Tửu quốc - Chương 08 phần 2

Một người tên là Tôn Ông của thành phố Rượu, thích rượu, uống như hũ chìm, mỗi bữa phải vài đấu. Ruộng tốt có hơn chục mẫu, nhà có vài chục gian, đều theo rượu ra đi, vợ là Lưu thị dắt con đi lấy người khác. Tôn Ông la cà đầu đường xó chợ, đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc, áo quần lam lũ như kẻ ăn mày, thấy người ta uống rượu liền quỳ xuống dập đầu tóe máu xin uống ké. Một hôm có một người mặt mũi trẻ thơ nhưng tóc thì đã bạc, nhẹ nhàng đi tới bảo ông: “Từ đây đi về phía đông nam một trăm dặm, có một quả núi tên Bạch Viên Lĩnh, trên núi có rừng xanh tươi tốt, trong rừng có lũ bú dù (vượn) biết ủ rượu, ở đó rượu chảy như suối, sao không đến mà uống cho đã? Ăn xin ở đây làm gì!” Được lời, ông đi liền, đi như bay, không kịp cảm ơn. Đến chân núi, ngước nhìn thấy cây cối rậm rạp, không có đường, bèn vịn dây leo mà lên, vào sâu trong rừng, cây to chọc trời, dây leo chằng chịt, chim chóc hót vang. Một con thú to như con trâu, mắt sáng như điện, tiếng gầm như sấm, cây cối xào xạc. Ông hãi quá chạy tìm chỗ nấp thì bị ngã xuống hố, mắc vào ngọn cây, nghĩ bụng phen này chắc chết. Chợt ngửi thấy mùi rượu thơm điếc mũi, trong lòng phấn chấn, bèn tụt xuống, nhằm phía có mùi thơm mà đi tới. Những bụi cây lúp xúp, hoa quả trĩu cành. Một con vượn trắng nhỏ ôm một ôm quả màu tím, y như bằng mã não, nhảy nhót phía trước mặt. Ông đi theo nó, bỗng phía trước mặt rộng dần ra, trông thấy một khối đá cực lớn rộng chừng mấy chục thước vuông, giữa lõm xuống sâu hơn một trượng. Con vượn trắng ném quả cây xuống cái hõm, tiếng động từ đó vang lên như pha lê vỡ, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, lại gần thấy toàn là rượu. Lũ vượn gập lá thành hình cái gầu, múc rượu mà uống. Chỉ lát sau chúng đã đi đứng loạng choạng, nhíu mặt nhăn mày, trông thật tức cười. Tôn Ông vội áp sát, lũ vượn tháo lui khoảng một trượng rồi đứng đó mà hò hét. Bất chấp, ông cúi xuống hớp từng ngụm rượu như cá kình đớp nước một hồi, cảm thấy trong bụng sảng khoái, miệng thơm lạ lùng, lâng lâng như vào cõi tiên, bắt chước lũ vượn, cũng nhảy nhót hò hét. Lũ vượn chạy theo ông, thái độ trở nên thân thiện. Từ đó, ông ở lại luôn trong hang, mệt thì ngủ, thức lại uống, đôi khi chơi đùa với lũ vượn, vui quá không muốn về, dân làng đều cho là ông đã chết, một đồn mười, già trẻ lớn bé tin như thế. Mấy chục năm sau, con trai ông vào núi lấy củi, thấy ông tóc tuy bạc nhưng khuôn mặt trẻ như thanh niên, thần khí thanh thoát, từ rừng sâu đi ra thì tưởng là tiên, sụp xuống lạy. Ông nhìn kĩ chú tiều, hỏi: “Tên con là Tam Tiên phải không?” Đáp: “Vâng.” Ông nói: “Ta là cha của con.” Người con nghe nói lúc còn nhỏ có người cha nghiện rượu, bị dụ lên núi rồi chết trên ấy. Hãi quá! Ông thuật lại cảnh ngộ kì lạ của mình, nhắc lại một số chuyện cũ khi còn ở với gia đình, người con mới tin, đề nghị ông quay về để phụng dưỡng. Ông cười, nói: “Nhà mình có đủ rượu cho ta uống không cần đong đếm không?” Ông bảo con đợi một lát, bám dây rừng leo lên, nhanh như vượn. Lát sau, ông đem xuống một ống nứa ngộ có nắp đậy bằng một bó hoa màu tím, bảo: “Trong này là rượu Vượn (Viên tửu), uống rượu này khỏe mạnh trẻ lâu.” Người con đem ống rượu về nhà, mở nắp rót ra chậu, rượu có màu xanh sẫm, thơm lạ lùng, chưa từng thấy nơi nào có. Người con rất có hiếu, bèn rót rượu vào chai rồi đem biếu bố vợ. Bố vợ là người hầu của Lưu viên ngoại, liền đem biếu Lưu viên ngoại. Viên ngoại thấy rượu lạ, hỏi, ông bố vợ cứ lời chàng rể thưa lại. Viên ngoại trình báo quan phủ. Quan phủ phái mấy chục người lên núi tìm kiếm suốt mấy tháng trời, chỉ thấy rừng rậm mênh mông, gai góc dày đặc, ngoài ra không thấy gì khác.

