Thời đại kết hôn mới - Chương 07 phần 1

Chương 7

Tây và Quốc quyết định tranh thủ thời gian nghỉ phép hiếm hoi này để giải quyết tất cả những việc mà lúc trước bận quá không thể làm được. Đầu tiên là việc tới cảm ơn Lưu Khải Đoạn. Anh ta chẳng có họ hàng gì với hai vợ chồng, nhưng đã giúp xin hộ chiếc xe ra khỏi đồn, vì thế đương nhiên phải đến cảm ơn chứ. Nhưng cảm ơn như thế nào lại là vấn đề gây tranh cãi.

Theo quan điểm của Quốc thì căn cứ khả năng cụ thể mà làm, không nhất thiết phải tặng Đoạn món quà gì đó, vì anh ta cái gì mà chẳng có, cần gì cái hai người tặng. Còn theo quan điểm của Tây thì, tặng hay không là việc của mình. Quốc nói nếu phải tặng hay tặng chiếc kiếm mà Hàng cho Quốc như vậy có thể tiết kiệm được một khoản tiền.

“Bao ngoài xé rồi còn tặng làm sao được?”

“Tặng vật bên trong chứ có phải tặng túi ngoài đâu.”

“Tặng đồ vật thì phải tặng cả bao ngoài chứ.”

“Hay tặng chiếc túi Louis Vuitton của em. Chiếc túi đó cũng tốt lắm mà.” Tây tức quá hét to: “Anh biết chiếc túi đó bao nhiêu không hả?”

Quả thật, tặng quà vẫn là một loại văn hóa phải học.

Hôm ấy là ngày cuối tuần, hai vợ chồng rủ nhau shopping cho thư giãn và cũng xem có chọn được thứ gì hay ho không. Hai người dạo một vòng quanh siêu thị xem xét. Quốc cầm lên một bình rượu và xem giá, mười nghìn tệ, mười nghìn tệ đem tặng người ta chẳng để làm gì, Quốc lắc đầu rồi lại đặt bình rượu xuống, toan thuyết phục lại vợ.

“Anh nói rồi, quân tử giao lưu như nước…”

Tây đứng khựng lại nói: “Ý anh là em mang hai bình nước khoáng tinh khiết tới cảm ơn người ta hả?”

“Em đúng là!... Ý anh là chúng ta không cần quá cầu kỳ, nếu không sau này lại phải qua lại nhiều.”

“Cứ cho là sau này không qua lại với nhau nữa nhưng lần này thì sao? Lần này người ta giúp cho chắc là giúp không công đấy? Người ta cứu cho đồng hương của anh cả cái xe hàng đó.”

“Với anh ta đó chẳng qua chỉ là cái phẩy tay.”

“Vâng, chỉ là cái phẩy tay, vấn đề là cái phẩy tay đó hơi lớn. Ông già bà cả ở quê chưa tính tới, đến những người gốc thành phố như chúng ta, đầy ra đấy, nhưng anh ta phẩy tay cho ai và không cho ai là tùy anh ta chọn. Mà khi cần đến cái phẩy tay ấy, anh ta lại giúp mình ngay lập tức nữa.”

“Chúng ta chẳng cảm ơn rồi còn gì?”

“Phải cảm ơn cụ thể chứ!” Ngừng một lát Tây liền nói tiếp: “Việc này là làm cho gia đình của anh, anh phải bỏ tiền ra đấy.”

“Chúng ta cần gì phải thực dụng quá thế! Có rất nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn mà, sao cứ phải tặng quà.”

“Vậy anh nói xem cảm ơn kiểu gì đây?”

Quốc nghĩ rất chân thật: “Mời anh ta bữa cơm!” Trong lòng Quốc nghĩ rằng nếu nhất thiết phải chi tiền thì mua đồ không bằng mời ăn. Vừa ăn lại vừa có thể trò chuyện, biết đâu lại gia tăng thân tình, sau này nếu có việc gì cần cũng dễ mở miệng. Đoạn là con người của công việc, vụ này coi như đầu tư ít vốn ít thời gian cũng đáng mà. Tây hỏi Quốc vậy sẽ ăn ở đâu? Quốc nghĩ một lát rồi nói: “Bên cạnh cơ quan anh có một quán thịt lợn Đông Bắc, em thấy sao?”

Tây cười nhạt: “Rẻ không?”

Quốc khẽ gật đầu: “Chất lượng cũng được! Một đĩa thịt xào cá ướp chỉ có 12 tệ, giỏi lắm thì hết một đĩa lớn.”

“Cho anh biết, anh mời người ta tới đó thì thà không mời còn hơn!”

