Thời đại kết hôn mới - Chương 20 phần 2 [Hết]

Tối hôm đó, họ cứ ngồi tâm sự mãi ở quán ăn tới khi đóng cửa.

Quốc lái xe đưa Tây về nhà. Rất nhanh, Bắc Kinh chìm vào màn đêm yên tĩnh, đường phố cũng vắng tanh.

"Tây, em có hiểu cho anh không?" Tây khẽ gật đầu.

"Em có tha thứ cho anh không?" Tây lại gật đầu.

Tây cười hiền hoà: "Ý của em quan trọng gì?... Anh Quốc à, giờ đây em là thật lòng, em đã hiểu hơn về anh và gia đình anh. Vì thế, giờ đây chúng ta nên nghe ý kiến của gia đình anh."

Quốc vội nói: "Tây chúng ta còn trẻ, chúng ta sẽ chữa được! Anh đã tìm hiểu trên mạng rồi, bệnh sảy thai tái phát người ta cũng không nói là không chữa được..."

"Thế nếu không chữa được thì sao?"

"Anh Thành bảo, anh sẽ nói với bố mẹ việc em không thể sinh con." Tây chợt lặng người. "Anh Thành luôn đứng về phía chúng ta. Lên Bắc Kinh thực sự anh cũng trưởng thành hơn nhiều. Anh Thành nói với bố mẹ sẽ tốt hơn là anh nói."

Anh Thành thật tốt" Tây ngừng lại rồi từ từ nói tiếp: "Với lại, ý của em là, chuyện bốc thăm ngày đó, anh không cần cho anh Thành biết đâu. Chúng ta không nên tìm sự thanh thản sau mỗi lần hối hận rồi đón mọi đau khổ lên vai anh Thành, đừng làm rối lên cuộc sống bình yên mà khó khăn lắm anh Thành mới có được..."

"Cảm ơn em đã hiểu anh. em cũng cũng đừng nói gì với gia đình em nhé!"

"Nhưng anh phải dùng hành động thiết thực để bù đắp!" Tây nói: "Đầu tiên, hãy giúp anh Thành nâng cao kiến thức, giúp anh thi tại chức! Anh Thành có tư chất thông minh, chắc điều này không vấn đề gì! Sau đó, đón hai con của anh lên Bắc Kinh học, anh phải chịu mọi học phí từ tiểu học, trung học, đại học! Nếu cần giúp đỡ gì anh có thể tìm em."

Quốc vừa đau lòng vừa cảm động, cảm động vì Tây mà đau lòng cũng vì Tây. Một người phụ nữ tốt như vậy mà Quốc chẳng cách nào gánh vác tương lai của 2 người, chỉ có thể nghe theo sự sắp xếp của gia đình. Đương nhiên Tây cũng hiểu những mâu thuẫn này trong lòng Quốc, nên nước mắt cứ tuôn trào.

Tối về nhà, anh Thành cứ chờ Quốc mãi để hỏi xem hai em hôm nay nói chuyện như thế nào. Quốc thì lại muốn hỏi xem kết quả Thành và bố mẹ nói chuyện ra sao. Thành nói, qua điện thoại anh đã nói hết với bố mẹ mọi chuyện cũng như nói cả ý kiến của Thành và Quốc cho bố mẹ biết nhưng bố mẹ chưa trả lời gì. Sau đó Thành lại thở dài nói giá mà mình sinh được thằng con trai thì đỡ, đây lại sinh hai đứa con gái.

“Nam hay nữ cũng thế mà anh!” Quốc nói.

“Đó chỉ là ở trên thành phố thôi!”

Lúc này, Quốc mới nói cho Thành nghe về ý kiến của Tây: “Anh, Tây bảo đưa hai cháu lên Bắc Kinh học, tiền học tiểu học, trung học và đại học em sẽ chịu hết, còn bảo nếu gặp khó khăn gì có thể tìm cô ấy.”

Thành cảm động vô cùng.

