so với viên Tư lệnh Tiểu quân khu tí hin! Mẹ vợ nhìn tôi, nói: Nó bao giờ cũng bênh bố nó chằm chặp, chống lại tôi. Phụ tử tình thâm mà lại! - Tôi nói. Vợ tôi nguýt tôi một cái đổ đình đổ chùa. Mẹ vợ tôi nói, tiết mục ầm ĩ nhất hôm ra đảo, là dồn con trâu mộng lên thuyền.

Bà nói, con trâu có linh tính, cái giác quan thứ sáu ấy càng rõ ở con trâu mộng (chưa bị thiến). Nó biết đưa nó lên thuyền nghĩa là như thế nào? Vì vậy nó vằn mắt lên, thở phì phì ra sức cưỡng lại khiến ông chú loạng choạng chỉ chực ngã. Mẹ vợ nói, một tấm gỗ hẹp bắc lên thuyền, nối bờ với thuyền như một cây cầu chênh vênh, phía dưới là nước biển ngầu đục. Con trâu dừng lại ở đầu cầu, dứt khoát không chịu trèo lên dù chỉ nửa bước. Ông chú vận hết sức bình sinh kéo cái thừng, vòng sẹo bằng kim loại ở mũi con trâu lôi dài mũi nó ra, gần như có thể bị sứt bất cứ lúc nào, chắc chăn là đau vô cùng nhưng con trâu vẫn không chịu bước lên cầu, sứt mũi thì nghĩa lí gì so với cái chết! Mẹ vợ bảo, mấy ông chú nhất tề xông tới đủn con trâu lên thuyền, nhưng đủn mấy nó cũng không nhúc nhích, trái lại, một ông chú bị nó đá hậu một phát ở đùi, phải đi cà nhắc.

Mẹ vợ tôi nói, chú út không những có sức khỏe hơn các anh, mà trí tuệ cũng hơn hẳn. Chú cầm lấy chạc, dắt trâu đi dạo trên bờ biển, vừa đi vừa nói chuyện với nó. Dấu chân người và trâu hằn trên cát. Sau đó, chú cởi áo ngoài trùm kín đầu con vật, một mình chú dắt con trâu lên thuyền. Con trâu bước lên cầu, tấm ván uốn thành hình cánh cung. Con vật biết đang bước trên con đường nguy hiểm nên rất thận trọng, bốn chân nhịp nhàng có vẻ thành thục như con sơn dương của đoàn xiếc biểu diễn trò leo dây. Trâu lên thuyền, người cũng lên thuyền, tấm ván cất đi, cánh buồm căng gió. Chú Út cởi chiếc áo trên đầu con trâu, nó run như cầy sấy, bốn chân nhấc lên đặt xuống, rống lên một tiếng thê thảm. Đất liền mờ dần, đảo đã gần kề, từng đám mây mù bao quanh trên đỉnh như lầu son gác tía chốn bồng lai.

Mẹ vợ tôi nói, ông thân sinh ra bà cùng các chú neo thuyền ở một góc đảo, cho trâu lên bờ. Người nào người ấy sắc mặt nghiêm trang kính cẩn. Vừa đặt chân lên hoang đảo đầy gai góc, con trâu bỗng trở nên ngoan ngoãn như con cừu, vằn đỏ tan biến, mắt trâu trở lại màu xanh của nước biển, đồng màu với mắt các ông chú.

Mẹ vợ tôi kể, khi các ông cập đảo thì đã hoàng hôn, ráng chiều nhuốm hồng mặt biển, trên đảo chim bay từng đàn, tiếng kêu đau màng nhĩ. Họ qua đêm ngoài trời trên đảo, một đêm không có chuyện gì. Sáng sớm hôm sau, ăn sáng xong, ông ngoại vợ tôi bảo: Làm đi! Vậy là công việc thu hái tổ yến gian nan và bí ẩn, bắt đầu.

