Thời đại kết hôn mới - Chương 13 phần 1

Chương 13

Bố Quốc ban đầu thực sự đã không ưng ý với sự sắp xếp công việc của gia đình Tây cho con trai mình. Thành được bố trí ở trong một gian phòng cho công nhân thật đơn giản, bên trên bên dưới che tạm, cửa sổ rất bé, lại không có kính, chỉ được dán qua loa bằng giấy báo đã bị gió thổi thủng, bụi bẩn bay khắp trong phòng. Thế nên ông lên tiếng: “Ở đây hả? Đến gian lều của nông dân ở quê cũng còn tốt hơn đây nhiều!”

Hàng lúc ấy bực mình vô cùng. Hàng vội vàng gác mọi công việc đang làm để đi đón hai người đó, một câu cảm ơn không nói thì thôi, lại còn này nọ nữa, muốn kiếm sống lại còn hạch sách, thế là ngay tại đó Hàng buông câu: “So với gian lều của nông dân còn tốt hơn nhiều hả, vậy thì về đấy mà ở, chẳng ai cản hai người đâu!”

Bố Quốc trợn tròn mắt chẳng nói được lời nào, vốn mấy câu đó ông định nói cho con dâu nghe mà quên mất Hàng cũng đang ở đây. Bị Hàng quặc lại một câu, cơn tức giận trong lòng bố Quốc tự nhiên biến mất, và đột nhiên hiểu ra mọi chuyên. Con dâu có nhiệm vụ sắp xếp công việc chứ em trai – Hàng thì không có nhiệm vụ này, thậm chí là có quyền bảo mình đi mình phải đi ngay. “Hàng à”, bố Quốc vội vàng mỉm cười nói với Hàng, “bác không có ý đó, không có ý đó đâu. Cháu có thể sắp xếp cho chỗ nào tốt hơn không?”

Hàng trả lời rất rõ ràng: “Không được. Điều kiện ở công trường này là quá tốt rồi, còn có cả loại phòng ngủ chung, hơn hai mươi công nhân cùng ngủ chia làm ba ca, cứ một nhóm ngủ ca một, hai nhóm còn lại làm việc!”

Thành vội nói chen vào: “Bố, chúng ta tới đây làm việc để kiếm tiền, không phải để hưởng thụ mà.” Nói rồi Thành xách hành lý đi vào trước. Không còn cách nào khác, bố Quốc cũng vào theo con.

Tới lúc này Tây vẫn chưa nói câu nào, trong lòng cảm thấy khó xử vô cùng. Tây cũng định nói với em trai nhưng Hàng chả buồn nhìn chị lấy một lần, cứ cúi mặt đi thẳng vào phòng. Tây đành bước theo sau. 

Trong gian phòng ấy, bố Quốc đã kịp chào hỏi người chủ thầu và mời anh ta điếu thuốc. “Người anh em à, cậu chiếu cố nhiều hơn giúp tôi nhé.” Gương mặt ông rỏ rõ vẻ nịnh nọt và khiêm nhường. Nhưng người chủ thầu chau mày gạt điếu thuốc sang bên định nói mấy câu “công bằng” nhưng đúng lúc ấy anh ta chợt nhìn thấy Tiểu Hàng vào, vội giơ tay nhận điếu thuốc và nói to: “Có gì mà quan tâm với cả chiếu cố. Người nhà của giám đốc Cố là người nhà của tôi mà.”

Vừa nghe Hàng là giám đốc, nét mặt bố Quốc lập tức thay đổi, vội gọi con dâu ra nói: “Con dâu à, lại đây, bố nói với con mấy câu.” Rồi ông lôi Tây đi ra ngoài: “Sao con không nói em trai con là giám đốc?”

“Có phải giám đốc nào cũng giống nhau đâu bố, nó chẳng qua cũng chỉ là giám đốc của công trình này thôi.”