“Anh, anh gọi lại cho bố đi, nói với bố là Tây có rất nhiều nhược điểm – một trong số đó là không thể sinh con – nhưng đồng thời cô ấy cũng có rất nhiều ưu điểm đáng quý mà không dễ ai có được!... Nếu bố mẹ không đồng ý cô ấy, cả đời này em sẽ…” ngừng một lúc rồi Quốc nói thật quả quyết “sống độc thân!”

Lại một lễ tình nhân nữa tới. Trời lạnh, những bông tuyết cũng lất phất rơi nhưng chẳng ảnh hưởng gì tới không khí của ngày lễ. Áp phích quảng cáo ngập tràn các đường phố, khắp nơi đều thấy những cô gái bán hàng đang giao bán hoa hồng hoặc các đôi tình nhân tung tăng đi với những đóa hồng trong tay.

Nhân viên chuyển phát nhanh mang tới sáu bông “hồng xanh” bước vào nhà xuất bản, đang ngó nghiêng tìm kiếm. Cuối cùng anh ta cũng tìm được đến ban biên tập số 6, bước vào và hỏi: “Xin hỏi ai là Cố Tiểu Tây?”

Cả Giai và Tây đều ngạc nhiên vì bó hoa hồng xanh quý hiếm kia. Ký nhận xong, biết được là do Quốc tặng, Giai khẽ mỉm cười đùa rằng xem ra đối xử với người yêu còn tốt hơn với vợ cũ. Trước đây có bao giờ Quốc mua loại hoa hồng này tặng Tây đâu. Tây thì không buồn cười, chỉ nói tiêu nhiều tiền thế để làm gì? Thà rằng tiết kiệm tiền nuôi cháu ăn học còn hơn. Giai nói: Tây thay đổi rồi. Tây không muốn nói thêm về vấn đề này nữa nên chuyển sang chủ đề khác hỏi xem Hàng và Giai bao giờ định kết hôn. Giai nói, chờ khi Tây và Quốc có kết quả chính thức họ sẽ tính.

“Thế thì hai người đừng bao giờ kết hôn nữa cho xong.”

“Làm gì mà bi quan thế.”

Tây chỉ cười không nói thêm gì nữa.

Tan làm, Tây ôm theo bó hồng xanh về nhà, suốt dọc đường Tây cứ nâng niu bó hoa, rất muốn mang về nhà khoe mọi người chút. Nào ngờ bố và chị Hạ lại chẳng tán dương bó hoa Tây ôm về, nhất là Hạ, nói rất thật rằng: “Kể ra hoa phải màu đỏ mới đẹp nhỉ?” Làm cho Tây mất cả hứng, biết sớm hai người này như thế, Tây chẳng mất công đem về làm gì. Ở cơ quan bao nhiêu người khen ngợi. May mà lúc đó Hàng về, vừa vào liền ngạc nhiên hỏi: “Hoa hồng xanh hả?” Ít ra cũng còn có người biết chơi hoa. Tây đi tìm cái bình để cắm hoa, trong lúc đó Hàng khẽ thì thầm với bố rằng hoa này anh Quốc tặng cho chị, như vậy đã rõ tình cảm của anh. Sau đó, Hàng buồn bã nói: nếu hai đứa cùng kết hôn, cùng đi khỏi nhà thì bố biết làm như thế nào?

“Bố còn có Hạ mà, hai kẻ đồng cảm, cái này gọi là “Đêm đến cùng bàn chuyện hậu sự, sáng mai thức dậy nói tương lai.”

Mẹ Tây lúc sinh thời vẫn tự trách là chưa hoàn thành trách nhiệm của một người vợ, giờ đây có Hạ do chính tay bà đào tạo nên đang thay bà chăm sóc bố Tây thật chu đáo. Nhưng Hàng thấy đây cũng chưa phải là cách lâu dài, vì dù sao Hạ cũng chỉ là giúp việc, lại còn rất trẻ, còn có cuộc sống riêng của mình, tới lúc đó, bố sẽ ra sao?

Cắm hoa xong, Tây mang bình hoa ra phòng khách đặt ngay ở nơi dễ thấy nhất.