Trên đảo có rất nhiều hang tối. Mẹ vợ nói, ông ngoại vợ cho bày hương án trước một cửa hang lớn, ông thắp hương lạy ba lạy, rồi ra lệnh: Sát sinh! Sáu người em ùa tới vật ngã con trâu mộng. Điều kì lạ là con trâu khỏe như thế mà không hề chống cự, cứ như nó tự ngã xuống chứ không phải bị vật ngã. Nó nằm yên, cái cổ khỏe mạnh gác lên tảng nham thạch, đầu to bự với cặp sừng màu thép gắn với cổ một cách thô thiển như một mối hàn vụng. Tư thế của con trâu chứng tỏ nó tình nguyện làm vật hi sinh cung tiến thần linh. Mẹ vợ tôi hiểu mang máng rằng, các tổ yến trong hang đều thuộc quyền sở hữu của thần linh, ông thân sinh mẹ vợ tôi cùng các chú dùng con trâu mộng làm vật đổi chác. Thần linh trong hang đã ăn thịt trâu thì hẳn là quái vật hung dữ. Nghĩ vậy, mẹ vợ tôi sợ run lên. Sau khi vật ngã con trâu, các chú đứng sang một bên. Mẹ vợ tôi trông thấy ông thân sinh rút từ thắt lưng một chiếc búa sắc lẹm, cầm bằng cả hai tay đi về phía con trâu. Trái tim bà như bị một bàn tay hộ pháp bóp chặt, mỗi lần đập lại lỗi nhịp, tưởng như không thể đập tiếp. Ông thân sinh mẹ vợ tôi miệng khấn lầm rầm, ánh mắt nhớn nhác hiện rõ trên cặp mắt đen rầm. Mẹ vợ tôi bỗng thấy thương ông và thương cả con trâu, cảm thấy người đàn ông gầy như con mắm trước mặt cũng đáng thương như con trâu nằm dài bên tảng nham thạch, kẻ giết và kẻ bị giết đều không tự nguyện, nhưng không thể cưỡng lại một áp lực kinh khủng, đành phải làm. Mẹ vợ tôi nhìn miệng hang hình thù quái gở, nghe tiềng gió vi vu từ trong đó vọng ra, cảm nhận luồng âm khí tuôn ra từ miệng hang, chợt linh cảm thấy rằng, bố đẻ của bà và con trâu đều sợ thần linh trong động. Bà trông thấy con trâu nhắm tịt mắt, vành mi dài khép chặt như một sợi chỉ, một con nhặng xanh đậu trên khóe mắt đang liếm láp gì đấy, mẹ vợ tôi bứt rứt vì con nhặng, nhưng con trâu vẫn không động cựa. Ông thân sinh mẹ vợ tôi đi đến bên con trâu, nhìn quanh như người mất hồn. Ông cụ nhìn gì nhỉ? Mẹ vợ tôi nói, thực ra ông chẳng nhìn thấy gì cả, khi ngẩng lên mới thấy tâm trạng ông hoàn toàn trống rỗng. Ông cụ chuyển búa sang tay trái, nhổ bọt vào lòng bàn tay phải, sau đó chuyển búa sang tay phải, nhổ bọt vào lòng bàn tay trái, cuối cùng, hai tay cầm búa, ông cụ xê dịch đôi chân để đứng cho vững, hít vào một hơi dài, nín thở, mặt đanh lại, hai mắt mở to, giơ cao búa rồi chém xuống một nhát cực mạnh. Mẹ vợ tôi nghe thấy một tiếng “bụp”, nghe thấy tiếng thở ra, ông cụ lảo đảo đứng không vững, một lúc lâu mới chậm rãi rút lưỡi búa ra. Con trâu ọ lên một tiếng, mấy bận định ngóc đầu dậy nhưng không nổi vì cơ cổ đã bị chém đứt. Sau đó là từng bộ phận trên cơ thể nó luân phiên co giật, hình như không phải chi phối từ não. Ông thân sinh mẹ vợ tôi lại giơ búa lên chém tiếp rất mạnh, mở rộng vết thương trên cổ, mỗi nhát chém đều kèm theo một tiếng “hự”, động tác vẫn rất chính xác, sau mỗi nhát, vết thương sâu thêm một ít, cuối cùng máu đen vọt ra, mùi tanh của máu lập tức xộc thẳng vào mũi mẹ vợ. Ông cụ thân sinh hai tay đầy máu, chiếc búa cũng trơn tuột, phải luôn lấy cỏ lau cán búa chứng tỏ nó cũng dính máu. Vết thương càng sâu rộng thì máu vọt ra càng mạnh, bắn đầy mặt ông cụ. Khí quản đã bị chém đứt, bọt máu đùn ra từng đống kèm theo những tiếng ọc ọc. Mẹ vợ tôi lấy tay chặn họng, quay đi. Khi nhìn lại, thấy ông cụ đã chém đứt cổ con trâu. Ông cụ quẳng búa, bê cái sỏ bằng hai bàn tay đầy máu đặt lên hương án. Mẹ vợ tôi không hiểu nổi chuyện hai mắt trâu lúc sống thì nhắm tịt, nhưng sau khi chết thì lại mở thao láo, con ngươi xanh màu nước biển, in bóng những người đứng xung quanh. Mẹ vợ nói, sau khi sửa cho ngay ngắn cái đầu trâu, ông cụ lùi lại mấy bước, miệng lẩm nhẩm khấn vái gì đó, rồi ông sụp xuống lạy ba lạy về phía cửa hang. Các chú đều quỳ bên tảng nham thạch, dập đầu lạy như bổ củi.

