Thời đại kết hôn mới - Chương 01 phần 3

Nhà Tiểu Tây có bốn người. Bố Tây là ông Cố Tử Xuyên, một giáo sư đại học khoa trung văn đã về hưu. Mẹ là Lã Xu, trưởng khoa ngoại của một bệnh viện. Em trai, Cố Tiểu Hàng, chưa kết hôn, đang ở cùng bố mẹ. Bảy ngày nghỉ tết là bảy ngày Quốc ở nhà làm việc nhà, thậm chí còn mệt mỏi hơn đi làm. Nhưng mệt thì thấm gì, đứa trẻ lớn lên từ nông thôn đâu có sợ khổ, khổ thế chứ khổ nữa mà trong lòng vui thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng vấn đề là trong lòng Quốc không vui, cái niềm không vui ấy thực rất khó hình dung. Suốt bảy ngày từ sáng tới chiều sống cùng người nhà Tiểu Tây, điều duy nhất mà Quốc cảm nhận được là sự khổ nhục. Cái gì mà bố mẹ vợ càng nhìn càng thích con rể, cái gì mà bố vợ rót rượu mời cơm con rể, tất cả chỉ là câu chuyện của người ta mà thôi. Họ đối xử với Quốc quả thật chẳng xa cũng chẳng gần, chẳng yêu mà chẳng ghét, không hề thay đổi. Có lẽ Tiểu Tây cũng cảm nhận được điều này nên có ý giải thích hộ bố mẹ: cái gì mà những người trí thức họ vẫn vậy đó, nói chuyện với nhau thì khách sáo, xa nhau mới thấy yêu mến… Song cho dù Tây có giải thích thế nào, Quốc cũng chỉ mỉm cười chẳng nói một câu. Không phải Quốc chưa từng gặp giới trí thức, nói cụ thể là, không phải Quốc chưa từng thấy gia đình Tây tiếp khách như thế nào, cụ thể hơn nữa là Quốc đã từng thấy gia đình Tây tiếp bạn gái của Tiểu Hàng ra sao. Đó là vẻ niềm nở, thân mật ngọt ngào. Cô gái ấy gọt lê cho mẹ Tây, và được đúc kết lại với biết bao phẩm chất như: phong thái tốt, có gia giáo, sống khéo léo, gia đình ưu tú. Tất cả đều chẳng như Quốc, bất luận phải làm bao nhiêu việc nhà và làm như thế nào, đều bị coi là việc đương nhiên thôi - Đúng là cùng thân phận mà hai số phận. Vì sao ư? Vì bố mẹ của Quốc là những người nông dân sống ở vùng thôn quê xa xôi, còn bố mẹ của cô gái đó là những giáo sư của học viện âm nhạc.

Những lời này Quốc chỉ giấu trong lòng mà chẳng nói cùng ai, cả Tây, Quốc cũng chẳng nói. Vì Quốc vốn không thích nói những lời mà chẳng có tác dụng gì. Hơn nữa, không những không có tác dụng gì mà còn đem lại hiệu ứng phụ cũng nên, sẽ bị mọi người cho là “tự ti”. Những đứa trẻ từ nông thôn lên thành phố học, dù chẳng tự ti cũng bị gắn cho cái tội ấy. Mà đã bị gắn cho cái mác ấy thì dù bạn giỏi giang hay phẫn nộ đều chẳng phải lỗi của người ta mà là vì bạn quá mẫn cảm mà thôi, đó chính là môi trường mà bạn phải sống. Vừa tới Bắc Kinh, vừa bước chân vào cổng trường đại học, Quốc đã cảm nhận ngay sự tàn khốc ấy của môi trường này. Ví dụ, nếu trong ký túc xá mất đồ, lập tức người ta sẽ quy cho là học sinh nông thôn lấy. Cũng vì thế mà đã có nữ sinh treo cổ tự tử chết. Quốc thì không, Quốc không treo cổ, Quốc chỉ nỗ lực làm thêm kiếm tiền học, ai nói gì sau lưng chẳng cần để ý, chỉ cần xem ai nói trước mặt, cứ thử sẽ biết? Từ khi tốt nghiệp đại học đến lúc chính thức bước vào xã hội, gần mười năm qua, Quốc đã tự đặt ra cho mình hai nguyên tắc sống: một là đối mặt, hai là kiềm chế. Nếu nói sống khéo léo phải nói tới hai điều này. Chỉ gọt lê thôi mà bảo là sống khéo sao. Thật nực cười.