Hàng nhìn chị, mỉm cười hỏi: “Ai tặng chị thế?”

Tây lườm Hàng một cái và đáp: “Còn ai vào đây nữa?”

“Anh Quốc hả?”

“Biết rồi còn hỏi.”

“Tối nay hai anh chị không đi đâu hả?”

“Anh ý có hẹn chị.”

“Sao chị không đi.”

“Biết là không thể thì không nên có…”

Bố nói chen vào: “Không phải thế, câu đúng của nó là: biết là không thể, vẫn phải cố làm.”

Tây càu nhàu: “Con biết câu đó mà!” rồi quay người đi về phòng. Bố Tây cũng đứng dậy theo con vào phòng. “Tây, hay là để bố tới gặp Quốc nói chuyện nhé!” Tây lắc đầu làm bố sốt ruột: “Vậy con định như thế nào? Cứ thế này mãi rồi sẽ đi đến đâu? Bố sẽ nói với thằng Quốc, về vấn đề này nó sai rồi.”

“Giờ sai lầm gì cũng không quan trọng nữa, chỉ cần gia đình họ không đồng ý, dù Quốc có đồng ý con cũng không đồng ý. Con không thể nhận sự hy sinh lớn như thế!”

Đêm khuya, bố Tây vẫn không thể chợp mắt, đời người ngắn ngủi như phù du, Tây còn trẻ nên chưa thể hiểu được điều này, đợi khi Tây trải nghiệm ra thì đã muộn rồi. Hơn ba mươi tuổi, bốn mươi rồi năm mươi cũng đến rất nhanh, đến khi năm mươi tuổi rồi mới lấy chồng thì ai lấy nữa đây? Trước đây, mẹ Tây luôn lo lắng vấn đề này, còn bố Tây thấy cũng không phải cái gì to tát, nhưng nay vợ mất rồi, những gánh nặng ấy lại dồn lên đôi vai ông. Bố càng nghĩ càng chẳng thể ngủ được, thế nên ngồi dậy định uống viên thuốc ngủ nào ngờ đánh thức Hạ. Hạ chạy lại giúp ông uống thuốc, rồi cùng trò chuyện với ông. Bố Tây hỏi Hạ: “Hạ à, quan niệm mọi người ở quê cháu về con trai và con gái không đúng lắm! Vì sao con gái lại không thể kế thừa hương hỏa chứ?”

“Đúng thì sao mà không đúng thì sao ạ? Nếu trong nhà không có đàn ông ra mặt thì ta sẽ phải chịu thiệt! Phân ruộng đất đâu có phân cho đàn bà! Còn rất nhiều việc khác mà đàn bà không được tham gia!...”

“Đúng thế, như vậy không thể chỉ trách là sự lạc hậu của người nông dân, trọng nam khinh nữ, mà là hiện thực của xã hội.”

“Rất nhiều vấn đề hiện thực! Nếu không vì sao cứ nhất quyết đòi sinh con trai chứ? Ở đầu thôn phía đông quê cháu có một gia đình, sinh đứa con đầu lòng là con gái, đứa thứ hai không được sinh vì sinh quá tiêu chuẩn, sinh quá một đứa chịu phạt năm nghìn tệ, nhưng phạt thế họ vẫn sinh, thậm chí sinh hẳn bảy đứa…”

“Thế có sinh được con trai không?”

Hạ lắc đầu: “Hiện giờ họ nghèo tới mức mùa đông phải ngủ ở trên nền đất. Nghe nói, họ lại có bầu…”

Hai người nói chuyện tuy nhỏ nhưng Hàng vẫn biết, Hàng luôn luôn ngủ muộn dậy muộn, giờ chắc đang lên mạng tìm tư liệu. Nghe thấy tiếng trò chuyện, Hàng ra mở cửa và nhìn thấy Hạ đang ở trong phòng bố, ngồi bên cạnh giường bố trò chuyện. Dưới ánh đèn mờ mờ, hai người trò chuyện thật thân mật, nhìn qua thật ấm cúng… Đột nhiên trong lòng Hàng lay động. Sáng hôm sau, không như mọi ngày, Hàng dậy rất sớm, để nói với chị về chuyện đêm qua, về chuyện chung thân đại sự của bố, trước khi Tây đi làm.