Nghi thức tế thần linh đã xong, ông ngoại vợ tôi cùng các em ông khuân dụng cụ vào hang, để lại mẹ vợ bên ngoài trông nom thuyền và đồ dạc. Mẹ vợ nói, sau khi vào trong hang, họ như đá chìm đáy biển, không thấy tăm hơi đâu cả. Đứng trước cái đầu trâu mắt mở trừng trừng và con trâu cụt đầu máu me vung vãi, mẹ vợ tôi sợ rủn người. Nhìn trời biển mênh mông, đất liền ẩn hiện trên đầu sóng, những con chim không biết tên bay lượn trên đảo. Mấy con chuột bự từ kẽ đá chui ra vừa kêu chí chí vừa trèo lên mình trâu, mẹ vợ định đuổi chúng đi, nhưng chúng đã nhảy dựng lên, cao đến nửa mét, tấn công lại. Hình dung móng vuốt của chúng cào vào ngực nó sẽ như thế nào, mẹ vợ vừa khóc vừa chạy vào trong hang.

Mẹ vợ vừa khóc vừa chạy trong hang tối tìm bố và các chú. Chợt thấy phía trước sáng rực, bảy cây đuốc xuất hiện trên đầu mẹ. Mẹ kể, khi thu hoạch trái vụ, ông thân sinh tẩm dầu thông vào cành cây rồi bó lại thành cây đuốc, mỗi cây dài nửa mét, một đầu có cán để miệng ngậm khi trèo. Trông thấy đuốc lửa, mẹ vợ lập tức ngừng khóc, bầu không khí thiêng liêng và nghiêm cẩn làm bà nghẹn họng, cảm thấy so với công việc của bố và các chú nỗi sợ của bà có thấm gì!

Đây là một cái hang cực lớn, cao chừng sáu mươi mét, rộng khoảng tám mươi mét. Mẹ vợ dùng con mắt bây giờ để ước lượng căn cứ vào ấn tượng hồi nhỏ, còn dài bao nhiêu thì không đoán nổi. Trong hang nước chảy róc rách, có những giọt nước rơi thánh thót, gió lạnh ù ù. Mẹ vợ ngẩng nhìn ánh lửa soi tỏ mặt ông thân sinh, soi tỏ mặt các chú, nhất là khuôn mặt của chú Bảy, bộ mặt hấp dẫn ánh lên màu hổ phách, gây ấn tượng âu sắc không thể quên, chẳng khác rượu hương cau của bà quả phụ La Fontaine thanh phế thải nhiệt, dư vị đọng mãi nơi cổ họng, vượt xa các loại rượu nói tiếng khác. Chú Bảy ngậm cây đuốc đôi lúc bắn tia lửa hoa cà, dán mình trên kẽ đá đưa lưỡi dao về phía vật trắng màu sữa. Đó là một tổ yến.