Tôi đọc đoạn văn mà như bắt được vàng, vội nhờ photocopy ở chỗ dịch vụ rồi đem về tặng bố vợ. Đó là một buổi tối cách đây ba năm, bố mẹ vợ đang đấu khẩu bên bàn ăn, bên ngoài cửa sổ trời đang mưa nặng hạt, sấm nổ đùng đùng, những tia chớp xanh lét chạy loằng ngoằng trên trời như những làn roi vụt ngang vụt dọc, kính cửa sổ rung lên, sáng lên từng chập. Tôi lắc đầu rũ nước bám trên tóc. Mưa rào kèm mưa đá khiến mặt mũi tôi tê dại, nước mắt giàn giụa. Mẹ vợ nhìn tôi có vẻ giận, nói: “Con gái đã gả chồng như bát nước đã hắt bỏ, có chuyện gì các con phải cùng nhau giải quyết, nhà này không phải Tòa án dân sự!

Nghe nói vậy tôi biết bà hiểu lầm, định giải thích thì bị đứt đoạn bằng một cái hắt hơi. Vậy là trong khi mũi tôi đang nảy nảy như bị thần kinh, tôi nghe thấy mẹ vợ lẩm bẩm:

- Chẳng lẽ anh cũng là cái loại đàn ông coi rượu như vợ? Chẳng lẽ…

Khi đó tôi chưa hiểu câu nói của mẹ vợ. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Khi đó tôi chỉ thấy mẹ vợ miệng lẩm bẩm, mặt đỏ gắt như trong lòng chất chứa oán thù. Bà hình như nói với tôi, nhưng mắt thì lại nhìn chằm chằm vào bố vợ, ánh mắt vô cảm, ngưng đọng và lạnh như mắt rắn. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một ánh mắt như thế, bây giờ mỗi khi nhớ lại vẫn thấy lạnh xương sống.

Bố vợ ngồi ngay ngắn bên bàn ăn đúng với phong độ một giáo sư, mái đầu hoa râm bóng lên như tơ tằm dưới ánh đèn ấm áp. Ông không thèm để ý đến mẹ vợ, chỉ chăm chú uống rượu. Loại rượu ông uống có tên là “Quả phụ Phôngten”, rượu hương cau, sánh như mật, màu vàng kim, mịn màng như bộ ngực các bà đầm; tăm rượu li ti nối đuôi nhau chạy ngược lên như tiếng thì thầm của cô gái phương tây; mùi thơm quý phái khiến người muốn hít sâu trong lồng ngực, quả thực rượu ngon, có một không hai. Ngắm loại rượu này khoái hơn ngắm các cô đầm lõa thể, ngửi loại rượu này sướng hơn hôn các cô đầm, uống loại rượu này hơn…