Trong thời gian làm việc, Tây xin phép ra ngoài đi tới trung tâm tư vấn các vấn đề cho người già và tìm gặp vị bác sỹ Quốc hỏi lần trước. Vị bác sỹ ấy đã đưa ra lời khuyên với vấn đề Tây đề cập: “Hai người họ, một cần được chăm sóc, một cần sự bình yên, có thể dựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là điều kiện cần thiết và quan trọng của một cuộc hôn nhân. Đối với trường hợp hai người này mà nói, thân phận, tuổi tác khác biệt không phải là vấn đề, hơn nữa theo như cô nói thì quan hệ của họ rất tốt đúng không?”

“Vâng rất hợp nhau.”

“Nếu đúng là vậy, tôi nghĩ rằng sự kết hợp này rất có lợi, đặc biệt là với bố cô. Tôi còn nhớ lần trước đã nói với một cậu trong gia đình cô rồi, người già tái hôn không chỉ có ý nghĩa ở hôn nhân, bây giờ quan trọng nhất là con cái hai bên.”

“Con gái chị ấy còn nhỏ, mới mười tuổi.”

“Thế còn cô và em trai cô, đã chuẩn bị chưa, nếu bố cô tái hôn?”

“Chuẩn bị? Chuẩn bị gì cơ?” Tây không hiểu.

“Bên nữ nhất định sẽ đưa ra yêu cầu. Ví dụ như tài sản. Suy cho cùng cô ta mới có hơn ba mươi tuổi, lại có đứa con hơn mười tuổi, nói như vậy cô ta còn một quãng đường đời dài nữa, cô ta không thể không suy nghĩ, sau khi bố cô chết cô ta và con gái sẽ lấy gì bảo đảm cuộc sống. Về điểm này tôi có thể cho cô biết, trở ngại lớn nhất của người già khi tái hôn chính là tài sản.”

“Nếu họ lấy nhau, cô ấy và con gái có được nhập khẩu Bắc Kinh không ạ?”

“Rất khó, hầu như là không được.”

Tây suy nghĩ ít lâu: “Nếu, nếu tôi và em trai đồng ý từ bỏ tài sản thừa kế thì sao?”

“Vậy phải đi làm công chứng.”

Tây nói lại cho Hàng về toàn bộ câu chuyện hỏi tư vấn đó, và cũng cho rằng việc này tốt cho cả bố và Hạ. Hai bên cùng nương tựa vào nhau vừa thông cảm cho nhau. Còn vấn đề về tài sản, hai chị em cũng dễ dàng nhất trí. Chưa nói tới chuyện bố mẹ cũng chẳng có mấy tài sản, mà dù có, cũng là do bố mẹ kiếm ra chẳng liên quan gì tới hai chị em. Vì thế nếu bố đồng ý dùng nó để đổi lấy sự bình yên cuối đời, họ cũng sẽ không phản đối. Tây không thể không khen ngợi Hàng, bảo rằng về nhiều chuyện Hàng đều có suy nghĩ này, Tây không ngờ là vì không nghĩ, mà không nghĩ là vì thói quen mất rồi. Hàng nói hai chị em đừng có mà tâng bốc nhau nữa, quan trọng là ý kiến của hai người kia. Hàng cho rằng thực ra vẫn còn có chút vấn đề: đó là vấn đề về quan niệm. Một giáo sư và một bảo mẫu, một người đã ngoài sáu mươi và một phụ nữ mới hơn ba mươi, cứ cho là hai người đó đồng ý, nhưng liệu có thể bỏ qua miệng lưỡi thế gian không? Người ngoài cuộc đương nhiên có cách nghĩ khác mà. Tây đề nghị sẽ đi nói với bố còn Quốc nói với chị Hạ. Hạ là do Quốc đưa về, nên Quốc xem như người nhà của Hạ. Nghe xong câu chuyện này, Quốc cảm động vô cùng, và nói với Tây: “Tây à, bố em có người con gái như em thật là có phúc.”