“Có phòng VIP mà.”

“Đấy mà gọi là phòng VIP hả? Nơi đó gọi là căn buồng không cửa sổ thì đúng hơn!”

“Quan trọng là món ăn chứ. Nếu không hay đến quán thịt nhúng Dương Phương?”

“Còn không bằng món bánh nhân thịt Lão Gia.”

“Cũng được đấy nhỉ? Người như Khải Đoạn cái gì mà chẳng từng ăn. Nói không chắc tôm hùm, thịt voi hay thịt trai biển cũng được ăn rồi ý chứ…”

“Này, anh định mơ mộng trên tận mây xanh đấy hả?” Tây gắt lên: “Không được! Những nơi anh vừa nói nhất định không được! Anh không cần thể diện nhưng em cần!”

“Sao lại không cần? Cứ mời đồ ăn rẻ một chút thì gọi là không cần thể diện hả?”

“Người ta cho mình một quả dưa mình đáp trả hạt vừng, ơn người ta như nước nguồn mình đem báo đáp từng giọt nước, như thế gọi là không cần thể diện.”

“Cái gì mà ơn như nước nguồn? Ai chẳng có lúc cần đến sự giúp đỡ.”

“Cũng vì thế mà anh nên cân nhắc tới việc lại nhờ người ta lần nữa. Lần này mời Khải Đoạn ăn cơm, cũng toàn vì gia đình anh cả. Mà gia đình của anh lúc nào cũng như con dao treo trên đầu chúng ta vậy. bất cẩn là rơi xuống, là gây chuyện. Nếu thực sự lại có chuyện gì đó, chẳng lẽ quỳ lạy van xin người ta hả?”

“Vậy theo em thì mời ăn gì mới không mất mặt?”

“Đắt quá thì thôi đi, anh cũng chẳng có đủ tiền mà trả. Hay tới trung tâm Hồng Công, ăn buffe, mỗi người 199 tệ, ba người không đến 600 tệ.”

“Anh không đi.”

Tây không tin nổi vào tai mình nữa: “Vậy thì tiết kiệm được một trăm hai tệ rồi, anh không đi thì thôi, em đi, một nam một nữ vậy.”

Quốc bình thản đáp: “Anh tin em mà.”

Tây cười nhếch mép: “Anh mà tin em hả? Anh tin em còn em chắc không tin mình đấy! Mà cũng lạ, sao ban đầu em lại mờ mắt chọn người thộn như anh chứ!” Nói xong, Tây ngoảnh đít đi thẳng khiến Quốc phát bực.

“Được được được! Vậy thì mời! Nhưng…”

Quốc nói “nhưng” chính là nhường nhịn Tây một bước: quyết định là sẽ mời Khải Đoạn tới trung tâm Hồng Công ăn, Quốc trả tiền, Tây đại diện mời đi ăn, thời gian do Khải Đoạn chọn.

*

Bố Quốc lên chơi, một mình ngồi hút thuốc chờ trước cửa nhà. Khói thuốc nghi ngút khắp không gian trước cửa nhà. Tây tan làm chưa về nhà ngay, Quốc về trước thấy bố ngồi chờ trước cửa mà lòng bỗng trùng xuống. Một là vì không biết bố lên đây có việc gì, hai là ở nhà có điện thoại mà trước khi lên chẳng gọi điện lấy một tiếng hỏi xem tình hình trên này thế nào đã, mọi người có rỗi hay không? Hôm nay may mà Quốc về trước, nên có thể nói với Tây là bố đã báo trước sẽ lên, chứ nếu Tây mà về trước thì…? Chắc chẳng phải nói nữa!

Câu đầu tiên bố hỏi là: “Vợ con đâu?” Biết được Tây đi làm chưa về bố cuống lên: “Nó không ở nhà dưỡng thai hả?” Quốc vờ như không nghe thấy bố nói gì vội mở cửa mời bố vào. Bố Quốc đứng phía sau nhắc lại câu hỏi thật rõ ràng: “Quốc, nhất định phải giữ gìn đứa bé này đấy, bố xem bói rồi, người ta bảo là con trai đấy!” Quốc vào bếp nấu cơm, bố vẫn nói vọng vào rành mạch từ bên ngoài cửa bếp: “Ba mươi tuổi sinh con, bốn mươi tuổi xây nhà. Mày hơn ba mươi tuổi rồi đấy, nên có con đi là vừa…”