Bảy ngày nghỉ tết ở nhà Tây, mọi việc trong nhà đều do Quốc “đảm nhiệm”. Từ đi chợ thổi cơm, một ngày ba bữa, dọn dẹp sạch sẽ, đón khách tiễn khách, Tây cũng chỉ giúp Quốc qua loa vài việc. Nhà thì đầy người, cứ cho là người lớn có thể uống trà, còn thanh niên thì sao, Quốc không muốn nói tới Tiểu Tây, Tây làm ít hay nhiều Quốc cũng chẳng so đo, năm ngoái Tây đã phải anh dũng đối mặt với gia đình Quốc, rồi lại xảy ra chuyện đó nên Quốc cũng chẳng dám hé răng nói gì, người mà Quốc nói đến là em trai của Tây cơ. Hai nhăm, hai sáu tuổi đầu rồi, cái gì cũng không làm, ngủ dậy là ăn, ăn xong là đi, chẳng buồn làm bất cứ gì và cho rằng điều đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng quá đáng hơn nữa lại là bố mẹ Tây, đành rằng là do con trai chẳng buồn hỏi han cũng chẳng buồn để tâm đến việc gì. Con trai không để ý, bố cũng chẳng buồn quan tâm, cả ngày chỉ một nụ cười lạnh nhạt thường trực trên mặt, bận hết cái này đến cái nọ, hết người này đến người khác tới. Chẳng phải chỉ có bảy ngày thôi sao, khổ ải rồi cũng sẽ qua đi, phải nhẫn nhịn, nhảy xuống sông thì phải nhắm mắt, Quốc đành dành tặng bảy ngày này trong đời cho gia đình Tiểu Tây.

Quốc nhẫn nhịn suốt bảy ngày, cho đến tận bữa tối của ngày thứ bảy, thôi thì lùi một bước để tiến hai bước.

Vốn mọi chuyện đều tốt đẹp. Vì cho rằng đây là bữa ăn cuối cùng sẽ ăn ở nhà Tây dịp tết đó, nên Quốc đặc biệt nấu rất nhiều món ngon. Mềm ngọt có, thanh nhạt có, lại có cả canh nóng, Quốc làm theo khẩu vị của từng thành viên trong nhà, bận bịu suốt cả ngày, trong lòng định rằng đây sẽ là dấu chấm tròn trịa cho chuỗi bảy ngày vất vả vừa qua, hoặc có thể là dấu chấm than đáng nhớ.

Mọi chuyện xảy ra đều do Cố Tiểu Hàng.

Hôm đó Quốc làm món thịt rán đỏ. Cả nhà chẳng ai thích ăn thịt rán đỏ, trừ Cố Tiểu Hàng. Tiểu Hàng rất thích món này, một mình có thể ăn hết cả đĩa thịt, ăn hết còn trộn cơm vào đĩa dính chút mỡ thịt rán và ăn hết bay. Có thể nói, món thịt rán đỏ là Quốc nấu dành riêng cho Hàng. Đây là một món ăn đòi hỏi phải kỳ công, để lửa nhỏ cho thịt chín dần, ít nhất là ba tiếng đồng hồ mới được. Bữa tối hôm ấy, ngoài Tiểu Hàng ra, mọi người đều được thưởng thức món ăn mà Quốc vất vả muốn dành tặng cả nhà. Bố Tây thích ăn mềm ngọt, vì thế hết lời khen ngợi món đậu phụ Vince, mẹ Tây lại thích vị thanh nhạt, nên vừa ăn món súp lơ xanh trần cùng tỏi tây vừa gật đầu khen ngon. Tiểu Tây thì hoàn toàn bị thuyết phục, luôn miệng nhắc mọi người chú ý vào món ăn. Chỉ riêng có Tiểu Hàng là chẳng buồn nói lời nào, cắm đầu cắm cổ ăn, ăn xong buông đũa xuống phủi quần đi thẳng. Thấy vậy, Quốc đành tự nhủ bản thân phải nhẫn nhịn, nhẫn nhịn. Có điều, Tiểu Tây cũng thấy chướng mắt không chịu nổi bèn lên tiếng: “Tiểu Hàng! Thu gọn bát vào.” Tiểu Hàng chẳng buồn quay đầu lại trả lời “Em có việc!” Tiểu Tây: “Bát của em không dọn ai dọn cho.” Lúc này, Tiểu Hàng mới mở miệng, chẳng kịp suy nghĩ buột miệng nói: “Anh Quốc!”