Mẹ vợ nói, thật ra điều làm mẹ ngạc nhiên đến sững sờ không phải bảy cây đuốc trên cao, cũng không phải bộ mặt vô cùng hấp dẫn bừng sáng dưới ánh đuốc của chú Bảy, mà là bầy yến Kim Ti bay đầy hang. Chúng sợ ánh đuốc nhưng không dám bỏ đi vì sợ mất tổ. Chúng bay trong hang như hoa nở đầy núi, như đàn bướm lượn tròn, chít chít chít chít, hàng vạn tiếng kêu ứa máu. Qua tiếng kêu, mẹ vợ tôi nhận ra lũ yến đang nổi giận. Ngay trên đầu mẹ vợ, ông thân sinh của mẹ bắc cây sào tre dài lên vách hang, trên đó có mười mấy tổ yến đã khô. Ông cụ ngẩng mặt lên, đầu quấn khăn trắng, hai lỗ mũi nở rộng, mặt đỏ lựng như lợn sữa quay. Cụ đưa lưỡi dao nhọn ra phía trước, chỉ một nhát cắt rời một tổ yến, bỏ luôn vào tay đãy đeo chéo thắt lưng. Mấy vật đen đen rơi xuống dưới chân mẹ vợ, lấy tay sờ thì đó là những quả trứng vỡ, lòng đỏ lòng xanh vương vãi. Thấy vậy, mẹ vợ rất buồn. Nhìn cha mình chỉ dựa vào mấy chiếc sào tre yếu ớt tiến hành một công việc vô cùng nguy hiểm, mẹ vợ cũng rất buồn. Lũ yến từng đàn từng lũ xông vào như định dập tắt cây đuốc của ông cụ để bảo vệ tổ và những đứa con. Nhưng bị ngọn lửa uy hiếp, khi gần chạm đuốc chúng vội ngoặt gấp, cánh lóe màu xanh biếc. Mẹ vợ nói, ông thân sinh của mẹ không đếm xỉa lũ yến, chỉ chú mục vào lấy tổ, từng cái một.

Cây đuốc đã cháy hết, ông thân sinh cùng các chú theo sào tre tụt xuống đất. Các vị tụm lại một chỗ châm cây đuốc mới, trút số tổ yến lấy được vào tấm vải trắng trải dưới đất. Thường thì ông thân sinh mẹ vợ chỉ lấy tổ yến trong khoảng thời gian tàn một cây đuốc, còn lại ba cây thì các chú lấy tiếp, ông ngồi trông tổ yến, để phòng lũ chuột tha đi, đồng thời cũng là để ông nghỉ ngơi cho lại sức vì ông đã già. Khi thấy mẹ vợ xuất hiện trước mặt, ông cụ vừa ngạc nhiên vừa mừng, trách mẹ vợ sao dám tự tiện vào trong hang, mẹ vợ nói sợ ở ngoài một mình. Khi mẹ vợ nói “sợ”, ông thân sinh mẹ vợ tái mặt, đánh mẹ một bạt tai, quát: Câm mồm! Mẹ vợ nói, bàn tay ông cụ dính nhơm nhớp, đầy nước rãi yến. Về sau mẹ vợ mới biết, khi đã ở trong hang, tuyệt đối không được nói những từ “ngã”, “trượt”, “chết”, “sợ”, nếu vi phạm, khó có thể yên lành. Bị một cái tát, mẹ vợ khóc òa. Trên cao chú Bảy dỗ: Yến Ni đừng khóc, lát nữa chú bắt cho một con yến nhỏ.

Mẹ vợ nói, bây giờ kiếm đâu ra những tổ yến to như thế? Đó là những tổ yến kì cựu. Mẹ vợ nói, chim yến có tập tính làm tổ mới bên trên tổ cũ, nếu không bị lấy đi, tổ yến to như một cái nón. Tất nhiên khi tổ yến không bị phá thì gần như thuần nước dãi con yến, không tạp, chất lượng cao.

Chú Bảy chĩa con dao ba cạnh sáng quắc về phía trước, người chú dài ra một cách đáng sợ, như một con rắn! Mẹ vợ nói, trông thấy mồ hôi trên tóc chú rỏ từng giọt xuống đất. Con dao của chú đã cận kề tổ yến khổng lồ. Chạm rồi, chạm rồi! Người chú dài thêm một chút nữa, con dao đã lách vào chân tổ và cứa nhiều nhát, mồ hôi trên người chú chảy đầm đìa. con yến lớn từ phía tổ bay tới đặc biệt dũng mãnh, bất kể sống chết, dùng thân mình đập ba lần liên tiếp vào mặt chú Bảy. Mẹ vợ nói, tổ yến bám vách đá rất chắc, đặc biệt là tổ lâu năm, như mọc ra từ vách đá. Vì vậy công việc của chú Bảy vô cùng gian khổ, chú không đếm xỉa đến cuộc tấn công của lũ yến, tâm không rối, tay không run, nghiến chặt răng, nhắm tịt mắt, kiên trì bám trụ, cắn môi đến bật máu, tự mình nếm vị mặn của máu mình.