Tây cung kính đáp lại: “Cũng thế thôi, bố anh có người con trai như anh cũng vậy.”

Nói xong mới nhận ra mình vừa chạm phải điều nhạy cảm nên không nói thêm gì nữa.

Sự việc diễn ra thuận lợi ngoài mong đợi. Bố Tây thực sự rất quý Hạ, hơn nữa qua chuyện về giáo sư Thái, ông quyết định nếu tái hôn nữa, trước tiên phải thực sự cầu thị, là lấy vợ cho mình chứ không phải vì thể diện hay vì người khác, ông cũng không còn trẻ nữa, thà chơi một ván bạc còn hơn là tái hôn, vì nếu thua vẫn còn cơ hội lật lại. Những ngày tháng còn lại với ông không nhiều, giờ đây ông chỉ mong sự bình yên và ấm áp vô lo vô nghĩ, mà những điều này Hạ đều có thể đem lại. Còn Hạ, điều mà Hạ lo không chỉ là vấn đề về quan niệm mà là một vấn đề thực tế hơn: con gái của chị sẽ ra sao? Cứ để chị dâu Quốc nuôi cũng không phải cách lâu dài. Bố Tây bảo hay đón con bé lên Bắc Kinh học. Hạ lúc bấy giờ nước mắt tràn khắp mặt, được lên Bắc Kinh học chính là mơ ước của con bé, giờ ước mơ sắp thành hiện thực!

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Bố Quốc lên Bắc Kinh. Thành được khen thưởng trong cuộc thi công nhân lên thành phố làm việc có thành tích xuất sắc, được mời dự hội nghị và lên làm đại diện phát biểu. Hai anh em vội gọi cho bố lên xem. Bài phát biểu của Thành do anh tự viết, viết xong rồi nhờ Quốc xem qua, Quốc lại đưa cho Tây đọc, vì dù sao Tây cũng đã tốt nghiệp khoa Trung văn mà. Tây xem xong ngạc nhiên vô cùng, văn ngôn lưu loát, tư tưởng sâu sắc, ví như câu thơ “Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất, mai hoa hương tự khổ hàn lai(một)”, dẫn chứng đưa ra thật xác đáng khiến Tây vô cùng cảm phục. Đúng là có tài năng, có chí hướng, chỉ vì không có tiền mà cả cuộc đời đã đổi thay, và Tây cũng càng hiểu hơn tình cảm mà Quốc dành cho anh trai. Mà càng hiểu bao nhiêu thì càng đau lòng hơn cho quan hệ của Tây và Quốc lúc này. Bố và Hạ, Hàng và Giai đến giờ vẫn chưa lấy nhau, nhưng họ không vội vàng. Tây hiểu, họ là vì sợ Tây đau lòng.

Quốc gọi điện tới báo, bố muốn qua thăm gia đình Tây, mang biếu gia đình “một chút quà quê”. Bố Tây không muốn để ông tới, một phần vì hai gia đình chẳng còn quan hệ gì, hai là khi ông ấy tới, Tây nhất định sẽ buồn vì sự thực, và cũng sẽ không thể từ chối, chỉ có thể đồng ý mà thôi.

Nhưng bố Quốc nói tối sẽ đến, không ở lại ăn cơm, chỉ tới hỏi thăm thôi. Hôm ấy, cả nhà đã ăn cơm từ sớm, thu dọn đồ đạc, rửa hoa quả và pha trà sẵn đợi khách tới. Bố để ý thấy tối hôm nay Tây ăn rất ít, tinh thần không thoải mái, lại còn bảo lát nếu họ tới Tây sẽ lánh đi, rồi lúc sau lại bảo thôi, có gặp mặt cũng chẳng sao. Rõ ràng trong lòng Tây đang rất mâu thuẫn, vừa sợ nhưng lại vừa ngóng trông. Tây như vậy khiến bố cũng lo lắng. Bố Quốc đòi tới đây, nhất định không chỉ vì “chút quà quê” ấy, nhất định là có chuyện gì đó, nhưng là chuyện gì đây? Có thiệt thòi cho Tây không? Vì bệnh sảy thai tái phát của Tây có liên quan tới gia đình họ mà.