“Giám đốc gì thì cũng là giám đốc! Con bàn với em trai viết cho anh con cái giấy đảm bảo. Dù gì nó cũng đã tốt nghiệp cấp ba, năm xưa nó cũng đỗ đại học giống thằng Quốc, nếu không vì nghèo khó không thể nuôi cả hai đứa ăn học, thì giờ đây nó cũng là cử nhân đại học rồi, cũng được như thằng Quốc làm việc và thành gia thất ở Bắc Kinh!” Sau đó ông nổi giận: “Anh con đã sớm gọi điện nhờ vả vợ chồng con, nhờ hai đứa sắp xếp, các con lại sắp xếp thế này à? Chỗ này là cho người ở chắc?”

Những câu này lọt vào tai người chủ thầu, anh ta nói chen ngang: “Bác à, bác không biết đó thôi. Ngày nay cử nhân đại học thất nghiệp đầy đường kia kìa, phải ngủ dưới hầm, sống trôi dạt, thậm chí có người còn không lo nổi bữa ăn cho mình, còn không bằng công nhân nữa ý.” Bố Quốc chợt đanh mặt lại lặng im. Đương nhiên anh ta nói hộ cho Hàng vì Hàng là sếp của anh ta mà. Nhưng câu nói tiếp theo của anh ta lại khiến nét mặt bố Quốc nhẹ nhàng trở lại. Anh ta nói: “Hơn nữa, xét theo điều kiện của con trai bác, từ trước tới giờ chưa làm qua việc này, tay nghề cũng không có, nên có lẽ sẽ bắt đầu bằng công việc khuân vác thôi. Khuân vác là gì hả? Tức là các công việc nặng nhọc của người công nhân. Như vác đất, chở cát, vai vác tay xách, đâu cần thì tới đó giúp. Đó là lớp công nhân ở vị trí thấp nhất, khổ nhất, là loại công nhân không có tay nghề.” Nói tới đây, anh ta lại nhìn Hàng một cái rồi tiếp lời: “Nhưng giám đốc Cố đã nói anh đây là người nhà của giám đốc, dặn chúng tôi phải sắp xếp cho tốt. Người nhà của giám đốc cũng sẽ là người nhà của tôi, tôi không nói nhiều nữa, vào làm thợ nề! Không biết có thể học. Làm gì có ai mới sinh ra đã biết hết được… Bác à, bác có hiểu thợ nề là gì không?” Bố Quốc gật đầu, chẳng nhẽ ông không biết thợ nề là gì. Ở quê xây nhà đều phải trả tiền thuê thợ nề về, thậm chí là trả nhiều tiền là đằng khác. Người chủ thầu nói tiếp: “Làm thợ nề nhanh chậm chưa tính đến, nhưng trước hết phải học kỹ thuật. Học rồi tới đâu làm chẳng được Bắc Kinh bây giờ thiếu nhất là công nhân xây dựng. Vì sao? Vì thế vận hội 2008 nên phải tranh thủ thời gian để xây dựng!”

Bố Quốc quay sang cảm ơn Hàng, không nói ra lời mà biểu hiện bằng một nụ cười. Hàng chẳng muốn nhìn cái vẻ nhăn nhó của ông, càng chẳng muốn nói ra mấy câu thật lòng thế nên trước mặt ông nói lớn: “Tôi còn có việc xin phép đi trước.” Sau đó đi luôn.