Quốc quả thực không thể tiếp tục nghe chuyện này nữa đành đánh trống lảng sang chuyện khác, hỏi bố lên đây lần này có việc gì: nhưng bố Quốc lên chuyến này lại cũng chính vì chuyện sinh con ấy. Cách đó ít lâu, ở quê mọi người lên miếu Quan âm xin được miếng ngọc bội bình an cho đứa trẻ, lần này ông lên là để trao miếng ngọc bội ấy cho cháu mình. Ngoài ra ông còn mang cho hai con hơn bốn mươi nghìn tệ. Ông nói hiện giờ hai vợ chồng đang khó khăn nên dùng tiêu trước. Sau này khi cuộc sống khá hơn trả lại cả nhà cũng được. Trước khi đến bố không gọi điện báo cũng vì đứa bé ấy. Một là cho rằng Tây đang dưỡng thai nên nhất định có nhà, hai là sợ gọi điện các con lại phải chuẩn bị, ông không muốn làm phiền các con. Bố nói đến đó, Quốc chẳng thể giấu giếm thêm nữa, đành dè dặt nói: “Bố, con có chuyện muốn nói.”

Bố Quốc như dự cảm được chuyện gì đó, đừng đùa – lúc đó hai bố con đang ăn cơm – mở to mắt nhìn Quốc. Quốc khẽ nói: “Bố, đứa bé… sảy rồi.” Ngừng giây lát Quốc nói tiếp: “Tây, bỏ rồi.” Quốc nói dối theo yêu cầu của Tây, vì Tây cũng từng nói chắc chắn mọi người sẽ hận Tây lắm, nhưng không muốn họ bỏ Tây, thương hại cho Tây.

Bố Quốc bỗng choáng váng. Tối hôm ấy, Tây gọi về báo phải làm thêm giờ, nếu muộn quá sẽ về nhà mẹ không về nhà. Quốc không dám nói với Tây về chuyện của bố chỉ bảo nếu công việc bận không cần về vội. Đêm hôm ấy, bố ngủ trong phòng ngủ của hai vợ chồng, Quốc ngủ lại trên ghế sô pha trong phòng khách. Dù đã rất khuya, Quốc vẫn nghe rõ tiếng thở dài thườn thượt của bố hắt ra, và cả tiếng ho nữa…

Hôm sau, khi Quốc đã đi làm, bố một mình ở nhà càng nghĩ càng tức nên quyết định đi ra ngoài. Ông tới bệnh viện tìm gặp mẹ Tây, trên tay cầm chiếc ngọc bội xin được ở miếu Quan âm, trong lòng tràn đầy ấm ức. Hôm nay là ngày mẹ Tây khám bệnh cho bệnh nhân, bên ngoài phòng khám chật ních người. Xem ra có rất nhiều bệnh nhân từ ngoại tỉnh lên phải mất bao nhiêu tiền thuê trọ để đến lượt mẹ Tây khám cho. Vì cả một tuần mẹ Tây chỉ khám cho bệnh nhân có một buổi chiều này. Lúc ấy, bên bàn khám bệnh là một người đàn ông khoảng hơn bốn mươi tuổi, trông rất mệt mỏi, phía sau lưng là một người nam và một người nữ. Nhìn qua cách ăn mặc và cử chỉ có thể đoán họ đều từ nông thôn lên. Mẹ Tây xem kết quả xét nghiệm, ba người đó mặt mày lo lắng chăm chú nhìn nét mặt của bà. Xem xong, bà ngước nhìn ba người đó và bảo cả ba có thể ra ngoài. Hai người đứng sau bệnh nhân nhìn nhau một lúc, người nam nháy mắt để người nữ ra ngoài cùng bệnh nhân, đợi họ ra rồi, mẹ Tây không nói dài dòng vì bên ngoài còn nhiều bệnh nhân, bà vào thẳng vấn đề: “Ung thư dạ dày giai đoạn cuối! Đã di căn! Chỉ còn cách chữa duy nhất là phẫu thuật.” Hết bao nhiêu tiền ạ?” “Khoảng mười nghìn tệ” “Sẽ sống được bao lâu nếu làm phẫu thuật?” “Một năm.” “Vậy nếu không?” “Nửa năm.” Người nam ấy vẫn muốn nói thêm điều gì đó… hình như anh ta là em trai của bệnh nhân, vì hai người nhìn có vẻ giống nhau. Anh ta vội ngồi xuống và cuống quýt hỏi mẹ Tây về bệnh tình, mẹ Tây vừa lắng nghe vừa trả lời, toàn tâm trí tập trung hết vào bệnh án của bệnh nhân ấy, khi mẹ Tây đang viết bệnh án thì người nhà nữ kia lại bước vào. Cô ta luôn miệng hỏi có phải nếu làm phẫu thuật cũng chỉ sống được khoảng nửa năm không? Cô ta là vợ của bệnh nhân. Mẹ Tây khẳng định đúng như vậy, đồng thời nhắc thêm rằng có làm phẫu thuật hay không do người nhà quyết định. Người phụ nữ ấy hai mắt ngấn đỏ, rơi lệ, đứng chết trân giây lát rồi đi ra. Tiêu hết hớn mười nghìn tệ mà chỉ sống được nửa năm, đắt quá. Mười nghìn tệ là thu nhập suốt mấy năm liền của gia đình họ, trong nhà còn có con nhỏ. Tính mạng con người quả là có giá trị.