Ông một tay vuốt ve bình rượu mịn màng như bích ngọc, tay kia nghịch nghịch cái cốc pha lê cao chân, ngón tay thon dài của ông say đắm chuyển dịch trên mặt bình. Ông giơ cốc lên ngang mày để quan sát ánh đèn xuyên qua chất dịch có màu sắc dịu dàng này. Chợt ông vội đưa cốc rượu lên mũi ngửi rồi thè lưỡi nếm, đúng là nếm, chỉ đôi môi và chót lưỡi chạm vào rượu, vẻ hào hứng bừng lên trong mắt, ông tợp một ngụm to rượu trong cốc, nín hơi, ngậm trong miệng không nuốt vội, hai má bạnh ra, mặt có vẻ tròn thêm nhưng cằm thì hình như càng nhọn. Tôi ngạc nhiên nhận ra ông không có râu, một sợi cũng không, như cằm phụ nữ chứ không phải cằm đàn ông. Rượu chạy quanh trong miệng, chắc chắn ông cảm thấy ngon vô cùng, trên mặt đỏ lên từng đám như hóa trang vụng. Ông ngậm mãi ngụm rượu không nuốt khiến tôi tự nhiên sinh ra phản cảm về tâm lí, như bị nước vào lỗ tai. Một tia chớp lóe lên ngoài cửa sổ, trong buồng một màu xanh lét, ông nuốt ngụm rượu trong ánh sáng xanh run rẩy đó. Tôi trông thấy rượu đã chảy qua họng ông như thế nào. Sau đó, ông liếm môi, mắt ươn ướt như vừa khóc xong. Tôi từng trông thấy ông uống rượu trong lớp, cũng có thể coi là bình thường; ông uống rượu ở nhà với một tình rượu như thế thì không thể coi là bình thường. Một chuỗi những động tác của bố vợ trong khi mân mê cái cốc và trong khi thưởng thức rượu, khiến tôi đoán mò có lẽ ông là dân pê-đê, tuy rằng tôi chưa trông thấy pê-đê bao giờ, nhưng tôi cảm thấy dân pê-đê khi gặp nhau, cử chỉ, tình cảm và thái độ hẳn giống bố vợ tôi đối với bình, cốc và rượu.

- Tởm! - Mẹ vợ dằn mạnh đũa xuống bàn, chửi một câu chẳng nhằm vào ai, đứng dậy trở về phòng, đóng cửa lại. Thực tình tôi rất ngượng. Khi ấy tôi không biết bà tởm cái gì, bây giờ thì tôi biết rồi.

Bố vợ tôi cụt hứng, ông đứng lên, hai tay nắm mép bàn, ngây người nhìn cánh cửa màu xanh hồi lâu, trên mặt tình cảm biến ảo: thất vọng, đau khổ, giận dỗi. Khi giận dỗi hiện trên mặt, tôi thấy ông thở dài vặn nút bình, ngồi xuống ghế sofa cạnh tường như một bộ xương đã rữa hết da thịt. Tôi chợt thấy thương ông, muốn an ủi ông đôi câu nhưng chẳng biết mở miệng thế nào. Nhớ tập tư liệu trong cặp, tôi liền nhớ mục đích cuộc viếng thăm, vội lấy ra đưa cho ông. Tôi chưa có thói quen gọi ông bằng “bố”, từ trước tới nay vẫn gọi ông bằng “thầy”, mẹ vợ rất không bằng lòng, may mà ông không chấp nhặt. Ông bảo, gọi là “thầy” tự nhiên hơn, thoải mái hơn, thậm chí ông còn cho rằng, chàng rể gọi bố vợ bằng “bố” nghe có vẻ giả tạo và kinh tởm. Tôi rót cho ông một tách trà, nước chỉ còn khoảng năm mươi độ, cánh chè nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi biết ông không thích uống trà, nước sôi hay không thì cũng thế. Ông dùng lòng bàn tay ấn nắp tách tỏ ý cảm kích. Sau đó ông hỏi tôi, giọng mệt mỏi:

- Hừm, lại cãi nhau phải không?

Qua lời ông, tôi biết ông chán chường vì bất lực trước mối quan hệ của vợ chồng tôi, tiếng thở dài của ông trùm lên căn phòng khách nhỏ bé. Tôi đưa cho ông tập bản sao, nói:

- Thưa thầy, hôm nay con phát hiện tài liệu này ở thư viện, rất thú vị, thầy đọc thử.

Tôi thấy rõ ông không tỏ ra hào hứng về tập tài liệu, cũng không hào hứng gì về chàng rể của ông. Xem ra ông chỉ mong tôi biến, để ông ở lại một mình trên sofa, chìm đắm trong dư vị của rượu Phôngten. Chẳng qua là vì lịch sự nên ông không bảo tôi về đi; cũng vì lịch sự, ông giơ cánh tay mềm oặt có thể là do phóng túng quá độ, cầm lấy tập tài liệu. Tôi nhắc:

- Thưa thầy, đây là bài viết về rượu Bú Dù, hơn nữa lại là những con bú dù ở Bạch Viên Lĩnh!