Với tâm trạng mừng vui lẫn lộn, bố Quốc rời khỏi công trường. Vui thì khỏi nói rồi, vì con trai được bố trí làm thợ nề. Buồn vì chỗ ở của con. Con trai cả thân thể yếu đuối, vậy mà phải ở nơi này, gió lùa khắp phòng, làm sao chịu đựng được? Nửa đêm bố Quốc nằm trong chăn ấm đệm êm ở nhà con trai thứ, cứ nghĩ mãi về con trai cả đang ngủ ra sao mà không thể chợp mắt được. Ông muốn gọi điện cho Quốc nói chuyện, bảo con về bàn với vợ liệu có thể đổi một nơi ở khác cho anh không. Nhưng ông lại lo Quốc sẽ vội vàng mà cãi nhau với vợ, hai đứa nó bất hòa thì việc của Thành càng khó hơn. Thế nên ông đành nhẫn nhịn. Đợi ngày mai sẽ đến công trường, mang cho con trai thêm tấm chăn ấm. Sáng hôm sau vừa dậy, ông lập tức nói chuyện này cùng con dâu. Lần này thái độ của con dâu cũng rất tốt. Tây lập tức gật đầu đồng ý, vội tìm trong nhà bộ chăn gối dày nhất, còn bắt xe cho bố, đưa bố tiền xe và tiền ăn trưa. Tây còn dặn tối nay bận nên có lẽ sẽ về muộn chút, không kịp nấu cơm cho bố ăn, dặn bố xuống tiệm cơm tầng dưới ăn tạm. Mồm thì đồng ý, nhưng trong lòng ông nghĩ mình về nhà làm gì cơ chứ? Vấn đề của Tây là không muốn cùng ở với bố chồng, Tây rất ngại ông. Có điều lúc ấy ông cũng có mục đích riêng trong lòng như Tây, nên còn dặn con dâu là nếu muộn quá không cần phải về nhà, cứ ngủ lại nhà mẹ đẻ cũng được, đỡ phải chạy đi chạy về. Trong lòng âm thầm nghĩ, nếu con dâu không về, con trai có thể về nhà ngủ. Tuy rằng đây không phải cách lâu dài nhưng chẳng cần, được về nhà ngủ ngày nào hay ngày ấy. Bây giờ đã là lập xuân, thời tiết cũng ấm áp dần lên. Nghe bố chồng nói vậy, Tây chỉ nghĩ là bố không muốn ở một mình với con dâu, cũng như mình không muốn ở cùng bố chồng, đặc biệt là lúc Quốc vng nhà như lúc này. Cả hai cùng cúi mặt xuống đất chẳng ai dám ngước lên nhìn, nói linh tinh vài câu làm quà, thật là mệt mỏi, thế nên Tây đồng ý ngay với ý kiến của bố chồng.

Ăn sáng xong, bố Quốc lập tức tới công trường tìm con. Công nhân đều đã đi làm, phòng trọ khóa cửa. Nghe người xung quanh nói trưa cũng không về, vì mọi người đều ăn trưa ngay ở công trường. Ông đành trở về nhà, định bụng ăn tối xong lại qua chỗ con. Ăn tối xong, bố Quốc lại qua khu trọ, lần này ông đã tìm được Thành, và bảo là đến đón con về nhà. Nhưng Thành không đi. Thành nói: chuyện này chắc là vợ chồng em chưa biết, mà dù có đồng ý rồi Thành cũng không về vì nghĩ rằng mình lên đây đã làm phiền mọi người nhiều lắm rồi. Đứa con này rất tốt bụng, chuyện gì cũng nghĩ cho người khác trước. Không còn cách nào khác, bố Quốc đành trở về nhà, đem chiếc chăn ấm tới cho con. Đèn trong các gian trọ lờ mờ sáng, vì trời lạnh nên công nhân vội vàng chui vào chăn nằm. Thành là người mới tới, nên phải nằm ở gần cửa, và tất nhiên đó cũng là chỗ lạnh nhất. Bố Quốc nhìn cảnh tượng ấy với ánh mắt thất thần hồi lâu, trong lòng cảm thấy vô cùng buồn rầu. Hai đứa con, một tốt nghiệp đại học, một thì chưa, có và không học đại học sao khác nhau như trời và vực vậy. Con trai út có cuộc sống ra sao? Và đứa cả này thì thế nào? Mu bàn tay và lòng bàn tay đều là thịt cả.

Từ công trường trở về, ông mới nhớ ra mình quên mang theo chìa khóa. Người nông thôn không có thói quen mang theo khóa mà. Thế nên, đành ngồi chờ ngoài cửa. Có người hàng xóm qua nói ông có muốn gọi điện thoại không nhưng ông nói không cần. Quốc nói hơn mười một giờ mới trở về, bây giờ đã hơn mười giờ. Ông nghĩ rằng chỉ đợi bên ngoài khoảng một tiếng là cùng, vì thế cũng không muốn gọi cho con dâu hỏi chìa khóa, không muốn làm phiền người khác.