Đúng lúc ấy bố Quốc bước vào. Ban đầu ông ta tới phòng của bác sỹ Lã, nhưng người ở đấy nói hôm nay bác sỹ phải khám bệnh. Nếu không phải lần trước đã tới đây, lần này có tìm cách gì ông ta cũng không tìm thấy mẹ Tây. Một toà nhà rất to, một hành làng thật dài, và một hàng người đông nghịt đứng chờ, nhìn qua đã hoa cả mắt. Tới phong khám bố Quốc lập tức hỏi có phải mẹ Tây đang ở đây không và cô y tá gật đầu đáp lại. Ông ta liền mở cửa xông vào mặc cho phía sau lưng những tiếng la ó: phải xếp hàng chứ, nói ông đấy, xếp hàng đi! Thậm chí còn có vài thanh niên nóng tính tới kéo vai bố Quốc lại, không chịu thua, ông hất tay người thanh niên đó ra và quát lớn: “Tôi là người nhà của bác sỹ Lã đây!”

Nhưng bố Quốc cũng bị chính “người nhà” ấy lờ đi. Vì cơ bản là mẹ Tây chẳng buồn nghe ông ta nói hoặc cũng chẳng để ông ta nói. Ông ta vừa bước vào đã vội vã chào hỏi: “Bà thông gia, bà vẫn khoẻ chứ?” Mẹ Tây nói đang bận khám bệnh có chuyện gì đợi bà tan làm sẽ giải quyết, dứt lời sai cô y tá tìm người đến “đưa ông này về phòng của tôi. Nhờ cô y tá trưởng mở hộ cửa phòng của tôi nhé.” Bố Quốc còn biết nói gì đây, đành để cô y tá vừa đẩy vừa kéo đi trong những tiếng lầm rầm của đám đông đang chờ bên ngoài.

Bố Quốc đợi trong văn phòng của mẹ Tây, hút hết bao thuốc mang theo rất lâu sau đó mẹ Tây mới về phòng. Lúc này mẹ Tây cũng nói với giọng khách sáo hơn rất nhiều lúc trước, mời bố Quốc ở lại dùng cơm và cùng nói chuyện. Vốn dĩ lúc trước đó bố Quốc bị mẹ Tây làm cho bẽ mặt cũng đã bực tức lắm rồi, trong lòng có chút khó chịu, bây giờ lại gặp thái độ này chẳng khác nào thêm dầu vào lửa liền nói thật to: “Bà thông gia à, tôi đến đây không phải để ăn cơm!” Mẹ Tây ngồi xuống ghế, chẳng buồn xua tan đám khói thuốc và mùi hôi của thuốc lá khắp phòng, lạnh lùng chờ. Bố Quốc nói tiếp: “Bà thông gia à, bà là người có học thức, có văn hoá, bà nói xem vì sao cô con gái rượu của bà lại bỏ đứa con đi, nói bỏ là bỏ ngay sao được? Quốc năm nay cũng đã ba mươi hai tuổi rồi, khó khăn lắm mới có con, vậy mà các vị nói bỏ là bỏ luôn, chẳng thèm bàn với chúng tôi một tiếng là sao?”

Mẹ Tây nghe mà chẳng hiểu gì, bỏ là nghĩa gì? Bỏ cái gi? Đang định hỏi lại cho rõ thì có người đẩy cửa xông vào báo: “Trưởng khoa, giường số 8 tiến triển không tốt.” Vậy là chẳng kịp hỏi gì khác, mẹ Tây đứng dậy đi ra bỏ mặc bố Quốc ở lại. Bố Quốc lại tiếp tục đợi trong phòng làm việc, đợi mãi chẳng thấy bà thông gia đâu, cũng chẳng có ai tới hỏi han gì nữa, nhưng trong lòng ông giờ cũng chẳng tức giận, chỉ thấy đói, bữa sáng ăn qua loa, bữa trưa chưa có gì vào bụng, ông đành ra về, đóng cửa lại, để lại sau lưng một phòng đầy khói thuốc âm u.