Nghe tôi nói, ông miễn cưỡng cầm tập giấy lên, ánh mắt chậm chạp bò trên mặt giấy như hai con ve sầu già bò trên cành cây. Nếu chỉ như thế thì tôi thất vọng quá. Nó chứng tỏ tôi không hiểu ông. Mà tôi thì hiểu ông, biết rằng tài liệu này sẽ làm ông thích thú, ông sẽ cảm thấy sung sướng. Tôi lấy lòng ông không phải để cầu cạnh ông điều gì, mà vì tôi ngày càng cảm thấy rằng, trong lòng ông già này đang ẩn nấp một con thú nhỏ lông trơn mượt, mõm ngắn tai to, mũi đỏ chót, tứ chi ngắn ngủn, chẳng là mèo cũng không phải chó, ngây ngô đáng yêu, mà con thú nhỏ này như người anh em sinh đối với tôi, tôi thích nó.

Những cảm giác nói trên là vô cùng viển vông, tất nhiên. Quả nhiên mắt ông sáng lên, ngồi thẳng lên cơ thể đang rệu rã, tâm trạng vui vẻ thông qua vành tai ửng hồng, qua những ngón tay run run.

Tôi như trông thấy con thú nhỏ đó nhảy ra khỏi cơ thể ông, vạch trên khoảng không cách đầu ông ba thước những quầng sáng màu tơ tằm. Tôi thực sự vui vẻ, thực sự khoan khoái, thực sự vui mừng!

Ông đọc lại từ đầu đến cuối rồi nhắm mắt, ngón tay trỏ gõ một cách vô ý thức lên tập tài liệu. Ông mở mắt, nói:

- Tôi đã quyết định rồi!

- Thầy quyết định chuyện gì ạ?

- Anh bên tôi bấy nhiêu năm, chẳng lẽ không biết tôi quyết định chuyện gì sao?

- Trò kiến thức nông cạn, đoán không ra những tính toán như thần của thầy.

- Sáo rỗng! - Ông không vui - Tôi phải lên Bạch Viên Lĩnh tìm rượu Bú Dù!

Giác quan thứ sáu đang khuấy động tâm can, tôi cảm thấy điều mong đợi từ lâu sắp xảy ra, cuộc sống phẳng lặng như ao tù sắp nổi sóng, một đề tài thú vị trên chiếu rượu sắp loan truyền cả nước, hơn nữa, sẽ khiến cho thành phố Rượu, trường đại học Chưng cất và bản thân tôi bao trùm trong không khí văn học đầy màu sắc lãng mạn kết hợp với văn học bình dân. Mà tất cả những chuyện ấy bắt nguồn từ một phát hiện ngẫu nhiên trong thư viện. Bố vợ tôi sắp lên Bạch Viên Lĩnh tìm rượu Bú Dù, và tiếp theo, là từng đoàn người lên núi tìm ông. Nhưng tôi vẫn nói:

- Thưa, thầy cũng biết là loại văn chương này quá nửa do những kẻ vô công rồi nghề phịa ra, chỉ có thể viết thành tiểu thuyết viễn tưởng, mà không thể coi đó là chuyện thật.

Ông đã rời ghế sofa, hăng hái như một chiến binh sắp ra mặt trận, ông nói:

- Ý tôi đã quyết, anh đừng nhiều lời!

- Thưa thầy, chuyện lớn như vậy, thầy nên trao đổi với mẹ vợ con một tí.

Ông lạnh nhạt nhìn tôi, nói:

- Bà ấy với tôi không còn quan hệ gì nữa.