Mẹ vợ nói, trời ơi, lâu dễ đến hàng trăm năm, cái tổ yến khổng lồ mới nghiêng sang một bên rồi trễ xuống, chỉ một nhát nữa là rơi. Nó trắng như một khối bạch kim!

- Cố lên, chú Bảy! - Mẹ vợ không nén nổi, kêu to. Người chú rướn lên cùng với tiếng kêu của mẹ vợ, chiếc tổ yến bị cắt rời vách đá nhẹ nhàng bay xuống, rất lâu mới đáp xuống đất, giữa ông cụ thân sinh và mẹ vợ. Cùng rơi với tổ yến, có chú Bảy tài nghệ phi thường của mẹ vợ. Như trên đã nói, chú thường nhảy từ độ cao hơn chục mét trở lại không bao giờ bị thương. Nhưng lần nay thì quá cao, tư thế lại không thuận, chú ngã cắm đầu xuống đất, óc chú bắn đầy chiếc tổ yến khổng lồ. Cây đuốc rơi xuống vẫn cháy một lúc mới bị nước trong hang dập tắt.

Mẹ vợ nói, chú Bảy chết được năm năm thì ông thân sinh mẹ vợ cũng tan xác trong một hang đá, nhưng công việc thu hái tổ yến không vì có người chết mà dừng. Bà không thể nối nghiệp cha, cũng không muốn ăn báo cô các chú. Một đêm hè nóng nực, mẹ vợ địu tổ yến dính óc chú Bảy lên lưng, bước lên con đường mưu sinh đầy gian truân. Năm ấy bà mới mười bốn tuổi.

Mẹ vợ nói, thông thường thì bà không thể trở thành một cao thủ về súp yến, vì mỗi lần dùng kim khều tạp chất ở tổ yến, trước mắt bà lại hiện ra cảnh tượng rụng rời trước kia. Bà trân trọng từng tổ yến, vì đằng sau mỗi tổ là máu và nước mắt - của yến và của người - vậy nên bà tích lũy được những kinh nghiệm lạ lùng về tổ yến. Nhưng bà vẫn còn chỗ lấn cấn, đó là mối quan hệ giữa tổ yến và óc người khiến bà không thoải mái, nhưng từ khi thành phố Rượu phát minh ra món đặc sản Trẻ thịt nổi tiếng, thì nỗi bứt rứt ấy mới tiêu tan.

Mẹ vợ tỏ ra lo lắng, nói: Từ sau những năm 90, nhu cầu về tổ yến tăng đột ngột, nhưng nghề hái tổ yến ở miền nam Trung Quốc gần như tàn lụi. Những người làm nghề này dùng thang lên xuống bằng thủy lực và đèn chiếu hiện đại, không những lấy không sót một tổ mà còn bắt cả yến con. Thực ra, Trung Quốc không còn tổ yến, phải nhập từ các nước Đông Nam Á, dẫn đến giá cả tăng vọt, thị trường Hồng Kông hai ngàn năm trăm đô la Mĩ một kilô tổ yến, và còn lên nữa. Giá yến lên cao khiến nước ngoài thu hái tổ yến như điên. Năm xưa ông thân sinh mẹ vợ mỗi năm chỉ hái có một lần, vậy mà bây giờ Thái Lan thu hoạch tới bốn lần. Cứ đà này thì hai mươi năm nữa trẻ con không biết tổ yến là cái gì! - Mẹ vợ húp cạn súp yến trong bát, nói.

Tôi nói, thực ra hiện nay ở Trung Quốc bất quá một nghìn đứa trẻ được ăn tổ yến, không hơn. Với đông đảo người dân, tổ yến không bức thiết cho lắm, lo làm gì cho mệt!