Thực ra lần này bố Quốc đúng là đã hiểu nhầm Tây, Tây về nhà là có việc thật chứ không phải để tránh ông. Vì nếu muốn tránh cần gì tới lúc này mới tránh. Quốc không ở nhà, nhưng liên tục gọi điện dặn vợ phải chăm sóc cho bố, vậy mà Tây lại bỏ mặc bố về nhà mẹ đẻ, đúng là tự tìm rắc rối rồi. Nhưng sự việc đúng là tình cờ, hôm nay Tây thực sự phải về nhà để bàn với bố vè hợp đồng bản quyền của cuốn sách, có hợp đồng rồi mới có thể nhờ Khải Đoạn giúp một tay, ủng hộ cho bố Tây xuất bản cuốn sách. Nếu không phải vì bận bịu chuyện của bố Quốc suốt mấy ngày hôm nay, hôm qua tan làm Tây đã trở về nhà luôn chứ chẳng về nhà mình làm gì nữa. Tây định bụng bàn với bố chuyện hợp đồng xong sẽ về nhà nhưng chính bố Quốc đề nghị không phải về, Tây thì đương nhiên mở cờ trong bụng rồi, và không về nữa. Nghĩ cho cùng cũng chẳng có việc gì cần thiết phải về nhà, cơm tối cũng đã dặn bố rồi, nước sôi cũng không để bố phải đụng tay đến, mà cũng chỉ một tối thôi mà, tối nay Quốc lại về nữa, thế thì chuyện gì có thể xảy ra được chứ?

Trong khi đó sách của bố Tây tối nay phải ký xong hợp đồng và mang bản hợp đồng về cơ quan. Cuốn sách của bố Tây vốn đã được đồng ý xuất bản, không ngờ trong cuộc họp giao ban cuối cùng, gặp ngay sự phản đối của trưởng phòng phát hành, anh ta nói rằng: “Tôi cam đoan rằng việc lựa chọn chủ đề cho sách ngày hôm nay 50% là không được. Vì sao ư? Vì không thể bán được. Theo tôi, các biên tập viên khi làm sách cũng cần chú ý lắng nghe ý kiến của bên phòng phát hành. Chúng tôi đã nói với các vị rất nhiều lần rồi, khi lựa chọn đề tài cần phải để ý tới sự quan tâm của bạn đọc, lắng nghe họ nói! Ví dụ cụ thể như, bài nghiên cứu của giáo sư gì đó về thơ Đường gì đó, mà biên tập viên Cố Tiểu Tây đang làm, liệu có bán được không? Bán cho ai xem? Đối tượng bạn đọc là ai? Đã tìm hiểu thị trường chưa? Đã tính lãi chưa? Lỗ ai chịu? Đúng là bản thảo vớ vẩn!” Anh ta không hề biết rằng tác giả cuốn sách đó chính là bố Tây. Tây cũng không muốn để ai biết vì sợ người ta nói rằng Tây tư lợi cá nhân. Lúc đó, Giai cũng tham gia họp với tư cách là phó trưởng ban, chợt thấy lo lắng. Một là thực sự lo cho cuốn sách của bố Tây, Giai biết bố Tây đặt hy vọng như thế nào cho cuốn sách ấy; còn trong thâm tâm, Giai cũng lo lắng cho bản thân mình nữa. Hiện giờ cả nhà đều đang phản đối chuyện giữa Giai và Hàng. Với tình hình này không khéo cuốn sách của bố Tây bị loại mất. Với tư cách là phó trưởng ban, dù đây chẳng phải việc liên quan tới mình thì Giai vẫn phải lên tiếng! Thế nên Giai lập tức đưa ra ý kiến: “Cuốn sách này năm ngoái đã báo cáo rồi mà, hơn nữa, nhà xuất bản cũng đồng ý để biên tập viên mỗi năm được làm một vài đầu sách học thuật không có lãi.” Trưởng phòng phát hành tranh luận lại: “Cứ cho là không có lãi, nhưng cũng không phải là bù lỗ. Ít nhất cũng phải hòa vốn chứ. Dù là sách viết về học thuật thì cũng phải là người có tư sách viết sách học thuật chứ, nói cách khác, đó phải là người nổi tiếng. Khi bán sách là bán hai thứ, hoặc là bán danh tiếng của tác giả, hoặc là bán nội dung của sách. Cuốn này chẳng có gì, cô bảo tôi bán cái gì đây?” Giai không nói lại được, nên chỉ biết nhấn mạnh một điểm là tác giả cũng là một vị giáo sư. Trưởng phòng phát hành lạnh lùng đáp: “Giáo sư thì sao? Giáo sư mà cũng được coi là danh tiếng hả? Đó chỉ là học vị, ở cơ quan nào chẳng đó có thể dọa người ta, chứ ra xã hội ai thừa nhận điều này?” Cứ tranh luận mãi điều này, cuối cùng tổng biên tập Hà Hi Nễ tuyên bố cứ xuất bản cũng chẳng sao, nhưng phải chu nửa phí tổn, vậy là trưởng phòng phát hành đồng ý. Khi đó, trường phòng phát hành thể hiện rõ thái độ khoan dung độ lượng của kẻ đắc thắng, con nói khuyên Giai một câu: xin tài trợ. Mọi người đều ồ lên cười. Đây mà cũng được gọi là “lời khuyên” hả? Giờ ai chẳng muốn xin tài trợ, nhưng tài trợ khác nào ý tưởng điên rồ. Thế nên trưởng phòng phát hành cũng bật cười, gật đầu đồng ý. Giả sử đây là một tác giả xinh đẹp còn có thể xin tài trợ, chứ lại là nam giới, mà là người già, xin tài trợ ai cho? Sau cuộc họp, trên đường trở về phòng làm việc, Giai cứ suy nghĩ mãi, rồi đột nhiên nghĩ ra Lưu Khải Đoạn.