Ông gỡ bỏ đồng hồ đeo tay và kính làm như đi vào giường nhưng ông lại đi ra cổng, không chần chừ một giây, ông mở cánh cổng, và cũng không hề do dự, ông sập cổng rất mạnh. Cánh cổng bằng gỗ mỏng tang ngăn tôi và ông thành hai thế giới. Tiếng gió tiếng mưa tiếng sấm chớp và luồng không khí lạnh của đêm mưa ùa vào khi cửa mở hé, đã lập tức chấm dứt khi cánh cổng khép lại. Tôi lặng người nghe tiếng quẹt của đôi dép lê trên các bậc cầu thang xi măng, tiếng loạt soạt giẫm lên giấy lộn vương vãi yếu dần cho đến khi mất hẳn. Phòng khách của bố vợ như rộng ra vì không có ông, dù rằng có tôi với thân hình cao to lừng lững đang đứng giữa nhà. Nhưng tôi cảm thấy, về cơ bản tôi không phải con người, cột xi măng cũng không phải. Chuyện xảy ra nhanh quá nên biến thành ảo giác, nhưng đâu phải ảo giác, đồng hồ của ông, kính của ông còn đây, trên bàn trà, hai trang tư liệu copy nằm chéo trên ghế sofa, bình rượu và chiếc cốc ông vuốt ve sờ nắn vẫn đang trên bàn ăn, chấn lưu của đèn nhật quang vẫn đang nổ lách tách, chiếc đồng hồ cổ treo tường vẫn đang chạy tích tắc. Lại nữa, tôi còn nghe thấy - dù cách một lần cửa, trong buồng của bà, chắc chắn là trên giường, mẹ vợ úp mặt trên cánh tay thanh mảnh mà sụt sịt bằng mũi và miệng phối hợp, y hệt một bà nông dân húp cháo nóng.

Tôi suy nghĩ rất lâu, quyết định nói chuyện này với bà. Vậy là, lúc đầu tôi còn có ý thăm dò, sau dứt khoát gõ cửa. Trong khoảng giữa những tiếng gõ, bà chuyển từ sụt sịt sang nức nở, hơn nữa còn có cả tiếng hỉ mũi. Nước mũi hỉ ra vứt đi đâu nhỉ? Ý nghĩ chẳng có giá trị thực tế này như con nhặng xanh cứ bám riết trong đầu, đuổi không đi, thực đáng ghét! Tôi thừa biết bà đã rõ mọi chuyện ở ngoài này, nhưng tôi cố làm ra vẻ tự nhiên, nói:

- … Thầy đi rồi!… Thầy bảo thầy lên Bạch Viên Lĩnh tìm rượu Bú Dù…

Bà vắt mũi. Mũi vắt ra bôi vào đâu nhỉ? Qua tiếng thở hổn hển, tôi hình dung ra bà đã rời giường, đứng một chỗ nhìn ra cửa, cũng có thể nhìn lên bức ảnh ông bà chụp chung hôm cưới trên tường. Tôi đã từng ngắm bức ảnh đó. Nó lồng trong một cái khung chạm trổ màu đen, y như khung tang để con cháu tưởng nhớ. Trong ảnh, bố vợ tôi phơi phới tuổi xuân, khóe miệng có góc chứng tỏ ông là con người hài hước và có duyên. Tóc rẽ giữa, đường ngôi trắng như vết sẹo bị chém bằng dao sắc, trông như hộp sọ từng bị bửa đôi. Ông nghiêng đầu về phía mẹ vợ, cằm nhọn cách mái tóc chải bằng của bà phía dưới ba phân. Điều này tượng trưng cho quyền lực của người chồng, cũng tượng trưng cho tình yêu. Dưới ách đô hộ của phu quyền và tình yêu, khuôn mặt bà tròn vành vạnh, lông mày rậm, mũi có góc có cạnh, miệng khỏe và đầy sức sống. Khi ấy mẹ vợ như một thiếu niên tuấn tú cải trang thành thanh nữ, trên khuôn mặt còn ghi lại tính cách cương cường, không nề khó khăn gian khổ, dám vươn lên trong nghề thu hoạch tổ yến, không hề ăn nhập với dung nhan kiều mị kiểu Dương Quý Phi bây giờ. Sao bà có thể trở thành như hiện nay nhỉ? Làm sao ông bà lại đẻ ra một đứa con gái xấu mặt cho cả dân tộc Trung Hoa? Mẹ như điêu khắc bằng ngà, con gái như nặn bằng đất sét. Tôi tin rằng về vấn đề này sớm muộn cũng có câu trả lời. Khung ảnh và mặt kính đã lâu không lau chùi, những con nhện ẩn hiện như ranh đã chăng lưới trên đó, lưới bám đầy bụi trắng. Mẹ vợ nghĩ gì khi nhìn cái chứng tích lịch sử ấy? Có lẽ bà đang hồi tưởng những tháng năm hạnh phúc? Nhưng ông bà sống với nhau có hạnh phúc hay không thì tôi không biết. Tôi suy ra rằng, những cặp vợ chồng sống được với nhau mấy chục năm, nhất định là những người tỉnh táo, biết kiềm chế. Những người như vậy, hạnh phúc mà họ thể nghiệm trong đời, quá lắm cũng chỉ là thứ hạnh phúc muộn màng, trễ nải, mông muội và cay đắng, như nước chót của rượu, đục và nhạt thếch. Còn những cặp ba ngày đã bỏ nhau, chắc chắn là hai con ngựa bất kham. Tình cảm của họ cháy bỏng, có thể soi sáng cho thế giới xung quanh, đốt cho thiên hạ chảy mỡ, như nắng độc giữa trưa, như bão táp nhiệt đới, sắc như kiếm, bốc như rượu nước đầu, đậm như nét vẽ mực nho. Hôn nhân kiểu này là vốn liếng tinh thần của nhân loại. Còn hôn nhân kiểu đầu tiên là đống bùn nhão nhoét, vừa làm tê liệt nhạy cảm của nhân loại, vừa trì hoãn tiến trình đi lên của lịch sử. Vì vậy tôi xin bác bỏ phỏng đoán lúc nãy của tôi: Mẹ vợ ngắm bức ảnh lịch sử không phải để nhớ lại hạnh phúc những năm tháng đã qua, mà để nhớ lại từng sự việc đáng kinh tởm mà bố vợ khiến bà buồn nôn trong mấy chục năm. Thực tế sẽ chứng minh phán đoán của tôi là đúng.