Không khí bỗng căng như dây đàn. Vài giây sau, mẹ Tây tiếp lời: 

“Con cái nhà mình, cho dù là Tiểu Hàng hay Tiểu Tây đều có chung một nhược điểm đó là, chỉ cần chúng thấy việc gì không đáng làm là chúng sẽ không làm, có nói cũng bằng không. Nhưng làm việc gì cũng không hẳn phải thích mới làm mà còn cần có trách nhiệm. Quốc thì không như vậy, con khéo léo hơn hai đứa này rất nhiều.”

Chỉ mấy từ đã hình thành nên tính cách cho hành vi của cậu con cưng: không thích thì không làm. Lời nói của giới trí thức điển hình là vậy đó, một khi nói ra thì chuyện nặng sẽ thành nhẹ. Quốc liền đứng bật dậy ra khỏi chỗ ngồi, bao uất ức nín nhịn suốt bảy ngày qua nay bùng phát dữ dội. Buổi tối về nhà, hai vợ chồng cãi nhau to, Tiểu Tây trách Quốc vì sao ở nhà mình không giữ thể diện cho Tây, điều này khiến Quốc cảm thấy đau lòng vô cùng. Cứ như vậy, tương lai nào cho cuộc hôn nhân của họ đây, hi vọng nào cho cuộc hôn nhân ấy đây? Hết tết, Quốc lại tới cơ quan làm việc, khuôn mặt Quốc thậm chí còn u ám sắc lạnh hơn trước khiến cho toàn bộ đám thanh niên ở cơ quan hồi hộp lo lắng.

Khi điện thoại của tổ trưởng đổ chuông, ai ai cũng nghe thấy bởi lúc ấy trong phòng rất tĩnh lặng. Quốc vừa xạc cho Tiểu Vương một trận, trên giầy và quần lã tã đầy nước vương vãi, chiếc di động đặt bên cạnh máy tính chợt reo lên. Tiếng nhạc chuông lê thê rầu rĩ, rất hợp với tính tình của tổ trưởng lúc này. Khi nhấc máy lên, mặt tổ trưởng vẫn sầm sì, thế mà một phút sau, nét mặt và cả con người nữa bỗng tươi tỉnh hẳn lên nhờ cuộc điện thoại này. 

“… Hay là đến bệnh viện kiểm tra lại cho chắc! Anh sẽ lập tức tới cơ quan em, em đừng đi đâu, hôm nay đường tuyết trơn lắm!” Vừa nghe những tiếng râm ran trong điện thoại, Quốc vừa nhanh chân bước ra cửa, ra tới cửa mới lại như chợt nhớ ra mấy người trong phòng thuộc tổ mình bèn quay đầu lại nói đại loại dăm ba câu như “làm việc tốt vào đấy, tranh thủ thời gian mà làm”, chớp mắt cái đã chẳng thấy bóng dáng Quốc đâu.

Sau khi từ bệnh viện xét nghiệm đi ra, tuyết cũng đã tan trả lại bầu trời trong xanh. Tờ giấy kết quả xét nghiệm được đóng dấu đỏ đề “dương tính” được Quốc cất kỹ trong túi áo Jacket như sưởi ấm tận trong sâu thẳm trái tim Quốc.