Ngày hôm đó, Tây và Khải Đoạn sau khi hẹn gặp nhau, Đoạn nói anh ta có thể tài trợ nhưng có hai điều kiện: một là không tài trợ cho Trần Lãm, hai là Giai phải trực tiếp tới đàm phán. Giai mỉm cười lạnh lùng, việc này đành phải làm vậy. Hiện giờ Giai quyết định, vì bác Cố, sẽ tới tìm Khải Đoạn để xin tài trợ. Tây thì chỉ biết khuyên Giai nên thận trọng. Dù Tây biết rằng nếu lần này Đoạn và Giai có thể hòa hợp với nhau, chuyện của em trai mình cũng coi như được giải quyết, nhưng cũng tuyệt đối không muốn vì chuyện này mà Giai phải lao vào chỗ nguy hiểm. Bất luận Khải Đoạn có bao nhiêu ưu điểm, Tây cũng cho rằng, anh ta rốt cục vẫn không phải bến đỗ bình yên của một phụ nữ. Tây cũng cho rằng Giai làm như vậy cốt là để ghi điểm với gia đình mình, nhưng Tây đồng thời cũng hiểu rằng, điều này không thể có tác dụng gì. Vì trước hết Tây muốn nói hết những lời này với Giai, Tây không thể vờ câm vờ điếc mà lợi dụng người ta. Giai chỉ mỉm cười nói Tây lo xa quá, và rằng Giai làm như vậy hoàn toàn chỉ vì bản thân mà thôi. Giai không muốn gia đình Tây hiểu lầm mình chỉ vì cuốn sách này không thể xuất bản được. Sau đó, Giai lập tức gọi điện cho Khải Đoạn. Khải Đoạn. trong điện thoại yêu cầu được gặp trực tiếp để thảo luận, và Giai đồng ý ngay, còn hẹn nói tứ thì trong tối nay. Hôm sau đi làm, Giai thông báo là Đoạn đã đồng ý tài trợ và dặn Tây lập tức về nhà đưa hợp đồng cho bố ký nhanh kẻo đêm dài lắm mộng.