Tôi lại gõ cửa, nói:

- … Mẹ xem nên như thế nào? Đi gọi thầy về hay đến báo cho nhà trường?

Bà im lặng trong một phút, im lặng tuyệt đối, ngừng thở luôn. Điều này khiến tôi không yên tâm. Đột nhiên bà cất tiếng tru tréo, giọng sắc như cật nứa, hoàn toàn trái ngược với tuổi tác, địa vị, với tác phong đĩnh đạc thường ngày của bà. Điều này khiến tôi sợ. Tôi e bà nghĩ quẩn, treo cổ lên một cái đinh nào đó trong nhà, thẳng đuỗn như một con ngỗng luộc. Trên cái đinh treo lịch hay trên cái đinh treo mũ? Hai cái đều nhỏ và ngắn không chịu nổi cơ thể phục phịch của mẹ vợ tôi. Vậy là tôi chỉ lo hão. Tiếng khóc lảnh lót của bà khiến tôi sợ cứng người. Tôi nghĩ, chỉ còn cách gõ cửa dồn dập thì nới bịt nổi miệng bà.

Tôi không chỉ gõ cửa, mà còn vừa gõ vừa dẫn giải. Mẹ vợ lúc này rối như tơ vò, tôi phải dùng tiết tấu phân minh của tiếng gõ cửa và lời lẽ thông kinh hoạt lạc như rượu ngũ gia bì để bà tỉnh táo lại. Tôi đã nói những gì? Đại để: lên Bạch Viên Lĩnh là tâm nguyện của thầy đã có từ lâu, vì rượu mà thầy không tiếc sinh mệnh của thầy và của cả nhà. Tôi còn nói, việc thầy ra đi không liên can gì đến mẹ vợ. Tôi còn nói, rất có thể thầy tìm ra rượu Bú Dù, một cống hiến vĩ đại cho nhân loại, khiến văn hóa rượu càng thêm phong phú, mở ra một kỉ nguyên mới về chưng cất rượu cho nhân loại, đem lại vinh quang cho tổ quốc, nâng cao chí khí cho dân tộc, kiếm lợi nhuận cho thành phố Rượu. Tôi còn nói: “Không vào hang cọp sao bắt được cọp con”, không lên núi Bú Dù sao kiếm được rượu Bú Dù? Hơn nữa, tôi tin rằng, chuyến đi này kiếm được rượu hay không thì thầy cũng trở về sống bên mẹ vợ tới đầu bạc răng long!