Thời gian hẹn gặp đã tới, chuông cửa reo lên, Tây bắt đầu lo lắng, rồi quyết đối mặt – cuối cùng Tây cũng không trốn chạy nữa, quyết tâm ở lại – thấy con gái như vậy bố Tây buồn vô cùng.

Hạ chạy ra mở cửa. Bố Quốc cùng hai anh em Quốc đều tới, Quốc là người bước vào sau cùng, trên tay cầm một túi lớn. Tây đứng dậy ra đón, nhưng không chào hỏi cụ thể ba bố con Quốc, chỉ lễ phép và khách sáo nói “mọi người tới chơi ạ”, khách sáo tới mức còn ra bắt tay mọi người. Mọi người ngồi vào bàn, bố bảo Quốc mở túi quà ra đem ra một bình rượu lúa nếp, sau đó, lấy ra một túi giấy nhỏ, xoa xoa một trang giấy vào lòng, và bảo rằng để chữa bệnh cho Tây họ đã tìm về một đơn thuốc: “Thuốc chuyên trị bệnh sản phụ đấy. Mấy vị thuốc trong đơn thuốc này ở Bắc Kinh đều có, chỉ có hai vị hơi khó tìm, và chúng tôi đều đã mang lên đây!” Sau đó, ông mở bao giấy ra và lấy trong đó cái gì đấy đưa cho Tây: “Sáu con mắt ếch, một đôi tinh hoàn hươu.”

Tây nhận đơn thuốc và hai vị thuốc đó từ trong tay bố Quốc rồi xem. Cả nhà đều nhìn Tây. Lát sau, Tây cứ cúi gằm mặt xuống nói: “Nếu như, bệnh này chữa không khỏi thì sao ạ?”

Bố Quốc nói: “Nếu các con thực sự muốn có con thì bảo anh Thành đưa một đứa về mà nuôi!”

Tây lặng người, ngẩng đầu lên hỏi: “Cả nhà không cần cháu đích tôn nữa à?”

“Cái đó…” Bố Quốc ho một tiếng, rồi nói tiếp “nam nữ như nhau mà, cháu trai hay cháu gái chẳng phải cũng như nhau sao?”

Tây cứ nhìn bố Quốc thật lâu: “Cảm ơn”, ngừng một lát Tây nói tiếp “bố”.

Bố Quốc lại ho một tiếng nữa, rồi quay sang nói với bố Tây: “Thằng Quốc và Thành đều đã nói với tôi rồi, mẹ chúng nó cũng bảo, Tây là có rõ ràng…” như thể không nhớ ra điều gì, ông nhìn sang hai con” câu này nói thế nào nhỉ?”

Thành vội đáp: “… là có nhược điểm rõ ràng nhưng dễ gặp, song cũng có rất nhiều ưu điểm đáng quý mà người khác khó có thể có được.”

Tây quay sang nhìn Quốc: “Câu này là anh nói hả?” Quốc gật đầu. Tây vội chữa thẹn: “Con có nhược điểm gì?... mà “không ít”, mà… “rõ ràng nhưng dễ gặp”?”

Cả nhà cùng rộ lên cười. Tây và Quốc cũng cười, cười đó mà nước mắt cứ tuôn rơi…

Một năm sau, Tây và Quốc sinh được một bé gái. Đứa bé vừa sinh ra có mắt một mí, ấy vậy mà một tháng sau lại thành hai mí, đôi mắt vừa to vừa sáng, màu xanh da trời, xanh trong như da trời không gợn chút ưu lo.

--The End--

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

sienna – vuthungoc – auduong_yy

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)