Khi đi làm, Tây lập tức giao hợp đồng lại cho Giai; lúc tan làm lập tức về nhà mẹ. Lúc đó, bố mẹ Tây còn nhắc nhở Tây rằng Quốc không có nhà, một mình bố chồng ở nhà liệu có ổn không? Tây còn bảo đó là chủ ý của bố chồng mà. Ăn tối xong, xem tivi một lúc, Tây vào đi tắm mà không hề biết rằng lúc ấy bố chồng đang phải đi ở hành lang ngoài cửa. Ở ngoài hành lang không có máy sưởi vì thế rất lạnh. Quốc dặn mười một giờ về mà chẳng hiểu sao mười hai giờ chưa thấy về. Bố đợi bên ngoài lạnh tới mức đứng ngồi không yên, hai chân run rẩy và vào nhau. Đúng khi ấy, đúng khi hai chân bố run rẩy va vào nhau ấy, Quốc về tới. Quốc vô cùng tức giận. Trước khi đi đã dặn đi dặn lại là phải chăm sóc bố và anh trai, đi rồi vẫn không quên liên tục gọi điện về nhắc nhở vậy mà không ngờ Tây vẫn đang tâm để bố ở nhà một mình rồi quay về nhà mẹ đẻ ở. Bố Quốc cũng có giải thích cho Tây mấy câu nhưng theo những gì Quốc hiểu về Tây cũng như cách cư xử của Tây trước đây, hỏi sao Quốc có thể tin được đây? Thiết nghĩ chắc bố cũng chẳng qua là vì muốn cho qua chuyện mà nói vậy. Nhưng trong việc này làm sao Quốc cho qua được, không thể được. Sau khi vào nhà, Quốc rửa nồi nấu cơm cho bố, chăm sóc bố, tắm rửa sạch sẽ rồi mời bố đi nghỉ, sau đó gọi điện thoại cho Tây chất vấn. Tuy nóng giận nhưng Quốc vẫn đủ tỉnh táo để gọi vào di động cho Tây. Điện thoại bàn nằm ở phòng khách, khi chuông reo, cả nhà sẽ đều nghe rõ, mà lúc đó đã là nửa đêm, cả nhà Tây cũng đi ngủ từ lâu. Nhưng di động của Tây báo “đã khóa máy”, nói cách khác, Tây đã đi ngủ. “Sao cô ấy có thể ngủ ngon lành vậy chứ!” Anh trai lên Tây lập tức đưa anh tới công trường, rồi vứt hai cha con ở đó, một mình đi về nhà hưởng thụ an bình, thật là bực mình! Không gọi được di động, Quốc chẳng kịp suy nghĩ cho kỹ lập tức gọi sang máy bàn. Đúng lúc ấy, bố Quốc lên tiếng cản lại, nói rằng làm vậy không được, sẽ làm kinh động cả tới bố mẹ Tây; nhưng Quốc nghiến răng nghiến lợi nói: Tây không coi bố mẹ mình là bố mẹ thì mình cũng không cần coi bố mẹ Tây là bố mẹ!

Gia đình Tây đang yên tĩnh chìm trong giấc ngủ. Tiếng điện thoại reo lên một hồi làm bố mẹ Tây cùng ngồi dậy, phản ứng khi nghe tiếng điện thoại reo là mẹ Tây nghĩ ngay tới bệnh nhân ở giường bệnh số 6 có vấn đề gì xảy ra. Bệnh nhân ở giường bệnh số 6 vừa được phẫu thuật cát phần lớn gan lúc chiều, trong quá trình phẫu thuật mất rất nhiều máu, bệnh rất nặng. Nghĩ vậy, mẹ Tây vội vàng mò mẫm ra phòng khách trong bóng đêm, không may đá phải chiếc ghế ngã ra đất, đau quá mẹ kêu lên “ay a”. Nghe tiếng hét, bố Tây cũng vội vạng sờ loạn lên tường, mãi mới thấy chiếc công tắc, liền bật đèn lên.