Mẹ vợ rít lên the thé:

- Tôi thèm vào ông ấy trở về! Tôi không thích ông ấy trở về! Tốt nhất là ông ấy chết quách trên Bạch Viên Lĩnh! Tốt nhất là ông ấy biến thành con khỉ lông lá đầy người!

Những lời của bà khiến tôi rợn tóc gáy, tất cả những lỗ chân lông đều toát mồ hôi. Trước đó tôi lờ mờ cảm thấy cuộc sống của hai người không êm thấm lắm, đôi lúc mâu thuẫn vặt, nhưng không thể ngờ mẹ vợ căm thù bố vợ hơn bần nông và trung nông lớp dưới căm thù địa chủ, hơn cả công nhân căm thù tư bản! Thế là tín điều bồi dưỡng mấy chục năm “Mối thù giai cấp nặng tựa Thái Sơn” bỗng chốc tan thành mây khói. Một con người hận một con người đến dường ấy, hỗn nhiên đó là cái đáng lưu ý, là một cống hiến vĩ đại cho toàn nhân loại. Nó giống một bông hoa anh túc màu tím, cực độc, nở trên vũng bùn tình cảm của nhân loại, nếu anh không ngắt nó, không ăn nó, thì nó là sự tồn tại của cái đẹp, có sức hấp dẫn mà không một loài hoa lương thiện, bác ái nào có thể sánh kịp.

Tiếp đó, mẹ vợ bắt đầu kể tội bố vợ, quả là đôi dòng tố khổ đôi dòng lệ. Mẹ vợ nói:

- Ông ấy có còn là con người nữa không? Còn là một người đàn ông nữa không? Mấy chục năm nay, ông ấy coi rượu như vợ, nêu một tiền lệ xấu coi rượu ngon như người đẹp, uống rượu là giao hợp, thế là ông ấy dồn toàn bộ tinh lực ném vào rượu, vào bình rượu, vào chén rượu… Tiến sĩ Lý, thực ra tôi không phải là mẹ vợ anh. Tôi không có con - làm sao tôi có con được. Vợ anh là đứa trẻ bị bỏ rơi, tôi nhặt từ trong thùng rác về.

Cháy nhà ra mặt chuột! Tôi thở dài như cất được gánh nặng.

- Anh là con người thông minh tuyệt trần, anh Tiến sĩ, không ai bắt bọ bỏ vào tai mình. Anh phải sớm nhận ra nó không phải con đẻ của tôi. Chính vì vậy, tôi muốn tôi với anh là bạn thân, là người để tôi thổ lộ tâm can. Anh Tiến sĩ, tôi là đàn bà, không phải con sư tử đá bên ngoài cổng Cố Cung, không phải con gà sắt tây trên nóc nhà, không phải động vật lưỡng tính đực cái là một. Tôi muốn tất cả những ham muốn của người đàn bà nhưng không được… Nào ai hiểu cho nỗi khổ của tôi!…

Tôi nói:

- Đã vậy, sao mẹ không li hôn?

- Tôi hèn, sợ người ta chửi…

Tôi nói:

- Thậm vô lí!

- Đúng là thậm vô lí, nhưng cuộc sống vô lí ấy sắp kết thúc rồi! Anh Tiến sĩ, tôi có thể giải thích vì sao tôi không li hôn. Vì ông ta chế riêng cho tôi một loại rượu cực mạnh, có tên “Tây Môn Khánh”, uống vào sinh ảo giác, có khi còn sướng hơn làm tình thật…

Tôi nghe trong sự e thẹn của bà lại là cảm giác ngọt ngào.

- Nhưng từ khi anh xuất hiện trước mặt tôi thì rượu đó mất thiêng.

Tôi không còn tâm trạng nào mà gõ cửa.

- Có một người đàn bà như bàn tay gấu tẩm hương liệu ninh lửa nhỏ đã hơn chục năm, giờ đã chín tới, thơm điếc mũi. Chẳng lẽ anh không ngửi thấy mùi thơm đó, anh Tiến sĩ?

Cửa buồng bật mở, mùi thơm của món tay gấu ninh ùa ra như sóng thủy triều, tôi bám chặt khung cửa như người chết đuối vớ lấy mái chèo…