Bậc thềm ngoài cửa phòng khám vẫn còn vương lại một ít tuyết nên Quốc đỡ Tiểu Tây bước chầm chậm đi sợ không may lại sảy mất đứa con cầu tự mà hai người khó khăn lắm mới có được này. Có con mới thực là gia đình chứ. Có gia đình, Quốc mới thực sự coi là có gốc rễ nơi Bắc Kinh này. Có gốc rễ rồi Quốc cũng chẳng cần phải quan tâm tới sắc mặt của bất kỳ ai nữa. Từ bệnh viện về, hai vợ chồng cùng nhau đi ăn cơm tiệm, Tiểu Tây vẫn chưa ăn cơm trưa mà, nên giờ đói meo, rất muốn ăn salad. Thế nên hai vợ chồng cùng tới nhà hàng, hôm nay Quốc chiêu đãi.

Nhà hàng hầu như chẳng có khách nào vì cũng đã quá giờ ăn trưa rồi. Người phục vụ nhanh chóng dọn lên món salad, xanh đỏ trắng ba màu vừa đẹp mắt lại thật ngon miệng. Quốc dùng đũa gắp một miếng rau bắp cải bón cho Tiểu Tây, Tây há miệng ăn rồi nở nụ cười mãn nguyện: “Mẹ được nhờ con rồi.” Nghe vậy Quốc chỉ lặng lẽ mỉm cười rồi gắp sẵn miếng bí đỏ chờ đó. Nhưng Tiểu Tây chỉ ăn một miếng rồi không ăn nữa, món salad này chẳng ngon như tưởng tượng, Quốc liền vẫy phục vụ tới gọi món cải thảo xào, cung cách phục vụ nhẹ nhàng, chu đáo, ân cần khiến Tiểu Tây cảm thấy thật dễ chịu. Người phụ nữ đang thấy dễ chịu ấy nghĩ rằng mình nên nói điều gì đó. “Anh Quốc, anh nghĩ xem, em mang thai gần mười tháng, sinh đứa bé ra còn phải nuôi suốt ba tháng bằng sữa mẹ, đúng không?… Tính ra là gần một năm rồi còn gì!”

“Ý em là gì?”

“Ý em là, để đẻ ra một đứa trẻ, đàn ông chỉ mất có vài chục phút, còn phụ nữ thì vất vả đến cả năm trời, vậy mà xét về luật pháp thì đứa trẻ là con của hai người, hai người cùng có quyền lợi chung.” Lắc đầu Tây nói tiếp: “Chẳng hiểu sao nữa.” 

Quốc vẫn chỉ khẽ mỉm cười. “Thôi được rồi mà, đừng nghĩ lung tung nữa, sinh con ra rồi, mẹ sẽ nuôi mà. Hết tháng đầu, em muốn làm gì thì làm, chẳng cần em lo lắng gì hết.”

“Thế nếu mà là con gái thì mẹ có nuôi không?”

“Phù phù phù! Phỉ phui cái mồm.”

“Xí, con gái thì làm sao? Anh thử xem nữ hoàng Võ Tắc Thiên ấy, chẳng phải đám đàn ông toàn phải quỳ dưới chân bà ý sao?”

“Võ Tắc Thiên hả? Úi giời, mấy nghìn năm mới có một người thôi!”

Tiểu Tây đang định nói lại thì người phục vụ bưng món cải thảo xào lên, thơm phức tươi ngon, Quốc gắp một miếng thật to đút cho vợ. Món cải thảo này xào chua ngọt thật vừa miệng, mà vẫn còn chút vị hăng của cải, mùi vị đúng là hết sảy. Tây cứ nhai nhồm nhoàm đầy miệng, vừa ăn vừa khen ngon, rồi đột nhiên quay sang hỏi ý kiến Quốc.

“Ngon không anh! Anh Quốc à, cây này trồng thế nào nhỉ?”

“Những hạt mầm trên cây cải đó, khi chúng vẫn còn mềm thì đem gieo xuống đất.”

“Hạt gieo rồi thì làm thế nào để thành cây?”

“Không cần làm gì nữa.”