Khi mẹ Tây ra tới phòng khách, Tiểu Hạ đã nhận điện thoại, đúng là tuổi trẻ có khác, phản ứng cũng nhanh hơn. Hạ đang nói chuyện trong điện thoại: “Tây ngủ rồi ạ… vâng, tôi sẽ đi gọi ngay!” Mẹ Tây hỏi là ai Hạ lập tức trả lời, làm mặt mẹ chùng xuống, không buồn nói câu nào đi thẳng về phòng. Đã một giờ hơn rồi, Quốc gọi điện tới đây làm gì nhỉ, không để mai hãy nói? Gọi điện thoại bàn trong khi biết rõ mọi người đã đi ngủ, mai còn phải đi làm, bố mẹ Tây đều đã cao tuổi, sức khỏe không được tốt, Quốc là vậy là có ý gì đây? Lúc ấy mẹ Tây cảm thấy rất bực mình, quay về phòng rồi cố tự trấn an, cố nén nhịn. Bố Tây lại còn trách bà rằng dù là việc cơ quan cũng không cần lo lắng đến thế. Mẹ Tây giải thích rằng dù bệnh viện không xảy ra chuyện gì nhưng nửa đêm đang ngủ ngon mà điện thoại reo thế cũng chẳng thể chịu nổi. Rồi mẹ Tây nói thêm rằng chỉ vì việc hôn nhân của con gái lo không tốt nên cả đời này bố mẹ đành chịu trận. Cả hai người đều nhận ra rằng Quốc tìm Tây một cách bất thường như vậy chắc là hai đứa đã xảy ra chuyện gì rồi.

Tây mơ mơ màng màng đi ra nhận điện thoại, đầu dây bên kia Quốc nổi điên lên như giông bão ập tới. Tây chưa nghe hết câu chuyện liền dập máy, chẳng buồn giải thích câu nào. Tây đoán chắc bố chồng lại ở giữa nói gì đó xen vào, nói gì đó là không sắp xếp chỗ ăn nghỉ tử tế cho con trai đây mà. Nghĩ vậy trong lòng Tây cũng bực tức vô cùng, biết rõ thói quen sinh hoạt của bố mẹ Tây mà lại làm vậy, Quốc có ý gì đây, định đánh đắm thủng thuyền chắc?

Tây đoán không sai, chính cái lúc Tây hững hờ dập máy ấy, Quốc đã nghĩ tới chuyện ly hôn. Sáng nay, sau khi ăn sáng xong, Quốc dẫn bố cùng tới thăm anh trai, hỏi thăm lòng vòng khắp nơi mới hỏi ra được nơi Thành đang làm. Thành đang làm việc cùng một thợ nề khác. Người công nhân đó cũng rất tốt bụng, và cùng là người Sơn Đồn, nên quan tấm tới Thành lắm, cũng chẳng ngại ngần dạy Thành từng kỹ thuật một. Thành vì thế cảm thấy rất vui. Hơn nữa, người công nhân ấy cũng cảm thấy vô cùng hài lòng về Thành, nói rằng Thành rất khéo tay, nói một hiểu mười, cứ thế này chẳng bao lâu có thể tự làm được hết. Nhìn thấy anh như vậy, Quốc cũng thấy bình tâm hơn. Lúc ấy, Quốc đã bình tình lại để nghe bố kể sự việc tối hôm qua, nghe xong câu chuyện mới biết rằng bố không vào được nhà là vì quên chìa khóa chứ không thể trách Tây được. Và cũng tới lúc ấy, Quốc mới nghĩ được rằng ở nhà Tây có thể đang có chuyện quan trọng thật. Bố Quốc nói rằng, lần này gia đình Tây đối xử rất tốt, có thể thấy chỉ cần gia đình họ nỗ lực làm thì hoàn toàn có thể làm được. Đồng thời ông hỏi còn trai liệu có thể bàn thêm với Tây xem có thể bố trí cho Thành chỗ ở khác tốt hơn được không? Khu nhà tạm của công nhân này tồi tàn quá. Quốc không dám lập tức nhận lời. Người ta đã giúp anh trai sp xếp chỗ làm, lại là một chỗ làm rất tốt, giờ lại đưa ngay ra yêu cầu mới, thực sự không tiện lắm. Ngoài ra trong lòng Quốc còn một nỗi lo, đó là không biết hôm qua, giữa đêm hôm khuya khoắt gọi điện tới nhà Tây có làm ảnh hưởng gì tới mọi người không? Thế nên, Quốc đành nhẹ nhàng nói với bố cứ để từ từ tính tiếp. Bố Quốc suy nghĩ giây lát rồi đồng ý.